TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022 - TUẦN 2 – NGÀY 7/5/2022
- Hôm nay Thầy Khangser Rinpoche hướng dẫn Ngày thứ 2 trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (quyển 1). Ngày thứ 2 chủ yếu nói về tiểu sử của tổ Atisha, về việc tổ Atisha từ Ấn Độ sang Tây Tạng, giảng dạy Phật pháp ở Tây Tạng, thiết lập truyền thừa luyện tâm như thế nào. Thầy dặn lớp đọc thêm Ngày thứ 2 trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay (trang 67).
- Ngày thứ 3 chủ yếu nói về những lợi lạc khi học Lamrim, tức hệ thống thứ tự thực hành Phật pháp mà chúng ta đang theo học. Câu hỏi đầu tiên khi ta học và thực hành Phật pháp là ta có được lợi lạc gì? Trước khi quyết định thực hành Phật pháp, ta phải suy nghĩ cho kỹ. Bởi vì ta sẽ bỏ công sức và thời gian, đó là khoản đầu tư của mình vào chuyện học và thực hành, nên phải xem ta có được lợi lạc gì từ việc đó và có đáng để ta bỏ thời gian hay không. Nên nhớ rằng trong cuộc đời này, quỹ thời gian của mình là có hạn.
- Lợi lạc thứ nhất của Lamrim là cho ta thấy tất cả mọi điều đức Phật dạy không có mâu thuẫn với nhau, đều nhất quán với nhau. Khi theo đạo Phật, đa số mọi người dựa trên niềm tin là chủ yếu. Bây giờ, khi học hệ thống thực hành Phật pháp, ta hiểu được rằng những điều Phật dạy không mâu thuẫn và mang đến lợi lạc cho ta như thế nào. Nhờ đó, niềm tin của chúng ta vào đạo Phật sẽ rất vững chắc, cho ta thấy niềm tin đó là đúng và không mù quáng.
+ Khi học ý Phật, ta không dựa trên tư tưởng của các truyền thống, tông phái như truyền thống đạo Phật ở Trung Quốc, ở Thái, ở Myanmar v.v…, mà ta phải phân tích xem Phật đã nghĩ như thế nào khi giảng những lời như vậy. Một khi đã hiểu hệ thống thực hành, ta sẽ thấy được rằng tất cả lời Phật dạy là nhất quán. Khi thấy nhất quán như vậy và có lợi lạc cho bản thân thì ta sẽ tin và thực hành tốt đạo Phật.
-Lợi lạc thứ 2 là cần hiểu được ta phải thực hành lời Phật dạy như thế nào. Trong sách có ghi là “Tính vĩ đại khiến mọi kinh điển đối với bạn trở thành lời chỉ giáo”. Lời khuyên tốt nhất mà ta cần trong cuộc đời này là lời khuyên có thể giúp ta kiểm soát và điều phục tâm mình, vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Khi hiểu hệ thống lời Phật dạy, ta sẽ xem lời Phật dạy như những lời khuyên, biết được phải áp dụng lời Phật dạy như thế nào để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
+ Chúng ta có biết lượng đường trong máu hoặc huyết áp trong người là bao nhiêu không? Nếu các chỉ số vượt ngưỡng cho phép thì ta sẽ bị bệnh. Vậy chúng ta có biết mức độ lo âu hay mức độ nóng giận trong tâm mình? Mức độ lo âu, nóng giận trong tâm có đang vượt ngưỡng cho phép? Khi ta lo âu hay nóng giận hơn mức bình thường thì cũng phá hủy cuộc sống của ta như những chỉ số sức khỏe khác. Từ những lời Phật dạy, ta có thể áp dụng vào trong cuộc sống để kiểm soát mức độ lo âu, mức độ tức giận để có được sức khỏe tinh thần ổn định. Cho nên, ta phải xem những lời Phật dạy là những lời chỉ giáo để ta có thể vượt qua các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
+ Đức Phật dạy rằng để xua tan bất an trong tâm, cần phải buông bỏ cái tôi. Buông bỏ bản ngã là chìa khóa có được hạnh phúc. Nhưng để buông bỏ cái tôi lại không dễ dàng nên hệ thống những lời dạy của đức Phật chỉ cho ta làm sao buông bỏ cái tôi, để có được an lạc, hạnh phúc.
-Lợi lạc thứ 3 khi học hệ thống thực hành Phật pháp là hiểu được ý thật của Phật. Điều này rất quan trọng vì nếu không hiểu được Phật dạy những lời như vậy với ý thật như thế nào thì làm sao ta có thể thực hành đúng lời dạy của Phật. Vì chúng ta là những người chưa giác ngộ, vẫn còn phiền não nên để hiểu được cách suy nghĩ, quan điểm của đức Phật - một vị đã giác ngộ - là rất khó. Nhưng nếu ta hiểu rõ hệ thống lời Phật dạy, ta sẽ thấy được rằng tất cả lời dạy của Phật là nhất quán, không mâu thuẫn và sẽ hiểu rõ được ý thật của Phật.
-Lợi lạc thứ 4 là khi hiểu rõ hệ thống những lời Phật dạy thì sẽ tự cứu mình khỏi những tà hạnh (việc làm xấu xa). Trong 4 lợi lạc vừa nêu, lợi lạc thứ 4 là quan trọng nhất, vì mục đích cuối cùng của chuyện thực hành Phật pháp là để mang đến sự thay đổi trong chính bản thân mình.
+ Ta nên đặt ra câu hỏi cho mình là khi thực hành Phật pháp, ta có lợi lạc như thế nào. Khi ta hiểu được lợi lạc của việc thực hành đạo Phật, ta có thể áp dụng vào cuộc sống để loại trừ được những phiền não, suy nghĩ tiêu cực trong tâm.
+ Tình huống thứ nhất là bạn trúng số 1 triệu USD, bạn có vui không? Đa số sẽ vui. 10 ngày sau bạn mất 1 triệu USD đó thì bạn có buồn không? Đa số sẽ buồn. Có câu hỏi là bạn trúng số 1 triệu USD thì vui trong bao lâu, bạn mất 1 triệu USD thì buồn trong bao lâu, vậy vui lâu hơn hay buồn lâu hơn? Đa số mọi người sẽ trả lời rằng buồn sẽ lâu hơn là vui. Bây giờ thử so sánh, ta vui cũng vì có được 1 triệu USD, ta buồn cũng vì mất 1 triệu đô. Con số 1 triệu USD là giống nhau nhưng tại sao ta lại buồn lâu hơn là vui?
+ Tình huống thứ 2 là bây giờ hãy nhớ tất cả chuyện vui trong cuộc đời mình từ trước đến giờ và mặt khác, nhớ đến tất cả chuyện buồn trong cuộc đời từ trước đến giờ, để xem cảm nhận của mình như thế nào. Những lúc mình vui nhiều hơn hay là những lúc buồn nhiều hơn? Đa số khi nhớ lại thì cảm thấy cuộc đời buồn nhiều hơn là vui. Vì sao như vậy? Vì cách ta suy nghĩ trong cuộc sống này có một chút vấn đề. Cho nên thực hành đúng đạo Phật có thể giúp ta thay đổi chuyện đó, giúp ta có quan điểm tích cực hơn, an lạc hơn.
-Điểm mấu chốt là ta cần biết thực hành đúng Phật pháp. Nếu không biết cách thực hành đúng Phật pháp thì cho dù có sinh lên các cõi trời hay sinh lên cõi tịnh độ của các vị Phật thì ta cũng buồn chán, phàn nàn điều này điều nọ, đó là do tâm ta vẫn còn phiền não. Còn nếu ta biết thực hành Phật pháp đúng thì cho dù có đang ở đâu, tâm cũng không phiền não, thậm chí xuống địa ngục, ta vẫn vui. Cho nên lợi lạc thứ 4 của việc học Phật pháp theo hệ thống xuyên suốt là ta biết cách thực hành để loại trừ suy nghĩ tiêu cực trong tâm, việc đó sẽ cứu ta ra khỏi những việc làm lỗi lầm.
- Thực hành Phật pháp giúp ta thay đổi bản thân tốt hơn. Nếu thực hành đúng Phật pháp thì phải trải nghiệm được kết quả ngay tức khắc, chứ không phải chờ đến đời sau mới có lợi lạc từ việc thực hành. Thực hành Phật pháp không phải với mục đích để đi lên cõi tịnh độ mà thực hành làm sao để khiến nơi mình ở cũng trở thành nơi tịnh độ. Điểm mấu chốt là làm sao loại trừ các suy nghĩ tiêu cực trong tâm. Một khi làm được chuyện đó, dù ta đang ở bất cứ nơi nào thì nơi đó cũng chính là nơi tịnh độ.
- Mục đích của những lời Phật dạy là muốn mang đến sự thay đổi trong tâm thức của con người chúng ta. Một điều quan trọng nữa là thực hành Phật pháp phải có niềm vui. Nếu thực hành Phật pháp với tâm gượng ép, không an lạc thì việc thực hành không mang lại lợi lạc gì cho mình cả.
- Bài tập về nhà: Đọc Ngày thứ 2 và Ngày thứ 3 trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.