17-02-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 19 - Ngày 17/02/2013

- phẩm tính của Đạo Sư và của đệ tử

- cách lắng nghe Pháp

- nương tựa Bậc Thầy trong ý nghĩ và qua hành động

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải ­

Tuần thứ 19

Như Thị Thất, ngày 17 tháng 02 năm 2013

 

NGÀY THỨ 7

Trước hết, tôi gửi lời chúc mừng năm mới đến tất cả quý vị. Hôm nay là thời pháp đầu tiên của năm mới, tôi nghĩ chúng ta nên cầu nguyện trước khi bắt đầu buổi học. Thông thường, vào dịp năm mới, tôi sẽ tụng bài cầu nguyện Lhamo. Vì hôm nay là buổi học đầu tiên của năm mới nên tôi sẽ cầu nguyện trước khi chúng ta bắt đầu. Bài cầu nguyện tôi sắp tiến hành là bài cầu nguyện với vị bổn tôn Palden Lhamo. Trong lúc tôi cầu nguyện, về phía quý vị, quý vị hãy cầu nguyện mọi chướng ngại trong năm nay sẽ được tiêu trừ, không chỉ tiêu trừ chướng ngại của quý vị mà còn tiêu trừ mọi chướng ngại của hết thảy chúng sinh nữa. Hãy tư duy như vậy.

Thông thường, khi cầu nguyện, nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện thì bài cầu nguyện sẽ hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trong tu viện, mỗi khi quý vị thỉnh chư tăng cầu nguyện thì toàn bộ tăng chúng sẽ tụ họp lại một nơi để cùng nhau cầu nguyện. Khi quý vị thỉnh chư tăng cầu nguyện trong tu viện thì các vị tăng không cầu nguyện riêng lẽ. Khi quý vị cầu nguyện cùng nhau thì bài cầu nguyện sẽ hiệu quả hơn.

Bây giờ tôi sẽ tiến hành cầu nguyện. Về phần quý vị, quý vị hãy cầu nguyện từ trong tim mình; còn tôi sẽ cầu nguyện bằng miệng [Rinpoche cười].

[Cầu nguyện]

Hôm nay, chúng ta tiếp tục quyển Giải thoát trong lòng tay. Chúng ta sẽ bàn về pháp hành đầu tiên, đó là Phụng sự Đạo Sư. Điểm này nói về cách quý vị hành xử với Đạo Sư và cách lắng nghe Pháp. Đây là bước thực hành đầu tiên trong quyển Giải thoát trong lòng tay.

Trong thực hành lamrim, quý vị có thể thấy pháp hành quan trọng đầu tiên là Phụng sự Đạo Sư. Điểm này nói về cách thức duy trì mối liên hệ giữa Thầy và trò. Quý vị cần phải biết định nghĩa của “Đạo Sư,” và những phẩm chất của Đạo Sư và của đệ tử. Có hai điểm quan trọng quý vị cần hiểu trong chương này, đó là phẩm tính của Đạo Sư và định nghĩa của “đệ tử.” Lamrim đề cập rằng trong Phật pháp, Đạo Sư phải có 10 phẩm tính để trở thành một vị Đạo Sư thật sự hoàn hảo. Đệ tử phải có 3 phẩm tính.

Trong 10 phẩm tính của một vị Đạo Sư,

-  phẩm tính thứ nhất là vị Đạo Sư phải có đức hạnh. Vị Thầy phải trì giới rất nghiêm ngặt. Khi vị Thầy không nghiêm chỉnh tuân theo tất cả giới luật, chúng ta có thể nói rằng vị ấy không đủ tư cách để trở thành một Đạo Sư hoàn hảo;

-  phẩm tính thứ hai là vị Đạo Sư phải có trí tuệ;

-  phẩm tính thứ ba là vị Đạo Sư phải có khả năng định tâm rất tốt.

Đây chính là ba phẩm tính chính yếu của một vị Đạo Sư. Khi vị Thầy không tuân theo giới luật đúng đắn thì vị ấy sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đệ tử. Trong ba phẩm tính này, nghiêm trì giới luật là phẩm tính quan trọng bậc nhất.

Như tôi đã nói, có 10 phẩm  tính để trở thành một vị Đạo Sư,

-  phẩm tính thứ tư là vị Đạo Sư phải làm chủ được tâm ý của chính mình;

-  phẩm tính thứ năm là vị Đạo Sư phải có lòng bi mẫn đối với đệ tử;

-  phẩm tính thứ sáu là mỗi khi ban giáo huấn, vị Đạo Sư phải am hiểu tường tận giáo pháp mình giảng dạy;

-  phẩm tính thứ bảy là vị Đạo Sư phải có khả năng diễn thuyết rất tốt;

-  phẩm tính thứ tám là vị Đạo Sư phải rất nỗ lực trong việc giảng dạy, không được cảm thấy mệt mỏi khi phải ban nhiều thời Pháp.

Đó là những phẩm tính quan trọng cần có để trở thành một Bậc Thầy hoàn hảo. Một điểm khác quý vị cần biết là phẩm tính của đệ tử. Đệ tử có ba phẩm tính:

-  phẩm tính thứ nhất là đệ tử phải có tâm không định kiến;

-  phẩm tính thứ hai là đệ tử phải thích thú việc học Pháp;

-  phẩm tính thứ ba là đệ tử phải có khả năng phân tích.

Đó là ba phẩm tính quan trọng. Bây giờ có một câu hỏi: Khi nào thì quý vị trở thành một vị Đạo Sư, hoặc trở thành một người đệ tử? Một người sẽ trở thành Đạo Sư của quý vị khi quý vị lắng nghe bất cứ giáo huấn nào từ vị ấy, và trong tâm quý vị chấp nhận xem vị ấy là thầy của mình. Khi đó, vị ấy trở thành Đạo Sư của quý vị.

Bây giờ, quý vị phải biết cách nghe Pháp. Có nhiều cách để lắng nghe Pháp. Quý vị phải tránh 3 lỗi lầm sau đây:

-  lỗi lầm thứ nhất là không lắng nghe Pháp, đó là khi quý vị đến tham dự một thời Pháp nhưng không nghe Pháp mà lại nghĩ đến chuyện khác.

-  lỗi lầm thứ hai là quý vị nghe Pháp nhưng lại không ghi nhớ trong tâm những điều đã nghe. Tôi thấy ở Việt Nam, trong các buổi giảng, quý vị có ghi chép lại, nhưng điều quan trọng nhất là phải ghi chú trong tâm, chứ không phải trong quyển vở. Sau khi ghi chú vào vở, quý vị phải chuyển tất cả vào tâm mình. Khi ghi chú, điều quan trọng nhất là đưa những nội dung đó vào tâm quý vị.

-  lỗi lầm thứ ba là trong lúc nghe Pháp, quý vị lại có nhiều ác niệm trong tâm mình.

Quý vị rõ rồi phải không? Rõ? [Rinpoche hỏi “Rõ?” bằng tiếng Việt và Ngài cười.]

Khi nghe Pháp, quý vị cần lắng nghe và áp dụng Pháp vào cuộc sống hàng ngày. Đó là điểm quan trọng thứ hai. Về phía người đệ tử, chúng ta đang bàn về việc phụng sự Đạo Sư, cách nương tựa vào Đạo Sư. Có hai cách nương tựa vào Đạo Sư: Nương tựa vào Đạo Sư trong ý nghĩ và nương tựa vào Đạo Sư qua hành động. Khi nương tựa Đạo Sư qua ý nghĩ, quý vị phải xem Đạo Sư là hiện thân của Pháp và Phật. Như quý vị có thể thấy trong Giải thoát trong lòng tay, kinh văn nói rằng quý vị phải xem, hoặc nghĩ rằng Đạo Sư của mình là hiện thân của Pháp và Phật. Đây là một trong những điểm quan trọng nhất quý vị phải biết.

Có nhiều hạng đạo sư. Đôi khi, họ không phải là đạo sư chân chính, quý vị phải làm gì? Điều quan trọng nhất là, như tôi đã từng nói, để biết bậc thầy đúng đắn hay lầm lỗi, quý vị phải nhìn vào những phẩm tính của thầy, xem thầy có hành xử đúng theo Phật pháp hay không. Đó chính là cách quý vị nhận biết một vị thầy đúng đắn hay lầm lỗi. Đối với những người nghiện rượu, họ nhìn những vị đạo sư không uống rượu và cho rằng những vị ấy không phải là đạo sư; bởi vì đối với người nghiện rượu thì những người không uống rượu lại không phải là người tốt. Không thể nói đúng hay sai theo cách đó. Để nhận ra đạo sư chân chính và đạo sư lầm lỗi, quý vị phải xem vị thầy đó có hành xử đúng theo Phật pháp hay không.

Điểm thứ hai là kiến thức về Phật pháp. Khi vị thầy không có kiến thức tốt về Phật pháp, vị ấy không thể dẫn dắt đệ tử theo chánh đạo. Quý vị có thể thấy trong Giải thoát trong lòng tay, tất cả năng lực gia trì của chư Phật đều đến thông qua Đạo Sư. Chính vì vậy, quý vị phải xem Đạo Sư là hiện thân của chư Phật. Khi quý vị cảm thấy vị thầy của mình không hành xử theo đúng Phật pháp, cách tốt nhất là quý vị hãy tránh xa vị ấy. Khi Đạo Sư cảm thấy đệ tử không chân chính và không hành đúng theo Phật pháp thì vị Đạo Sư nên tránh xa những đệ tử đó. Ngay cả trong thời Phật còn tại thế, thậm chí người em của Phật [Đề Bà Đạt Đa] chống đối lại Ngài và phá vỡ nhiều giới luật, Đức Phật sau đó đã chấm dứt liên hệ với người em của mình. Đây chính là cách nghĩ về Đạo Sư như là hiện thân của Phật.

Hành xử với Đạo Sư qua hành động nghĩa là quý vị phải làm theo những gì Đạo Sư nói. Tuy nhiên, khi vị thầy yêu cầu điều gì ngược với Phật pháp thì quý vị hoàn toàn không cần phải làm theo. Đức Phật đã dạy rõ ràng như vậy. Khi Đạo Sư dạy một điều phù hợp với Phật pháp và quý vị có thể làm được thì quý vị phải làm theo. Tuy nhiên, khi Đạo Sư yêu cầu quý vị một điều rất đúng với Phật pháp nhưng quý vị lại không thể thực hiện, thì quý vị hãy trình bày với Đạo Sư. Ví dụ, khi Đạo Sư yêu cầu quý vị lễ lạy 3 lần vào buổi sáng, nhưng rồi quý vị bị gẫy chân và không thể lễ lạy; trong tình huống đó quý vị phải trình bày với Đạo Sư là mình gặp trở ngại nên không thể lễ lạy. Quý vị có thể giải thích với Đạo Sư giống như vậy. Tuy nhiên, nếu Đạo Sư dạy một điều phù hợp với Phật pháp, quý vị có thể làm được nhưng vẫn cãi lời Thầy thì quý vị là đệ tử tồi tệ nhất.

Trong tu viện có một chú tiểu rất nghịch. Nhiều lúc tôi yêu cầu chú ta tiến hành bài cầu nguyện này hoặc bài cầu nguyện kia. Chú ấy nói với tôi, “Thầy đừng lo, con sẽ làm ngay và thật hoàn hảo.” Chú ta luôn nói như vậy, nhưng sau đó thì không chịu làm. Bất cứ việc gì tôi yêu cầu chú ấy cũng không làm, nhưng lại cứ luôn miệng nói, “Thầy đừng lo, con sẽ làm ngay.” [Rinpoche cười] Khi Đạo Sư dạy một điều phù hợp với Phật pháp và quan trọng đối với quý vị, nhưng quý vị vẫn không làm theo và cãi lời Thầy thì quý vị là đệ tử tồi tệ nhất. Khi vị thầy yêu cầu quý vị giết chết con chim hoặc các loài động vật, vị ấy đang đi ngược với Phật pháp, thì quý vị hoàn toàn không cần làm theo. Điểm này được đề cập rất rõ trong Giải thoát trong lòng tay. Quý vị có thể nhìn vào phần Nương tựa Bậc Thầy. Đó chính là lý do trên Ruộng Phước, Đạo Sư gốc của quý vị ngự ở trung tâm. Mọi năng lực gia trì của chư Phật đều được tiếp nhận thông qua Đạo Sư.

Khi theo Đạo Sư, thông thường mỗi khi đi cùng Đạo Sư, quý vị không được đi trước Thầy, ngoại trừ trường hợp Thầy yêu cầu như vậy thì quý vị có thể làm theo. Mỗi khi đảnh lễ Đạo Sư, vị Thầy phải nhận biết sự hiện diện của quý vị. Khi thầy chưa nhận ra sự hiện diện của quý vị thì quý vị không thể đảnh lễ. Ví dụ, khi quý vị đến nhà Thầy trong khi Thầy đang đọc báo, chỉ khi nào Thầy biết rằng quý vị hiện có mặt trong nhà thì quý vị mới được đảnh lễ. Khi hành xử với Đạo Sư, quý vị phải nhìn vào điểm tích cực của Thầy. Khi Thầy làm điều gì lỗi lầm thì quý vị không được chấp nhận và cho rằng đó là điều đúng. Không phải như vậy. Đúng hay sai phải căn cứ vào Phật pháp. Khi vị Thầy làm sai thì điều đó phải được nhìn nhận là sai. Theo truyền thống thì có nhiều điều đúng hoặc sai mà chúng ta không cần quan tâm. Ví dụ, trong truyền thống Tây Tạng thì đưa cho ai đó một vật bằng một tay là sai, phải dùng hai tay mới đúng. Tuy nhiên trong truyền thống Nepal thì dùng một tay lại được xem là rất tốt, còn khi quý vị cố dùng hai tay thì họ cảm thấy có lỗi lầm một chút. Với truyền thống Nhật Bản, khi đưa tiền cho người khác thì quý vị phải đặt tiền lên bàn và đẩy về phía người đó, quý vị không được đưa tiền bằng tay. Những điều như vậy đúng hay sai tùy thuộc mỗi truyền thống. Ở đây, tôi đang nói đến đúng và sai theo quan điểm Phật pháp. Quý vị phải căn cứ vào Phật pháp để biết Đạo Sư hành xử đúng hay sai. Khi vị Thầy làm điều gì ngược với Phật pháp thì vị ấy đã không hành động đúng đắn.

Pháp hành đầu tiên trong Lamrim là nương tựa Bậc Thầy. Khi hành xử với Đạo Sư, trong tâm ý quý vị phải nghĩ Ngài chính là hiện thân của Phật. Trong hành động, quý vị phải làm theo bất cứ điều gì Ngài dạy đúng với Phật pháp. Ít nhất thì quý vị cũng phải cố gắng hết mình làm theo. Đức Phật đã nhập diệt từ hơn 2500 năm trước nên quý vị không thể diện kiến Đức Phật và không thể nghe Pháp từ Ngài. Tuy nhiên, quý vị vẫn còn có thể lắng nghe và hiểu Pháp nhờ có Đạo Sư; chính vì vậy quý vị phải xem Đạo Sư là hiện thân của Phật. Trong hành động, quý vị phải cố gắng làm theo lời dạy của Thầy, ít nhất là phải cố gắng hết mình để làm theo. Quý vị có thể đọc phần tôi vừa tóm tắt trong Giải thoát trong lòng tay.

Tôi nghĩ hôm nay chúng ta dừng ở đây vì đường truyền không được mạnh lắm, và tôi sẽ nói vài điều. Trước hết, tôi chúc quý vị năm mới hạnh phúc và đầy ý nghĩa. Chắc tôi là người cuối cùng chúc mừng năm mới đến quý vị, tôi nghĩ Tết đã qua được vài ngày rồi phải không? [Rinpoche cười] Lời chúc và cầu nguyện của tôi sẽ luôn bên cạnh quý vị. Điều thứ hai, tôi đã có phần mềm cho lớp học ngôn ngữ mà tôi nói với quý vị khi còn ở Việt Nam, quý vị có thể thảo luận với Phong và Jade. Phần tôi, tôi sẽ tìm giáo viên và tài liệu. Có lẽ tôi sẽ tìm giáo viên từ Nam Ấn. Có lẽ sẽ mất một tháng nữa, vì tôi hiện có việc ở Nepal. Khi trở lại Ấn Độ tôi sẽ quyết định. Bây giờ tôi không có gì để nói nữa, đường truyền không tốt lắm, tôi phải dừng ở đây [Rinpoche cười]. Bây giờ điều quý vị cần làm là đọc phần Nương tựa Bậc Thầy trong Giải thoát trong lòng tay. Khi có thời gian rỗi thì quý vị hãy đọc vài phần ở chương Nương tựa Bậc Thầy trong Giải thoát trong lòng tay. Khi hiểu rồi thì quý vị đọc lại nhiều lần nữa; như vậy thì quý vị sẽ hiểu sâu sắc hơn. Đây là pháp hành đầu tiên, khi thực hành hãy kết hợp với Ruộng Phước. Tôi nghĩ khi làm như vậy thì quý vị sẽ trải nghiệm nhiều hơn. Khi quý vị có nhiều kinh nghiệm thì sự hành trì của quý vị sẽ tiến triển tốt hơn. Điều quan trọng là quý vị đừng lẫn lộn giữa kinh nghiệm và cảm xúc [Rinpoche cười]. Người Việt Nam thường theo cảm xúc và bản năng nhiều hơn là theo kinh nghiệm [Rinpoche cười]. Khi có kinh nghiệm sâu sắc thì quý vị sẽ thực hành tốt hơn; mỗi khi ác niệm phát khởi thì quý vị có thể kiểm soát dễ dàng. Tuy nhiên, nếu kinh nghiệm thực hành không sâu sắc thì mỗi khi ác niệm khởi lên, quý vị sẽ thấy khó khăn để đối trị chúng. Trong Lamrim có một mẫu chuyện về một vị đạo sư Kadampa. Vị ấy nói, “Điều phục ác niệm rất dễ dàng, chỉ cần đổi chỗ ngồi, xoay mũ vòng vòng, bạn có thể đánh gục ác niệm.” Đối với vị thầy ấy thì điều này đúng, nhưng với chúng ta thì không giống như vậy [Rinpoche cười]. Khi quý vị thực hành và có nhiều kinh nghiệm hơn thì sẽ giống như vậy. Khi ác niệm khởi lên thì quý vị có thể dễ dàng kiểm soát chúng. Tuần này quý vị học toàn bộ phần quán tưởng Ruộng Phước và nương tựa Đạo Sư trong ý nghĩ và qua hành động. Hãy hành thiền về phần đó, và đọc phần Nương tựa Bậc Thầy mỗi khi quý vị có thời gian rỗi. Khi quý vị cảm thấy không có thời gian rỗi thì hãy giảm thời gian xem ti-vi 15 phút, rồi quý vị sẽ có đủ thời gian [Rinpoche cười]. Khi mỗi ngày giảm 15 phút xem ti-vi thì tôi nghĩ quý vị sẽ có đủ thời gian, mỗi tuần quý vị có thêm hơn một giờ rưỡi, khá nhiều. Nếu quý vị không xem ti-vi mà lại dùng máy tính thì hãy giảm thời gian dùng máy tính lại. Nếu có thể dành 15 phút mỗi ngày để thực hành và đọc sách thì quý vị sẽ thấy khác biệt sau một tuần, và quý vị sẽ thấy khác biệt lớn sau hai hoặc ba tháng. Cảm ơn quý vị. Cảm ơn! Hẹn gặp lại! [Rinpoche nói “Cảm ơn! Hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt và Ngài cười]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 21/10/2014.