TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022 TUẦN 4 – Ngày 21/5/2022
CHỦ ĐỀ: NGHI LỄ CHUẨN BỊ
Thầy Khangser Rinpoche tiếp tục hướng dẫn 6 pháp thực hành chuẩn bị
1/ Lau nhà sạch sẽ và bày biện những biểu tượng thân khẩu ý giác ngộ
2/ Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt (Ngày thứ 4, trang 221)
- Khi cúng dường bất cứ món gì lên bàn thờ Phật, cần nhớ rằng chúng ta không phải cúng dường lên hình ảnh/pho tượng Phật trên bàn thờ mà cúng dường lên đức Phật thực sự và đức Phật đang hiện diện tại nơi gian thờ của mình.
- Món cúng dường phù hợp nhất để bài trí lên bàn thờ là nước. Cúng dường nước có một ý nghĩa là nước rất trong suốt, sạch sẽ nên khi cúng dường nước lên đức Phật, ta mong nhờ sự gia trì của đức Phật làm cho tâm thức của mình được trong sáng, thanh tịnh giống như nước vậy. Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (trang 226) có nói về các đặc tính của nước và những lợi lạc khi cúng dường nước lên đức Phật.
- Ta có thể cúng dường lên đức Phật 1 chén nước hoặc 3 chén nước. Lưu ý là 3 chén nước được đặt cùng một hàng, miệng chén không được chạm với nhau mà chừa một khoảng hở nhỏ giữa các chén.
- Lần trước, Thầy có hướng dẫn làm một thí nghiệm trên 2 cây. Theo đó, một cây được tưới bằng nước đã cúng lên đức Phật, cây còn lại chỉ được tưới bằng nước bình thường. Những người đã tiến hành thí nghiệm này cho biết cây được tưới bằng nước cúng dường sẽ sinh trưởng tốt hơn cây còn lại.
- Cúng dường là một cách để xây dựng kết nối chặt chẽ giữa mình với đức Phật. Thầy hay cúng dường món mình thích lên đức Phật. Ví dụ, Thầy thích mùi hương của lọ nước hoa Hugo Boss nên thầy cúng dường lọ nước hoa đó lên đức Phật. Đó là cách duy trì kết nối giữa Thầy với đức Phật.
- Thầy đặt một câu hỏi là “Cúng dường chiếc điện thoại iPhone giá 1.000 USD lên đức Phật và chia sẻ một bữa ăn giá 5 USD cho người nghèo thì việc nào có công đức nhiều hơn? Câu trả lời là dùng 5 USD giúp đỡ người nghèo sẽ có nhiều công đức hơn, vì đức Phật hoan hỷ với chuyện đó nhiều hơn. Nhóm Dipkar thường hay chia sẻ các phần ăn miễn phí cho người nghèo mỗi tuần. Chuyện phát cơm, giúp đỡ người nghèo là phụng sự chúng sinh. Phụng sự chúng sinh là một cách cúng dường tốt nhất lên đức Phật.
- Hôm trước Thầy có hướng dẫn cúng dường bên trong. Việc đặt món lễ vật thực sự lên bàn thờ Phật là cúng dường bên ngoài. Còn cúng dường bên trong là ta cúng dường những người mình ghét lên đức Phật và cầu nguyện đức Phật gia trì cho người đó trở nên tốt hơn và tử tế hơn.
- Đôi lúc chúng ta muốn một món đồ gì đó mà không thể nào mua được. Chúng ta có thể nghĩ đến món đồ đó và nghĩ là cúng dường món đồ đó lên đức Phật.
- Người Việt Nam thường hay thờ gia tiên, vẫn thỉnh thoảng đặt bàn thờ ông bà bên dưới bàn thờ Phật. Chúng ta hãy đọc kinh Bát Nhã hay bất kỳ bản kinh nào trước bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà, cầu nguyện sự gia trì của đức Phật cũng sẽ đến với ông bà mình.
3/ Ngồi theo tư thế (gồm 8 sắc thái) của Phật Tỳ Lô Giá Na
- Thông thường một thời thực hành là dọn dẹp bàn thờ, bày biện đồ cúng, sau đó ngồi đọc kinh và thiền. Vào buổi sáng, nếu không có thời gian, phần quét dọn nhà cửa, bày biện bàn thờ có thể làm ít lại. Còn chuyện ngồi thiền khá quan trọng cho tâm trí của mình nên hãy cố gắng dành thời gian ngồi thiền.
- Tư thế ngồi thiền là theo thế của Phật Tỳ Lô Giá Na: ngồi xếp bằng, hoặc theo thế hoa sen hay kiết già, cần giữ lưng thẳng và vai thẳng, tay phải đặt trên lòng bàn tay trái, 2 đầu ngón cái chạm nhẹ vào nhau, 2 tay để trên chân ngang trước rốn, giữ cổ và đầu thẳng, mắt nhìn thẳng về phía trước, lưỡi chạm nhẹ răng hàm trên, sau đó khép nhẹ mắt lại, hít thở thật sâu, một cách nhẹ nhàng, từ từ, tâm trí tập trung hoàn toàn vào hơi thở.
- Mỗi buổi sáng ta nên thực hành như thế trong 5 phút, ngồi theo đúng tư thế, tập trung hoàn toàn vào hơi thở. Phần thiền này sẽ giúp tăng khả năng tập trung của chúng ta trong cả ngày.
- Sau khi ngồi thiền trong vài phút, phần kế tiếp là dâng bài thỉnh cầu quy y. Chúng ta phát tâm tin tưởng vào đức Phật và đọc bài quy y “con quy Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng”. “Quy y” có nghĩa là nương tựa.
+ Nương tựa Phật có ý nghĩa là ta mong ước một ngày nào đó mình cũng sẽ thành Phật giống như đức Phật. Theo quan điểm của Đạo phật, ai cũng đều có khả năng thành Phật.
+ Nương tựa Pháp nghĩa là thực hành theo đúng những lời Phật dạy.
+ Quy y Tăng là nương tựa Tăng. Thông thường không phải chỉ các vị tu sĩ mới là Tăng. Tăng ở đây có nghĩa là bất cứ ai thực hành đúng và thực hành tốt những lời Phật dạy đều thuộc vào Tam Bảo.
- Chúng ta không nhất thiết chỉ thiền vào mỗi buổi sáng, mà có thể thiền vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Trong lúc cảm thấy căng thẳng, lo âu hoặc sợ hãi, chúng ta đều có thể áp dụng phương pháp thiền này. Cụ thể là ngồi tập trung hoàn toàn vào hơi thở trong vài phút, sau đó nghĩ đến đức Phật, đọc bài quy y Tam Bảo và cầu nguyện nhờ sự gia trì của đức Phật để giúp ta vượt qua khó khăn.
- Hễ gặp một chuyện khó khăn, chúng ta cứ mãi lo nghĩ, dần dần lo âu trở thành một thói quen. Để thay đổi thói quen xấu này, mỗi lần gặp khó khăn, chúng ta cần phải tập trung và bình tĩnh, nghĩ đến hướng tích cực nhiều hơn. Khi quen nghĩ theo hướng tích cực thì thói quen xấu sẽ bị loại bỏ và hình thành thói quen mới tích cực.