28-07-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 35 - Ngày 28/07/2013

- phẩm hạnh của Pháp và Tăng

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­

Tuần thứ 35

Như Thị Thất, ngày 28 tháng 07 năm 2013

 

Trước khi quy y, quý vị phải hiểu rõ những phẩm hạnh của Đức Phật. Khi không hiểu thì quý vị không thể nào khởi tâm sùng mộ Ngài. Lần trước tôi đã nói về phẩm hạnh của Phật, hôm nay quý vị phải hiểu thêm về phẩm hạnh của Pháp. Khi Đức Phật giảng Pháp, Ngài giảng theo ba trình độ khác nhau. Quý vị có thể gọi đó là ba trình độ khác nhau hoặc ba truyền thống khác nhau. Tùy theo khả năng hiểu biết của từng đệ tử mà Đức Phật đã thuyết Pháp theo ba trình độ khác nhau. Khi Đức Phật thuyết Pháp, Ngài giống như một thầy thuốc, và Pháp giống như dược liệu. Khi nói đến dược liệu thì có nhiều loại. Nếu quý vị chỉ có một loại thuốc thì nó không thể chữa trị cho nhiều người; khi quý vị có nhiều loại thuốc thì sẽ chữa trị được nhiều người hơn. Pháp cũng giống như vậy, có nhiều mức độ khác nhau. Khi Đức Phật chuyển Pháp luân lần thứ nhất, Ngài thuyết giáo lý Tiểu Thừa (Hinayana). Sau đó, Ngài thuyết giáo lý Đại Thừa (Mahayana), rồi đến giáo lý Kim Cang Thừa (Vajrayana). Khi Đức Phật thuyết Pháp, Ngài đã giảng ở ba trình độ khác nhau. Khi nói đến Pháp thì giáo lý đó phải đến từ một trong ba cấp độ này. Nếu quý vị nói một điều gì đó không thuộc về ba cấp độ này thì đó không phải là Phật pháp. Khi nói về Tam Bảo, đặc biệt là Pháp Bảo, quý vị phải hiểu Pháp bao gồm ba truyền thống: Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Chúng ta không thể đặt nghi vấn trong ba truyền thống này, truyền thống nào tốt hơn hoặc truyền thống nào tốt nhất, vì Đức Phật thuyết giảng ba truyền thống tùy theo trình độ hiểu biết của từng đệ tử. Không thể đặt nghi vấn giáo lý nào tốt nhất. Nếu quý vị nhức đầu thì thuốc trị nhức đầu là dược phẩm tốt nhất; nếu quý vị đau dạ dày thì thuốc trị đau dạ dày là liều thuốc tốt nhất. Quý vị không thể nói chung chung thuốc nào là thuốc tốt nhất. Pháp cũng như vậy, cũng giống như dược liệu, tùy vào chứng bệnh của bản thân mà quý vị hành trì Pháp tương ứng.

Phật giáo Tây Tạng chủ yếu kết hợp cả ba trình độ này. Trong giáo lý Tiểu Thừa, Đức Phật phần lớn dạy về giới luật. Thông qua trì giới mà đạt giải thoát, đó là tư tưởng chính của truyền thống Tiểu Thừa. Trong giáo lý Đại Thừa, Đức Phật giảng nhiều hơn về tâm đại bi và vấn đề diệt trừ tâm ái ngã; những điều này đến từ giáo lý Đại Thừa. Trong giáo lý Mật Điển [Kim Cang Thừa], Đức Phật dạy về cách vận dụng và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, về các minh điểm (luân xa); những vấn đề đó thuộc về truyền thống Kim Cang Thừa. Chỉ khi nào kết hợp cả ba truyền thống này trong lúc thực hành thì quý vị mới đạt được kết quả tốt. Chúng ta không thể tách rời những điểm này, không thể chỉ thực hành một truyền thống mà phải kết hợp cả ba. Khi nói về Phật pháp, quý vị phải hiểu rằng có ba phạm vi trong Phật pháp. Trong ba phạm vi này, Đức Phật dùng những phương tiện khác nhau để giáo hóa đệ tử. Nếu nhìn vào Giải thoát trong lòng tay thì quý vị sẽ thấy sự kết hợp của ba truyền thống, tuy nhiên phần lớn là Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Rất nhiều người hiểu lầm về Kim Cang Thừa. Quý vị nghĩ rằng chỉ cần nhận quán đảnh là tốt rồi, đó là sự hiểu lầm to lớn về Kim Cang Thừa. Nhận quán đảnh không quan trọng; điều quan trọng sẽ đến sau đó trong suốt quá trình hành trì của quý vị. Khi nhận quán đảnh, quý vị phải hiểu thật chính xác cách thực hành. Mỗi khi nhận quán đảnh, quý vị phải hiểu chính xác cách thực hành bổn tôn. Khi Đức Phật thuyết Pháp, đối với hàng đệ tử thông minh nhạy bén, Ngài dạy giáo lý Đại Thừa và Kim Cang Thừa nhiều hơn. 

Mục tiêu đặc biệt của Pháp là để đoạn trừ tư tưởng tiêu cực của con người; đó là mục tiêu chính yếu. Quy y Pháp có nghĩa là quý vị tin theo Pháp, làm theo những chỉ dẫn giúp quý vị đoạn trừ cảm xúc tiêu cực. Khi có thể thành công trong việc giảm thiểu cảm xúc tiêu cực thì tôi nghĩ quý vị không còn cách xa Phật quả nữa. Có một câu nói, “Nếu một người điên biết rõ mình bị điên thì anh ta đang ở rất gần Phật quả.” Nếu chúng ta không nhận thức rõ ác niệm và cảm xúc tiêu cực của mình, mỗi khi chúng trỗi dậy thì chúng ta cảm thấy rất tuyệt vọng. Tuy nhiên, thực tế thì chúng ta không tuyệt vọng, chúng ta có phương cách để kiểm soát chúng. Thậm chí khi đau khổ, căng thẳng, quý vị cảm thấy tuyệt vọng; nhưng thật sự không phải như vậy vì quý vị có rất nhiều cách giải quyết, và Pháp dạy quý vị cách giảm thiểu chúng. Vấn đề nan giải nhất của người điên là họ không biết mình bị điên. Nếu biết thì họ sẽ chữa bệnh. Đó là vấn đề tệ hại nhất của những người điên.

Có một câu chuyện có thật. Khoảng 10 hay 15 năm trước, có một chú tiểu giúp đỡ một người bệnh tâm thần và đưa anh ta đến bệnh viện tâm thần ở miền Nam Ấn Độ. Người bệnh mặc đồ rất đẹp đẽ và gọn gàng, nhưng chú tiểu kia mặc y áo xộc xệch. Họ đến bệnh viện và nói rằng muốn chữa bệnh cho người đàn ông bệnh tâm thần. Bác sĩ chỉ vào chú tiểu y áo luộm thuộm và hỏi, “Anh bệnh tâm thần phải không? Anh là bệnh nhân phải không?” [Rinpoche cười] Bệnh viện tâm thần đó là một trong những bệnh viện lớn nhất Ấn Độ. Vài năm trước, tôi đã đến đó vài lần để thảo luận với các bác sĩ trong lúc tiến hành nghiên cứu về tâm thức và não bộ. Một người đệ tử nói với tôi, “Chúng ta cũng thường hay đến đó nên chắc người ta nghĩ về chúng ta rất lạ, họ sẽ nghĩ mình là người bệnh.” [Rinpoche cười]

Vấn đề lớn nhất của người điên là họ không biết, không hiểu mình đang bị điên. Tương tự, chúng ta không biết rằng mình có thể điều phục và giảm thiểu rất nhiều cảm xúc tiêu cực, căng thẳng. Chúng ta cần phải biết điều đó. Quý vị giảm thiểu bằng cách nào? Quý vị phải thực hành Pháp. Chính vì vậy, câu thứ hai trong bài tụng quy y là “Con quy y Pháp, con hành theo những chỉ giáo đúng đắn.” Trước hết, khi nói “Con quy y Phật” thì quý vị phải hiểu phẩm tính của Phật. Tương tự, khi nói “Con quy y Pháp” thì quý vị phải biết rằng mình có thể điều phục tất cả cảm xúc tiêu cực, ác niệm bằng cách hành theo những chỉ dẫn. Khi nói “Con quy y Pháp”, quý vị phải nghĩ rằng mình sẽ hành theo những chỉ dẫn đúng đắn của Đức Phật nhằm điều phục ác niệm và tâm căng thẳng. Có người nói với tôi là anh ta không thể thực hành lòng bi mẫn vì hai người. Tôi nghĩ hai người đó là người anh ta không ưa [Rinpoche cười]. Có một lần Đức Phật đã nói, “Ta như người thầy thuốc và giáo lý của ta như dược liệu.” Pháp là những điều mang đến cho cuộc sống chúng ta nhiều niềm vui, hạnh phúc, lợi lạc hơn nữa. “Pháp” mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Điều quan trọng là để tin theo Pháp thì quý vị phải có tín tâm và lòng sùng mộ Đức Phật; như vậy thì quý vị sẽ hành theo lời dạy của Ngài đúng đắn. Nếu một điều được nói ra bởi một người mà quý vị tin tưởng thì quý vị sẽ tin theo. Cũng với điều đó, nếu nó được nói ra bởi một người quý vị không tin tưởng thì quý vị sẽ không tin, dù điều đó là sự thật. Tương tự, khi hoàn toàn tin tưởng Đức Phật, quý vị sẽ thực hành Pháp đúng đắn.

Khi nói “Con quy y Phật, Pháp, Tăng”, ở điểm thứ hai, chúng ta cần nghĩ rằng không chỉ quy y Pháp trong đời này mà chúng ta quy y Pháp cả trong đời sau. Khi đã khởi tâm sùng mộ đúng đắn đối với Tam Bảo thì quý vị sẽ không bao giờ bị rơi vào ác đạo nữa. Quý vị có thể thấy trong Giải thoát trong lòng tay [quyển 1, trang 623]

Tóm lại, nếu tôi không phát triển

Thực chứng về chết và vô thường,

Thì cả đến mật điển Guhyasamaja cũng không có gì sâu sắc

Nhưng ba bài kệ quy y

Thật sâu sắc khi được phát sinh

Trong dòng tâm thức tôi vào lúc chết.

Tập Hội Bí Mật (Guhyasamaja) được xem là vị vua của Kim Cang Thừa, nhưng trong bài kệ này thì Ngài cũng chưa tối thượng bằng quy y Tam Bảo. Điều đó có nghĩa là nếu quý vị quy y đúng đắn thì đó chính là pháp hành tối thượng.

Thời tiết ở Hồ Chí Minh hôm nay ra sao? [Người dịch: Thời tiết tốt, không nóng lắm nhưng cũng không có gió.] Nhiệt độ là bao nhiêu? [Người dịch: 27 độ C] Có chắc như vậy không? [Người dịch: Dạ chính xác là 29 độ C. Rinpoche cười]

Quý vị có thể thấy người phiên dịch lúc đầu nói 27 độ, nhưng cũng không chắc chắn. Tín tâm vào Đức Phật cũng giống như vậy. Khi quý vị thực hành Pháp nhiều hơn và thấy được lợi lạc thì quý vị sẽ tin tưởng Đức Phật hơn nữa. Nếu có người hỏi tôi Pháp có ích lợi gì hay không, tôi có thể đảm bảo Pháp có ích, dựa theo kinh nghiệm của tôi. Nhưng đối với thời tiết ở Hồ Chí Minh thì cả người phiên dịch lẫn tôi đều không chắc [Rinpoche cười]. Khi thực hành, quý vị sẽ thấy lợi ích của Pháp nhiều hơn. Khi tôi còn nhỏ, tôi thường rất căng thẳng vì một vài chuyện. Khi tôi chơi thua, tôi buồn suốt 2-3 ngày. So với khi còn nhỏ thì hiện tại tôi có nhiều việc phải làm hơn, nhưng tôi ít căng thẳng hơn. Tôi không căng thẳng dù có quá nhiều việc phải làm, tôi nghĩ đó là nhờ tôi thực hành Pháp. So với hồi tôi còn nhỏ thì bây giờ tôi phải làm nhiều việc hơn. Đôi khi công việc không được trôi chảy, nhiều trở ngại xảy ra, nhưng tôi không hề căng thẳng, đau khổ dù mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ. Tôi nghĩ tôi không hề căng thẳng là nhờ thực hành Pháp. Lúc còn nhỏ, mỗi lần chơi thua thì tôi rất buồn. Bây giờ, mỗi lúc có chút ít thời gian rỗi, tôi hay chơi điện tử, đặc biệt là trò đánh cờ trên máy tính. Lúc tôi đánh cờ với máy tính thì tôi không bao giờ thua vì mỗi lần tôi đi sai nước cờ nào thì tôi lại bấm nút “Undo” (chơi lại) [Rinpoche cười]. Nhiều lúc tôi chơi lại nhiều đến nỗi ván cờ trở về thời điểm xuất phát [Rinpoche cười]. Vài tháng trước, tôi kể chuyện này với một học trò của tôi, một tu sĩ ở Ấn Độ; học trò của tôi nói, “Rinpoche, Ngài chơi lại nhiều quá nghĩa là Ngài chơi ăn gian rồi.” [Rinpoche cười]

Bây giờ, khi nói quy y Tăng nghĩa là quy y Tăng chúng, những người thật sự thực hành Pháp. Điều đó có nghĩa là “Con tin theo bạn đồng hành tốt.” Tôi còn nhớ một dịp nọ ở trại cải tạo trẻ em, có một đứa trẻ khoảng 14 tuổi hỏi tôi một câu hỏi. Cậu bé nói với tôi là cậu thật tâm hối lỗi những gì cậu đã làm, như dùng chất gây nghiện…, và hỏi tôi làm sao để từ bỏ những thói hư tật xấu đó. Cậu ấy hỏi tôi như vậy. Tôi nói rằng để từ bỏ thói quen xấu, bước đầu tiên và cũng là bước sau cùng đó là lánh xa tất cả bạn bè xấu. Tương tự, khi có những người đồng hành tốt, chúng ta sẽ nhận được nhiều hiệu ứng. Rồi một đứa trẻ khác, khoảng 15-16 tuổi, hỏi tôi một câu rất hay. Cậu ấy hỏi tôi, “Nếu có người đấm vào mặt thầy thì thầy sẽ làm gì?” Tôi nói rằng nếu có người đấm vào mặt tôi thì tôi sẽ không nổi giận và cũng không đánh trả, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ tìm một luật sư giỏi [Rinpoche cười]. Khi chúng ta muốn cải thiện lối sống thông qua thực hành Pháp, điều chúng ta cần có là bạn đồng hành tốt, được gọi là Tăng chúng. Khi quý vị thực hành Ruộng Phước, tất cả đạo sư, bổn tôn và Phật, Pháp, Tăng đều ngự trên Ruộng Phước. Khi quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện “Con quy y Phật; Con quy y Pháp, Con quy y Tăng”, quý vị nghĩ rằng Phật, Pháp, Tăng đều ngự trên Ruộng Phước. Cầu nguyện Tam Bảo sẽ mang lại cho quý vị sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống. Như tôi đã từng nói, cuộc sống chứa đựng nhiều khó khăn, nhưng điều quan trọng nhất là nếu chúng ta có sức mạnh tinh thần thì mỗi khi đối diện nghịch cảnh, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Khi đánh mất sức mạnh tinh thần, chúng ta không thể đối mặt và vượt qua bất cứ khó khăn nhỏ bé nào.

Khi quy y, quý vị không cần nghĩ rằng mình phải quy y vào buổi sáng hay buổi tối. Bất cứ khi nào quý vị cảm thấy khó khăn trong cuộc sống, mỗi lúc cảm thấy căng thẳng hay đau khổ, những lúc như vậy quý vị có thể quán tưởng Ruộng Phước và tụng bài quy y, làm như vậy sẽ mang đến cho quý vị sức mạnh để vượt qua khổ đau, nghịch cảnh và căng thẳng. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta tạo nên sự liên kết tâm linh với Ruộng Phước. Khi mối liên hệ tâm linh giữa quý vị và Ruộng Phước mạnh hơn thì quý vị sẽ nhận gia trì từ Ruộng Phước dễ dàng hơn. Như tôi đã từng nói, khi quán tưởng Ruộng Phước và tụng bài cầu nguyện, quý vị quán tưởng có ánh sáng đến từ Ruộng Phước. Tôi nghĩ tất cả quý vị đều đã biết. Nếu có ai chưa biết thì hãy hỏi người phiên dịch [Rinpoche cười]. Điều quan trọng nhất là cho dù quý vị cầu nguyện bất cứ điều gì, hãy cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh chứ không chỉ cho riêng mình. Quý vị phải nghĩ đến lợi lạc của hết thảy chúng sinh khi cầu nguyện quy y, như vậy quý vị sẽ tích tập nhiều công đức hơn. Mỗi khi tụng bài quy y, quý vị phải nghĩ mình đang cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh đều vượt qua được tất cả chướng ngại. Khoảng 700-800 năm về trước, có một vị thầy vĩ đại tên là Chakawa. Lúc sắp qua đời, Ngài nói rằng ước nguyện của Ngài vẫn chưa được thành tựu. Mọi người đều ngạc nhiên và hỏi,  “Uớc nguyện của Ngài là gì? Ngài đã thực hành Pháp suốt cuộc đời, vậy thì còn ước nguyện nào của Ngài chưa được viên thành?” Ngài Chakawa trả lời các đệ tử, “Ước nguyện của ta là được sinh vào địa ngục, nhưng giờ đây mọi dấu hiệu đều cho thấy ta sẽ sinh vào cõi Tịnh Độ của chư Phật, ta sẽ không thể sinh vào địa ngục.” Khi một người nghĩ đến lợi lạc của chúng sinh, muốn giúp đỡ chúng sinh, việc sinh nào địa ngục không có gì khó khăn cả. Bậc thầy Chakawa đã có ước nguyện được sinh vào địa ngục để giúp đỡ chúng sinh nơi đó. Khi quý vị khởi tâm nghĩ đến lợi lạc của chúng sinh thì dù có sinh vào địa ngục, điều đó thật sự không có gì khó. Nếu quý vị suy nghĩ quá nhiều cho bản thân mình thì cho dù có được sinh lên cõi trời, quý vị cũng không có hạnh phúc. Khi quy y thì quý vị phải cầu nguyện xua tan mọi chướng ngại của chúng sinh. Khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị quán tưởng có hào quang màu vàng, màu đỏ và màu trắng tỏa ra từ Ruộng Phước. Quý vị quán tưởng hào quang vàng cho mục đích tăng trưởng một điều gì đó, hào quang đỏ cho mục đích tăng thêm năng lực, và hào quang trắng cho mục đích chung chung. Đôi khi, đặc biệt là khi quán tưởng hào quang đỏ hòa tan vào cơ thể qua luân xa đỉnh đầu, quý vị có thể cảm nhận hơi nóng. Khi cảm nhận hơi nóng của ánh sáng, đó là điều bình thường, không sao cả. Người Việt Nam khi hành thiền và có một vài kinh nghiệm thì quý vị phản ứng giống như là mình đã đắc Phật quả vậy [Rinpoche cười]. Khi quý vị hành thiền và cảm nhận hơi nóng hay những thứ tương tự, đó là điều bình thường. Quý vị không nên cảm thấy mình đã đạt được một điều gì đó đặc biệt. Khi định lực tăng trưởng và có thể tập trung tốt hơn, quý vị có thể nhận gia trì nhiều hơn. Điều quan trọng khi quán tưởng Ruộng Phước để nhận gia trì đó là quý vị phải quán tưởng hào quang thâm nhập vào cơ thể mình qua luân xa đỉnh đầu, cổ họng và tim; đó là ba luân xa chính của cơ thể.

Hôm nay tôi sẽ dừng ở đây.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 20/11/2014.