TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 17 – NGÀY 20/08/2022
CHỦ ĐỀ: QUY Y TAM BẢO
(Thầy Thabkhe Lodre hướng dẫn)
- Có 2 điều quan trọng cần ghi nhớ: Khởi động cơ tốt trước buổi học và hồi hướng sau buổi học
- Thiền 1-2 phút trước buổi học: Tư thế ngồi thoải mái, đầu, lưng thẳng, mắt nhìn về phía trước. Ta hít vào một hơi chậm rãi nhẹ nhàng, quan sát đường đi của hơi thở đi vào từ lỗ mũi, đi thẳng xuống bụng, lúc đó bụng căng phồng lên. Khi thở ra, hơi thở sẽ đi ra khỏi lỗ mũi, bụng dần dần xẹp xuống. Tập trung vào hơi thở như vậy trong vòng 1-2 phút. Trong quá trình tập trung vào hơi thở, ta cần tỉnh giác để xem mình có đang tập trung vào hơi thở hay không. Nếu thấy bị phân tâm thì cố gắng tập trung trở lại vào hơi thở.
- Khởi động cơ tốt trước buổi học: Có 2 động cơ:
+ Động cơ quy y nương tựa vào Tam Bảo (Phật - Pháp - Tăng) là vì lo sợ những nguy cơ có thể bị chịu khổ ở đời này và những đời sau và vì nhận thấy Tam Bảo có những lời dạy, phương pháp giúp ta vượt qua các nguy cơ đó nên ta phát tâm quy y nương tựa Tam Bảo. Đây mới là nương tựa Tam Bảo đúng nghĩa.
+ Vì Phật pháp chúng ta đang học là Phật pháp Đại thừa, vốn đặt nền móng căn bản là tâm từ bi, mong muốn mang lợi lạc cho người khác. Nếu muốn giúp đỡ người khác, đầu tiên ta phải giảm bớt việc ác của bản thân và tăng trưởng thiện hạnh. Nếu bản thân còn không làm được việc tốt thì làm sao giúp được người khác. Cho nên khởi đầu buổi học pháp, ta hãy nghĩ rằng ta học pháp để giúp được bản thân mình, tịnh hóa được ác nghiệp, bớt được việc xấu và tăng trưởng được thiện hạnh. Ngoài ra, ta mong mang những thiện hạnh, công đức đó để giúp đỡ người khác.
- Cốt lõi của thực hành Phật pháp là luyện tâm và chuyển hóa tâm thức của mình, nên động cơ từ tâm thức là rất quan trọng. Với một động cơ lớn, nỗ lực lớn thì cho dù ta làm một việc nhỏ nhưng sẽ mang đến công đức thiện hạnh rất lớn. Còn nếu ta làm việc to tát, lớn lao nhưng với tâm tốt lành rất ít thì công đức thiện hạnh cũng sẽ tương ứng. Tâm thiện muốn giúp đỡ người khác lớn bao nhiêu thì công đức thiện hạnh của việc làm đó sẽ lớn bấy nhiêu.
- Phạm vi nhỏ có 2 phần chính: (1) Quy y Tam Bảo; (2) Sau khi quy y Tam Bảo, ta cần phải biết cơ chế nghiệp quả và thiền về nghiệp quả như thế nào.
- Quy y có 5 phần chính:
(1) Nhân quy y: Tại sao ta phải quy y nương tựa Tam Bảo?
(2) Đối tượng quy y: Tam Bảo (Phật - Pháp - Tăng)
(3) Làm sao biết đã phát tâm quy y chân thật
4/ Lời khuyên sau khi quy y
5/ Lợi lạc khi quy y
- Bản chất của quy y là gì? Nhân quy y chính là hiểu rõ các nguy cơ ta có thể chịu khổ ở đời này và các đời sau. Bây giờ làm sao để thoát khỏi những nguy cơ như thế? Ta nhận thấy Tam Bảo có những phương pháp và lời chỉ dạy có hiệu quả mà nếu nương tựa vào đó, ta sẽ thoát khỏi nguy cơ của đau khổ như thế. Ta xác định được rằng quy y Tam Bảo và những thiện đức của Tam Bảo có thể cứu ta thoát khổ. Và bản thân ta có được những trải nghiệm từ việc thực hành theo đúng những lời dạy của Tam Bảo, giúp ta giảm được đau khổ phần nào, có được an lạc và tăng thêm thiện hạnh. Từ các trải nghiệm nho nhỏ đó, ta nhận thấy Tam Bảo là nơi quy y đáng để ta nương tựa vào. Khi ta thấy rõ được các phẩm chất như thế của Phật - Pháp – Tăng, có nghĩa là ta đã có tâm quy y chân thật.
- Có 2 tiêu chuẩn đánh giá để biết được ta đã quy y chân thật hay chưa:
+ Tiêu chuẩn đánh giá đầu tiên là đánh giá thông qua hiểu biết, tri thức của mình từ việc học hỏi kinh điển. Từ kinh điển, ta nhận thấy rằng đức Phật chính là người hướng dẫn con đường thực hành để đạt giải thoát, Pháp là những lời chỉ dạy, những phương pháp mà ta cần thực hành, Tăng Bảo là những người giúp đỡ ta thực hành. Phật - Pháp - Tăng có năng lực giúp ta thoát khỏi nguy cơ của đau khổ. Đó là tiêu chuẩn đánh giá đầu tiên.
+ Tiêu chuẩn đánh giá thứ 2 là ta đã nương theo lời Phật dạy để thực hành và trải nghiệm được rằng việc thực hành như vậy đã giúp ta giảm bớt được đau khổ và có được an lạc. Từ 2 tiêu chuẩn đó, khi ta nhắm mắt lại thấy các phẩm chất của Phật - Pháp - Tăng hiện rõ trước tâm thức của mình thì ta đã quy y chân thật.
- Những phẩm hạnh giác ngộ của Tam Bảo:
(1) PHẨM HẠNH CỦA PHẬT BẢO, gồm phẩm hạnh về thân của đức Phật, phẩm hạnh về khẩu (lời nói) của đức Phật, phẩm hạnh về ý của đức Phật.
a. Phẩm hạnh về thân của đức Phật: Đức Phật có 80 vẻ đẹp và 32 tướng tốt, các biểu hiện giác ngộ trên thân của đức Phật đã được nói đến trong kinh điển. Kinh điển nói rằng thời đức Phật còn tại thế, từng có những vị đệ tử đã đến gặp Phật, thấy được thân đức Phật có tướng hảo nên phát tâm nghe lời Phật và sau khi thực hành, họ đã đạt được đến quả vị giải thoát, có được những phẩm hạnh giác ngộ rất cao.
b. Phẩm hạnh về lời nói của đức Phật:
+ Kinh điển nói rằng lời nói của đức Phật êm tai, khiến cho tâm của người nghe được thư thái, tiêu trừ được phiền não, giúp người nghe hiểu rõ các vấn đề, sau đó có thể đạt được giải thoát.
+ Đức Phật có trí giác ngộ nên Ngài hiểu được tâm tư của đệ tử, và vì thế Ngài giảng theo căn cơ của người nghe, nghĩa là Ngài thấy người nghe cần nghe và cần thực hành những gì mới thoát được phiền não, đau khổ thì Ngài chỉ giảng đúng những điều như vậy.
+ Lời nói của đức Phật có phẩm tính sâu rộng là đức Phật đã giảng rất nhiều kinh điển và trong kinh điển chứa đựng tất cả những điều mình cần phải biết để đạt giác ngộ giải thoát. Kinh điển mà đức Phật giảng chỉ rõ những con đường để thực hành tùy theo căn cơ của từng người, để đạt được mục đích giải thoát giác ngộ.
+ Ta phải nghĩ lời dạy của Phật như phương thuốc và xem đức Phật như người thầy thuốc cho ta phương thuốc đúng để chữa đúng căn bệnh của mình.
c. Phẩm hạnh về ý giác ngộ của đức Phật, gồm phẩm hạnh về trí tuệ và phẩm hạnh về từ bi.
+ Phẩm hạnh về trí tuệ (hiểu biết): Đầu tiên là đức Phật hiểu tất cả những gì ta cần thực hành để đạt giải thoát giác ngộ và các thiện hạnh của thế gian. Kế nữa là đức Phật hiểu được tâm ý của đệ tử nên Ngài đã khéo léo vận dụng tất cả các phương tiện để giúp đệ tử thực hành một cách tốt nhất. Cụ thể, đối với người cần thực hành phạm vi nhỏ, Ngài hướng dẫn phạm vi nhỏ. Đối với người cần thực hành phạm vi trung bình, Ngài hướng dẫn phạm vi trung bình. Đối với người cần thực hành phạm vi lớn, Ngài hướng dẫn phạm vi lớn. Ngài chỉ nói đúng phần mà các đệ tử đang cần và giải quyết đúng thắc mắc trong tâm đệ tử, giúp đệ tử thấy rõ được vấn đề và biết cách vận dụng lời dạy đó để có được kết quả tốt nhất.
+ Phẩm hạnh về từ bi: Đức Phật luôn có tâm từ bi muốn làm lợi lạc cho đệ tử nên Ngài dạy tất cả các phương pháp để giúp đệ tử thoát khổ giống như mình. Ta so sánh tâm từ bi của đức Phật với tâm từ bi của mình, để thấy tâm từ bi của đưc Phật quý giá thế nào. Ta cũng có tâm từ bi nhưng tâm từ bi đó lúc có không, lúc bị suy yếu. Đôi khi ta vì đau khổ, mất mát của bản thân mà quên mất tâm từ bi đối với người, hoặc đôi khi vì sinh hận, ta đã phá hủy tâm từ bi, cho nên thỉnh thoảng ta phát sinh được tâm từ bi nhưng lại không giữ được tâm từ bi đó. Đức Phật không như vậy. Ngài đã trải qua trăm ngàn kiếp trước khi thành Phật, Ngài đã thực hành tâm từ bi, tâm bồ đề, nên đức Phật dù gặp khó khăn, khổ đau như thế nào, Ngài cũng không bao giờ từ bỏ tâm từ bi, tâm bồ đề.
(2) PHẨM HẠNH CỦA PHÁP BẢO: Pháp Bảo là những lời chỉ dạy từ đức Phật mà ta có thể trực tiếp thực hành để đẩy lùi phiền não. Nếu ta thực hành theo Phật pháp và có được những tri thức giác ngộ thì sẽ diệt được những phiền não của mình. Khi diệt được phiền não rồi thì đời này và những đời sau ta sẽ có được an lạc, bớt đau khổ, dẫn đến bước tột cùng rốt ráo hơn nữa là giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, kế đến nữa là có được giác ngộ, thành Phật quả. Những lợi lạc lớn lao như thế có được là nhờ thực hành Pháp Bảo, tức thực hành những lời dạy của đức Phật.
(3) PHẨM HẠNH CỦA TĂNG BẢO: Sách Giải Thoát Trong Lòng Tay nói Tăng Bảo là những vị thánh tăng, là những vị đã có được một phần chứng ngộ của con đường giải thoát. Nhưng trên thế gian này, ta xem Tăng Bảo là những ai thực hành đúng theo lời dạy của đức Phật và giúp ta thực hành đúng theo lời dạy của đức Phật. Lấy ví dụ nếu thực hành thiện hạnh để có được an lạc hạnh phúc ở đời này, đời sau thì ta phải từ bỏ ác nghiệp. Nếu ta cứ thân cận với những người mà lúc nào cũng làm chuyện xấu thì ta sẽ bị ảnh hưởng theo, cũng sẽ làm các việc xấu đó. Như vậy, ta sẽ chẳng thành công trong việc thực hành Phật pháp.
- Tóm lại, để có thể thực hành Phật pháp đúng, ta cần nương tựa vào Phật Bảo (người hướng dẫn con đường thực hành), Pháp Bảo (pháp thực hành trực tiếp giúp ta diệt trừ được phiền não của mình), Tăng Bảo (người thực hành đúng lời dạy của đức Phật và giúp ta thành công trong pháp thực hành của mình).
- Sau khi đã quy y, ta phải biết cần thực hành những gì. Nếu chỉ quy y mà không thực hành, ta cũng không thoát khỏi các nguy cơ đau khổ. Cốt lõi của việc thực hành Phật pháp là ta phải hiểu rõ lời dạy của đức Phật và áp dụng để chuyển hóa được tâm thức của mình, để có được an lạc ngay từ chính bản thân mình và giúp đỡ được người khác.