06-03-2021
Lamrim 2021
Download MP3

GIỚI THIỆU LAMRIM VÀ TÁC GIẢ ATISHA

- Trước khi học Lamrim thì điều quan trọng là cần biết Lamrim là gì, và cần biết cấu trúc chung về giáo lý trong Đạo Phật. Hiểu rõ về môn học của mình thì mới không bị bối rối về sau.

- Nếu có người muốn dùng chất kích thích để được hưng phấn, anh ta phải uống thuốc thật có chứa chất kích thích thật thì mới có được cảm giác hưng phấn. Cũng giống như thế, để cảm nhận được hiệu quả trong thực hành Phật pháp thì nhất thiết ta phải học và hành theo Chánh Pháp (tức giáo pháp chân thật không bị pha tạp). Nếu thực hành theo những điều không phải giáo pháp chân thật thì không có hiệu quả.

- Nếu tu hành không có hiệu quả thì có 2 nguyên nhân: hoặc ta không học đúng pháp tu, hoặc ta tu hành không đúng

- Khi Đức Phật giảng dạy Ngài đã không hệ thống bài giảng theo một cấu trúc nào. Ngài Atisha là người đã hệ thống hóa lời dạy của Đức Phật, hình thành nên Lamrim, hay thứ tự thực hành Phật pháp.

- Nội dung Ngày 1 và Ngày 2 trong sách GTTLT có nói về cuộc đời của Tổ Atisha. Nơi sinh của Tổ Atisha ngày nay thuộc Bangladesh. Tổ Atisha từng sang Indonesia để tìm thầy học đạo, và Tổ cũng đã từng sang Việt Nam.

- Vào thế kỷ XI, Tổ Atisha là một trong những học giả Phật giáo lỗi lạc đương thời. Bấy giờ ở Tây Tạng, Phật giáo rất suy đồi vì nhiều người diễn giải giáo lý rất khác nhau và ai cũng cho cách nói của mình là chánh Pháp. Vua Tây Tạng đã mời ngài Atisha sang Tây Tạng để vực dậy nền Phật giáo đang lụi tàn.

- Ở Tây Tạng, Tổ Atisha đã làm hưng thịnh lại Chánh Pháp. [Tác phẩm gốc Lamrim cũng được ngài soạn khi ở Tây Tạng.]

- Tu viện Nalanda thời xưa có rất nhiều học giả Phật giáo lỗi lạc, tuy nhiên theo nhận định của Rinpoche thì chỉ có ngài Atisha là từng sang Việt Nam.

- Người học Lamrim cần tiến hành Văn – Tư – Tu để có trải nghiệm về giáo pháp trong tâm mình. Trước hết cần lắng nghe giáo pháp, sau đó tư duy để hiểu đúng, và rồi áp dụng những gì đã nghe, hiểu vào thực hành để có được trải nghiệm của riêng mình.

● Có 3 cách giảng dạy Lamrim

- Cách 1: Giảng dạy theo phương pháp thực nghiệm. Vị thầy giảng dạy, học trò thiền quán về những điều đã học để có được trải nghiệm

- Cách 2: Giảng dạy tất cả những điểm lý thuyết thuộc Lamrim, để nguời học hiểu hết mọi điều lý thuyết trong Lamrim.

- Cách 3: Chỉ giảng những điểm then chốt của Lamrim

● Trong khóa học này, Rinpoche sẽ theo cách dạy thứ nhất.

- Khi hoàn tất khóa học, các học viên sẽ hiểu những pháp thực hành khác nhau thuộc 3 phạm vi: phạm vi nhỏ (căn bản), phạm vi trung bình (trung bình), và phạm vi lớn (nâng cao).

- Có nhiều bản luận giải thích ý nghĩa Lamrim. Giải Thoát Trong Lòng Tay là một trong những bản luận hay nhất giải thích ý nghĩa Lamrim.

- Nhiều người tự dán nhãn những tư tưởng của riêng họ là Phật pháp, và điều này khiến cho rất nhiều người bị bối rối.

- Chánh Pháp không mang màu sắc mê tín mà rất khoa học. Tuy vậy, những người có tâm hướng về Phật Pháp có những lúc lại hay bị mê tín.

- Lời dạy của Đức Phật rất khoa học, vì thế Lamrim cũng rất khoa học.

- Nếu không hiểu chánh Pháp thật tường tận thì rất dễ rơi vào mê tín.

- Ước nguyện giảng dạy của Đức Phật là mang chánh Pháp đến tất cả chúng sinh. Vì thế Phật pháp không thuộc sở hữu của riêng ai, mà là của toàn thể chúng sinh.

- Những người học mới biết đến Thầy, khi nhìn Thầy khoác tăng phục theo truyền thống Tây Tạng thì cho rằng Thầy giảng dạy Phật giáo Tây Tạng. Nhưng cách nghĩ đó không đúng. Những điều Thầy đang nói đến là Phật Pháp của Đức Phật, chứ không phải Phật Pháp của quốc gia nào cả.

- Tên gọi DIPKAR được Thầy mượn từ tên của Tổ Atisha. Vì sao Thầy dùng tên của Tổ Atisha để đặt tên cho nhóm? Học viên sẽ được rõ sau 1 năm hoàn tất khóa học.

Bài tập về nhà: Đọc về cuộc đời của Tổ Atisha, (Ngày 1 và 2, Giải Thoát Trong Lòng Tay)