09-04-2022
Lamrim 2021
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG TUẦN 54 NGÀY 9/4/2022

NGÀY THỨ 14 - Phạm vi trung bình (Giải Thoát Trong Lòng Tay, Quyển 2, trang 10)

Chủ đề: Tâm buông bỏ, tâm giải thoát

1/Phát tâm cầu giải thoát: nghĩ về khổ sinh tử và nghĩ về những khổ đặc biệt.

- Khổ trong cõi luân hồi được chia làm 2 phần: những nỗi khổ chung và những nỗi khổ riêng của từng cõi.

- Những khổ chung của luân hồi: khổ được nói đến trong khổ đế (sự thật đầu tiên trong Tứ thánh đế) và khổ được nói đến trong 12 nhân duyên.

- Đức Phật dạy rằng khổ là kết quả của ác nghiệp và phiền não và ta không thể nào tự chủ kiểm soát được những khổ đó. Vì bị ác nghiệp và phiền não khống chế nên những khổ đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ta luôn bị lôi cuốn theo nghiệp và phiền não do mình đã gây ra.

- Từ lúc ta sinh ra trong cõi luân hồi này, có rất nhiều đau khổ mà ta phải chịu. Nguồn gốc của những đau khổ đó bắt nguồn từ nghiệp và phiền não. Đây là 2 nguyên nhân chính dẫn đến đau khổ.

- Bài tập thực hành trong tuần: hãy nhìn lại những khó khăn từ trước đến nay của bản thân, từ bệnh tật trên thân cho đến những phiền muộn trong tâm và suy nghĩ xem do đâu ta lại gặp những vấn đề như vậy. Thông thường ta hay nghĩ đến những yếu tố bên ngoài khiến mình gặp khó khăn. Bây giờ đừng nghĩ như thế, mà hãy nhìn trong tâm, xem đâu là nguyên nhân chính yếu khiến ta gặp khó khăn như vậy.

- Ví dụ, bệnh tật thường đến từ những ác nghiệp trong đời trước. Đối với những đau khổ như vậy, có 2 nguyên nhân chính là nghiệp và phiền não. Nhân chính yếu khiến ta đau khổ là ác nghiệp do ta tạo ra từ đời quá khứ. Còn nhân phụ khiến cho nhân chính sinh sôi ra kết quả đó, chính là phiền não. Do hiện tại, ta đang có phiền não nên ác nghiệp mới có điều kiện sinh sôi, làm cho ta đau khổ.

- Đây là phần tổng quát về khổ theo quan điểm của Tứ thánh đế.

• Nghĩ về khổ sinh tử nói chung: Trong luân hồi có 6 khổ nói chung

a/ Đầy bất trắc: Bất trắc nghĩa là không có gì xác định cả. Ví dụ, hôm nay là bạn thân, vì chuyện gì đó ngày mai lại thù ghét nhau. Hôm nay có nhà cửa, cuộc sống sung túc nhưng vì một bất trắc nào đó ngày mai ta mất hết nhà cửa, cuộc sống khó khăn. Đó là những bất trắc trong luân hồi.

- Nhìn về những bất trắc trong luân hồi, có 2 mặt. Ở đây đang nói về những bất trắc của đau khổ, nhưng mặt khác, bất trắc này thỉnh thoảng cũng đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc. Ví dụ hôm nay thù ghét nhau, nhưng ngày mai có thể trở thành bạn thân, đó chắc chắn là một niềm vui.

- Cuộc đời này đầy những điều không chắc chắn, nhưng đừng nhìn theo khía cạnh tiêu cực vì nếu chỉ thấy khổ thì trong tâm lúc nào cũng ngập tràn đau khổ. Những lời dạy trong đạo Phật không phải để cho ta nhìn mọi việc ở khía cạnh tiêu cực mà để giúp cho ta có được góc nhìn tích cực trên tất cả mọi đau khổ của mình.

b/ Không toại ý: khổ do không được thỏa mãn, không được toại nguyện theo ý mình.

- Lúc ta học về đau khổ, không phải chỉ có nghĩ đến đau khổ của bản thân mà còn nghĩ đến đau khổ của người khác. Lợi lạc của việc nghĩ đau khổ của người khác là giúp cho ta phát được tâm từ bi với người khác.

- Chúng ta hãy nghĩ đến những cảnh khổ ở xung quanh ta, của những người gần gũi với mình, từ đó phát ra một động lực rất lớn là cố gắng giúp họ hết khổ, sau đó nghĩ rằng mình sẽ nỗ lực thực hành để thành Phật để sau này có khả năng giúp họ hết khổ. Đó là khía cạnh quan trọng của việc nghĩ về khổ.

- Trong cuộc sống thỉnh thoảng có rất nhiều điều nho nhỏ thôi cũng có thể mang đến niềm vui cho mình. Chúng ta hãy học cách tạo niềm vui với những điều nhỏ và đơn giản, như vậy lúc nào mình cũng được vui vẻ.

c/ Nỗi khổ do bỏ thân

d/ Nỗi khổ liên tục vào thai

e/ Nỗi khổ lăn lóc lên xuống

f/ Nỗi khổ không ai cứu giúp

- Hãy đọc thêm 6 nỗi khổ chung trong “Giải Thoát Trong Lòng Tay”, quyển 2, trang 16.

• Nghĩ về khổ đặc biệt: gồm những khổ ở cõi ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) và những khổ ở cõi lành (khổ ở cõi người, A-tu-la và cõi trời)

- Nói về khổ của con người, có 4 loại khổ là sinh, lão, bệnh, tử. Vậy thiền và thực hành như thế nào về khổ sinh, lão, bệnh, tử? Khi thiền về khổ sinh, lão, bệnh, tử, chúng ta đừng có nghĩ bản thân mình sẽ già rồi chết đi, mà hãy nghĩ về khổ sinh, lão, bệnh tử của những người xung quanh. Hãy nghĩ đến người thân của mình, nghĩ họ cũng sẽ lớn lên già đi, rồi bệnh và đến lúc nào đó sẽ qua đời nên ta không cần phải nóng giận với họ làm gì. Nghĩ như vậy, ta sẽ có động lực cố gắng tạo niềm vui và sống chan hòa với những người thân của mình. Sau đó, ta nghĩ đến những người mình ghét, nghĩ họ cũng lớn lên, già đi, bệnh rồi qua đời nên chuyện ta ghét, hay giận dữ với họ cũng không có nghĩa gì, nên ta cũng sẽ bớt ghét hay giận dữ với họ.

- Bài tập trong tuần: Đầu tiên, hãy nghĩ khổ sinh, lão, bệnh, tử của những người thân, sau đó nghĩ khổ sinh, lão, bệnh, tử của những người mình ghét. Đến cuối thời thiền, chúng ta hãy phát động lực giúp cho những người xung quanh vượt qua đau khổ.

- Tóm lại, trong tuần có 2 phần thực hành thiền. Một là nghĩ về khổ của bản thân, tức nghĩ đến những khó khăn mình đã gặp phải và tìm nguyên nhân từ chính mình, do đâu mình gặp khó khăn như thế. Hai là nghĩ về khổ sinh, lão, bệnh, tử của người khác để có động lực giúp đỡ họ. Khi nghĩ về đau khổ của người khác, ta sẽ cảm thấy bản thân rất may mắn, khi đó sẽ thấy cuộc đời đáng sống và mình sẽ có nhiều niềm hạnh phúc hơn.