TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 2022
TUẦN 1 – NGÀY 30/4/2022
- Khóa học của chúng ta là Thứ tự thực hành Phật pháp và giáo trình tham khảo chính là sách Giải Thoát Trong Lòng Tay. Khóa học sẽ hướng dẫn trình tự thực hành Phật pháp và các bước thực hành thiền như thế nào để có thể thực hành đúng Phật pháp.
- Trong tất cả các kinh điển, đức Phật giảng dạy rất nhiều phương pháp thực hành. Nhưng một điều không thấy rõ được trong kinh điển là với tất cả các điều đức Phật đã dạy như thế, chúng ta phải thực hành theo trình tự như thế nào. Cuốn Giải Thoát Trong Lòng Tay đã đúc kết lại những điều đức Phật giảng và hướng dẫn chúng ta nên thực hành cái gì trước, cái gì sau.
- Với trình tự thực hành đó, điều cốt lõi từ giáo pháp thực hành là tất cả các phương pháp đức Phật dạy nhằm giúp chúng ta điều phục, kiểm soát và chuyển hóa được tâm thức của mình. Khi thực hành những điều Phật dạy, ta phải quan sát bản thân và quan sát kết quả mình có được từ thực hành Phật pháp.
- Mục đích của việc thực hành Phật pháp là mang đến sự chuyển hóa tâm thức, cho nên chúng ta phải có được lợi lạc tốt từ việc thực hành Phật pháp. Nếu qua một thời gian, chúng ta nghe, học và thực hành Phật pháp mà lại không có được kết quả tốt thì phải xem lại chúng ta có hiểu đúng về Phật pháp, có biết rõ cách thực hành hay không, hoặc người hướng dẫn Phật pháp có hướng dẫn chúng ta đúng hay không. Bởi vì nếu thực hành Phật pháp đúng, chắc chắn ta có thể cảm nhận được lợi lạc ấy. Lợi lạc từ việc thực hành pháp có được ngay tức thời, trong đời này, chứ không phải chờ đến đời sau mới có kết quả tốt.
- Thầy Khangser Rinpoche giới thiệu sơ bộ về nội dung của cuốn sách Giải Thoát Trong Lòng Tay, trong tiếng Tạng hay gọi là Lamrim. Lamrim có ý nghĩa là trình tự của con đường. Con đường ở đây là con đường thực hành đạo Phật. Trước khi nghiên cứu nội dung của cuốn sách này, chúng ta nên hiểu nội dung cuốn sách này bắt nguồn từ đâu, vì lý do gì xuất hiện nội dung như thế.
+ Khi giảng dạy Phật pháp, quan trọng là phải hướng dẫn cho đúng với ý của đức Phật. Ngày nay, có nhiều người nói chuyện về Phật pháp nhưng nói theo cách họ hiểu chứ không chuyển tải theo đúng ý đức Phật đã nói.
+ Đạo Phật đã được lưu chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau và chúng ta từng nghe nói đến Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nhật Bản v.v… Khi có người hỏi Thầy về các nền Phật giáo khác nhau, Thầy trả lời rằng Phật giáo mà Thầy biết đến duy nhất chính là đạo Phật do đức Phật giảng dạy. Do đó, điều lưu ý đầu tiên khi chúng ta bắt đầu học lớp này là chúng ta đang học Phật pháp do chính đức Phật giảng dạy, chứ đừng nghĩ mình tham gia lớp này là để học Phật giáo Tây Tạng.
+ Từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 10, nhu cầu thực hành Phật pháp ở Tây Tạng tăng cao. Khi đó đã xuất hiện những mâu thuẫn về tư tưởng, quan điểm, cách thực hành đạo Phật. Có những người đã diễn giải sai về đạo Phật và xuất hiện những phương pháp thực hành không đúng như lời Phật dạy. Đó là lý do Tổ Atisha được mời từ Ấn Độ sang Tây Tạng để giảng dạy Phật pháp đúng. Tổ Atisha khi nhận lời mời đó đã soạn một văn bản, hệ thống lại phương pháp thực hành từ lời đức Phật dạy. Văn bản đó gọi là Lamrim, tức là Thứ tự thực hành Phật pháp.
+ Khi tổ Atisha đến Tây Tạng để giảng dạy Phật pháp và soạn ra bản văn như vậy thì tổ đã hướng dẫn cách thực hành Phật pháp theo đúng lộ trình và có hệ thống với mục đích giúp chuyển hóa tâm thức của bản thân. Phương pháp đó bắt đầu lan truyền và nhiều người đã noi theo thực hành, từ đó xuất hiện một dòng truyền thừa ở Tây Tạng gọi là dòng truyền thừa luyện tâm. Đó là một điểm chính về nguồn gốc của nội dung quyển sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.
-Khi chúng ta học và thực hành Phật pháp, có vài điểm cần phải lưu tâm.
+ Thứ nhất là khi học Phật pháp, ta phải xem Phật pháp như là thuốc chữa bệnh. Thuốc chữa bệnh phải có đặc tính chữa được bệnh. Nếu ta thực hành Phật pháp mà không thấy được kết quả tức thời, không cảm nhận được bất kỳ lợi lạc nào hết, có nghĩa là ta đang làm sai và pháp mà chúng ta đang thực hành không phải là pháp hành đúng.
+ Thứ 2 là cần phải có một quyết tâm lớn, thái độ dứt khoát đối với việc thực hành Phật pháp của bản thân. Đừng có thái độ nửa vời vì việc thực hành nửa vời không mang lại lợi lạc gì cả. Đặc biệt là các điều luật đức Phật đặt ra thì nên tuân thủ theo một cách chặt chẽ.
+ Thứ 3 là nếu chúng ta gặt hái bài học hay có lợi ích cho bản thân từ lớp học Phật pháp thì nên chia sẻ cho người thân của mình, vì học Phật pháp không phải chỉ mang niềm vui đến bản thân mà còn cho cả gia đình mình. Vì chỉ khi người thân của mình hạnh phúc thì chúng ta mới hạnh phúc. Chuyện chia sẻ này rất quan trọng, vì lúc ta chia sẻ, ta không nghĩ điều đó có giá trị lớn, nhưng người gặp đúng hoàn cảnh sẽ cảm nhận điều ta chia sẻ có giá trị rất lớn.
- Giải Thoát Trong Lòng Tay chia ra làm 24 chương, tên mỗi chương sách sẽ được đánh dấu bằng tiêu đề Ngày thứ nhất, Ngày thứ 2, Ngày thứ 3… cho đến Ngày thứ 24. Chúng ta hãy cố gắng áp dụng những bài học từ nội dung Giải Thoát Trong Lòng Tay vào đời sống của mình, xem những bài học đó mang đến lợi lạc như thế nào.
+ Ngày thứ nhất hướng dẫn chúng ta cần phải học Phật pháp như thế nào. Một câu hỏi đặt ra là khi bắt đầu thực hành phật pháp, bước đầu tiên cần phải làm là gì? Bước đầu tiên là phải nghe pháp. Cách nghe pháp đúng là chúng ta cần phải có được động cơ tốt và đúng đắn. Đó là nghe, học Phật pháp để áp dụng dụng những lời dạy của đức Phật cho bản thân và giúp được cho người khác nữa.
- Ngày thứ 2 nói về tiểu sử của Tổ Atisha, vị tổ đã thiết lập nên truyền thừa Luyện Tâm. Tổ Atisha được sinh ra ở Bangladesh. Ngài đã được học Phật pháp từ một vị thầy nổi tiếng tinh thông kinh điển, sau đó Tổ Atisha cũng trở thành vị học giả rất nổi tiếng. Sau đó Ngài được mời sang Tây tạng để dạy Phật pháp. Lý do Tổ Atisha được mời sang Tây tạng là vì tình hình tu học Phật pháp ở Tây Tạng lúc đó có nhiều mâu thuẫn, không thống nhất nhau về cách thực hành Phật pháp, rất nhiều người muốn thực hành nhưng không biết thực hành thế nào. Để giải được nghi vấn trong các cách thực hành Phật pháp, tổ Atisha đã soạn tác nên văn bản Lamrim, được đúc kết từ những lời Phật dạy.
- Tên của tổ Atisha là Dipankara nên Thầy đặt tên nhóm là Dipkar, theo tên viết tắt của Tổ Atisha, tiếng Việt là Nhiên Đăng. Tư tưởng của tổ Atisha là khi thực hành đạo Phật, điều quan trọng là phải tập trung vào việc chuyển hóa và thay đổi tâm thức của bản thân.
- Bài tập về nhà: Đọc Ngày Thứ Nhất và Ngày thứ 2 trong sách Giải Thoát Trong Lòng Tay.