19-08-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 13 - Ngày 19/08/2012.

- tịnh hóa ác hạnh (bước thứ ba trong Thất chi nguyện)

- ý nghĩa cúng dường mandala.

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­Tuần thứ 13

Như Thị Thất, ngày 19 tháng 08 năm 2012

 

NGÀY THỨ 6

Tôi không nhớ hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu từ phần nào. [Người dịch: Hôm nay chúng ta tiếp tục phần Thất chi nguyện, Rinpoche.] Lần trước chúng ta đã hoàn tất hai bước rồi phải không? Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu từ bước thứ ba. Bước thứ ba khá đơn giản, đó là tịnh hóa. Bước thứ ba là tịnh hóa mọi ác hạnh của quý vị. Có nhiều cách để tịnh hóa ác hạnh. Tôi sẽ hướng dẫn quý vị cách dễ nhất, và cũng là cách thực hành tịnh hóa hiệu quả nhất. Quý vị có thể nhớ lại khi tôi ban quán đảnh đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) cũng có phần thực hành tịnh hóa ác hạnh. Trong pháp hành đức Quán Thế Âm cũng có phần tịnh hóa. Mục đích của việc tịnh hóa là để nhận gia trì từ chư Phật. Tịnh hóa rất quan trọng. Nếu không thực hành tịnh hóa thì quý vị không thể nhận được gia trì. Vì vậy, tịnh hóa là pháp hành quan trọng. Chính vì vậy, sau khi quán tưởng Ruộng Phước, trong Thất chi nguyện (Lời cầu nguyện bảy nhánh), chúng ta sang phần thứ ba, có phải không? Phần thứ nhất là lễ lạy, thứ hai là cúng dường, và thứ ba là tịnh hóa ác hạnh.

Mỗi tôn giáo có cách tịnh hóa khác nhau. Theo quan điểm Phật giáo, để tịnh hóa ác hạnh thì quý vị phải tiến hành vài bước. Mỗi khi thực hành tịnh hóa, bước thứ nhất là quý vị phải ăn năn sám hối về tất cả ác hạnh mà mình đã phạm phải. Sau khi hối lỗi, bước thứ hai để tịnh hóa ác hạnh là quán tưởng Ruộng Phước. Sau khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị có thể trì tụng bất cứ câu chú nào. Bài chú tốt nhất quý vị có thể trì tụng là chú Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva). Có hai bài chú Kim Cang Tát Đỏa, một bài dài và một bài ngắn. Bài chú dài có một trăm âm, còn bài chú ngắn chỉ có sáu âm thôi. Bài chú ngắn là Om Vajrasattva Hum. Đó là bài chú ngắn. Sau trì tụng bài chú, quý vị quán tưởng có ánh sáng trắng từ Ruộng Phước tiến đến hòa tan vào cơ thể quý vị. Tiến trình quán tưởng giống như trước đây. Sau khi ánh sáng trắng đi vào cơ thể quý vị, quý vị quán tưởng ánh sáng trắng đó đã tẩy trừ tất cả ác hạnh hoặc nghiệp bất thiện của mình. Các bước quán tưởng giống như trước đây. Đây là phương pháp tịnh hóa ác hạnh của quý vị.

Như tôi đã nói trước đây, khi thực hành tịnh hóa thì sẽ có vài dấu hiệu cho thấy ác nghiệp của quý vị đang thuyên giảm. Quý vị sẽ có những dấu hiệu. Tôi nghĩ tôi đã nói lần trước, có phải không? Đây là cách tịnh hóa ác hạnh. Điểm quan trọng nhất của việc tịnh hóa là dù phạm bất cứ ác hạnh nào, quý vị cũng phải ăn năn hối lỗi. Đó là điểm quan trọng nhất. Khi phạm phải bất cứ ác hạnh nào quý vị cũng đều phải biết hối lỗi. Khi quý vị không ăn năn hối lỗi đối với những ác hạnh mình đã phạm phải thì sẽ rất khó để tịnh hóa ác hạnh của quý vị. Nếu không thể nhớ mình đã phạm phải ác hạnh nào, quý vị có thể nghĩ chúng là những ác hạnh mà quý vị vô tình phạm phải trong quá khứ. Quý vị có thể nghĩ như vậy. Đây là một trong những cách tịnh hóa ác hạnh. Quý vị rõ các bước rồi chứ?

Hiện tại quý vị phải tịnh hóa ác hạnh của mình. Có vài bước để quý vị tịnh hóa ác hạnh. Điểm quan trọng nhất của việc tịnh hóa ác hạnh là để tiếp nhận gia trì của chư Phật. Nếu không tịnh hóa ác hạnh thì quý vị không thể tiếp nhận gia trì của chư Phật một cách trọn vẹn. Đừng nghĩ rằng quý vị đã biết cách tịnh hóa ác hạnh thì việc vi phạm ác hạnh không phải là vấn đề lớn nữa. Đừng nghĩ rằng quý vị có thể phạm ác hạnh. Không được nghĩ như vậy. Cũng giống như một cái ly, khi chưa vỡ thì cái ly rất hoàn hảo, tuy nhiên nếu đã làm vỡ rồi thì dù quý vị có hàn cái ly lại, nó cũng không thể hoàn toàn giống với cái ly ban đầu. Quý vị hiểu ví dụ của tôi chứ?

Có một câu chuyện. Có hai ngôi chùa, một chùa thì bắt đầu trở nên giàu có, còn ngôi chùa kia vẫn nghèo nàn. Vị trụ trì chùa nghèo đi đến chùa giàu, vị ấy muốn biết bằng cách nào ngôi chùa kia giàu lên được. Ông ta cải trang thành một người rất bình thường và đi đến chùa giàu, ông muốn biết vì sao họ giàu lên được. Ông ta đã thấy được bí mật giúp ngôi chùa kia giàu có. Vị trụ trì chùa giàu ngồi trước bàn thờ, và có một người đàn ông tiến đến gần vị đó. Người đàn ông nói với vị trụ trì rằng ông ta vừa giết một người và đã phạm phải ác hạnh nặng nề, bây giờ ông ấy phải làm gì. Vị trụ trì chùa giàu nói rằng, “Đừng lo! Ông không phải lo! Đưa tôi một đô-la thì ác hạnh của ông sẽ được tịnh hóa.” Rồi một người đàn ông khác tiến đến. Ông ta nói rằng ông đã phạm hai ác hạnh. Ông đã sát hại một người và giết một con thú. Vị trụ trì nói ông ta, “Đừng lo, chỉ cần đưa tôi hai đô-la thì hai ác hạnh sẽ được tịnh hóa.” Khi vị trụ trì chùa nghèo trở về chùa của mình thì ông ta áp dụng kiểu mới. Có một người đàn ông đến chùa nghèo. Ông ta nói ông đã phạm ác hạnh vì đã trộm xe đạp của hàng xóm. Bấy giờ vị trụ trì chùa nghèo mới nói, “Ông đã phạm phải một ác hạnh, ông đưa tôi năm đô-la thì ông có thể ra về và được phép phạm thêm bốn ác hạnh nữa.” Quý vị hiểu chứ? [Rinpoche cười]

Tịnh hóa ác hạnh không giống như vậy. Theo quan điểm Phật giáo thì việc tịnh hóa ác hạnh phải xuất phát từ chính bản thân quý vị. Đó là cách tịnh hóa. Khi thực hành tịnh hóa, quý vị không cần nói cho người khác biết bất cứ điều gì, quý vị chỉ tiến hành những điều cần làm mà thôi. Đây là cách tịnh hóa trong Phật giáo. Như tôi đã nói, có vài bước để thực hành tịnh hóa và tôi nghĩ bây giờ quý vị đã hiểu cách thực hành theo những bước tịnh hóa này. Tịnh hóa là bước thứ ba [trong Thất chi nguyện hay Lời cầu nguyện bảy nhánh]. Có một vài bước quý vị cần thực hiện theo, như tôi vừa nói.

Bây giờ quý vị hãy nhìn vào quyển kinh, phần cúng dường mandala. Quý vị có thấy phần cúng dường mandala không? Phần đó ở Ngày thứ 5, quý vị có thấy phần Thất chi nguyện không? Đó là bước thứ hai, cúng dường. Quý vị có thể thấy hoa, đèn, hương…; có nhiều vật phẩm cúng dường khác nhau. Mỗi khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị có thể bắt đầu cúng dường mandala. Quý vị gọi “Mandala” trong tiếng Việt như thế nào? [Người dịch: Chúng con không có từ tiếng Việt mà chỉ gọi là “mandala”] “Mandala” thật ra là một từ tiếng Phạn. “Mandala” có ý nghĩa là “rút tỉa tinh túy.” Mandala là tinh túy nơi trung tâm. Rút tỉa tinh túy nơi trung tâm còn được gọi là quay theo vòng tròn trung tâm. Mỗi khi thực hành cúng dường mandala, quý vị phải dùng tay ấn. Bây giờ tôi sẽ hướng dẫn quý vị tay ấn. Tất cả quý vị có thấy tôi không? Đây là tay ấn cúng dường mandala. Thư có ở đó không? Thư có thể đến gần webcam không? Thư, con có thể bắt tay ấn cho thầy xem không? [Rinpoche cười]

Điều quan trọng nhất là quý vị phải hiểu ý nghĩa của pháp hành này. Ở giữa tay ấn [2 ngón tay nhô lên] là biểu tượng của một ngọn núi. Bốn ngón tay đan chéo nhau là biểu tượng của tứ đại châu. Theo thế giới quan Phật giáo thì ở giữa vũ trụ là núi Tu Di được bao xung quanh bởi bốn lục địa lớn. Khi cúng dường, quý vị nghĩ rằng mình đang dâng cúng toàn vũ trụ lên Ruộng Phước. Khi dâng cúng toàn bộ vũ trụ lên Ruộng Phước thì quý vị không giữ lại cho mình bất cứ thứ gì cả. Đây là cách thức quý vị thoát khỏi bám chấp vào vật chất, vào những đối tượng bên ngoài. Một điểm khác, khi dâng cúng toàn bộ vũ trụ lên Ruộng Phước, đó là cách mạnh mẽ nhất để tích tập công đức. Hiện tại quý vị cúng dường qua ý chứ không phải qua thân. Như tôi đã nói, khi cúng dường qua ý thì quý vị không phải hành động gì cả, tất cả đều bắt đầu từ tâm ý. Tay ấn này còn có một ý nghĩa khác. Quý vị có thể thấy nơi trung tâm có hai ngón tay. Trong Phật giáo, bất cứ pháp hành Đại thừa nào cũng nhằm vào hai điểm. Đó là bồ đề tâm và tánh không, hai điểm chính của Phật pháp. Chính vì vậy, thời xa xưa, Milarepa đã nói Ngài chẳng có món gì để dâng cúng Đạo Sư của Ngài, Ngài dâng cúng sự hành trì của mình lên Đạo Sư. Vì vậy, hai ngón tay là biểu tượng của việc dâng cúng sự hành trì của quý vị lên Ruộng Phước. Dâng cúng hai thực hành: bồ đề tâm và tánh không. Bây giờ quý vị rõ chưa? [Rinpoche cười, Ngài cố nói chữ “rõ” bằng tiếng Việt]

Bây giờ, mỗi khi cúng dường mandala, quý vị quán tưởng đang dâng cúng toàn bộ vũ trụ và công phu thực hành của mình lên Ruộng Phước. Quý vị đã xem tay ấn, nó đơn giản, không quá khó. Sau khi cúng dường, quý vị xả ấn và xoay như thế này [Rinpoche minh họa] trong lúc cầu nguyện, đây là biểu tượng của việc tiếp nhận gia trì từ Ruộng Phước.

Bây giờ hãy nhìn vào quyển kinh, có một bài cầu nguyện. Quý vị có thể tụng những đoạn kệ này khi cúng dường. Quý vị có thể thấy bài cầu nguyện:

Con xin dâng lên chư Phật

Những hoa thơm và tràng hoa chọn lọc,

Tiếng chập chõa chạm nhau,

Nước thơm tuyệt hảo, bảo cái đẹp nhất,

Đèn dầu và trầm hương thượng hạng.

(Giải thoát trong lòng tay, quyển 1, trang 314)

Quý vị có thấy bài cầu nguyện không? Nếu quý vị không thể tụng cả bài thì có thể chỉ tụng hai câu cuối:

Dâng lên chư Phật vật phẩm cúng dường,

Do năng lực đức tin vào những hành vi cao cả.

(Giải thoát trong lòng tay, quyển 1, trang 314)

Quý vị có thể cầu nguyện như vậy. Trong kinh thánh, Jesus đã nói, “Đức tin có thể làm chuyển dời cả một trái núi.” Tương tự, điều quan trọng nhất là tất cả mọi thực hành cúng dường phải đến từ tín tâm của quý vị. Vì vậy, khi quý vị có tín tâm càng mãnh liệt thì quý vị sẽ đạt được càng nhiều thành quả. Tín tâm là một trong những điểm trọng yếu và then chốt nhất. Để phát khởi tín tâm vào một người nào đó thì việc phân tích rất quan trọng. Khi khởi tín tâm và tận tụy với ai đó, quý vị phải phân tích. Điều này rất quan trọng. Khi tin tưởng và hết lòng với người nào đó, phân tích rất quan trọng. Khi chưa phân tích thì quý vị không nên đặt niềm tin vào người khác. Tuy nhiên, khi khởi tín tâm vào Ruộng Phước thì quý vị không cần phân tích, vì Ruộng Phước nằm ngoài khả năng phân tích. Quý vị không thể nhìn thấy Ruộng Phước, quý vị không thể phân tích được. Bản tính con người rất lạ. Họ cố phân tích những gì mình không thể nhìn thấy nhưng lại không chịu phân tích những gì mình nhìn thấy được. Quý vị hiểu ý tôi chứ? Đó là bản tính con người. Chính vì vậy, quý vị có thể nhìn thấy Đạo Sư nên phân tích Đạo Sư là việc rất quan trọng. Có một câu nói rất hay, “Tính cách mỗi người phụ thuộc vào tư tưởng của họ.” Khi phân tích và nhìn vào tính cách người khác thì quý vị sẽ hiểu họ suy nghĩ như thế nào. Do đó, trước khi khởi tín tâm và hết lòng vì Đạo Sư, việc phân tích vị thầy rất quan trọng. Thậm chí để khởi tín tâm vào đức Phật thì việc phân tích cũng rất quan trọng. Chúng ta có thể nhìn vào nhân cách của đức Phật, lối sống của Ngài, có rất nhiều nguồn tài liệu. Tuy nhiên, đối với Ruộng Phước, đây là điều vượt ra khỏi khả năng phân tích. Quý vị không có nguồn nào để xem xét phẩm tính của Ruộng Phước. Không có nguồn nào cả, nó vượt ra khỏi khả năng phân tích, vì vậy chúng ta chỉ phát khởi tín tâm mà không cần phân tích. Như tôi đã nói, bản tính con người rất lạ. Họ cố phân tích những gì mình không thể nhìn thấy nhưng lại không chịu phân tích những gì mình có thể nhìn thấy được. Việc phân tích rất quan trọng khi phát tín tâm, tuy nhiên phân tích quá mức là điều không tốt.

Có một anh chàng hay phân tích đủ mọi thứ. Anh ta làm việc ở một nông trại trồng táo. Quý vị gọi “apple” bằng tiếng Việt là gì? [Người dịch: Táo. Rinpoche cố nói “táo’ và Ngài cười] Thật lạ, vì trong tiếng Nepal, chúng tôi gọi táo là “sao”. Tiếp tục câu chuyện, anh ta làm việc ở nông trại táo và chủ nông trại bảo anh ta hái táo. Ông chủ đưa anh ta hai cái thùng, một lớn một nhỏ và bảo anh hái táo lớn bỏ vào thùng lớn và hái táo nhỏ bỏ vào thùng nhỏ. Sau khi dặn dò như vậy thì ông chủ đi sang làng khác. Buổi chiều, ông chủ trở về và đến vườn táo của mình. Khi trở về, ông ta rất kinh ngạc vì anh chàng kia chưa hái được dù chỉ một quả táo. Anh ta đang ngồi trước hai cái thùng một lớn một nhỏ mà chưa hái được một quả táo nào cả. Ông chủ rất sửng sốt và hỏi anh, “Sao anh không hái táo? Anh không rõ lời tôi dặn hay có chuyện gì khác?” Anh chàng đó nói với ông chủ, “Vâng tôi hiểu lời ông rất rõ. Tôi biết mình phải hái những quả táo lớn bỏ vào thùng lớn và hái những quả táo nhỏ bỏ vào thùng nhỏ. Nhưng tôi vẫn còn đang nghĩ xem tôi phải làm gì với những quả táo cỡ vừa.” [Rinpoche cười] Cũng giống như vậy, đó chính là phân tích quá mức, chuyện đó không ai yêu cầu cả. Chính vì vậy, khi khởi tín tâm đối với Ruộng Phước, quý vị không phân tích. Khi khởi tín tâm vào Đạo Sư hoặc ai khác thì quý vị phải phân tích. Bây giờ trở lại quyển kinh, quý vị có thể thấy hai dòng cuối:

Dâng lên chư Phật vật phẩm cúng dường,

Do năng lực đức tin vào những hành vi cao cả.

Nếu không thể tụng cả bài thì quý vị có thể tụng hai dòng cuối. Quý vị gọi “faith” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: “Niềm tin.” Rinpoche thử nói “niềm tin” bằng tiếng Việt. Ngài nói “niềm tin” dễ nói hơn “táo” và Ngài cười] Bất cứ khi nào quý vị cúng dường cũng cần phải có tín tâm mãnh liệt bên trong quý vị. Khi quý vị có tín tâm mãnh liệt thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Như tôi đã nói với quý vị, đức tin có thể làm chuyển dời trái núi, do đó mọi lời cầu nguyện đều có thể thành hiện thực khi quý vị có tín tâm mãnh liệt. Như quý vị thấy, nếu quý vị có tín tâm mãnh liệt vào xá lợi của đức Phật thì xá lợi sẽ nhân lên. Tất cả xá lợi của đức Phật sẽ được nhân lên nếu quý vị có tín tâm mãnh liệt. Nếu không có tín tâm vào xá lợi thì xá lợi sẽ không tăng thêm. Khi quý vị có tín tâm vào những điều linh thiêng thì chúng sẽ được nhân lên. Nếu không có tín tâm đủ mạnh thì chúng sẽ không nhân lên nữa. Theo quan điểm của khoa học thì rất khó giải thích xá lợi nhân lên bằng cách nào. Thực tế thì xá lợi Phật nhân lên thêm và chúng ta có thể nhìn thấy. Tôi nghĩ quý vị đã từng nghe về chuyện xá lợi của đức Phật nhân lên thêm? Quý vị nghe chuyện đó chưa? Theo quan điểm của khoa học thì không có lời giải thích nào cho việc này. Việc nhân lên đó là do tín tâm mãnh liệt của quý vị. Trong kinh thánh của chúa Jesus, ngài nói tín tâm có thể dời núi, tuy nhiên tôi sẽ nói “tín tâm có thể làm xá lợi nhân lên.” Tôi thay đổi câu nói của chúa Jesus. Ở đây, đơn giản là tín tâm có một năng lực phi thường. Có rất nhiều câu chuyện có thật về tín tâm mãnh liệt. Tín tâm có thể mang đến rất nhiều thuận duyên trong cuộc sống của chúng ta. Trong lĩnh vực y học, tín tâm có thể mang đến điều kỳ diệu từ bên trong quý vị, không phải từ bên ngoài. Ở Ấn Độ có cả Phật tử và những người không phải là Phật tử. Những hành giả ngoại đạo có tín tâm mãnh liệt vào bổn tôn của họ, vào Thượng Đế và nhờ đó họ gặt hái được nhiều thuận duyên. Những điều kỳ diệu và mọi thứ khác sẽ đến khi quý vị có tín tâm mãnh liệt. Chúng đến từ bên trong, đừng nghĩ rằng phép lạ đến từ đối tượng bên ngoài nào đó. Hầu hết mọi người đều sai lầm về điểm này. Đừng nghĩ rằng khi có tín tâm mãnh liệt thì tiền sẽ nhân lên [Rinpoche cười].

Bây giờ quý vị hãy nhìn vào quyển kinh. Mỗi khi cúng dường, quý vị hãy tụng hai dòng này. Quý vị có thể đọc hai dòng đó bằng tiếng Việt không? “Dâng lên chư Phật vật phẩm cúng dường, Do năng lực đức tin vào những hành vi cao cả.” Quý vị có thể thấy, “do năng lực đức tin vào những hành vi cao cả,” khi quý vị có tín tâm vào những hành vi cao cả thì đó là một điều khác biệt. Bây giờ, dù quý vị làm gì, cầu nguyện hay tất cả mọi thứ, nếu phát khởi tín tâm mãnh liệt thì nó sẽ mang đến rất nhiều năng lượng tích cực bên trong cơ thể quý vị.

Có lẽ hôm nay tôi dừng ở đây. Quý vị hãy thực hành. Chúng ta đã hoàn tất ba trong bảy phần của Thất chi nguyện, có phải không? Lễ lạy, cúng dường và tịnh hóa. Quý vị có thể gọi phần thứ ba là sám hối lỗi lầm. Khi quý vị thực hành sám hối lỗi lầm, quý vị phải nghĩ rằng mình cũng đang sám hối lỗi lầm của mọi chúng sinh.

Hôm nay tôi dừng ở đây [Rinpoche cười].

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 02/10/2014.