
Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 38 - Ngày 18/08/2013
- những điều nên làm sau khi quy y
- tôn kính hình ảnh và tượng Phật
- năng lực gia trì chủ yếu tùy thuộc vào tín tâm
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Như Thị Thất, ngày 18 tháng 08 năm 2013
Như tôi đã nói, quy y là cửa ngõ dẫn vào Phật pháp. Quý vị có thể thấy rằng đối với Phật giáo, một người là Phật tử hay không phải là Phật tử tùy thuộc vào việc người đó đã quy y Tam Bảo hay chưa. Quý vị phải hiểu quy y không phải là những lời nói suông, mà quy y phải đến từ trong tâm và từ trong tim của quý vị. Tụng bài quy y và quy y trong tâm rất khác nhau. Ai cũng có thể tụng bằng miệng, nhưng để quy y từ trong tâm thì quý vị phải tư duy một chút. Bây giờ, một điểm nữa là chúng ta phải biết sau khi quy y, chúng ta phải làm những gì và không được làm những gì. Có 3 điều chúng ta phải tránh sau khi đã quy y; tôi nghĩ tôi đã hoàn tất vào buổi trước. Bây giờ, quý vị phải biết về 5 điều chúng ta phải làm theo sau khi quy y.
Thứ nhất, quý vị phải tôn kính hình ảnh, tượng Phật dù hình ảnh không đẹp. Có một vài ý nghĩa và nguyên nhân vì sao chúng ta phải kính trọng hình ảnh Phật. Nói chung, chúng ta phải tôn kính ảnh và tượng Phật, và phải hiểu vì sao ta phải tôn kính. Tôi nghĩ tôi đã kể câu chuyện về thầy Xá Lợi Phất. Tôn kính hình ảnh Phật làm cho quý vị gần chư Phật hơn về mặt tâm linh. Tôn kính hình ảnh, tượng Phật là điều rất quan trọng khi quy y. Khi quý vị tỏ lòng tôn kính hình ảnh Phật, về mặt tâm linh quý vị sẽ gần chư Phật hơn. Khi trong tâm quý vị gần Phật hơn thì vào thời điểm gian khổ nhất, Phật sẽ tự nhiên đến trong tâm chúng ta. Như tôi đã nói, thời điểm khó khăn nhất của một người chính là thời khắc lâm chung. Ở thời điểm đó, nghĩ đến Phật hoặc nghĩ đến Ruộng Phước sẽ tạo thiện nghiệp và từ đó quý vị sẽ chắc chắn có một tái sinh tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, tôn kính hình, tượng chư Phật là điều rất quan trọng. Khi tôn kính hình ảnh, tượng Phật, quý vị sẽ tạo rất nhiều thiện nghiệp trong cuộc sống.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có hai vương quốc kề cận nhau. Hai vị quốc vương thường tặng nhau những lễ vật quý báu. Lúc đó, một vị quốc vương tặng vị còn lại một cống phẩm rất quý giá. Ông vua được nhận quà rất bối rối vì ông không có món quà quý giá nào để tặng lại vị quốc vương kia. Ông ấy nghĩ sẽ tặng lại một bức ảnh rất đẹp của Đức Phật, vì lúc đó Đức Phật đang ở vương quốc của ông. Vua cúng dường một khu vườn cho Đức Phật, và vì vậy Phật sẽ cư ngụ ở khu vườn đó. Rồi vua mời họa sĩ tài hoa nhất trong vương quốc để vẽ Đức Phật, người họa sĩ này vẽ Phật rất đẹp. Có người đề nghị họa sĩ hãy ở gần Đức Phật để có thể phác họa Ngài dễ dàng hơn. Người họa sĩ đã thỉnh ý Phật để phác họa hình ảnh của Ngài. Sau đó, bức tranh Đức Phật được hoàn tất rất đẹp và vị vua tặng bức tranh cho ông vua bạn mình. Bất ngờ, khi vị vua kia thấy ảnh Đức Phật, do thiện nghiệp ông đã tích lũy từ trước, vị vua đó có cảm tình sâu sắc với Đức Phật, ông đến thăm Phật và trở thành một trong những đệ tử giỏi nhất của Ngài. Đây là một trong nhiều mẫu chuyện thú vị khi Đức Phật còn tại thế, từ đó chúng ta có thể hiểu tại sao ta cần sùng mộ và tôn kính hình ảnh Phật.
Một điều nữa là khi chúng ta cầu nguyện với chư Phật thì Ngài sẽ biết ngay lập tức. Khoa học có một thuật ngữ là thần giao cách cảm. Tôi nghĩ từ này đến từ tâm lý học. Thần giao cách cảm là sự truyền thông không qua lời nói mà qua tư tưởng. Tâm lý học thừa nhận hiện tượng này, truyền thông qua tư tưởng chứ không phải qua lời nói. Cũng như khi liên lạc qua máy tính, chúng ta không giao tiếp bằng lời nói của chính mình mà thông qua từ ngữ trên máy tính. Tương tự, khi tôn kính hình ảnh Phật, khi quán tưởng Ngài, nghĩ đến Ngài, chúng ta đang giao tiếp với Phật qua tư tưởng. Khi quý vị nghĩ đến Phật thì Ngài sẽ biết.
Vào thời Đức Phật tại thế, có một vị vua bị giam bởi chính con trai của ông. Trong lúc khốn khổ đó, vua đã cầu nguyện với Đức Phật. Khi vua cầu nguyện thì đột nhiên Đức Phật xuất hiện trong ngục. Vua nói với Phật rằng ông đang lâm vào tình thế khốn khổ, vì đứa con trai của ông đang muốn giết ông một cách gián tiếp bằng cách bỏ đói ông trong ngục. Ông đã sống sót trong thiền định mà không hề được ăn thứ gì cả. Đứa con trai rất kinh ngạc và hỏi tên cai ngục vì sao đức vua bị bỏ đói mà vẫn không chết, ông ấy đã làm gì trong ngục. Tên cai ngục thưa rằng đức vua luôn nhìn về hướng cửa sổ, và ô cửa sổ đó hướng thẳng đến đỉnh núi Linh Thứu. Khi đức vua nhìn về hướng núi Linh Thứu, ông thấy Đức Phật đang thuyết giảng rất nhiều giáo lý. Đứa con phá bỏ ô cửa sổ và xây một bức tường; tuy nhiên, khi đức vua cầu nguyện thì Đức Phật xuất hiện và ban cho ông nhiều lời khuyên. Khi ấy Đức Phật đã dạy, “Bất cứ ai gây ác nghiệp thì chính người đó phải gánh chịu hậu quả.” Sau khi nhận được lời khuyên của Đức Phật, đức vua đã tư duy và dần đạt được nhiều sự chứng ngộ. Chính vì vậy, khi chúng ta tỏ lòng tôn kính Đức Phật hay quán tưởng Ruộng Phước, chư Phật sẽ biết được ta đang cầu nguyện.
Một học giả vĩ đại của truyền thống Na-lan-đà (Nalanda) là ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói, “Đức Phật hiện diện ngay trước người nào có lòng sùng mộ Ngài.” Một bậc thầy vĩ đại thời xa xưa cũng đã dạy làm thế nào để biết được cách Đức Phật ban gia trì, và làm sao để biết lực gia trì mạnh hay yếu. Vị thầy đã dạy rằng điều đó tùy thuộc vào mức độ của lòng sùng mộ và tín tâm của quý vị. Khi tôn kính hình ảnh Phật hoặc khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị phải khởi tín tâm và lòng sùng mộ. Lực gia trì mạnh hay yếu tùy thuộc vào tín tâm của quý vị. Có một thử nghiệm rất đơn giản. Vị giáo sư đến lớp học với một cái chai. Ông ấy nói rằng trong chai này chứa khí ga rất mạnh. Ông ta sẽ mở chai để xem khí ga bay ra như thế nào. Ông ấy nói sẽ kiểm nghiệm tốc độ di chuyển của khí ga, và nếu có ai ngửi được mùi khí ga thì hãy giơ tay cho ông biết. Khi mở nắp chai, ông lấy khăn giấy che mũi lại. Khoảng 15 đến 20 giây sau, vài sinh viên ngồi ở hàng đầu giơ tay. Trong 5, 6 giây sau, vài sinh viên ngồi hàng ghế thứ hai cũng giơ tay. Sau vài phút, vài sinh viên ngồi hàng ghế cuối giơ tay. Sau đó, ông giáo sư bất ngờ bỏ khăn giấy che mũi và nói, “Xin lỗi các bạn, trong chai không hề có khí ga.” Tâm con người là như vậy; khi thật sự tin tưởng có khí ga thì họ ngửi được mùi của chúng. Tương tự, tín tâm vào Tam Bảo và Ruộng Phước là nguyên nhân then chốt để nhận gia trì. Nhận gia trì cũng giống như nhận năng lượng; khi nhận gia trì, điều đó cũng giống như nhận thêm năng lượng tích cực vào tâm quý vị. Năng lượng tích cực đó sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch, nó sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Điều đó có nghĩa là nó sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Lực gia trì, hay năng lượng tích cực, khi đi vào cơ thể sẽ tăng cường hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch khỏe khoắn, nó sẽ khống chế rất nhiều chứng bệnh và giúp chúng ta khỏe mạnh. Cũng như vậy, khi cơ thể tràn ngập năng lượng tiêu cực, quý vị sẽ cảm thấy mệt mỏi, tâm quý vị sẽ rất trì trệ dù quý vị không làm gì nặng nhọc. Quý vị sẽ cảm thấy tinh thần mỏi mệt. Quý vị cũng sẽ thấy mệt mỏi về thể chất khi cơ thể chứa nhiều năng lượng tiêu cực. Để làm cho hệ miễn dịch khỏe khoắn thì quý vị cần năng lượng tích cực.
Tôi có quen một người, tôi biết ông ấy rất rõ. Ông ấy là người Tây Tạng, một người rất tốt. Thỉnh thoảng tôi nói chuyện với ông ấy mỗi lần thấy ông ở cộng đồng người Tạng. Đặc biệt, ông ấy chăm sóc người nhiễm HIV. Ông ấy nói đối với những ca nhiễm HIV nặng thì tình hình bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào hệ miễn dịch của họ khỏe hay yếu. Người nào có hệ miễn dịch yếu sẽ chết sớm hơn. Tuy nhiên, ông ấy nói rất khó nói người nào có hệ miễn dịch khỏe hơn, dù họ dùng cùng một loại thuốc. Rất khó nói ai có hệ miễn dịch khỏe hơn và cũng rất khó để tìm giải pháp củng cố hệ miễn dịch. Ông ấy tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân HIV và đã nói với tôi như vậy. Ông ấy cũng nói rằng không thể dựa vào thức ăn để có được hệ miễn dịch khỏe khoắn. Nhận gia trì từ chư Phật bằng cách quán tưởng hào quang đi vào cơ thể qua đỉnh đầu chính là nhận năng lượng tích cực. Gia trì cũng chính là năng lượng tích cực; chúng ta nhận năng lượng tích cực và nó có tác động đến hệ thống miễn dịch.
Tôi trở lại chủ đề về quy y. Khi thực hành quán tưởng Tam Bảo và Ruộng Phước, quý vị sẽ nhận được năng lượng tích cực. Và như tôi đã nói, điều đó cũng tạo ra liên kết tâm linh giữa quý vị và chư Phật.
Chủ Nhật tuần tới tôi sẽ ban quán đảnh Văn Thù. Thông qua skype, quý vị không thể nhận quán đảnh toàn vẹn, tuy nhiên ít nhất quý vị cũng nhận được gia trì từ đức Văn Thù. Lễ quán đảnh sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Nếu có họ hàng hay trẻ nhỏ, quý vị có thể mời họ đến, điều đó rất tốt. Đức Văn Thù được xem là vị Phật của trí tuệ, do đó đối với trẻ nhỏ, nhận gia trì từ đức Văn Thù sẽ giúp tăng trưởng trí thông minh. Tuy nhiên, không có nghĩa là điều này không tốt cho người lớn. Già hay trẻ cũng từ tâm mà ra. Nếu quý vị cảm thấy mình trẻ trung như con nít thì quý vị trẻ như con nít. Lúc trước, trong tu viện, tôi hay chơi với mấy đứa trẻ khoảng 8-9 tuổi, chơi bóng với chúng. Đối với người lớn tuổi thì tôi phải hành xử như người lớn.
Tôi sẽ cầu nguyện cho những người vừa qua đời, cầu nguyện cho họ được tái sinh vào cõi tịnh độ. Về phần quý vị, quý vị cũng phải cầu nguyện. Có một chuyện buồn xảy ra vài ngày trước, khi tôi có buổi nói chuyện trong bệnh viện. Khi tôi vừa đến bệnh viện và bắt đầu buổi nói chuyện thì họ muốn tôi cầu nguyện và ban giới quy y cho một bệnh nhân, tôi nghĩ bệnh tình của người đó rất trầm trọng. Tôi nói là sẽ tiến hành sau buổi nói chuyện. Tuy nhiên, khi tôi vừa nói được khoảng 5 đến 10 phút thì người thân của bệnh nhân đến thông báo là bà ấy đã qua đời. Bây giờ, trong bài cầu nguyện của quý vị, quý vị hãy cầu nguyện cho bà ấy.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 11/12/2014.