26-08-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 14 - Ngày 26/08/2012.

- hoan hỷ công đức (bước thứ tư trong Thất chi nguyện)

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

Tuần thứ 14

Như Thị Thất, ngày 26 tháng 08 năm 2012

 

Bây giờ có lẽ tôi bắt đầu từ phần Thất chi nguyện. Lần trước chúng ta dừng ở đâu? [Người dịch: Lần trước chúng ta dừng ở bước thứ ba, sám hối tội lỗi.] Chúng ta đã hoàn tất phần sám hối chưa? [Người dịch: Chúng ta đã hoàn tất.]

Bây giờ, bước thứ tư là hoan hỷ công đức, hoan hỷ công đức của bản thân và của người khác. Mỗi khi thấy người khác tích tập được công đức, quý vị hãy hoan hỷ việc tích tập công đức của họ. Thậm chí khi quý vị tích tập được công đức, hãy hoan hỷ công đức mà mình vừa tích tập. Khi hoan hỷ công đức nhiều lần thì quý vị sẽ có nhiều công đức hơn. Mỗi khi tích tập công đức, nếu suy nghĩ nhiều lần về công đức mà mình đã tích tập được, chúng ta sẽ thu được nhiều công đức hơn; công đức sẽ được nhân lên. Chính vì vậy, hoan hỷ công đức rất quan trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không bao giờ hoan hỷ công đức của chính mình vì một lý do rất đơn giản: Chúng ta chỉ nhìn vào thiện hạnh của người khác, chúng ta chỉ nhìn vào thành công của người khác mà chẳng bao giờ chịu nhìn vào những gì mình sở hữu hay đạt được. Chính vì vậy, khi nhìn vào cuộc đời của chính mình, quý vị chẳng bao giờ cảm thấy mình may mắn, mà chúng ta chỉ thấy người khác may mắn. Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta đau khổ nhiều hơn vì chúng ta luôn cảm thấy tất cả những người khác đều may mắn. Chúng ta nghĩ phần còn lại đều may mắn mà không bao giờ nghĩ bản thân mình cũng may mắn. Điều đó khiến chúng ta đau khổ hơn trong cuộc sống.

Nếu quý vị nhìn từ một phía thì mọi người đều may mắn. Nếu quý vị nhìn nhận từ quan điểm rằng chúng ta đã được sinh ra làm người thì tất cả chúng ta đều rất may mắn. Đôi khi quý vị cảm thấy bản thân mình kém may mắn, tuy nhiên hầu hết mọi người đều nghĩ giống như vậy. Thậm chí họ sở hữu nhiều thứ nhưng họ vẫn cảm thấy mình chẳng có gì. Chính vì vậy, mỗi khi quý vị làm được một thiện hạnh, hãy hoan hỷ và nhìn lại những thiện hạnh mà mình đã làm được. Hầu hết người ta chỉ nhìn lại trở ngại, nghịch cảnh của họ; họ chỉ nhớ về những hoàn cảnh như vậy và chúng khiến họ đau khổ hơn. Họ nhìn lại những điều lầm lỗi một cách không cần thiết, và chúng khiến họ đau khổ hơn.

Vì lý do đó, hoan hỷ là một trong những điểm rất quan trọng. Khi nhìn lại cuộc sống hàng ngày của mình, quý vị phải nhận ra được mình đã khiến bản thân đau khổ như thế nào. Khi tôi còn nhỏ, khoảng 8 hay 9 tuổi, tôi rất nghịch ngợm. Tôi không học hành nghiêm chỉnh mà lại thường ham chơi. Khi chơi thua, tôi rất buồn. Mỗi khi chơi đùa, lúc nào tôi cũng muốn thắng, thắng, thắng. Khi thua tôi rất buồn trong suốt vài ngày. Vài ngày sau, khi nghĩ lại việc mình đã thua, tôi thấy rất buồn. Sau đó khá lâu, tôi dần trưởng thành và thực hành Phật pháp, khi tôi chơi thua và nhìn thấy hạnh phúc của người thắng, tôi lại cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn.

Dịp nọ, tôi đi từ Nepal đến Ấn Độ. Tôi nghĩ tôi đã kể cho quý vị câu chuyện tôi mất con dao Thụy Sĩ. Lúc đó, nhân viên hải quan kiểm tra hành lý và phát hiện con dao trong hành lý xách tay của tôi. Tôi không hề biết mẹ tôi đã bỏ con dao vào túi xách. Sau đó tôi hỏi nhân viên hải quan, “Làm thế nào để tôi có thể mang theo con dao? Xin anh hướng dẫn tôi.” Anh ta hướng dẫn tôi nhiều bước thủ tục để mang con dao theo; tôi phải xuống cầu thang và làm theo một vài luật lệ. Tôi cảm thấy chán nản với thủ tục dông dài đó nên tôi tặng anh nhân viên con dao và nói với anh đừng báo cáo lại sự việc. Anh ta rất sung sướng và khoe con dao với đồng nghiệp của mình. Sau đó, tôi gọi điện cho mẹ tôi và hỏi có phải mẹ tôi đã bỏ con dao vào túi xách hay không. Mẹ tôi nói chính bà đã bỏ con dao ấy vào. Tôi hỏi mẹ tôi con dao đó đáng giá bao nhiêu. Mẹ tôi nói con dao đó giá khoảng 50 đến 60 franc Thụy Sĩ. Tôi nhẩm tính và đổi số tiền đó sang đồng rúp Nepal; và nó đáng giá hơn một ngàn rúp Nepal. Khi đổi tiền và biết con dao đáng giá hơn một ngàn rúp, tôi rất buồn và tự hỏi tại sao mình lại tặng nó cho anh nhân viên kia. Tuy nhiên, chỉ khoảng mười giây sau, tôi đã suy nghĩ hoàn toàn khác. Tôi nghĩ lúc tôi tặng con dao cho anh nhân viên hải quan thì anh ta đã hạnh phúc biết mấy. Không chỉ vậy, anh ta sẽ kể với gia đình, vợ con của anh rằng có một nhà sư đã tặng anh một con dao Thụy Sĩ. Dù tôi không nghe được những lời đó, gia đình anh ta cũng chưa từng gặp tôi, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc. Khi nghĩ đến những điều đó, tôi rất hạnh phúc. Thậm chí hiện tại, khi nhớ lại sự việc, tôi vẫn còn cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, như tôi đã kể với quý vị, nếu bây giờ tôi có một con dao Thụy Sĩ thì tôi sẽ không tặng nó cho nhân viên hải quan nữa [Rinpoche cười].

Bất cứ biến cố nào xảy ra đều có hai cách để nhìn nhận chúng. Đồng xu nào cũng có hai mặt. Tương tự, hoan hỷ chính là nhìn vào mặt tích cực hơn; đó là pháp hành hoan hỷ. Mọi điều, mọi biến cố trong cuộc đời của chúng ta đều có hai mặt. Quý vị có thể nhìn vào cuộc đời tôi. Khi còn nhỏ, tôi chỉ nhìn vào mặt tiêu cực, tại sao tôi lại thua cuộc. Tôi đã nhìn về phía bản thân mình quá mức, và điều đó khiến tôi đau khổ. Sau này, khi tôi tặng con dao cho nhân viên hải quan, tôi đã nhìn vào hạnh phúc của người khác và điều đó làm tôi hạnh phúc. Do đó, hoan hỷ chính là nhìn vào mặt tích cực, pháp hành hoan hỷ dạy chúng ta nhìn vào điểm tích cực. Đây chính là cách chúng ta nên sống. Mọi biến cố trong cuộc đời của chúng ta đều có hai cách để nhìn nhận. Thực hành hoan hỷ dạy chúng ta cách nhìn vào mặt tích cực hơn của cuộc sống. Điều này rất quan trọng. Như tôi đã từng nói, quý vị có theo Phật giáo hay không; điều đó hoàn toàn không phải là vấn đề. Nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống mới chính là điều quan trọng nhất mà quý vị cần biết khi chúng ta sống trong cõi đời này.

Ở Tây Tạng, chúng tôi có một câu nói, “Khi no bụng và thoải mái, tôi trông giống một hành giả. Khi nghịch cảnh ập đến, tôi lại trở nên không có tín ngưỡng, không còn là một hành giả.” Điều đó rất đúng, và chúng ta đừng trở nên như vậy. Là những hành giả thực thụ, khi nghịch cảnh đến, khi khổ đau ập xuống cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải đối mặt với chúng tốt hơn nữa; như vậy thì quý vị mới thật sự là một hành giả đúng nghĩa. Cách chúng ta đương đầu với nghịch cảnh và khổ đau chính là thước đo sự hành trì của bản thân. Câu nói này rất nổi tiếng ở Tây Tạng.

Sau khi thực hành Phật pháp mà quý vị vẫn không thay đổi so với trước khi thực hành thì quý vị không phải là một hành giả tốt. Nếu thực hành Phật pháp mà càng chấp ngã, càng đố kị thì quý vị đã thất bại. Khi thực hành Phật pháp, nếu có thay đổi trong cuộc sống của quý vị, nếu quý vị an lạc hơn, nếu sân hận, đố kị… bắt đầu thuyên giảm thì quý vị thật sự là một hành giả thực thụ. Ở trường học, khi đi thi quý vị sẽ biết mình học có tốt hay không. Tương tự, khi nghịch cảnh, khổ đau và ác niệm xảy đến trong cuộc sống thì quý vị sẽ biết mình thực hành Phật pháp có đúng đắn hay không. Rõ? [Rinpoche hỏi “Rõ?” bằng tiếng Việt và Ngài cười] Học và hành trì Phật pháp phải mang đến thay đổi trong cuộc sống của quý vị. Nếu cuộc sống của quý vị không hề thay đổi thì quý vị đã thực hành Phật pháp không đúng, hoặc quý vị đã không hiểu đúng Phật pháp. Điều này rất quan trọng.

Tôi nghĩ tất cả quý vị đều nhớ câu chuyện về một thiền giả lớn tuổi hành thiền trong suốt chín năm. [Người dịch kể lại câu chuyện: Có một vị hành giả thực hành thiền định suốt chín năm trong động. Râu tóc của ông ta mọc rất dài và lũ chuột đã cắn râu tóc ông. Khi ra khỏi động, ông ta phát hiện tóc mình bị chuột cắn và ông tức giận hét lên, “Kẻ nào cắn tóc của ta?” Vì nổi giận nên ông ta đã đánh mất công phu thiền định trong suốt chín năm ròng.] Tôi không biết ông thiền giả đó có tồn tại hay không, và câu chuyện có thật hay không. Tuy nhiên, đừng trở nên như vậy! Quý vị không nên giống như vậy.

Thực hành hoan hỷ không chỉ giúp công đức được nhân lên mà đó còn là cách thực hành nhìn vào những điều tích cực. Mọi người luôn nói hãy nhìn vào mặt tích cực, nhưng họ không nói nhìn nhận như thế nào. Hoan hỷ chính là bước đầu tiên dạy chúng ta phát khởi suy nghĩ nhìn vào những điểm tích cực hơn. Từ ngày hôm nay quý vị hãy thực hành, được chứ? Hãy nhìn lại bản thân và nhìn vào những việc tốt mà quý vị đã làm cho người khác, không phải cho chính mình. Hãy nghĩ về những điều tốt đẹp quý vị đã làm cho cha mẹ, con cái, anh em… của mình. Khi quý vị đã làm việc tốt và nếu nhìn lại thì quý vị sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn về những gì mình đã làm. Tôi đang nói dựa vào kinh nghiệm của bản thân tôi.

Hãy nhìn vào lớp học skype của chúng ta. Có rất nhiều người giúp đỡ chúng ta duy trì lớp học. Rất nhiều người đã đóng góp cho lớp học. Nếu xem một trận bóng đá thì quý vị thường chỉ chú ý đến cầu thủ đang giữ bóng và cầu thủ ghi bàn mà thôi. Người ta không chú ý nhiều đến cầu thủ chuyền bóng cho người dứt điểm. Khi xem bóng đá, quý vị chỉ chú ý đến cầu thủ ghi bàn, nhưng chúng ta không biết rằng nhiều cầu thủ khác đã chuyền bóng cho người dứt điểm đó. Chúng ta cũng không quan tâm đến đóng góp của huấn luyện viên. Tôi luôn cảm thấy cầu thủ dứt điểm ghi bàn không phải là nhân vật chính của trận đấu. Nhân vật chính của trận bóng chính là những cầu thủ phía sau, người chuyền bóng, huấn luyện viên chỉ dẫn cách chơi; chính họ mới là nhân vật chính, không phải cầu thủ dứt điểm cuối cùng. Rõ? [Rinpoche hỏi “Rõ?” bằng tiếng Việt và Ngài cười.] Tương tự, trong lớp học skype này, tôi chỉ là người dứt điểm. Có rất nhiều người đã góp công và giúp đỡ lớp học. Tôi chỉ là người dứt điểm, không phải là nhân vật chính của trận đấu. Tôi chỉ là người dứt điểm ghi bàn mà thôi. Quý vị chỉ nhìn vào tôi và cho rằng tôi là nhân vật chính. Tôi không phải là nhân vật chính. Còn rất nhiều người khác đóng góp cho lớp skype này, giống như trận bóng đá vậy. Quý vị cũng có thể hoan hỷ sự đóng góp của rất nhiều người cho lớp skype này. Riêng tôi, tôi cảm ơn quý vị rất nhiều vì đã đóng góp cho lớp học skype. Tôi chỉ là người dứt điểm ghi bàn thôi, nhân tố chính ở phía sau, những người chuyền bóng cho tôi để tôi đưa bóng vào khung thành [Rinpoche cười]. Quý vị phải chuyền bóng cho tôi chính xác, được chứ? [Rinpoche cười] Trong một trận đấu thì tiền đạo chỉ có thể ghi bàn khi anh ta được chuyền bóng tốt. Do đó, quý vị hãy nhìn vào đóng góp của mọi người cho lớp học skype, và hoan hỷ những thiện hạnh mà họ đã làm.

Hôm nay, quý vị hãy nhìn lại bản thân, nhìn lại thiện hạnh quý vị đã làm cho người khác, cho cha mẹ, con cái, bạn bè của quý vị. Khi cảm thấy mình đã làm được nhiều điều tốt cho người khác, quý vị hãy hoan hỷ những điều tốt mình đã làm đó. Khi thấy mình chưa làm được gì tốt đẹp cho người khác, quý vị hãy tự hỏi mình có thể làm gì cho người khác. Pháp hành bồ tát cao cấp nhất chính là nghĩ đến việc làm lợi lạc cho người khác. Hôm nay, quý vị phải nhìn lại thiện hạnh mình đã làm, đồng thời quý vị cũng phải nhìn lại ác hạnh mình đã gây ra; quý vị đã gây đau khổ cho bao nhiêu người, đã bao nhiêu lần quý vị làm cho cha mẹ, con cái, anh em, bè bạn… của mình đau khổ một cách không cần thiết. Tôi nghĩ chúng ta đã làm người khác đau khổ rất nhiều lần. Đây là điểm rất quan trọng. Khi buồn bã và nghĩ về những điều xấu mình đã gây ra cho người khác, cho cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè… quý vị phải sám hối lỗi lầm mình đã gây ra. Ở tu viện, đôi lúc tôi la rầy một số đệ tử vì nghĩ rằng họ đã phạm lỗi. Sau đó, khi tôi phát hiện họ không hề có lỗi thì tôi phải sám hối trước chư Phật vì mình đã phạm sai lầm. Quý vị có hiểu ý tôi không? Dịp nọ, có một chú tiểu nhỏ. Chú ta không làm gì sai quấy nhưng tôi nghĩ chú đã phạm lỗi. Tôi đã mắng chú. Sau đó, khi tôi biết chú đã không làm gì sai trái, tôi đã xin chú ấy tha thứ cho tôi.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 02/10/2014.