TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 45 – NGÀY 17/06/2023
CHỦ ĐỀ: 7 ĐIỂM LUYỆN TÂM (tiếp theo)
1/ Pháp hành sơ khởi: đầu tiên thực hành các pháp sơ khởi
2/ Pháp hành chính yếu: Luyện tâm bồ đề
3/ Chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ
4/ Một pháp thực hành suốt đời
5/ Chuẩn mực tâm đã luyện (tâm thuần)
Mục tiêu các pháp thâu vào một
Giữa hai chứng nhân, giữ bên chính
Luôn chỉ góp an lạc nội tâm
Loạn vẫn an được, đã luyện thuần
- “Mục tiêu các pháp thâu vào một”: Tất cả các pháp thực hành của chúng ta cần phải giữ một điểm chính yếu: giúp ta diệt trừ tất cả mọi phiền não. Nếu ta thực hành nhiều pháp, mà không giúp mình diệt phiền não, không giúp mình an lạc, thì phải xem lại pháp thực hành.
- “Giữa hai chứng nhân, giữ bên chính”: Bất cứ việc nào chúng ta làm đều có 2 nhân chứng, đó là bản thân mình và đức Phật. Thậm chí những việc xấu chúng ta làm và nghĩ mình làm việc xấu sẽ không ai biết, nhưng bản thân mình biết và đức Phật cũng biết. Khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ tự ý thức được, từ đó cố gắng làm nhiều việc thiện và tiết chế bản thân không làm việc xấu.
+ Khi chúng ta cố gắng làm việc tốt, đừng trông chờ người khác biết đến mình đã làm việc tốt gì. Người khác có biết hay không cũng không quan trọng bằng việc đức Phật biết. Vì đức Phật biết ta làm những việc tốt đó nên ta không cần kỳ vọng người khác biết hoặc cảm ơn mình. Chuyện chúng ta kỳ vọng nhiều ở người khác sẽ biết ơn mình, trân trọng mình thì tâm kỳ vọng đó là một dạng phiền não sẽ khiến ta bị thất vọng, khó chịu.
+ Trong tuần này, chúng ta hãy thực hành làm việc thiện, giúp đỡ người khác, không cần để người khác biết, trong tâm nghĩ rằng miễn sao đức Phật biết mình làm việc tốt là được.
- “Luôn chỉ góp an lạc nội tâm”: Đây là điểm cốt lõi, chính yếu nhất trong việc luyện tâm. Nếu thực sự luyện tâm và mong muốn việc luyện tâm đem đến lợi lạc thì tâm thức của chúng ta phải luôn ở trong trạng thái an lạc, vui vẻ, hạnh phúc. Đó mới đúng là kết quả của việc luyện tâm.
+ Nếu học văn bản 7 điểm luyện tâm mà không nhớ được nhiều thì chỉ học câu “Luôn chỉ góp an lạc nội tâm”. Hãy luôn ghi nhớ câu này, nghĩa là luôn luôn mọi lúc cũng chỉ làm mỗi việc là giữ cho tâm mình an vui, hạnh phúc. Đây là nhiệm vụ chính của việc luyện tâm. Nếu thực hành nhiều mà tâm không vui thì ta không có thành công trong việc luyện tâm. Nếu lúc nào cũng giữ cho tâm được an lạc, hạnh phúc thì ta đã luyện thuần thục được tâm của mình.
+ Trong cuộc sống chuyện tốt và chuyện xấu lúc nào cũng xảy ra. Khi có tình huống xấu xảy ra thì ta bị buồn khổ ngay lập tức. Nhưng lúc ta đang có được niềm an vui, hạnh phúc nào đó thì ta sợ mất đi niềm vui, hạnh phúc đó, sợ không giữ được hạnh phúc đó mãi mãi. Vậy một câu hỏi đặt ra là “Điều gì khiến ta bất an nhiều nhất?” Để trả lời câu hỏi đó, cần tìm ra được điều gì khiến mình hạnh phúc nhất? Có phải do ta không đạt được những điều mong muốn nên không hạnh phúc?
+ Mỗi người hãy tự tìm cho mình câu trả lời cho câu hỏi 1: “Điều gì khiến ta cảm thấy bất an và không vui nhất?". Nếu tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi 1 thì sang câu hỏi 2: “Với những điều khiến ta không vui đó, cho tới bây giờ ta đã làm gì để giải quyết chúng?”. Khi không có được điều mong muốn, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nếu có được điều đó thì sẽ hạnh phúc. Nhưng mọi việc sẽ không diễn ra như ý mình. Khi có được điều đó thì lại có việc khác xảy ra khiến ta không được thỏa mãn, không được hạnh phúc.
+ Bài tập trong tuần: Tìm những điều gì khiến ta không vui, sau đó đề ra một giải pháp để xử lý tình huống đó. Hoặc nghĩ từ xưa đến nay ta đã từng làm gì để giải quyết tình huống đó chưa, nếu chưa thì hãy tự nghĩ ra giải pháp để giải quyết các vấn đề của riêng mình.
+ Đừng nghĩ rằng đọc kinh, tụng chú sẽ có điều kỳ diệu xảy ra, rồi các vấn đề của mình sẽ được hóa giải. Đó là suy nghĩ của những người không biết Phật pháp. Học Phật pháp rồi thì phải biết cách suy nghĩ ra giải pháp để giải quyết vấn đề của mình. Cho nên tuần này chúng ta hãy nghĩ đến những chuyện khiến mình không vui và cố gắng tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề của mình. Khi ta áp dụng giải pháp đó mà thành công, có nghĩa là ta đã giác ngộ. Chúng ta có được những giác ngộ nho nhỏ, sau đó quen dần sẽ có được những giác ngộ, hiểu biết lớn hơn, dần dần tích góp lại rồi cuối cùng ta sẽ thành Phật. Đó là cách ta tu tập để đạt được giác ngộ. Chỉ ngồi đọc kinh, tụng chú không thôi sẽ không giúp cho ta hiểu biết và giác ngộ. Hiểu biết và giác ngộ chỉ xuất phát từ việc hiểu rõ đâu là khó khăn của mình và giải quyét vấn đề khó khăn đó thì khi ấy, ta mới giác ngộ được.
+ Thời đức Phật có nhiều người nghe đức Phật giảng. Một số người nghe đức Phật giảng trực tiếp thì họ giác ngộ. Một số người nghe giảng lại không giác ngộ được. Sự khác biệt không phải là do các học trò đang ngồi nghe giảng, người có nghiệp tốt thì giác ngộ được, còn người có nghiệp xấu thì không giác ngộ được, đó không phải là lý do. Người nào nghe Phật giảng xong mà có được giác ngộ là những người lúc nghe Phật giảng thì cố gắng nỗ lực để hiểu được lời Phật dạy và áp dụng cho chính bản thân mình, sau đó họ mới có được giác ngộ.
+ Chúng ta nên áp dụng những hiểu biết về Phật pháp của mình vào cuộc sống hằng ngày. Vì chỉ có áp dụng thực hành những lời Phật dạy, chúng ta mới có những trải nghiệm, những hiểu biết, giác ngộ. Khi chúng ta thành công giải quyết các vấn đề của mình thì lúc đó ta mới có những trải nghiệm của việc áp dụng thực hành lời Phật dạy. Khi đó, Phật pháp mới thực sự giúp được cho mình. Còn chỉ có biết Phật pháp không thôi, hoặc chỉ có nói Phật pháp cho người khác nghe thì những hiểu biết đó chẳng giúp ích được gì cho bản thân chúng ta.
- “Loạn vẫn an được, đã luyện thuần”: Chữ “loạn” ở đây nghĩa là khi có tình huống xấu xảy ra cho mình thì lập tức tâm ta không giữ được bình tĩnh, tâm lập tức bị tán loạn theo tình huống xấu đó. Ngược lại, nếu có tình huống tán loạn xảy ra mà ta vẫn giữ tâm không bị phiền não, vẫn giữ được an lạc thì lúc đó tâm đã được luyện thuần.
+ Bài tập trong tuần: mỗi ngày thực hành “khảo sát tâm” khoảng 3-4 lần, mỗi lần 3 phút. Trong thời gian đó, hãy tắt điện thoại di động, ngồi yên và nhắm mắt lại, quán sát xem có những tư tưởng nào phát sinh trong tâm mình. Sau 3 phút, hãy nhớ lại trong thời gian đó, có những suy nghĩ nào phát sinh trong tâm thì viết xuống giấy (để bản thân mình đọc). Vì ta đang khảo sát tâm mình tiêu cực hay tích cực nên lúc nhắm mắt quan sát tâm, đừng cố gắng nghĩ điều tích cực, cứ để tâm tự nhiên, để các suy nghĩ đến rồi đi, có điều gì phát sinh ra thì cứ viết xuống. Sau 1 tuần thực hành như vậy, ta sẽ biết rằng mình thường có suy nghĩ tiêu cực phát sinh hay có suy nghĩ tích cực phát sinh. Thông thường 99% người đều nghĩ rằng họ chỉ nghĩ điều tốt mà thôi nhưng thực ra suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn mà mình không nhận biết được. Nếu thấy ta thường hay có nhiều suy nghĩ tiêu cực thì có nghĩa là sức khỏe tinh thần đang yếu. Sức khỏe tinh thần yếu sẽ khiến ta không hạnh phúc, an lạc. Để có sức khỏe tinh thần vững mạnh, ta cần phải thực hành luyện tâm.
6/ Lời nguyện luyện tâm:
1. Luyện tâm không trái với lời nguyện
2. Đừng xem luyện tâm là khác biệt
3. Đừng thiên lệch trong pháp luyện tâm
4. Chuyển tâm nguyện, vẫn giữ tự nhiên
5. Đừng nói đến các phần khiếm khuyết
6. Đừng nghĩ đến các việc của người
7. Phiền não nào lớn, đối trị trước
8. Bỏ hết kỳ vọng vào kết quả
9. Bỏ hết mọi thức ăn có độc
10. Không nương tay với các vọng tưởng
11. Đừng điên tiết vì lời đùa ác
12. Đừng chực chờ mong đợi trả thù
13. Đừng tấn công vào những điểm yếu
14. Đừng bắt bò theo sức trâu dzo
15. Đừng nên ngầm chạy theo tốc độ
16. Đừng nên để bùa chú mất linh
17. Đừng khiến thiên thần thành ác quỷ
18. Đừng tìm hạnh phúc trong bất hạnh
- Lời nguyện ở đây có nghĩa là những nguyên tắc cần giữ để luyện tâm. Để có thể tuân thủ các nguyên tắc, ta cần có động cơ rất lớn. Ở đây có 18 lời nguyện.
- “Luyện tâm không trái với lời nguyện”: Một khi đã phát nguyện sẽ giữ các nguyên tắc để luyện tâm thì sau đó đừng có làm trái với lời hứa của mình.
- “Đừng xem luyện tâm là khác biệt”: Luyện tâm mà nghĩ rằng việc luyện tâm của mình là tốt mà xem thường người khác thì đó là điều không được làm.
- “Đừng thiên lệch trong pháp luyện tâm”: Ví dụ, ta luyện tâm yêu thương giúp đỡ người khác thì phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Nếu ta chỉ yêu thương giúp đỡ người thân trong gia đình mà đối với kẻ thù lại ghét hoặc hại họ thì đó là thiên lệch trong pháp luyện tâm.
- “Chuyển tâm nguyện, vẫn giữ tự nhiên”: Có 3 điểm chính yếu có thể thực hành để thay đổi tâm thức của mình, tức thay đổi từ bên trong. Đó là thực hành tâm bồ đề, thực hành buông xả, thực hành vô thường. Do đó, bất cứ khi nào gặp khó khăn, thử thách, chúng ta hãy thực hành tâm bồ đề, thực hành buông xả, thực hành vô thường để giúp mình thay đổi nội tâm bên trong. Nhưng bên ngoài, ta vẫn giữ thái độ tự nhiên với mọi người.