TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 25 - NGÀY 12/11/2022
Chủ đề: Những sự khác nhau làm nên nghiệp nặng hay nhẹ
A. Có 6 yếu tố để phân định nghiệp nào nặng, nghiệp nào nhẹ (trang 667, quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay)
(1) Nặng do bản chất:
- Nghiệp từ nặng đến nhẹ dựa theo bản chất của hành động gây ra nghiệp đó, theo thứ tự 10 bất thiện nghiệp gồm 3 nghiệp xấu qua thân, 4 nghiệp xấu qua lời nói, 3 nghiệp xấu qua ý nghĩ.
- Lấy ví dụ về 3 nghiệp xấu qua thân gồm sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Theo thứ tự đó, phạm nghiệp sát sanh sẽ nặng hơn phạm nghiệp trộm cắp, phạm nghiệp trộm cắp sẽ nặng hơn tà dâm. Tại sao lại có sự phân chia nặng nhẹ như vậy? Bởi vì xét mức độ đau khổ mà chúng sinh khác phải chịu khi ta phạm nghiệp đối với chúng sinh đó. Khi ta phạm nghiệp sát sanh thì đau khổ của người bị giết sẽ nhiều hơn đau khổ của một người bị trộm cắp.
(2) Nặng do ý định:
- Ví dụ, ta cúng dường nước lên đức Phật với ý định mong có được công đức cho bản thân mình thì đương nhiên ta sẽ có công đức rất lớn. Nhưng nếu ta cúng dường nước lên đức Phật, với mong muốn mang đến lợi lạc cho tất cả mọi chúng sinh thì công đức sẽ nhiều hơn vì ý định đó xuất phát từ tâm bồ đề.
- Nghiệp đen (nghiệp ác) cũng giống như vậy. Ví dụ, một lời nói cố ý làm tổn thương người khác, dù chỉ là một lời nói xấu hoặc trêu đùa rất nhỏ thôi nhưng với ý định mong muốn tổn thương người khác tột độ thì nghiệp sẽ rất nặng. Còn nếu ta chỉ là vô tình chứ không có ý định nói để làm tổn thương người khác thì nghiệp sẽ không nặng.
- Đối với nghiệp ác hay nghiệp thiện, động cơ càng mãnh liệt thì nghiệp càng nặng và ngược lại. Ngài Atisha đã nói rằng dù chỉ một ngụm nước hay một ngọn đèn rất nhỏ cúng dường lên đức Phật nhưng với một tâm thành kính rất lớn, mong muốn việc cúng dường đó sẽ mang lợi lạc cho tất cả mọi người thì công đức sẽ vô lượng. Ý định và tâm thành kính càng lớn bao nhiêu thì công đức của việc cúng dường sẽ càng lớn bấy nhiêu.
(3) Nặng do hành vi:
- Nặng do hành vi nghĩa là cách ta thực hiện hành động đó. Ví dụ, cùng một hành động giết người nhưng nếu dùng cách giết người ít khủng khiếp hơn thì nghiệp nhẹ hơn, còn dùng cách dã man hơn để giết người thì nghiệp sẽ nặng hơn.
(4) Nặng do căn bản:
- Nặng do căn bản là nặng do đối tượng, tức đối tượng mà ta đang phạm phải nghiệp xấu. Cùng một hành động nhưng đối tượng khác nhau thì mức độ nặng nhẹ của nghiệp sẽ khác nhau.
- Ví dụ, ta nói lời vô lễ, bất kính, không biết ơn đối với người thầy của mình - người giảng dạy Phật pháp, chỉ cho ta con đường thực hành phát triển trí tuệ, so với nói lời bất kính, vô ơn đối với cha mẹ - người có công dưỡng dục mình hay nói lời bất kính với những người xa lạ. Người nào càng có phẩm hạnh, càng có công ơn với mình, thì khi ta nói những lời bất kính, vô ơn với người đó, nghiệp sẽ nặng hơn. Nói lời bất kính với người xa lạ, không có công ơn với mình thì nghiệp sẽ nhẹ hơn.
- Nếu ta làm thiện nghiệp, như kính trọng, cúng dường thầy, làm lợi lạc cho thầy hoặc làm lợi lạc cho cha mẹ, hoặc làm lợi lạc cho những người không quen biết, thì người nào có phẩm hạnh lớn và có ơn trọng với mình nhiều, thiện nghiệp của mình cũng sẽ lớn hơn. Thiện nghiệp lớn hay nhỏ dựa vào đối tượng mà ta làm việc thiện đó.
(5) Nặng vì tính cách thường xuyên:
- Thường xuyên làm một việc xấu thì nghiệp đó sẽ ngày càng nặng hơn. Một nghiệp nhỏ thường xuyên lặp đi lặp lại sẽ thành nghiệp lớn. Ví dụ như nói lời phù phiếm là một nghiệp nhẹ nhưng nếu ta cứ tán gẫu, nói chuyện vô nghĩa từ ngày này qua ngày nọ thì dần dần sẽ tích góp lại thành nghiệp nặng hơn.
(6) Nặng vì không có cách cứu chữa:
- Ví dụ, ta biết mình đang làm việc xấu và phát tâm hối hận, hổ thẹn đối với việc xấu đã làm, từ đó quyết tâm từ nay về sau sẽ không phạm nghiệp xấu đó nữa cũng như tìm cách cứu chữa, bù đắp lại hành động xấu đã làm, nghĩa là có cách cứu chữa, vì ta biết tiết chế bản thân để giảm các việc làm xấu. Như vậy, kết quả xấu sẽ dần dần giảm đi. Khi nghiệp đó chín muồi ở tương lai, ta sẽ ít gặp đau khổ hơn. Còn nếu ta làm việc xấu mà không biết hối hận, không biết xấu hổ vì việc làm xấu đó thì ta sẽ không có một ý định nào để thay đổi, chỉnh sửa bản thân, từ đó sẽ tái phạm việc xấu đó và qua thời gian nghiệp từ việc xấu đó sẽ nặng thêm.
- Tương tự đối với thiện hạnh. Nếu ta làm một việc tốt và hoan hỷ vì đã làm được việc tốt, sau đó hồi hướng công đức của việc làm tốt đó thì công đức sẽ tăng trưởng. Do đó, nếu ta biết biện pháp để chặn đứng ác nghiệp và biết biện pháp để tăng trưởng công đức của thiện nghiệp thì ta sẽ ít phải chịu đau khổ ở tương lai và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Tóm lại, dựa vào 6 yếu tố đã nói ở trên để quyết định thiện nghiệp hay ác nghiệp là nặng hay nhẹ. Ví dụ, bố thí cho một người 10 đồng và cho một người khác 100 đồng. Việc bố thí 10 đồng hay 100 đồng không có giá trị so sánh mà phải dựa vào 6 yếu tố. Thứ nhất là do bản chất. Hành động đó giúp người khác được an lạc, hạnh phúc thế nào và khiến người khác đau khổ thế nào sẽ quyết định mức độ nặng nhẹ của thiện nghiệp hay ác nghiệp. Thứ 2 là do ý định. Ý định bố thí như thế nào sẽ quyết định thiện nghiệp lớn hay nhỏ. Thứ 3 là do hành vi. Cách mà ta bố thí cũng sẽ quyết định mức độ nặng nhẹ của nghiệp. Thứ 4 là do căn bản. Cúng dường cho ai sẽ quyết định mức độ nặng nhẹ. Thứ 5 là do mức độ thường xuyên. Ta thường xuyên bố thí thì thiện nghiệp sẽ tăng trưởng nhiều hơn. Thứ 6 là sau khi bố thí, ta biết hồi hướng và biết hoan hỷ thì thiện nghiệp sẽ nhiều hơn.
- 6 yếu tố cốt lõi này quyết định giảm được việc ác và tăng được việc thiện nên ta cần phải ghi nhớ 6 điều kiện này.
B. Kết quả của những ác nghiệp: có 3 loại kết quả
(1) Quả báo đã thuần thục (quả báo đã chín muồi). Ví dụ nếu ta phạm nghiệp sát sinh, giết người, gây tổn hại đến thân thể của người khác thì quả báo chín muồi là cơ thể của ta sẽ bị tổn hại, dễ bị bệnh tật, dễ bị người khác giết.
(2) Quả báo tương ứng với nhân: nghĩa là có kết quả tương ứng với việc ta đã làm. Khi ta giết người hay nói xấu thì sẽ tạo thói quen giết người hay nói xấu. Hành động giết người hay nói xấu là do ta đã từng quen với việc giết người hay nói xấu ở đời trước, nên quả báo tương ứng với nhân của những nghiệp xấu đó là khiến cho thói quen làm các việc xấu của mình ngày càng tăng.
(3) Quả báo thuộc về hoàn cảnh: nếu bây giờ ta quen hãm hại người khác thì ở những đời sau, ta sẽ sinh ra ở những nơi mà người dân ở đó hay tàn phá, tổn hại thân thể của nhau và ta là nạn nhân trong những hành động xấu đó. Quả báo thuộc về hoàn cảnh là quả báo mà ta sẽ sống ở những nơi mà ta phải chịu kết quả giống với những hành động từng gây ra cho người khác trước đây.
- Cần phân biệt giữa các loại quả báo. Chẳng hạn, quả báo đã thuần thục chủ yếu nói về đời sau. Bây giờ ta làm hành động đó, khi nghiệp chín ra kết quả thì đời sau ta sẽ chịu ảnh hưởng. Quả báo tương ứng với nhân chủ yếu nói về kết quả của đời này. Nếu làm ác thì ta sẽ ngày càng quen với việc làm ác và sẽ chịu hậu quả từ việc làm ác đó. Ví dụ, nếu ta nói xấu người khác nhiều thì sẽ quen việc nói xấu ở đời này và đời này sẽ bị mất lòng tin ở người khác. Còn nếu ta làm việc tốt nhiều thì sẽ quen với việc làm tốt và sẽ được người khác tin tưởng, ngợi khen.
- Ác nghiệp nào trong 10 bất thiện nghiệp cũng cho 3 loại quả báo này. Các thiện nghiệp cũng có 3 loại quả báo tương tự. Nếu đời này ta có suy nghĩ tốt lành cho người khác, từ suy nghĩ tốt lành đó, ta thể hiện qua lời nói êm tai khiến người khác vui lòng và sau đó, ta có hành động làm lợi lạc cho người khác thì chắc chắn ta sẽ luôn ở trong những hoàn cảnh được người khác kính trọng, tin tưởng. Khi đó ta sẽ có tâm an lạc. Khi tâm an lạc thì cơ thể sẽ an lạc, ít bệnh tật, đời sống lâu dài, làm việc gì cũng thành công, ít chướng ngại. Đó là quả báo hoàn cảnh mà ở đời này ta có thể trải nghiệm được. Chúng ta hãy suy nghĩ về những quả báo đó, để giảm việc ác, làm nhiều việc thiện lành.