Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 27 - Ngày 14/04/2013
- quán niệm vô thường
- tích lũy công đức thông qua thực hành Thất chi nguyện: lễ lạy, cúng dường, tịnh hóa ác nghiệp, hoan hỷ, thỉnh Ruộng Phước chuyển Pháp luân, thỉnh Ruộng Phước trụ thế, hồi hướng
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 27
Như Thị Thất, ngày 14 tháng 04 năm 2013
Tôi nghĩ lần trước tôi đã nói về kiếp người quý báu, vì vậy hôm nay tôi tiếp tục từ phần đó. Buổi học trước tôi đã nói về kiếp người quý báu, hôm nay tôi sẽ nói chúng ta phải làm gì với kiếp người quý báu này.
Quý vị có thể thấy rằng chúng ta đã có được kiếp người quý báu, nhưng nó không trường tồn. Vì vậy, Đức Phật đã dạy về vô thường. Khi chúng ta được sinh ra làm người, đó là một khoảng thời gian có giới hạn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hạn hẹp đó, có thể quý vị tận dụng được 60% để làm việc, còn 40% còn lại quý vị chẳng thể làm gì cả. Chính vì vậy, khi nói về vấn đề sức khỏe, Đức Phật đã dạy không được uống rượu và phải ăn uống hợp lý. Ngài cũng đã dạy việc duy trì tâm an lạc cũng rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất. Vì vậy, khi đã đạt được kiếp người quý báu, trong 60% thời gian, chúng ta có thể làm rất nhiều điều: giữ gìn sức khỏe, ăn uống hợp lý, và giữ tâm luôn an lạc; những điều này thật sự giúp kéo dài tuổi thọ. Một điều nữa là việc nhận quán đảnh Tara. Tara là một vị thần bảo hộ sự sống. Việc nhận quán đảnh Tara có giúp kéo dài thọ mạng hay không? Không có gì đảm bảo cả [Rinpoche cười]. Không có gì đảm bảo, nhưng một khi quý vị giữ tâm an lạc, ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn thì chắc chắn chúng sẽ giúp quý vị kéo dài tuổi thọ. Trong những yếu tố này, tâm an lạc là điều đặc biệt nhất. Khi tâm càng an lạc thì nó sẽ giúp tăng cường sức khỏe thể chất và thọ mạng. Đây là một trong những điều quan trọng nhất.
Bây giờ, pháp hành thứ hai trong lamrim, khi suy niệm về kiếp người quý báu, đó là quán niệm vô thường. Mỗi khi quý vị nhìn vào bất cứ đối tượng vật chất nào, mỗi khi nhìn vào bất cứ vấn đề nào, trước hết quý vị phải hiểu rằng tất cả đều vô thường, mọi thứ có thể thay đổi. Như tôi đã từng nói, mọi thứ đều có thể thay đổi nên nó mang đến cho chúng ta rất nhiều hy vọng. Hôm nay quý vị đau khổ thì ngày mai quý vị có thể sẽ hạnh phúc. Hôm nay quý vị căng thẳng thì ngày mai quý vị có thể sẽ thoải mái hơn. Điều quan trọng nhất, như tôi đã từng nói, là mọi thứ đều có thể thay đổi, do đó chúng ta cũng có thể thay đổi. Chúng ta thay đổi nghĩa là chúng ta trở thành một người tốt hơn. Chúng ta trở thành người tốt hơn vì chúng ta cũng vô thường. Vô thường có nghĩa là mọi thứ đều có thể thay đổi, do đó chúng ta có thể trở thành một người tốt hơn. Mỗi khi nhìn vào bất cứ hoàn cảnh hay điều kiện nào, quý vị phải nhìn vào khía cạnh vô thường của chúng. Khía cạnh vô thường nghĩa là chúng có thể thay đổi, nghĩa là chúng có thể trở nên tốt hơn và tốt hơn nữa. Điều này mang đến cho chúng ta rất nhiều hy vọng. Khi có hy vọng thì chúng ta có tất cả. Bản thân quý vị cũng vô thường nghĩa là quý vị có thể thay đổi. Quý vị có nhớ lần trước ở Việt Nam, tôi đã hỏi quý vị hãy tìm 3 khuyết điểm của bản thân, quý vị có nhớ không? [Đại chúng trả lời nhớ.] Tốt, vậy thì quý vị đã giảm được bao nhiêu khuyết điểm rồi? Quý vị phải suy nghĩ về điều đó. Tôi nghĩ đã hơn hai tháng rồi, và quý vị nên nhìn lại mình. Quý vị đã giảm được bao nhiêu khuyết điểm rồi? Nếu quý vị vẫn giống như trước đây hai tháng thì không có gì thay đổi, tôi nghĩ quý vị phải nỗ lực hơn nữa. Ở Tây Tạng chúng tôi có một câu nói, “Phật pháp biến người hung dữ thành người điềm tĩnh.” Rồi cũng có một câu nói rất lạ, “Phật pháp biến người điềm tĩnh thành người hung dữ.” [Rinpoche cười] Nếu quý vị không hiểu đúng Phật pháp, người điềm tĩnh có thể trở thành người hung dữ. Nếu quý vị hiểu đúng Phật pháp thì người hung dữ sẽ trở nên điềm tĩnh.
Hôm nay tôi nói về vô thường, điều quý vị cần tư duy là trước hết phải chấp nhận vô thường, và cố gắng chấp nhận sự thay đổi. Đó là bước thứ nhất. Bước thứ hai là chúng ta phải suy niệm rằng chúng ta chỉ có một khoảng thời gian giới hạn ở cõi đời này, mọi người đều chỉ có một khoảng thời gian giới hạn. Chúng ta đến thế giới này và chỉ có một khoảng thời gian giới hạn để sống. Chúng ta không đến đây để sống mãi mãi. Do đó, như tôi từng nói, điều quan trọng nhất là chúng ta phải sống đúng đắn, an lạc và hạnh phúc. Đây là điều chúng ta phải luôn tâm niệm. Chính vì vậy, khi bàn về vô thường, chúng ta đang nói đến việc quản lý cuộc sống. Chúng ta chỉ có thời gian hạn hẹp để sống, chúng ta phải quản lý nó thật đúng đắn. Chúng ta không nên phí phạm thời gian của mình một cách lầm lạc. Đến đây, dù có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, quý vị cũng phải thừa nhận điểm này. Chính vì vô thường, cái chết là điều chắc chắn sẽ đến với mọi người. Dù quý vị có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, cái chết cũng sẽ đến. Chúng ta đều phải ra đi, tới lúc chết thì chúng ta phải ra đi; chính vì vậy khi còn sống thì chúng ta phải sống đúng đắn, an lạc và hạnh phúc. Ai cũng phải thừa nhận điểm này, dù quý vị tin hay không tin vào tôn giáo. Do đó, một điểm nữa là sống an lạc và hạnh phúc.
Có rất nhiều nhân duyên khiến chúng ta đau khổ. Nguyên nhân thứ nhất, và cũng là nguyên nhân chủ yếu, đó chính là chúng ta không kiểm soát tâm mình đúng đắn. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ tôi đã từng cho quý vị một ví dụ, tâm như một con khỉ điên. Trước hết, con khỉ không thể nào ngồi yên một chỗ được; thứ hai, nếu con khỉ nổi điên thì làm sao nó có thể ngồi yên đây? Có rất nhiều yếu tố chi phối tâm chúng ta, đó là một nguyên nhân chủ yếu. Nguyên nhân thứ hai là trong cuộc sống, có rất nhiều hoàn cảnh và đau khổ là kết quả của ác nghiệp của chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta đã nói về thực hành tịnh hóa ác nghiệp. Một vài hệ quả từ ác nghiệp, từ lỗi lầm của chúng ta trong đời quá khứ mang đến những điều rất bất lợi trong đời này, vì vậy trong buổi học trước chúng ta đã hoàn tất nói về việc tịnh hóa ác nghiệp. Tịnh hóa ác nghiệp là một mặt, một mặt khác nữa là thực hành Pháp, làm thế nào chúng ta có thể hành thiện hạnh để tích lũy thiện nghiệp và tích tập công đức nhiều hơn.
Khi đối mặt với bất cứ vấn đề nào, như tôi từng nói, quý vị hãy nghĩ đến vô thường. Đây là một phương pháp rất thực tiễn để đối mặt với bất cứ vấn đề nào. Một ngày nào đó các nhà khoa học cũng sẽ thừa nhận điểm này. Khi các nhà tâm lý học chữa trị cho những người tuyệt vọng, họ dùng rất nhiều liệu pháp tâm lý. Tương tự, nói đến vô thường nghĩa là chúng ta tiếp cận vấn đề theo một cách khác. Nó cũng dạy cho chúng ta cách nhìn vào vấn đề và khó khăn một cách tích cực. Đạo Phật có hai phần: Một phần là con đường phổ quát được tất cả mọi người chấp nhận, phần còn lại dành cho những hành giả có tín ngưỡng. Là những hành giả có tín ngưỡng, chúng ta có hai cách thực hành. Một cách trong đó là suy niệm về vô thường. Đây là phương cách chung để đương đầu với mọi hoàn cảnh xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. Đó là một cách. Đặc biệt, khi quý vị đánh mất một điều rất quý giá với mình, quý vị có thể nghĩ đến vô thường. Nhiều lúc quý vị tuyệt vọng, khi căng thẳng, nếu nhìn theo quan điểm vô thường thì quý vị sẽ có hy vọng. Nếu quý vị nhìn vào một đất nước có hoàn cảnh đặc biệt như Nepal, đôi lúc chúng tôi trải qua nhiều cảnh bạo loạn, do vậy tôi thường nói với những người ở đó về vô thường. Nó có thể thay đổi, nó vô thường, và nó sẽ không mãi như vậy. Nhiều lúc cách nói như vậy mang đến hy vọng cho họ, cho rất nhiều người. Khi có hy vọng thì như tôi đã nói, quý vị có tất cả. Tôi có đọc một mẩu tin làm tôi sửng sốt trên một tờ báo mạng Internet. Tôi nghĩ chuyện đó xảy ra ở miền Đông Ấn. Có một đứa bé, khoảng 10 hay 12 tuổi, không có hai bàn tay nhưng lại làm nghề rửa bát đĩa. Cậu bé rửa bát bằng hai chân của mình. Quý vị có thể tin nổi không? Với cậu bé đó, một khi mất hy vọng thì cậu ta sẽ mất tất cả. Tuy nhiên, cậu bé ấy đã không tuyệt vọng, cậu cố gắng sống dù không có cả hai bàn tay. Chúng ta thì có hai bàn tay, hai chân, có tất cả. Tuy nhiên, nếu mất hy vọng thì chúng ta không thể sống dù có đủ hai tay và hai chân. Cậu bé ấy không có hai bàn tay nhưng cũng không mất hy vọng. Thật là kinh ngạc! Khi vấn đề và nghịch cảnh ập đến, nếu nghĩ chúng thường hằng và sẽ mãi như vậy thì quý vị sẽ tuyệt vọng. Khi nhìn vào khó khăn và mọi vấn đề, nếu nghĩ chúng vô thường và có thể thay đổi thì quý vị sẽ có nhiều hy vọng hơn. Đến đây, chúng ta có thể thấy mọi người đều thừa nhận điểm này.
Bây giờ đến phần thực hành tín ngưỡng. Như tôi đã nói, trong cuộc sống có rất nhiều nghịch cảnh, và có một vài khó khăn chúng ta không thể lý giải. Chúng là kết quả của ác nghiệp của chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta đã nói về việc tịnh hóa ác nghiệp. Bây giờ chúng ta sẽ nói về cách tích tập công đức, cách tích tập thiện nghiệp mạnh mẽ thông qua thực hành Thất chi nguyện. Trong Thất chi nguyện có một phần là tịnh hóa. Phần đó chúng ta đã hoàn tất.
Chi phần thứ nhất là lễ lạy để tích tập công đức. Điểm quan trọng là có 3 loại lễ lạy: lễ lạy bằng thân, bằng khẩu và bằng ý. Quý vị có thể lễ lạy bằng thân 3 lần vào buổi sáng và 3 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Quan trọng nhất là lễ lạy bằng ý. Khi lễ lạy, quý vị nghĩ mình đang đảnh lễ Đức Phật và Ruộng Phước; đó là lễ lạy bằng ý. Mỗi lúc chán chường quý vị có thể thực hành lễ lạy [Rinpoche cười]. Đó là một cách giết thời gian [Rinpoche cười]. Khi lễ lạy, thứ nhất là quý vị tích tập công đức; thứ hai là lễ lạy cũng giống như bài tập thể dục. Có một lần tôi tụng chú khi đang di chuyển. Có người hỏi tôi đang làm gì. Tôi không quen người đó. Lúc đó tôi đang tụng chú với tràng hạt và người đó hỏi tôi đang làm gì. Tôi trả lời là tôi đang tập thể dục ngón tay [Rinpoche cười]. Mỗi lúc cảm thấy căng thẳng, quý vị có thể thực hành lễ lạy. Khi tiến hành lễ lạy thì quý vị sẽ quên đi vấn đề khiến mình căng thẳng và chán nản. Nhiều người khi căng thẳng thì họ cứ liên tục nghĩ về những vấn đề, và chúng khiến họ căng thẳng hơn nữa, dù họ biết rằng nghĩ quá nhiều cũng không có ích gì, nhưng tâm họ vẫn cứ tiếp tục nghĩ. Chính vì vậy, thay vì nghĩ đến những biến cố gây căng thẳng, quý vị có thể thực hành lễ lạy. Khi lễ lạy thì quý vị có thể quên vấn đề kia, đồng thời quý vị cũng tích tập công đức, tích lũy nhiều thiện nghiệp hơn. Trong tu viện, lễ lạy là một hình thức xử phạt. Các tu sĩ phạm giới phải lễ lạy [Rinpoche cười]. Lễ lạy là chi phần đầu tiên quý vị có thể bắt đầu.
Chi phần thứ hai là cúng dường. Có nhiều loại cúng dường. Khi quý vị cúng dường những gì mình sở hữu lên Đạo Sư và chư Phật, đó là một loại cúng dường. Cúng dường là một trong những cách tích lũy thiện nghiệp mạnh mẽ. Bố thí cho người khác cũng là một trong những cách tích tập công đức. Khi cúng dường thì quý vị cũng phải cúng dường qua ý. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh tượng thiên nhiên đẹp đẽ như núi, hồ…, quý vị có thể bằng tâm ý dâng cúng những cảnh đẹp đó lên chư Phật và Ruộng Phước. Đôi lúc quý vị cũng có thể bằng tâm ý cúng dường lên chư Phật người làm quý vị căng thẳng và bực bội, và thỉnh cầu chư Phật gia trì cho người đó trở nên điềm tĩnh hơn. Trong quá trình cúng dường đó thì quý vị có thể kiểm soát cơn giận của mình. Đôi lúc, nếu có người khiến quý vị bực bội, nếu có người nói năng và hành xử thô lỗ với quý vị thì tự nhiên quý vị sẽ nổi giận. Tuy nhiên, để kiểm soát cơn giận thì quý vị có thể cúng dường người đó lên chư Phật và Ruộng Phước, và cầu nguyện chư Phật gia trì cho anh ta trở thành người tốt hơn. Tôi nghĩ khi thực hành như vậy thì quý vị sẽ thành công hơn trong việc kiểm soát cảm xúc tiêu cực như sân giận, ích kỷ… Kiểm soát cảm xúc tiêu cực như sân giận và chấp ngã hoàn toàn không khó. Quý vị không cố gắng nên mới thấy khó. Khi đã cố gắng thì sẽ ngày càng dễ hơn để kiểm soát sân giận và chấp ngã. Việc đó hoàn toàn không khó. Do đó, mỗi khi bất chợt nhận ra mình đang nổi giận, quý vị phải kìm nén lời nói và hành vi trong chốc lát, rồi sau đó quý vị bắt đầu cúng dường, hoặc quý vị có thể tụng một bài chú. Sau khi đã cố gắng một hoặc hai lần thì mỗi khi nổi giận, tự nhiên quý vị sẽ nhớ đến việc cúng dường người đó hoặc tình cảnh bất thuận đó. Khi cúng dường người quý vị không ưa lên chư Phật, đừng nghĩ rằng chư Phật sẽ từ chối. Chư Phật có nhận cúng dường hay không, đó là chuyện của chư Phật, không phải chuyện của chúng ta [Rinpoche cười]. Đó là các bước thực hành. Cảm xúc tiêu cực và tâm chúng ta như con khỉ điên, một khi quý vị biết cách kiểm soát mọi lúc mọi nơi thì sẽ không còn khó khăn gì nữa. Một lần nữa, đừng hiểu lầm khi tôi nói nó không khó. Khi tôi nói không khó, quý vị cũng phải hiểu rằng nó cũng không dễ. Quý vị cũng cần phải thực hành và cố gắng một chút thì sẽ có thể thay đổi. Đó là điểm thứ hai, cúng dường. Mỗi khi cúng dường Ruộng Phước, quý vị có thể bằng tâm ý dâng cúng toàn bộ vũ trụ lên Ruộng Phước. Quý vị có thể dùng tay ấn. Ý nghĩa thật sự của tay ấn là quý vị đang dâng cúng toàn bộ vũ trụ lên Ruộng Phước. Quý vị có thể cúng dường qua ý. Tuy nhiên, tay ấn không quá quan trọng. Nó không quan trọng. Nếu quý vị không quen thực hiện tay ấn thì hãy bỏ qua. Nó không quan trọng lắm.
Chi phần thứ ba là tịnh hóa ác nghiệp, chúng ta đã hoàn tất vào buổi trước.
Chi phần thứ tư là hoan hỷ. Hoan hỷ nghĩa là quý vị cảm thấy vui mừng với bất cứ thiện hạnh nào mình đã làm. Quý vị nhìn lại và nghĩ đi nghĩ lại về những thiện hạnh mình đã làm. Tôi nghĩ tôi đã giảng rồi. Khi quý vị làm việc tốt và suy đi nghĩ lại về việc làm đó, quý vị sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Khi quý vị nghĩ đến những việc mình đã làm để mang lại lợi lạc cho người khác, quý vị sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã từng cho quý vị vài ví dụ theo kinh nghiệm của tôi. Tôi nghĩ tất cả quý vị đều nhớ. Hoan hỷ có nghĩa là khi quý vị làm một việc tốt, nếu nghĩ đi nghĩ lại về việc làm đó thì công đức của quý vị sẽ được nhân lên, thiện nghiệp của quý vị sẽ được nhân lên. Hoan hỷ sẽ làm cho mọi thiện hạnh của quý vị được nhân lên, nếu quý vị suy đi nghĩ lại về chúng. Khi hành thiện nghiệp rồi nghĩ lại nhiều lần và hoan hỷ thiện nghiệp đó thì thiện nghiệp và công đức sẽ tăng trưởng. Đây là một điểm quan trọng. Khi nhìn lại bất cứ thiện nghiệp, việc làm tốt nào mình đã làm thì có hai điều: Thứ nhất là khi hoan hỷ quý vị sẽ thấy hạnh phúc; thứ hai là nó làm tăng trưởng công đức và thiện nghiệp của quý vị. Đây là điểm thứ tư, hoan hỷ. Đây là cách chúng ta làm tăng trưởng và tích tập công đức, thiện nghiệp nhiều hơn.
Chi phần thứ năm là thỉnh Ruộng Phước chuyển Pháp luân. Bằng tâm ý, quý vị có thể thỉnh cầu Ruộng Phước giảng Pháp cho mình. Quý vị có thể thỉnh cầu như vậy qua ý.
Chi phần thứ sáu là cầu nguyện, bất cứ bài cầu nguyện nào. Bài cầu nguyện chính là thỉnh cầu Ruộng Phước trụ thế. Cầu nguyện có nghĩa là mỗi khi gặp khó khăn, quý vị cầu nguyện rằng “nguyện cho hết thảy chúng sinh đều vượt qua được khó khăn này.” Ví dụ, khi quý vị bị nhức đầu, hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sinh không còn nhức đầu nữa. Những bài cầu nguyện sẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quý vị. Thánh Gandhi nói rằng trong cuộc sống, ngài đã phải đối mặt với rất nhiều nghịch cảnh và rắc rối, và vũ khí bí mật giúp ngài vượt qua mọi khó khăn chính là cầu nguyện. Chính vì vậy, khi gặp khó khăn, cầu nguyện sẽ tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quý vị. Mỗi khi quán tưởng Ruộng Phước thì quý vị cầu nguyện. Khi cầu nguyện, quý vị phải cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh. Sau đó, quý vị phải quán tưởng Ruộng Phước đã chấp nhận lời thỉnh cầu của quý vị. Tiếp theo, quý vị quán tưởng có hào quang trắng từ Ruộng Phước đến hòa tan vào cơ thể của quý vị, và quý vị quán tưởng mình đã nhận được gia trì từ Ruộng Phước để vượt qua tất cả khó khăn.
Có một câu chuyện. Có một người cha có hai cô con gái. Một cô kết hôn với một anh thợ làm đồ gốm, và cô con gái kia kết hôn với một nông dân. Dịp nọ, người cha đến thăm hai cô con gái. Ông ấy nói với con mình là ông đang đi hành hương đến một ngôi chùa linh thiêng nên tiện đường ghé thăm các con. Cô con cả rất vui và xin cha mình khi đến chùa hãy cầu nguyện với chư Phật cho trời nắng để gia đình cô làm đồ gốm. Sau đó, người cha nói với cô con gái út là ông đang trên đường đến một ngôi chùa linh thiêng và sẽ đến thăm cô. Cô con gái út rất vui khi nghe như vậy. Cô nói với cha mình hãy cầu xin chư Phật cho trời mưa thật to vì gia đình cô cần tưới nước cho đồng ruộng. Sau đó, người cha đến chùa và ông ta cảm thấy vô cùng bối rối, không biết phải cầu nguyện thế nào. Trong cuộc sống, lời cầu nguyện của chúng ta được linh ứng khi chúng ta có thiện nghiệp mãnh liệt, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là nếu chúng ta có mối liên hệ nghiệp tốt thì lời cầu nguyện sẽ linh nghiệm. Chính vì vậy, quý vị có thể thấy trong Thất chi nguyện, ba phần quan trọng nhất là tịnh hóa ác nghiệp, cúng dường và cầu nguyện. Đây là ba điểm quan trọng nhất. Khi thực hành tịnh hóa thì quý vị có thể tịnh hóa rất nhiều ác nghiệp. Khi cúng dường thì quý vị có thể tích lũy rất nhiều thiện nghiệp. Khi đó bài cầu nguyện sẽ đáp ứng mong ước của quý vị. Đôi lúc, khi cầu nguyện, bài cầu nguyện sẽ không linh nghiệm 100%, nhưng ít nhất nó thật sự mang đến hiệu ứng.
Tôi biết một nhà khoa học, bà ấy là bác sĩ tâm thần đã lớn tuổi. Bà ấy làm việc trong bệnh viện tâm thần lớn nhất Ấn Độ. Bà ấy nói với tôi là khi bệnh nhân biết có người đang cầu nguyện cho họ thì có sự khác biệt rất lớn. Bà ấy đã làm việc trong bệnh viện đó rất lâu rồi. Bà ấy nói với tôi bà tin rằng cầu nguyện thật sự có ích rất nhiều khi bệnh nhân biết có người đang cầu nguyện cho họ. Tôi đã thảo luận với bà ấy để chọn ra 5 người bệnh nặng nhất và chúng tôi tiến hành cầu nguyện và Guru Puja, rồi xem việc đó ảnh hưởng thế nào đến các bệnh nhân. Tôi nghĩ đến chuyện đó vài năm trước nhưng lại chưa có thời gian để tiến hành thử nghiệm. Đối với bệnh nhân có liên kết nghiệp mạnh mẽ với chúng ta thì bài cầu nguyện của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến họ mãnh liệt hơn. Đối với người không có liên kết nghiệp mạnh mẽ với chúng ta, dù chúng ta có cầu nguyện miên mật thì cũng không mấy hiệu quả. Khi quý vị quán tưởng Ruộng Phước, quý vị đang tạo liên kết nghiệp với chư Phật và chư Đạo Sư. Theo quan điểm Phật giáo, nếu chọn 5 bệnh nhân để tiến hành cầu nguyện thì kết quả sẽ không giống nhau. Có người nhận hiệu ứng mạnh mẽ từ bài cầu nguyện, có người thì không mấy hiệu quả. Những người có liên kết nghiệp mạnh mẽ với chúng ta thì bài cầu nguyện của chúng ta sẽ hiệu quả hơn đối với họ.
Trong những lúc căng thẳng, quý vị cần sức mạnh tinh thần, và khi cầu nguyện với Ruộng Phước thì quý vị sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Trong những lúc khó khăn, hầu hết người ta sẽ lo lắng quá mức. Lo lắng là một trong những cảm xúc tiêu cực. Khi lo lắng thì quý vị không thể nào cảm nhận an lạc. Lo lắng không giúp mọi thứ trở nên tốt hơn. Để vượt qua nỗi lo thì quý vị phải nghĩ đến chuyện khác. Chính vì vậy, chúng ta tiến hành cầu nguyện. Nhiều lúc trong cuộc sống của tôi, khi khó khăn xảy đến, tôi dành phần lớn thời gian cầu nguyện. Khi quý vị cầu nguyện hay tụng chú thì nỗi lo không thể nào hiện diện trong tâm. Khi nỗi lo trỗi dậy trong tâm thì quý vị không thể nào kinh nghiệm an lạc. Ở Tây Tạng chúng tôi có một câu nói, “Người nhút nhát có nhiều nỗi lo. Thậm chí khi một người nhút nhát đang ngủ thì anh ta vẫn nhìn lên trời và luôn lo sợ bầu trời sẽ sập xuống.” Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần tôi không chịu ngủ thì mẹ tôi nói rằng nếu một đứa trẻ không chịu ngủ thì con cú sẽ bay tới bắt nó đi. Nghe xong tôi cảm thấy sợ và lo lắng [Rinpoche cười]. Tôi thật sự khó ngủ hơn vì nó khiến tôi sợ và lo lắng [Rinpoche cười]. Khi quý vị lo lắng thì sợ hãi và mọi điều khác sẽ đến. Khi quý vị lo lắng quá mức về những điều không cần thiết thì nỗi sợ sẽ đến. Do đó, để vượt qua tất cả cảm xúc tiêu cực này, hãy cầu nguyện. Khi cầu nguyện thì quý vị không còn thời gian để lo lắng và sợ hãi nữa. Chính vì vậy, mỗi lúc gặp khó khăn, cầu nguyện và tụng chú sẽ mang đến sức mạnh tinh thần cho quý vị. Quý vị có thể cầu nguyện với Ruộng Phước, chư Phật…
Chi phần thứ bảy là hồi hướng. Quý vị hồi hướng cho hết thảy chúng sinh hữu tình sống hạnh phúc. Quý vị phải hồi hướng công đức của mình.
Trong Thất chi nguyện, ba chi phần quan trọng nhất là tịnh hóa ác nghiệp, cúng dường và cầu nguyện. Trong ba phần này, quan trọng nhất là tịnh hóa ác nghiệp, tôi đã giảng về phần này lần trước.
Hôm nay chúng ta dừng ở đây. Trước khi dừng chúng ta sẽ có một bài cầu nguyện nhỏ.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 01/11/2014.