01-10-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 23 – NGÀY 1/10/2022

CHỦ ĐỀ: PHÁT TRIỂN LÒNG TIN VÀO NHÂN QUẢ (NGÀY THỨ 13)

- Đạo Phật đề cao quy luật nghiệp quả, tức quy luật nhân quả. Nhân quả được hiểu đơn giản là nếu ta làm việc tốt thì sẽ có kết quả tốt, nếu làm việc xấu sẽ có kết quả xấu. Mỗi một việc làm của ta sẽ có kết quả tương ứng.

- Quy luật nhân quả không mới. Từ lúc vũ trụ được hình thành, đã có quy luật nhân quả. Đức phật chỉ là người nhìn rõ bản chất thực tại đó rồi nói cho người khác biết mà thôi.

- Nghĩ về nhân quả tổng quát: có 4 tính chất về nhân quả

(1) Nghiệp cố định

(2) Nghiệp có sức tăng trưởng lớn

(3) Nghiệp đã tạo sẽ không tự nhiên biến mất

(4) Bất cứ điều gì ta gặp đều do ta đã tạo ra nghiệp

- Ta cần phải hiểu rõ là tất cả những điều ta gặp phải trong cuộc sống là do ta đã tạo các nghiệp tương ứng trong quá khứ. Khi có việc gì tồi tệ xảy ra, ta thường hay than vãn “tại sao tôi lại gặp những điều khó khăn như vậy, tại sao không phải là bạn tôi hay người khác mà lại là tôi?”. Nhưng điều ngược lại là khi ta có những chuyện vui, may mắn như trúng số 1 triệu USD thì ta không hỏi tại sao tôi lại trúng số mà không phải là người khác trúng số.

- Theo cách nhìn của bản thân, vấn đề khó khăn hay rắc rối không nằm ở chỗ việc đó có thực sự khó khăn hay rắc rối. Chuyện nào ta có thể chấp nhận được và xử lý được thì ta không xem việc đó là khó khăn hay rắc rối. Còn những việc mà ta không chấp nhận được, không xử lý được, ta lại thấy việc đó trở thành khó khăn của bản thân. Do đó, tất cả khó khăn trong cuộc sống của chúng ta về bản chất không phải là khó khăn mà do cách nhìn nhận của bản thân, do ta không chấp nhận được và cảm thấy khó nên nghĩ đó là vấn đề khó của mình mà thôi.

- Khi học về nghiệp quả, điều đầu tiên ta cần học là thái độ chấp nhận khó khăn. Một khi ta đã chấp nhận khó khăn thì mới có thể đối diện với khó khăn đó và tìm cách giải quyết. Nếu không chịu chấp nhận khó khăn thì lúc nào ta cũng nghĩ nó là khó khăn và không thể nào giải quyết được nó.

- Ta hãy nghĩ những khó khăn ta đang gặp phải là do những nghiệp xấu mình đã tạo trong quá khứ nên bây giờ mình phải chịu những khó khăn như vậy. Nghĩ như thế, ta sẽ dễ dàng chấp nhận các hoàn cảnh khó khăn hơn.

- Ta luôn mong tất cả mọi điều diễn ra với mình một cách hoàn hảo nhưng thực tế cuộc sống không như vậy. Do đó, đừng bao giờ kỳ vọng mọi việc diễn ra một cách hoàn hảo, theo ý muốn. Trong cuộc sống có những lúc mọi thứ diễn ra không theo ý muốn của mình. Những lúc đó ta cần có thái độ chấp nhận khó khăn đó để có thể đối mặt với nó và vượt qua khó khăn đó.

- Bài học đầu tiên về nhân quả là ta phải chấp nhận hoàn cảnh khó khăn. Bài học thứ 2 là ta phải hiểu như thế nào là nghiệp xấu. Có 10 nghiệp xấu và đối lập với 10 nghiệp xấu là 10 nghiệp tốt. Chúng ta có thể đọc thêm quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay, trang 652 (nghiệp đen, nghiệp trắng và dạy về những cửa ngõ vô tình đưa đến nghiệp cường liệt).

- Nghiệp đen: Trong 10 nghiệp xấu, phân ra 3 loại: các hành động qua thân, qua lời nói, qua ý nghĩ.

(1) Hành động qua thân đầu tiên là sát sinh. Sát sinh là giết hại một loài vật hay loài hữu tình nào có mạng sống. Ví dụ, chúng ta đã từng giết muỗi, gián…

+ Đừng bao giờ xem thường một hành động nho nhỏ là giơ tay đập chết một con muỗi vì một hành động nếu trở thành thói quen sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của mình. Có một nghiên cứu thế này: nếu nhìn thấy những chữ có tính chất cường liệt như giết, đánh đập, hành hạ… hoặc nghĩ đến những hành động như thế, lúc bình thường khi ta nghĩ đến, ta có cảm giác những hành động đó rất xấu, rất ác. Tuy nhiên, khi nghĩ nhiều đến chúng, dần dần ta thấy những hành động giết, hành hạ, đánh đập… rất bình thường. Khi tâm đã bắt đầu quen với các hành động bạo lực như vậy, thì khả năng bộc lộ ra ngoài hành động sẽ càng ngày càng dễ hơn. Khi đã quen với những việc xấu như thế, mỗi lúc gặp khó khăn ta rất dễ dàng bị căng thẳng, ức chế, các cảm xúc tiêu cực rất dễ xảy đến với mình, từ đó dễ dẫn đến những hành động sai trái. Đó là lý do đức Phật dạy rằng không nên sát sinh. Vì thế, lần sau có muỗi bay đến gần mình, chúng ta hãy cố gắng ít nhất cho con muỗi thêm một cơ hội được sống, nếu cho thêm 2, 3 cơ hội được sống thì càng tốt.

+ Một câu hỏi là ăn thịt có phải sát sinh không? Hành động sát sinh là trực tiếp giết hại con vật hay các chúng sinh khác, việc ăn thịt không trực tiếp giết một chúng sinh nào cả nên không liệt kê vào nghiệp sát sinh như Phật đã dạy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khuyến khích ăn thịt. Nếu chúng ta không ăn thịt thì điều đó rất tốt. Tóm lại, sát sinh và ăn thịt là 2 điều khác nhau.

+ Một câu hỏi khác là ta vô tình đạp chết con kiến khi đang đi trên đường thì có phải là sát sinh hay không? Hành động đó không tính là sát sinh vì đó là hành động ngoài ý muốn, ta vô tình đạp chân lên con kiến, làm nó chết. Vì không có động cơ sát sinh nên không tính là nghiệp sát sinh. Cần lưu ý các nghiệp đang nói ở đây là nghiệp chủ động, nghĩa là có động cơ chủ động làm hành động đó. Đối với sát sinh, cần có động cơ chủ động muốn sát sinh, muốn giết hại thì mới hình thành nghiệp sát sinh.

(2) Nghiệp xấu thứ 2 là trộm cắp.

+ Quan điểm của đức Phật dạy về trộm cắp sẽ không giống với quan điểm về trộm cắp ở đời thường. Việc sử dụng phần mềm không có bản quyền, chẳng hạn, được xem là trộm cắp. Nếu ta không có điều kiện mua phần mềm có bản quyền mà phải dùng phần mềm bẻ khóa, ít nhất ta hãy nghĩ đến đức Phật, cầu đức Phật tha thứ và nghĩ rằng đức Phật đã tha thứ cho mình.

(3) Nghiệp xấu thứ 3 là tà dâm. Nghĩa là có mối quan hệ với chồng/vợ của người khác.

(4) Nghiệp thứ 4 là nói dối.

+ Những gì ta nghĩ với những gì ta nói ra, nếu không khớp nhau thì đó là nói dối.

+ Ta hãy thực hành quan sát xem ta đã nói dối như thế nào và trong một ngày đã nói dối bao nhiêu lần, từ đó cố gắng giảm thiểu những lời nói dối đó. Nói dối quá nhiều sẽ làm mất lòng tin của người khác.

+ Ta vẫn thường hay nói dối những lời làm cho người ta vui, những câu nói như vậy cũng được xem là nói dối.

+ Phật dạy không nói dối. Tuy nhiên, không nói dối không có nghĩa là phải nói hết tất cả sự thật. Đôi lúc nói hết tất cả sự thật làm cho tình huống rối bời thêm. Do đó, trong những tình huống khó xử, giữ im lặng là cách tốt nhất, không nói gì cả. Ta hãy cố gắng không nói dối. Trong lịch sử, đức Phật đã nhiều lần giữ im lặng. Đôi lúc giữ im lặng có sức mạnh rất lớn.

(5) Nghiệp xấu thứ 5 là nói lời ly gián.

BÀI TẬP TRONG TUẦN:

Bài tập 1: Hãy nhắm mắt lại và nghĩ xem trong quá khứ, ta có từng nói dối người thân của mình như bố mẹ, vợ chồng, con cái... Hãy cảm thấy ân hận vì đã nói dối như thế và phát tâm từ nay về sau ta sẽ không nói dối như vậy nữa.

Bài tập 2: Thực hành tôn trọng sinh mạng của chúng sinh khác bằng cách cho các chúng sinh như muỗi, gián... ít nhất 1 hay 2 cơ hội được sống.

Bài tập 3: Đừng nói những lời nói dối chỉ để làm vui lòng người khác. Nếu nói dối chỉ để vui lòng người khác, thì qua nhiều lần nói dối sẽ tạo ra thói quen rất xấu.