17-03-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 23 - Ngày 17/03/2013

- suy niệm về sự quý báu của kiếp người

- suy niệm về tính vô thường của kiếp người quý báu

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải ­

Tuần thứ 23

Như Thị Thất, ngày 17 tháng 03 năm 2013

 

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục phần suy niệm về kiếp người quý báu. Tôi nghĩ lần trước tôi có giao bài tập về nhà. Quý vị có nhớ không? Tôi hy vọng tất cả quý vị đều đã làm bài tập về nhà. Thời xưa, khi giảng Phật pháp thì các vị thầy yêu cầu đệ tử thiền quán về một chủ đề nào đó, rồi cho đệ tử 3 đến 7 ngày để hành thiền. Sau đó, vị thầy sẽ thảo luận về kinh nghiệm của đệ tử và đưa ra thay đổi trong các bước hành thiền. Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về kiếp người quý báu. Hôm nay quý vị có trà không? Quý vị có trà nóng không? Hôm nay chúng ta sẽ có một thời Pháp ngắn vì tôi có việc khác phải làm.

Chúng ta đã có được kiếp người, điều đó rất quý báu, như tôi đã nói lần trước. Khi đã có được kiếp người quý báu thì chúng ta phải biết hai điều. Thứ nhất, như tôi đã từng nói, chúng ta phải ý thức được kiếp người rất quý báu; và thứ hai, bởi vì kiếp người quý báu đến vậy, chúng ta phải làm những điều tốt đẹp nào. Trong cuộc sống, chúng ta luôn nghĩ “Mình sẽ làm việc tốt, sẽ và sẽ.” Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy về vô thường. Chúng ta đã có được kiếp người, nhưng nó không trường tồn, vì vô thường. Chúng ta cần hiểu rằng mọi sự đều vô thường. Không có gì là mãi mãi. Khi mất đi người thân cận, chúng ta thật sự rất buồn. Đó là bản tính con người. Nói chung, chúng ta phải hiểu vạn pháp đều vô thường. Có một câu chuyện nổi tiếng về vị thầy Sufi. Tôi nghĩ quý vị quý vị đã từng nghe. Sufi là một tôn giáo ở vùng Trung Đông. Thời xa xưa có một tôn giáo được gọi là đạo Sufi. Có một câu chuyện rất nổi tiếng về một vị thầy Sufi. Ông ta đến thăm cung điện của nhà vua ở Ả-rập. Trước khi được vào, ông ta bị chặn lại trước cung điện. Ông ta nói lính gác hãy cho ông vào nhà trọ. Khi bị chặn lại thì ông ta đã la hét. Lính gác nói rằng ông bị điên rồi, vì đây không phải là nhà trọ mà là cung điện của đức vua, nên ông không thể vào nếu không được vua cho phép. Vị thầy la khá to, ông vẫn liên tục nói hãy cho ông vào nhà trọ. Sau đó, cuộc cãi vã đến tai vua. Vua truyền lính gác hãy cho vị thầy vào cung. Khi vị thầy vào cung, nhà vua hỏi tại sao ông lại la hét và đòi vào nhà trọ này, đây là cung vua, ông phải hiểu chứ. Vị thầy nói với vua, “Tôi đến đây và nói rằng đây là nhà trọ. Tôi có thể minh chứng.” Vua nói với vị thầy rằng ông hoàn toàn điên loạn rồi. Lúc đó vị thầy Sufi mới hỏi vua, “Khi tôi đến đây 20 năm về trước, lúc đó ngài không ngồi trên ngai đó. Vậy thì khi đó ai đang ngồi trên ngai?” Vua nói rằng đó là người ông của vua. Rồi vị thầy hỏi câu thứ hai, “Khi tôi đến đây 10 năm về trước, Ngài cũng không ngồi trên ngai đó. Lúc đó ai là người ngồi trên ngai?” Rồi vị thầy nói rằng hiện tại nhà vua đang ngồi trên ngai, nhưng nếu ông lại đến sau 10 năm nữa thì vua không còn ngồi trên ngai nữa, mà là một người khác. Chính vì vậy, ông gọi đó là nhà trọ, vì người ta cứ đến rồi lại đi.

Như tôi đã từng nói, thế giới này như một nhà trọ. Hàng triệu người đến rồi lại ra đi. Chúng ta có khoảng thời gian nhất định để đến rồi phải ra đi. Trước khi từ giã cõi đời, chúng ta nên có một cuộc sống rất tốt đẹp và hạnh phúc. Đó là điều quan trọng nhất. Mọi khoảnh khắc đều vô thường, quý vị phải nhớ như vậy. Mọi khoảnh khắc sẽ qua đi, vì vậy quý vị phải hiểu rằng kiếp người quý báu này rồi cũng sẽ kết thúc. Trước khi cuộc đời chấm dứt, chúng ta phải làm việc tốt, phải sống đúng đắn. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy về vô thường, nghĩa là chết là điều chắc chắn. Chúng ta không thể thoát khỏi cái chết, chúng ta phải chấp nhận điều này. Chúng ta không cần nghĩ nhiều về việc mình sẽ chết, mà điều quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì trước khi chết. Đây là điều quan trọng nhất quý vị cần biết, và cũng là câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta.

Tôi không biết ở Việt Nam, con số 4 là số may mắn hay đen đủi? [Người dịch: Người Việt Nam chú ý đến số 4, chỉ có người Trung Hoa quan tâm thôi.] Số 8 có phải là số may mắn ở Việt Nam không? [Người dịch: Người Việt thích số 9 hơn.] Ở Trung Hoa, người ta cho rằng số 4 là số đen đủi vì số 4 được phát âm giống với “chết” trong tiếng Trung Hoa [Rinpoche cười].

Trong đạo Phật, chúng ta bàn về vô thường. Chúng ta phải tự nhắc nhở bản thân, như tôi đã nói lần trước, cho dù chỉ còn một ngày để sống thì khi thức dậy chúng ta phải cảm thấy sung sướng vì mình đã không chết vào ngày hôm qua. Chúng ta phải sung sướng vì mình chưa chết, mình còn thêm một ngày nữa để sống. Khi tâm niệm rằng mình chưa chết, quý vị sẽ cảm nhận niềm vui của sự sống trong từng khoảnh khắc. Khi không nghĩ đến vô thường thì mọi khoảnh khắc không còn là niềm vui được sống nữa. Khi nghĩ rằng ngày hôm nay mình vẫn chưa chết, quý vị sẽ cảm thấy hạnh phúc được sống thêm một ngày nữa. Tâm rất lạ; quý vị có thể khiến tâm hạnh phúc từ bên trong, và quý vị cũng có thể khiến tâm đau khổ từ bên trong. Điều đó tùy thuộc vào quý vị. Có một chứng bệnh gọi là chứng rối loạn tinh thần (psychosis), là một bệnh tâm lý. Khi mắc bệnh thì người bệnh luôn nghĩ có ai đó sắp làm tổn hại mình, vì vậy họ luôn sợ hãi và khiến bản thân đau khổ. Rối loạn tinh thần là khi quý vị bị ám ảnh về điều gì đó và nó khiến cho quý vị nhìn thấy quá nhiều điều tiêu cực trong thực tế. Cách quý vị tư duy tạo ra rất nhiều thay đổi. Khi quý vị suy nghĩ đúng đắn thì sẽ có rất nhiều niềm vui đến trong tâm. Khi suy nghĩ lầm lạc và tiêu cực thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng. Rối loạn tinh thần không phải là một chứng bệnh mà quý vị có thể bị lây nhiễm từ người khác.

Có một bài ca của ngài Milarepa, Ngài đã hát rằng “khi tôi ở trong hang động rỗng không, có rất nhiều niềm vui đến với tâm tôi.” Khi Phật giáo nói đến vô thường, chúng ta chỉ có một khoảng thời gian nhất định để sống, và chúng ta không biết khi nào cái chết sẽ đến. Khi nghĩ đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn sống, mình vẫn chưa chết, thì chúng ta sẽ có rất nhiều lý do để cảm thấy sung sướng và hạnh phúc. Có một điều lạ trong cuộc đời tôi, khi tôi nói chuyện với một bệnh nhân bị bất ổn về tinh thần. Thường thì với mọi câu hỏi, anh ta đều đưa ra câu trả lời không liên quan đến câu hỏi. Tuy nhiên, khi tôi hỏi “Anh có hay cảm thấy sợ hãi không?” thì anh nói rằng anh ta sợ chết nhất. Thậm chí với người tâm trí không ổn định thì họ vẫn cảm nhận được nỗi sợ chết rất mãnh liệt. Vô thường không có nghĩa là chúng ta phải sợ. Vô thường đang dạy cho chúng ta trước khi chết phải sống đúng đắn, tử tế và sống hạnh phúc. Đó là điều quan trọng nhất chúng ta cần nghĩ đến. Lần trước, tôi nói rằng đôi lúc chúng ta quên mất mình may mắn đến thế nào. Quý vị có thể thấy Lamrim dạy về sự quý báu của kiếp người. Ngay cả kiếp người quý báu cũng vô thường. Vô thường nghĩa là không tồn tại mãi mãi. Trước khi kiếp người quý báu này chấm dứt, chúng ta phải làm việc tốt, sống đúng đắn. Đây là điều quý vị phải suy đi nghĩ lại trong tâm mình. Khi tâm quý vị bình ổn và an lạc, chắc chắn sức khỏe thể chất của quý vị cũng tốt hơn nhiều. Khi tâm bị phiền não thì nó sẽ làm tổn hại đến thân thể quý vị.

Quý vị từng nghe nói đến Plato chưa? Ông ta là một triết gia phương Tây. Ông nói rằng sai lầm lớn nhất của các nhà vật lý là chỉ cố gắng nghiên cứu vật lý mà bỏ qua tâm lý. Một điều quan trọng là quý vị phải có sức khỏe thể chất tốt. Để có sức khỏe tốt thì quý vị cũng cần nghĩ xem mình phải tư duy thế nào. Khi có quá nhiều sự căng thẳng trong tâm thì nó sẽ thật sự làm tổn hại đến thân thể. Thời Đức Phật tại thế, người ta nói nhiều đến tâm lý, các kỹ thuật hành thiền; những điều đó tôi xem là bài thể dục cho tâm. Điểm thứ hai, khi tôi nói về vô thường, vô thường là một điểm mang lại cho chúng ta rất nhiều hy vọng. Ví dụ, khi quý vị gặp vấn đề, nếu nhìn vào tính vô thường của vấn đề thì quý vị sẽ cảm thấy mình có thể vượt qua nó. Mỗi khi nhìn nhận vấn đề của mình, quý vị không nên nghĩ rằng chúng sẽ hiện diện mãi mãi. Quý vị phải nhìn vào khía cạnh vô thường. Khi gặp nghịch cảnh thì chúng ta không lúc nào nhìn vào mặt vô thường của nó. Khi nhìn vào tính vô thường của nghịch cảnh, nó sẽ không tồn tại mãi mãi, nghĩa là chúng ta có thể vượt qua nó. Như vậy thì chúng ta có hy vọng. Điểm quan trọng nhất là mỗi ngày quý vị phải nhìn vào vô thường. Quý vị có thể thấy có rất nhiều biến cố xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Chúng là một phần của cuộc sống. Bất cứ nghịch cảnh nào xảy đến, chúng ta cũng phải nghĩ đến tính vô thường của nó. Khi nhìn vào khía cạnh vô thường, quý vị nghĩ rằng nó sẽ không tồn tại mãi mãi, nó sẽ thay đổi.

Tôi nghĩ quý vị đều nhớ câu chuyện tôi kể khi ở Hồ Chí Minh lần trước, về một cậu bé đã tự sát. Khi cậu ta muốn gặp tôi thì tôi đang rất bận. Tôi hẹn gặp cậu sau một tháng. Sau đó hai tuần thì tôi nghe tin cậu đã tự sát. Tôi nghĩ quý vị đều nhớ câu chuyện này. Quý vị có nhớ không? Vài ngày sau khi biết tin, tôi cảm thấy rất căng thẳng. Tôi nghĩ tại sao tôi lại hẹn cậu ấy sau một tháng. Tôi nghĩ nếu gặp cậu ta sớm hơn hai ngày thì tôi đã có thể cứu cậu ấy. Tôi đã không thể làm gì cả. Sau này, tôi nghĩ rằng thông điệp của đạo Phật cần phải được chuyển tải đến nhiều người hơn. Từ đó, tôi bắt đầu giảng dạy tại nhiều nơi khác nhau, như các trung tâm cai nghiện, nhà tù, và trại giam. Tôi nghĩ đó là những thông điệp rất quan trọng tôi cần chuyển tải đến mọi người, không riêng gì Phật tử. Đây là chuyện xảy ra ở Đài Loan. Tôi giảng dạy tại một nhà tù dành cho trẻ vị thành niên. Chúng tôi thảo luận về đường lối tư duy nói chung, tôi đã nói về chủ đề đó. Tôi cũng đã nói đến vô thường, tôi nói với những người tù rằng họ sẽ không bị giam ở đó mãi mãi. Họ phải nghĩ rằng tình trạng sẽ thay đổi và tươi sáng hơn trong tương lai. Có một cô gái khoảng 16-17 tuổi. Khi tôi hỏi các bạn muốn làm gì sau khi ra khỏi tù thì cô gái đó trả lời cô muốn mở một nhà hàng và sẽ cho tôi ăn miễn phí mỗi khi tôi đến đó [Rinpoche cười]. Tôi nói các bạn hãy ghi câu hỏi ra giấy, và có một câu hỏi rất buồn. Cậu ấy nói rằng cậu phải chịu án phạt rất dài, cậu không thể ra khỏi nhà tù trong suốt đời này; sống như vậy để làm gì. Cậu ấy muốn chết, và hỏi tôi cậu phải suy nghĩ ra sao. Đó là ví dụ cho việc không hiểu sự quý báu của kiếp người. Khi đã có kiếp người quý báu, quý vị ở nơi nào không quan trọng, quý vị suy nghĩ như thế nào mới là điều quan trọng nhất. Bây giờ hãy nhìn lại bản thân, chúng ta không giống như vậy, chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi đâu, có thể tự do nói chuyện. Nhìn vào điểm này thì quý vị sẽ thấy mình may mắn đến chừng nào. Sau câu chuyện cậu thanh niên đó thì tôi cảm nhận hai điều. Thứ nhất là quan điểm của cậu ta thật đáng buồn. Thứ hai là nhìn từ phía bản thân tôi, dù cuộc sống có thay đổi ra sao, tôi luôn cảm thấy may mắn. Chính vì vậy Đức Phật đã dạy về vô thường và Ngài không dọa chúng ta. Ngài chỉ muốn dạy rằng chúng ta có một khoảng thời gian giới hạn để sống, nghĩa là chúng ta không nên phí phạm thời gian của mình. Đó là thông điệp quan trọng nhất Đức Phật muốn gửi đến chúng ta. Có một câu nói, “Thời gian bạn hoang phí sẽ vĩnh viễn mất.”

Bây giờ, chết là điều chắc chắn. Sau khi chết thì điều gì có thể giúp chúng ta? Chỉ có nghiệp mới có thể giúp chúng ta. Thiện nghiệp giống như những hạt giống mà ta gieo xuống, chúng sẽ phát triển trong tương lai. Làm sao chúng ta có thể nói rằng thiện nghiệp sẽ giúp mình sau khi chết? Ở điểm này, chúng ta phải nhìn nhận rất sâu xa. Ví dụ, khi chúng ta nói dối thì đó là một bất thiện nghiệp. Khi quý vị nói dối nhiều quá thì chuyện gì sẽ xảy ra? Quý vị sẽ đánh mất uy tín. Khi luôn nói sự thật thì quý vị chiếm được lòng tin của người khác. Điểm này chúng ta chấp nhận được vì chúng ta có thể nhìn thấy. Điểm này rất thực tế. Chiếm được lòng tin của người khác là điều mà chúng ta ai cũng muốn. Điều đó rất tốt. Để đạt được kết quả tốt thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải hành động tốt. Để có kết quả xấu thì chúng ta làm gì? Chúng ta phải hành động xấu. Đây là một sự thật tổng quát. Đôi khi, trong cuộc sống chúng ta phải đối mặt với những khó khăn mà mình không thể lý giải được. Tôi sẽ kể cho quý vị một sự kiện có thật từ một tờ báo. Khoảng vài năm trước, ở Đài Loan, một người đàn ông tính tự sát bằng cách nhảy khỏi một tòa nhà. Ông ta nhảy xuống và rơi trúng một người khác. Người đàn ông muốn tự sát vẫn còn sống, nhưng người kia thì đã chết. Chuyện gì đã xảy ra? Đôi lúc, nghiệp vận hành rất lạ. Tại sao ông ấy lại rơi trúng người đó? Vì sao ông ấy không rơi trúng một người khác? Người đang đi bên dưới đã chết do nghiệp. Nghiệp vượt ra khỏi mọi sự lý giải của chúng ta. Tôi thấy trên báo có đăng một tin, có một người bị đạn ghim vào đầu suốt 72 giờ vẫn không chết. Điều đó rất lạ. Tại sao anh ta lại không chết thậm chí khi có một viên đạn ghim vào não? Đây là vấn đề về nghiệp. Có lẽ thiện hạnh mà anh ta đã làm trong quá khứ đã giúp anh sống sót, thậm chí khi bị bắn vào đầu.

Nhiều năm trước, tôi đến một cửa hàng ở Nam Ấn. Chủ cửa hàng gặp vấn đề về chân của ông. Chân ông ấy bị gẫy, phải mất 3-4 tháng để hồi phục. Lúc đó ông ấy đã khá hơn nhiều. Tôi hỏi ông ấy vì sao chân ông lại bị gẫy. Ông ấy nói rằng lúc đang ngủ, ông ta rơi từ trên giường xuống. Nhiều người nói với ông ta là chuyện đó thật lạ. Có nhiều người rơi từ lầu một xuống vẫn không sao, chỉ cần tiếp đất đúng tư thế; còn ông chủ cửa hàng chỉ rơi từ trên giường xuống mà đã bị gẫy chân [Rinpoche cười]. Nếu quý vị hỏi tại sao ông ấy chỉ rơi từ trên giường xuống mà đã bị gẫy chân, thì điều này có liên quan đến nghiệp. Bởi ác nghiệp nặng nề từ kiếp quá khứ nên ông ấy phải bị như vậy. Rơi từ trên giường xuống chỉ là một tai nạn. Thực tế, ông ấy mang ác nghiệp nặng nề, và tai nạn đó kích hoạt nghiệp của ông ta. Nghiệp là một điểm mà chỉ có Đức Phật mới thấu suốt hoàn toàn. Khi chúng ta tạo thiện nghiệp, nó sẽ giúp chúng ta sau khi chết. Khi chết, chúng ta chỉ có thể mang theo hai thứ: thiện nghiệp và ác nghiệp. Chỉ có thiện nghiệp mới có thể giúp chúng ta.

Chúng ta đã có kiếp người quý báu, do đó chúng ta có rất nhiều lý do để vui sướng. Tuy nhiên, kiếp người quý báu không trường tồn bởi nó vô thường, vì vậy chúng ta phải nghĩ mình còn sống được bao nhiêu ngày, bao nhiêu năm nữa, mình phải sống như thế nào? Chúng ta phải sống đúng đắn, sống tử tế và hạnh phúc. Nếu nhìn nhận theo cách này thì quý vị sẽ cảm thấy vui sướng hơn. Khi rảnh rỗi quý vị suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, tự quý vị sẽ biết. Khi rảnh rỗi, chúng ta thường nghĩ nhiều hơn đến những điều tiêu cực, chúng ta nghĩ đến khuyết điểm của người khác, lỗi lầm của người khác, và tất cả mọi điều tiêu cực. Điều đó có nghĩa là cái nhìn của chúng ta về cuộc đời rất tiêu cực. Nó làm cho tâm ta thêm căng thẳng. Những tư tưởng không cần thiết sẽ gây ra sự căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Những tư tưởng tiêu cực không cần thiết nảy sinh vì chúng ta nói quá nhiều về khuyết điểm của người khác. Ở tu viện, tôi thường trò chuyện với các chú tiểu trong khoảng 1-2 giờ vào buổi tối khi chúng tôi rảnh rỗi. Hầu như mọi khi, đề tài của các chú tiểu là trò chơi, chúng giới thiệu với tôi rất nhiều trò [Rinpoche cười]. Có một trò gọi là criket, khá nổi tiếng ở Ấn Độ và Nepal. Chúng nói rất nhiều các trò chơi, nên tôi cũng biết kha khá [Rinpoche cười]. Tôi không nghĩ ở Việt Nam có trò này. Tôi nghĩ quý vị chơi bóng chày nhiều hơn phải không? Trò criket giống bóng chày nhưng không phải là bóng chày. Trong tu viện, các chú tiểu nói rất nhiều về nó. Dần dần thì tôi biết khá rõ về trò chơi này. Cũng giống như vậy, khi quý vị nói quá nhiều về những điều tiêu cực thì quý vị sẽ có nhiều tư tưởng tiêu cực hơn. Chính vì vậy, Phật pháp nói nhiều hơn về cách nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề. Khi quý vị nói nhiều hơn về những điều tích cực thì thiện niệm sẽ tự nhiên đến trong tâm ta.

Như tôi đã nói, hôm nay chúng ta có buổi học ngắn. Những ai phải ra về thì quý vị có thể về; những ai không vội thì quý vị có thể tụng nghi quỹ Quan Âm Pháp. Ở đây có vài câu hỏi, tôi sẽ trả lời lần sau. Bài tập về nhà hôm nay, quý vị hãy suy nghĩ về tính vô thường của mọi vấn đề. Quý vị phải nhìn nhận như vậy. Dần dần nó sẽ trở thành thói quen, lúc đó thì mỗi khi nghịch cảnh đến, tâm quý vị tự nhiên thấy chúng cũng vô thường, và quý vị sẽ có thêm nguồn động viên. Bài tập hôm nay cũng bao gồm việc suy nghĩ nhiều hơn đến mặt tích cực. Quý vị có thể đọc nghi quỹ Quan Âm Pháp và tụng câu chú. Khi tụng chú quý vị có thể quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện. Tôi nghĩ quý vị đã biết tất cả nên tôi không phải nói nữa [Rinpoche cười]. Người Tây Tạng có một câu nói, “Giờ thì trò đã trở nên giỏi hơn thầy.” Tôi nghĩ quý vị cũng đang trở nên giống như vậy, quý vị đang dần trở nên giỏi hơn tôi rồi [Rinpoche cười]. Cảm ơn quý vị! Hẹn gặp lại!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 24/10/2014.