17-11-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 45 - Ngày 17/11/2013

- Ác nghiệp thứ ba và thứ tư của lời nói: Nói lời thô ác, nói lời phù phiếm

- Ác nghiệp thứ nhất của tâm ý: Tham

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 

Tuần thứ 45

Như Thị Thất, ngày 17 tháng 11 năm 2013

 

Hôm nay, chúng ta bàn về ác nghiệp thứ ba trong bốn ác nghiệp của lời nói. Sau đó, chúng ta sẽ có thời cầu nguyện ngắn. Tôi không thể cùng quý vị cầu nguyện.

Ác nghiệp thứ ba của lời nói là nói lời thô ác. Khi quý vị nặng lời để làm tổn thương người khác, đó được xem là nói lời thô ác. Thông thường, người ta nặng lời khi nổi giận, cũng có lúc họ nói như vậy để trêu chọc người khác. Mỗi khi quý vị dùng lời lẽ thô ác với ý định làm người khác tổn thương, điều đó trở thành ác hạnh. Điều quan trọng nhất là quý vị phải cố gắng giảm thiểu và từ bỏ nói lời thô ác. Nếu không thể từ bỏ thì ít nhất quý vị cũng phải giảm thiểu. Đó chính là thời điểm quan trọng để thực hành Pháp. Không nói nặng lời với người khác là điều đơn giản và không quá khó; tuy nhiên, khi có người nặng lời với quý vị, việc kiểm soát cảm xúc của bản thân sẽ khó hơn và quan trọng hơn. Khi người khác nặng lời với quý vị, thông thường sẽ có hai tình huống xảy ra: quý vị sẽ nổi giận, hoặc quý vị sẽ rất buồn. Quý vị phải hiểu rằng lời nói không thể khiến bản thân mình đau khổ; điều đó tùy thuộc vào chính quý vị, cách quý vị tiếp nhận lời nói quan trọng hơn. Khi có người nói lời thô ác với quý vị, nếu nhìn nhận những lời nói đó thật nặng nề và nghiêm trọng thì chúng sẽ khiến quý vị đau khổ. Chính vì vậy, Đức Phật luôn khuyên rằng chúng ta không nên phản ứng khi bị lời nói của người khác làm tổn thương.

Ác nghiệp thứ tư của lời nói là nói lời phù phiếm. Khi có thời gian rỗi để trò chuyện, phần lớn thời gian quý vị nói những gì? Quý vị nói những điều không cần thiết, và bàn tán về khuyết điểm của người khác. Mỗi lúc có thời gian rỗi để trò chuyện với nhau, có lẽ phần nhiều thời gian quý vị sẽ nói về khuyết điểm của những người khác. Đó chính là nói lời phù phiếm, và quý vị phải giảm thiểu điều này.

Khi tôi nói về việc giảm thiểu nói lời phù phiếm, có một người phụ nữ nói với tôi nếu cô ta không nói về khuyết điểm của người khác thì cô không có hứng nói chuyện [Rinpoche cười]. Mỗi khi trò chuyện, cách quý vị trò cũng là điều quan trọng. Hôm nay, ở Bangalore, sau một buổi giảng tôi đến ăn trưa ở một khách sạn. Tôi ngồi ở giữa và thấy phần lớn phụ nữ ngồi bên tay phải của tôi, còn nam giới ngồi ở bên trái. Tôi đã quan sát và thấy phụ nữ nói nhiều hơn nam giới [Rinpoche cười]. Sau đó, tôi nghĩ nhóm nữ nói chuyện phiếm nhiều hơn. Về mặt sinh lý thì phụ nữ cũng nói nhiều hơn nam giới.

Đức Phật đã dạy một điều, cấu trúc sinh học ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của nam giới và nữ giới. Ví dụ, khi phụ nữ gặp khó khăn, cô ta thường muốn nói chuyện và chia sẻ với người khác. Đó là cách đương đầu với khó khăn của phụ nữ. Với nam giới, quý vị phải cẩn thận hơn về việc nói nặng lời với người khác. Bởi thông thường, khi nam giới gặp khó khăn, họ sẽ không nói ra, họ cố gắng im lặng; và một khi không còn giữ im lặng được nữa trước hoàn cảnh khó khăn thì họ sẽ rất dễ nói nặng lời. Tuy nhiên, với phụ nữ thì khi gặp khó khăn, họ muốn chia sẻ nên họ sẽ nói nhiều hơn; chính vì vậy phụ nữ phải cẩn trọng hơn về lời nói phù phiếm.

Đức Phật đã đặt ra những điều luật khác nhau đôi chút dành cho tăng và ni. Về cơ bản thì các giới luật đó giống nhau, nhưng cũng có những điểm khác biệt vì cấu trúc sinh học của nam giới và nữ giới đôi lúc làm cho họ có cách suy nghĩ khác nhau. Như tôi đã nói, khi nam giới gặp khó khăn hoặc căng thẳng, đau buồn, họ sẽ cố gắng giữ im lặng, muốn một mình tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Đó là cách nam giới đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng từ cấu trúc sinh học. Khi phụ nữ căng thẳng hoặc gặp khó khăn, cấu trúc sinh học khiến họ muốn nói ra vấn đề của mình. Chính vì phụ nữ thường bày tỏ tâm tư của mình nhiều hơn nên họ phải cẩn thận đối với việc nói chuyện phiếm. Nam giới phải cẩn trọng hơn đối với việc nặng lời với người khác, vì ở họ cơn giận rất dễ bị kích hoạt. Nam giới cần thận trọng với lời nói thô ác hơn là đối với lời nói phù phiếm.

Trong gia đình tôi, đôi khi ba tôi không nói chuyện nhiều và mẹ tôi cố nài nỉ ông nói chuyện. Rồi mẹ tôi càu nhàu về việc ba tôi ít nói [Rinpoche cười]. Nhưng đó là tâm sinh lý của nam giới; đôi khi họ muốn yên lặng và tận hưởng điều đó. Tuy nhiên, mẹ tôi lại nghĩ rất khác; bà ấy nghĩ ba tôi ít nói nghĩa là có vấn đề gì đó không ổn [Rinpoche cười].

Quý vị phải biết về tâm lý những người khác suy nghĩ ra sao, điều này khá rõ nhưng cũng có một số người không biết. Nhiều lúc mẹ tôi bị cảm, sốt… và ba tôi chỉ đưa thuốc cho mẹ tôi rồi thôi. Là phụ nữ, tâm lý mẹ tôi cần nhiều sự chăm sóc hơn. Chính vì vậy, tôi không chỉ đưa thuốc cho mẹ mà còn thường xuyên, cứ khoảng 15 hay 20 phút, hỏi thăm mẹ tôi, “Mẹ cảm thấy thế nào rồi?” hoặc tương tự. Lần nọ, mẹ tôi than phiền với ba tôi là tôi chỉ biết quan tâm đến mẹ nhưng lại không quan tâm đến ba và anh trai [Rinpoche cười]. Đối với ba tôi, tôi luôn nhìn vào mặt tích cực và luôn cố gắng cảm nhận những gì ông đã làm, và tôi hay nói với ông, “Ba thật sự rất tuyệt!” hoặc tương tự. Tuy nhiên, có những lúc mẹ tôi lại than phiền quá nhiều về những điều sai trái của ba tôi. Mẹ tôi đôi lúc muốn cải thiện ông, nhưng nhiều khi đối với tâm lý đàn ông thì đó lại là sự chỉ trích nặng nề, và ba tôi rất khó chấp nhận. Do đó, thỉnh thoảng tôi lại động viên ba tôi, “Ba rất tuyệt. Mọi điều ba làm đều rất tốt!” Đó là tâm lý của nam giới, họ khó lòng tiếp nhận những lời nhận xét trực tiếp về khuyết điểm của họ. Về tâm lý thì nam giới chấp ngã hơn một chút. Phật giáo thật sự là một môn khoa học, khoa học về đường lối tư duy. Một lần khác, mẹ tôi chỉ ra một trong những khuyết điểm của ba tôi nhưng ông cảm thấy rất khó chấp nhận. Tôi nghĩ tôi đã kể chuyện này với quý vị rồi. Tôi nói với ba tôi rằng ông phải luôn nói “Đúng rồi! Đúng rồi!”

Nói chung, trong việc hành trì hàng ngày, quý vị phải vô cùng cẩn trọng trong việc tránh phạm vào ác hạnh. Quý vị phải giảm thiểu ác hạnh, như vậy thì quý vị không những gặt hái kết quả trong đời sau, mà còn sẽ thấy có thay đổi và khác biệt lớn ngay trong đời này. Đối với việc nói lời thô ác, có những lúc quý vị phải nói nặng lời. Đôi lúc nói nặng lời lại là điều rất cần thiết, khi quý vị có trách nhiệm phải làm như vậy. Trong tu viện chúng tôi có một câu nói, “Ngay khi bạn nên nói nặng lời nhưng lại không thực hiện thì bạn đang đi ngược với Pháp.” Đôi lúc, khi quý vị là một vị thầy, khi phải quản lý tu viện, quý vị phải dùng lời lẽ nặng nề vì quý vị có trách nhiệm. Những lúc đó, nếu không nói nặng thì quý vị đang đi ngược với Pháp. Nói chung, quý vị không được nói dối, nhưng trong vài tình huống thì phải nói dối. Ví dụ, khi người thợ săn đang đuổi theo con nai và con nai chạy theo một hướng nào đó. Người thợ săn hỏi quý vị con nai chạy theo hướng nào, và trong tình huống đó quý vị không thể nói thật. Nếu nói thật thì sẽ gây tổn hại đến sinh mạng của con nai. Lúc đó, quý vị phải chỉ sai hướng để cứu con nai. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian, quý vị không nên phạm ác hạnh.

Đôi khi, phạm vào một ác hạnh nhỏ có thể mang lại lợi ích to lớn, trong những tình huống đó quý vị phải chọn phạm ác hạnh nhỏ, ví dụ như để cứu mạng người khác. Khi quý vị nói rằng mình đang thực hành lòng bi mẫn, điều đó không có nghĩa là quý vị phải thật thà và bi mẫn mọi lúc. Có một vị thầy vĩ đại ở Tây Tạng, ông đang du hành với một quyển kinh trên tay. Các quyển kinh ở Tây Tạng luôn khá dày. Vị thầy đang đi thì bất ngờ có một con chó chạy đến định cắn ông ta. Vị thầy lấy quyển kinh đánh con chó và ông đã khóc khi làm như vậy. Ông lấy quyển kinh đánh lên đầu con chó và nói, “Nguyện con chó này nhận được gia trì từ quyển kinh Phật.” [Rinpoche cười] Rõ ràng ông ta là một bậc thầy vĩ đại, ông có lòng bi mẫn đối với chúng sinh, nhưng trong tình huống đó thì ông không bao giờ để con chó cắn ông. Ông đánh con chó mà không hề nổi giận, và ông cũng cầu nguyện cho con chó nhận được gia trì từ quyển kinh Phật. Vị thầy ấy đã hành xử vô cùng đúng đắn.

Trong đời sống hàng ngày, đôi lúc chúng ta phải rất khôn khéo trong việc thực hành Pháp. Chúng ta phải biết chính xác thực hành như thế nào trong cuộc sống hàng ngày. Trong tu viện, khi chúng tôi phạt một tu sĩ, chúng tôi yêu cầu vị tu sĩ đó lễ lạy 50 hoặc 100 lần [Rinpoche cười]. Một mặt thì đó là hình phạt, mặt khác là để tịnh hóa ác nghiệp. Có lúc tôi phải nói nặng với đệ tử khi họ không hành xử đúng đắn; nhưng khi tôi nói nặng lời với một vài chú tiểu thì chúng lại cười! Rất khó [Rinpoche cười]. Chúng cười và thế là tôi cũng bắt đầu cười theo [Rinpoche cười]. Quý vị phải cẩn trọng khi quý vị dùng lời lẽ nặng nề với người khác. Nếu quý vị nổi giận, khi người khác cười thì quý vị sẽ càng giận dữ hơn. Quý vị sẽ không thể kiểm soát nếu nổi giận trong lúc dùng lời lẽ nặng nề. Nó sẽ trở nên rất tiêu cực.

Chúng ta đã hoàn tất nói về 7 ác nghiệp. Nói chung, quý vị phải giảm thiểu chúng, trừ một số tình huống đặc biệt. Ví như chất độc, quý vị không nên dùng chất độc, nhưng trong vài tình huống độc dược có thể giúp quý vị vượt qua bệnh tật. Khi bị rắn cắn, người ta sẽ tiêm thuốc được bào chế từ chính nọc độc của con rắn. Tôi sẽ nói với quý vị một điều, nhưng không phải hù dọa quý vị. Ở Nam Ấn có rất nhiều rắn hổ mang [Rinpoche cười]. Quý vị sẽ không bị cắn nếu không giẫm lên chúng. Quý vị phải cẩn thận một chút khi đến Nam Ấn [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ đã 2 hoặc 3 lần rắn hổ mang bò vào phòng tôi ở Nam Ấn [Rinpoche cười]. Nói chung, loài rắn hổ mang rất nguy hiểm nhưng chúng sẽ không trở nên hung hăng nếu quý vị không đụng đến chúng; chúng sẽ không tấn công quý vị. Chỉ khi nào quý vị giẫm lên chúng thì chúng sẽ cắn quý vị để tự vệ. Tôi đang nói về nọc độc của rắn; người ta sẽ dùng chính nọc độc của con rắn để bào chữa thuốc giải độc. Tôi nghĩ ở thành phố Hồ Chí Minh không có rắn. Khi tôi còn nhỏ, có một con rắn lục đến và bò quanh người tôi, từ cổ đến chân tôi. Theo đạo Hindu, là một truyền thống ngoài Phật giáo, loài rắn được đặt ở vị trí ngay cổ của các vị thần. Khi tôi mới khoảng 2-3 tháng tuổi, có một người theo đạo Hindu nhìn vào mặt tôi và nói rằng tôi sẽ trở thành một người rất xấu [Rinpoche cười]. Ác nghiệp cũng như chất độc, nhưng đôi lúc quý vị phải sử dụng đến chúng.

Chúng ta đã hoàn tất nói về 3 ác nghiệp của thân và 4 ác nghiệp của lời nói. Tiếp theo là 3 ác nghiệp của tâm ý.

Ác nghiệp thứ nhất của tâm ý là tham. Đó là một dạng ham muốn nhưng không phải ham muốn chính đáng. Có hai loại ham muốn: chính đáng và không chính đáng. Tham là dạng ham muốn rất sai lầm. Ham muốn chính đáng rất quan trọng, ngay cả Đức Phật cũng có những ham muốn chính đáng. Ngài muốn dẫn dắt mọi chúng sinh hữu tình ra khỏi luân hồi; đó là một ước muốn chính đáng. Khi quý vị có mong muốn được uống Pepsi hay Coca-Cola, không có gì sai trái đối với ham muốn như vậy. Chúng ta gọi đó là mong muốn chính đáng. Tôi sẽ cho quý vị ví dụ về ham muốn sai lầm. Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một người ăn xin đến trước cung điện của đức vua. Kẻ ăn xin luôn mong đến ngày vua từ trần, ông ta muốn vua chết bất thình lình và sau khi vua băng hà, vương miện sẽ thuộc về ông ta. Đó là một tham vọng vô cùng sai lầm. Thậm chí khi nhà vua qua đời thì cũng chẳng có lý do gì để trao vương miện cho kẻ ăn xin. Điều đó hoàn toàn là ảo mộng, tưởng tượng, bất khả khi; tuy nhiên vài người vẫn chạy theo những tham vọng hão huyền như vậy.

 

HỎI – ĐÁP

Hỏi: Nếu chúng ta nói điều gì đó và người khác cảm nhận đó là lời nói thô ác và bị tổn thương, nhưng chúng ta không cố ý nặng lời như vậy. Hành vi đó đúng hay sai?

Rinpoche: Đúng, bởi vì hành vi nói lời thô ác chỉ phụ thuộc vào ý định. Khi quý vị cố ý nói ra để làm tổn thương người khác thì mới là nói lời thô ác. Tuy nhiên, nếu quý vị không có ý định làm tổn thương họ, thì dù lời nói của quý vị có nặng nề đi chăng nữa, đó không được xem là nói lời thô ác. Ý định là điều quan trọng nhất. Thậm chí đối với từ như “Phật,” đối với những người có ác cảm với Đức Phật, nếu quý vị nói ra từ “Phật” sẽ khiến họ tổn thương. Với những ai thờ phụng “Chúa”, nếu quý vị nhắc đến “Chúa” họ sẽ rất vui.

 

Hỏi: Những vị tướng có nhiệm vụ bảo vệ đất nước phải tham chiến và giết rất nhiều người thì họ có phạm ác nghiệp sát sinh không?

Rinpoche: Trong tình huống này, quý vị phải nhìn theo hai quan điểm. Nói chung, chiến tranh là một trong những điều tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu quý vị nhìn vào thế giới loài thú, không có chiến tranh. Chúng có gây hấn với nhau, nhưng những cuộc tàn sát trên diện rộng sẽ không diễn ra trong thế giới loài thú. Chiến sự chỉ diễn ra ở thế giới loài người mà thôi. Trong thế giới loài người, người ta tạo lập bè phái và gây chiến với nhau. Trong chiến tranh, cả hai phe đều tổn thất; tuy nhiên phe nào tổn thất nhiều hơn được gọi là phe chiến bại, còn phe nào ít mất mát hơn được xem là phe chiến thắng. Thực tế thì cả hai phe đều thua cuộc. Đó là một điều rất đáng buồn. Ở Nepal đã từng có nội chiến khoảng 10 năm trước. Khi quý vị can dự vào chiến sự, việc chiến đấu chẳng giúp ích gì cho quý vị, khi đó quý vị phải nghĩ rằng riêng bản thân mình phải giảm thiểu ác nghiệp sát sinh. Chỉ có quý vị mới làm được điều đó. Đó là điều quý vị cần tư duy khi buộc phải can dự vào chiến sự. Khi quý vị giết loài thú, chẳng hạn như một con chó, và vui sướng, thỏa mãn về hành vi giết con chó, thì đó là một ác nghiệp nặng nề. Tuy nhiên, nếu quý vị giết con chó với lòng bi mẫn thì đó có thể cũng là một ác nghiệp nhưng nhẹ hơn.

Cảm ơn tất cả quý vị! Tôi sẽ dừng ở đây. Tôi phải đến nơi khác để tiến hành cầu nguyện.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 28/02/2015.