Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 43 - Ngày 27/10/2013
- Nhân quả và nghiệp
- Nghiệp chứng tỏ có tăng trưởng lớn
- Nếu không tạo nghiệp thì không phải kinh nghiệm kết quả tương ứng
- Nghiệp đã được tạo không tự nhiên biến mất
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 43
Như Thị Thất, ngày 27 tháng 10 năm 2013
Hôm nay chúng ta nói về nhân quả. Lần trước tôi nghĩ chúng ta đã nói vài điểm về nhân quả. Bây giờ chúng ta sẽ nói về 4 khía cạnh của nhân quả: Cách nghiệp được ấn định; Nghiệp chứng tỏ có tăng trưởng lớn; Người nào không tạo nghiệp thì không phải kinh nghiệm kết quả tương ứng; Nghiệp đã được tạo không tự nhiên biến mất. Đây là 4 điểm được nói đến trong Giải thoát trong lòng tay.
Lần trước tôi đã nói nghiệp được ấn định như thế nào. Hôm nay tôi sẽ nói về điểm thứ hai, nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ ra sao. Thông thường, khi người ta tạo ác nghiệp và nếu không tịnh hóa thì những nghiệp này sẽ tăng trưởng. Cả thiện nghiệp và ác nghiệp đều sẽ tăng trưởng chứ không riêng gì ác nghiệp. Một điều rất rõ ràng, nếu một người gây ác nghiệp nặng nề, nếu họ không tịnh hóa thì ngày qua ngày, nghiệp sẽ tăng trưởng từ từ. Giải thoát trong lòng tay nói rõ nghiệp tăng trưởng như thế nào bằng ví dụ về một hạt giống nhỏ. Khi gieo một hạt giống, khi nó phát triển sẽ nảy nở ra hàng ngàn quả táo, chỉ từ một hạt giống nhỏ.
Một điều nữa mà quý vị phải hiểu đó là có hai loại nghiệp: nghiệp cố định (fixed karma) và nghiệp bất định (unfixed karma). Thông thường, mọi thứ đều là kết quả của nghiệp; tuy nhiên đôi khi có những câu hỏi nảy sinh: Nếu mọi thứ là kết quả của nghiệp thì cớ gì chúng ta phải làm việc tốt nữa? Chuyện gì xảy đến thì chúng sẽ đến; chuyện gì không đến thì sẽ không đến. Mọi thứ được ấn định bởi nghiệp, chúng ta có thể làm được gì? Chúng ta giống những người vô vọng. Mọi thứ đã được ấn định bởi nghiệp thì chúng ta có thể làm được gì đây?
Chúng ta phải nhìn sâu hơn nữa vào nghiệp và kết quả của nghiệp. Có hai loại nghiệp: nghiệp cố định và nghiệp bất định. Đối với nghiệp cố định, hệ quả của nó là không thể tránh khỏi, chúng ta buộc phải đối mặt. Tuy nhiên, hệ quả của nghiệp bất định thì chúng ta có thể thay đổi rất nhiều. Khi một người nhìn đến tương lai, chúng rất bất định. Nếu nhìn vào tương lai của chúng ta, có rất nhiều điều không chắc chắn, và vài thứ trong số đó được cố định mà ta không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn, chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ.
Nếu nhìn vào nghiệp, chẳng hạn như hạt giống táo, khi quý vị gieo hạt xuống đất nhưng lại không tưới nước, hạt giống chẳng thể nào phát triển. Nghiệp cố định giống như vậy, chúng ta không thể tránh khỏi nó, chúng ta phải nhận lãnh kết quả. Ví dụ, chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, có rất nhiều khả năng mở. Sáu mươi phần trăm không cố định, có lẽ chỉ khoảng 40% là cố định. Hơn 60% chưa được cố định, và chúng nằm trong tay chúng ta. Có một câu chuyện về cuộc đời ngài Long Thọ. Ngài Long Thọ được tiên đoán rằng sẽ chết vào năm 7 tuổi, tuy nhiên nếu ngài xuất gia thì sẽ không chết vào năm 7 tuổi. Ngài Long Thọ đã xuất gia và đã không chết lúc 7 tuổi. Cũng giống như vậy, có rất nhiều nghiệp chúng ta có thể thay đổi. Hiện tại, khi tịnh hóa ác hạnh, quý vị đang tạo thiện hạnh có thể thay đổi ác nghiệp của mình, cũng giống như chúng ta không tưới nước cho hạt giống ác nghiệp vậy.
Vấn đề thứ hai là mọi việc có phải là kết quả của nghiệp hay không; ở đây có một câu hỏi nảy sinh. Bây giờ quý vị phải nhìn vào hai loại nghiệp: nghiệp của đời hiện tại và nghiệp của đời quá khứ. Đôi khi vấn đề này rất phức tạp. Khi nhìn vào cơ thể chúng ta, thậm chí nếu chúng ta tập thể dục rất tốt và ăn uống hợp lý thì cũng có lúc chúng ta mắc những chứng bệnh mà y học không thể giải thích. Thậm chí trong cuộc đời tôi, nhiều năm về trước tôi mắc bệnh dạ dày. Bác sĩ nói rằng tôi ăn uống không đủ dinh dưỡng, nhưng tôi nói là tôi ăn uống đầy đủ. Rồi bác sĩ nghi ngờ tôi bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với người khác, tôi nói cũng không phải như vậy. Tôi phải uống thuốc và giờ đây tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Ý của tôi là, giống như chứng bệnh đó, y học không giải thích được vì sao tôi lại mắc bệnh. Đó chính là nghiệp của đời trước. Chúng ta có hai loại nghiệp: nghiệp của đời hiện tại và nghiệp của đời quá khứ. Nhiều lúc chúng ta phải tìm hiểu ra lẽ. Có nhiều chuyện không phải là kết quả của nghiệp đời trước, mà do trong đời này chúng ta làm nhiều điều sai trái; đó không phải là kết quả của nghiệp đời trước. Mặt khác, chúng ta có thể thấy rõ có nhiều chuyện xảy ra mà không thể giải thích được, ngoài dự tính của chúng ta, đôi lúc đó là kết quả của nghiệp đời trước.
Như tôi đã từng nói, nghiệp chính là hành động. Mọi hành động đều có phản ứng ngược trở lại. Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu vì sao chúng ta lại thực hiện các hành động, tạo nghiệp như vậy. Có khi chúng ta hành thiện hạnh, những lúc khác chúng ta tạo ác hạnh. Lý do chính là chúng ta nghĩ đến “bản ngã,” bởi “tôi” và “của tôi.” Hai tư tưởng này là động cơ gây ra thiện hạnh và ác hạnh. Đôi khi, suy nghĩ về “tôi” và “của tôi”, chúng ta gây ra nhiều ác nghiệp. Những lúc khác, chúng ta lại làm thiện hạnh khi suy nghĩ về “tôi” và “của tôi.” Nhiều ác nghiệp chúng ta đã tạo từ trước dẫn đến hệ quả là ta phải đối diện với những hoàn cảnh không như ý. Như tôi đã từng nói, có hai loại nghiệp: nghiệp cố định và nghiệp bất định, một loại là nghiệp từ đời quá khứ và một loại là nghiệp của đời hiện tại.
Giải thoát trong lòng tay nói về điểm thứ ba: Người nào không tạo nghiệp thì không phải kinh nghiệm kết quả tương ứng [điểm này trong Giải thoát trong lòng tay bản Việt ngữ được phiên dịch là Bất cứ gì ta gặp đều do ta đã tạo nghiệp tương ứng]. Chúng ta phải làm rõ những điều kỳ lạ trong cuộc sống, bởi có lúc thậm chí một người bị tai nạn nghiêm trọng nhưng họ vẫn sống sót. Đôi khi, người ta lại qua đời bởi những sự cố nhỏ. Chúng ta phải tìm hiểu vì sao lại như vậy. Tôi từng gặp một người, ông ấy có một vết nứt trên bàn chân. Ông ấy nói với tôi là ông bị rơi từ trên giường xuống trong lúc đang ngủ nên bị gẫy chân [Rinpoche cười]. Điều đó thật lạ! Một vài người ngã từ một hoặc hai tầng lầu xuống đất mà vẫn không bị tai nạn hay chấn thương gì, nhưng người đàn ông đó chỉ ngã từ trên giường xuống mà đã bị gẫy chân. Nhiều việc như vậy diễn ra trong thực tế, và đó là kết quả của nghiệp. Người nào không tạo nghiệp thì không phải gặp những chuyện như vậy. Chính vì vậy, kinh sách nói rằng người nào không tạo nghiệp thì không phải kinh nghiệm kết quả tương ứng.
Khi chúng ta gặp điều gì tồi tệ, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tạo nghiệp nào đó trong đời quá khứ hoặc đời hiện tại. Đây là điểm chung chung; tuy nhiên thực tế thì đôi khi rất khó để nhìn ra đâu là điều tốt và đâu là điều xấu. Đôi khi chúng ta thấy một hoàn cảnh rất xấu, nhưng nó lại có thể tốt. Chúng ta nhìn nhận chúng là hoàn cảnh bất thuận, nhưng thực tế thì đó có thể là thuận duyên. Khá khó để chúng ta xác định đâu là thuận lợi và đâu là bất thuận.
Tôi nghĩ quý vị đều nhớ một câu chuyện tôi đã kể. Lúc đó, tôi đi đến một ngôi làng, ở đó có người cúng dường cho tôi một con ngựa trắng ở Mông Cổ. Chúng tôi hẹn nhau ở làng đó vào khoảng 1-2 giờ chiều, có người nói với tôi là họ sẽ cúng dường cho tôi một con ngựa trắng. Buổi sáng, khi tôi đang trên đường đến ngôi làng đó thì xe hư. Chúng tôi đi hai xe, xe của học trò tôi bị hư. Chúng tôi mất 3-4 giờ để sửa xe và mất 4-5 giờ để đến ngôi làng. Vào ngày hôm đó, họ bị mất con ngựa và chỉ tìm ra được con ngựa khoảng 10-15 phút ngay trước khi tôi đến nơi [Rinpoche cười]. Chúng tôi đến đó và thấy con ngựa, và tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng họ chỉ vừa tìm ra con ngựa khoảng 10-15 phút trước khi tôi đến. Theo lịch trình thì chúng tôi phải đến nơi lúc 1-2 giờ trưa. Nếu chúng tôi đến ngôi làng lúc 1-2 giờ thì sẽ không thể thấy con ngựa. Xe bị hư vào buổi sáng, vì phải sửa xe nên chúng tôi đến ngôi làng rất muộn. Khi xe bị hư vào buổi sáng thì vài đệ tử của tôi không vui vì chúng tôi không thể tuân theo lịch trình. Tuy nhiên, thực tế xe hư lại là một điều tốt. Đệ tử của tôi cảm thấy đó là một hoàn cảnh bất thuận, nhưng thực tế xe hư vào buổi sáng lại là điều rất tốt. Nếu xe không hư thì chúng tôi đã không thể nào thấy con ngựa [Rinpoche cười].
Trong cuộc sống của chúng ta, có nhiều điều mà chúng ta nhìn nhận là xấu, nhưng thực tế chúng không xấu đến vậy. Khi chúng ta nhìn nhận chúng tồi tệ và bất thuận, chúng ta sẽ cảm thấy không vui. Thậm chí chúng có thể xấu, không thuận lợi, nhưng nếu không nhìn nhận chúng bất thuận thì chúng ta sẽ không cảm thấy căng thẳng. Trong cuộc đời tôi, có nhiều chuyện xảy ra không như tôi mong muốn; tuy nhiên, bất cứ chuyện gì xảy ra tôi đều cảm thấy rất tốt [Rinpoche cười].
Hai kế hoạch du hành của tôi trong năm nay là đến Mông Cổ trước rồi đến Đài Loan sau. Kế hoạch là vậy, nhưng khoảng 4-5 tháng trước ngày khởi hành thì chúng tôi phải thay đổi kế hoạch bởi một vài vấn đề nhỏ. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đến Đài Loan trước rồi mới đến Mông Cổ. Chúng tôi phải thay đổi. Ban đầu tôi cảm thấy buồn một chút vì thời tiết ở Mông Cổ sẽ rất lạnh. Tôi đã cảm thấy căng thẳng ở vài thời điểm. Rồi tôi nghĩ có lẽ có một nguyên nhân nào đó, và quá sớm để kết luận điều gì. Tôi cảm thấy như vậy. Lúc đó, tôi không còn cảm thấy căng thẳng vì phải thay đổi lịch trình so với trước đây. Bây giờ thì tôi nghĩ đó là một chuyện rất tốt. Nếu tôi không đổi lịch trình, nếu tôi đến Mông Cổ trước và đến Đài Loan sau, tôi nghĩ tôi đã không thể nhận được huân chương ở Mông Cổ, một cái huân chương vàng. Nếu đến Mông Cổ trước thì có lẽ tôi đã không nhận được huân chương đó [Rinpoche cười].
Chúng ta đã tạo nhiều ác nghiệp trong các đời quá khứ, vì vậy trong đời này, có rất nhiều tình huống bất thuận xảy đến. Nhìn nhận những hoàn cảnh bất thuận này ra sao tùy thuộc vào quý vị. Khi chúng ta nhìn nhận theo một hướng khác, những hoàn cảnh bất thuận đầy áp lực này sẽ không thể khiến ta tổn thương. Điều này nằm trong tầm tay chúng ta. Khi nói về ác nghiệp, có rất nhiều hậu quả của ác nghiệp. Thế giới này có rất nhiều điều tồi tệ mà chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta bị đau khổ vì những điều tồi tệ, chúng ta có thể vượt qua những chuyện đó. Thay đổi đường lối tư duy của bản thân sẽ tạo nên khác biệt lớn trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta tạo nghiệp và phải đối diện với kết quả. Khi đối diện với kết quả, nó khiến chúng ta khổ đau đến mức nào tùy thuộc vào chúng ta, tùy vào thái độ và cách chúng ta tư duy.
Có một câu chuyện vào thời Đức Phật còn tại thế. Có một ông vua có nhiều vợ. Câu chuyện này là một ví dụ trong Giải thoát trong lòng tay. Cung điện của vua bị cháy, nhiều người vợ của vua chết, nhưng có một người hầu sống sót trong biến cố đó. Khi quý vị trải qua cùng một tai nạn, vài người bị thương, vài người không bị thương. Chúng ta phải tìm hiểu vì sao có người bị thương và có người không bị thương. Vài người đã không tạo nghiệp tương ứng với tai nạn đó. Vài người có thể bị tai nạn, nhưng thiện nghiệp hoặc cầu nguyện có thể cứu họ. Thậm chí họ có nghiệp phải gặp tai nạn, nhưng khi họ tạo nhiều thiện nghiệp khác thì những ác nghiệp không thể ảnh hưởng đến họ. Khi quý vị đã tạo nhiều thiện nghiệp, thực hành nhiều thiện đức, thậm chí khi gặp tai nạn quý vị cũng không bị thương nhờ thiện nghiệp mạnh mẽ. Câu chuyện này cho thấy rõ, đôi khi trong cuộc sống, nếu có nhiều ác nghiệp thì chúng ta sẽ đối mặt với nghịch cảnh. Tuy nhiên, khi có nhiều thiện nghiệp mạnh mẽ thì những hoàn cảnh bất thuận này không thể khiến ta đau khổ.
Điểm thứ tư là nghiệp đã được tạo không tự nhiên biến mất. Nghiệp không thể biến mất nhưng chúng ta có thể tịnh hóa chúng. Tất cả nghiệp, thiện nghiệp hay ác nghiệp, cả hai đều không biến mất, nhưng chúng ta có thể hủy hoại thậm chí cả thiện nghiệp và ác nghiệp. Khi đã tạo thiện nghiệp và chúng ta lại khởi sinh những ác niệm như thù hận, nóng giận…, những cảm xúc này sẽ hủy hoại thiện nghiệp. Khi chúng ta đã gây nhiều ác nghiệp, chúng ta có thể tịnh hóa chúng. Điểm quan trọng là chúng ta có thể tịnh hóa mọi ác nghiệp. Một khi ác nghiệp được giảm thiểu, bất cứ khi nào tạo thiện nghiệp, chúng ta sẽ nhận được kết quả của thiện hạnh ngay lập tức. Đôi khi chúng ta làm rất nhiều thiện nghiệp nhưng không thể nhận kết quả ngay lập tức vì chúng ta có ác nghiệp nặng nề. Ác nghiệp sẽ ngăn chặn thiện nghiệp trổ quả ngay tức thì. Nếu chúng ta gây ác nghiệp trầm trọng thì dù tạo nhiều thiện nghiệp, chúng ta cũng không thể nhận kết quả tức thì, vì ác nghiệp đã ngăn chặn kết quả của thiện nghiệp chín muồi ngay lập tức.
Điều quan trọng nhất chúng ta phải tìm hiểu đó là thiện nghiệp và ác nghiệp có công năng riêng của chúng. Khi chúng ta có quá nhiều ác nghiệp, chúng sẽ hủy hoại thiện nghiệp, và ngược lại. Đây là cơ chế vận hành chung của nghiệp. Khi chúng ta hiểu biết 100% về hệ thống nghiệp, nhân quả, chúng ta sẽ thành Phật. Hiện tại, rất khó để hiểu nhân quả 100%. Nói chung, khi nhìn vào 4 điểm này của nghiệp, chúng ta có thể thấy nghiệp vận hành như thế nào, công năng và bản chất của nghiệp. Tôi sẽ nói với quý vị một điều. Về tâm lý học, khi nghĩ về nhân quả thì nó sẽ giúp quý vị rất nhiều. Khi có điều gì tồi tệ xảy đến cho bản thân, tâm chúng ta sẽ nghĩ “tại sao, tại sao,” có quá nhiều nghi vấn tại sao: Tại sao nó xảy ra? Tại sao nó xảy đến với tôi? Khi có quá nhiều thắc mắc như vậy, những câu hỏi đó sẽ làm tổn thương quý vị nặng nề. Tuy nhiên, khi việc tốt xảy đến thì quý vị lại chẳng bao giờ hỏi “tại sao?” Nếu quý vị trúng số 100 ngàn đô-la thì quý vị sẽ chẳng bao giờ nghĩ “Tại sao tôi được trúng số?”
Điểm quan trọng là khi việc xấu xảy ra, khi câu hỏi “tại sao” nảy sinh, nếu quý vị nghĩ rằng đó là kết quả của nghiệp thì điều đó sẽ mang lại sự thỏa mãn tâm lý. Khi điều tốt xảy đến và quý vị hỏi “Tại sao nó đến với tôi?”, quý vị sẽ cảm thấy vui sướng hơn, quý vị sẽ cảm thấy mình may mắn. Khi có chuyện tồi tệ xảy ra trong cuộc sống, theo lẽ tự nhiên chúng ta thường nghĩ tại sao nó lại xảy ra với chúng ta như vậy. Khi quý vị nghĩ đó là kết quả của nghiệp, điều đó sẽ mang lại sự xoa dịu tâm lý, bởi nếu không nghĩ như vậy thì tâm lý của quý vị sẽ càng căng thẳng. Khi nghĩ rằng chúng là kết quả của nghiệp, về mặt tâm lý quý vị sẽ được xoa dịu. Nếu không nghĩ như vậy thì khi nghịch cảnh đến, quý vị cứ hỏi đi hỏi lại “tại sao nó xảy đến với tôi, tại sao không phải là người khác,” nhiều câu hỏi sẽ đến trong tâm ta.
Tôi đã gặp nhiều người đau khổ và căng thẳng, phần nhiều trong số họ đều có cùng câu hỏi “Tại sao nó lại xảy đến với tôi?” Bởi họ không tìm được lời giải đáp cho câu hỏi này, nên nó cứ nảy sinh trở lại nhiều lần, khiến họ thêm căng thẳng và khó khăn. Khi tin vào nhân quả, nghiệp và nghiệp quả, chúng ta sẽ có điểm tựa tinh thần khi phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Thêm vào đó, khi chúng ta bắt đầu giảm thiểu ác nghiệp, thiện nghiệp sẽ đến trong chúng ta nhiều hơn. Khi chúng ta có nhiều thiện nghiệp hơn, cuộc sống của chúng ta sẽ dễ dàng và tốt đẹp hơn.
Phần tiếp theo nói thế nào là thiện nghiệp và thế nào là ác nghiệp. Chủ yếu có 10 ác nghiệp. Chúng ta phải hiểu rõ thế nào là ác nghiệp. Giải thoát trong lòng tay nói về 10 ác nghiệp. Khi chúng ta không thể giảm thiểu ác nghiệp, thiện nghiệp của chúng ta không thể tăng trưởng. Tịnh hóa mọi ác nghiệp là điều dễ; nhưng, một lần nữa, chúng ta không nên phạm ác nghiệp. Để tránh phạm ác nghiệp, trước hết chúng ta phải hiểu ác nghiệp là gì. Chính vì vậy, điểm này nói về 10 ác nghiệp.
Muốn từ bỏ ác nghiệp, quý vị phải hiểu về 10 ác nghiệp. Nếu có thể giảm thiểu và từ bỏ chúng, quý vị có thể tích tập rất nhiều thiện nghiệp. Chính vì vậy, pháp hành tốt nhất là giảm thiểu 10 ác nghiệp. Nếu từ bỏ được thì rất tốt; nếu không thì ít nhất hãy cố gắng giảm thiểu chúng. Đây là pháp hành tốt nhất trong mọi pháp hành.
Quý vị có thể thấy trong Giải thoát trong lòng tay, ác nghiệp thứ nhất là sát sinh. Sát sinh rất dễ hiểu, tôi nghĩ tất cả quý vị đều biết. Chúng ta có 3 ác nghiệp của thân, 4 ác nghiệp của lời nói, và 3 ác nghiệp của tâm ý. Điểm quan trọng là chúng ta phải hiểu về 10 ác nghiệp trước, rồi mới có thể giảm thiểu chúng.
Trong 10 ác nghiệp, sát sinh là ác nghiệp đầu tiên. Ai cũng có thể hiểu sát sinh nghĩa là gì. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải hiểu ác nghiệp của hành vi sát sinh theo quan điểm Phật giáo. Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta không nói đến sự giết hại vô ý, mà chúng ta nói đến hành vi giết hại với động cơ mãnh liệt. Quý vị có thể thấy Giải thoát trong lòng tay nói về 4 yếu tố của hành vi sát sinh: căn bản, ý định, hành vi, bước cuối cùng. Khi nói về việc tránh sát sinh, chúng ta không nói đến việc vô tình giết hại. Khi bị bệnh và phải uống thuốc, quý vị vô tình giết rất nhiều vi khuẩn. Điều đó không được xem là ác nghiệp, chúng ta gọi đó là vô tình giết hại. Chúng ta không có ý định và mong muốn giết vi khuẩn, chúng ta chỉ muốn uống thuốc để khỏi bệnh mà thôi. Có 4 điểm về hành vi sát sinh chúng ta cần phải hiểu khi nói về việc tránh sát sinh. Chúng ta đang nói đến trực tiếp giết hại, chúng ta không nói giết sát sinh gián tiếp. Khi uống thuốc, dược phẩm giết rất nhiều vi khuẩn, đó là sát sinh gián tiếp, bởi chúng ta không có ý định giết chúng. Ý định của chúng ta là uống thuốc để khỏi bệnh. Chúng ta không nói đến kiểu sát sinh đó.
Khi nói đến việc tránh sát sinh, chúng ta đang nói đến hành vi cố ý sát sinh. Nếu chúng ta cố ý giết một con bò, đó là ác nghiệp sát sinh, chúng ta phải tránh. Vào thời Đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ có một tôn giáo rất xem trọng tư tưởng bất bạo động. Họ rất đề cao việc tránh sát sinh, đôi chút cực đoan. Họ sẽ không di chuyển mà không che mặt. Nếu không che mặt thì khi nói chuyện sẽ làm chết rất nhiều vi khuẩn. Chính vì vậy họ luôn che mặt. Thậm chí trong các truyền thống ngoài Phật giáo, khi uống nước họ phải lọc nước. Nếu không lọc thì họ sẽ giết nhiều vi khuẩn trong nước. Họ quá cực đoan. Đức Phật dạy rằng như vậy quá cực đoan, chúng ta không nên làm theo. Khi trở thành tu sĩ trong các truyền thống đó, họ không cắt tóc mà lại nhổ tóc của quý vị [Rinpoche cười]. Tôi thấy mình thật may mắn vì đã không xuất gia trong các truyền thống đó, bởi nếu vậy thì họ sẽ nhổ tóc tôi [Rinpoche cười]. Họ theo một đường lối rất cực đoan như vậy. Thậm chí khi các tu sĩ đi bộ, họ sẽ không mang giầy hoặc dép. Rất cực đoan! Vài năm trước, một vị thầy thuộc truyền thống đó nói rằng, “Bây giờ chúng ta đã đến chỗ quá cực đoan. Chúng ta không dùng xe cộ để đi lại mà chỉ đi bộ; chính vì vậy, truyền thống tôn giáo của chúng ta không thể lan ra khắp Ấn Độ và nước ngoài. Chúng ta phải thay đổi hệ thống.” Bây giờ thì họ đang thay đổi hệ thống [Rinpoche cười]. Đức Phật đã dạy điều đó quá cực đoan. Chúng ta không cần phải làm theo như vậy. Có một điểm thú vị trong truyền thống đó. Tôi đã gặp vài vị thầy thuộc tôn giáo đó, rất lạ là họ ngôn ngữ họ dùng, tiếng Pali, rất tương đồng với ngôn ngữ của Đức Phật. Người khai sinh ra tôn giáo đó sinh ra cùng thời với Đức Phật, cả hai tôn giáo dùng chung ngôn ngữ. Khi Đức Phật nói về việc tránh sát sinh, Ngài chỉ rõ là tránh trực tiếp sát sinh.
Tôi nghĩ chúng ta dừng ở đây và sẽ tiến hành cầu nguyện.
[Cầu nguyện]
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 03/01/2015.