31-03-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 25 - Ngày 31/03/2013

- Mười bất thiện nghiệp (3 nghiệp của thân, 4 nghiệp của khẩu, 3 nghiệp của ý)

- Sáu ác nghiệp đầu tiên: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời thô ác, nói lời chia rẽ

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải ­

Tuần thứ 25

Như Thị Thất, ngày 31 tháng 03 năm 2013

 

Tôi sẽ nói đến cách nhìn nhận về kiếp người. Chúng ta có thể thấy lợi lạc ngắn hạn và dài hạn của kiếp người. Chúng có thể mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Bây giờ tôi sẽ nói về việc đạt được kiếp người khó khăn như thế nào. Để có được kiếp người, chúng ta phải thực hành 10 thiện hạnh và từ bỏ 10 ác hạnh. Nếu không thể làm như vậy thì rất khó để tái sinh làm người. Khi nói rất khó để có được kiếp người, chúng ta phải nhìn nhận theo hai quan điểm. Ở đây có một câu hỏi lớn: Khi một người chết đi, đó có phải là sự kết thúc vĩnh viễn hay không? Thường thì có nhiều quan điểm. Một vài người tin rằng đó là kết thúc vĩnh viễn, một số khác thì không. Khi nhìn vào điểm này, chúng ta phải suy xét cẩn thận xem quan điểm nào có nhiều minh chứng hơn. Cái chết của chúng ta là sự chấm dứt vĩnh viễn hay có tồn tại đời sống sau khi chết? Đây là hai điểm phức tạp và rất khó để tìm ra lý luận thích hợp. Một điều rất rõ ràng, chúng ta phải nhìn xem giữa người tin có đời sống sau khi chết và người cho rằng chết là kết thúc vĩnh viễn, người nào sống buông thả hơn? Khi một người tin rằng chết là sự chấm dứt vĩnh viễn, tâm lý họ sẽ nghĩ đến những việc mình phải làm cho đời này và thậm chí không hề e sợ phạm phải những việc xấu, bởi họ nghĩ cuộc đời này là duy nhất và họ phải làm bất cứ điều gì mình muốn. Chúng ta phải nhìn vào vấn đề này trên phương diện tâm lý, chứ không chỉ là bên nào đúng và bên nào sai. Tôi đang nói về phương diện tâm lý, khi tin rằng chết là kết thúc vĩnh viễn thì con người phản ứng ra sao, còn những người tin có một thứ khác sau cái chết sẽ hành động như thế nào. Hành động của chúng ta phụ thuộc vào suy nghĩ, chúng ta hành động theo những gì mình nghĩ.

Dịp nọ, tôi gặp một sinh viên sau một buổi nói chuyện. Lần đó tôi có vài buổi nói chuyện ở một trường cao đẳng. Cậu sinh viên nói với tôi cậu đến muộn vì bị chó cắn. Do đó, cậu phải đến trạm y tế để rửa vết thương. Trên đường đến buổi nói chuyện của tôi thì cậu bị chó cắn vào chân. Tôi hỏi cậu ấy nghĩ gì và cảm thấy thế nào khi bị chó cắn. Cậu ta nói cậu tự hỏi mình đã tạo ác nghiệp gì mà lại bị chó cắn thậm chí trong lúc đang đi nghe Pháp. Tôi nói rằng, nếu cậu không gặp Phật pháp và vẫn hành xử bạo lực như trước kia thì tôi nghĩ cậu đã giết con chó mất rồi. Sau khi học Phật pháp thì ít nhất cậu ấy đã không giết con chó. Chúng ta có thể nhìn vào điểm này, dù cậu ấy giết hay để con chó đi thì điều duy nhất cậu nhận được vẫn chỉ là sự đau đớn bởi vết cắn. Dù cậu có giết con chó thì vết thương cũng không nhờ vậy mà lành lặn trở lại, và cậu cũng không thể hết đau đớn. Giết hay không giết con chó đều như nhau. Điều duy nhất khi giết con chó là cậu ta sẽ càng giận dữ hơn nữa. Chỉ có vậy thôi. Nếu chúng ta nhìn vào cuộc đời của cậu sinh viên đó, trước kia cậu ấy hành xử bạo lực vì trong tâm cậu không hề có nghiệp, không có bất cứ thứ gì sau cái chết, mà chỉ có một thứ duy nhất là cuộc đời này. Khi nổi giận, cậu ta nghĩ rằng không có nghiệp quả của hành động giết hại và đánh đập người khác, không có ác nghiệp. Chính vì vậy cậu cứ phản ứng như thế. Với người đã từng giết con cá thì việc giết con chim không khó. Rồi với những ai đã từng giết chim thì việc giết con bò cũng không khó. Tôi đang nói về mặt tâm lý chúng ta phản ứng ra sao khi tin rằng chết là kết thúc vĩnh viễn. Tuy nhiên, khi chúng ta tin có đời sống sau cái chết thì phản ứng của chúng ta hoàn toàn khác. Khi tin rằng còn có điều gì đó sau cái chết, chúng ta sẽ có hy vọng. Nếu có hy vọng thì chúng ta có niềm vui. Khi mất hy vọng thì quý vị mất tất cả. Tôi nghĩ tôi đã từng nói về điều này khi ở Việt Nam. Tôi nghĩ tôi nói về điều này nhiều lần rồi, nên tôi sẽ không nói chi tiết nữa. Có một bài ca của Milarepa và thầy của ngài. Khi Milarepa ở chung với thầy mình, thầy của ngài nói rằng có thể trong đời này chúng ta không gặp nhau hoặc bị chia lìa, nhưng chúng ta sẽ gặp lại vào đời sau ở Phật địa. Tuy nhiên, quý vị có gặp nhau ở cõi Tịnh Độ của chư Phật hay không thì đó hoàn toàn là một vấn đề khác. Khi quý vị có hy vọng gặp ai đó ở cõi Tịnh Độ, thậm chí nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bị chia lìa thì quý vị cũng không quá đau khổ. Trong cuộc sống có rất nhiều nghịch cảnh và thử thách xảy đến, nếu trong tâm chúng ta nghĩ chúng đều là kết quả từ đời quá khứ của bản thân thì quý vị có thể chấp nhận khó khăn. Khi làm được như vậy thì khó khăn chẳng còn là vấn đề nữa.

Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ rất đơn giản. Khi một người rất thân thiết với quý vị lại không ở kề cận quý vị, nếu không thể chịu được hoàn cảnh đó thì quý vị sẽ nói mình nhớ người kia. Khi có thể chấp nhận hoàn cảnh thì quý vị nói mình nghĩ đến người đó. Nhớ hay nghĩ tùy thuộc vào sự chấp nhận của quý vị. Khi người khác thành công, nếu chấp nhận thì quý vị cảm thấy vui lây, nhưng nếu không thể chấp nhận thì quý vị ganh tị. Vui lây hay ganh tị cũng tùy thuộc vào sự chấp nhận của quý vị. Khi người khác làm những điều quý vị không muốn, nếu quý vị chấp nhận thì đó chính là nhẫn nhịn, nếu quý vị không thể chấp nhận thì đó là sân giận. Khi đối mặt với khó khăn hoặc vấn đề, nếu khởi tâm suy nghĩ chúng là hệ quả của nghiệp từ đời quá khứ thì quý vị sẽ chấp nhận. Khi làm được như vậy thì khó khăn hoàn toàn chẳng còn là vấn đề nữa.

Ác nghiệp gồm những gì? Có 10 ác nghiệp, hay ác hạnh. Có 3 ác nghiệp của thân, 4 ác nghiệp của khẩu, và 3 ác nghiệp của ý.

Ác nghiệp thứ nhất của thân là sát sinh, bao gồm giết động vật và giết người. Nếu quý vị nhìn vào các loài như dê, cừu…, chúng có cảm xúc rất mãnh liệt. Khi quý vị làm điều tốt cho một con muỗi thì nó có cảm kích việc làm của quý vị cho nó không? Nhiều khi có muỗi bay đến cắn tôi, tôi hiến máu cho nó luôn. Nhưng tôi không nghĩ con muỗi sẽ cảm kích điều đó [Rinpoche cười]. Tuy nhiên, loài vật như chim… thì rất khác. Nhiều lúc tôi thử nghiệm với chúng. Khi tôi khởi tâm bi mẫn mãnh liệt thì tôi có thể đến gần mấy con chim hơn. Những lúc khác, khi tiến đến mấy con chim mà không khởi tâm bi mẫn thì tôi không thể đến gần chúng như lúc phát tâm bi mẫn. Có thể trong khi tôi thực hành bi mẫn thì chúng có thể cảm nhận qua cử chỉ hành vi của tôi. Nhưng tôi cũng không chắc nữa. Quý vị có thể thử nghiệm, khi tiến đến con chim thì cố gắng phát tâm bi mẫn mãnh liệt, rồi lúc khác hãy tiến đến chúng mà không phát tâm bi mẫn. Theo kinh nghiệm của tôi thì có sự khác biệt.

Ở Việt Nam, quý vị có một nét văn hóa rất tốt là phóng sinh, đó thật sự là một nét văn hóa rất tuyệt. Khi quý vị giết hại động vật thì tâm lý quý vị sẽ nảy sinh ý định làm tổn thương người khác. Hành vi bạo lực sẽ sinh khởi trong tâm quý vị. Khi sát sinh, quý vị khơi dậy hành vi bạo lực và do đó, tâm bạo lực sẽ được kích hoạt. Khi mới được sinh ra đời thì chúng ta không hề có can đảm giết hại bất cứ ai. Khi chúng ta giết các loài côn trùng, động vật…, chúng ta sẽ đủ can cảm để giết người. Người nào đã giết chim thì không khó để anh ta giết bò. Người nào giết bò rồi thì không khó để anh ta giết người. Nếu quý vị không thể nào từ bỏ hành vi sát sinh, ít nhất quý vị cũng phải giảm thiểu nó.

Ác nghiệp thứ hai của thân là trộm cắp. Tôi nghĩ tôi không cần giảng chi tiết về điểm này. Đây là điểm quan trọng và chúng ta phải từ bỏ.

Ác nghiệp thứ ba của thân là tà dâm, chung chạ với người đàn ông hoặc người phụ nữ khác [với chồng/vợ của mình]. Đây là một điểm quan trọng và chúng ta phải từ bỏ. Ác nghiệp này chính là nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Dịp nọ, tôi nói chuyện tại một trường học. Sau buổi nói chuyện, thầy hiệu trưởng muốn tôi nói chuyện riêng với 8 hoặc 10 đứa trẻ. Thầy hiệu trưởng nói với tôi đó là những đứa hư hỏng nhất trường. Thầy muốn tôi có buổi nói chuyện đặc biệt với chúng [Rinpoche cười]. Sau đó, tôi được biết những đứa trẻ đó uống rượu và hút thuốc. Ở Ấn Độ, học sinh không được uống rượu và hút thuốc. Tôi cũng phát hiện cha mẹ của hầu hết những đứa trẻ đó đều đã ly hôn. Tôi nghĩ điều đó ảnh hưởng nặng nề đến tâm trí con trẻ. Đôi lúc, ly hôn ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Chính vì vậy, ác nghiệp thứ ba là tà dâm. Hầu hết các trường hợp ly hôn đều do không thể từ bỏ ác nghiệp này.

Ác nghiệp thứ tư là ác nghiệp về khẩu, đó là nói dối. Nói dối vô hại hoặc nói dối gây hại không khác nhau. Tán dương ai đó quá mức, chẳng hạn như “Anh thật tuyệt!” hay “Trông chị trẻ quá!”… đều là nói dối vô hại. Quý vị cố ý nói và biết rõ điều mình đang nói không phải là sự thật. Tôi nghĩ quý vị đều thích khi có người khen mình trẻ [Rinpoche cười]. Khi quý vị thấy một người trẻ hơn mình và quý vị nói như vậy thì đó không phải là nói dối. Tuy nhiên, khi trong tâm quý vị không cảm thấy như vậy, quý vị nghĩ người đó trông già hơn nhưng vẫn nói rằng họ trông còn trẻ thì đó là nói dối vô hại. Thậm chí điều đó khiến người kia vui lòng nhưng cũng đừng nói dối như vậy. Khi quý vị khiến ai đó vui lòng bằng cách nói dối thì quý vị phải rất cẩn thận.

Có một người nói với tôi rất khó để anh ta không nói dối. Lý do là những lúc vợ anh nấu ăn, cô ấy nấu những món rất tệ, nhưng anh vẫn phải nói dối là thức ăn rất ngon [Rinpoche cười]. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy rất khó xử khi người ta hỏi tôi thức ăn có ngon không [Rinpoche cười]. Nếu chúng ta không thể từ bỏ nói dối thì ít nhất cũng phải giảm thiểu nó. Nói dối quá nhiều sẽ khiến người khác không còn tin tưởng quý vị nữa. Tuy nhiên, ở điểm này, quý vị không nên hiểu lầm. Không nói dối không có nghĩa là quý vị luôn luôn nói ra sự thật. Đạo Phật dạy không nói dối, nhưng cũng có rất nhiều sự thật cần phải được giữ kín.

Ác nghiệp thứ năm là nói lời thô ác. Đôi khi lời nói thô ác làm tổn thương người khác nặng nề. Khi có người nói lời thô ác với quý vị thì quý vị sẽ phản ứng rất giận dữ. Điều đó khiến tình hình tồi tệ hơn nữa. Một lần nọ, ở sân bay Delhi, lúc đó tôi đang đi du lịch. Mọi quầy làm thủ tục đều có nhiều người xếp hàng, tôi thấy có một quầy chỉ có một người đàn ông đang chờ, nên tôi đến quầy đó. Bất chợt tôi nhận ra tôi đang đứng ở hàng dành cho hạng thương gia, nên tôi quay trở lại. Nhân viên ở quầy hỏi tôi tại sao lại quay đi, tôi mới nói tôi đứng nhầm vào quầy dành cho hạng thương gia. Thế là ông ta dùng lời lẽ gay gắt, ông ấy nói “Ông phải nhìn cho kỹ trước khi xếp hàng chứ!” [Rinpoche cười] Tôi xin lỗi ông ta và nói ông hãy thứ lỗi cho tôi, và tôi trở lại đứng vào hàng dài ở quầy hạng bình dân. Tôi nghĩ nhân viên ở quầy hạng thương gia cảm thấy có lỗi vì đã nặng lời với tôi khi tôi xin lỗi, vì vậy ông ấy gọi tôi trở lại làm thủ tục ở quầy thương gia. Nếu tôi nặng lời trở lại với ông ấy thì chuyện gì xảy ra? Chẳng có gì cả. Ông ấy sẽ không cho tôi vào vì tôi chỉ có vé hạng bình dân, đúng ra tôi phải chờ bên quầy kia. Ông ta nặng lời trong vài phút và ông cảm thấy không vui, nhưng tôi thì không hề đau khổ vì tôi đã không nặng lời. Tôi chỉ nói xin lỗi và hãy thứ lỗi cho tôi. Có lẽ những lời đó khiến ông ấy cảm thấy có lỗi và cho tôi vào quầy hạng thương gia [Rinpoche cười]. Rất nhiều tình huống như vậy xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Một dịp khác, ở trạm xe lửa Dehli, tôi hỏi giờ đến của một chuyến tàu. Một nhân viên trực cổng trả lời tôi rất thô lỗ. Ông ta nói “Tôi không biết!” một cách rất thô lỗ. Khi đó tôi nghĩ có lẽ ông ấy cảm thấy rất vất vả vì có thể rất nhiều người cũng đã hỏi ông như vậy trong một ngày. Có lẽ ông ta đã phải trải qua một ngày tồi tệ.

Quý vị phải rất cẩn thận khi nói nặng lời. Nhiều lúc người khác nặng lời với quý vị, nhưng quý vị phải chấm dứt việc nói năng thô lỗ. Điều đó không giúp cải thiện tình hình, mà còn khiến nó tồi tệ hơn. Đôi khi, sự im lặng rất quan trọng [Rinpoche cười]. Đôi lúc, im lặng là câu trả lời tốt nhất. Một dịp nọ, có người mời tôi đến một nơi nhưng tôi không muốn đi. Tôi không thể nói là tôi đi được, nhưng nếu tôi từ chối thì sẽ làm người đó buồn. Lúc đó, tôi chỉ cười. Vậy là anh ta hỏi tôi, “Rinpoche, ngài cười có nghĩa là ngài đồng ý phải không?” [Rinpoche cười] Có lúc sự im lặng lại mang nghĩa khác. Dù người khác có nói năng thô lỗ với quý vị thì quý vị cũng phải từ bỏ việc nói lời thô ác. Có một chuyện xảy ra khi tôi nói chuyện ở một trường học. Tôi nói với các học sinh rằng khi có người nói lời thô ác với các em thì các em phải xin lỗi. Tuy nhiên, có một học sinh hỏi tôi, mỗi khi giáo viên la rầy và nặng lời thì cậu ta nói xin lỗi, nhưng giáo viên lại càng giận hơn khi cậu ấy nói như vậy [Rinpoche cười]. Giáo viên nói “Em đã phạm lỗi rồi bây giờ xin lỗi sao?” và họ giận dữ hơn, cậu ấy hỏi tôi phải làm gì bây giờ? [Rinpoche cười] Khi đó tôi nói cậu phải cố gắng tiếp tục thực hiện điều đó, từ bỏ nói năng thô lỗ và xin lỗi mỗi khi mình đã phạm lỗi.

Có một chuyện xảy ra vài ngày trước. Tôi gọi điện cho một người nhưng lại gọi nhầm số. Khi tôi nghe người bên kia không nói tiếng Tây Tạng thì tôi mới nhận ra. Tôi hỏi bằng tiếng Anh đây là số điện thoại của ai. Tôi phát hiện mình gọi nhầm số và tôi cúp máy. Người kia gọi trở lại cho tôi. Tôi không biết anh ta và anh ta cũng không biết tôi. Anh ta không nói được tiếng Anh mà chỉ nói tiếng Hindi. Rồi anh ta nặng lời với tôi, “Sao ông lại gọi nhầm số như thế! Ông phải nhìn số cho kỹ chứ!” [Rinpoche cười] Tôi mất 5 đến 6 phút chỉ để nói “Xin lỗi, đó là lỗi của tôi, xin lỗi, mong anh thứ lỗi cho tôi!” Nói theo kiểu Ấn Độ là “Tôi chắp hai tay lại trước mặt anh.” Tôi nói đủ kiểu trong 5 đến 6 phút [Rinpoche cười]. Sau 5 đến 6 phút, anh ta chấp nhận, bởi tôi đã không dùng lời lẽ thô lỗ với anh ta. Nếu tôi nói nặng lời thì chắc chắn sẽ cãi nhau qua điện thoại [Rinpoche cười]. Tôi mất 5 đến 6 phút để xin lỗi. Chuyện này chỉ mới xảy ra vài ngày trước. Tôi nói chuyện với anh ta bằng tiếng Hindi [Rinpoche cười]. Nhiều lúc chúng ta khiến tình hình tồi tệ hơn vì không thể làm chủ lời nói của mình. Khi chúng ta có thể làm chủ lời nói thì tình huống dù có xấu cũng sẽ trở nên tốt hơn.

Người Tây Tạng có một câu nói, “Lời nói không sắc cạnh nhưng nó có thể cắt rời con tim người ta ra thành từng mảnh.” Khi quý vị đụng phải ai đó và xin lỗi họ, họ có thể tha thứ dễ dàng, không quá khó. Tuy nhiên, khi quý vị phỉ báng người khác rồi xin lỗi thì họ rất khó tha thứ. Các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề giữa nước Mỹ và thế giới Ả-rập chủ yếu là do người Mỹ nhục mạ người Ả-rập quá mức, khiến cho họ cảm thấy rất khó tha thứ. Hầu hết mọi sự nhục mạ đều đến từ lời nói, khi quý vị nói lời thô ác với người khác. Nếu quý vị không thể từ bỏ ác nghiệp thứ năm này, ít nhất quý vị cũng phải giảm thiểu nó, đặc biệt là với người thân trong gia đình, và bạn bè, thậm chí đối với người không quen biết. Tiếng Tây Tạng có một từ rất lạ là “gye.” Khi nói với người lạ thì đó là một từ rất thô lỗ. Tuy nhiên, đối với người thân thiết thì đó lại là một từ thân mật, vì khi đó “gye” có nghĩa như “ê” (“hey”). Ở Tây Tạng, nếu quý vị dùng từ này đối với người lạ thì sẽ bị xem là thô lỗ một chút, tuy nhiên chúng tôi dùng nó đối với người thân cận. Trong tu viện, có lúc tôi dùng từ này với các chú tiểu, tôi nghĩ đã vài năm trước rồi. Tuy nhiên, khi quý vị dùng từ này với người lạ thì đó là lời nói thô lỗ. Một buổi sáng, tôi hướng dẫn hành thiền ở một trường Tây Tạng, và mọi người khi đó đang hành thiền. Có một cô gái ngồi theo tư thế không tốt, và tôi gọi cô ấy bằng “gye.” Khi từ “gye” vừa bật ra khỏi miệng tôi thì mọi người đều kinh ngạc [Rinpoche cười]. Tôi lập tức xin lỗi cô ấy vì tôi đã dùng từ đó. Từ lúc ấy tôi nhận ra mình không nên dùng từ đó nữa, thậm chí đối với người thân cận, vì nó tạo thói quen xấu. Vậy là tôi không dùng từ đó nữa, dù là với người thân. Ở thời xa xưa, người Tây Tạng dùng từ này rất kính cẩn, họ dùng từ này để gọi một vị vua [Rinpoche cười].

Ác nghiệp thứ sáu là nói lời chia rẽ, nhằm chia rẽ những người thân cận nhau.

Đến đây, chúng ta đã hoàn tất 6 ác nghiệp. Chúng ta sẽ nói về 4 ác nghiệp còn lại trong buổi tiếp theo. Quý vị phải nhìn lại những ác nghiệp này và cố gắng giảm thiểu chúng. Khi quý vị càng thực hành nhiều hơn sẽ càng dễ hơn, rồi quý vị sẽ thấy lợi lạc. Nhiều khi hoàn cảnh và tình huống không chứa đựng nhiều vấn đề lắm, nhưng việc quý vị không thể kiểm soát lời nói và hành động của mình khiến cho chuyện bé xé ra to. [Rinpoche hỏi “Các bạn rõ không?” bằng tiếng Việt và Ngài cười.] Tôi nói như vậy đúng chưa? [Rinpoche cười]

Tôi nghĩ quý vị sắp sửa học Tạng ngữ, có lẽ quý vị sẽ sớm biết nghĩa của từ “gye.” Có lẽ hôm nay chúng ta dừng ở đây. Lần tới tôi sẽ giảng phần còn lại. Có một điều là bất cứ Pháp nào quý vị biết thì quý vị cũng nên áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, chỉ như vậy thì quý vị mới thấy được kết quả. Đối với toán học, khi quý vị biết 2+2=4 thì quý vị không cần phải cố liên hệ nó với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đối với Phật pháp quý vị phải áp dụng bất cứ điều gì mình biết vào cuộc sống, rồi cuộc sống quý vị sẽ có thay đổi. Quý vị sẽ trở thành một người tốt hơn, đó là cách thực hành Pháp. Hôm nay chúng ta dừng ở đây. Lần tới tôi sẽ nói về phần tiếp theo. Cảm ơn quý vị. [Rinpoche nói “Hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt.]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 29/10/2014.