TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 26 – NGÀY 19/11/2022
CHỦ ĐỀ: KHÍA CẠNH TRẮNG CỦA NHÂN QUẢ
- Trước hết cần hiểu thế nào là nghiệp đen và nghiệp trắng. Nghiệp đen là ác nghiệp. Nghiệp trắng là thiện nghiệp. Lấy ví dụ, sát sinh là ác nghiệp; từ bỏ sát sinh là thiện nghiệp (nghiệp trắng). Nói dối là ác nghiệp trên lời nói; từ bỏ nối dối là thiện nghiệp thuộc về lời nói.
- Có một số điểm đặc biệt quan trọng về nghiệp trắng (xem thêm trang 673, Giải Thoát Trong Lòng Tay).
- Một tiến trình của nghiệp có 4 giai đoạn gồm căn bản (đối tượng), ý định, hành vi, bước cuối cùng. Nghiệp đen và nghiệp trắng cũng đều phải thông qua 4 giai đoạn này mới hình thành đủ nghiệp.
- Lấy ví dụ về nghiệp sát sinh giết một con cừu. Hành động giết con cừu phải trải qua 4 giai đoạn mới hình thành đủ nghiệp sát sinh, gồm: (1) căn bản - đối tượng của hành động giết cừu là con cừu; (2) ý định - ý định muốn giết con cừu; (3) hành vi - là hành động thực sự giết cừu; (4) bước cuối cùng. Đối ngược lại với nghiệp đen (ở đây là nghiệp sát sinh giết cừu) thì có nghiệp trắng là từ bỏ việc giết cừu. Từ bỏ việc giết cừu cũng trải qua 4 giai đoạn: (1) căn bản - đối tượng từ bỏ giết chóc là con cừu, (2) ý định - vì biết giết cừu là một lỗi lầm nên từ bỏ việc giết cừu, (3) hành vi - thực sự từ bỏ việc giết cừu, (4) bước cuối cùng. Cần phải trải qua đủ 4 giai đoạn như vậy thì mới hình thành được nghiệp trắng từ bỏ việc giết cừu.
- Phân biệt loại nghiệp nặng, nhẹ: Cùng là nghiệp sát sinh, giữa giết một con voi với giết một con cừu thì nghiệp nào nặng hơn? Giết con voi thì nghiệp nặng hơn vì kích thước của con voi lớn hơn nên đau khổ phải chịu sẽ nhiều hơn. Dựa vào mức độ đau khổ của con vật đó để xác định nghiệp lớn hay nhỏ.
- Có những yếu tố quyết định nghiệp trắng nào tốt hơn và nghiệp trắng nào yếu hơn. Ví dụ, người nào đang giữ giới như giữ giới quy y mà làm việc tốt thì công đức và mức độ tốt lành sẽ nhiều hơn người cũng làm việc tốt như vậy mà không có thọ giới quy y, không có giữ giới. Người có thọ giới Bồ Tát, thực hành Bồ Tát hạnh thì có công đức và thiện hạnh nhiều hơn người không có giới Bồ Tát.
- Trang 675, sách Giải Thoát Trong Lòng Tay có phần “Dạy về những cửa ngõ vô tình đưa đến nghiệp cường liệt”. Lấy ví dụ, ta đặt ra lời hứa là sẽ không có sát sinh. Khi ta hiểu được rằng việc sát sinh là có lỗi lầm và khiến ta đau khổ nên bây giờ ta phát nguyện rằng từ bây giờ trở đi sẽ không sát sinh nữa. Nghĩa là ta đang giữ giới không sát sinh. Khi ta giữ giới không sát sinh 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày... thì trải qua thời gian càng lâu, giới không sát sinh đó sẽ tăng trưởng thêm và lớn mạnh, cho ta nhiều thiện nghiệp.
- Nghiệp trắng cần có điều kiện là phải biết được lỗi lầm của nghiệp đen, dẫn đến có ý định từ bỏ nghiệp đen đó thì mới tạo ra được nghiệp trắng. Đối với người đã tạo ra được nghiệp trắng, nghĩa là có ý định từ bỏ nghiệp đen, lúc nào người này còn giữ được lời hứa đó thì ngay cả khi ngủ, thiện nghiệp đó vẫn tăng trưởng.
- Đối với việc không sát sinh, có 2 trường hợp. Trường hợp 1 là người ngồi yên một chỗ không giết con nào hết và trường hợp 2 là người đã thấy được lỗi của việc sát sinh, dẫn đến từ bỏ nó, không sát sinh nữa. Người ngồi yên một chỗ không sát sinh vì không có ý định từ bỏ việc sát sinh nên không tạo ra thiện nghiệp không sát sinh như người ở trường hợp 2, tức người đã thấy được lỗi của việc sát sinh mà từ bỏ nó.
- Phân biệt giữa các loại giới như giới quy y, giới Bồ Tát… Trong 5 giới quy y, giả sử ta thấy được lỗi lầm của việc sát sinh, dẫn đến từ bỏ sát sinh, giới này gọi là giới từ bỏ sát sinh. Trong trường hợp ta đã quy y nhưng lỡ phạm giới quy y, ta có thể sám hối trước vị thầy đã truyền giới cho mình để thanh tịnh lại giới quy y. Còn nếu ta đã nhận giới Bồ Tát mà lỡ phạm giới bồ tát thì có thể quán tưởng đến Ruộng Phước để sám hối giới Bồ Tát đã phạm. Tại sao có sự phân biệt như vậy? Ta phải xem nguồn nhận giới từ đâu. Đối với giới quy y, ta phải sám hối với người thầy, vì giới quy y là phải nhận từ một vị thầy trực tiếp. Nếu không có một vị thầy trực tiếp thì sẽ không nhận được giới quy y. Còn đối với giới Bồ Tát, ta quán tưởng Ruộng Phước, nghĩ đến các vị Phật và các vị Bồ Tát trên Ruộng Phước và sám hối để thanh tịnh các giới đã phạm.
- Tương tự như nghiệp đen, một trong những điều kiện quyết định thiện nghiệp là lớn hay nhỏ phụ thuộc vào động cơ.
+ Ví dụ, ta gặp một người ăn xin và bố thí cho người ăn xin đó, ở đây có 2 trường hợp. Trường hợp 1 là khi bố thí, ta nghĩ rằng “vì tôi thực hành tâm bồ đề, mong muốn tất cả mọi chúng sinh hết khổ nên tôi thực hành bố thí cho người ăn xin đó và nguyện nhờ công đức bố thí này sẽ giúp mọi chúng sinh hết khổ”. Trường hợp 2 là thấy người ăn xin quá khổ nên bố thí để người đó bớt khổ. Trường hợp 1 sẽ tạo công đức nhiều hơn vì động cơ bố thí là thực hành tâm bồ đề, mong muốn lợi lạc cho nhiều người hơn. Trường hợp 2 cũng là bố thí nhưng động cơ bố thí là chỉ mong lợi lạc cho mỗi người ăn xin đó thôi nên công đức nhỏ hơn. Do đó, mỗi việc làm của ta tạo ra công đức nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào động cơ phát khởi khi làm việc đó. Ta cần biết điều này để điều chỉnh động cơ cho đúng.
+ Tương tự, việc cúng dường hoa, đèn hay hương lên đức Phật cũng có 2 trường hợp. Trường hợp 1 là nghĩ rằng con muốn thực hành tâm bồ đề, muốn thành Phật để giúp mọi chúng sinh thoát khổ cho nên con thực hành cúng dường hương, hoa lên đức Phật, mong góp công đức giúp chúng sinh thoát khổ. Trường hợp 2 là chỉ vì kính Phật nên cúng dường thôi, chứ trong tâm không có động cơ làm lợi lạc gì hết. Do đó, công đức cúng dường trong trường hợp 1 sẽ lớn hơn rất nhiều so với công đức cúng dường trong trường hợp 2.
- Ta có được nghiệp trắng chỉ khi nào ta có động cơ từ bỏ ác nghiệp. Nếu ta phát tâm từ bỏ bất kỳ ác nghiệp nào trong 10 bất thiện nghiệp kia thì ta sẽ tạo ra thiện nghiệp tương ứng.