TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 11 – NGÀY 09/07/2022
CHỦ ĐỀ: TINH HOA TỪ KIẾP NGƯỜI QUÝ BÁU
(Thầy Thabkhe Lodre hướng dẫn)
- Trước khi bắt đầu buổi học hôm nay, chúng ta hãy khởi động cơ đúng của người nghe pháp. Chúng ta nghĩ rằng mình nghe pháp không phải chỉ để mang lợi lạc cho bản thân mà còn mang lợi lạc cho những người xung quanh. Để làm lợi lạc cho bản thân và người khác, ta cần có tâm tốt lành. Bởi nhờ tâm tốt lành, ta mới nghĩ được rằng ta cần làm những điều lợi lạc cho người khác. Để khởi lên tâm tốt lành như thế, đối với người Phật tử, cần phát tâm quy y, nương tựa vào Tam Bảo để thực hành lời Phật dạy.
-Trước khi bắt đầu buổi học, chúng ta hãy thực hành phần thiền nhỏ để tâm trở nên nhẹ nhàng.
+ Cụ thể, chúng ta hãy tạm gác mọi phiền não của quá khứ, cũng không nghĩ đến những cảm xúc lo lắng ở tương lai, mà hãy tập trung mọi chú ý vào cảm giác hiện tại trên thân. Đầu tiên, chúng ta tập trung trên mắt, quan sát xem ta đang có cảm nhận như thế nào, sau đó tập trung sự chú ý vào tai, cổ, vùng phía sau cổ, 2 vai, vùng ngực, bụng, cột sống lưng, di chuyển xuống 2 chân, rồi tới bàn chân, cứ lần lượt quan sát xem ở mỗi điểm trên cơ thể như thế, chúng ta đang có những cảm nhận như thế nào.
+ Trong quá trình quan sát toàn bộ cơ thể, nếu có cảm giác bất an và không thoải mái trên thân hoặc trong tâm thì ta cứ hít vào một hơi thật dài, thật sâu và sau đó thở ra một hơi, nghĩ rằng tất cả buồn phiền và mệt mỏi trên thân đều theo hơi thở đi hết ra ngoài và thân ta trở nên thoải mái và tâm an lành trở lại. Sau đó, chúng ta hít vào một hơi nữa. Trong lúc hít vào, hãy cảm nhận chúng ta đang hít vào một hơi thở, cảm nhận rằng ta đang có thân người, đang có sự sống, đang có sự may mắn, đang có những điều kiện tốt đẹp… Hãy cảm nhận sự may mắn đó và vui vẻ vì bản thân ta vẫn còn có sự sống.
- Nội dung học hôm nay là rút tỉa tinh hoa từ kiếp người quý báu. Gồm 3 phần:
(1) Tại sao nói là thân người quý báu? Có những điều kiện, nguyên nhân nào khiến thân người là quý báu?
(2) Ta đã có một thân người thực sự quý báu.
(3) Khi có thân người quý báu này, ta phải tận dụng như thế nào để mang những lợi lạc tốt nhất cho đời người này của mình?
- Tiếng Tây Tạng dùng từ “nhàn” và “mãn” để nói về thân người quý báu. Thân người quý báu phải có đủ 2 yếu tố là nhàn và mãn. Nhàn nghĩa là ta có đủ thời gian, có đủ sự rãnh rỗi để thực hành Phật pháp. Mãn là có đủ điều kiện thuận duyên để thực hành tốt Phật pháp. Vậy cụ thể, những điều kiện đó là gì?
+ Nhàn là tránh được 8 chướng ngại, tức 8 nạn. Chẳng hạn như nạn sinh vào nơi địa ngục, tại nơi đó ta phải chịu khổ rất nhiều; hoặc sinh làm súc sinh, vốn bị si mê, không có khả năng tư duy, nên sẽ không thể thực hành được giáo pháp; hoặc sinh vào nơi mà ở đó không có ai biết gì về Phật pháp; hoặc sinh làm thân người không có đủ cơ quan, hoặc giác quan bị khuyết tật… (xem trang 456, Quyển 1 Giải Thoát Trong Lòng Tay). Nếu không vướng 8 nạn này thì ta có được thân người “nhàn” để thực hành Phật pháp.
+ Mãn là có những điều kiện viên mãn, đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hành pháp. Những điều kiện này được chia làm 2 loại:
(1) Điều kiện bên trong (điều kiện cá nhân): ví dụ như sinh ra làm người, sinh ra có đầy đủ các giác quan, cơ thể không bị khuyết tật, có tư duy tốt, có niềm tin, muốn thực hành Phật pháp để thay đổi hành vi, từ đó trở thành người tốt hơn…
(2) Điều kiên bên ngoài (điều kiện xã hội): ví dụ như sinh vào một nơi mà ở đó được nghe nói về Phật pháp, nơi đó có người giảng dạy về Phật pháp, có người thực hành đúng Phật pháp và bản thân mình được hướng dẫn đúng về Phật pháp. Tổng cộng có 5 điều kiện cá nhân và 5 điều kiện bên ngoài (xem trang 456).
- Một người thoát khỏi 8 nạn là có thân người “nhàn”. Ngoài ra, người đó có đủ 5 điều kiện cá nhân và đủ 5 điều kiện về hoàn cảnh bên ngoài là có thân người “mãn”. Một thân người vừa nhàn vừa mãn như thế là rất khó có lại được (chưa chắc đời sau sẽ lại có được thân người quý báu) và cũng rất dễ bị mất đi (do phải chịu sinh lão bệnh tử trong luân hồi). Cho nên khi ta có được thân người nhàn mãn thì phải phát tâm hoan hỷ và cảm thấy may mắn vì ta đã có đầy đủ các điều kiện tốt lành để thực hành Phật pháp. Và quan trọng là ta phải biết tận dụng triệt để sự quý báu của thân này để làm những điều lợi ích lớn lao.
- Có được thân người nhàn mãn là điều kiện tiên quyết để có thể thực hành Giới - Định - Tuệ. Giới - Định - Tuệ là những điều quan trọng cần thực hành trên con đường thực hành Phật pháp.
- Như vậy, ta phải xác định 3 điều: Một là ta có được thân người nhàn mãn. Hai là thân người nhàn mãn rất khó có được. Ba là dựa vào thân người nhàn mãn, ta có thể thành tựu được các mục đích ngắn hạn (như mục đích đạt được hạnh phúc trong đời này cho bản thân và những người xung quanh) và thành tựu cả những mục đích dài hạn (như mục đích đạt giải thoát, giác ngộ thành Phật).
- Ta phải tận dụng thân người quý báu này để làm việc thiện và tránh những việc xấu. Thế nhưng, con người thời hay bị thói quen chi phối, khiến họ làm nhiều việc ác hơn là việc thiện. Một khi ta làm nhiều việc ác hơn việc thiện thì sẽ khiến cho điều kiện để ta có lại được thân người trong tương lai là rất khó khăn. Do đó, ta phải thay đổi cách suy nghĩ, điều chỉnh hành vi để làm nhiều việc thiện, như vậy ta sẽ có được an lạc cho bản thân và nghĩ xa hơn là tận dụng thân người này để làm lợi lạc cho những người xung quanh.
- Việc rút tỉa tinh hoa từ kiếp người là tận dụng thân người nhàn mãn này để thực hành Phật pháp với mong muốn sẽ được hạnh phúc ở đời này và đời sau, hoặc nghĩ xa hơn là để đạt được giải thoát, không còn đau khổ trong luân hồi, hoặc nghĩ sâu rộng hơn nữa là tận dụng thân người này thực hành Phật pháp với mong muốn giác ngộ thành Phật để làm lợi lạc cho người khác. Dựa vào 3 động cơ và 3 cách tận dụng thân người quý báu mà chia làm phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn.
- Cách phân chia phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn là cấu trúc cốt tủy của Lamrim. Lamrim chủ yếu hướng dẫn cho những người có những mong cầu thuộc phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn biết cách thực hành Phật pháp thế nào để đạt được mong cầu của họ.
+ Phạm vi nhỏ là những người muốn tận dụng thân người quý báu để thực hành làm lành lánh dữ (làm việc thiện, tránh làm việc ác) với mong cầu đời này và đời sau có được hạnh phúc ở cõi lành.
+ Phạm vi trung bình là những người tận dụng thân người quý báu để thực hành theo lời Phật dạy với mong cầu giải thoát khỏi luân hồi. Những người có mong cầu thuộc phạm vi trung bình không muốn phải trải qua rất nhiều lần sinh ra chết đi trong cõi luân hồi, mỗi lúc sinh ra chết đi, lại phải chịu các khổ của sinh lão bệnh tử với vô vàn phiền não quấy nhiễu, khiến tâm không thể an lạc được. Chính vì thấy được những khuyết điểm của luân hồi nên phát tâm nương theo lời Phật dạy để đạt giải thoát cho riêng bản thân mình. Những người có mong cầu như thế là thuộc phạm vi trung bình.
+ Phạm vi lớn là những người muốn tận dụng thân người nhàn mãn để hoàn thành mục đích lớn lao là thành Phật. Những người có mong cầu thuộc phạm vi lớn biết rằng chỉ có đức Phật mới giúp tất cả chúng sinh thoát khổ nên họ nương vào lời Phật dạy để thực hành tâm từ bi, phát tâm bồ đề, thực hành các phương pháp để trở thành Phật, từ đó mới có năng lực giúp đỡ người khác.