TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 42 – NGÀY 27/05/2023
CHỦ ĐỀ: LUYỆN TÂM TRONG PHẠM VI LỚN –
PHÁT TÂM BỒ ĐỀ BẰNG PHƯƠNG PHÁP HOÁN ĐỔI NGÃ THA
- Đối với phát tâm bồ đề, đầu tiên cần hiểu lợi lạc của tâm bồ đề.
- Có 2 phương pháp phát tâm bồ đề: Bảy lớp nhân quả và Hoán đổi ngã tha
- Hoán đổi ngã tha bắt nguồn từ các bộ luận của Ngài Tịch Thiên.
- Cốt lõi của việc tu học Phật pháp là luyện tâm và thay đổi tâm thức. Trong các phương pháp luyện tâm thì quan trọng nhất là luyện tâm bồ đề. Về các phương pháp luyện tâm bồ đề, có một số tác phẩm nổi tiếng như “Bảy Điểm Luyện Tâm”, “Tám Thi Kệ Luyện Tâm”, “Luyện Tâm Như Ánh Mặt Trời”…, hướng dẫn chúng ta làm sao tôi luyện và thay đổi tâm thức của mình để có được an vui, hạnh phúc và làm lợi lạc cho người khác.
- “Giải Thoát Trong Lòng Tay” hướng dẫn thực hành phương pháp hoán đổi ngã tha dựa trên văn bản có tên là “Bảy Điểm Luyện Tâm”. “Bảy Điểm Luyện Tâm” chủ yếu được truyền từ những lời giáo huấn qua miệng từ Tổ Atisha. Tổ Atisha có công lớn đối với Phật giáo Tây Tạng. Khi sang Tây Tạng thì Tổ Atisha đã có những giáo huấn bí mật cho các đệ tử của Ngài. Một trong những đệ tử lỗi lạc của Tổ Atisha là Dromtoenpa đã nhận được giáo huấn từ Ngài, sau đó pháp luyện tâm được truyền xuống cho Potowa, rồi truyền sang Langri Tangpa và Geshe Sharawa. Sharawa truyền cho đệ tử là Geshe Chaekawa. Đến Ngài Chaekawa thì đã tổng hợp và biên soạn lại các giáo huấn truyền miệng của Tổ Atisha để viết lên các điểm chính yếu trong luyện tâm.
- Từ những văn bản và phương pháp luyện tâm đó đã xuất hiện một truyền thừa rất nổi tiếng ở Tây Tạng là truyền thừa Kadam. Các vị theo truyền thừa Kadam được gọi là các bậc thầy Kadampa. Các bậc thầy Kadampa thời xưa cổ xúy cho phương pháp tu tập chủ yếu dựa trên luyện tâm và thay đổi tâm thức của mình để vượt qua tất cả khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống. Các bậc thầy Kadampa nói rằng các khó khăn, thử thách là do ác nghiệp từng gây tạo trong quá khứ nên bây giờ hãy thực hành tịnh hóa ác nghiệp và thực hành luyện tâm, thay đổi tâm thức của mình, từ đó sẽ có được an vui; khi có được an vui thì ta có thể vượt qua hết mọi khó khăn, bệnh tật. Đây là dòng truyền thừa luyện tâm rất vĩ đại, được nhiều người nương tựa và thực hành, giúp vượt qua khó khăn và bệnh tật. Dòng truyền thừa luyện tâm đã được truyền cho đến tận bây giờ.
- Trong cuộc sống hiện đại, nếu chúng ta biết áp dụng các phương pháp luyện tâm, thay đổi tâm thức thì sẽ diệt trừ được phiền não, có được an lạc trong cuộc sống.
- Về văn bản “Bảy Điểm Luyện Tâm”, có 7 điểm chính yếu trong luyện tâm:
I/ Các pháp hành sơ khởi (thực hành các pháp chuẩn bị), gồm:
+ Một là nghĩ thân người khó có được: Cảm thấy mình đã may mắn đến thế nào khi có được thân người và nhờ thân người này mà chúng ta làm được nhiều chuyện ý nghĩa.
+ Hai là nghĩ đến cái chết và vô thường: vì cái chết là chắc chắn, không ai có thể tránh khỏi cái chết nên chúng ta hãy quyết tâm tận dụng thời gian mình còn sống để làm những việc có ý nghĩa.
+ Ba là nghĩ về những nhược điểm của luân hồi: nghĩ luân hồi có nhiều bất trắc, có những nhược điểm như thế nào và tránh những nhược điểm đó, đồng thời cố gắng tận dụng những điều kiện tốt đẹp, may mắn mình có được để làm những việc có ích, mang đến hạnh phúc và lợi lạc cho đời sau.
II/ Điểm chính yếu thứ 2 trong Bảy điểm luyện tâm là luyện tâm bồ đề. Cụ thể là luyện 2 loại tâm bồ đề:
+ Tâm bồ đề thắng nghĩa (tâm hiểu biết về Tánh không)
+ Tâm bồ đề tương đối (tâm mong muốn thành Phật để làm lợi lạc cho chúng sinh)
- Có nhiều phương pháp để luyện tâm bồ đề tương đối. Phương pháp chủ yếu là Hoán đổi ngã tha. Về phương pháp Hoán đổi ngã tha, sách “Giải Thoát Trong Lòng Tay” hướng dẫn 5 điểm chính yếu (xem trang 180, quyển 2):
+ Trước khi thực hành cho nhận thực sự thì hãy thực hành cho nhận trung gian để thanh lọc cơ thể: đầu tiên giữ tâm bình đẳng (không quá bám chấp, không quá sân hận, để giữ tâm được an lạc, nhẹ nhàng), sau đó thực hành phương pháp cho nhận. Cụ thể, khi hít vào thì nghĩ năng lượng sạch dưới dạng làn hơi màu trắng đi vào cơ thể, tràn ngập khắp cơ thể mình sẽ chữa lành mọi bệnh tật trên thân và khi thở ra thì nghĩ rằng tất cả năng lượng xấu, tất cả bệnh tật trên thân sẽ được đẩy hết ra khỏi cơ thể theo hơi thở. Khi chúng ta đang tập trung như thế, nếu tâm có phân tán, nghĩ về chuyện khác thì cố gắng tập trung trở lại vào hơi thở. Thông thường khoảng thời gian thực hành cho nhận này là 21 lần hơi thở. Hít vào và thở ra thì đếm 1, thực hành 21 lần như vậy.
+ Sau khi sử dụng phương pháp này để thanh lọc thân tâm, chúng ta bước vào phần chính là thực hành cho nhận thực sự:
1/ Thiền về tâm bình đẳng: nghĩ tất cả các chúng sinh đều từng là mẹ của mình ở một đời nào đó và tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng vì ai cũng đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn đau khổ.
2/ Nghĩ đến lỗi lầm của tâm ái ngã: tâm ái ngã là tâm chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mà bỏ mặc lợi ích của người khác. Chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân là do trong tâm còn phiền não, còn bám chấp, còn nhiều sân hận. Tâm ái ngã đó có nhiều khuyết điểm, mang đến cho chúng ta nhiều khó khăn và đau khổ. Cho nên chúng ta phải nghĩ đến lỗi lầm của tâm ái ngã.
3/ Nghĩ đến lợi lạc của tâm lợi tha: ngược lại với tâm ái ngã là tâm lợi tha, tức là tâm mong muốn làm lợi ích cho người khác. Chúng ta có được nhiều lợi lạc từ tâm lợi tha.
4/ Thiền quán về hoán đổi địa vị của mình với người khác: mong muốn thay thế người khác để chịu đau khổ và mong muốn người khác đứng ở vị trí của mình để được hưởng niềm an vui. Mục đích hoán đổi địa vị là loại trừ tâm ái ngã và làm tâm lợi tha tăng trưởng.
5/ Đặt phương pháp này vào hơi thở: nghĩa là áp dụng pháp cho nhận, cụ thể là lúc hít vào hơi thở thì nghĩ rằng tất cả đau khổ của người khác sẽ theo hơi thở đi vào và mình gánh hết tất cả mọi đau khổ của người khác. Sau đó khi thở ra thì nghĩ tất cả mọi an vui của mình sẽ theo hơi thở đi ra và thấm hết vào tất cả chúng sinh. Chúng sinh sẽ có được hạnh phúc của mình và mình sẽ gánh mọi đau khổ của chúng sinh.
+ Cách luyện tâm chủ yếu là nghe giảng và hiểu được phương pháp thực hành, sau đó áp dụng phương pháp thực hành đó để làm thay đổi tâm thức của mình. Từ lúc thay đổi được tâm thức, chúng ta cảm nhận được có rất nhiều lợi lạc đến với cuộc sống của mình. Đó mới là cốt lõi của pháp thực hành luyện tâm.
+ Ở bước 5, nếu ai muốn thực hành thâm sâu thì hãy thực hành. Đối với những pháp thực hành thâm sâu, nếu chúng ta có thể thực hành được sẽ mang đến rất nhiều công đức và lợi lạc. Đừng xem thường bản thân, đừng nghĩ rằng mình không có khả năng làm được rồi bỏ mặc không làm, nếu như vậy thì khi nào chúng ta mới có đủ năng lực để có được sự phát triển lớn trong tâm thức. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày thực hành một chút thì qua mỗi ngày, việc thực hành các pháp thâm sâu sẽ trở nên dễ dàng hơn.
III/ Điểm thứ 3 trong Bảy điểm luyện tâm là chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ: lúc thực hành luyện tâm thì có nhiều trở ngại, vậy làm sao thay đổi các hoàn cảnh khó khăn trở thành các hoàn cảnh thuận lợi cho mình.