Bài giảng Giải thoát trong lòng tay (Ngày 3) - giảng ngày 29/04/2012.
- giới thiệu về lamim và luận Giải Thoát Trong Lòng Tay
- tính vĩ đại của giáo pháp lamrim
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 1
Như Thị Thất, ngày 19 tháng 4 năm 2012
Trước hết, tôi có một vài điều muốn nói với quý vị. Tôi sẽ bắt đầu một bản kinh kết hợp mật pháp, luyện tâm và lamrim. Tất cả những nội dung đó đều được kết hợp trong bản kinh này. Lần trước tôi đã khảo sát ý kiến của mọi người và một số quý vị đã góp ý rằng chỉ nên căn cứ vào một bản kinh. Trên cơ sở đó tôi đã xem xét và quyết định căn cứ vào một bản kinh. Tôi nghĩ rằng bản kinh này là một trong những bản kinh rất tốt để thực hành dành cho những người học Phật pháp. Tôi nghĩ đây là một trong những bản kinh tốt nhất. Nói chung, với bản kinh này, chúng ta phải làm một vài điều. Trước hết, chúng ta phải hiểu mục đích của Phật pháp. Thứ hai, chúng ta phải thực hành Phật pháp, và thứ ba, mang đến nhiều an lạc hơn cho cuộc sống của mình. Đây là ba điều quan trọng.
Bản kinh này có nguồn gốc từ Phật giáo. Đức Phật đã giảng pháp trong suốt bốn mươi lăm năm và Ngài đã giảng rất nhiều kinh điển khác nhau. Trong bốn mươi lăm năm này, những điểm chính yếu của lời Phật dạy chia làm ba lần chuyển pháp luân, chúng ta thường gọi là lần chuyển pháp luân thứ nhất, lần chuyển pháp luân thứ hai và lần chuyển pháp luân thứ ba. Chúng ta có thể nhận thấy tất cả giáo lý đều dựa vào ba lần chuyển pháp luân này. Ở bất cứ quốc gia nào thì Phật giáo cũng có nền móng là ba lần chuyển pháp luân của Đức Phật, dù là lần chuyển pháp luân thứ nhất, thứ hai hay thứ ba. Phật giáo Tây Tạng chủ yếu căn cứ vào lần chuyển pháp luân thứ hai, còn được gọi là hệ Kinh Bát Nhã.
Trước hết, đừng nghĩ rằng Phật giáo là một vài nghi lễ và chỉ có vậy. Phật giáo là con đường, phương pháp phát triển những giá trị nội tại, thái độ bên trong hay trạng thái tâm của con người. Mục đích chính của Phật giáo là phát triển tinh thần của con người. Đó là mục đích chính của Phật giáo. Khi trạng thái tâm của quý vị phát triển đến mức độ cao nhất thì đó là Phật quả, quý vị thành Phật. Quý vị sẽ đạt đến trạng thái tinh thần rất tịch tĩnh.
Đức Phật đã không chỉ rõ từng bước thực hành một cách có hệ thống. Ngài đã không giảng đâu là bước đầu tiên, đâu là bước thứ hai…, điều này không được Đức Phật nhắc đến rõ ràng trong Phật giáo. Chính tổ Atisha đã đưa ra thứ tự các bước thực hành Phật pháp một cách có hệ thống. Căn cứ vào giáo huấn của ngài Atisha, ngài Tsongkhapa (Tông Khách Ba) đã trước tác lamrim. Tổ Atisha đã sắp xếp các pháp hành Phật pháp theo thứ tự từng bước một cách có hệ thống. Tôi không nhớ rõ tổ Atisha đã đến Tây Tạng vào năm nào. Khi tổ Atisha đến Tây Tạng, Ngài đã trước tác Bồ Đề Đạo Đăng tức Đèn Soi Nẻo Giác mang tính hệ thống rất cao. Tại thời điểm đó, ở Tây Tạng có rất nhiều trường phái thực hành pháp khác nhau: kinh điển, mật điển và nhiều lối thực hành khác. Vì vậy, người ta rất bối rối về Phật pháp, không biết đâu là pháp hành đúng đắn. Người Tây Tạng đã rất hoang mang vì có quá nhiều hành giả mật pháp và họ đều tự cho giáo lý của mình là đúng; chính vì vậy, vào thời điểm đó giữa họ đã xảy ra rất nhiều xung đột. Để làm sáng tỏ mọi nghi ngờ của dân chúng, vua Tây Tạng đã thỉnh tổ Atisha đến Tây Tạng. Lúc đó, tình hình Tây tạng rất lộn xộn. Có quá nhiều hành giả của nhiều tôn giáo khác nhau, nhiều giáo lý phát sinh làm người dân hoang mang. Đó là lý do tổ Atisha đã hệ thống hóa con đường hành trì Phật pháp.
Bây giờ, chúng ta đã hiểu mục đích chính của Phật pháp. Mục đích chính của Phật pháp là phát triển tâm thức. Đó là mục đích chính của Phật pháp. Một khi quý vị có được sức mạnh nội tại thì dù đang ở đâu, dù sở hữu những gì, quý vị luôn cảm thấy hạnh phúc và vui sống với mọi điều. Khi nội tâm đầy phiền não thì dù ở đâu hay làm gì, quý vị cũng đều đau khổ.
Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay, qua đó quý vị sẽ hiểu thế nào là Phật giáo thực thụ, điều này rất quan trọng. Quý vị gọi “Dharma” trong tiếng Việt là gì? [Đại chúng trả lời là “Pháp”]. Tôi nghĩ “Pháp” là tiếng Trung Hoa, “Dharma” là một từ tiếng Ấn Độ. Từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là “thay đổi.” Hiện tại, chúng ta đang thay đổi. “Thay đổi” có nghĩa là sau khi thực hành Phật pháp thì quý vị sẽ thay đổi, quí vị sẽ trở thành người tốt hơn, quý vị sẽ bình tĩnh hơn, an lạc hơn, hạnh phúc hơn. Đó chính là mục đích thực sự của Phật giáo.
Bây giờ tôi sẽ nói về Giải Thoát Trong Lòng Tay. Hai chương đầu của Giải Thoát Trong Lòng Tay nói về việc tổ Atisha đến Tây Tạng như thế nào. Tôi sẽ không bàn về nội dung này, tôi không quan tâm đến việc tổ Atisha đến đó ra sao và đi qua những nơi nào. Tôi chỉ quan tâm đến lời dạy của tổ Atisha; đó mới là điều quan trọng nhất. Hai chương đầu nói về việc tổ Atisha đến Tây Tạng. Trước hết, tôi chưa đến Tây Tạng nên tôi cũng không biết nơi ấy ra sao. Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết và theo kinh nghiệm thực hành của bản thân tôi thì tất cả ý nghĩa lời dạy của tổ Atisha đều chính xác 100%.
Lời dạy của tổ Atisha gọi là thực hành lamrim. Lamrim là tiếng Tây Tạng, có hai từ, để tôi viết ra. Lamrim là “con đường,” “các giai đoạn.” “Con đường của các giai đoạn” hoặc “Các giai đoạn của con đường.” Quý vị có thể gọi là “Các giai đoạn của con đường.” Lamrim có nghĩa là “các giai đoạn của con đường,” nghĩa là con đường dẫn chúng ta đến Phật quả, là cách thức để đến được Phật quả. Trong tiếng Tây Tạng, “lam” là “con đường,” “rim” là “các giai đoạn.” Một khi đã hiểu được trọn vẹn lamrim thì quý vị sẽ hiểu được lời Phật dạy. Như tôi đã nói ở trên, Đức Phật đã thuyết pháp trong suốt bốn mươi lăm năm. Nếu như quý vị muốn đúc kết tất cả lời Phật dạy trong suốt bốn mươi lăm năm thì quý vị có thể tìm thấy sự đúc kết đó ở lamrim.
Nếu tôi hỏi quý vị Phật giáo là gì thì quý vị trả lời như thế nào? Trong tiếng Việt, “Buddhism” là gì? [Đại chúng trả lời “Phật giáo”] Khi tôi hỏi như vậy, nếu hiểu lamrim thì quý vị sẽ có câu trả lời chính xác. Nếu không hiểu lamrim đúng đắn thì quý vị sẽ không có câu trả lời đúng. Nếu không hiểu thì quý vị sẽ bối rối, không biết Phật giáo là gì. Quý vị có thể nghĩ rằng đi chùa, nhận quán đảnh thật sự là Phật giáo; tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là Phật giáo.
Về thực hành lamrim, quý vị phải hiểu bốn phẩm tính của lamrim. Lamrim có bốn phẩm tính. Trước hết, điều quan trọng nhất và là bước đầu tiên trong lamrim là cách lắng nghe giáo pháp. Đầu tiên, lamrim đưa ra ví dụ về ba chiếc bình, quý vị có thể xem trong kinh. Tất cả quý vị đã có quyển kinh chưa? Bây giờ quý vị hãy xem Ngày thứ 3. Chúng ta sẽ bắt đầu từ Ngày thứ 3. Ngày thứ 1 và Ngày thứ 2 chỉ nói về việc tổ Atisha sang Tây Tạng. Quý vị có thể đọc phần đó và tôi sẽ không bàn về Ngày thứ 1 và Ngày thứ 2.
NGÀY THỨ 3
Bây giờ hãy xem Ngày thứ 3. Ở Ngày thứ 3 quý vị có thể thấy “Tính vĩ đại của pháp lamrim, được nói để tăng niềm kính pháp.” Như tôi đã nói, có bốn phẩm tính vĩ đại của lamrim. Nếu hiểu lamrim đúng đắn thì quý vị hiểu trọn vẹn lời Phật dạy, tất cả lời Phật dạy. Do đó, quý vị có thể thấy rằng phẩm tính vĩ đại thứ nhất là “tính vĩ đại giúp bạn nhận ra rằng mọi giáo lý đều nhất quán.” Hiện tại, những gì đang diễn ra là có rất nhiều giáo lý khác nhau của Đức Phật như kinh điển, mật điển, và các giáo lý chúng ta gọi là Đại thừa, Tiểu thừa. Có rất nhiều giáo lý khác nhau. Nếu hiểu lamrim đúng đắn thì quý vị sẽ hiểu được tất cả những chủ đề đó, về mục đích của mật điển và của Đại thừa, hiểu được tất cả những giáo lý khác nhau này.
Tôi sẽ kể quý vị nghe về một trải nghiệm của tôi. Nhiều năm về trước, khoảng ba hay bốn năm, tôi gặp một phụ nữ lớn tuổi người Việt Nam ở Dharamsala. Khi ấy tôi gặp một nhóm người Việt. Người phụ nữ ấy nói với tôi rằng bà có một câu hỏi, và bà đưa cho tôi xem ảnh của nhiều vị hộ pháp khác nhau. Quý vị chắc cũng biết rằng ở Tây Tạng, trong các mật điển chúng tôi có các vị hộ pháp nhìn rất đáng sợ trong các hình tướng phẫn nộ. Rồi bà ấy hỏi tôi rằng trong số các vị hộ pháp này, vị nào mạnh nhất? [Rinpoche và đại chúng cười] Tôi trả lời rằng trong những bức hình đó không có hình nào mạnh nhất cả, vì tất cả chỉ là những tấm hình bằng giấy thôi, chúng không thể làm gì hết! [Rinpoche cười] Chúng ta rất bối rối ở điểm này. Khi quý vị không hiểu Phật pháp đúng đắn thì sẽ có những điều bối rối. Quý vị có thể thấy trong Phật giáo Tây Tạng có nhiều vị bổn tôn, rồi quý vị bối rối và có suy nghĩ vị nào mạnh hơn. Khi quý vị không hiểu Phật pháp đúng đắn thì quý vị càng lúc càng bối rối hơn nữa. Chính vì vậy, để hiểu Phật pháp đúng đắn, quý vị phải hiểu lamrim.
Có nhiều giáo lý về lamrim. Nếu nói về hamburger thì sẽ có nhiều loại hamburger khác nhau: McDonald, KFC… Lamrim cũng giống như hamburger vậy. Quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay này cũng như một loại hamburger, hamburger của McDonald, vì tôi thích hamburger McDonald hơn những loại khác. Có một điều rất lạ là ở Đài Loan, nơi tôi đã từng đến, thì cửa hàng McDonald không có hamburger phô-mai. Ở Ấn Độ thì các cửa hàng McDonald đều có hamburger phô-mai, hamburger chay. Đài Loan thì rất lạ vì tôi không thể mua được hamburger chay trong cửa hàng McDonald nơi đó. Việt Nam thì sao? Cửa hàng McDonald ở Việt Nam có hamburger chay không? [Người dịch: Ở Việt Nam chưa có McDonald] Do đó, có nhiều loại hamburger chay của các hãng như McDonald hay KFC. Lamrim là như vậy, giống hamburger vậy. Quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay cũng là một loại hamburger chay của KFC, có lẽ với tôi đó là hamburger chay của McDonald. Hamburger của McDonald và của KFC có nhiều hương vị. Giải Thoát Trong Lòng Tay căn cứ vào lamrim, cũng có nhiều hương vị, do đó giáo lý này đã trở nên một phiên bản lamrim rất tân thời! Có nhiều luận giải khác nhau về lamrim, trong đó Giải Thoát Trong Lòng Tay là bộ luận lamrim hay nhất.
Lamrim có bốn phẩm tính vĩ đại. Khi bắt đầu học lamrim, sau mỗi buổi học tôi sẽ cho bài tập về nhà và quý vị phải thực hành. Ở Tây Tạng xa xưa, khi vị thầy ban chỉ dẫn, người đệ tử phải thực hành trong vòng ít nhất một tuần hoặc một tháng. Sau đó, người đệ tử sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực hành pháp với thầy mình. Ở tu viện hiện nay cũng có những nhóm đang thực hành như vậy. Tuy nhiên, hiện tại thì quý vị không cần phải chia sẻ kinh nghiệm thực hành với tôi vì tôi không có thời gian để chia sẻ kinh nghiệm của tất cả mọi người.
Ở Ngày thứ 3 quý vị có thể thấy bốn tính vĩ đại của lamrim.
Tính vĩ đại thứ nhất là lợi ích sau khi học lamrim. Sau khi học lamrim quý vị sẽ hiểu tất cả lời Phật dạy đều nhất quán.
Tính vĩ đại thứ hai là mỗi lời dạy của đức Phật đều là những chỉ dẫn cho chúng ta. Có một câu nói, “Vị thầy như một con thuyền.” Khi quý vị học lamrim đúng đắn thì lời Phật dạy chính là đạo sư của quý vị. Ngay bây giờ, quý vị cần đạo sư hướng dẫn vì quý vị chưa thật sự hiểu lời Phật dạy. Tuy nhiên, đạo sư không thể luôn ở bên cạnh quý vị suốt đời, đó là điều quan trọng nhất mà quý vị cần phải hiểu. Vậy đâu là vị thầy thực sự của quý vị? Chính là lời Phật dạy! Ngay lúc này lời Phật dạy chưa thể là thầy của quý vị bởi vì quý vị chưa hiểu đúng lời dạy của Ngài, nhưng quý vị cần hiểu rằng lời Phật dạy chính là đạo sư của quý vị. Đây là điều quan trọng nhất. Dù quý vị luôn dựa dẫm vào đạo sư thì đạo sư cũng chẳng thể luôn bên cạnh quý vị. Khi quý vị hiểu lamrim đúng đắn, từng lời dạy của Đức Phật đều trở thành chỉ dẫn cho quý vị. Đó là tính vĩ đại thứ hai của lamrim. Điều quan trọng mà quý vị cần phải khắc ghi trong tâm là những lời dạy của đức Phật phải trở thành đạo sư thật sự của chính mình. Khi hiểu lamrim đúng đắn thì những lời dạy của đức Phật sẽ trở thành đạo sư của chính quý vị. Nếu quý vị không hiểu lamrim, không hiểu những lời Phật dạy thì trong tâm quý vị sẽ có nhiều nghi vấn.
Có một cậu thanh niên người Ấn Độ, ở miền Đông Ấn đến tu viện gặp tôi. Anh ta nói với tôi rằng “Rinpoche, hãy dạy cho con tất cả giáo lý của Đức Phật!” và anh ta bảo rằng anh ta sẽ cho tôi thấy sau ba năm anh sẽ thành Phật. Tôi thấy có sự thay đổi lớn trong tâm anh ta, nhưng tôi nghĩ anh ta đã thực hành quá mức. Ý tôi là khi thực hành Phật pháp thì quý vị không nên thực hành quá mức hoặc lười biếng, mà hãy nên thực hành đều đặn. Tính liên tục mới thật sự quan trọng. Có người hỏi Đức Phật, “Chúng con nên thực hành Pháp như thế nào?” Đức Phật trả lời rằng thực hành Pháp giống như chơi ghita hay vĩ cầm vậy. Nếu dây đàn quá căng thì âm thanh không hay, nếu dây đàn quá chùng thì âm thanh cũng không hay. Tương tự, Đức Phật dạy rằng khi thực hành Pháp, không nên thực hành quá mức, nhưng cũng không được lười biếng, mà phải duy trì đều đặn và liên tục. Như vậy, quý vị đã rõ về phẩm tính thứ hai chưa? Chúng ta kết thúc phần nói về phẩm tính thứ hai tại đây.
Đến đây, nhìn chung tôi chỉ mới giới thiệu tổng quát về lamrim chứ chưa thật sự bắt đầu giảng về bất cứ thực hành lamrim nào cả. Đây mới chỉ là phần giới thiệu thôi. Tôi nghĩ có người cho rằng tôi đang quảng cáo về lamrim. Đúng vậy, nhưng đây là quảng cáo thực thụ. Nếu quý vị nhìn vào các quảng cáo thương mại hiện nay thì có rất nhiều quảng cáo sai sự thật. Còn đây là một quảng cáo chân thật. Tôi đã từng xem rất nhiều quảng cáo nhưng có một quảng cáo ở Đài Loan làm cho tôi rất ngạc nhiên. Ở Ấn Độ có một loại kem dưỡng da mà người ta nói rằng nếu dùng thì sẽ giúp da trắng trong vòng 24 giờ. Nhưng ở Đài Loan thì họ nói rằng nếu quý vị sử dụng kem dưỡng thì da quý vị sẽ trắng lên ngay lập tức. Đó là một quảng cáo sai sự thật. Nhưng ở đây quảng cáo của tôi về lamrim là một quảng cáo chân thật. Đây là sự thật mà tôi có thể đảm bảo bằng chính kinh nghiệm của mình.
Ở miền Nam Ấn Độ, có một trung tâm mua sắm lớn, trong đó có vài người bán kem dưỡng da. Một người phụ nữ bán hàng đã gọi tôi đến để quảng cáo kem dưỡng da. Cô ta để đầu thiết bị soi da lên mặt tôi, thiết bị được nối với máy tính. Màn hình máy tính hiển thị da tôi có rất nhiều nếp nhăn. Cô bán hàng nói rằng tôi phải sử dụng kem dưỡng da để không còn nếp nhăn trên da nữa. Tôi đề nghị cô ta cho tôi mượn thiết bị soi da đó, rồi tôi để thiết bị đó lên mặt cô ta, và máy tính hiển thị da cô ta cũng có nhiều vết nhăn giống tôi. Tôi hỏi tại sao cô ta không dùng kem dưỡng da này đi? Lamrim thì không giống như vậy. Tôi đã thực hành, nó đã giúp ích cho tôi. Lamrim thực sự có lợi ích đối với tôi. Vì vậy, khi tôi nói với quý vị rằng quý vị cần phải thực hành lamrim thì không hề giống như cô bán kem dưỡng da nọ.
Có nhiều người từng nghĩ rằng tôi có thể cười nhiều, kể nhiều chuyện vui là vì tôi không gặp vấn đề gì cả. Thật ra tôi cũng có rất nhiều rắc rối nhưng những vấn đề đó không thể tổn hại đến tâm trạng của tôi, đến niềm vui của tôi. Nhiều người hỏi tôi đâu là bí quyết của những nụ cười ấy? Khi tinh thần của quý vị bất an thì sẽ rất khó cười. Do đó khi quý vị nhìn vào nhiều bức ảnh thì sẽ thấy tôi không cười, vì tôi không muốn cười gượng ép. Nếu cố gắng cười gượng ép thì quý vị sẽ bị đau quai hàm. Do đó, nhiều người nói tôi không gặp phải rắc rối nào nhưng thực tế thì tôi có rất nhiều vấn đề. Điều quan trọng là thực hành Phật pháp thực sự đã giúp tôi kiểm soát được trạng thái tinh thần của mình, giúp tôi không bị phiền não. Như vậy, có thể nói thực hành Phật pháp chính là bí quyết để tôi cười nhiều. Quảng cáo của tôi về lamrim hôm nay là quảng cáo chân thật thông qua kinh nghiệm thực hành của chính bản thân tôi. Tôi có thể nói rằng điều này rất chân thật.
Hôm nay chúng ta dừng ở đây.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 20/08/2014.