28-04-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 28 - Ngày 28/04/2013

3 điểm chính yếu khi quán niệm thân vô thường:

- chết là điều chắc chắn

- thời điểm chết thì bất định

- khi chết chỉ có Pháp mới giúp ích

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải ­

Tuần thứ 28

Như Thị Thất, ngày 28 tháng 04 năm 2013

 

Có ba lý do chính, hay ba điểm mà chúng ta phải suy niệm về tính vô thường của bản thân. Trong buổi giảng trước tôi đã nói về tính vô thường của những đối tượng khác, như tính vô thường của nỗi khổ, tính vô thường của những khó khăn, nhờ đó chúng ta có hy vọng và sức mạnh tinh thần. Hôm nay tôi sẽ nói về tính chất vô thường của bản thân và phương pháp thiền quán về điểm này. Khi nghĩ về vô thường, quý vị phải nghĩ về tính vô thường của bản thân.

Khi bắt đầu thực hành về tính vô thường của bản thân, quý vị phải suy ngẫm về ba lý do, phải nghĩ về ba điểm. Đầu tiên, chúng ta phải nghĩ rằng chết là điều chắc chắn, một ngày nào đó ta sẽ ra đi. Chết là điều chắc chắn, chúng ta phải nghĩ như vậy, và ta không thể thoát khỏi cái chết. Khi biết rằng thọ mạng của mình có giới hạn, quý vị sẽ quản lý thời gian của mình một cách đúng đắn. Khi không nghĩ về cái chết, quý vị sẽ không quản lý thời gian một cách đúng đắn. Giống như khi quý vị đến một đất nước nào đó, nếu visa chỉ có hiệu lực trong mười ngày thì quý vị sẽ sử dụng khoảng thời gian đó rất hợp lý. Cũng như vậy, nếu nghĩ về cái chết thì chúng ta sẽ sử dụng thời gian mình còn sống một cách đúng đắn. Đó là lý do vì sao chúng ta phải nghĩ rằng chết là điều chắc chắn, một ngày nào đó chúng ta sẽ chết.

Đến đây, vấn đề thứ hai được đặt ra là trước khi chết chúng ta cần làm gì? Khi không nghĩ về cái chết, quý vị sẽ không tự hỏi mình cần làm gì trước khi chết. Vì vậy, tôi luôn nhắc quý vị những điều cần phải làm trước khi chết. Chúng ta cần hai kế hoạch: kế hoạch A và kế hoạch B. Dù tin hay không thì chắc chắn chúng ta vẫn phải chết.

Có một câu chuyện. Có một vị lạt ma là bạn rất thân với thần chết. Vị lạt ma nói với thần chết rằng, “Khi tôi sắp chết, ông hãy báo cho tôi biết, khi đó tôi sẽ thực hành Pháp. Hiện tại tôi quá bận nên không thể thực hành Pháp.” Thần chết trả lời, “Được thôi, tôi sẽ nhắc ông.” Sau đó, thần chết và vị lạt ma này trò chuyện với nhau khá nhiều. Một ngày nọ, thần chết nói với vị lạt ma rằng vài người trong thành phố đã chết, vài người trong thôn làng cũng đã chết. Thần chết kể cho vị lạt ma nghe khá nhiều câu chuyện tương tự. Thần chết luôn báo cho vị lạt ma biết mỗi khi có người trong đất nước hay gần nơi vị lạt ma ở vừa qua đời. Một ngày nọ, thần chết nói với lạt ma, “Ông sẽ chết vào tối nay.” Khi đó vị lạt ma vô cùng tức giận và nói với thần chết, “Chúng ta là bạn thân. Tôi đã nhờ ông hãy báo cho tôi biết trước khi tôi chết để tôi thực hành Pháp. Nhưng ông đã đợi đến giờ chót mới thông báo với tôi. Tôi không còn đủ thời gian để thực hành Pháp nữa. Ông đã không giữ đúng lời hứa.” Thần chết đáp, “Tôi đã báo cho ông nhiều lần, nhưng ông không quan tâm đến lời của tôi. Tôi đã nói có người trong làng đã chết. Tôi cũng đã nói có người trong thành phố đã chết. Lúc đó tôi đã gián tiếp gửi rất nhiều thông điệp đến ông, nhưng ông không hề quan tâm đến thông điệp của tôi.” Cũng như vậy, khi cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta cũng đang nhận được rất nhiều thông điệp. Thông điệp đó chính là một ngày kia chúng ta cũng sẽ chết như họ. Chính vì vậy, chúng ta hiện đang nhận được rất nhiều thông điệp rằng một ngày kia mình sẽ ra đi.

Chúng ta cần suy niệm rằng một ngày nào đó mình sẽ chết. Trước khi chết, chúng ta cần làm gì? Như tôi đã nói với quý vị, chúng ta cần hai điều: kế hoạch A và kế hoạch B. Tôi nghĩ tất cả quý vị đều đã biết kế hoạch A và kế hoạch B là gì. Kế hoạch A, như tôi đã nói, chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, vì vậy hãy sống thật hạnh phúc và an lạc. Kế hoạch B, chúng ta phải thực hành Pháp để có tái sinh tốt đẹp vào đời sau. Chúng ta cần thực hiện cả hai kế hoạch này. Do đó, hiện tại khi chưa chết, chúng ta phải sống, sống an lạc, sống hạnh phúc và sống đúng đắn. Điều này rất quan trọng.

Vậy sau khi chết thì sao? Tất cả mọi người đều phải đối diện cái chết, còn sau cái chết thì như thế nào? Chúng ta phải thực hành Phật pháp để có tái sinh tốt đẹp trong đời vị lai. Như tôi đã nói với quý vị lần trước, không ai có thể đảm bảo 100% rằng không có kiếp tương lai, cũng không ai có thể đảm bảo 100% rằng có kiếp tương lai. Tỷ lệ là 50–50 và việc dự phòng rất quan trọng. Chúng ta đã có được thân người rất quý báu, nhưng thân người quý báu này không trường tồn. Chúng ta phải hiểu điều này. Một ngày kia chúng ta sẽ chết, ta phải chấp nhận. Tôi đã nói rất nhiều lần, trước khi chết quý vị phải có một cuộc sống tốt đẹp. Đây là điều quan trọng nhất. Cuộc sống tốt khởi nguồn từ hành vi đúng đắn. Hành vi đúng đắn bắt đầu từ tư duy đúng đắn. Tư duy đúng đắn chỉ đến khi quý vị biết và học Phật pháp. Đức Phật luôn dạy về ba điểm: văn, tư và tu. Ngài luôn dạy chúng ta cần phải học giáo pháp, sau đó tư duy và thấu hiểu, và đưa giáo pháp vào thực hành. Khi học thì quý vị sẽ hiểu Pháp. Khi hiểu Pháp thì quý vị sẽ biết cách tư duy đúng đắn. Khi biết cách tư duy đúng đắn thì hành động của quý vị cũng sẽ đúng đắn. Khi hành động đúng đắn thì cuộc sống của quý vị trở nên tốt đẹp. Vì vậy, điểm đầu tiên quý vị phải suy niệm khi thực hành về vô thường đó là chúng ta đang tiến dần đến cái chết. Chúng ta đang tiến đến cái chết. Tốt thôi, ta sẽ chết! Trước khi chết, chúng ta sẽ sống hạnh phúc, ta sẽ sống an lạc, và sẽ thực hành Pháp để có tái sinh tốt đẹp hơn.

Điểm thứ hai khi suy niệm về vô thường đó là quý vị phải nghĩ rằng giờ chết thì bất định. Chúng ta không biết khi nào mình chết, vì vậy chúng ta phải suy tư về sự bất định của giờ chết. Có vài lý do để chúng ta suy nghĩ như vậy. Ngay khi chúng ta không biết mình còn sống trong bao nhiêu ngày, có thể chỉ còn một ngày, có thể còn hai ngày, chúng ta vẫn phải sống một cách đúng đắn. Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ. Có ba tên tù nhân sẽ bị hành hình vào ngày hôm sau. Nếu giam ba tên tử tù này trong cùng một buồng giam thì có lý do nào để họ tranh đấu với nhau trong khi tất cả đều sẽ bị hành quyết vào ngày mai? Khi tất cả sẽ bị tử hình vào ngày hôm sau thì việc chống đối nhau có lợi ích gì? Quý vị nghĩ như thế nào? Khi họ sắp bị hành hình vào ngày mai thì tranh đấu lẫn nhau cũng không có lợi ích gì. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta không thể biết mình sẽ sống trong bao lâu, vậy thì thù ghét lẫn nhau và khiến cho cuộc sống của mình bất hạnh để làm gì? Đâu là lợi ích của những việc làm đó? Vì vậy chúng ta phải biết rằng giờ chết của mình thì bất định. Chúng ta không biết khi nào mình chết.

Như trong ví dụ vừa rồi, khi giam ba tên tử tù trong cùng buồng giam thì việc đánh nhau cũng không có lợi ích gì. Họ đều biết mình sẽ bị xử tử vào ngày mai. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta không biết mình còn sống bao lâu trên cõi đời này, do đó tranh đấu chống lại nhau, nổi giận và lớn tiếng với nhau cũng không hề có lợi ích gì. Điểm cần tư duy là chúng ta không biết mình sẽ sống bao lâu trên cõi đời này. Chúng ta cần suy niệm rằng chết là điều chắc chắn, nhưng giờ chết lại bất định; ta không biết khi nào mình chết. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta phải cảm thấy biết ơn khi mình chưa chết. Nếu suy nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc trong từng khoảnh khắc mình còn sống.

Con người có nhiều lối suy nghĩ khác nhau. Một số người luôn phàn nàn về điều gì đó. Họ luôn suy nghĩ tiêu cực và luôn phàn nàn về cuộc sống của mình. Tâm họ không an lạc; họ không cảm nhận được niềm an lạc khi luôn than phiền về điều gì đó. Họ luôn suy nghĩ tiêu cực nên không thể an lạc. Nếu suy nghĩ tích cực hơn thì chúng ta càng an vui. Vì vậy, nếu nghĩ rằng hôm nay mình được ân phước, mình còn sống và vẫn chưa chết, thì chúng ta đang suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tích cực hay tiêu cực là quyền lựa chọn của quý vị. Chúng ta có hai sự lựa chọn, suy nghĩ tích cực hoặc suy nghĩ tiêu cực. Càng suy nghĩ tiêu cực thì chúng ta càng không có niềm an lạc. Càng suy nghĩ tích cực thì chúng ta càng cảm nhận được hạnh phúc và bình an. Tất cả đều trong tầm tay của quý vị. Vì vậy, Đức Phật có một danh hiệu là Chánh Đẳng Chánh Giác (Samyaksambuddha). “Buddha” có nghĩa là tỉnh thức. “Samyaksambuddha” có nghĩa là người đã tỉnh thức hoàn toàn và đúng đắn. Đó chính là trạng thái thật sự của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. “Samyak” nghĩa là tỉnh thức hoàn toàn và đúng đắn, mang ý nghĩa rất mạnh mẽ. Chúng ta không suy nghĩ đúng đắn và cũng không tỉnh thức đúng đắn. Chúng ta luôn tư duy sai lầm nên tâm mình luôn cảm thấy bất an. Đức Phật luôn luôn suy nghĩ hoàn toàn đúng đắn. Điều này rất quan trọng. Chúng ta phải thay đổi đường lối tư duy của mình. Do đó, tỉnh thức hoàn toàn và đúng đắn chính là Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật luôn suy nghĩ hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta phải suy nghĩ đúng đắn như vậy. Suy nghĩ đúng đắn nghĩa là suy nghĩ tích cực. Đây là từ rất quan trọng và mang ý nghĩa rất sâu sắc.

Vào thời Đức Phật tại thế có một người đến thử thách Ngài. Người đó đã nhổ vào mặt Phật. Đức Phật vẫn rất bình thản và mỉm cười ngay cả khi người đó nhổ vào mặt Ngài. Người đó đã không thể tin rằng Ngài vẫn có thể giữ bình tĩnh và mỉm cười. Tối hôm đó người đàn ông này không thể chợp mắt khi nhớ về những gì ông đã làm với Đức Phật và phản ứng của Ngài. Quý vị có thể thấy cách Đức Phật suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Thông thường khi ai đó nhổ vào mặt mình, chúng ta không thể suy nghĩ theo cách của Đức Phật. Hoàn toàn khác biệt! Hôm sau, người đó đến chỗ của Phật để xin Ngài tha thứ. Khi đó Đức Phật đã nói với ông ta, “Làm sao ta có thể tha thứ cho ông, bởi ngay từ đầu ta đã không hề nổi giận khi ông nhổ vào mặt ta?” Đức Phật đã nói rằng, “Nếu ông muốn xin lỗi thì hãy đến xin lỗi thầy thị giả và các đệ tử của ta. Họ sẽ cảm thấy vui lòng vì trước đó họ đã nổi giận. Bây giờ nếu ông xin lỗi họ thì họ sẽ hoan hỷ.” Đây chính cách đạo Phật luôn dạy chúng ta tư duy. Chính vì vậy, khi có thể thay đổi đường lối tư duy một ít, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt lớn trong cuộc sống của mình.

Thông thường, khi con người muốn vui vẻ hay hạnh phúc, họ tìm bạn bè để tán gẫu hoặc tổ chức tiệc tùng. Nếu không dự tiệc hoặc trò chuyện với bạn bè, họ sẽ cảm thấy không vui, bởi vì họ không biết tự chế tác hạnh phúc. Đó là một lý do chủ yếu. Đối với họ, khi nghĩ đến thời gian tốt đẹp hay tận hưởng niềm vui, họ cho rằng phải uống rượu hoặc cùng nhau dự tiệc, hay những điều tương tự. Đây không phải là sự thay đổi trong đường lối tư duy. Họ không biết đến việc thay đổi cách suy nghĩ của bản thân.

Vì vậy, khi tư duy về điểm thứ hai––giờ chết thì bất định, chúng ta không biết khi nào mình chết, quý vị phải biết rằng mình vẫn còn sống, quý vị phải cảm thấy hạnh phúc vì mình chưa chết. Đây là điểm thứ hai quý vị cần tư duy. Giờ chết thì bất định và quý vị không thể biết khi nào nó ập đến. Sau đó, quý vị sẽ thấy từng khoảnh khắc của cuộc đời này vô cùng quý báu. Quý vị sẽ cảm thấy thậm chí khi mình chỉ còn một phút để sống thì cũng thật quý báu. Vì vậy, tôi luôn nói rằng khi còn sống, quý vị hãy sống thật đúng đắn, an lạc và hạnh phúc. Cách lãng phí thời gian tệ hại nhất chính là chìm đắm trong phiền muộn. Khi cảm thấy không vui, buồn phiền, căng thẳng, tức giận, ghen tị, quý vị đang lãng phí thời gian một cách tệ hại nhất. Quý vị thật sự đang phí phạm rất nhiều thời gian mỗi lúc cảm thấy không vui, giận dữ hay ghen tị. Vì vậy, điểm thứ hai này là điều quan trọng nhất. Khi tư duy về điểm thứ hai này, quý vị sẽ hoan hỷ khi hiện tại mình vẫn còn sống và cảm thấy từng khoảnh khắc của sự sống là một ân phước. Quý vị rõ không?

Khi quý vị tham dự lớp học ngôn ngữ, như tôi đã nói, tôi sẽ cho quý vị làm bài thi. Sau khi thi xong quý vị sẽ cảm thấy rất vui. Trong lớp học Phật pháp, chúng ta có một bài tự kiểm tra. Sau khi học Pháp, khi thực hành Pháp quý vị sẽ trở thành một người tốt hơn. Nếu học Pháp mà quý vị cảm thấy mình vui hơn, trở thành người tốt hơn, điều đó có nghĩa quý vị đã vượt qua kỳ thi. Nhưng nếu sau khi học, quý vị ngày càng sân giận, ganh tị, ngạo mạn thì quý vị đã thi trượt. Bản thân quý vị sẽ biết rõ mình đậu hay trượt. Đối với lớp học ngôn ngữ, tôi sẽ chấm bài và biết quý vị có đậu hay không. Nhưng với lớp học Phật pháp, chính quý vị là người hiểu rõ nhất mình có đậu hay không. Đó chính là thực hành Phật pháp. Khi thực hành Pháp, quý vị nên trở thành một người tốt hơn, có ít suy nghĩ tiêu cực hơn. Nếu đã thực hành Pháp mà quý vị vẫn còn ác niệm, sân hận, ganh tị, ngạo mạn, điều này có nghĩa là quý vị đã thực hành sai một chỗ nào đó.

Đến đây thì quý vị phải tư duy về hai điểm: chết là điều chắc chắn và chúng ta không biết khi nào nó ập đến. Bây giờ quý vị hãy suy niệm về hai điểm này đối với người khác. Khi nhìn người khác quý vị phải nghĩ rằng tất cả họ đều sẽ chết, nhưng quý vị không biết khi nào họ sẽ chết. Khi áp dụng hai điểm này để nghĩ về những người khác, quý vị sẽ phát khởi lòng bi mẫn đối với họ. Đó là lý do vì sao quý vị phải nhớ đến hai điểm này khi nhìn những người khác. Khi quý vị nổi giận với ai đó, hãy nghĩ rằng một ngày nọ người đó cũng sẽ ra đi. Khi nào người đó chết? Không có gì chắc chắn. Khi nghĩ về hai điểm này, thay vì nổi giận, quý vị sẽ bi mẫn hơn đối với họ. Quý vị phải suy nghĩ về hai điểm này.

Bây giờ đến điểm thứ ba, khi cái chết ập tới, chỉ Pháp mới giúp được quý vị. Sau khi chết, chỉ Pháp mới giúp ích. Thực hành Pháp không chỉ mang lại lợi lạc cho đời này mà còn hữu ích sau khi chết. Có một câu nói, “Sau khi chết, chúng ta sẽ thật sự mang theo hai thứ và bỏ lại hai thứ.” Nghĩa là, sau khi chết chúng ta sẽ mang theo nghiệp lành và nghiệp dữ. Chúng ta sẽ bỏ lại hai thứ: tiếng tốt và tiếng xấu. Do đó, chỉ Pháp mới giúp ích sau khi quý vị chết. Đây là điểm thứ ba quý vị cần tư duy khi suy niệm về tính vô thường của bản thân.

Đến đây tôi đã nói qua ba điểm về tính chất vô thường của bản thân. Đầu tiên, quý vị phải nghĩ chết là điều chắc chắn. Thứ hai, quý vị phải tư duy về sự bất định của giờ chết. Thứ ba, chỉ Pháp mới có thể giúp quý vị sau khi chết. Đây là ba điểm quý vị cần tư duy. Quý vị hiểu không? Quý vị cũng phải tư duy về ba điểm này khi nghĩ về người khác.

Đây là ba điểm quý vị cần tư duy khi thực hành về tính vô thường của bản thân. Khi thực hành Pháp thì có nhiều cách để tư duy. Do đó bất cứ khi nào có thời gian, quý vị có thể chọn ra bất kỳ cách nào để thực hành, miễn là nó phù hợp và thuận tiện cho quý vị. Mục đích chính của việc thực hành Pháp là để thay đổi đường lối tư duy. Nếu muốn thay đổi đường lối tư duy thì quý vị phải luyện tâm. Nếu muốn luyện tâm thì quý vị phải biết phương pháp luyện tâm. Khi đã biết phương pháp luyện tâm, quý vị phải học tất cả các pháp thực hành luyện tâm. Để thay đổi tâm tính thì cách tốt nhất là thực hành luyện tâm. Sau khi luyện tâm thì quý vị thay đổi được cách tư duy của mình. Khi tư duy được thay đổi thì hạnh phúc và an lạc sẽ trong tầm tay quý vị. Đó là lý do vì sao Pháp là để luyện tâm. Khi luyện tâm đúng đắn, quý vị sẽ không làm bất kỳ hành vi tiêu cực nào. Khi không hành động tiêu cực, quý vị sẽ được tái sinh làm người hoặc vào những cảnh giới tốt hơn.

Vô thường là một trong những điểm trọng yếu. Vì vậy, trong thời khắc cuối cùng trước khi nhập diệt, Đức Phật đã dạy về vô thường. Khi đó Ngài đã dạy rằng ngay chính Phật cũng vô thường, Ngài đã sống và Ngài cũng sẽ nhập diệt. Đó chính là vô thường.

Như tôi đã nói trước đây, nghĩ về vô thường mang đến cho chúng ta rất nhiều sức mạnh tinh thần. Quý vị có thể thấy trong cuộc sống của chúng ta, bằng hữu trở thành kẻ thù và kẻ thù trở thành bằng hữu, vì vô thường. Trong cuộc đời mình, tôi đã gặp rất nhiều người. Ở lần đầu tiên tôi gặp, họ đã đến cùng nhau và là bằng hữu tốt của nhau. Nhưng sau vài năm, khi gặp lại, họ nói với tôi rằng họ không còn là bạn bè nữa. Vô thường là như vậy, ngay cả kẻ thù cũng có thể trở thành bằng hữu, do đó kẻ thù không vĩnh viễn là kẻ thù. Vì vậy, nếu quý vị có kẻ thù hoặc những người mà quý vị không thích, hãy cố gắng biến họ trở thành bằng hữu. Chắc chắn chúng ta làm được, vì vô thường.

Vài trăm năm trước, một đại học giả người Ấn Độ không theo Phật giáo đã nói một câu. Tôi rất thích câu nói này của ông ta. Ông ta nói rằng, “Nếu muốn chiếm được trái tim của mọi người, quý vị chỉ cần làm một việc rất nhỏ: đừng nói xấu người khác!” Vì vậy, khi quý vị muốn giành được tình cảm của người khác, quý vị đừng nói xấu về ai cả. Nguyên nhân chính khiến bạn bè trở thành kẻ thù là do chúng ta không kiểm soát được lời nói của mình. Quý vị cũng đã biết có bốn hành vi bất thiện của lời nói. Khi nghĩ mình là một người thực hành Pháp, quý vị hãy cố gắng giảm thiểu việc tạo nghiệp bất thiện. Nếu quý vị không thể từ bỏ tất cả thì ít nhất cũng phải cố gắng kiểm soát chúng. Đây là điều rất quan trọng.

Như tôi đã nói, Đức Phật đã giảng về vô thường trong lần thuyết Pháp cuối cùng của Ngài. Đây là vấn đề rất quan trọng, vô thường cho chúng ta thấy rất nhiều điều. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta luôn nghĩ mọi thứ đều thường hằng, tất cả đều không thay đổi, và một khi thấy chúng biến hoại thì ta cảm thấy rất khó chấp nhận. Vì vậy, như tôi đã từng nói, cuộc sống hàng ngày tồn tại những khó khăn, khi chúng ta thấy được tính vô thường của nghịch cảnh thì ta sẽ có hy vọng. Chúng có thể thay đổi. Khi nghĩ rằng nghịch cảnh sẽ thay đổi thì chúng ta sẽ có hy vọng. Khi có hy vọng, ta có tất cả.

Như vậy có ba điểm về vô thường. Quý vị hãy tư duy về ba điểm tôi đã nói hôm nay. Quý vị cũng có thể đọc ba điểm này trong quyển Giải thoát trong lòng tay.

Tất cả pháp hành cần phải được hành trì mỗi ngày, bất cứ khi nào quý vị có thời giờ, và quý vị sẽ thấy được những thay đổi trong cuộc sống của mình. Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ. Đây là câu chuyện có thật. Cách đây khá lâu tôi đã gặp một cậu bé ở tu viện, tôi nghĩ cậu không theo một tôn giáo nào cả. Sau đó tôi đã nói chuyện với cậu và cho cậu một số phương pháp thực hành Phật giáo. Khoảng một hay hai ngày thì cậu rời đi. Hai tháng sau cậu bé ấy quay lại tu viện. Sáng hôm ấy, cậu đã nói với tôi rằng buổi tối ở tu viện cậu ngủ không ngon vì có rất nhiều muỗi. Tuy nhiên cậu đã không giết những con muỗi mà chỉ bắt chúng và ném chúng đi. Cậu bé nói rằng trước khi đến với đạo Phật cậu đã từng giết muỗi. Dù hiện tại không có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng ít nhất cậu đã cố gắng không giết muỗi. Thực hành giáo pháp chân chính thật sự phải như vậy, phải có sự thay đổi. Ngay cả đôi lúc quý vị không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải giết muỗi, quý vị cần cầu nguyện cho chúng. Phải có một chút khác biệt. Hãy cầu nguyện cho những con côn trùng mà quý vị phải giết và tịnh hóa những ác nghiệp quý vị vừa tạo. Đó là việc quý vị cần làm. Phải có sự thay đổi khi thực hành Pháp. Điều này rất quan trọng.

Bây giờ chúng ta sẽ cầu nguyện cho những người vừa qua đời và những người đang bệnh, trong khoảng mười phút. Tôi nghĩ tất cả quý vị đều biết cách cầu nguyện. Quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước và chúng ta cùng cầu nguyện.

Hẹn gặp lại quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 01/11/2014