12-02-2022
Lamrim 2021
Download MP3

TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM TUẦN 47 (12/02/2022)

CHỦ ĐỀ: NGHIỆP TRẮNG – ĐEN QUA KHẨU, Ý

I/ 10 BẤT THIỆN NGHIỆP: gồm 3 bất thiện nghiệp qua thân (giết, lấy của không cho, tà dâm), 4 bất thiện nghiệp qua lời nói (khẩu nghiệp) và 3 bất thiện nghiệp qua ý nghĩ (ý nghiệp).

1/ GIẾT

2/ LẤY CỦA KHÔNG CHO

3/ TÀ DÂM

4/ NÓI DỐI

- Đây là nghiệp thứ nhất trong 4 bất thiện nghiệp qua lời nói. Người ta có thể nói dối về 8 điều (xem Giải Thoát Trong Lòng Tay quyển 1, trang 661).

- Mỗi nghiệp có 4 giai đoạn: Căn bản (đối tượng của hành động) - Động lực (động cơ thực hiện hành động đó) - Hành vi (việc làm thực sự) - Bước cuối cùng (hành động kết thúc có viên mãn hay không).

+ Đối tượng: cái gì thấy mà nói không thấy, cái không thấy mà nói thấy…

+ Động lực: là vọng tưởng, một trong tam độc (tham, sân, si). Vọng tưởng ở đây là phiền não. Vì phiền não, muốn che đậy điều gì đó, nên mới có động lực nói dối.

+ Hành vi: nói những lời dối gạt hoặc dối bằng cử chỉ như lắc đầu hoặc gật đầu mà không thốt ra lời.

+ Bước cuối cùng: khi người khác hiểu lời bạn muốn nói thì khi đó 4 giai đoạn của việc tạo nghiệp nói dối đã hoàn thành.

5/ NÓI LỜI LY GIÁN

- 4 giai đoạn của nghiệp nói lời ly gián, nói lời chia rẽ:

+ Đối tượng: nhắm đến những người đang hòa thuận hoặc những người không hòa thuận với nhau.

+ Động lực: vì đang muốn chia rẽ những người như thế nên bạn nói những lời chia rẽ. Nguyên nhân là do vọng tưởng, do phiền não, tham sân si nên bạn muốn gây chia rẽ người khác.

+ Hành vi: bạn muốn chia rẽ những người đang hòa thuận hoặc muốn những người đang không hòa thuận không bao giờ hòa giải với nhau.

+ Bước cuối cùng: khi người đó hiểu rõ ý của bạn thì lúc đó 4 quá trình gây tạo ác nghiệp đã hoàn thành.

Trong Giải Thoát Trong Lòng Tay còn nói thêm một ý, nghiệp nói dối sẽ không thành tựu nếu những lời bạn nói ra không có tác dụng che đậy, hoặc lời ly gián không có hoàn thành một nghiệp ly gián thực sự nếu lời nói ly gián đó không chia rẽ được người khác hoặc người ta không hiểu lời mình nói.

6/ NÓI LỜI NHỤC MẠ

- 4 giai đoạn của nghiệp nói lời nhục mạ, tức nói lời thô ác, lăng mạ người khác.

+ Đối tượng là hữu tình (một chúng sinh) hoặc vô tình (một vật vô tri như hòn đá...).

+ Động lực: bạn muốn nói lời nói xấu, chê bai, chửi bới v.v… Nguyên nhân là do vọng tưởng, phiền não khiến bạn kích động muốn nói lời thô ác.

+ Hành vi: bạn đang nói lời lăng mạ người khác

+ Bước cuối cùng: khi người kia phải hiểu được ý nghĩa của lời bạn nói. Ngôn ngữ cần phải được hiểu nghĩa là đối tượng phải nghe hiểu lời bạn nói thì nghiệp nói lời nhục mạ này mới được thành lập.

7/ NÓI LỜI PHÙ PHIẾM

- 4 giai đoạn của nghiệp nói lời phù phiếm, nói lời vô nghĩa.

+ Đối tượng là những lời nói phù phiếm.

+ Động cơ là sự ham nói, muốn bàn tán, tán gẫu. Vọng tưởng là tham sân si, do phiền não kích động nên bạn muốn nói những lời vô nghĩa.

+ Hành vi là bạn đang nói chuyện vô nghĩa, chẳng có giúp ích gì cho mình.

- Giải Thoát Trong Lòng Tay nói rằng nói chuyện phù phiếm là nghiệp nhẹ nhất trong 10 bất thiện nghiệp nhưng là cách tốt nhất để lãng phí cuộc đời của chúng ta. Tổ Atisha nói rằng: “Khi ở chung, hãy kiểm soát lời nói, khi ở một mình, hãy kiểm soát tư duy”.

- Những câu chuyện và thảo luận không phải về Phật pháp đều là chuyện phù phiếm. Mặc dù với 6 tà hạnh về thân và lời (2 bất thiện nghiệp về thân và 4 bất nghiệp nghiệp về lời), bạn có thể bảo người khác làm thay (trừ tà hạnh dâm dục), song chính bạn cũng vướng vào tiến trình nghiệp, nên vẫn phải chịu hậu quả tương ứng.

8/ THAM

- Nghiệp thứ 8 là sang phần ý nghiệp. Ý nghiệp gồm 3 nghiệp là tham, ác ý và tà kiến.

- 4 giai đoạn: Đối tượng của tham này là tài sản, của cải của người khác. Động lực: Khi tâm mong muốn một món đồ nào đó khởi lên, khi đó bạn đã khởi lên động lực của nghiệp tham này. Nguyên nhân là do vọng tưởng, tham sân si, do phiền não kích động khiến bạn mong muốn có vật đó. Hành vi là khi ý nghĩ muốn có vật đó càng mãnh liệt và bạn cố gắng tìm cách để có cho bằng được vật đó. Khi đó, bước cuối cùng của nghiệp tham hoàn thành.

- Bạn nhìn một vật mình đang sở hữu, lại khởi ý muốn giữ nó hoài. Ý định đó được khởi lên nhiều lần thì bạn cũng vướng vào nghiệp tham này. Cách đối trị với tâm tham là hãy nghĩ các vật này là hư huyễn, không thực chất.

9/ ÁC Ý

- Ác ý là tâm muốn hãm hại người khác.

- 4 giai đoạn: Đối tượng của ác ý là một chúng sinh khác mình muốn hãm hại. Động lực là do vọng tưởng, do tham sân si kích động, nên bạn muốn gieo tai hại bằng cách làm gì đó để chúng sinh kia chịu thiệt hại. Khi trong tâm bạn nghĩ rằng “Thật là tốt nếu người ấy bị tàn mạt, bị tổn thất v.v…” là bạn đã khởi lên nghiệp về ác ý. Hành vi là bạn tìm bất cứ cách gì để thực hiện động lực này. Bước cuối cùng là khi bạn hạ quyết tâm làm hại người kia thì đã hoàn thành bước cuối của nghiệp ác ý này.

10/ TÀ KIẾN

- Tà kiến là những quan điểm, suy nghĩ sai lầm.

- 4 giai đoạn:

+ Đối tượng của ác nghiệp là những gì hiện hữu như nhân quả, Bốn chân lý (Tứ diệu đế), Ba ngôi báu v.v… Tà kiến là xem những việc này là phi hữu. Ví dụ, khi bạn nghĩ trên đời này làm gì có nhân quả, làm gì có Tứ diệu đế, làm gì có Ba ngôi báu, đó là suy nghĩ sai lầm, khiến bạn mắc nghiệp tà kiến.

- Tà kiến sinh khởi khi nào? Đối với 9 ác nghiệp đã nêu ở trên, khi có động lực khởi lên thì lúc đó tiến trình nghiệp mới bắt đầu hình thành. Đối với nghiệp thứ 10 này, khi động cơ phát khởi thì tiến trình nghiệp cũng bắt đầu nhưng khác với 9 nghiệp kia, bạn không nhận ra rằng mình đang chối bỏ những sự thật như về nhân quả, Tứ diệu đế v.v…

- Hành vi là ý định chối bỏ những điều đang đúng đắn.

- Bước cuối cùng: sự quyết định trong tâm mình rằng nhân quả, Ba ngôi báu v.v... là sai lầm thì đó là lúc bước cuối cùng được thành lập hoàn toàn.

II/ NHỮNG SỰ KHÁC NHAU LÀM NÊN NGHIỆP NẶNG HAY NHẸ (Trang 667)

Có 6 yếu tố quyết định những nghiệp ta đã tạo là nghiệp nặng hay nhẹ.

1/ NẶNG DO BẢN CHẤT:

- 7 nghiệp qua thân (3 nghiệp qua hành động và 4 nghiệp qua lời nói) được xếp hạng từ nặng nhất là giết cho đến nhẹ nhất là nói lời phù phiếm. Khi giết thì chúng sinh bị giết chịu đau khổ nhiều hơn. Còn nói lời phù phiếm là nói lời vô nghĩa nên chẳng gây hại nhiều đến người khác, nên được xếp loại nhẹ nhất.

- Lý do là thứ tự này phản ảnh mức độ đau khổ mà hữu tình khác phải chịu. Bởi vì ai cũng yêu quý mạng sống của mình hơn những sở hữu khác nên sự giết chết gây đau khổ cho chúng sinh khác nhiều hơn là sự trộm cắp.

- Đối với 3 điều bất thiện của ý thì nghiệp nhẹ nhất nằm trước tiên, nặng nhất là cái cuối cùng. Tức nhẹ nhất là tham, nặng hơn là ác ý, nặng hơn nữa là tà kiến.

2/ NẶNG DO Ý ĐỊNH

-Ý định là động cơ mình tạo nghiệp.

- Đối với cùng một nghiệp như nói lời nhục mạ, thì ý định của việc tạo nghiệp đó sẽ khác nhau. Ví dụ, bạn nói “anh là con chó già”. Động cơ nói xấu một người và động cơ tức giận rồi chửi người kia là “con chó già” thì ý định nói xấu người kia sẽ nhẹ hơn là ý định vì sân giận mà chửi người đó. Đối với cùng một hành động, ý định làm nên hành động đó là nhẹ hay mãnh liệt, phiền não kích động nghiệp đó là ít hay nhiều thì sẽ quyết định nghiệp đó nhẹ hay nặng.

3/ NẶNG DO HÀNH VI

-Hành vi là hành động thực sự tạo nghiệp như thế. Ví dụ, giết một cách tàn bạo hoặc giết một con voi sẽ nặng hơn giết một con sâu vì con voi trải qua đau đớn nhiều hơn. Những hành vi này đều nặng theo cả 2 cách vì bản chất của chúng và do chính hành vi giết hại. Về bản chất, sát sinh là nghiệp nặng. Về hành vi, cách bạn thực hiện hành động tạo nghiệp sẽ khiến bạn chịu nghiệp nặng hay nhẹ. Ví dụ, hành vi giết hại như đốt hoặc thiêu sống thì con vật đó chịu đau khổ nhiều hơn nên bạn chịu nghiệp nặng hơn.

4/ NẶNG DO CĂN BẢN

Căn bản là đối tượng chịu tác động của nghiệp. Ví dụ, có cái nhìn dữ dằn đối với những bậc bề trên là một ác nghiệp. Khi bạn làm tổn hại đến đối tượng có nhiều công đức hơn (như thầy truyền giới, các vị Bồ Tát, tăng chúng…) thì nghiệp đó nặng hơn đối với việc gây nghiệp với người có ít phước đức hơn.

5/ NẶNG VÌ TÍNH CÁCH THƯỜNG XUYÊN

Thường xuyên làm một ác nghiệp nào thì ác nghiệp đó dần trở nên nặng hơn. Ví dụ, nói chuyện phù phiếm là nặng vì người ta luôn luôn làm.

6/ NẶNG VÌ KHÔNG CÓ CÁCH CỨU CHỮA

- Cách cứu chữa ở đây là năng lực tịnh hóa. Phương pháp đối trị là bạn cần phải làm việc thiện để đối trị với ác nghiệp. Nặng là bởi vì ác nghiệp đó hoàn toàn không có thiện nghiệp nào để đối trị, do đó ác nghiệp trở nên nặng.

- Tóm lại, có 6 nhân tố quyết định nghiệp nặng hay nhẹ. Có thể vì một nhân tố nào đó khiến bạn bị nghiệp nặng và cả 6 nhân tố kết hợp để có một nhiệp cực kỳ nặng. Ví dụ, nhìn một vị Bồ Tát một cách tức tối hoặc giết một con vật một cách tàn bạo là trường hợp chỉ có một loại nặng. Còn một người đồ tể luôn phạm tội và không bao giờ làm việc lành, giận dữ và giết cả cha mẹ là có đủ 6 nhân tố tạo nên nghiệp nặng, không có cách nào cứu chữa.

- Bạn có một tội nhẹ nhưng lại không làm thêm thiện nghiệp để cứu chữa, hoặc một ác nghiệp mà cứ phạm thường xuyên thì sẽ khiến cho tội từ nhẹ trở nên nặng.

III/ DẠY VỀ QUẢ BÁO CỦA NHỮNG NGHIỆP NÀY

Quả báo của ác nghiệp được chia làm 3 loại:

1/ Quả báo đã thuần thục: Nhân đã tạo ra thì bây giờ nhân đó (hạt giống của nghiệp) có đủ điều kiện để sinh ra một cái quả khiến bạn chịu đau khổ.

2/ Quả báo phù hợp với nguyên nhân: Bạn đã tạo nghiệp thuộc loại nào thì có đau khổ thuộc loại đó.

3/ Quả báo thuộc vào hoàn cảnh: Hoàn cảnh lúc bạn chịu đau khổ cũng giống với hoàn cảnh lúc bạn tạo nghiệp.

- Nếu phạm vào bất cứ nghiệp nào trong 10 bất thiện nghiệp, thì chúng ta trải qua 4 loại quả báo, chứ không phải 3 vì quả báo tương ứng với nguyên nhân được chia làm 2 loại nhỏ là những kinh nghiệm phù hợp với nguyên nhân và hành động phù hợp với nguyên nhân.

- Ví dụ, tội giết người là tội nặng. Khi ác nghiệp sát sinh đã chín mùi, nó có thể khiến bạn tái sinh vào cõi địa ngục. Đây là quả báo đã thành thục. Về sau khi bạn thoát khỏi địa ngục và được tái sinh làm người nhưng bạn lại phải chịu đau khổ, bị giảm thọ… Đây là kinh nghiệm phù hợp với nguyên nhân. Hành động giết người đã tạo ra thói quen. Vì thói quen đó, bạn có sinh ra làm người đi chăng nữa thì cũng có thói quen giết chóc. Hành động đó là quả báo khiến bạn bị thói quen xấu đó hoài, rồi sẽ lại tái sinh cõi ác, không có cách nào cứu chữa lên được cõi lành. Đây là hành động tương ứng với nguyên nhân. Vì thế, chúng ta cần ngăn chặn thói quen tạo ác nghiệp để tương lai sẽ không tạo ác nghiệp nữa. Khi đó, tiến trình tạo ác nghiệp đó mới dần giảm xuống và chấm dứt được.