
Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 46 - Ngày 24/11/2013
- Ba ác nghiệp của tâm ý: Tham, ác tâm, tà kiến
- Thọ giới và lời khuyên hành trì ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 46
Như Thị Thất, ngày 24 tháng 11 năm 2013
Trước hết, tôi gửi lời chào đặc biệt đến quý vị. Hôm nay là một ngày rất cát tường, là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca trở lại thế gian từ thiên giới. Khi Đức Phật 41 tuổi, Ngài đã đến cõi trời để thuyết Pháp vì lợi lạc của mẫu thân, bởi trước đó mẫu thân của Ngài đã tái sinh vào cõi trời. Đức Phật đã ở cõi trời suốt 3 tháng, và sau đó Ngài trở lại thế gian. Chính vì vậy hôm nay là một ngày đặc biệt. Sau buổi học, tôi sẽ tiến hành thời cầu nguyện ngắn.
Có một câu chuyện kể về việc Đức Phật đến cõi trời để ban rất nhiều giáo huấn. Nguyên nhân chính là Đức Phật muốn thuyết pháp cho mẫu thân của Ngài, người đã qua đời và tái sinh vào cõi trời. Phần lớn thời gian Đức Phật sống ở Ấn Độ, và có 3 tháng Ngài ở cõi trời. Chúng sinh ở cõi trời đã cảm thấy rất an lạc khi họ thấy Đức Phật. Một trong những đệ tử của Đức Phật đã thỉnh cầu Ngài trở lại thế gian, và Đức Phật đã chọn ngày hôm nay để giáng trần. Chính vì vậy, hôm nay được xem là ngày kỷ niệm Đức Phật giáng trần từ thiên giới.
Bây giờ chúng ta tiếp tục bài giảng của buổi trước. Chúng ta đang nói về những tham vọng sai lầm mà chúng ta cần từ bỏ. Có hai loại ham muốn: ham muốn chính đáng và ham muốn sai lầm. Ham muốn sai lầm là khi quý vị ước muốn những thứ thuộc sở hữu của người khác. Mong muốn chính đáng là khi quý vị ước muốn trở thành người tốt, hoặc ước một điều tốt đẹp. Quý vị nên có mong ước chính đáng, chứ không phải ham muốn sai lầm. Ham muốn sai lầm được xem là một ác hạnh. Ví dụ, khi quý vị mong muốn một thứ không quá độc hại, đôi khi quý vị không phân biệt được đâu là ước muốn chính đáng và đâu là ước muốn sai lầm. Khi đó sẽ có rất nhiều ham muốn sai lầm nảy sinh trong tâm quý vị. Trong nhà hàng, khi người khác đang ăn, quý vị nhìn vào các món ăn và khởi tâm muốn được ăn thức ăn của người khác, đó chính là ham muốn sai lầm. Tuy nhiên, nếu quý vị muốn được ăn món ăn giống với món người đó đang ăn, đó lại là mong muốn chính đáng. Chính vì vậy, chúng ta cần phân biệt mong ước chính đáng và sai lầm. Mong ước sai lầm là nguồn gốc của mọi khổ đau.
Ác hạnh thứ chín là ác tâm. Khi quý vị nghĩ đến việc làm người khác tổn thương, đó chính là ác tâm. Nói chung, con người khởi sinh ác tâm khi họ nổi giận. Tuy nhiên, có những người thậm chí có ác ý khi không nổi giận. Ví dụ, câu cá là một trò tiêu khiển, nhưng để câu cá thì quý vị phải giết con cá, hãm hại chúng, và do đó sinh khởi ác tâm. Quý vị có thể thấy người ta xem câu cá là một trò chơi, nhưng thực tế thì chúng ta đang hãm hại rất nhiều cá. Đôi khi trong lúc trò chuyện, chúng ta dùng nhiều lời lẽ thô ác, mỉa mai, chúng ta nói ra để làm người khác tổn thương; đó cũng chính là ác hạnh thứ chín. Thậm chí dù chỉ là lời nói đùa cợt để làm tổn thương người khác, điều đó cũng trở thành ác tâm. Chính vì vậy, quý vị phải rất thận trọng khi nói năng. Quý vị không cố ý làm người khác tổn thương, tuy nhiên có những lúc lời nói của quý vị, dù chỉ là lời nói đùa, cũng có thể khiến người khác tổn thương. Vì vậy quý vị phải rất cẩn thận. Đôi khi quý vị chỉ nói những điều chung chung, nhưng nó có thể khiến người khác tổn thương, nên quý vị phải cẩn thận với mọi lời lẽ. Một khi quý vị có ý định làm tổn thương người khác, đó chính là ác nghiệp thứ chín, dù quý vị chỉ nói đùa mà thôi. Khi lời nói của quý vị làm người khác tổn thương nhưng quý vị không cố ý thì đó không trở thành ác nghiệp. Nếu quý vị cố ý làm người khác tổn thương thì dù quý vị chỉ đùa giỡn, hành vi đó sẽ trở thành ác nghiệp.
Ác nghiệp thứ mười là tà kiến. Đây là ác nghiệp tệ hại nhất! Vì sao lại như vậy? Bởi nếu mang tà kiến thì quý vị sẽ phạm vào tất cả ác nghiệp. Bây giờ quý vị phải hiểu thế nào là tà kiến. Tà kiến có nghĩa là quý vị tin tưởng rằng không có kiếp sống quá khứ và không có kiếp sống tương lai, và khi quý vị tin rằng không có luật nhân quả. Một khi đã mang tà kiến thì quý vị sẽ phạm vào mọi ác hạnh. Điều quan trọng là phải có chánh kiến. Chỉ khi nào có chánh kiến thì quý vị mới có thể tiếp tục bước sang những thực hành khác. Để có chánh kiến thì quý vị phải hiểu biết nhiều hơn. Chỉ khi nào hiểu biết nhiều hơn thì quý vị mới có thể có chánh kiến. Nếu không hiểu thì quý vị không thể có chánh kiến. Để có chánh kiến vững chắc hơn, quý vị phải hiểu nhiều hơn. Để hiểu nhiều hơn, quý vị phải phân tích kỹ lưỡng hơn. Tà kiến được nhắc đến cuối cùng vì đó là ác nghiệp tồi tệ nhất. Trong 10 ác nghiệp, sát sinh được nhắc đến đầu tiên vì đó là ác nghiệp nặng nề nhất. Nếu ai mang tà kiến thì người đó sẽ bị cuốn vào những điều sai quấy. Trong cuộc sống, nói chung chúng ta có rất nhiều tư tưởng và quan điểm sai lầm vì chúng ta quá tin tưởng vào những gì mình nhìn thấy. Đôi lúc, chúng ta không thể đặt trọn niềm tin vào những gì mình thấy, và chúng ta cũng không thể hoàn hoàn tin những gì mình không thấy. Những gì chúng ta nhìn thấy, chúng không thật sự như vậy. Nhiều lúc chúng ta không thấy được bản chất thật sự của chúng. Lý do thứ hai dẫn đến tà kiến là chúng ta phán xét quá nhanh, quyết định quá vội vàng. Trong cuộc sống, chúng ta nhìn và đánh giá sự việc quá nhanh. Khi quá vội vàng đưa ra phán xét, chúng ta tạo nên nhiều tư tưởng và quan điểm sai lầm trong tâm.
Trong cuộc đời của Đức Phật, Ngài đã gặp một triết gia ngoại đạo, người luôn bắt lỗi giáo lý của Phật. Không chỉ bắt lỗi mà người đó còn dùng lời lẽ thô ác với Đức Phật. Vào thời điểm đó, Đức Phật đang dạy một tư tưởng rất mới và đi ngược lại với tư tưởng xa xưa của Ấn Độ. Vào thời xa xưa, ở Ấn Độ có nhiều tư tưởng ngoài Phật giáo rất lạ lùng, Đức Phật đã phủ nhận tất cả và lý giải vì sao chúng là những tư tưởng sai lầm. Chính vì vậy, một triết gia ngoại đạo đã gặp Phật, ông ấy không chỉ bắt lỗi giáo lý của Ngài mà còn dùng nhiều lời lẽ thô lỗ. Theo quan điểm của triết gia đó, Đức Phật đang mang nhiều tà kiến. Theo quan điểm Phật giáo, tôi nghĩ ông triết gia đó mới là người mang nhiều tà kiến. Khi tranh luận mới diễn ra, Đức Phật và vị triết gia đều chưa thể thuyết phục được người kia. Khi cuộc tranh luận đến chỗ cao trào, vị triết gia kia đã nổi giận và nhổ vào mặt Phật. Ngay lúc đó, Đức Phật vẫn giữ được thái độ bình tĩnh và mỉm cười. Vào thời đó, nhổ vào mặt người khác là một hành động phỉ báng nặng nề. Ngay lúc Đức Phật mỉm cười, rất nhiều triết gia ngoại đạo đã vô cùng kinh ngạc: vị triết gia kia thậm chí đã nhổ vào mặt Phật mà Ngài vẫn rất điềm tĩnh. Sau cuộc tranh luận, vị triết gia ngoại đạo đã không thể chợp mắt suốt đêm. Một lần nữa, ông ta đến gặp Phật để xin Ngài thứ lỗi cho những gì ông đã làm. Câu chuyện cho thấy, ông triết gia hành động lầm lạc vì mang tà kiến. Tà kiến là nguyên nhân đưa đến tà hạnh. Tà kiến đưa đến tà hạnh, và tà hạnh dẫn đến kết quả tồi tệ. Dù bị phỉ báng nhưng Đức Phật vẫn mỉm cười và rất bình tĩnh; đó chính là hành vi đúng đắn vì Đức Phật có chánh kiến, và kết quả là Ngài vẫn giữ được bình tĩnh và an lạc trong một hoàn cảnh như vậy.
Đến đây, tôi nghĩ quý vị đã học xong tất cả 10 ác nghiệp. Như tôi đã từng nói, quý vị phải nhìn lại chính mình, xem đối với ác nghiệp nào quý vị phải cẩn trọng? Để cải đổi bản thân nhằm trở thành một người tốt hơn, quý vị phải sửa đổi mọi khuyết điểm. Phần lớn những khuyết điểm của chúng ta đều liên quan đến ác nghiệp. Tôi nhớ có một sự việc, tôi nghĩ đã kể cho quý vị rồi. Vài năm trước có một cậu bé đến từ Bắc Ấn và cậu ta mới biết đến Phật giáo. Sau khi ở trong tu viện khoảng một hoặc hai tuần, cậu ta trở về. Vài tháng sau, cậu lại đến tu viện và gặp tôi. Tôi hỏi, “Cậu thế nào rồi?” Cậu ấy nói với tôi đêm qua cậu không thể ngủ ngon vì bị muỗi đốt. Cậu ấy nói cậu đã không giết con muỗi nào, và đó là lý do khiến cậu không thể ngủ [Rinpoche cười]. Đây chính là một dạng thực hành, ít nhất là cậu ấy có cố gắng thực hành. Cậu ấy nói với tôi là cậu cố gắng sửa đổi, và tôi có thể nhận ra thay đổi lớn. Trước kia khi chưa phải là một Phật tử, cậu ấy không có xúc cảm nào đối với động vật. Giờ đây, sau khi học Phật pháp, cậu ta đã có chút ít thương cảm và bi mẫn đối với các loài vật.
Từ phía quý vị, quý vị phải nhìn lại bản thân và cố gắng giảm thiểu mọi ác nghiệp. Có năm điểm chính quý vị cần giảm thiểu: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu. Như tôi đã nói, sau khi học xong 10 ác nghiệp, tôi sẽ ban giới cư sĩ cho quý vị. Sau khi thọ giới, quý vị phải cố gắng giảm thiểu năm hành vi này. Nếu quý vị có thể từ bỏ hoàn toàn một hoặc hai hành vi, điều đó rất tốt. Nếu không thể làm như vậy, ít nhất quý vị phải cố gắng giảm thiểu chúng. Ở Nepal, khi ban giới, tôi hỏi đại chúng sẽ từ bỏ uống rượu hay không, và tôi yêu cầu họ giơ tay. Có một cụ ông rất già, ông ấy lập tức giơ tay và nhìn thẳng về phía tôi. Nhiều người khác giơ tay mà không nhìn về phía tôi. Họ nhìn những người xung quanh rồi mới giơ tay. Tôi chắc rằng cụ ông đã giơ tay và nhìn thẳng về phía tôi sẽ giữ được giới nguyện. Những người còn lại sẽ chẳng bao giờ giữ giới. Họ nhìn người khác rồi mới giơ tay, bởi họ nghĩ những người khác giơ tay nên họ cũng nên làm theo [Rinpoche cười].
Có một lần khi tôi ban giới này, một phụ nữ người Trung Hoa nói với tôi cô ấy có thể bỏ rượu nhưng phải uống 2 ly rượu mỗi tuần, và cô muốn nhận giới không uống nhiều hơn 2 ly mỗi tuần. Như vậy cũng tốt. Nếu quý vị có thể từ bỏ uống rượu thì tốt. Nếu quý vị không thể làm như vậy thì ít nhất cũng phải cố gắng giảm thiểu sau khi đã nhận giới. Quý vị cũng phải giảm thiểu sát sinh. Trong năm giới, tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu quý vị có thể từ bỏ một hoặc hai hành vi. Nếu quý vị không thể từ bỏ tất cả năm hành vi, ít nhất quý vị có thể từ bỏ một hoặc hai. Đặc biệt, quý vị phải từ bỏ tà dâm, điều đó rất quan trọng.
Tôi đã nói rằng tôi muốn quý vị nhận giới sau khi học xong 10 ác nghiệp. Giới này được gọi là giới Ưu-bà-tắc và giới Ưu-bà-di [giới dành cho nam cư sĩ và nữ cư sĩ]. Sau khi thọ giới, quý vị phải thật sự chú tâm vào năm điểm, giảm thiểu sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Ít nhất quý vị có thể từ bỏ hai điều, như vậy sẽ rất tốt. Quý vị có thể phát nguyện từ bỏ một hoặc hai điều, hoặc quý vị có thể phát nguyện giảm thiểu chúng. Tôi nghĩ đặc biệt nhất là phải bỏ uống rượu, điều đó rất tốt cho sức khỏe. Đối với tu sĩ, thức ăn của chúng tôi không bổ dưỡng lắm, và chúng tôi tránh mọi loại thức ăn vô bổ. Chúng tôi không ăn bất cứ thứ gì có hại cho sức khỏe. Do đó, sức khỏe của chúng tôi được cải thiện không phải vì chúng tôi ăn thức ăn bổ dưỡng, mà bởi vì chúng tôi tránh dùng những món có hại cho sức khỏe như rượu, thuốc lá. Một dịp nọ, trong một nhà hàng ở Đài Loan, tôi thấy người ta đang ăn tôm hùm. Tôi nghĩ họ xem đó là một món ăn bổ dưỡng. Họ vừa ăn tôm hùm vừa uống rượu và hút thuốc [Rinpoche cười], như vậy là ăn món bổ dưỡng kèm với hai món độc hại như rượu và thuốc lá.
Hôm nay là một ngày rất đặc biệt, chính vì vậy tôi nghĩ đây là ngày tốt để nhận giới nguyện.
Quý vị có thể dùng rượu để chế biến thức ăn, không sao cả. Tôi nghĩ đó là phong cách Trung Hoa, tôi không biết vì sao họ phải cho rượu vào thức ăn. Quý vị cũng có thể nhận giới giảm uống rượu, như vậy cũng rất tốt. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu quý vị cố gắng từ bỏ hoàn toàn một trong năm hành vi. Từ bỏ một trong năm hành vi không phải là điều khó. Tu sĩ chúng tôi phải giữ 253 giới, và đó cũng không phải là vấn đề với chúng tôi [Rinpoche cười]. Khi tôi ở Đài Bắc, họ đưa tôi đến một buổi triển lãm rất nhiều vũ khí. Nói chung, tôi muốn đi xem tất cả các loại vũ khí, nhưng theo giới luật thì tu sĩ không được phép chạm vào vũ khí. Tôi đã đến Bảo tàng quốc gia Đài Bắc, nơi trưng bày nhiều loại súng khác nhau. Có một khẩu súng lớn cùng với một kính ngắm để ngắm mục tiêu, và họ trưng bày nhiều cỡ đạn khác nhau của khẩu súng. Tôi hỏi vài câu về khẩu súng đó; người giới thiệu về khẩu súng cầm khẩu súng lên và cố dúi vào tay tôi [Rinpoche cười]. Tôi không thể giải thích rằng tu sĩ không được phép cầm vũ khí, và tôi phải bước lùi lại. Tu sĩ có thể xem khẩu súng nhưng không được chạm vào nó. Chúng tôi có rất nhiều giới, 253 giới, nhưng chúng tôi vẫn có thể hành trì tất cả, không có vấn đề gì. Một trong năm ác hạnh chẳng là gì cả; điều đó tùy thuộc vào tâm quý vị. Nếu quý vị quyết tâm, điều đó không khó; nếu không quyết tâm thì lại rất khó [Rinpoche cười]. Trong năm điều này, nếu quý vị cố từ bỏ thì rất tốt. Nếu không thể từ bỏ thì tôi nghĩ quý vị có thể giảm thiểu chúng.
Tôi khuyên quý vị hãy chọn một trong năm ác hạnh để từ bỏ, điều đó không quá khó khăn, tùy thuộc vào tâm quý vị.
Nếu quý vị ăn chay, quý vị đến nhà hàng và gọi món ăn mặn cho người khác, điều đó không sao cả. Tôi nghĩ ở Việt Nam khó khăn một chút. Khi quý vị gọi món cá, tôi nghĩ họ sẽ giết con cá trong nồi, tôi nghĩ quý vị phải cẩn thận. Nếu quý vị gọi món ăn mặn và biết rằng người ta sẽ giết con thú trước mặt quý vị, đó là vấn đề quý vị phải cẩn trọng. Ở Ấn Độ, nếu gọi món ăn mặn, quý vị không phải lo lắng vì họ đều chế biến thịt của những con thú đã bị giết từ trước. Nếu quý vị không ăn chay thì cứ tận hưởng thức ăn mặn ở Ấn Độ mà chẳng cần lo lắng gì cả [Rinpoche cười].
HỎI – ĐÁP
Hỏi: Do không có phòng khác để ở, hai vợ chồng phải ở trong phòng có bàn thờ Phật, có tượng Phật và kinh Phật, điều đó có phải là tà dâm hay không?
Rinpoche: Nếu một cặp vợ chồng sống trong một căn phòng có bàn thờ Phật, đó không phải là hành vi tà dâm.
Hỏi: Khi biết rằng chúng ta gọi phải một món ăn có liên quan đến việc giết động vật, chúng ta phải làm thế nào?
Rinpoche: Nếu quý vị biết con thú sẽ bị giết ngay trong nồi, tốt nhất không gọi món ăn đó. Sau khi nhận giới, ít nhất quý vị phải cố giảm thiểu năm ác hạnh. Tốt nhất là cố gắng từ bỏ một trong năm điều.
Hỏi: Trong giới từ bỏ rượu có kể đến bia không?
Rinpoche: Giới không uống rượu bao gồm bia, vì trong bia có chất gây say. Khi bia có chất gây say thì nó trở thành rượu.
Hỏi: Nếu chúng ta đến dự tiệc, và có rất nhiều con thú bị giết để làm thức ăn trong bữa tiệc, chúng ta có nên ăn hay không?
Rinpoche: Khi quý vị đến dự tiệc và ăn thức ăn mặn, điều đó cũng không sao vì họ không giết con thú vì quý vị. Nếu có con thú bị giết để phục vụ chính quý vị, tốt nhất đừng ăn.
Hỏi: Trường hợp uống rượu vì sức khỏe thì như thế nào?
Rinpoche: Nếu quý vị nghĩ uống rượu vì sức khỏe, quý vị phải đặt ra giới hạn. Sau khi nhận giới, quý vị nên nghĩ, “Tôi sẽ chỉ uống ba ly mỗi tuần.” Quý vị phải đặt ra giới hạn.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 01/03/2015.