10-09-2022
Lamrim 2022
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022

TUẦN 20 - NGÀY 10/09/2022

CHỦ ĐỀ: LỜI KHUYÊN SAU KHI QUY Y

(Thầy Khangser Rinpoche hướng dẫn)

- Điều quan trọng khi thực hành pháp là phải áp dụng vào thực hành thực sự. Nếu không áp dụng vào thực hành thực sự thì sẽ không có hiệu quả. Phật pháp giống như thuốc, thuốc phải uống thì mới có tác dụng chữa bệnh. Nếu ta thử trong vòng 1-2 tuần mà cảm thấy phương pháp thực hành đó không hữu hiệu thì có thể không thực hành nữa. Còn ban đầu chưa áp dụng mà tự nghĩ chúng không có tác dụng rồi không thực hành thì cách nghĩ đó không đúng.

- Có 3 lời khuyên sau khi quy y Tam Bảo, tương ứng với 3 ngôi báu là Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.

+ Thứ nhất, khi đã quy y Phật thì không nương tựa thần thế gian. Nghĩa là ta có thể tỏ lòng tôn kín thần thế gian nhưng không quy y thần thế gian. Bởi vì ta đã quy y Phật rồi. Quy y Phật là đặt hoàn toàn niềm tin vào Phật, nên ta không có đặt niềm tin hoàn toàn đó vào vị thần thế gian khác.

+ Thứ 2, khi đã quy y Pháp thì không làm hại các chúng sinh khác. Làm sao để có thể không hãm hại chúng sinh khác? Điều mấu chốt là cần phải hiểu được nỗi đau và khó khăn của chúng sinh khác. Ví dụ, khi thấy người khác gặp khó khăn, ta nghĩ rằng ở trong hoàn cảnh khó khăn đó, ta sẽ có cảm nhận như thế nào. Một khi đã cảm thông được với nỗi đau của người khác thì ta sẽ không còn ý định hãm hại người khác nữa. Chuyện làm tổn thương người khác rất dễ làm đổ vỡ các mối quan hệ. Một lần ta làm tổn thương người khác và lần sau lại tiếp tục làm tổn thương khác là bởi vì ta không có thấu hiểu nỗi đau của người khác, vì thế mối quan hệ mới dễ dàng dổ vỡ. Cũng có một số người thích cảm giác làm tổn thương người khác, như thích đi câu cá trong khi câu cá sẽ làm hại con cá. Ta không nên làm những chuyện gây tổn hại như thế.

+ Thứ 3, sau khi quy y Tăng thì không có dựa dẫm, tin cậy vào những người có quan điểm sai lầm. Điểm này rất quan trọng vì trong cuộc sống, những suy nghĩ của mình rất dễ bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ xung quanh mình. Ví dụ, ta không có hút thuốc nhưng lại chơi thân với một nhóm người thích hút thuốc thì chắc chắn, sau khoảng 1-2 tháng, ta sẽ hút thuốc theo đám bạn đó. Do đó, khi quy y nương tựa vào Tăng thì không kết giao, dụa dẫm vào những người có quan điểm sai lầm.

- Bên cạnh những lời khuyên sau khi quy y Tam Bảo, còn có 5 giới quy y, gồm không trộm cắp, không tà dâm, không dùng chất kích thích (như uống rượu), không nói dối, không sát sinh. Ta không nhất thiết phải thực hiện đủ cả 5 giới quy y, mà có thể chọn 1 hoặc 2 hoặc 3 trong 5 điều đó để cố gắng thực hiện cho bản thân mình. Ví dụ, sau khi đã hứa không sát sinh, ta hãy cố gắng cho dù một con côn trùng rất nhỏ thì cũng không hãm hại, giết con côn trùng đó. Ta có thể chọn điều dễ nhất hoặc cũng có thể chọn điều khó nhất trong 5 giới quy y này, xem đó là cơ hội để kiểm chứng năng lực của bản thân, xem mình có thể giữ vững được các lời hứa hay không.

- Quy y nương tựa Tam Bảo có nghĩa là ta bắt đầu con đường của đức Phật. Và sau khi quy y Tam Bảo, ta sẽ có năng lượng che chở của Tam Bảo giúp ta dễ dàng vượt qua những chướng ngại và năng lượng xấu. Điều quan trọng là ta cần có niềm tin hoàn toàn vào đức Phật. Vậy ta cần phải tin vào đức Phật như thế nào? Khi đặt niềm tin vào đức Phật, đầu tiên, ta phải biết rằng đức Phật biết tất cả mọi điều, kể cả những gì ta đang nghĩ trong tâm. Kế nữa, ta cần phải cực kỳ chân thật với đức Phật. Ví dụ, ta có giết một con côn trùng hay uống rượu thì cần phải chân thật với đức phật, nói xin lỗi Phật vì mình đã lỡ giết một con côn trùng, hay đã lỡ uống rượu và cầu Phật tha lỗi.

- Ta có làm gì, nghĩ gì thì phải chân thật với đức Phật về những gì mình làm, mình nghĩ. Như trong việc cúng dường, ta hãy cúng dường với tâm chân thật của mình. Ví dụ, thấy món đồ tốt ở đâu đó, điều gì ta sẽ nghĩ đầu tiên? Ta có thể nghĩ sẽ mua món đó cho người mình yêu thương nhất. Chuyện cúng dường cũng như vậy. Nếu món ăn mà ta không thích, hoặc món đồ ta cảm thấy không tốt, thì làm sao đem tặng cho người khác được. Nếu đã không nghĩ tặng cho người khác thì làm sao nghĩ cúng dường món đồ đó lên đức Phật được? Ta hãy cúng dường những gì mình thích lên đức Phật. Đối với những người thực sự có niềm tin và thực hành Phật pháp đúng nghĩa thì sẽ nghĩ Phật không phải chỉ là tranh, tượng, mà nghĩ Phật là con người thật, nghĩ Phật thực sự ở trong tim mình, có mặt ở khắp nơi trong cơ thể mình, thực sự ở trên đỉnh đầu của mình, đó là điều mà ta có thể nghĩ khi quy y nương tựa Phật. Nếu nghĩ Phật được như vậy, ta sẽ dễ dàng tìm thấy Phật.

- Khi thực hành pháp, giới luật, tức nguyên tắc, là rất quan trọng. Cần có giới thì mới phát triển được định, tức phát triển sự tập trung vào công việc đó. Sau khi tập trung mới có được trí tuệ, mới có được hiểu biết và trải nghiệm về công việc đó. Nếu quan tâm đến việc thay đổi chất lượng cuộc sống thì các nguyên tắc có thể hàn gắn và giải quyết 80% các vấn đề rắc rối trong cuộc sống của mình. Do đó, khi quy y, ta hứa giữ 5 giới, nghĩa là hứa sống theo 5 nguyên tắc đó.

- Để thành Phật, ta cần có 3 điều quan trọng: giới (nguyên tắc), định (tập trung), tuệ (trí tuệ). Để thành Phật, cần thay đổi tư duy và tính cách của mình. Khi thực hành giới nghĩa là thực hành các nguyên tắc đó sẽ giúp ta rèn luyện và thay đổi tính cách để trở nên tốt hơn. Nếu thực hành pháp để thành Phật mà không thay đổi được tính cách của mình thì chuyện thực hành đó không có hiệu quả. Có một số người thực hành Phật pháp trong một thời gian dài nhưng tâm tính không thay đổi tốt hơn, thậm chí một số người trở nên tệ hơn. Lý do là họ không thực hành giới. Nếu ta chỉ thích ngồi thiền, đọc tụng, thích nghi lễ mà không chịu thực hành giới, không thực hành các nguyên tắc ràng buộc bản thân mình thì sẽ không thể nào thay đổi được tâm tính của mình.

- Thực hành giới giống như đang đi trên lưỡi dao. Lưỡi dao rất sắc nên ta cần phải đi cẩn thận để không bị tổn thương đến mình. Nếu ta đi hết lưỡi dao, khi nhìn lại toàn quãng đường đã đi qua, ta sẽ kinh ngạc trước năng lực của bản thân và sẽ cảm thấy rất vui vẻ, an lạc. Chẳng hạn, ta bỏ 1 tiếng mỗi ngày để làm những việc không cần thiết trên mạng internet. Bây giờ hãy đặt ra một nguyên tắc cho bản thân là mỗi ngày chỉ dành 30 phút trên mạng, 30 phút còn lại tìm những việc bổ ích hơn để làm như đọc một quyển sách hay, thực hành thêm Phật pháp hoặc tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Chúng ta hãy tự đặt một số nguyên tắc cho bản thân mình.