
TÓM TẮT BÀI GIẢNG LAMRIM 21 – TUẦN 114- NGÀY 21.10.2023
Ngày 22:
Cách đào luyện tuệ quán đặc biệt - Thực hành về Tánh Không (tiếp theo).
Cần phải đọc liên tục, đọc đi đọc lại sách “Giải Thoát Trong Lòng Tay” phần Tánh Không để có thể hiểu được nhiều hơn.
Học về Tánh Không quan trọng nhất là chúng ta cần thiền để xem đang bám giữ tâm như thế nào, đang bám chấp vào những cái tôi như thế nào. Khi xác nhận được đang bám chấp cái tôi như thế thì phần còn lại dùng lập luận để chứng minh không có một cái tôi như thế thì sẽ dễ hơn. Khi có thể xác định rõ đang bám chấp cái tôi như thế nào thì khi đó gần đạt chứng Tánh Không.
Thực hành Tánh Không tóm tắt theo 3 bước đơn giản như sau:
- Tìm cái tôi xem đang ở đâu, ở thân hay ở tâm.
- Thiền rằng cái tôi như thế không thật sự có và nó không có tự tánh.
- Tất cả mọi pháp, mọi sự vật, hiện tượng đều giống giấc mộng, là ảo ảnh và nó không thật sự có thật.
Thực hành Tánh Không khó hơn các thực hành khác tuy nhiên khi cố gắng thực hành lặp đi lập lại dần dần trở nên dễ và quen thuộc.
Đây là lộ trình đầu tiên để thực hành về Tánh Không, đầu tiên cần phải thực hành 3 bước như trên sau đó chờ có trải nghiệm về thực hành và chuyển sang giai đoạn thứ 2. Nếu chưa thực hành thì chỉ cần 3 bước như trên là đủ.
Bài tập về nhà:
- Thực hành 3 bước về Tánh Không.
- Đọc nhiều lần sách “Giải Thoát Trong Lòng Tay” phần Tánh Không.
Ôn Tập về Tánh Không:
● Tánh Không có: Nhân vô ngã và Pháp vô ngã.
- Nhân vô ngã là Tánh Không của cái tôi của mình.
- Pháp vô ngã là Tánh Không của các đối tượng khác không phải là cái tôi, bao gồm các uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).
Tất cả mọi thứ trên đời mình biết được chia làm 2 loại: vô thường và thường.
+ Vô thường là những điều thay đổi trạng thái và liên tục thay đổi.
+ Thường: không gian …đó là những điều thường hằng (không thay đổi).
Tất cả những gì tâm thức biết được là vô thường và thường nên khi nói chứng Tánh Không trên các uẩn - Pháp vô ngã là chứng Tánh Không của các pháp vô thường và thường.
++ Các pháp vô thường chia làm 3 bộ phận:
+++ Sắc là những điều về vật lý (những thứ mắt thấy, tai nghe, hương, vị …).
+++ Tâm thức (buồn, vui, hiểu, giận…)
+++ Bất tương ứng hành (những thứ thay đổi không phải sắc và tâm).
++ Tính phi hữu của vô vi pháp là các pháp thường hằng.
Khi biết được 04 mục: Tánh Không của sắc pháp; Tánh Không của tâm thức; Tánh Không của bất tương ứng hành và Tánh Không của các pháp thường hằng sẽ biết được Tánh Không của tất cả các pháp, hiểu được cách chứng được Tánh Không của các uẩn.
● Cách triển khai tuệ quán đặc biệt (trí chứng Tánh Không): trí chứng Tánh Không sẽ phát sinh trong tâm thức như thế nào.
Sách “Giải Thoát Trong Lòng Tay” trang 345:
“Mặc dù có thể bạn đã đạt đến tịnh chỉ hoàn toàn nhờ những phương pháp bao hàm chín trạng thái của định nhất tâm đã đề cập trước đây, và tâm tịnh chỉ của bạn chưa thối giảm, bạn cũng vẫn chưa đạt đến tuệ quán đặc biệt mà chỉ mới đạt được tâm nhu nhuyễn. Lấy ví dụ tính vô ngã của chúng ta”.
Ý nghĩa của đoạn văn trên: Ở đây lấy ví dụ về Tánh Không, hiểu về Tánh Không là như thế, khi mình đang tư duy về cách lập luận của Tánh Không, bị phân tâm, nghĩ sang điều này, điều kia. Mình đang suy nghĩ về ý nghĩa của Tánh Không thì ý nghĩa Tánh Không bị mất, nghĩa là mình bị hôn trầm điều đó có nghĩa là đối tượng thiền tịnh chỉ của mình là ý nghĩa của Tánh Không, đối tượng thiền chỉ là Tánh Không. Khi mình nghĩ về Tánh Không mà không giữ được ý nghĩa của Tánh Không hoặc mình đang nghĩ về ý nghĩa của Tánh Không và ý nghĩ bị lạc sang một đối tượng khác đó là bị hôn trầm, trạo cử đối với Tánh Không, chưa có được tâm tịnh chỉ đối với Tánh Không. Do đó giai đoạn đầu tiên để thiền quán về Tánh Không cần phải có tịnh chỉ về Tánh Không, khi tập trung về Tánh Không sẽ loại bỏ được hôn trầm và trạo cử đối với Tánh Không, có được sự tập trung chuyên nhất vào Tánh Không nhưng chỉ có tập trung về Tánh Không chứ chưa thực chứng được về Tánh Không.
Tịnh chỉ về Tánh Không cũng phải đi qua 9 trạng thái tâm như trong phần thiền chỉ. Sau khi có tâm tịnh chỉ về Tánh Không sẽ suy đi nghĩ lại, dùng lập luận đó lăp đi lăp lại để phân tích về Tánh Không, về cái tôi.
“Ngoài tâm tịnh chỉ bạn còn phải thực hành sự phân tích gồm bốn điểm như đã bàn; và khi làm như vậy, bạn phải triển khai một niềm xác tín sống động rằng cái tôi quyết định không có tự tính, mặc dù đấy là cách mà ta chấp thủ theo bản năng vào một cái ngã ở trên năm uẩn.”
Ý nghĩa của đoạn văn trên: Trên nền tảng định lực đối với Tánh Không đã có đó là sự tập trung chuyên nhất và không bị lay động. Trên nền tảng định lực đó phân tích các lập luận để trải nghiệm trí tuệ. Cách phân tích dựa vào 4 bước: xác định cái tôi, nghĩ tất cả các khả tính, nghĩ cái tôi đó không thực sự là tâm, cái tôi đó không thực sự là thân…, áp dụng 4 điểm trên. Khi dùng lập luận và cảm thấy một cái tôi đang bám chấp như vậy thật sự không có. Lúc này có một trải nghiệm quả quyết rằng một cái tôi như thế thật sự không có thật; khi đó có một niềm tin rất lớn, một sự quả quyết thì lúc này phát sinh ra tuệ quán đặc biệt về Tánh Không, trong tâm phát sinh ra trí chứng Tánh Không.
“Nếu bạn triển khai được niềm tin ấy, hãy tập trung vào đấy mà duy trì nó không quên. Hãy tỉnh giác đề phòng hôn trầm trạo cử, và nhập vào tịnh chỉ nhất tâm. Nếu năng lực của sự duy trì của sự tịnh chỉ bị suy giảm, niềm xác tín bớt rõ ràng, thì hãy làm lại sự phân tích gồm bốn điểm như trên, vân vân. Khi bạn đã lấy lại các niềm xác tín, hãy khởi sự thiền quán nhất tâm trên sự xác tín này. Đây là cách bạn phải tìm sự sáng sủa trong tánh không. Khi có được sự sáng sủa, hãy lập lại sự phân tích gồm bốn điểm và những hình thức phân tích khác.”
Ý nghĩa của đoạn văn trên: Lần đầu tiên có được sự quả quyết đó thì lúc đó chỉ là lần đầu tiên tập trung được vào Tánh Không, sự tập trung đó dễ bị mất do đó cần phải lập đi lập lại nhiều lần, việc tập trung đó mới kéo dài và liên tục được. Lần đầu tiên có được sự quả quyết đó nó sẽ bị mất do bị hôn trầm và trạo cử tiếp tục. Không còn bị hôn trầm, trạo cử vào Tánh Không nhưng bị hôn trầm, trạo cử vào niềm tin, sự quả quyết đối với Tánh Không. Khi sự quả quyết về Tánh Không bị mất là bị hôn trầm và trạo cử thì cần phải lập lại phân tích 4 điểm then chốt trên. Sau khi tiếp tục tập trung và phân tích thì lại có sự quả quyết, bây giờ sự quả quyết sẽ lớn hơn, hôn trầm, trạo cử dần dần nhỏ hơn. Khi có được một sự quả quyết liên tục và sự quả quyết đó khiến cảm thấy nhẹ nhàng và phát sinh sự quả quyết xác tín về Tánh Không đó mà không còn bị trở ngại, không còn bị hôn trầm, không còn bị trạo cử, lúc đó có được thắng quán về Tánh Không, có được tuệ quán đặc biệt về Tánh Không.
Tóm lại, giai đoạn thiền quán để phát sinh được trí tuệ chứng Tánh Không, làm sao để phát sinh được trí tuệ này thì đầu tiên phải học hiểu về Tánh Không; Tập trung thiền chỉ về Tánh Không đã loại bỏ được hết hôn trầm và trạo cử có được tịnh chỉ; Áp dụng phân tích có lại hôn trầm, trạo cử đối với việc phân tích, áp dụng liên tục phân tích cho đến khi hôn trầm, trạo cử đối với việc phân tích bị mất luôn, khi này có niềm quả quyết, có niềm xác tính thật sự đối với Tánh Không. Trong trạng thái này không còn bị hôn trầm, trạo cử sẽ có tâm nhu nhuyễn, khinh an rất là lớn, đạt được trí tuệ chứng Tánh Không trong tâm thức.