Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 24 - Ngày 24/03/2013
- 5 điều thuận lợi của kiếp người
- 3 khía cạnh khi suy niệm về lợi lạc của kiếp người: lợi lạc ngắn hạn, lợi lạc dài hạn và lợi lạc nhất thời
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 24
Như Thị Thất, ngày 24 tháng 03 năm 2013
Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về Giải thoát trong lòng tay, ngày thứ 9, sự quý báu của kiếp người. Quý vị có thể thấy Giải thoát trong lòng tay nói về 5 thuận lợi của thân người. Như tôi đã nói lần trước, chúng ta luôn quên rằng mình đang sở hữu những thứ vô cùng quý giá. Vì vậy, pháp hành Lamrim trước hết nhấn mạnh vào việc suy niệm về sự quý báu của thân người. Mỗi khi nghĩ rằng chúng ta đã được sinh ra làm người, điều đó dạy chúng ta phát khởi nhiều thiện niệm trong tâm. Quý vị có thể nghĩ “Đâu là điểm đặc biệt của việc sinh ra làm người?” Quý vị có thể thấy mọi thứ khác đều có thể được làm mới, nhưng thân người thì không thể nào được làm mới. Khi nhìn vào thẻ tín dụng thì quý vị sẽ thấy trên đó có ghi ngày hết hạn. Sau khi thẻ tín dụng hết hạn thì quý vị có thể làm gì? Quý vị có thể xin cấp lại thẻ mới, quý vị có thể gia hạn thẻ. Thậm chí thân người của chúng ta, cuộc sống của chúng ta cũng có ngày hết hạn, nhưng đến lúc đó chúng ta không thể nào gia hạn thêm nữa; nó không giống thẻ tín dụng [Rinpoche cười]. Quý vị có thể thấy thân người này không thể được làm mới. Thân người mà chúng ta có được rất quý giá. Chúng ta nói thân người quý báu vì nếu so với số lượng loài thú thì dân số loài người rất ít. Để được sinh ra làm người thì chúng ta cần rất nhiều thiện nghiệp. Điều đặc biệt nữa đó là não bộ con người. Nếu quý vị nhìn vào lịch sử thế giới, trải qua tiến tình tiến hóa của não bộ, con người đã tạo nên những điều vĩ đại cho thế giới. Khi đã được sinh ra làm người thì thân người rất quý báu. Chính vì vậy, trước hết chúng ta phải chăm sóc thân người này một cách đúng đắn. Điều này rất quan trọng. Những việc làm như uống rượu, hút thuốc và dùng chất gây nghiện rất tai hại đối với thân người. Tôi có nghe nói, nhưng không biết có thật hay không, là ở Trung Hoa, khi chào đón nhau thì họ tặng nhau thuốc lá để hút. Khi quý vị không làm như vậy thì bị xem là thiếu tôn trọng nhau [Rinpoche cười]. Tôi nghe nói về điều này ở vài vùng của Trung Hoa. Nó có thật hay không thì tôi không rõ. Tất cả những hành động đó thể hiện việc không nghĩ đến thân người quý báu. Một lần khi Đức Phật nói về sức khỏe, trước hết Ngài dạy phải chú ý đến thức ăn của quý vị. Tôi nghĩ lần trước tôi đã kể về một dịp nọ, tôi được mời đến nói chuyện tại một trung tâm cai nghiện. Khi tôi đến đó thì cảm thấy rất buồn. Những người ở đó không thể tập trung vào những gì tôi nói thậm chí chỉ trong 5 phút; rất khó khăn đối với họ. Rất buồn! Những sự việc như vậy xảy ra vì họ không suy nghĩ thấu đáo về thân người mà họ có được quý giá đến mức nào. Họ không nghĩ đến sự quý báu của cuộc sống, và thật sự phí phạm cuộc đời mình. Thật buồn!
Bây giờ quý vị có thể thấy pháp Lamrim trước hết nói rằng chúng ta phải luôn ý thức được mình đã có được kiếp người quý báu. Chúng ta phải tự nhắc nhở bản thân rằng mình đã được sinh ra làm người. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải vận dụng tâm thức và khối óc của mình mỗi khi phải đối mặt với vấn đề của mình. Khi có được kiếp người quý báu, chúng ta đạt được 5 điều thuận lợi.
Thứ nhất, chúng ta đã được sinh ra vào thời Đức Phật xuất hiện trong cõi giới. Chúng ta đã không ra đời trước khi Đức Phật xuất hiện, mà đã được sinh ra sau khi Ngài giáng trần. Nếu chúng ta sinh ra trước thời điểm Đức Phật tại thế thì chúng ta sẽ không thể nào biết đến Phật pháp. Chúng ta đã được sinh ra sau khi Đức Phật xuất hiện nên có thể biết đến Phật pháp và lời Phật dạy.
Thuận lợi thứ hai là chúng ta có cơ hội để học Pháp. Học Pháp nghĩa là quý vị học những kỹ năng sống. Trong một lớp dạy nấu ăn thì họ chỉ dẫn qua nhiều buổi học về cách chế biến thực phẩm. Bây giờ không chỉ có lớp dạy nấu ăn mà còn có lớp dạy bơi lội nữa. Những lớp học này đều dạy quý vị kỹ năng. Phật pháp dạy quý vị kỹ năng sống, dạy quý vị cách sống. Do đó, có được cơ hội học Pháp là điều thuận lợi thứ hai. Mỗi khi tôi giảng dạy ở nơi khác, tôi luôn nói rằng học Phật pháp không có nghĩa là quý vị buộc phải trở thành Phật tử. Là Phật tử hay không phải là Phật tử, đó là lựa chọn của quý vị. Học Pháp là học những kỹ năng và phương pháp để sống an lạc. Đây là điều thuận lợi thứ hai, chúng ta có được cơ hội học Pháp. Hàng triệu người khác không có được thời cơ này.
Thuận lợi thứ ba là giáo lý của Đức Phật vẫn còn hiện diện. Chúng ta đã được sinh vào thời giáo lý của Phật vẫn còn hiện diện. Đức Phật đã dạy rằng giáo lý của Ngài sẽ hiện diện trong 5000 năm. Phật giáo sẽ biến mất 5000 năm sau khi Phật nhập diệt. Dịp nọ, vào tháng Hai năm 2011 hoặc 2012, tôi không nhớ rõ, tôi nói chuyện tại một đường cao đẳng ở Đài Loan. Một sinh viên hỏi tôi năm 2012 có phải là năm tận thế hay không. Tôi nói rằng 100% không phải. Tôi nói Đức Phật đã dạy giáo pháp của Ngài tồn tại 5000 năm. Nếu 2012 là năm tận thế thì Phật pháp không thể tồn tại đến 5000 năm. Tôi có viết một quyển sách và đã được phiên dịch sang tiếng Trung Hoa. Quyển sách được phát hành khoảng tháng Sáu năm 2012, và trong sách đó, một vài người cũng đã hỏi tương tự. Tôi cũng trả lời giống như vậy. Tôi nói 2012 không phải là thời điểm tận thế. Điều thuận lợi thứ ba là chúng ta không chỉ được sinh ra làm người, mà con được sinh ra vào thời giáo lý của Đức Phật vẫn còn hiện diện trên thế gian. Dù quý vị có cơ hội để học Phật pháp nhưng nếu Phật pháp không còn hiện diện thì thời cơ của quý vị cũng vô nghĩa.
Điều thuận lợi thứ tư là chúng ta có bạn đồng hành cùng học Phật pháp. Khi quý vị không có bạn đồng hành cùng học Phật pháp thì quý vị sẽ gặp khó khăn. Nhiều đệ tử của tôi nói rằng họ gặp khó khăn vì họ theo Phật pháp nhưng phần còn lại của gia đình lại theo tôn giáo khác. Một trong những đệ tử của tôi là một tu sĩ người Hàn Quốc. Anh ấy nói với tôi là anh trai của anh theo đạo Cơ Đốc. Đôi khi ở nhà sẽ gặp đôi chút khó khăn vì khác tôn giáo. Anh ấy hỏi tôi phải làm gì. Tôi nói rằng, nếu anh thật sự hành trì Phật pháp thì anh phải thương yêu anh trai của mình hơn, tôn trọng anh ta hơn. Tôn giáo và tín ngưỡng là vấn đề thuộc về cá nhân mỗi người. Đây luôn là vấn đề cá nhân. Khi đối xử với người khác, chúng ta phải cư xử dựa trên căn bản giữa người với người. Con người ai cũng muốn hạnh phúc và không ai muốn đau khổ. Đó là bản chất tất cả chúng ta đều có. Tôn giáo và tín ngưỡng là vấn đề cá nhân, dù chúng ta theo tôn giáo nào, tin tưởng điều gì, chúng ta nên giữ bên trong. Tôi sẽ kể một chuyện. Ở nhà tôi, mỗi khi chúng tôi xem ti-vi thì đều cãi lộn [Rinpoche cười]. Mẹ tôi thích xem kênh khác, tôi thích xem kênh khác. Anh tôi và cha tôi thì luôn muốn xem kênh khác. Hồi tôi còn nhỏ, lúc nào cũng tranh cãi [Rinpoche cười]. Khi chúng ta sống trong cãi vã, tôi nghĩ nó sẽ khiến chúng ta đau khổ hơn. Điều đó rất đơn giản. Bởi đã được sinh ra làm người nên chúng ta có tiềm năng để giải quyết mọi vấn đề. Chúng ta có tiềm năng đó. Chúng ta có thể nhìn lại cuộc sống của mình, hầu như 90% vấn đề và khó khăn đều phát sinh vì chúng ta suy nghĩ quá nhiều cho bản thân.
Nhiều năm trước, cha mẹ tôi thường cãi nhau. Hầu hết những lần cãi nhau đều xuất phát từ những vấn đề rất nhỏ. Mẹ tôi nhiều lúc muốn bắt lỗi cha tôi nên mẹ tôi nói “Cái này không đúng! Cái này không đúng!” [Rinpoche cười] Cha tôi thì không chấp nhận bởi bản ngã. Thế là tôi nói với cha tôi mỗi lần mẹ tôi bắt lỗi thì đừng nói gì hết, chỉ nói “O-re, o-re” Trong tiếng Tây Tạng, “o-re” nghĩa là “Đúng vậy.” Chỉ cần nói như vậy thôi. Mỗi lần mẹ tôi bắt lỗi cha tôi, tôi nói với ông hãy cứ “Ồ, đúng vậy! Đúng vậy!” Tiếng Tây Tạng chúng tôi thường nói, “O-re, o-re, đúng rồi, đúng rồi.” Lúc đầu, cha tôi cảm thấy rất khó nói như vậy, vì ông bị bắt lỗi mà tôi còn ép ông nói “đúng rồi, đúng rồi” [Rinpoche cười] Sau đó thì cha tôi có thể nói khá hơn, thậm chí có khi mẹ tôi bắt lỗi điều gì đó thì ông nói “Đúng rồi, Đúng rồi.” Điều đó thật sự có ích. Những lần cãi vã giảm phân nửa. Trước kia, cha mẹ tôi cãi nhau bởi vì mỗi khi mẹ tôi bắt lỗi thì cha tôi chỉ cố chứng tỏ ông ấy đúng. Do đó, họ cãi nhau chỉ vì những chuyện nhỏ. Sau khi tôi buộc ông ấy nói “Đúng rồi, Đúng rồi.” thì phân nửa số lần cãi vã được giảm thiểu. Sau đó thì cha tôi không thèm lắng nghe cẩn thận lời mẹ tôi nói nữa, mà mỗi lần mẹ tôi nói bất cứ điều gì, ông chỉ nói “Đúng rồi, Đúng rồi.” [Đại chúng cười] Một lần nọ, mẹ tôi hỏi cha tôi muốn dùng trưa món gì, cha tôi không nghe mà cứ nói “Đúng rồi, Đúng rồi.” [Đại chúng cười] Tôi nghĩ những chuyện như vậy đều liên quan đến bản ngã. Trước kia, vì bản ngã thôi thúc là mình phải luôn đúng, cha tôi luôn cố chứng tỏ mình đúng. Về phần mẹ tôi thì bà cũng cố chứng tỏ mình đúng. Có lúc họ cãi nhau về những vấn đề rất nhỏ. Câu nói “Đúng rồi, Đúng rồi.” thật sự giảm thiểu một chút bản ngã nên những lần cãi vã cũng thuyên giảm. Điều đó rất hợp lý.
Chính vì vậy, chúng ta phải nghĩ gì về kiếp người quý báu này? Kiếp người rất quý giá, do đó trong từng khoảnh khắc chúng ta phải cố gắng sống tốt, sống đúng đắn và an lạc. Như tôi từng nói, bởi cuộc đời không thể được làm mới trở lại, một khi ngày mãn hạn tới thì nó sẽ chấm dứt. Trước khi ngày mãn hạn đến, chúng ta phải sống an lạc và đúng đắn. Chúng ta phải luôn nghĩ thân người này và kiếp người này vô cùng quý giá. Trong cuộc sống, chúng ta phải cố gắng hết sức làm càng nhiều việc tốt trong khả năng của bản thân.
Điều thuận lợi thứ năm là gì? Chắc quý vị đã đọc Giải thoát trong lòng tay hết rồi, hãy cho tôi biết [Rinpoche cười]. Có quý vị nào biết không? [Người dịch: Vài người nói thuận lợi thứ năm là có cơ hội gặp gỡ Đạo Sư.] Quý vị hãy đọc sách chứ đừng suy luận [Rinpoche cười] Nếu quý vị nói chúng ta có thời cơ để gặp Đạo Sư thì tôi cũng sẽ nói về cơ hội được ăn bánh ngô [Rinpoche nói “bánh ngô” bằng tiếng Việt và cười]. Ở Việt Nam, mì xào và bánh ngô là những món thật tuyệt [Rinpoche nói “mì xào” và “bánh ngô” bằng tiếng Việt]. Bây giờ, điểm thuận lợi thứ năm là chúng ta có lòng bi mẫn. Lòng bi mẫn là một trong những điều quan trọng nhất trong đời người.
Tôi sẽ cho một ví dụ đơn giản. Khi đi trên đường, nếu tìm được 100 đô-la thì quý vị sẽ vui, còn nếu mất 100 đô-la thì quý vị sẽ buồn. Cảm xúc nào tồn tại lâu hơn? Niềm vui hay nỗi buồn sẽ tồn tại lâu hơn? Tôi nghĩ nỗi buồn sẽ tồn tại lâu hơn. Nỗi buồn tồn tại lâu hơn, đâu là nguyên nhân chủ yếu? Nếu nhìn vào khía cạnh lý luận thì chúng phải như nhau. Số tiền có được và số tiền mất đi là như nhau, về mặt lý luận thì cảm xúc phải giống nhau. Nếu niềm vui kéo dài 5 phút thì nỗi buồn cũng phải kéo dài 5 phút. Nhưng thực tế thì chúng không giống nhau. Nỗi buồn sẽ kéo dài lâu hơn. Về mặt lý luận thì chúng giống nhau, nhưng thực tế thì chúng lại khác nhau, bởi vì niềm vui và nỗi buồn nảy sinh từ tâm ái ngã, vì quý vị cảm thấy “tôi được, tôi mất.” Khi quý vị nghĩ “tôi tìm được,” quý vị sẽ vui nhưng niềm vui đó ngắn hơn. Khi quý vị nghĩ “tôi mất 100 đô-la,” nỗi buồn sẽ dài hơn. Hai loại cảm xúc này, vui và buồn, xuất phát từ tâm ái ngã, nghĩ cho bản thân. Tuy nhiên, hạnh phúc xuất phát từ tâm bi mẫn sẽ tồn tại rất lâu. Ví dụ, tôi nghĩ quý vị còn nhớ một lần tôi đi từ Nepal đến Ấn Độ. Tôi không biết là mẹ tôi đã bỏ một con dao Thụy Sĩ vào túi xách của tôi. Tôi không biết. Khi tôi làm thủ tục ở phi trường, nhân viên hải quan nói rằng có một con dao trong túi xách của tôi. Tôi không được phép mang theo nó. Tôi hỏi anh ta tôi phải làm gì. Anh ta nói với tôi một thủ tục rất dài. Anh ta nói tôi phải xuống cầu thang, điền vào một số mẫu đơn, rất nhiều thủ tục. Tôi cảm thấy chán nản khi phải làm theo những thủ tục đó. Thế là tôi tặng con dao Thụy Sĩ cho anh nhân viên. Tôi nói anh đừng quên tôi. Khi tôi tặng con dao Thụy Sĩ cho anh nhân viên hải quan thì anh ta rất sung sướng. Sau đó, khi tôi vào máy bay, tôi gọi điện hỏi mẹ tôi con dao đó đáng giá bao nhiêu. Mẹ tôi nói con dao đó giá khoảng 10 franc Thụy Sĩ. Khi tôi tính thì nó rơi vào khoảng 2 ngàn rupee Nepal. Trong chốc lát, tôi cảm thấy tiếc nuối một chút vì đã tặng một món đồ giá trị như vậy cho người lạ. Tôi hoàn toàn không quen biết anh nhân viên hải quan kia. Nhưng bất chợt, tôi nghĩ đến việc anh ta đã sung sướng đến chừng nào. Tôi còn nhớ rõ gương mặt anh ta, cách anh ta cười. Khi tôi nghĩ đến việc anh ta sẽ mang con dao về nhà, khoe với vợ con của anh rằng anh được một nhà sư tặng con dao Thụy Sĩ, dù tôi và anh ta hoàn toàn không quen biết. Có thể con của anh ấy cũng cảm kích tôi dù chúng không hề biết tôi. Khi tôi nghĩ đến cảnh tượng đó thì tôi rất hạnh phúc. Hiện tại khi nhớ lại thời điểm ấy tôi vẫn còn cảm thấy rất hạnh phúc. Bây giờ đã 5 hoặc 6 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ đến sự việc đó tôi vẫn rất hạnh phúc. Tôi vẫn nhớ nụ cười của anh nhân viên hải quan khi tôi tặng anh ta con dao. Tôi rất hạnh phúc. Bởi hạnh phúc này xuất phát từ lòng bi mẫn, nó tồn tại rất lâu.
Tôi vẫn còn nhớ một sự việc hồi năm 2004. Ở Bắc Ấn, tại một hiệu thuốc, có một người đàn ông lớn tuổi đến mua thuốc. Ông ấy nói với tôi ông vừa được kê toa. Tôi nghĩ ông ta bị đau dạ dày rất nặng. Khi giao thuốc, họ nói với ông giá thuốc. Tôi nghĩ ông có khá nhiều loại thuốc trong toa. Khi họ báo giá thuốc, ông ấy nói rằng ông không đủ tiền. Ông trả lại một nửa số thuốc cho hiệu thuốc. Lúc đó tôi nói rằng tôi có thể trả toàn bộ tiền thuốc cho ông ấy, tổng cộng chỉ có 2 đô-la. Vào năm 2004, một trăm rupee tương đương khoảng 2 đô-la Mỹ. Tôi đã trả 2 đô-la tiền thuốc cho ông ấy. Mỗi khi nhớ lại sự việc ấy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã có thể giúp ông ta. Việc đó đã diễn ra vào hồi năm 2004, nhưng mỗi khi nhớ lại việc tặng thuốc cho ông ấy thì tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc này tồn tại rất lâu vì nó xuất phát từ tâm bi mẫn dành cho người khác. Đó là lý do khiến nó tồn tại rất lâu. Khi hạnh phúc nảy sinh từ tâm ái ngã, nó sẽ rất ngắn ngủi. Tuy nhiên, hạnh phúc xuất phát từ lòng bi mẫn đối với người khác thì sẽ tồn tại rất lâu. Chính vì vậy, lòng bi mẫn là điều rất quan trọng trong đời người. Đây là điều thuận lợi thứ năm.
Bây giờ, có 3 khía cạnh khi suy nghĩ về lợi lạc của kiếp người: lợi lạc ngắn hạn, lợi lạc dài hạn và lợi lạc nhất thời. Có 3 điểm chúng ta cần quán chiếu, như trong Lamrim đã đề cập.
Lợi lạc ngắn hạn là một khi đã có được kiếp người, chúng ta có thể đạt được một tái sinh tốt đẹp hơn nữa nếu hành động đúng đắn.
[Buổi học bị gián đoạn do đường truyền bị lỗi.]
Chúng ta đang nói đến điểm nào? Có lẽ tôi quên chủ đề nữa rồi. [Người dịch: Chúng ta đang ở lợi lạc ngắn hạn.] Tôi quên chủ đề vì bây giờ tôi đã lớn tuổi hơn rồi. Trong tu viện, tôi thường hay chơi và nói chuyện với các tu sĩ trẻ hoặc các chú tiểu, vì họ đối với tôi rất hồn nhiên. Ý tôi là khi các chú tiểu lớn lên thì họ không còn vô tư nữa, họ sẽ tỏ ra cung kính và những điều tương tự sẽ đến. Các chú tiểu thường nói chuyện trực tiếp với tôi, nên tôi thường chơi với chúng. Khi tôi chơi với chúng, nhiều khi chúng hỏi đến tuổi tác thì tôi cảm thấy mình rất già [Rinpoche cười].
Với kiếp người này, chúng ta có thể đạt được một tái sinh tốt đẹp hơn trong tương lai, để được hưởng lợi lạc. Nếu chúng ta sinh ra làm súc sinh thì không thể có những lợi lạc đó. Khi sinh ra làm thú thì chúng ta không thể nào cố gắng để đạt được một tái sinh tốt đẹp hơn, vì loài thú bị vô minh nặng nề. Ở Nepal, vài người Tây Tạng cao tuổi hay nói với tôi “Rinpoche, đừng để chúng tôi rơi vào địa ngục.” Họ nói cứ như thể tôi là người giữ chìa khóa địa ngục [Rinpoche cười]. Với kiếp người này, chúng ta có thể phấn đấu đạt được kiếp tương lai tốt đẹp hơn nữa, chúng ta có thể làm điều đó. Khi hành thiện nghiệp, chúng ta sẽ tái sinh vào một cõi tốt đẹp hơn, có kiếp sống tốt hơn. Điều đó trong tầm tay của chúng ta, không phải trong tay người khác. Chúng ta được lựa chọn có đạt được một kiếp sống tốt hơn hay không. Ở kiếp tương lai, chúng ta sinh vào địa ngục hay sinh vào cõi Tịnh Độ của chư Phật, điều đó nằm trong tầm tay của chúng ta, chúng ta có thể chọn.
Có một câu chuyện. Có một người đàn ông chết và xuống địa ngục. Quý vị gọi “god of the hell” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: Diêm Vương] Diêm Vương nhìn vào nghiệp của ông ta và nói, “Bây giờ ta thật rối. Thiện nghiệp và ác nghiệp của ông hoàn toàn như nhau, nên ta cho ông được chọn giữa lên thiên đàng và xuống địa ngục.” Người đàn ông kia rất khôn ngoan. Ông ta nói hãy cho ông xem thiên đàng và địa ngục, rồi ông sẽ chọn. Ông ấy lên thiên đàng để xem trên đó trông như thế nào. Ông ta đến thiên đàng và thấy người ta uống rượu cũ, chơi nhạc cũ, chỉ toàn là ghi-ta hoặc vĩ cầm. Ông ta thấy thiên đàng thật chán. Rồi ông ta xuống địa ngục. Địa ngục rất khác. Ở địa ngục, người ta uống rượu Pháp, rượu vodka của Nga và chơi nhạc hiện đại. Ý tôi là họ chơi rap, hip hop và dùng ghi-ta điện. Vậy là ông ta nói với Diêm Vương ông chọn địa ngục. Diêm Vương nói một khi đã chọn rồi thì không được thay đổi. Ông ta nói, “Tôi đã xem qua thiên đàng và địa ngục rồi, bây giờ tôi chọn địa ngục.” Thế là Diêm Vương cho ông ta xuống địa ngục. Sau khi được vào địa ngục, suốt ngày ông ta uống rượu Pháp và nhảy hip hop. Ngày hôm ấy ông ta hưởng lạc rất nhiều. Khi đêm khuya thì ông ta chìm vào giấc ngủ. Ngày hôm sau, ông ấy rất kinh ngạc, một đám quỷ đến đánh đập ông và bắt ông làm việc. Ông ta vô cùng kinh ngạc. Điều gì đang xảy ra? Đám quỷ nói với ông, “Ông đang trong địa ngục và ông phải làm việc. Chúng tôi phải đánh đập ông.” Ông ta kêu lên, “Hôm qua đâu có như thế này! Hôm qua chúng tôi chỉ hưởng thụ, các ông cho chúng tôi uống rượu, sao hôm nay các ông lại đánh tôi?” Lũ quỷ mới nói, “Ông thật là ngu! Hôm qua chúng tôi cho ông uống rượu và nghe nhạc vì hôm qua là sinh nhật của Diêm Vương.” [Rinpoche và đại chúng cười]
Cũng giống như vậy, lợi lạc ngắn hạn mà chúng ta có được từ kiếp người là chúng ta có thể quyết định. Đó là điều quan trọng nhất. Chúng ta có thể chọn kiếp tương lai. Chúng ta có thể chọn giữa tái sinh vào cõi trời, cõi Tịnh Độ của chư Phật, hay rơi vào địa ngục; điều đó trong tầm tay của chúng ta. Khi quý vị có nhiều thiện nghiệp hơn, chúng ta sẽ được sinh vào cõi cao hơn.
Đối với lợi lạc dài hạn, chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể đắc Phật quả, đó là lợi lạc dài hạn. Vài năm trước, tôi có gặp một phụ nữ người Pháp. Cô ấy là Phật tử. Cô ấy nói cô rất thích Phật giáo. Sau khi đọc một quyển sách thì cô ta trở thành Phật tử. Tôi mới hỏi cô đâu là điều đặc biệt cô đọc từ quyển sách Phật giáo đó. Cô ta trả lời rằng quyển sách đó nói trong Phật giáo, phụ nữ cũng có thể thành Phật. Cô cảm thấy rất sung sướng và trở thành Phật tử [Rinpoche cười]. Chúng ta đã được sinh ra làm người, và lợi lạc dài hạn, đối với cả nam lẫn nữ, là mọi người có tiềm năng thành Phật. Phật là một trạng thái khi chúng ta đã tận diệt tất cả ác niệm như sân hận, vô minh, đố kị, chấp ngã. Ở trạng thái đó, chúng ta đã tận diệt tất cả ác niệm, chúng ta gọi trạng thái đó là Phật.
Bây giờ đến lợi lạc nhất thời. Quý vị có thể thấy ở mọi thời điểm chúng ta có thể hưởng lợi lạc từ kiếp người. Điểm này có nghĩa là ở mọi thời điểm, chúng ta có thể cảm thấy vui sướng. Như tôi đã nói lần trước, khi chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng và nghĩ rằng mình đã không chết vào ngày hôm qua, chúng ta có lý do để sung sướng. Thường thì người ta chỉ vui thú khi có thời gian tốt, họ cần phải tiệc tùng. Không phải như vậy. Tiệc tùng không làm quý vị hạnh phúc. Thật sự thì tâm của quý vị giúp quý vị hạnh phúc. Khi quý vị hứng thú với bữa tiệc thì quý vị hạnh phúc. Nếu quý vị không hứng thú với bữa tiệc thì không có hạnh phúc. Do đó, nó tùy thuộc vào tâm quý vị. Trong từng khoảnh khắc, quý vị có thể vui sướng, điều đó tùy thuộc vào cách suy nghĩ của quý vị, cách quý vị tận dụng khoảnh khắc đó. Từng khoảnh khắc của kiếp người đều rất quý giá, vậy thì tại sao chúng ta lại tốn thời gian đau khổ hoặc giận dữ? Đó thật sự là một cách làm hoang phí thời gian quý giá của chúng ta. Trong từng khoảnh khắc, quý vị đều có thể cảm nhận niềm vui trong tâm. Điều đó rất quan trọng. Chính vì vậy, bước đầu tiên là cảm nhận vui sướng trong từng khoảnh khắc. Chúng ta phải làm theo một vài bước. Thứ nhất, khi thức dậy vào buổi sáng, quý vị phải nghĩ là “chỉ trong ngày hôm nay, tôi sẽ không nổi giận, tôi sẽ không khởi ác niệm, sân giận, đố kị…” Hầu hết khổ đau đến từ ác niệm của chúng ta. Quý vị phải nghĩ như vậy cho một ngày, “tôi sẽ không phí thời gian của mình suy nghĩ tiêu cực.” Bước thứ hai là mỗi khi nổi giận, mỗi khi khởi ác niệm, mỗi khi thấy căng thẳng, quý vị đừng nghĩ đến những vấn đề đó nữa, mà hãy tụng một câu chú, Amitabha hoặc Om Mani Padme Hum. Khi quý vị tụng chú, nó sẽ làm phân tâm quý vị. Khi quý vị làm tâm mình phân tán thì quý vị không còn nổi giận nữa. Cơn giận sẽ nảy sinh khi quý vị tập trung vào những tình huống khó chịu. Khi quý vị bắt đầu tụng chú thì quý vị làm tâm mình phân tán khỏi việc suy nghĩ về những tình huống khó chịu kia. Cơn giận sẽ tự nhiên giảm thiểu. Bước thứ ba là trong từng khoảnh khắc, quý vị phải nghĩ là mình đã có được thân người quý báu, mình đã sống được đến này hôm nay; quý vị phải nghĩ đến những điều này. Như vậy quý vị sẽ cảm thấy vui sướng. Có người hỏi tôi, nếu họ không nổi giận thì đôi khi rất khó để giải quyết một vài tình huống. Ví dụ, trường hợp của tôi, đôi khi tôi phải ứng phó với các đệ tử. Nhiều lúc tôi phải làm mặt giận dữ để dạy các chú tiểu. Trong tâm tôi không hề nổi giận nhưng tôi trông rất nghiêm nghị khi nói chuyện với vài người về một số vấn đề. Tuy nhiên, có một chú tiểu, mỗi lần tôi làm mặt nghiêm thì chú ta lại bắt đầu cười, nên với tôi thật là khó kiểm soát [Rinpoche cười].
Đây là bài tập về nhà hôm nay. Khi thức dậy, quý vị phải nghĩ mình rất may mắn vì quý vị đã không chết vào hôm qua. Hãy nghĩ rằng trong ngày hôm nay, quý vị sẽ không phí thời gian của mình nổi giận, đau khổ hay căng thẳng. Vào buổi sáng, quý vị phải suy nghĩ như vậy. Rồi thời gian còn lại trong ngày, mỗi khi quý vị nổi giận hay căng thẳng, hãy tụng chú để làm phân tán tâm mình. Điểm thứ ba là trong từng khoảnh khắc, quý vị phải cảm thấy, hoặc cố gắng cảm nhận rằng “Ồ, mình đã sống được đến tận hôm nay.” và cố gắng cảm nhận niềm vui sướng vì vẫn còn sống đến ngày hôm nay.
Cảm ơn quý vị!
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 25/10/2014.