TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 38 – NGÀY 15/04/2023
(Tóm tắt theo lời giảng của Thầy Khangser Rinpoche)
CHỦ ĐỀ: 12 CHI PHẦN NHÂN DUYÊN (tiếp theo)
A/ 12 CHI PHẦN NHÂN DUYÊN
1/ VÔ MINH
2/ HÀNH
3/ THỨC (tâm thức)
- Ví dụ, có một chúng sinh tạo ác nghiệp là sát sinh, vậy 1 tiếng đồng hồ sau khi phạm nghiệp sát sinh, thì ác nghiệp đó chứa ở đâu? Ác nghiệp đó sẽ chuyển thành một hạt giống được chứa trong tâm thức của mình. Cho nên chi phần thứ 3 là tâm thức, tức là tâm thức chứa hạt giống của nghiệp sau khi đã tạo nghiệp.
4/ DANH SẮC:
- Danh sắc ở đây là lúc chúng ta đã tái sinh rồi. Khi tâm thức đã nhập vào thai mẹ thì chính thời điểm đó chúng ta đã tái sinh rồi, nghĩa là đã có một kiếp sống khác ở luân hồi.
- Mỗi người biết ngày sinh nhật của mình. Đó chỉ là ngày sinh ra khỏi bụng mẹ. Còn ngày sinh thực sự thì không ai biết cả, tức là ngày tâm thức nhập vào thai mẹ để có một đời tái sinh mới trong luân hồi. Đó mới thực sự là ngày sinh. Tâm thức mà nhập vào thai mẹ đến từ đời trước, nghĩa là sau khi chết đi thì chỉ mất thân thôi, còn tâm thức đó tiếp tục nhập vào thai mẹ để có đời tái sinh mới trong luân hồi.
- Có một số đứa trẻ vẫn nhớ được một chút về đời trước của chúng. Bởi lẽ, tâm thức đời này là do tâm thức của đời trước. Đời trước chết đi thì còn tâm thức đó và tâm thức đó tiếp tục lấy đời tái sinh kế tiếp ở luân hồi. Do cùng một tâm thức nên có thể nhớ về đời trước, nhưng chỉ có một số rất ít người có thể nhớ lại đời quá khứ, 99% sẽ quên đời trước. Việc chúng ta quên đời trước là một sự cân bằng tự nhiên. Ví dụ, chúng ta trải qua những điều tồi tệ ở đời trước, nếu mang hết những đau buồn đó sang đời này thì chúng ta không thể nào có cuộc sống tốt đẹp ở đời này. Nếu chúng ta vẫn còn giữ những đau buồn đó trong tâm thì bây giờ cho dù có hoàn cảnh tốt thế nào cũng không thể nào vui được.
5/ SÁU CĂN:
- Sau khi đã tái sinh (nghĩa là tâm thức đã nhập vào thai mẹ) thì cơ thể có 6 giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Có cơ quan để tiếp nhận các xúc chạm thì lúc này mới tiếp xúc được với các đối tượng bên ngoài.
6/ XÚC: nghĩa là tiếp xúc với đối tượng.
7/ THỌ: nghĩa là cảm giác. Nếu giác quan tiếp xúc với đối tượng dễ chịu thì có cảm giác thích, còn tiếp xúc với đối tượng khó chịu thì có cảm giác không thoải mái.
8/ ÁI: nghĩa là thích cảm giác đó, hoặc ghét cảm giác đó.
9/ THỦ: nghĩa là bám chấp vào cảm giác đó. Khi tiếp xúc đối tượng mà có cảm giác thích thì sẽ sinh tâm bám chấp, còn nếu có cảm giác ghét thì sinh ra sân hận. Ví dụ, chúng ta ăn món ăn đó thấy ngon thì muốn ăn nữa, tức là bám chấp vào món ăn ngon. Hoặc khi tiếp xúc với người mà mình không thích thì sinh ra tức giận.
10/ HỮU: Khi phát sinh tâm bám chấp thì sẽ kích hoạt các nghiệp của mình, khiến chúng ta ở lại đời tái sinh đó.
11/ SINH:
12/ GIÀ – CHẾT:
Đây là cơ chế của luân hồi, nghĩa là chúng ta chết đi và tái sinh trong luân hồi như thế nào.
B/ BẢN CHẤT CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT
- Giải Thoát Trong Lòng Tay hướng dẫn chúng ta rằng, sau khi hiểu 12 chi phần nhân duyên thì phát tâm mong cầu được giải thoát. Vậy giải thoát đó như thế nào? Khi nghĩ đến giải thoát khỏi luân hồi thì phải biết gốc rễ khiến chúng ta dính mắc trong luân hồi là gì. Gốc rễ của luân hồi chính là chấp ngã. Chấp ngã nghĩa là nghĩ rằng thực sự có cái tôi. Khi nghĩ rằng có tôi và cái của tôi rồi thì phát sinh rất nhiều phiền não. Từ tâm chấp ngã, nghĩ rằng có tôi và cái của tôi, chúng ta mới tạo rất nhiều nghiệp, kéo chúng ta vào trong luân hồi.
- Luân hồi có nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm đầu tiên của luân hồi là vô thường, nghĩa là tất cả mọi việc đều thay đổi và sự thay đổi đó diễn ra rất nhanh chóng. Ví dụ, hôm nay có thể là bạn, ngày mai có thể là thù, đến một ngày nào đó lại từ thù thành bạn, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng. Chúng ta thường nghĩ rằng những điều tốt của mình sẽ mất đi, có thể chuyển thành điều xấu nhưng cũng nên nghĩ điều ngược lại là chúng ta đang khó khăn, gặp điều xấu thì nó cũng thể tốt trở lại.
- Vậy thực hành như thế nào để có được giải thoát? Chúng ta phải thực hành theo trình tự là GIỚI – ĐỊNH – TUỆ. Đây là 3 điểm chính yếu quan trọng trong con đường đưa đến giải thoát. Giải Thoát Trong Lòng Tay hướng dẫn rằng con đường đưa đến giải thoát phải bắt đầu bằng việc giữ giới, tức thực hành các nguyên tắc và điều luật ràng buộc bản thân vào các việc tốt và tránh các việc ác. Cho nên điều đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải thực hành giữ giới. Sau khi thực hành giữ giới thì thứ 2 là chúng ta phải có định lực. Sau khi có định lực, có sự tập trung rồi thì thứ 3 là thực hành phát triển trí tuệ, tức là trí tuệ hiểu về tánh không.
- Trong việc giữ giới, bắt đầu bằng việc thực hành giới quy y. Giới quy y có 5 giới gồm không sát sanh, không uống rượu, không trộm cắp, không tà dâm và không nói dối. Trong 5 giới này, chúng ta cần nghĩ kỹ xem mình có thể thực hành điều nào, chọn ít nhất 1 điều để thực hành, tối đa là chọn 4 điều. Khi mới bắt đầu, chúng ta không nên hứa giữ cả 5 giới vì sẽ khiến chúng ta dễ nản rồi bỏ thực hành. Chúng ta nên chọn thực hành giữ giới tùy theo khả năng. Thầy khuyên lúc quy y, chúng ta không nên hứa sẽ không nói dối, vì điều này rất khó làm. Trong cuộc sống, thỉnh thoảng chúng ta nói với người khác những lời rất đẹp đẽ nhưng không thật lòng mình. Nói để làm cho người khác vui là nói dối.
- Thầy có câu hỏi: Nếu chúng ta nhận giới không uống rượu để thực hành thì có được phép dùng các món ăn có chứa rượu trong đó không? Hoặc nếu chúng ta nhận giới không sát sinh thì ở trong giới không sát sinh, tính luôn cả việc không giết các loại côn trùng như đập muỗi. Nếu nhận giới không trộm cắp thì thậm chí một đồng cắt rất nhỏ thôi, chúng ta cũng không được lấy.
- Lưu ý rằng không uống rượu là không uống các thức uống có chứa cồn khiến mình say xỉn, ở đây gồm cả rượu và bia. Nhưng chúng ta có thể uống bia không cồn. Nếu đã hứa không uống rượu thì cố gắng cho dù một giọt cũng không uống.
- Không tà dâm nghĩa là không có mối quan hệ với người không phải là chồng/vợ hoặc bạn trai/bạn gái của mình. Trong quan điểm của Phật giáo, một người đàn ông có 3-4 người vợ thì không phải là tà dâm, vì thời của đức Phật, một ông vua có hoàng hậu và rất nhiều bà phi. Tà dâm ở đây là chúng ta có mối quan hệ với vợ/chồng hoặc bạn trai/bạn gái của người khác.
- Chúng ta hãy chọn ít nhất 1 hoặc 2, 3 điều, tối đa là 4 điều, tùy theo khả năng của mình để thực hành giữ giới. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc giữ giới vì giữ giới chính là nền tảng để bắt đầu con đường đưa đến giải thoát.
- Tháng này là tháng Phật đản sinh theo lịch Nepal, Thầy sẽ có một buổi truyền giới quy y cho lớp. Từ bây giờ cho đến lúc đó, hãy suy nghĩ xem trong 5 giới quy y, chúng ta có thể hứa giữ được điều nào? Một khi đã hứa giữ điều nào thì hãy cố gắng giữ điều đó suốt cả cuộc đời mình.
- Thầy có câu hỏi cho lớp thảo luận: Giả sử nhận giới không sát sanh, lúc chúng ta uống thuốc kháng sinh để giết vi khuẩn trong người thì có xem là sát sanh không?