TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 24 – NGÀY 8-10-2022
CHỦ ĐỀ: PHÁT TRIỂN LÒNG TIN VÀO NHÂN QUẢ (MƯỜI BẤT THIỆN NGHIỆP)
(1) Sát sanh
(2) Trộm cắp
(3) Tà dâm
(4) Nói dối
(5) Nói lời ly gián (nói lời gây chia rẽ): Khi nói những lời khiến người khác chia rẽ, thì ta đã tạo ra bất thiện nghiệp.
(6) Nói lời nhục mạ (nói lời ác ý):
- Không chỉ nói lời nhục mạ, mà ý nghĩa thực sự còn là nói lời xấu, ác làm người khác bị tổn thương. Kể cả khi ta nói thật nhưng ý định nói thật đó là để khiến người khác bị tổn thương thì cũng được xem là nói lời xấu, ác.
- Đôi khi ta nói chuyện đùa giỡn, với ý định chế giễu, chọc quê người khác, tuy lời nói của mình rất bình thường, không có gì nặng nề nhưng lời nói đó khiến cho người ta bị tổn thương thì những câu nói đùa giỡn đó cũng là nói lời xấu, ác. Cho nên ta phải kiểm soát lời nói của mình để không gây tổn thương cho người khác.
(7) Nói lời phù phiếm (nói lời tán gẫu, nói lời vô nghĩa):
- Nếu ta nói những lời khiến tăng thêm phiền não trong tâm thì được xem là lời nói phù phiếm, lời nói vô nghĩa.
- Cần phân biệt giữa nói đùa, nói giỡn với nói lời phù phiếm như thế nào? Thỉnh thoảng ta nói đùa, nói giỡn để có chút niềm vui thì đó không phải là nói lời phù phiếm. Còn những lời nói mà làm tăng thêm phiền não trong tâm là lời nói vô nghĩa. Khi bỏ thời gian chát với nhau trên mạng với những câu chuyện không cần thiết thì cũng là lời nói phù phiếm.
- Hiểu rõ về những bất thiện nghiệp này sẽ rất hữu ích vì ta biết được những việc nào nên làm và những việc nào không nên làm. Từ đó, ta sẽ kiểm soát hành động của bản thân, nhờ đó tâm sẽ an lạc hơn.
- Trong tuần này ta hãy thực hành giảm chát trên mạng và giảm bớt việc nói những chuyện không cần thiết. Đến cuối ngày, ta nhìn lại cả một ngày để xem ta đã làm những việc gì. Ta sẽ thấy đa số mình đã làm những chuyện vô nghĩa và nói những lời vô nghĩa.
(8) Tham: Là mong muốn có được những thứ thuộc về người khác như muốn có được của cải, tài sản của người khác. Lấy ví dụ, khi thấy người khác đeo chiếc đồng hồ đẹp, ta phát sinh ý nghĩ là muốn có chiếc đồng hồ giống như thế, đó không phải là tham. Còn nếu ta phát sinh ý nghĩ là muốn có đúng chiếc đồng hồ người ta đang đeo thì đó mới là tham.
(9) Ác ý: Là suy nghĩ muốn gây hại, tổn thương đến người khác. Dù ta chưa có tạo ra hành động cụ thể nào để gây hại cho người khác nhưng ta đã có ý nghĩ rồi thì đó là ác ý.
(10) Tà kiến (suy nghĩ sai lầm): Ví dụ nghĩ rằng trên đời này không có Phật, không có nhân quả… Những suy nghĩ như thế là suy nghĩ sai lầm.
- Tóm lại, 10 bất thiện nghiệp gồm 3 bất thiện nghiệp trên thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), 4 bất thiện nghiệp thuộc về lời nói (nói dối, nói lời ly gián, nói lời nhục mạ, nói lời phù phiếm), 3 bất thiện nghiệp thuộc về ý nghĩ (tham, ác ý, tà kiến). Để kiểm soát bản thân, không phạm phải những điều xấu trên ý nghĩ thì rất khó, nhưng đối với những điều xấu, hành động xấu trên thân và lời nói thì ta có thể kiểm soát được để không bộc phát ra thành lời nói, ra hành động ngoài thân. Do đó, ta hãy cố gắng kiểm soát hành động trên thân và lời nói trước, sau đó kiểm soát ý nghĩ sau.
- Đôi lúc trong cuộc sống rất khó để mà nói thật, nhưng những lúc ta không thể nói thật thì ít nhất hãy giữ im lặng, chứ đừng nói dối. Đó là cách để kiểm soát bản thân, không phạm phải bất thiện nghiệp về nói dối. Trong tuần này, ta hãy cố gắng không nói bất kỳ lời nói dối nào. Ban đầu việc này là rất khó nhưng ta có thể tập thói quen không nói dối bằng cách cố gắng không nói dối trong 1 ngày, sau đó nếu thành công, ta có thể tiếp tục giữ không nói dối trong ngày tiếp theo.
- Trong tuần này, ta quan sát xem mỗi ngày ta đã phạm phải bao nhiêu bất thiện nghiệp trong 10 bất thiện nghiệp này và cố gắng từ bỏ chúng. Nếu không thể nào kiểm soát bản thân để từ bỏ tất cả 10 bất thiện nghiệp thì hãy chọn ra loại nào đối với mình là dễ nhất, để cố gắng giảm dần những bất thiện nghiệp đó.
- Trong tuần này, ta hãy thực hành phương pháp quan sát bản thân để hiểu rõ mình hơn, để xem mình thực sự là người tốt hay người xấu. Từ trước đến giờ ta đã làm được bao nhiêu điều tốt cho người khác và làm bao nhiêu điều gây tổn hại, tổn thương đến người khác? Khi nhìn lại, ta sẽ thấy đa số mình làm những điều gây hại cho người khác nhiều hơn những điều tốt mình làm được cho họ. Thông thường ai cũng nghĩ bản thân là người tốt. Ta nghĩ mình là người tốt là do chính bản ngã của mình. Bản ngã khiến ta nghĩ rằng mình tốt hơn người khác và có những điều tốt đẹp hơn người khác, nhưng đó chỉ là do bản ngã của mình mà thôi. Chuyện xác định mình có thực sự là xấu hay tốt thì phải nhìn vào hành động của mình, xem mình đã làm điều tốt cho người khác nhiều hơn hay làm điều xấu cho người khác nhiều hơn.
- Khi thực hành Phật pháp, ta cần giữ giới luật. Giới luật là các nguyên tắc cần phải giữ cho bản thân để không phạm phải những điều xấu, gây phiền não cho mình. Nếu không giữ giới luật, không có những điều ràng buộc như thế thì ngay cả ngồi thiền, ta cũng không thể tập trung được, huống chi là thực hành tốt Phật pháp. Khi tìm đến Phật pháp, người ta thường hay nghĩ đến thiền. Đương nhiên thiền rất quan trọng trong Phật pháp, nhưng nên biết rằng nếu không giữ các nguyên tắc đạo đức để không phạm điều xấu thì sẽ không đạt được kết quả tốt nào từ việc ngồi thiền cả.
- Vậy để giữ giới, điều gì là khó nhất? Khó nhất vẫn là quyết tâm từ phía mình. Nếu ta quyết tâm giữ giới thì các nguyên tắc này rất dễ đối với mình. Việc có giữ giới được hay không, khó hay dễ hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân của mỗi người.
- Chúng ta hãy ghi nhớ điều cực kỳ quan trọng thế này: Những quy tắc đạo đức có thể giải quyết được 80% những vấn đề rắc rối trong cuộc sống của mình. Do đó, ta cần cố gắng giảm thiểu những điều bất thiện. Nếu ta biết mình đang sai phạm thì cố gắng từ bỏ, nếu không từ bỏ được, ít nhất hãy cố gắng giảm bớt.
PHẦN HỎI ĐÁP VỚI THẦY KHANGSER RINPOCHE
1/ Thưa Rinpoche, nếu con không nói nhưng lại tạo hành động khiến người khác hiểu nhầm thì có xem là nói dối không?
Rinpoche trả lời: Nếu không nói lời nào mà làm những hành động khiến người khác hiểu lầm thì vấn đề không phải của mình mà tại người ta tự hiểu lầm. Đó không phải là nói dối.
2/ Nếu con nói thật, nói thẳng thắn thì người khác không chịu nổi sự thật, có khi sẽ phiền lòng thì sao ạ?
Rinpoche trả lời: Ta có thể giữ im lặng trong tình huống đó. Nếu trong tất cả mọi tình huống ta đều nói hết tất cả mọi sự thật thì đó cũng là cái lỗi của mình. Đức Phật không nói rằng ta phải nói hết tất cả sự thật trong tất cả mọi tình huống, mà chỉ dạy là không được nói dối. Trong tình huống không biết phải nói thế nào thì hãy giữ im lặng.
3/ Con nói chuyện gắt gỏng với một người lớn tuổi vì người này nhiều lần xé bỉm bôi bẩn lên chăn đệm tường nhà, như vậy có phải nói lời ác ý không ạ?
Rinpoche trả lời: Đó được xem là lời nói xấu ác. Việc nói lời thô ác với người khác khi người đó làm điều tồi tệ với mình không phải là cách giải quyết vấn đề. Đôi lúc có những cách giải quyết khác hay hơn, êm đẹp hơn.
4/ Nếu nói dối với người khác mà người ta thích nghe lời nói dối đó thì có sai hay không?
Rinpoche trả lời: Lời nói dối như thế cũng giống như thuốc độc có vị ngọt.
5/ Cách tốt nhất để xử lý những cảm xúc tiêu cực trong tâm là gì?
Rinpoche trả lời: Để xử lý cảm xúc tiêu cực trong tâm, cách tốt nhất là hãy phân tán tâm mình, đừng nghĩ đến những cảm xúc tiêu cực đó nữa, cũng đừng nghĩ đến đối tượng khiến mình cảm thấy tồi tệ. Ta có thể phân tán tư tưởng bằng cách tập trung vào hơi thở hoặc tập trung vào Ruộng Phước, cầu nguyện Ruộng Phước gia trì cho mình có sức mạnh vượt qua cảm xúc tiêu cực đó.
6/ Con nói dối để bảo vệ người khác thì có được không?
Rinpoche trả lời: Vậy định nghĩa bảo vệ người khác là gì? Ta nghĩ mình đang bảo vệ người khác nhưng trên thực tế chuyện mình làm có bảo vệ người khác được hay không thì không biết được. Ta nghĩ mình làm thế để bảo vệ người khác nhưng thực sự trong thâm tâm, ta đang làm việc đó vì lợi ích của bản thân mà thôi. Bây giờ ta hãy nghĩ lại xem tất cả những việc mình làm tốt cho người khác có thực sự là mình mong muốn tốt cho người khác hay không, hay tại vì mình vui khi làm công việc đó, vì công việc đó mang lại lợi ích cho mình. Tất cả những ý nghĩ đó đều xuất phát từ tâm chấp ngã của mình. Khi thấy rằng cái ngã, cái tôi mình đang bám chấp là không có thật thì khi đó ta đã hiểu được tánh không. Đây là một quan điểm rất quan trọng trong đạo Phật. Khi hiểu được tánh không, tất cả mọi suy nghĩ phiền não sẽ được dẹp tan hết, lúc đó tâm mình hoàn toàn bình lặng.
7/ Con kinh doanh đồ ăn mặn thì có phạm giới không ạ?
Rinpoche trả lời: Buôn bán thịt thì không có phạm giới. Khi ta giết một con thú để lấy thịt, khi đó mới phạm giới. Có những nghề ta phải làm vì mưu sinh. Nếu ta có kinh doanh đồ mặn thì có thể đọc danh hiệu Phật A Di Đà hoặc đọc Om Ma Ni Pad Me Hum để cầu nguyện gia trì cho những con vật kia.
8/ Bạn con có nhận xét cá nhân về một người bạn. Con nói lại lời nhận xét đó cho người khác nghe thì có xem là nói lời ly gián không?
Rinpoche trả lời: Trong trường hợp này, chưa có rõ ràng là lời nói ly gián. Chỉ khi trong ý định của mình, ta biết rõ việc nói ra những lời đó sẽ khiến người khác chia rẽ thì đó là lời nói ly gián. Khi có ý định rõ ràng thì mới xem là lời nói ly gián.