TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 39 – NGÀY 29/04/2023
CHỦ ĐỀ: LUYỆN TÂM TRONG PHẠM VI LỚN (Ngày thứ 16)
- Nhìn tổng quan cấu trúc toàn bộ Lamrim, chủ đề của Lamrim gồm có các pháp thực hành trong phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn.
- Người thực hành phạm vi nhỏ mong muốn có hạnh phúc đời này và đời sau, nên nỗ lực làm thiện, bỏ ác để có thể tái sinh ở cõi lành.
- Người thực hành phạm vi trung bình thì suy nghĩ như vầy: đời sống cõi lành vẫn có mầm mống đau khổ, nên thực hành Tứ Thánh đế để loại trừ hết tất cả các mầm mống dẫn đến đau khổ trong luân hồi. Đối với phạm vi trung bình, mong muốn thoát khổ và được giải thoát chỉ là mong muốn cho bản thân mình mà thôi.
- Người thực hành phạm vi lớn cũng có mong muốn thoát khổ và được giải thoát, nhưng mong muốn đó không chỉ cho bản thân mình mà vì thấy tất cả mọi người xung quanh cũng đau khổ giống mình nên cũng mong muốn giúp tất cả mọi người đều thoát khổ và giải thoát.
- So sánh sự khác biệt giữa phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình với phạm vi lớn: Phạm vi nhỏ là muốn hạnh phúc và an lành ở đời này và đời sau và mong muốn đó là muốn cho bản thân mình. Phạm vi trung bình là muốn thoát hết mọi khổ đau của luân hồi và đạt được giải thoát, nhưng cũng là muốn cho bản thân mình, chứ không phải muốn cho người khác. Đối với phạm vi lớn, mong muốn giải thoát đó không chỉ là cho bản thân mình mà còn cho cả những người khác và nỗ lực giúp người khác thoát khổ.
- Nếu chúng ta chỉ chọn mỗi một pháp thực hành của phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình hoặc phạm vi, thì cách thực hành này là không đúng. Nếu nghĩ rằng theo phạm vi lớn thì chỉ có chọn pháp thực hành của phạm vi lớn, bỏ đi pháp thực hành của phạm vi nhỏ và phạm vi trung bình thì nghĩ như vậy là không hiểu đúng trình tự thực hành của Lamrim. Đó là cách thực hành không có nền tảng nên sẽ không tạo ra kết quả.
- Hiểu đúng về trình tự thực hành của lamrim thì cần nghĩ rằng tâm thực hành dần dần phát triển rộng lớn hơn qua từng phạm vi. Đối với phạm vi nhỏ, ta nghĩ rằng cần bỏ điều ác, tích góp điều thiện để có được hạnh phúc, an lành ở đời này và đời sau, sau đó nghĩ sâu hơn là có hạnh phúc cõi lành thôi vẫn chưa đủ mà cần phải thoát khỏi luân hồi. Sau khi đã giải thoát cho bản thân rồi lại nghĩ rộng hơn nữa là người khác đang đau khổ thì mình cũng giúp những người khác thoát khổ. Do đó, muốn thực hành phạm vi lớn của Lamrim, ta phải thực hành cả phạm vi nhỏ làm nền tảng, sau đó phát triển lên phạm vi trung bình, rồi phát triển lên phạm vi lớn. Có như vậy, pháp thực hành của mình mới toàn diện được.
- Luyện tâm trong phạm vi lớn (ngày thứ 16, trang 116, quyển 2): Phần này chủ yếu nói về tâm bồ đề. Tâm bồ đề có 3 tiêu đề chính:
(1) Bồ đề tâm là cửa ngỏ duy nhất vào Đại thừa - những lợi ích của tâm bồ đề
(2) Làm sao để có thể phát khởi được tâm bồ đề
(3) Sau khi khởi tâm bồ đề rồi thì cần thực hành những gì để hoàn thiện tâm bồ đề.
1.a. Bồ đề tâm là cửa ngỏ duy nhất vào Đại thừa.
+ Tâm bồ đề ở đây được ví như cửa ngỏ vào Đại thừa. Người nào thực hành Phật pháp có mang tâm bồ đề thì người đó chính là hành giả Đại thừa.
+ Theo trình tự tu tập, một người có phát tâm tu tập xong phạm vi nhỏ để có được an lạc ở đời này và đời sau, sau đó phát tâm giải thoát, tu tập phạm vi trung bình. Sau khi đã có được giải thoát, trở thành A-la-hán, người này lại phát tâm bồ đề, tu tiếp thành Phật. Có rất nhiều người tu tập theo đường lối này. Nhưng có cách thực hành còn mang lại lợi lạc lớn lao hơn là ngay từ lúc chưa đạt được giải thoát cho bản thân mình thì hãy nghĩ đến tâm bồ đề, gieo chủng tử giác ngộ, nghĩa là mong muốn thành Phật trước, phát tâm bồ đề tu tập phạm vi lớn. Nghĩa là trong lúc giác ngộ cho bản thân mình thì cũng giúp cho người khác được giải thoát, giác ngộ.
+ Đức Phật nói rằng đối với người chưa có giải thoát cho bản thân mình mà bây giờ nghĩ đến tâm bồ đề, nghĩ thành Phật để làm lợi lạc cho chúng sinh thì tâm bồ đề sẽ dễ phát sinh hơn so với người đã đạt giải thoát cho bản thân rồi mới phát tâm bồ đề. Bởi vì những người còn đang chịu đau khổ trong luân hồi sẽ dễ thấu hiểu khó khăn của người khác nên cái tâm mong muốn giúp người khác thoát khổ sẽ mãnh liệt hơn. Việc giúp người khác hết khổ cũng có tác động ngược lại là giúp bản thân mình hết khổ và đạt được giác ngộ. Do đó, khi còn ở trong luân hồi, chúng ta phát tâm bồ đề thì tâm bồ đề sẽ dễ phát khởi và mãnh liệt hơn so với người đã giải thoát rồi sau đó mới phát tâm bồ đề.
+ Khi thực hành các pháp hành của phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình, phạm vi lớn, chúng ta hãy thực hành với động cơ là mong muốn thành Phật vì lợi lạc của tất cả mọi chúng sinh. Hãy suy nghĩ rằng “tôi có đau khổ và tôi muốn hết khố, muốn an lạc hạnh phúc bao nhiêu thì các chúng sinh khác cũng có đau khổ, cũng muốn hết khổ và muốn đạt giải thoát bấy nhiêu”. Về phương diện này, tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng vì ai cũng muốn hết khổ, muốn hạnh phúc, an lành cả. Cho nên chúng ta hãy phát tâm bồ đề, mong muốn thành Phật để mang lợi lạc đến cho người khác. Với động cơ như vậy, khi thực hành tất cả các pháp hành của phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn sẽ giúp chúng ta gần với Phật quả hơn, dễ đạt được giác ngộ.
1.b. Những lợi ích của tâm bồ đề: Có 10 lợi ích:
(1) Lợi lạc đầu tiên của tâm bồ đề là có thể bước vào đại thừa, giúp chúng ta có thể thực hành các pháp hành của Đại thừa.
(2) Lợi lạc thứ 2 là bạn được danh hiệu là “con Phật”. Bất cứ chúng sinh nào nếu trong tâm có tâm bồ đề thì đều xứng đáng được thế gian kính ngưỡng.
(3) Bạn sáng chói hơn Thanh văn và Duyên giác: Nếu một người thực hành với tâm bồ đề, muốn mang lợi lạc đến cho những người khác thì dù thực hành chỉ 1 giây, 1 phút thôi, công đức của người đó cũng sẽ nhiều hơn so với công đức của các vị Thanh văn, Duyên giác thực hành suốt cả ngàn năm (Thanh văn và Duyên giác là những người chỉ mong muốn thoát khổ cho bản thân).
(4) Bạn trở thành đối tượng cúng dường tối thượng (nghĩa là đối tượng cúng dường của khắp tất cả mọi thế gian). Ví dụ, một người ăn mày đi chăng nữa mà trong tâm có tâm bồ đề, tức làm việc gì cũng đều nghĩ muốn mang lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh, thì người đó trở thành nơi cúng dường tối thượng của tất cả mọi thế gian.
(5) Bạn dễ dàng tích lũy vô lượng công đức. Một người mang tâm bồ đề cho dù làm gì thì cũng dễ dàng tích lũy vô lượng công đức trên thiện hạnh đó của mình. Không có pháp thực hành thiện hạnh nào mang đến công đức nhiều bằng thực hành tâm bồ đề.
(6) Bạn mau tịnh hóa tội chướng: Với vô lượng công đức tích góp được nhờ thực hành tâm bồ đề sẽ giúp chúng ta tịnh hóa rất nhiều ác nghiệp, tội chướng.
(7) Bạn thành tựu tất cả mọi ước muốn: Có công đức, ác nghiệp đã được tịnh hóa nên chúng ta dễ dàng thành tựu tất cả mọi ước muốn, không có chướng ngại.
(8) Bạn không sợ bị hại: Với công đức nhiều như thế và đã sạch mọi tội chướng nên không có hoàn cảnh khó khăn nào có thể xâm hại đến mình.
(9) Bạn nhanh chóng hoàn tất mọi giai đoạn của đạo lộ: Với công đức nhiều như thế, chúng ta sẽ hoàn tất mọi giai đoạn của đạo lộ, sẽ nhanh chóng trở thành Phật.
(10) Bạn trở thành nguồn hạnh phúc cho kẻ khác. Nhờ tâm bồ đề làm động lực thúc đẩy nên sẽ mang đến nhiều lợi lạc và niềm vui cho các chúng sinh khác.
- Mỗi ngày chúng ta hãy thiền về tâm bồ đề. Việc phát tâm bồ đề cũng cần có nhiều công đức. Nếu có nhiều công đức thì chuyện phát sinh tâm bồ đề sẽ ngày càng dễ dàng hơn. Do đó, mỗi ngày chúng ta có làm bao nhiêu việc tốt thì hãy cầu nguyện nhanh chóng phát sinh tâm bồ đề.
- Đừng nghĩ rằng cần phải làm việc lớn thì mới cho công đức lớn lao. Chúng ta tích góp nhiều công đức nho nhỏ thì cũng có được kết quả lớn lao. Do đó, tất cả mọi việc tốt dù lớn hay nhỏ thế nào thì cũng đều cố gắng làm. Nếu muốn nhanh chóng phát sinh tâm bồ đề thì hãy thực hành cầu nguyện với Ngài Quan Âm. Ngài Quan Âm là một vị Phật từ bi. Tâm từ bi là nguyên nhân chính yếu để phát sinh tâm bồ đề. Nếu có tâm từ bi rồi thì sẽ dễ dàng có tâm bồ đề. Cho nên chúng ta hãy cầu nguyện với ngài Quan Âm, đọc câu chú Om Mani Padme Hum, đồng thời kết hợp với làm thiện hạnh thì sẽ phát triển được tâm từ bi, từ đó dễ dàng phát triển tâm bồ đề.
- Đức Phật nói rằng đối với các vị Bồ-tát, chỉ hít thở thôi cũng mang đến nhiều lợi lạc và công đức vì trong từng hơi thở của các vị Bồ-tát đều mang tâm bồ đề. Khi thở ra, các vị Bồ-tát đều nghĩ rằng “tôi sẽ mang tất cả mọi hạnh phúc an vui của tôi đến cho chúng sinh và dùng mọi phương cách để giúp chúng sinh hết khổ”. Khi hít vào, các vị đều nghĩ rằng “nguyện cho tất cả mọi đau khổ của chúng sinh nếu có chín thì hãy chín lên tôi, tôi chịu khổ thay cho tất cả mọi chúng sinh”. Với ý nghĩ lợi lạc đó nên chỉ mỗi việc hít thở thôi cũng mang đến cho các vị Bồ-tát rất nhiều công đức.
- Nếu ta mang tâm bồ đề trong tất cả mọi việc thiện thì công đức đó sẽ giúp ta dễ dàng đạt giác ngộ. Trong cuộc sống hằng ngày nếu có cơ hội làm được việc tốt thì hãy làm với động cơ tâm bồ đề, tức mong muốn việc làm tốt đó sẽ mang lợi lạc đến cho tất cả chúng sinh và giúp cho mình dễ dàng thành Phật. Với cách thực hành như vậy, qua mỗi ngày sẽ tạo thành thói quen, sẽ dễ dàng phát sinh tâm bồ đề hơn.