Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 49 - Ngày 15/12/2013
- Cách tư duy khi đối diện nghịch cảnh
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 49
Như Thị Thất, ngày 15 tháng 12 năm 2013
Hôm nay, tôi sẽ giảng một ít về nghiệp. Bất cứ khi nào đối mặt với nghịch cảnh, chúng ta phải nghĩ rằng dù mình đang đối mặt với khó khăn gì thì tất cả chúng đều là kết quả của ác nghiệp mà mình đã gây tạo từ trước. Tuy nhiên, hậu quả chúng ta đang gánh chịu này có phải là kết quả của những ác nghiệp mình đã tạo ra trước đây hay không, đó là một câu hỏi khác. Điều quan trọng là khi nghĩ như vậy, tinh thần của chúng ta sẽ được xoa dịu. Như tôi đã từng nói trước đây, cách suy nghĩ của tâm ta có xu hướng trở thành thói quen. Về mặt tâm lý, quý vị có thể được xoa dịu đáng kể nếu nghĩ rằng nghịch cảnh là kết quả của nghiệp quá khứ. Thông thường, khi đối mặt nghịch cảnh hoặc trải qua thời gian khốn khó, con người sẽ làm hai việc. Họ sẽ đổ lỗi, đặt ra những câu hỏi, “Tại sao tôi phải rơi vào hoàn cảnh này? Tại sao tôi lại trở nên như thế này? Tại sao? Tại sao?” Họ bắt đầu dằn vặt bản thân, đó là điều thứ nhất mà con người hay làm. Điều thứ hai con người sẽ làm khi đối mặt với nghịch cảnh và khi trải qua giai đoạn khó khăn, đó là họ sẽ so sánh bản thân với người khác, “Tại sao tôi phải chịu những điều này mà không phải là người khác?” Hai thái độ này phát sinh vì chúng ta suy nghĩ quá nhiều về bản thân, vì tâm ái ngã của chúng ta rất mãnh liệt.
Tôi có quen một vị giáo sư, tôi quen ông ta đã lâu. Hiện giờ ông đã qua đời. Ông ta đã trải qua thời gian cực kỳ khốn khổ vì thân bệnh và phải hóa trị. Khi đó tôi đã đến thăm vị giáo sư này. Ông ta đã nói với tôi rằng khi trải qua hóa trị, khi bác sĩ tiêm thuốc vào người thì giống như đang đổ axit vào cơ thể ông. Ông ta đã cười to trong lúc kể rằng, nếu ông không hành trì luyện tâm thì ông đã không thể nào chịu nổi phương pháp trị liệu. Tương tự, chúng ta cũng phải trải qua quá trình trị liệu. Phương pháp trị liệu là điều duy nhất chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều người lại gặp vấn đề khó khăn hơn về tâm lý. Vấn đề tâm lý lại khó khăn hơn đối với họ. Chính vì vậy, khi quý vị suy tư về nghiệp, đó là một pháp hành rất mạnh mẽ, nó sẽ giúp quý vị vượt qua khó khăn tinh thần. Lần đó tôi đã cảm nhận được hóa trị gây khốn khổ và đau đớn đến thế nào. Khi vị giáo sư nói với tôi, tôi đã rất sửng sốt. Ông ta đã kể lại với một nụ cười rằng, nếu không hành trì luyện tâm thì ông đã không thể nào chịu nổi việc trị liệu. Lúc đó tôi đã nhận ra sự hữu ích của pháp luyện tâm khi ông ta trải qua hóa trị.
Có một câu nói, khi gặp khó khăn, khi đau khổ, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng sẽ tịnh hóa ác hạnh của mình. Khi nghĩ như vậy thì chúng ta thậm chí có thể tận hưởng nỗi đau. Khi đau đớn hay gặp khó khăn, nếu quý vị nghĩ rằng chúng đang tịnh hóa ác hạnh của mình, nếu nghĩ như vậy thì thậm chí đang gặp khó khăn và đau khổ, quý vị có thể tận hưởng chúng. Điều quan trọng nhất là cách suy nghĩ này mang đến cho chúng ta sức mạnh tinh thần trong đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, tôi vẫn thường nói rằng trong cuộc sống, nếu có hy vọng thì có sự sống; khi đánh mất hy vọng, quý vị mất tất cả. Niềm hy vọng là điều gì đó mà quý vị phải tự khơi dậy. Bằng cách thay đổi suy nghĩ, quý vị có thể mang hy vọng đến với mình.
Khi đang học về nghiệp, quý vị cũng phải cố gắng nghĩ về nghiệp và luật nhân quả. Điều thứ nhất quý vị cần hiểu đó là khi đã phạm phải ác hạnh thì mình phải gánh lấy hậu quả. Do đó, nếu đã phạm phải một ác hạnh nào đó, trước hết quý vị cần phải tịnh hóa nó. Để tịnh hóa ác nghiệp, phương pháp tốt nhất là hành trì pháp tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa, tụng chú Kim Cang Tát Đỏa. Điều thứ hai là, bất cứ khi nào phạm phải ác hạnh, quý vị cần biết rằng bất kể mình phạm phải ác hạnh gì đi nữa, nó sẽ mang lại hậu quả tiêu cực. Chính vì vậy, quý vị phải rất cẩn trọng trong mọi hành vi. Thực tế, khi đối mặt khó khăn hay vấn đề nào đó, quý vị cần nghĩ rằng bất kể là khó khăn hay vấn đề gì, chúng đều là kết quả của ác nghiệp. Quý vị cần tư duy như vậy và cố gắng tịnh hóa ác nghiệp.
Khi Đức Phật chuyển Pháp luân, Ngài nhấn mạnh rất nhiều về luật nhân quả, đây là điều quan trọng nhất trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhân quả là một trong những điểm trọng yếu của Phật pháp. Khi nhìn vào vấn đề nhân quả, Đức Phật đã thuyết chính xác thậm chí 100% luật nhân quả. Chỉ Đức Phật mới thấu triệt điều này. Tuy nhiên, luật nhân quả vận hành thế nào thì vượt khỏi nhận thức của những ai chưa đắc Phật quả.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 03/01/2015.