24-02-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 20 - Ngày 24/02/2013

- phẩm tính của Đạo Sư Đại thừa

- phẩm tính của Đạo Sư Kim cang thừa

- phẩm tính của đệ tử học Pháp

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải ­

Tuần thứ 20

Như Thị Thất, ngày 24 tháng 02 năm 2013

 

Lần trước chúng ta nói về phần nào?

Người dịch: Đại chúng trả lời chúng ta đang ở phần Phụng sự Bậc Thầy.

Rinpoche: Như tôi đã nói với quý vị, để trở thành một vị thầy tâm linh thì quý vị phải có 10 phẩm tính. Đặc biệt, để trở thành một Đạo Sư Kim cang thừa thì cũng cần phải có 10 phẩm tính. Tuy nhiên, 10 phẩm tính của một Đạo Sư Kim cang thừa thì khác biệt một chút. Tôi nghĩ lần trước tôi đã nói về 10 phẩm tính của một vị Đạo Sư. Trong đoạn đầu của Lamrim Giải thoát trong lòng tay, kinh văn nói về Đạo Sư. Bởi nếu quý vị không tìm được một Bậc Thầy đúng đắn thì quý vị sẽ không thể học được Pháp đúng đắn. Chính vì vậy kinh văn nói về phẩm tính của Đạo Sư. Như tôi đã nói, trong 10 phẩm tính này, Đạo Sư Đại thừa phải có kiến thức uyên bác về tánh không. Ở Ấn Độ thời xưa, tôi nghĩ quý vị từng nghe về Pandita. “Pandita” có nghĩa là học giả uyên bác. Từ ngữ đó đến từ truyền thống Nalanda. Nalanda là Trung tâm nghiên cứu Phật học ở Ấn Độ, họ gọi những vị thầy là Pandita. Đó là cách gọi những học giả Phật giáo uyên thâm. Để trở thành Đạo Sư Kim cang thừa hoặc Đạo Sư Mật điển, quý vị cũng cần 10 phẩm tính. Tuy nhiên, 10 phẩm tính của Đạo Sư Đại thừa và 10 phẩm tính của Đạo Sư Kim cang thừa thì hơi khác nhau một chút. Khi quý vị không quán sát cẩn thận 10 phẩm tính này thì quý vị có thể nhận lầm đạo sư.

Vài năm trước, khi tôi lần đầu đến Đài Loan, tôi xin visa ở lãnh sự quán Đài Loan. Họ hỏi tôi, “Thầy đến Đài Loan để làm gì?” Tôi trả lời, “Tôi đến đó để giảng Pháp.” Sau đó họ hỏi tôi vài câu hỏi, tôi vô cùng ngạc nhiên trước những câu hỏi này. Tôi nói với họ tôi đã tốt nghiệp thủ khoa Phật học, và tôi đang đến đó để giảng Pháp. Rồi họ hỏi tôi, “Thầy nói thầy là Rinpoche, vậy thì thầy có chứng cớ hay bằng cấp nào về Phật học không? Nếu không thì chúng tôi không thể cấp visa cho thầy.” Tôi đã vô cùng kinh ngạc [Rinpoche cười]. Tôi cũng phải đưa ra giấy chứng nhận Phật học ghi rõ tôi đậu thủ khoa. Tôi đã phải cho họ thấy là tôi đã hoàn tất chương trình tiến sĩ Phật học. Họ cho tôi hai tuần để nộp các chứng từ chứng tỏ tôi là Rinpoche và đã đạt trình độ cao về Phật học, rồi họ mới cấp visa cho tôi. Nếu không thì họ sẽ từ chối [Rinpoche cười]. Sau đó tôi gom tất cả chứng từ và bằng cấp nộp hết cho họ. Sau khi đến Đài Loan, tôi nói với mọi người: Nếu có ai trong số quý vị nghi ngờ về việc tôi có phải là một vị Rinpoche hay không, hoặc nghi ngờ việc tôi đã học đến trình độ cao hay chưa, thì quý vị hãy hỏi nhân viên lãnh sự quán, tôi đã giao hết chứng từ cho họ [Rinpoche cười]. Đầu tiên tôi đã rất kinh ngạc, nhưng sau đó tôi nghĩ họ đã làm một việc rất tốt. Nếu tôi sắp giảng Pháp thì tôi phải đủ tư cách để giảng Pháp, tôi phải có trình độ nhất định về Phật pháp. Lãnh sự quán đã làm một việc rất tốt. Sau này tôi đã nhận ra mục đích của họ. Chính vì vậy, trong chương đầu tiên, Lamrim nói về phẩm tính của Đạo Sư. Một trong những phẩm tính đó là Đạo Sư phải là một học giả uyên bác. Nếu Đạo Sư không phải là một học giả uyên thâm Phật pháp thì vị ấy không thể nào thuyết Pháp.

Thông thường, khi người ta nói về việc làm thế nào để kiến tạo một xã hội tốt, để trở thành một con người tốt... thì những điều này không liên quan đến Phật pháp. Đó là những điều tổng quát. Các vị Cha trong Thiên Chúa giáo hay Đạo sư Hồi giáo,… tất cả mọi người đều có thể nói về việc trở thành một người tốt. Những điều này không phải là Phật pháp, mà chúng là những điều tốt nói chung. Ngay cả những người không tín ngưỡng cũng đều muốn trở thành người tốt. Phật pháp thì rất khác. Những điều đó không liên quan đến Phật pháp. Chúng không phải là Phật pháp mà chỉ là những giá trị tốt đẹp nói chung. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang nói đến việc giải thoát, giác ngộ, và đạt đến Phật quả. Phật pháp bắt đầu từ đây. Trong Giải thoát trong lòng tay nói rõ rằng Đạo Sư phải là một học giả vô cùng uyên bác, nếu không thì làm sao vị ấy có thể thuyết giảng Phật pháp. Chính vì vậy tôi nghĩ lãnh sự quán Đài Loan đã đúng. Họ hỏi tôi có phẩm tính gì, bằng cấp gì [Rinpoche cười]. Việt Nam là địa điểm hấp dẫn, tôi nghĩ vậy, quý vị chẳng bao giờ hỏi tôi có bằng cấp nào, bởi khi đến Việt Nam thì tôi không mang theo bằng cấp nào cả [Rinpoche cười]. Tôi đã giao hết cho lãnh sự quán Đài Loan. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn vì quý vị chẳng bao giờ hỏi tôi [Rinpoche cười]. Ở Việt Nam thì ai cũng có thể làm đạo sư, đó là điều tốt, ai cũng có thể thuyết giảng [Rinpoche cười].

Không chỉ riêng Đạo Sư, mà đệ tử học Pháp cũng phải có phẩm tính. Chương đầu của Lamrim nói về điều này.

Để trở thành Đạo Sư Kim cang thừa thì cũng cần có 10 phẩm tính. Tuy nhiên điểm này không được nhắc đến trong Giải thoát trong lòng tay. Tôi sẽ nói cho quý vị, đó là:

-  Đạo Sư phải có kiến thức uyên thâm trong việc triệu thỉnh bổn tôn. Trước khi bắt đầu các lễ quán đảnh thì Đạo Sư phải triệu thỉnh bổn tôn;

-  Có kiến thức tốt trong việc trì tụng nghi quỹ và mật chú;

-  Đạo Sư phải có năng lực định tâm tốt;

-  Phải giữ giới Kim cang thừa nghiêm ngặt;

-  Đạo Sư phải có kiến thức vững chắc trong việc hòa tan và tiễn bổn tôn về nơi của họ. Tôi nghĩ quý vị đều nhớ, trước khi quán đảnh tôi tiến hành vài bài cầu nguyện để thỉnh các vị bổn tôn. Đây là tiến trình của mọi lễ quán đảnh;

-  Đạo Sư phải uyên bác về mandala, Mật điển;

-  Có kiến thức về thủ ấn;

-  Tiến hành đúng theo các bước cầu nguyện bảo hộ bản thân;

-  Tiến hành đúng theo các bước cầu nguyện bảo hộ môi trường.

Tuy nhiên tôi nghĩ hiện tại quý vị chưa thể hiểu được. Những điểm này khó một chút và đi sâu vào Mật điển. Đạo Sư Kim cang thừa phải có 10 phẩm tính này.

Để trở thành Đạo Sư Đại thừa, quý vị cần 10 phẩm tính. Tôi nghĩ quý vị có thể thấy trong Giải thoát trong lòng tay, tuy nhiên tôi sẽ nói ngắn gọn.

Phẩm tính thứ nhất là Đạo Sư phải làm chủ bản thân rất tốt, có nghĩa là, như tôi từng nói, vị ấy phải nghiêm trì giới luật tỳ kheo hoặc tỳ kheo ni. Đây là phẩm tính quan trọng nhất. Tôi nghĩ quý vị có thể thấy điều này rất rõ trong Giải thoát trong lòng tay. Một khi vị thầy không nghiêm trì giới tỳ kheo hoặc giới tỳ kheo ni thì vị ấy không thể dẫn dắt người khác theo chánh đạo. Lúc trước thì có người hỏi tôi có những bằng cấp nào [Rinpoche cười]. Tôi nhận bằng cấp sau khi đã hoàn thành tất cả bậc học Phật pháp nhiều năm về trước, tôi đã nghĩ không biết mình phải làm gì với những bằng cấp này. Có người nói với tôi cứ nhận bằng đi rồi tặng người khác làm kỷ niệm. Cho nên tôi từng nghĩ sẽ tặng ai đó, nhưng thật may là tôi chưa tặng, nếu không thì tôi không thể xin visa vào Đài Loan [Rinpoche cười]. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên vì họ hỏi bằng cấp của tôi, nhưng sau đó tôi nhận ra đó là việc tốt. Mỗi khi tôi xin visa, mỗi khi tôi nói tôi sắp đi giảng Pháp thì tôi đều phải trình bằng cấp, chứng nhận tôi là một vị Rinpoche.

Phẩm tính thứ hai là vị Đạo Sư phải rất tĩnh lặng. Tinh thần tĩnh lặng có nghĩa là Đạo Sư phải có năng lực định tâm rất tốt. Một khi không có năng lực định tâm thì vị ấy không thể tập trung vào một đối tượng. Đôi lúc khi giảng tôi lại quên chủ đề; một Đạo Sư Đại thừa không nên như vậy [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ quý vị nhớ có lúc tôi hỏi lần trước chúng ta dừng ở đâu. Nhiều lúc tôi thật sự quên đề tài, tuy nhiên có lúc tôi muốn biết đệ tử có chú tâm hay không. Vì vậy, tôi hay hỏi giữa thời Pháp [Rinpoche cười].

Phẩm tính thứ ba là Đạo Sư phải có trí tuệ. Nếu Đạo Sư không có trí tuệ thì khi đại chúng đặt câu hỏi, vị ấy sẽ bối rối. Ở tu viện, trong hệ thống Phật giáo mà chúng tôi theo học, nhiều lúc họ hỏi những câu hỏi rất hóc búa, quý vị phải trả lời mọi câu hỏi để vượt qua giai đoạn cuối cùng của bậc học Phật pháp. Hãy hỏi đại chúng chúng ta đã nói qua bao nhiêu phẩm tính rồi? Nói “yes” và “no” trong tiếng Việt như thế nào? [Người dịch: Có nghĩa là “yes”, không nghĩa là “no”] Chữ “không” thật lạ, đôi lúc lại chỉ “emptiness,” tánh không [Rinpoche nói “tánh không” bằng tiếng Việt]. “Yes” nghĩa là “có”, phải không? [Rinpoche cười] Tôi cảm thấy mình phải học tiếng Việt, đời sau tái sinh thành người Việt Nam là tốt nhất. Đó là cách dễ nhất để học [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ quý vị đều thấy mọi phẩm tính trong Giải thoát trong lòng tay, phải không? Quý vị có thể đọc ở phần Nương tựa Bậc Thầy. Kinh văn nói rất rõ. Bởi Đạo Sư là người chỉ đường cho quý vị, nếu Thầy không có những phẩm tính đúng đắn thì quý vị không thể đi đến đúng chỗ. Khi quý vị leo núi, điều quý vị cần là người chỉ đường giỏi; Phật pháp cũng như vậy. Chính vì vậy, kinh văn đề cập đến phẩm tính của Đạo Sư.

Phẩm tính thứ tư là Đạo Sư phải rất uyên thâm về Phật pháp. Nếu không uyên thâm về Phật pháp thì quý vị không thể định nghĩa đâu là Phật giáo và đâu không phải là Phật giáo. Như tôi đã từng nói, lễ lạy, tụng chú là những điểm quan trọng, nhưng đó không phải là Phật giáo thực thụ. Khi còn ở Việt Nam tôi đã nói vài lần phải không? Tôi nghĩ tất cả quý vị đều biết hết rồi [Rinpoche cười]. Chính vì vậy, để trở thành Đạo Sư Đại thừa thì phẩm tính thứ tư là uyên thâm về Phật pháp. Ở Ấn Độ, để thuyết Pháp thì tôi nghĩ không phải tất cả mọi người đều có thể thành Đạo Sư, phụ thuộc vào kiến thức về Phật pháp của người Ấn. Các phẩm tính này được đề cập đến trong luận giải của Ngài Di Lặc (Maitreya) được soạn vào thế kỷ thứ 9. Tôi đã hoàn tất bao nhiêu phẩm tính rồi? [Người dịch: Dạ bốn phẩm tính]

Phẩm tính thứ năm là Đạo Sư phải rất nỗ lực trong việc giảng Pháp cho đệ tử. Khi có người thỉnh Pháp, Đạo Sư Đại thừa không được cảm thấy lười biếng hoặc cảm thấy mệt mỏi khi phải thuyết Pháp. Đạo Sư Đại thừa phải nỗ lực hết mình để thuyết Pháp. Khi chúng tôi học với thầy, thường thì lớp học kéo dài một giờ rưỡi thôi, nhưng có lúc kéo dài đến ba giờ [Rinpoche cười]. Khi Thầy tôi giảng Pháp, có lúc Thầy hoàn toàn lạc đề [Rinpoche cười]. Đạo Sư Đại thừa phải có nỗ lực rất lớn trong việc giảng Pháp. Đây là phẩm tính thứ năm.

Phẩm tính thứ sáu là nắm vững phần chánh văn trong kinh điển của mọi giáo huấn. Vị Thầy phải có kiến thức vững vàng về kinh điển Phật thuyết, hoặc biết rõ Phật đã thuyết những giáo huấn ở bài kinh nào. Vị ấy phải nắm vững toàn bộ kinh điển Phật thuyết. Vài năm trước, tôi đến Sri Lanka, đó là một nước theo Đạo Phật. Ở đó, tôi đến thăm một ngôi chùa cổ, và tôi thấy bức họa vẽ Đức Phật và một người đang thảo luận với nhau. Tôi hỏi về bức họa đó. Họ nói trong bức họa, Đức Phật đang thảo luận về kinh điển với người kia. Tôi nói là tôi chưa từng nghe thảo luận về bài kinh đó và tôi muốn xem bài kinh. Sau đó họ vào ngôi chùa cổ và lấy ra một bản kinh rất cũ. Tôi nghĩ bản kinh đã hơn ngàn năm tuổi. Bản kinh không phải bằng Tạng ngữ. Lúc đó tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi nghĩ chúng tôi cần phải phiên dịch bản kinh đó từ ngôn ngữ gốc là tiếng Pali sang Tạng ngữ. Thường thì Đức Phật ban giáo huấn bằng hai thứ tiếng, tiếng Pali và tiếng Phạn. Phần lớn tạng kinh Phạn ngữ đều đã được phiên dịch sang Tạng ngữ, nhưng không phải bản kinh Pali nào cũng đều đã được phiên dịch sang Tạng ngữ. Sau đó, tôi tiến hành nghiên cứu và đã tìm ra được. Tôi nhận ra tôi dành phần lớn thời gian của đời mình để nghiên cứu Phật giáo, tu học và giảng dạy Phật pháp, có lẽ đã 30 năm rồi nhưng tôi vẫn không biết về khá nhiều kinh điển Phật giáo. Bởi thế tôi nghĩ chắc suốt cuộc đời này tôi vẫn không thể tinh thông toàn bộ Phật giáo [Rinpoche cười], vì tôi đã học kinh điển suốt 30 năm mà vẫn không biết đến nhiều bản kinh. Khi nói chuyện với vị sư già người Sri Lanka thì tôi đã nhận ra điều đó. Ở ngôi chùa đó, họ cho tôi xem một quyển kinh rất cũ, được phiên dịch hàng ngàn năm trước. Trong quyển kinh đó, vài phần rất quen thuộc và đã có trong Tạng ngữ, nhưng tôi thấy có vài phần vẫn chưa có trong kinh tiếng Tây Tạng. Chính vì vậy, phẩm tính thứ sáu của một Đạo Sư Đại thừa là vị Thầy phải tinh thông toàn bộ kinh điển. Tôi nghĩ tinh thông tất cả kinh điển Phật thuyết là điều rất khó. Theo kinh nghiệm 30 năm nghiên cứu và giảng dạy Phật pháp, tôi vẫn còn bỏ sót khá nhiều kinh điển. Khi tôi 5 hoặc 6 tuổi, tôi được công nhận là tái sinh của một vị Rinpoche, từ đó tôi bắt đầu học thuộc lòng kinh điển. Kể từ đó, tôi chỉ nghiên cứu và giảng dạy Phật pháp mà thôi, vậy mà tôi vẫn không thể biết hết mọi kinh điển Phật thuyết. Còn nhiều bản kinh tôi chưa biết đến.

Đây là một câu chuyện vui có thật. Dịp nọ ở Nepal, họ yêu cầu tôi nói về Phật giáo trong chương trình Phật học tại trường đại học. Tôi là giảng sư nói về đề tài “Giảng dạy Phật giáo cho sinh viên.” Có một giáo viên nói với tôi là ông thường đến giảng về Phật giáo cho sinh viên vào buổi sáng. Thời gian còn lại trong ngày ông ta phải làm việc trong trạm viễn thông, việc của ông ta là đến nhà người khác để sửa điện thoại cho họ [Rinpoche cười]. Phẩm tính của mọi Đạo Sư Đại thừa là kiểm soát bản thân, điểm này rất quan trọng. Chính vì vậy, các vị ấy phải có kiến thức uyên bác cùng trí tuệ. Đây là những phẩm tính để trở thành Đạo Sư Đại thừa. Tôi có một đệ tử rất nghịch ngợm ở tu viện Sera, cậu ta khoảng 12 hay 13 tuổi, rất nghịch. Cậu ta đã thi rớt ba lần rồi. Nhiều lúc tôi gọi cậu ta lại để khuyên giải, và yêu cầu cậu ta nói. Khi nói thì cậu ấy nói rất giỏi vì cậu đã nghe nhiều điều người khác nói. Cậu ấy nói rất giỏi. Tôi nghĩ mỗi lần có người thỉnh tôi thuyết Pháp thì tôi sẽ nhờ cậu học trò nghịch ngợm của mình giảng thay tôi [Rinpoche cười]. Chắc chắn cậu ta sẽ làm rất tốt vì cậu ấy nói rất giỏi. Tôi nghĩ một dịp nào đó tôi sẽ cử cậu ấy giảng Pháp. Nếu quý vị nhìn từ phẩm tính của Đạo Sư Đại thừa thì vị thầy không nên như vậy; không kiểm soát bản thân thì không phải là Đạo Sư Đại thừa. Thực tế là vậy, nhưng nếu tôi gửi cậu ta giảng thì có lẽ mọi người sẽ hỏi cậu ấy vì cậu diễn thuyết rất tốt [Rinpoche cười]. Nhưng tôi đã không cử cậu ta đi vì cậu ấy không có phẩm tính, phẩm tính thứ nhất, kiểm soát bản thân. Dịp nọ, tôi hỏi cậu ta có thể đi giảng Pháp không, vì tôi phải đi nơi khác. Cậu ấy hỏi phải đi đâu. Tôi nói những nơi cậu ta phải đến thì cậu chỉ cười [Rinpoche cười]. Nếu tôi bảo cậu ta đi thì chắc chắn cậu sẽ đi. Cậu ta luôn cười, chẳng bao giờ nói sẽ không đi hay nói không thể giảng, cậu ấy chẳng bao giờ nói như vậy. Nhưng cậu ta đã thi rớt 3 hoặc 4 lần, làm sao có thể giảng Pháp được! Nhưng tôi nghĩ cậu ấy luôn sẵn sàng, mỗi lần tôi hỏi thì cậu chỉ cười. Tôi đã không cử cậu đi, như tôi đã nói, cậu ấy không có phẩm tính của Đạo Sư Đại thừa.

Phẩm tính thứ bảy là Đạo Sư phải có kiến thức uyên bác về tánh không. Để thành Đạo Sư Đại thừa thì vị thầy phải có kiến thức uyên thâm về tánh không. Để được như vậy thì vị thầy phải hiểu quan điểm của bốn trường phái tư tưởng khác nhau. Mọi trường phái tư tưởng Phật giáo đều nói về tánh không, vị thầy phải hiểu quan điểm về tánh không của mỗi trường phái. Nếu vị thầy không hiểu quan điểm về tánh không của bốn trường phái tư tưởng thì vị ấy không hề có kiến thức gì về tánh không. Bốn quan điểm khác nhau về tánh không, có lẽ chúng ta sẽ bàn đến từ từ. Điểm này đến từ thời Phật còn tại thế. Đức Phật ban giáo huấn nhưng căn tính và suy nghĩ của mỗi người mỗi khác, nên họ hiểu theo những cách khác nhau. Có một câu hỏi, tôi nghĩ đã từng hỏi quý vị rồi. Vị của trà nằm ở chỗ nào? Nó nằm ở trà, ở lưỡi, hay ở tâm? Nếu quý vị nói vị của trà hiện hữu nơi trà, có lẽ quý vị thuộc hai trường phái Kinh bộ tông (Sautrantika) và Hữu bộ tông (Vaibhashikas). Nếu quý vị nói rằng vị của trà hiện hữu nơi tâm, có lẽ quý vị theo Duy thức tông (Chittamatra). Khi quý vị nói vị của trà hiện hữu do duyên khởi, có lẽ quý vị theo Trung quán tông (Madhyamaka). Nếu không hiểu quan điểm tánh không của bốn trường phái thì quý vị không thể hiểu gì về tánh không. Người ta thường hỏi tôi cách ngắn nhất và dễ nhất để hiểu tánh không. Tôi nói rằng không có cách nào như vậy cả. Nếu có cách như vậy thì Đức Phật đã không giảng về tánh không suốt 40 năm. Nếu có cách ngắn và dễ để hiểu tánh không thì tôi đã thật ngu ngốc khi bỏ ra 30 năm nghiên cứu. Khi quý vị hiểu bốn trường phái tư tưởng, tất cả bốn trường phái đều nói về tánh không. Giáo pháp Lamrim theo tư tưởng trung quán. Vị học giả Ấn Độ mà tôi ngưỡng mộ là ngài Pháp Xứng (Dharmakiti). Vị ấy đến từ Duy thức tông. Ngài rất giỏi trong việc dùng lý lẽ để chứng minh mọi điều. Tôi rất ngưỡng mộ lý lẽ của Ngài. Ngài Pháp Xứng đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa tâm và cảnh. Như tôi đã nói, để có kiến thức vững chắc về tánh không thì quý vị phải hiểu tư tưởng của bốn trường phái khác nhau.

Phẩm tính thứ tám là Đạo Sư phải có phương pháp diễn thuyết rất tốt. Nếu vị thầy không diễn đạt tốt thì đệ tử không thể nào hiểu ý của vị ấy. Phẩm tính này nói về cách vị thầy diễn đạt ý của mình, vị ấy phải rất khéo léo.

Phẩm tính thứ chín là Đạo Sư phải có tâm đại bi.

Phẩm tính thứ mười là Đạo Sư không được cảm thấy mệt mỏi khi ban giáo huấn.

Đây là 10 phẩm tính để trở thành Đạo Sư Đại thừa. Bây giờ, để trở thành đệ tử học Pháp thì quý vị phải có 3 phẩm tính. Tôi nghĩ tôi đã nói lần trước rồi? Cho tôi biết đó là những phẩm tính nào? [Người dịch: Thứ nhất là tâm không định kiến, thứ hai là có hứng thú học Pháp, thứ ba là có khả năng phân tích] Tôi nghĩ điều này được nhắc đến trong các bản luận của đệ tử ngài Long Thọ (Nagajurna). Tên vị ấy là Thánh Thiên (Aryadeva). Để trở thành một người học Pháp thực thụ thì khả năng phân tích rất quan trọng. Càng phân tích thì quý vị càng gần chân lý. Càng có khả năng phân tích mạnh mẽ thì quý vị càng gần chân lý. Nếu không phân tích thì quý vị không thể nào tiếp cận chân lý. Quý vị có thể thấy khoa học tiến hành phân tích và thí nghiệm rất nhiều. Quý vị có thể thấy trong kinh điển, khi Đức Phật thuyết giảng thì có rất nhiều câu hỏi nảy sinh. Tôi rất vui là khi tôi ở Việt Nam, quý vị đã hỏi tôi rất nhiều. Tôi rất vui về điều đó. Quý vị đang phân tích nhiều hơn và nhiều điểm thắc mắc nảy sinh. Nhưng tôi xin lỗi quý vị, vì thời gian có hạn nên tôi đã không thể trả lời hết mọi câu hỏi. Có thể trong lần tới đến Việt Nam, tôi sẽ có thời pháp dành riêng cho hỏi đáp. Thời Đức Phật, vài đệ tử hỏi Ngài rất nhiều câu hỏi, và Đức Phật giảng Pháp chỉ bằng cách hỏi đáp. Khi tôi trả lời câu hỏi ở Việt Nam, quý vị thường viết ra giấy rất nhiều câu hỏi. Nhưng khi tôi muốn câu hỏi trực tiếp, không phải viết ra giấy, thì chỉ có vài người hỏi tôi thôi [Rinpoche cười]. Khi còn nhỏ, khoảng 7-8 tuổi, tôi hỏi rất nhiều, nhưng phần lớn là những câu hỏi ngu ngốc. Các vị tăng lớn thường chán nản mỗi khi tôi hỏi. Bởi tôi hỏi “Tại sao…” “Như thế nào…” nhiều quá nên họ thường chán nản [Rinpoche cười].

Có lẽ tôi nói vài phút nữa rồi sẽ dừng. Bây giờ quý vị đã hiểu phẩm tính của Đạo Sư Đại thừa. Trong Lamrim có nói về mối liên hệ giữa Thầy và trò và cách thức giữ gìn mối liên hệ ấy. Điểm này tôi nghĩ tôi đã giảng lần trước. Những ai chưa được nghe thì quý vị có thể tìm lại bài giảng lần trước trên trang web. Pháp hành đầu tiên trong Lamrim bắt đầu từ phụng sự Đạo Sư, cách thức nương tựa Bậc Thầy. Điểm thứ hai là cách thức nương tựa vào Tăng đoàn và đạo hữu. Điều quan trọng nhất là để cải thiện bản thân thì quý vị phải có người dẫn đường tốt, bạn bè tốt. Trở lại Nam Ấn, có một người nghiện thuốc lá nặng, anh ta cố cai nghiện nhưng không thành. Tôi nghe nói sau đó anh ta làm việc trong tu viện 6-7 tháng, anh ta đã thôi hút thuốc vì không có thuốc để hút. Tương tự, để thực hành Pháp tiến bộ thì quý vị phải có người dẫn đường tốt, có chúng hội tốt, chúng ta gọi là bạn đạo, anh em Pháp (Dharma brothers and sisters). Dịp nọ, tôi thuyết giảng trong trại tù thiếu niên. Có một cậu thiếu niên chừng 16-17 tuổi. Cậu ấy nói với tôi cậu rất hối hận vì đã làm điều không hay đối với mẹ mình, và hỏi tôi làm sao để cải thiện bản thân. Tôi nói rằng trước hết cậu ta phải từ bỏ bạn bè xấu ác, rời khỏi các băng đảng xấu. Tương tự đối với việc thực hành Pháp, quý vị cần có mối quan hệ tốt với các đồng đạo. Bây giờ quý vị đã biết phải nương tựa vào bạn đạo. Cách thức nương tựa Đạo Sư tôi đã nói vào lần trước, quý vị có thể xem lại trên trang web.

Tôi dừng ở đây, tuy nhiên tôi có thông báo nhỏ. Khi đến nghe Pháp quý vị có thể mang theo trà hoặc nước giải khát. Quý vị có thể uống nước trong suốt thời Pháp. Người Việt rất thích uống trà, quý vị có thể mang trà đến thời Pháp. Nhưng đừng mang theo đồ ăn, vì như vậy thì quý vị không thể tập trung [Rinpoche cười]. Có thể quý vị cần uống trà thật đậm, như vậy sẽ không buồn ngủ [Rinpoche cười]. Trong suốt thời giảng, nếu cần đi vệ sinh thì quý vị cứ đi, nhưng khi trở lại lớp học thì quý vị lễ lạy 3 lần trước khi ngồi xuống. Rõ? [Rinpoche cười] Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu quý vị mang theo thức uống. Có lẽ ở Nam Ấn thì cần trà đá chứ không phải trà nóng.

Cảm ơn quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 22/10/2014.