TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 14 – NGÀY 30/7/2022
CHỦ ĐỀ: PHẠM VI NHỎ
(Thầy Thabkhe Lodroe hướng dẫn)
- Hai điều quan trọng khi học pháp là phát tâm động cơ tốt trước khi học pháp và hồi hướng vào cuối buổi học.
- Để khởi đầu buổi học pháp, Thầy hướng dẫn thiền trong 1-2 phút:
+ Ngồi theo tư thế thoải mái, giữ đầu, vai, lưng thẳng, mắt khép hờ.
+ Khi thiền, ta tạm thời gác qua một bên những phiền muộn, lo lắng trong tâm và tập trung toàn bộ tâm trí vào hơi thở. Nếu ai đang có những cảm giác đặc biệt trên thân thì có thể tập trung vào những cảm giác đó, quan sát cảm giác đó đến và đi. Chúng ta có thể chọn tập trung vào hơi thở hoặc chọn tập trung vào cảm giác trên thân.
+ Nếu tập trung vào hơi thở, ta hít vào nhẹ nhàng và thở ra nhẹ nhàng, tập trung trong 1-2 phút. Khi hít vào một cách nhẹ nhàng, ta nghĩ có luồng hơi đi vào trong lỗ mũi, đi thẳng xuống bụng. Sau đó thở ra nhẹ nhàng, thấy trong bụng có luồng hơi đi ra qua lỗ mũi. Cứ liên tục tập trung quan sát hơi thở vào ra như thế.
+ Trong lúc tập trung vào hơi thở, thỉnh thoảng ta kiểm tra xem mình có còn đang tập trung vào hơi thở hay là bị phân tâm mất rồi. Nếu bị phân tâm, ta kéo sự tập trung trở lại vào hơi thở. Sau thời thiền ngắn, ta sẽ có được sự nhẹ nhàng trên thân và tâm.
- Sau khi kết thúc thời thiền, ta khởi động cơ học pháp tốt. Đó là khởi tâm nương tựa vào Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng). Ta hãy nghĩ về những phẩm hạnh của Tam Bảo để phát sinh tâm quy y chân thật. Hơn nữa, ta nghĩ ta học Phật pháp không phải chỉ vì muốn cải thiện bản thân mà sau đó còn giúp đỡ những người xung quanh. Phát tâm mang lợi lạc cho người khác chính là tâm bồ đề (tâm Đại Thừa).
- Điều quan trọng trong thực hành phạm vi nhỏ là thực hành nhân quả và từ bỏ 10 bất thiện nghiệp để có cuộc sống an lạc, hạnh phúc ở đời sau.
- Đầu tiên đức Phật dạy ta phải nghĩ về vô thường và cái chết. Vì bất cứ chúng sinh nào sinh ra trong luân hồi không thể có được đời sống lâu dài, mà sớm muộn cũng phải đối mặt với cái chết. Khi chết đi, ta phải qua đời tái sinh kế. Ở đời tái sinh kế, ta có an lạc hay sung túc thì phụ thuộc vào nghiệp, vào các hành động của ta ở đời này có tạo ra nhân lành để hưởng kết quả lành ở đời sau hay không.
- Một câu hỏi đặt ra: Vậy có đời sau hay không? Các nhà khoa học, triết học thường dùng các lập luận để chứng minh không có đời sau và chứng minh là có đời sau. Nhưng nhìn chung, những lập luận chứng minh có đời sau thì có bằng chứng nhiều hơn các lập luận rằng không có đời sau. Ở phương Tây có nhiều môn khoa học về tâm thức và ngành tâm lý học cũng cố gắng giải thích nguyên lý về tâm thức nhưng đến giờ vẫn không có kiến thức toàn diện để giải thích đầy đủ cơ chế hoạt động của tâm thức. Lấy ví dụ, ta có những trải nghiệm trong tâm thức rất đặc biệt như đi ngủ mơ thấy mình đi tới chỗ này chỗ kia, ở những nơi mà thân mình chưa từng đi tới. Đến bây giờ tâm lý học hiện đại chưa đủ bằng chứng để giải thích trọn vẹn các hiện tượng như vậy. Mặt khác, có những bằng chứng về những người nhớ về đời quá khứ của mình, không chỉ ở châu Á mà còn ở phương Tây. Những trường hợp nhớ về đời trước như thế không phải là hiếm.
- Dựa vào sự hiểu biết về nhân quả, ta biết đời sau sẽ có khả năng chịu khổ nếu làm việc xấu và biết đời sau sẽ an lạc, sung túc nếu làm việc tốt. Xét về các việc xấu ác, nếu phạm phải việc xấu ác ở mức độ nhẹ thì có thể đời sau ta sẽ chịu đau khổ ở cõi súc sinh. Nếu bây giờ phạm việc xấu ác ở mức độ nặng hơn, có thể đời sau ta sẽ chịu khổ ở cõi ngạ quỷ. Nếu phạm đại tội, đại ác như giết người hoặc phạm 5 tội khiến sinh vào địa ngục thì đời sau sẽ chịu khổ ở cõi địa ngục.
- Trong kinh điển có đề cập đến những cái khổ nóng/ lạnh cùng cực ở cõi địa ngục, trong khi khổ chính yếu ở cõi ngạ quỷ là đói khát. Những đau khổ của địa ngục và ngạ quỷ rất lâu dài. Chúng sinh ở 2 cõi này dù khổ cách mấy vẫn không có thể chết được, do nghiệp lực của họ.
- Đối với cõi súc sinh, ta có thể tận mắt thấy chúng sinh ở cõi này khổ đau như thế nào như phải chịu đói chịu khát; vì sinh tồn, chúng phải giết hại lẫn nhau; chúng bị lợi dụng sức của mình để làm việc cho người khác như con trâu, con bò. Tâm thức của loài thú không có biết tư duy, không biết tự điều chỉnh hành vi để chặn những việc ác và để làm thêm việc thiện, nên càng ngày chúng càng làm nhiều việc ác, khiến đời sau sẽ càng rơi vào những chốn đau khổ hơn.
+ Trong kinh điển nói rằng càng về xuống dưới các cõi ác thì chúng sinh đau khổ sẽ càng nhiều hơn. Nghĩa là chúng sinh ở cõi ngạ quỷ sẽ còn nhiều hơn ở cõi súc sinh, chúng sinh dưới địa ngục sẽ nhiều hơn chúng sinh ở cõi ngạ quỷ. Và càng về những cõi ác sâu hơn thì đau khổ càng nhiều hơn nhưng thời gian và tuổi thọ của chúng sinh chịu khổ sẽ càng dài hơn. Một khi đã bị rơi xuống cõi ác thì gần như sẽ chịu khổ liên tục và càng ngày càng đi xuống cõi thấp hơn, ít có cơ hội nào làm điều thiện để lên được cõi cao hơn.
- Vì thế, mỗi người chúng ta đang có thân người nhàn mãn, nghĩa là có đầy đủ các điều kiện để có thể thực hành các điều thiện và loại bỏ những điều ác, nên ta cần phải biết tận dụng triệt để thân người quý báu này để làm lành, tránh dữ, không phạm phải những ác nghiệp khiến cho ta phải chịu khổ ở tương lai. Trong cuộc sống, ta hay có những phiền não như tức giận, ganh ghét, đố kị hay sân si hãm hại người nào đó. Những tâm phiền não như thế sẽ làm tổn hại bản thân ta đầu tiên vì khiến ta mất đi sự an lạc trong tâm. Rồi từ những tâm bất thiện như vậy, ta làm ra những hành động, nói ra những lời nói gây tổn hại người khác thì hậu quả càng ngày càng nặng thêm, không chỉ hậu quả bây giờ mà hậu quả tương lai rất dai dẳng. Do đó, ta cần phải để ý trong mọi hành động, lời nói của mình.
- Nói về những cái khổ ở cõi ác để ta hiểu rằng nếu ta tạo việc ác thì sẽ phải nhận lãnh những hậu quả khiến ta chịu khổ trong tương lai. Vì đâm ra sợ khổ trong tương lai nên ta tìm một phương pháp giúp ta tránh những cái khổ đó. Trong quá khứ, ta đã lỡ tạo ra nghiệp ác, chắc chắn sẽ phải chịu khổ ở tương lai. Vì thế, ta nương tựa quy y Tam Bảo, hiểu về nhân quả và thực hành theo đúng nhân quả để làm lành, tránh dữ, tịnh hóa những ác nghiệp đã phạm ở đời trước, để không phải nhận lãnh đau khổ cùng cực ở tương lai. Đó là phần chính yếu trong phạm vi nhỏ.
- Tóm lại, thực hành thiền theo phạm vi nhỏ gồm các bước sau:
+ Đầu tiên, nghĩ đến những đau khổ ở trong các cõi ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), nghĩ rằng ta đã lỡ phạm phải những ác nghiệp mà sẽ khiến đời sau sinh ra ở các cõi ác. Ta nghĩ rằng những đau khổ ở các cõi ác này khó mà chịu thấu và không có cách nào cứu ta ra khỏi những cái khổ đó.
+ Vì lo sợ sẽ chịu khổ như thế, ta quy y Tam Bảo, nương theo những lời đức Phật dạy về các phương pháp cứu khổ. Cụ thể, phương pháp thứ nhất là nghĩ về nghiệp quả. Nếu làm việc tốt, ta sẽ có phước lành, nếu làm ác thì sẽ bị đau khổ. Chỉ làm việc thiện và từ bỏ việc ác là phương pháp thực hành nhân quả. Phương pháp thứ 2 là tịnh hóa những ác nghiệp đã gây ra. Đối với phương pháp tịnh hóa ác nghiệp, điều quan trọng là ta cần có tâm hối hận về những lồi lẫm đã tạo ra. Nhờ tâm hối hận đó, những kết quả đau khổ sẽ giảm xuống. Ngoài ra, ta không vui với những lỗi lầm của người khác. Khi thấy người khác phạm lỗi hoặc hại một ai đó mà ta còn cổ vũ thêm thì bản thân ta cũng mang ác nghiệp đó, lúc ấy ác nghiệp sẽ càng tăng. Đối với những việc tốt của người khác làm, ta không ganh tị, đố kị mà càng phải hoan hy, vui với việc thiện của người khác, như vậy ta sẽ có thêm nhiều phước đức. Đối với việc ác, ta sẽ giảm bớt, dẫn đến từ bỏ. Đối với việc thiện, ta sẽ gia tăng, dẫn đến ngày càng tăng trưởng thiện lành, từ đó ta sẽ có tái sinh tốt ở cõi lành.