13-05-2023
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 41 – NGÀY 13/05/2023

LUYỆN TÂM TRONG PHẠM VI LỚN: CÁCH PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

(Ngày 16 - tiếp theo)

Trong việc thực hành pháp, cho dù cúng 1 chén nước, 1 nén hương thì động cơ ban đầu rất quan trọng. Nếu động cơ rộng lớn, nghĩ đến lợi lạc cho tất cả chúng sinh thì công đức của pháp thực hành đó sẽ rất nhiều. Do đó, chúng ta cần phải khởi động cơ tốt đẹp trước khi học pháp cũng như trước khi thực hành bất cứ pháp hành nào.

A/ Lợi lạc của tâm bồ đề:

- Phẩm 1, tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Ngài Tịch Thiên nói rằng nếu chỉ một khoảnh khắc thiền về tâm bồ đề thì cũng thanh tịnh được rất nhiều ác nghiệp và tích góp được nhiều công đức.

B/ Làm sao để phát khởi tâm bồ đề:

- Tâm từ bi là tấm lòng yêu thương người khác, mong muốn giúp đỡ người khác. Tâm từ bi rất quan trọng trong mọi mặt cuộc sống của mình. Nếu có tâm từ bi thì cuộc sống sẽ suôn sẻ và có nhiều hạnh phúc, an lành. Nhưng không phải mỗi thực hành tâm từ bi, không phải chỉ sống tốt, đối xử tốt với mọi người là đủ để phát triển tâm bồ đề. Để phát triển tâm bồ đề (tức là tâm mong muốn làm lợi lạc cho chúng sinh), ngoài chuyện sống tốt với mọi người, mà còn phải có hệ thống tu tập theo thứ lớp. Trong Lamrim hướng dẫn một hệ thống tu tập như thế để chúng ta có thể sinh khởi tâm bồ đề. Đây là một điểm đặc biệt của Lamrim. Nếu thiền quán tâm bồ đề theo trình tự thứ lớp thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ sinh khởi được tâm bồ đề chân thật.

- Có 2 phương pháp để sinh khởi tâm bồ đề: Bảy lớp nhân quả & Hoán đổi ngã tha. Hai phương pháp này đều xuất phát từ 2 vị tiên phong đã khởi xướng 2 dòng truyền thừa trong Phật giáo Đại thừa. Các vị tổ nổi tiếng ở Ấn Độ thời xưa đã thực hành phương pháp Bảy lớp nhân quả là Ngài Nguyệt Xứng và đệ tử của Ngài là Ngài Nguyệt Cung, sau đó truyền xuống cho Ngài Tịch Hộ. Các vị này đã thực hành tâm bồ đề theo phương pháp Bảy lớp nhân quả. Phương pháp Hoán đổi ngã tha có Ngài Tịch Thiên, tác giả của tác phẩm Nhập Bồ Tát hạnh, đã từng thực hành.

- Sự khác biệt giữa phương pháp Bảy lớp nhân quả và Hoán đổi ngã tha:

+ Phương pháp Bảy lớp nhân quả chủ yếu phát triển dựa trên nền tảng công nhận có kiếp trước, kiếp sau, từ đó phát sinh ra một trình tự để ta có thể thực hành phát triển tâm bồ đề.

+ Phương pháp Hoán đổi ngã tha không cần phải công nhận có kiếp trước, kiếp sau, mà phát triển tâm bồ đề dựa trên việc hoán đổi địa vị của mình với người khác. Địa vị ở đây là mong cầu của mỗi một người là mong có hạnh phúc và không muốn đau khổ. Chúng sinh nào cũng đều không muốn đau khổ và đều mong muốn có được hạnh phúc. Ở phương diện này, mọi chúng sinh là bình đẳng. Vì thế, chúng ta cần phải làm lợi lạc cho người khác, tránh gây đau khổ cho người khác.

1/ Phát tâm bồ đề theo thứ tự Bảy lớp nhân quả (xem trang 144, quyển 2)

- BƯỚC 1: Thiền quán rằng tất cả mọi chúng sinh hữu tình từng là cha, là mẹ của mình trong những đời quá khứ.

+ Đối với bước này, ta phải công nhận có kiếp trước, kiếp sau, xem tất cả chúng sinh đều từng là cha, là mẹ của mình trong một đời nào đó trong quá khứ.

+ Trong các bản luận của Ngài Long Thọ, Ngài nói rằng chúng ta từng trải qua vô lượng đời ở kiếp trước, nghĩa là chúng ta đã tái sinh vô số đời trong luân hồi này và trong các đời sống tái sinh đó, chúng ta đã có mối liên hệ với rất nhiều chúng sinh. Nếu bây giờ bị người khác hãm hại thì hãy nghĩ rằng hoàn cảnh đó là do ác nghiệp của bản thân, nên bây giờ ta phải gánh kết quả đau khổ đó. Thêm nữa, đối với những chúng sinh chúng ta gặp ở đời này mà họ làm việc xấu với mình thì hãy nghĩ lại những chúng sinh đó trong đời trước đã từng giúp đỡ mình thế nào, có khi từng là mẹ mình, từng nuôi nấng dạy dỗ mình. Nghĩ như thế thì tâm sân hận, ghét người này người kia sẽ giảm xuống.

- BƯỚC 2: Nhớ lại sự tử tế của các chúng sinh khi họ là cha, là mẹ của mình.

+ Tất cả chúng sinh hữu tình từng là mẹ, là cha mình, hoặc là người thân, người thầy, bạn bè giúp đỡ mình, đã hỗ trợ mình qua hoàn cảnh khó khăn nên họ có công ơn rất lớn đối với mình. Cho nên ở bước 2, chúng ta hãy nhớ lại công ơn đó, nhớ lại sự tử tế đó của họ.

+ Nếu đời này chúng ta tôn trọng cha mẹ của mình, hoặc giúp đỡ ngược lại cho cha mẹ mình thì đó là điều rất quý báu. Trong các bộ luận của mình, Ngài Long Thọ nói rằng người nào ở đời này có tôn kính cha mẹ, phụng dưỡng báo đáp lại cha mẹ thì người đó ít nhất trong đời sống này sẽ có nhân cách, đạo đức chuẩn mực và tâm sẽ luôn an lạc, hạnh phúc. Và nếu sinh ở đời sau thì tâm sẽ an lạc, không bị phiền não nhiều hoặc có nhiều phước hơn, được sinh vào cõi trời, có được nhiều an lạc, niềm vui. Ngài Thế Thân cũng nói rằng tôn kính và cúng dường cha mẹ cũng giống như tôn kính và cúng dường lên đức Phật, sẽ có nhiều công đức và công đức đó sẽ giúp chúng ta có được nhiều niềm vui, an lạc ở tương lai.

- BƯỚC 3: Phát tâm mong muốn đền đáp lại sự tử tế của chúng sinh.

+ Hãy nghĩ rằng ở những đời trước trong quá khứ các chúng sinh từng là cha, là mẹ mình, lúc đó họ đã giúp đỡ, nuôi nấng mình như thế nào. Những công ơn đó rất lớn, nên bây giờ chúng ta muốn báo đáp công ơn đó.

- BƯỚC 4: Phát tâm từ đối với tất cả mọi chúng sinh.

+ Khi thiền đi thiền lại liên tục nhớ về công ơn đó thì sẽ dần dần phát triển được tâm từ, tức tâm yêu thương chúng sinh đó. Vì chúng sinh từng có công ơn lớn với mình nên chúng ta phát tâm yêu thương chúng sinh đó.

+ Tâm từ được ví như tấm lòng của người mẹ dành cho đứa con yêu nhất của mình. Chúng ta hãy thương yêu chúng sinh giống như tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con duy nhất của mình.

- BƯỚC 5: Phát tâm đại bi, tức mong muốn chúng sinh hết khổ.

+ Đặc điểm của tâm bi là mong muốn cho tất cả chúng sinh hết khổ. Sau khi có tâm từ (lòng yêu thương đối với tất cả chúng sinh) thì phát triển tâm bi. Chúng ta cần phải biết chúng sinh đang khổ cái gì để mong cho chúng sinh hết khổ. Khổ gồm khổ thân (như bệnh tật) và khổ tâm. Mong muốn chúng sinh hết khổ tâm và khổ thân, từ đó phát triển được tâm bi mong muốn chúng sinh hết khổ.

+ Thiền quán phát triển tâm đại bi: Tâm đại bi là tâm hướng đến tất cả mọi chúng sinh, mong muốn tất cả mọi chúng sinh hết khổ. Trước khi mong muốn người khác hết khổ thì chúng ta phải mong mình hết khổ trước. Để thiền quán tâm đại bi cho người khác thì phải thiền quán về tâm bi cho bản thân mình trước. Đôi lúc chúng ta làm việc gì không thành công hoặc gặp nhiều chướng ngại, hoặc cảm thấy không vui, dằn vặt bởi những lỗi lầm trong quá khứ. Nghĩa là lúc này chúng ta đang không biết phát tâm bi cho chính bản thân mình. Cho nên bản thân mình cần biết chấp nhận hoàn cảnh khó khăn trước, sau đó mới có thể chấp nhận hoàn cảnh khổ đau cho người khác, từ đó phát triển tâm bi đối với người khác. Khi phát tâm bi đối với người khác, chúng ta chấp nhận khó khăn để làm lợi cho người khác, nhờ đó chúng ta có được niềm vui, an lạc trong tâm thức của mình.

+ Trình tự để thiền về tâm đại bi: Chúng sinh chia làm 3 loại gồm người thân của mình, người dưng của mình và kẻ thù của mình. Đầu tiên hãy thiền về tâm bi mong muốn người thân của mình hết khổ, sau khi thực hành được rồi thì ta thực hành mong muốn cho người xa lạ hết khổ, sau đó mong muốn cho kẻ thù của mình hết khổ. Đó là trình tự thiền quán về tâm đại bi.

- BƯỚC 6: Phát tâm vị tha.

+ Phát khởi tâm vị tha là phát tâm mình cần phải làm điều gì đó để giúp người khác hết khổ. Nếu chỉ dừng ở phát tâm bi mong muốn người khác hết khổ thì người ta cũng đâu hết khổ, mà ta cần phải làm gì đó để giúp họ thì người đó mới thực sự hết khổ.

- BƯỚC 7: Phát tâm bồ đề.

+ Phát tâm bồ đề là phát tâm mong muốn thành Phật để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

+ Bây giờ chúng ta vẫn còn đang trong luân hồi, bản thân chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn và đau khổ. Cho nên muốn người khác hết khổ thì bây giờ chúng ta nghĩ rằng cần phải hoàn thiện bản thân mình. Khi bản thân hết khổ rồi thì mới giúp chúng sinh khác hết khổ. Sự toàn hảo, sự hoàn thiện đó chính là Phật quả. Chúng ta phát tâm thành Phật, từ đó mới có đủ năng lực giúp chúng sinh hết khổ.

- Trong 7 lớp nhân quả, 6 bước đầu là nhân và bước thứ 7 là quả.

- Bài tập trong tuần: Thực hành phát tâm bồ đề bằng phương pháp Bảy lớp nhân quả