29-09-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 40 - Ngày 29/09/2013

- Cách cải thiện khả năng tập trung

- Phải tôn kính kinh điển hơn hình, tượng Phật

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

Như Thị Thất, ngày 29 tháng 09 năm 2013

 

Hôm nay chúng ta tiếp tục phần quy y. Tôi sẽ nói về phần khởi tâm quy y, phần này tôi đã giảng gần xong vào các buổi trước. Khi bắt đầu thời cầu nguyện quy y hoặc quán tưởng Ruộng Phước, đôi khi quý vị cố gắng quán tưởng nhưng có lúc không thể tập trung vào đối tượng một cách đúng đắn. Quý vị cần hiểu phương cách để tập trung. Chính vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ học cách cải thiện khả năng tập trung. Phần này có ở cuối quyển Giải thoát trong lòng tay; tuy nhiên hôm nay tôi sẽ giảng một ít.

Thông thường, con người phải đối mặt khó khăn vì họ không thể tập trung đúng đắn. Đối với trẻ con, khi đến trường chúng cũng không thể hoàn toàn tập trung vào bài vở. Khi làm việc ở sở làm, người ta cũng không thể tập trung vào công việc. Tôi nghĩ đây là một vấn đề lớn. Ở đây, chúng ta phải biết cách tập trung. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về cách cải thiện khả năng tập trung của bản thân.

Khi quý vị thực hành quy y, khi quán tưởng Ruộng Phước hoặc chư Phật, có lúc quý vị không thể tập trung đến một phút. Mỗi khi quý vị cố gắng tập trung quán tưởng Ruộng Phước hoặc chư Phật, tôi nghĩ quý vị chỉ tập trung được tối đa khoảng 4 đến 5 giây và rồi quý vị sẽ bị phân tâm. Khi cố gắng tập trung quán tưởng chư Phật thì sẽ khó một chút. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ cố gắng tập trung vào hơi thở; khi có thể tập trung vào hơi thở vững vàng thì từ từ quý vị có thể bắt đầu tập trung quán tưởng hình ảnh Phật hoặc những đối tượng khác.

Có một điều rất đơn giản. Nếu quý vị rất hứng thú với một điều gì đó thì rất dễ tập trung vào nó. Nếu không hứng thú thì rất khó để quý vị tập trung. Cũng giống như khi xem phim, nếu thích bộ phim thì quý vị có thể dán mắt vào bộ phim hàng giờ liền, bởi quý vị rất hứng thú với nó.

Hôm nay, trước hết quý vị hãy thử cố tập trung vào tượng Phật Thích Ca. Khi cố tập trung vào tượng Phật, quý vị sẽ cảm nhận một chút khó khăn. Nếu tập trung vào hơi thở thì sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thực hành tập trung vào tượng Phật trước. Bây giờ, quý vị hãy ngồi đúng tư thế hành thiền. Tôi nghĩ quý vị đều đã biết tư thế thiền. Hãy ngồi đúng tư thế và tập trung vào tượng Phật Thích Ca, Quán Thế Âm, hoặc bất cứ vị nào. Bây giờ khi thực hành quý vị phải ngồi đúng tư thế; tuy nhiên, sau này quý vị có thể hành thiền khi ngồi trong xe hơi hoặc bất cứ tư thế nào thuận tiện cho quý vị. Chúng ta sẽ thiền trong 3 phút. Quý vị hãy cố tập trung vào tượng Đức Phật Thích Ca trước mặt quý vị. Khi thực hành thì lưng và vai của quý vị phải được giữ rất thẳng, và tay quý vị phải giữ ấn như thế này [Rinpoche minh họa].

Bây giờ tôi sẽ cho quý vị 3 phút để tập trung vào tượng Phật Thích Ca trước mặt quý vị. Nếu bị phân tâm thì quý vị hãy đếm xem mình bị phân tâm mấy lần. Đó là điều quan trọng nhất. Khi cố tập trung vào Đức Phật Thích Ca, nếu bị phân tâm thì quý vị đếm 1. Sau đó, quý vị cố gắng tập trung trở lại và nếu bị phân tâm lần nữa, quý vị đếm 2. Nếu quý vị bị phân tâm 5 lần thì hãy bỏ qua, không cần đếm thêm nữa. Hãy cố tập trung vào Đức Phật Thích Ca trước mặt quý vị. Hãy sẵn sàng, tôi sẽ thông báo khi quý vị bắt đầu. Tốt, chúng ta bắt đầu bây giờ, tôi sẽ đếm 1-2-3.

[Đại chúng hành thiền.]

Quý vị có thể giơ tay nếu mình bị phân tâm hơn 5 lần không? Thật ra tôi chỉ cho quý vị hành thiền trong 1 phút 30 giây. Có bao nhiêu người ở Hồ Chí Minh bị phân tâm ít hơn 5 lần? Ở Hà Nội thì sao?

Một vài người trong lúc hành thiền, họ không biết rằng mình bị phân tâm hoặc không thể nhận ra thời điểm họ bị phân tâm. Có ai không bị phân tâm lần nào không? Tôi đã để quý vị thiền trong 1 phút 30 giây. Việc hành thiền không giống với giải thưởng sổ xố, nếu có ai giơ tay thì đừng nghĩ rằng quý vị sẽ được thưởng, được chứ? [Rinpoche cười, không ai giơ tay]. Như vậy có nghĩa là tất cả quý vị đều bị phân tâm phải không? Tôi đã dành một phút rưỡi để quý vị hành thiền, nếu quý vị bị phân tâm dưới 5 lần thì thật ấn tượng và rất tốt.

Nói chung, tôi đã thử nghiệm với nhiều người. Hầu hết đại chúng nói rằng họ bị phân tâm trong một phút rưỡi. Để tăng trưởng định lực, điều quan trọng nhất là quý vị phải nhận ra mình bị phân tâm; khi đó quý vị mới có thể cải thiện khả năng tập trung. Nhiều người bị phân tâm nhưng họ không biết là mình bị phân tâm; đó chính là chướng ngại lớn nhất đối với việc cải thiện khả năng tập trung.

Bây giờ là một kỹ thuật khác, tập trung vào hơi thở của quý vị. Khi thở vào, quý vị đếm 1, thở ra đếm 2, và cứ như vậy đếm 3, 4, 5… Khi quý vị đã thực hành thì nó không đến nỗi khó nữa. Khi đã thực hành thì việc tập trung vào một đối tượng trong suốt một phút rưỡi, thậm chí trong nửa giờ, không còn quá khó nữa. Bây giờ quý vị hãy tập trung vào hơi thở, thở vào đếm 1, thở ra đếm 2,…

[Đại chúng thực hành.]

Có ai không bị phân tâm không? Không ai cả. Ở Hà Nội thì sao? Tốt! Bây giờ tôi muốn biết giữa hai phương pháp, cách nào dễ hơn? Tập trung vào hơi thở hay tập trung vào tượng Phật dễ hơn?

Quý vị nào cảm thấy tập trung hơi thở dễ hơn có thể giơ tay được không? Và ai cảm thấy tập trung vào Đức Phật dễ hơn? Tôi nghĩ chúng giống nhau, phải vậy không?

Nếu cảm thấy tập trung vào Đức Phật dễ hơn thì quý vị hãy cứ tập trung vào Đức Phật, không cần tập trung vào hơi thở nữa. Nếu cảm thấy tập trung vào hơi thở dễ hơn thì những lúc tập trung vào Đức Phật và bị phân tâm, trong lúc đó quý vị hãy chuyển sang tập trung vào hơi thở. Nếu cảm thấy cả hai cách đều khó, quý vị phải cố gắng thực hành nhiều hơn, rồi chúng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần thực hành 5 phút mỗi ngày, quý vị sẽ thấy mình tiến bộ rõ rệt sau một tuần. Chỉ cần 5 phút mỗi ngày thôi. Khi quý vị tập trung tâm mình vào một điểm thì quý vị sẽ thư giãn hơn rất nhiều. Khi tâm quý vị suy nghĩ quá nhiều, để ngăn chặn những tư tưởng không cần thiết, quý vị phải cố gắng tập trung vào một điểm. Khi rảnh rỗi thì rất nhiều tư tưởng không cần thiết khởi lên trong tâm quý vị. Để kiểm soát những tư tưởng này, quý vị phải tập trung vào một điểm. Khi định lực tăng trưởng, chúng ta có thể dễ dàng loại trừ tất cả những tư tưởng không cần thiết xuất hiện trong tâm. Đôi khi tâm con người rất lạ. Khi rảnh rỗi, hầu hết những suy nghĩ tiêu cực đều khởi lên, hiếm khi nào tư tưởng tích cực đến trong tâm họ. Những tư tưởng như xấu hổ, thất bại, hoặc lo lắng có người hại mình… và mọi ác niệm khác luôn cứ sinh khởi.

Tôi từng gặp một cặp vợ chồng, họ không phải là Phật tử. Họ muốn nói chuyện riêng với tôi. Câu chuyện rất buồn. Họ chỉ có độc nhất một đứa con trai và bị mất đứa con. Họ mất đứa con khi cậu ta khoảng 20 tuổi. Đứa con đang học ở Mỹ và lúc đó cậu ấy nói với cha mẹ mình rằng cậu bị sốt. Người mẹ nói sẽ đi thăm con, nhưng người cha nói rằng đứa con chỉ bị sốt thôi, không cần phải đi thăm. Họ nói khoảng năm ngày sau thì con trai họ qua đời. Sau đó thì người mẹ suốt ngày đổ lỗi cho chồng bà, cho rằng chỉ vì ông ấy mà đứa con qua đời vì ông không cho bà sang Mỹ thăm con. Người cha nói với tôi là ông luôn mặc cảm tội lỗi. Vợ ông nói rằng vì ông mà họ mất con trai. Câu chuyện rất buồn. Trước hết, con trai của họ qua đời. Thứ hai, người cha mặc cảm tội lỗi, còn người mẹ cứ trách vì chồng bà mà họ mất con trai. Quý vị có thể tưởng tượng họ đau khổ ra sao. Khi đến gặp tôi thì cả hai đều khóc. Người vợ nói với tôi vì chồng bà mà họ mất con. Người chồng nói rằng vợ ông cứ lặp lại như vậy khiến ông mặc cảm tội lội rằng vì mình mà đứa con qua đời. Bên cạnh việc mất con thì khổ đau nảy sinh như vậy, và họ đều suy nghĩ tiêu cực. Bây giờ họ luôn tranh luận. Người vợ luôn đổ lỗi cho chồng mình, còn người chồng luôn cảm thấy tội lỗi. Khi nói chuyện họ đã khóc.

Tâm con người luôn như vậy. Chúng ta luôn nghĩ đến quá nhiều những điều không cần thiết và phải gánh chịu nhiều khổ đau. Khi không thể kiểm soát tư tưởng không cần thiết, chúng sẽ khiến ta đau khổ rất nhiều. Để kiểm soát mọi tư tưởng không cần thiết, chúng ta phải tập trung vào một điểm. Tâm lý học luôn khuyên những người sầu não hãy làm cho bản thân trở nên luôn bận rộn. Khi con người bận rộn thì họ không nghĩ đến những điều không cần thiết nữa. Đó là giải pháp của tâm lý học, làm cho bản thân bận rộn. Tuy nhiên, khiến cho bản thân bận rộn thì chúng ta như một cỗ máy đang làm việc. Do đó, cách tốt nhất là mỗi khi chán nản, khi có quá nhiều tư tưởng tiêu cực nảy sinh trong tâm, trước hết quý vị hãy cố tập trung vào tượng Phật hoặc hơi thở trong 1 phút. Dần dần, khi định lực tăng trưởng thì mỗi lúc tư tưởng tiêu cực đến trong tâm thì quý vị có thể dễ dàng tập trung vào một điểm và loại trừ mọi tư tưởng tiêu cực. Quý vị có thể thấy rằng mỗi khi có thời gian rỗi thì quý vị suy nghĩ những gì? Mặc cảm, nghĩ đến khuyết điểm của người khác và những người xử tệ với quý vị…., những tư tưởng tiêu cực này sẽ đến trong tâm mỗi khi quý vị có thời gian rỗi. Điều quý vị cần làm là mỗi khi tư tưởng tiêu cực nảy sinh trong tâm, quý vị hãy tập trung vào tượng Phật hoặc hơi thở. Có thể sẽ tốt hơn nếu quý vị tập trung vào Đức Phật khi tư tưởng tiêu cực nảy sinh. Từ từ, quý vị có thể dễ dàng chặn đứng mọi tư tưởng tiêu cực nảy sinh trong tâm. Tôi đang nói những điều này từ kinh nghiệm của chính tôi. Ở Tây Tạng, chúng tôi có một câu nói, “Tư tưởng tiêu cực như một con ma. Nó sẽ ám ảnh chúng ta mọi lúc.” Chính vì vậy, khi con người chất chứa nhiều tư tưởng tiêu cực, họ nghĩ đi nghĩ lại về những điều đó và khiến chúng ngày càng mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ điều đó thật lạ. Ở đây, suy nghĩ sai lầm hoặc tư tưởng tiêu cực là những suy nghĩ như mặc cảm, sân giận, ganh tị, hoặc nghĩ về khuyết điểm của người khác. Quý vị phải hiểu biết về những tư tưởng tiêu cực này. Khi nghĩ về mặt tiêu cực của thức ăn hoặc những thứ khác, không sao cả. Vài tuần trước, khi tôi ở Đài Loan, họ nói rằng rau cải là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Bây giờ tôi ở Mông Cổ, khái niệm về thực phẩm tốt cho sức khỏe hoàn toàn khác. Họ bảo tôi thịt con sói rất tốt cho sức khỏe. Có người nói với tôi anh ta có vấn đề về tiêu hóa và đã thử nhiều loại thuốc nhưng không khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau khi ăn thịt sói thì anh ta đã hết bệnh. Bởi vậy, bây giờ tôi bối rối không biết ăn gì tốt cho sức khỏe. Thật ra, những nền văn hóa khác nhau có tư tưởng khác nhau về thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Ở Đài Loan, họ bảo tôi rau cải tốt cho sức khỏe, còn thịt không tốt; nhưng ở Mông Cổ, thịt sói lại tốt cho sức khỏe. Thật rối! Tuy vậy, sân hận, mặc cảm, ganh tị đều là những tư tưởng có hại cho sức khỏe dù quý vị đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới này. Quý vị cần biết rằng ganh tị, sân giận…, tất cả những tư tưởng này đều rất có hại cho sức khỏe.

Khi có thời gian rỗi quý vị thường có những tư tưởng như sân giận, nghĩ đến khuyết điểm của người khác, khởi tâm ganh tị, chấp ngã… Tất cả những tư tưởng này sinh khởi vì quý vị chất chứa quá nhiều ác niệm trong tâm. Để chặn đứng những tư tưởng đó, quý vị cần tập trung tâm ý vào một điểm, chẳng hạn như tượng Phật, hoặc tương tự. Quý vị không cần phải tập trung trong một khoảng thời gian cố định. Tuần này, có thể quý vị chỉ cần cố gắng tập trung tâm ý vào tượng Phật hoặc vào hơi thở trong 5 phút mỗi ngày. Ai cảm thấy tập trung vào tượng Phật dễ hơn thì hãy tiếp tục tập trung vào tượng Phật; ai cảm thấy tập trung vào hơi thở dễ hơn thì tiếp tục tập trung vào hơi thở. Chỉ cần một tuần, khi định lực tăng trưởng đôi chút, điều quan trọng nhất là cố gắng tập trung tâm ý vào Ruộng Phước hoặc tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, trong một tuần này, ai cảm thấy tập trung vào hơi thở dễ hơn thì hãy cứ tập trung vào hơi thở. Ai cảm thấy dễ tập trung vào tượng Phật hơn thì cứ tập trung vào tượng Phật. Chỉ cần 5 phút mỗi ngày, được chứ? Một tuần sau, khi chúng ta gặp lại, quý vị sẽ thấy khác biệt. Chỉ cần duy trì 5 phút mỗi ngày, quý vị sẽ thấy khác biệt.

Lần trước chúng ta đang nói về quy y. Chúng ta có một vài lời khuyên khi quy y. Sau khi quy y, chúng ta phải kính trọng hình ảnh và tượng Phật. Chúng ta cũng phải tôn kính tất cả kinh điển của Đức Phật. Nói chúng, giữa hình Phật và kinh Phật, quý vị phải giữ kinh Phật cao hơn hình Phật. Lời Phật dạy quan trọng hơn tượng Phật. Bởi vì, như quý vị đã biết, thông qua lời Phật dạy mà chúng ta có thể đạt đến Phật quả, chứ không phải nhờ vào tượng Phật. Chính vì vậy, chúng ta phải xem kinh điển, lời Phật dạy linh thiêng hơn cả tượng Phật. Quý vị cần phải xem mọi lời Phật dạy, từng chữ trong kinh là hiện thân của chính Đức Phật. Thời nay Phật không còn hiện diện, Đức Phật đã nhập diệt hơn hai ngàn năm trước, nhưng lời Phật dạy vẫn hiện hữu. Lời Phật dạy chính là hiện thân của Phật. Chúng ta phải xem lời Phật dạy linh thiêng hơn tượng Phật. Đây là một lời khuyên khi quy y. Bây giờ chúng ta phải biết kính trọng như thế nào. Khi bày biện bàn thờ, khi bố trí kinh sách và tượng Phật, quý vị phải giữ kinh sách cao hơn tượng Phật. Quý vị không được để tượng Phật cao hơn kinh điển. Thường thì người ta thường để kinh sách phía dưới tượng Phật. Điều đó không đúng. Khi bày biện bàn thờ, quý vị phải luôn để kinh điển cao hơn tượng Phật.

Điều quan trọng nhất sau khi quy y là lời khuyên về 3 điều không được làm. Tôi nghĩ tôi đã giảng phần này vào buổi trước.

Bây giờ, quý vị cần hiểu mình tích tập công đức như thế nào sau khi quy y. Nhờ khởi tâm quy y Tam Bảo, quý vị tích tập vô lượng công đức. Khi bố thí thức ăn cho một con chó, quý vị sẽ tích tập công đức. Sau khi quy y, lượng công đức có được nhờ bố thí thức ăn cho con chó lớn hơn rất rất nhiều so với công đức nhờ bố thí khi chưa quy y. Có sự khác biệt lớn giữa hai hành động, dù quý vị bố thì cho cùng một con chó. Có sự khác biệt lớn giữa hành động trước khi quy y và hành động sau khi quy y. Chính vì vậy, khi bố thí thức ăn cho con chó sau khi quý vị đã quy y, dù quý vị chỉ làm một thiện hạnh nhỏ nhưng lại tích tập vô lượng công đức. Do đó, mọi thực hành đều phải bắt đầu từ thực hành quy y. Vì vậy, mỗi khi cầu nguyện, quý vị phải quy y trước, rồi tiến hành bài cầu nguyện của mình. Khi thực hành quy y, quan trọng nhất là quý vị phải quán tưởng Ruộng Phước, rồi cầu nguyện “Con quy y Phật; Con quy y Pháp; Con quy y Tăng.” Sau đó, quý vị có thể cầu nguyện bất cứ điều gì mình muốn. Thậm chí, ví dụ nếu quý vị chỉ muốn một thỏi sô-cô-la thì trước hết hãy quán tưởng Ruộng Phước, quy y, rồi mới thỉnh cầu sô-cô-la. Dù quý vị làm gì, nếu kết hợp với quy y thì quý vị sẽ tích tập vô lượng công đức. Có một câu chuyện vào thời Đức Phật còn tại thế. Có người đến chỗ của Đức Phật và hỏi Ngài một điều. Ông ấy hỏi đâu là điều chúng ta phải đạt được trong đời này. Phật trả lời, đó là giải thoát khỏi mọi ác niệm. Tiếp theo, ông ấy hỏi để giải thoát thì ông cần gì. Phật trả lời, tín tâm và lòng thành. Chính vì vậy, tín tâm và lòng thành là chìa khóa đưa đến giải thoát, giải thoát khỏi mọi ác niệm. Đó chính là lòng thành và tín tâm đối với Đức Phật. Một khi quý vị khởi tín tâm và lòng thành đối với Đức Phật, quý vị có thể hành theo lời dạy của Ngài một cách đúng đắn. Khi uống thuốc nhưng không tin tưởng thuốc thì quý vị không nhận được hiệu quả từ thuốc. Nếu có quá nhiều nghi ngờ về thuốc thì rất khó để bệnh nhân uống thuốc. Khi người bệnh khởi tâm nghi ngờ về thuốc thì dược liệu có thể trở thành chất độc, hoặc tương tự; chắc chắn người bệnh sẽ không thể uống thuốc. Tương tự, nếu quý vị không hoàn toàn tin tưởng vào Đức Phật và lời dạy của Ngài thì quý vị sẽ gặp đôi chút khó khăn khi thực hành theo Ngài. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy rằng bước đầu tiên của thực hành quy y là tín tâm vào Tam Bảo. Nhưng tâm của con người thì rất lạ; họ thường tin tưởng vào những gì họ không thể nào nhìn thấy. Họ dễ dàng tin tưởng vào những gì họ không thấy. Tôi nghĩ quý vị đều nhớ là năm ngoái 2012, người ta đồn rằng đó là năm tận thế. Tôi nhớ vào khoảng tháng Mười Hai năm 2012, tôi có nói chuyện ở một trường cao đẳng. Một sinh viên đã hỏi tôi năm 2012 có phải là năm tận thế hay không. Lúc đó, tôi nói rằng 100% không phải là tận thế; tháng 12/2012 không phải là tận thế. Đức Phật đã nói giáo pháp của Ngài trụ thế 5000 năm sau khi Ngài nhập diệt, cho đến nay mới khoảng 2000 năm thôi. Bởi giáo pháp của Đức Phật sẽ còn tồn tại khoảng hơn 2500 năm nữa, nên 2012 không phải là năm tận thế. Những gì tôi nói đã được xuất bản thành sách, ấn bản tiếng Trung Hoa vào năm 2012. Tương tự, nhiều người lại tin tưởng vào lời đồn đại mà chính họ cũng không thấy. Họ tin tưởng vào những điều mà họ hoàn toàn không thể nhìn thấy. Nói về lời Phật dạy, tất cả mọi điều Ngài từng nói đều là sự thật. Chúng ta có thể khởi tâm thành kính và hoàn toàn tin tưởng vào Đức Phật.

Tuần này, bài tập về nhà là quý vị hãy cố gắng tập trung 5 phút mỗi ngày. Nếu quý vị có thể tập trung 6, 7 phút thì rất tốt; ít nhất là 5 phút. Chúng ta sẽ thấy kết quả và thảo luận vào Chủ Nhật tới. Cảm ơn quý vị.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 21/12/2014.