13-05-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay (Ngày 3) - giảng ngày 13/05/2012

- tính vĩ đại của giáo pháp lamrim (tiếp theo)

- thực hành lamrim nhấn mạnh luyện tâm

- cách lắng nghe Pháp

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­Tuần thứ 2

Như Thị Thất, ngày 13 tháng 5 năm 2012

 

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục Ngày thứ 3. Hôm trước, tôi đã nói về bốn phẩm tính vĩ đại của lamrim, và hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu với “Tính vĩ đại giúp bạn dễ dàng khám phá ý thật của Phật.”

Khi học Phật pháp, điều quan trọng nhất là quý vị phải hiểu được ý tối hậu của Đức Phật. Nếu không hiểu được hàm ý thật sự của Đức Phật thì sẽ rất khó để nói rằng quý vị có đang thực hiện theo đúng giáo huấn của Ngài hay không, hoặc rất khó nói quý vị đang làm đúng hay làm sai. Để hiểu được ý tối hậu của Đức Phật, quý vị phải làm gì? Đầu tiên, chúng ta phải học giáo huấn của Đức Phật. Nếu chúng ta không xem xét những lời dạy của Đức Phật thì sẽ không tài nào hiểu được hàm ý thật sự của Ngài. Do vậy, chỉ khi nào học lamrim quý vị mới hiểu được ngụ ý thật sự của Đức Phật. Sau khi học Pháp, lợi ích quý vị sẽ nhận được là quý vị có thể hiểu được tôn ý của Đức Phật. Nói cách khác, sau khi học lamrim quý vị sẽ khám phá được ý tối hậu của Đức Phật. Những ai có thể thực hành lamrim? Lamrim chứa đựng tất cả thực hành Phật pháp ở các phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn. Đó là một phẩm tính vĩ đại của lamrim.

Đức Phật đã thuyết giảng suốt bốn mươi lăm năm trong cuộc đời của Ngài, và lamrim đúc kết lại tất cả tinh túy lời Phật dạy. Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời Đức Phật, Ngài đã ban rất nhiều giáo huấn trong suốt bốn mươi lăm năm, và lamrim thâu nhiếp tất cả những gì tinh túy nhất từ giáo lý của Phật. Chỉ khi nào quý vị thấu hiểu hay khám phá được thâm ý thật sự của Đức Phật thì việc hành trì sẽ rất dễ dàng. Nếu không hiểu được tường tận ý của Ngài thì mọi thực hành đều sẽ rất khó khăn đối với quý vị.

Vào thời xa xưa, mỗi khi một vị lạt ma muốn thuyết giảng, trước hết ông phải liên hệ đến lời dạy của Đức Phật để chứng tỏ điểm giáo lý đó là lời Phật dạy chứ không phải là tư tưởng của ông. Đức Phật đã thuyết giảng rất nhiều bài pháp khác nhau và chúng ta phải truy tầm được đâu là tôn ý tối hậu của Ngài. Trong bốn mươi lăm năm hoằng pháp, Đức Phật đã dạy rất nhiều giáo lý và học thuyết khác nhau. Do đó, chúng ta phải khám phá được thâm ý thật sự của Ngài trong tất cả giáo lý kinh điển đó. Điều này rất quan trọng. Một điều quan trọng hơn nữa là quý vị đừng băn khoăn Phật giáo Tây Tạng ra sao, hay Phật giáo tại những nơi khác như thế nào, mà hãy suy nghĩ đâu thực sự là lời Phật dạy, điều này cần thiết hơn. Hiện nay, nhiều người đang lạc lối bởi họ chỉ hướng đến Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng vốn có rất nhiều dòng phái và tư tưởng khác nhau. Quý vị đừng nhìn vào sự khác biệt giữa các trường phái ấy, mà hãy nhìn xem đâu mới thật sự là thâm ý chân xác của Đức Phật. Đây chính là điều quan trọng nhất khi quý vị thực hành Phật pháp.

Bây giờ chúng ta bàn về phẩm tính vĩ đại tiếp theo của lamrim, “Tính vĩ đại giúp bạn tự cứu mình khỏi những tà hạnh”. Quý vị thấy điểm đó không? Sau khi thực hành, lamrim sẽ giúp quý vị tự bảo hộ bản thân mình khỏi các ác hạnh. Đó là điểm quan trọng nhất của thực hành lamrim. Một trong những lỗi lầm mà những người thực hành Pháp hay mắc phải là cho rằng pháp mình đang thực hành là pháp tốt nhất và bắt lỗi các truyền thống khác. Đó là một sai lầm lớn mà người thực hành Pháp phải cẩn trọng khi bắt đầu thực hành. Có rất nhiều người khi thực hành pháp chỉ ca ngợi những giáo lý, dòng phái và chúng hội của mình mà lại đi bắt lỗi những pháp thực hành cùng các trường phái khác. Đây là sai lầm lớn nhất mà người thực hành Pháp cần phải hết sức chú ý. Có nhiều người khi thực hành Pháp thì chỉ tán dương tư tưởng của trường phái hoặc chúng hội mà mình đang theo, và chê bai những hành giả khác, những chúng hội khác. Đó là lỗi lầm tệ hại nhất. Người thực hành Pháp cần phải cảnh giác với lỗi lầm này.

Sau khi thực hành Pháp, sau khi học lamrim, quý vị sẽ hiểu rằng toàn bộ giáo lý và các trường phái khác nhau trong Phật giáo đều do Phật dạy. Chúng ta cần phải kính trọng tất cả. Sau khi học lamrim và thực hành Pháp, quý vị sẽ hiểu rằng mỗi điểm giáo lý, mỗi trường phái tư tưởng trong Phật giáo đều do Phật dạy. Do vậy, các hành giả Phật giáo phải tôn trọng tất cả các trường phái, tư tưởng hiện hữu trong Phật giáo. Một điều nữa quý vị cần phải hiểu, đối với giáo lý của Đức Phật, nếu quý vị có ý phân biệt giáo lý nào tốt hơn, giáo lý nào dở hơn thì đó là lỗi lầm vô cùng nghiêm trọng. 

Về mặt tổng quát, quý vị có thể thấy giáo lý của Đức Phật được bao gồm trong ba lĩnh vực. Ba lĩnh vực này tượng trưng cho ba đặc tính khác nhau của Phật pháp. Đâu là ba đặc tính? Thứ nhất, Đức Phật dạy về giới luật. Đó là đặc tính thứ nhất. Thứ hai là giáo huấn về thiền định. Thứ ba là giáo huấn về trí tuệ. Phật pháp có thể được quy về ba điểm khác nhau này.

Quý vị có thể thấy phẩm tính vĩ đại của lamrim là giúp quý vị tự cứu mình khỏi những tà hạnh. Phẩm tính vĩ đại kế tiếp là “Lamrim toàn diện, vì chứa đựng tất cả đề tài của kinh giáo và mật giáo” vì về mặt tổng thể lamrim là một bản văn thâu nhiếp tất cả thực hành kinh điển và thực hành mật điển. Tôi nghĩ thực hành mật điển là chủ đề ưa thích của tất cả quý vị [Rinpoche cười].

Khi tổ Atisha giảng lamrim, Ngài đã kết hợp tinh túy của kinh điển và mật điển. Kinh điển là lời Phật dạy không liên quan đến mật điển. Trong cả kinh điển lẫn mật điển, điểm quan trọng nhất là ba đạo lộ nền tảng. Lamrim nhấn mạnh ba đạo lộ nền tảng. Ba đạo lộ nền tảng của lamrim bao gồm: đạo lộ dành cho hàng hạ căn, đạo lộ dành cho hàng trung căn và đạo lộ dành cho hàng thượng căn. [Ba đạo lộ chung với các phạm vi nhỏ, phạm vi trung bình và phạm vi lớn] Do đó, “Lamrim toàn diện, vì chứa đựng tất cả đề tài của kinh giáo và mật giáo.”

Điểm quan trọng quý vị cần hiểu là mật điển không chỉ là lắc chuông. Đó không phải là mật điển. Mật điển có cả một hệ thống triết lý mà quý vị cần phải hiểu. Nếu không am hiểu tường tận lamrim thì quý vị sẽ không thể nào hiểu mật điển. Mật điển có triết lý riêng của nó. Khi thực hành mật điển, quý vị phải hiểu triết lý của mật điển. Chính vì vậy, tất cả thực hành kinh điển và thực hành mật điển đều dựa trên nền tảng lamrim. Một khi quý vị không hiểu tường tận lamrim thì mật điển cũng chẳng còn là gì cả, nó trở nên vô dụng.

Quý vị có thấy trong Giải thoát trong lòng tay, một geshe thuộc dòng Kadampa đã nói rằng, “Khi tôi giảng dạy những giai đoạn con đường đến giác ngộ, bạn có được một hiểu biết khái quát về tất cả những kinh sách trên thế gian. Những kinh sách ấy sẽ nghĩ ‘Lão thầy tu già tóc hoa râm này đã móc tim ta ra’ và phải run lên trước ý nghĩ ấy.” Quý vị có thấy câu nói đó chưa? Có rất nhiều đạo sư thuộc dòng Kadampa. Tôi nghĩ câu nói đó nói rằng khi vị thầy giảng về lamrim thì những kinh sách ấy sẽ cảm thấy như bị vị thầy lấy đi tinh túy của lời Phật dạy. Điều quan trọng là sau khi học lamrim, quý vị phải đưa vào thực hành tất cả những gì mình đã học. Lamrim không phải là môn học mà quý vị chỉ học nhưng lại không thực hành. Lamrim là môn học mà quý vị cần phải thực hành.

Đến đây, kinh văn chưa nói đến pháp hành lamrim thực thụ. Có lẽ trong phần tiếp theo bản kinh sẽ nói đến những vấn đề quan trọng khác liên quan đến thực hành lamrim.

Tôi đã nói khá nhiều về lamrim và bây giờ quý vị sẽ đặt câu hỏi “Lamrim là gì?” Lamrim giống như một hệ thống, hoặc trình tự thực hành được tổ Atisha đúc kết. Đức Phật đã không hệ thống hóa các pháp hành Ngài đã dạy, và tổ Atisha đã sắp xếp lại một cách có hệ thống. Tổ Atisha đã đúc kết tất cả giai đoạn hành trì. Đó chính là lamrim. Đức Phật đã chỉ dạy nhiều pháp hành trì nhưng Ngài không nói rõ nên thực hành pháp nào trước, thực hành pháp nào sau, nhưng tổ Atisha đã sắp xếp giáo lý rất có hệ thống và Tổ tập trung vào trình tự thực hành, nên thực hành điểm nào trước và thực hành điểm nào sau. Đó được gọi là lamrim.

Trong tiếng Tây Tạng, “lam” có nghĩa là con đường, “rim” là hệ thống. Do đó, quý vị có thể gọi “lamrim” là “các giai đoạn của con đường.” Ai đã đưa ra các giai đoạn này? Tổ Atisha đã đề xướng trình tự này. Đức Phật đã giảng giải rất nhiều về các pháp hành dẫn tới giác ngộ nhưng Ngài không đưa ra thứ tự các bước hành trì và cũng không sắp xếp giáo lý theo một hệ thống nào. Tổ Atisha là người đầu tiên đã sắp xếp Phật pháp thành một hệ thống theo thứ lớp, được gọi là lamrim.

Quý vị đã hiểu rõ chưa? Nếu quý vị không hiểu thì hãy hỏi trực tiếp tôi chứ đừng tỏ vẻ là đã hiểu. Nếu có ai không hiểu gì hết thì chỉ cần nói trực tiếp với tôi chứ đừng tỏ vẻ như đã hiểu hết rồi. [Rinpoche cười. Đại chúng nói rằng đã hiểu rồi]

Như vậy quý vị đã hiểu lamrim là các giai đoạn hành trì Phật pháp. Bây giờ câu hỏi thứ hai sẽ đến, “Đâu là bước thực hành đầu tiên?” Chúng ta bắt đầu thực hành lamrim từ đây.

Các thực hành lamrim nhấn mạnh điểm nào? Tất cả các thực hành này đều nhấn mạnh các bước luyện tâm. Trong lamrim, từng bước thực hành đều nhấn mạnh việc luyện tâm. Khi hoàn toàn điều phục được tâm thức của mình thì quý vị sẽ thành Phật. Luyện tâm có nghĩa là như vậy. Tôi sẽ kể cho quý vị một câu chuyện. Có một vị đệ tử đi đến chỗ của sư phụ và hỏi thầy mình rằng, “Mỗi khi nhắm mắt lại thì con luôn thấy hình ảnh Đức Phật hiện ra.” Vị thầy trả lời, “Tốt thôi. Khi Đức Phật hiện ra con hãy cắt đầu của Đức Phật.” Người đệ tử lấy làm lạ và hỏi lại, “Làm sao con có thể cắt đầu của Đức Phật được, con lấy dao từ đâu?” Vị thầy liền hỏi lại, “Vậy Đức Phật từ đâu đến?” Người đệ tử trả lời, “Đức Phật đến từ tâm con. Mỗi khi con nhắm mắt thì Đức Phật đến từ tâm con.” Lúc đó vị thầy mới nói rằng, “Cũng như vậy thôi. Hãy lấy dao từ tâm con.” Khi nhắm mắt lại thì Đức Phật hiện ra. Thậm chí, quý vị có thể lấy dao từ trong tâm mình khi nhắm mắt lại. Tâm là như vậy. Tất cả tư tưởng, cảm xúc, tất cả đều khởi sinh từ tâm. Do đó, một khi đã luyện tâm thì quý vị có thể điều phục và kiểm soát cảm xúc và ý nghĩ của mình.

Khi thực hành luyện tâm, quý vị phải trải qua nhiều bước vì luyện tâm không phải là việc dễ dàng. Nhiều tu sĩ đã thất bại trong việc luyện tâm vì đây không phải là việc dễ. Luyện tâm chắc chắn không hề dễ dàng vì đã có rất nhiều người thất bại. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người luyện tâm thành công và điều này cho thấy luyện tâm không phải là việc bất khả thi. Quý vị cần hiểu rằng luyện tâm rất khó nhưng không phải bất khả thi.

Con người có hai lối suy nghĩ. Mọi nhiệm vụ khó khăn đều mang đến lợi nhuận cao. Việc nào mang đến lợi nhuận cao thì đó là việc khó. Vấn đề này có hai mặt. Những người lạc quan luôn nhìn thấy cơ hội tiềm ẩn trong những nhiệm vụ khó. Những kẻ bi quan lại thấy trong thời cơ hay mối lợi lớn đầy rẫy những trở ngại. Khi nhìn vào cơ hội, anh ta chỉ thấy toàn khó khăn. Đối với người lạc quan, khi đối diện khó khăn, anh ta đồng thời thấy được lợi nhuận và thời cơ tiềm ẩn trong sự khó khăn. Thực hành lamrim chính là điều phục tâm thức. Điều phục tâm thức rất khó nhưng tiềm ẩn bên dưới là lợi ích to lớn mà quý vị sẽ nhận được. Trong thế kỉ 21 này, quý vị luôn nhắc đến lợi nhuận, lợi nhuận là điều hệ trọng nhất [Rinpoche cười]. Quý vị gọi “profit” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch trả lời: “Lợi nhuận”]

Trong tu viện, chúng tôi có các nghiên cứu giữa các nhà khoa học và Phật giáo. Chúng tôi tiến hành việc này khá thường xuyên với các nhà khoa học châu Âu. Một dịp nọ, chúng tôi có một hội nghị với một khoa học gia đã lớn tuổi. Ông ta nói về nguyên tử, hạt hạ nguyên tử, vi hạt… Tôi đã rất hứng thú. Ông ta đã khá lớn tuổi, một nhà khoa học người Thụy Sĩ. Sau khi ông ta trình bày khá lâu, tôi nói với ông ta rằng những gì ông vừa nói rất thú vị. Tôi nói với ông ấy là tôi rất hứng thú về đề tài các hạt nguyên tử, hạ nguyên tử, proton…, tất cả về vi hạt. Ông ta nói rằng đề tài này rất thú vị. Rồi ông ta kể với tôi ông đã hoàn thành học vị tiến sĩ và đã nghiên cứu suốt hai mươi năm trong lĩnh vực này. Ông nói ông đã nghiên cứu suốt hai mươi năm sau khi tốt nghiệp, nhưng ông vẫn cảm thấy tâm tư mình trống rỗng. Ông ấy cảm thấy ông đã thất bại nặng nề. Khi biết ông ta cảm thấy như vậy, tôi đã rất đỗi kinh ngạc. Tôi đã kinh ngạc và cảm thấy hạnh phúc với chính bản thân mình. Tôi đã không bỏ ra hai mươi năm để nghiên cứu Phật pháp. Tôi không giống ông ta. Tôi chỉ dành bốn đến năm năm nghiên cứu Phật pháp, và sau khi nghiên cứu tôi cảm thấy không hề trống rỗng. Tôi cảm thấy mình đã đạt được điều gì đó từ tận sâu thẳm trong tâm. Khi tôi nghe ông ấy nói rằng ông cảm thấy không đạt được gì cả, tôi đã hạnh phúc vì sau khi tôi học Phật pháp, tôi thấy mình đã đạt được một điều gì đó, chứ không hề trống rỗng.

Trong cuộc sống, nếu bỗng nhiên quý vị cảm thấy như vậy, “Mình chẳng đạt được điều gì cả.” thì thật đáng buồn. Quý vị đã không có một cuộc sống tốt đẹp. Tương tự, điều này xảy ra khi quý vị không thể điều phục tâm mình, quý vị sẽ cảm thấy trống rỗng từ sâu thẳm trong tâm. Rất nhiều người từng hỏi tôi rằng đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Tôi nói rằng hãy thực hành lamrim và điều phục tâm. Điều này có thể khó nhưng cuối cùng quý vị sẽ không cảm thấy tâm mình rỗng không. Khi bắt đầu tiến hành luyện tâm, quý vị sẽ cảm thấy mình đạt được một điều gì đó. Học và hành là hai điều khác biệt. Có nhiều người học nhiều Phật pháp nhưng vẫn thực hành thất bại. Do đó, luyện tâm là điểm quan trọng nhất và luyện tâm chính là dạy cho bản thân mình cách sống. Luyện tâm là chủ đề mà quý vị cần phải học nhất. Đó là chủ đề về việc phải sống như thế nào.

Quý vị có thể thấy lamrim được mở đầu bằng việc trình bày cách thức giảng dạy và lắng nghe Pháp. Tôi sẽ bắt đầu lamrim từ điểm này. Lamrim nhấn mạnh về hai điểm này. Trước hết là cách lắng nghe Pháp. Điều đầu tiên là mỗi khi nghe Pháp, quý vị phải nghĩ đến lợi ích của việc học Pháp. Lợi ích đầu tiên của việc học Pháp là sau khi học, quý vị sẽ hiểu được Pháp và nhờ đó có thể thực hành Pháp. Nếu không học thì quý vị không hiểu Pháp. Nếu không hiểu Pháp thì quý vị sẽ không biết cách hành trì. Điều này vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ tôi đã vài lần nói với quý vị rằng Phật pháp là một môn học về cách sống. Quý vị có thể gọi đó là khoa học về cuộc sống. Ở trường học, quý vị đã học nhiều môn học khác nhau sinh học, xã hội học, tâm lý học… nhưng quý vị không học khoa học về cuộc sống. Phật pháp chính là khoa học về cuộc sống.

Do đó, sau khi học Phật pháp thì quý vị sẽ biết cách sống tốt hơn. Sống tốt hơn có nghĩa là hạnh phúc hơn. Quý vị sẽ biết cách sống hạnh phúc hơn. Quý vị học, hiểu, và thực hành Phật pháp. Muốn học Pháp quý vị phải nghe Pháp. Trước khi nghe Pháp quý vị phải hiểu lợi ích của việc học Pháp. Lợi ích lớn nhất và cũng là mục đích chính của Phật pháp chính là mang đến hạnh phúc và an lạc cho đời người. Đó là mục đích chính của Phật pháp. Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống này ai cũng muốn được hạnh phúc và không ai muốn mình đau khổ. Khổ đau hay hạnh phúc tùy thuộc rất nhiều vào quan điểm và thái độ của quý vị. Có một câu nói rằng một gia đình hạnh phúc không phải là một gia đình trong đó mọi thành viên đều suy nghĩ như nhau. Không phải như vậy. Hầu hết trong những gia đình hạnh phúc, các thành viên không bao giờ có tính cách giống nhau, mà họ thấu hiểu tường tận về tính cách của những thành viên khác. Khi quý vị không hiểu tính cách của người khác thì rất khó để chung sống với những người không cùng tư tưởng hay tính cách với mình. Nếu quý vị quá ích kỷ thì sẽ không thể nào hiểu được tính cách của người khác và hòa hợp với các tư tưởng khác nhau của họ. Nếu quá ích kỷ thì quý vị không thể nhìn ra phẩm tính của người khác từ nhiều góc độ khác nhau, và từ đó mọi vấn đề nảy sinh trong gia đình, trong quan hệ lứa đôi, và trong tình bạn. Mọi vấn đề sẽ phát sinh. Do đó, mọi giáo huấn Phật pháp đều dạy quý vị cách điều phục tâm nhằm giảm thiểu suy nghĩ quá nhiều cho bản thân, nhằm hạ thấp bản ngã. Khi bớt chấp ngã và không còn nghĩ quá nhiều cho bản thân thì quý vị sẽ cảm nhận được giá trị của quan điểm nơi những người khác, và quý vị sẽ dễ dàng thấu hiểu người khác.

Như tôi đã nói, có một câu nói trong tiếng Anh, “Hầu hết những gia đình hạnh phúc nhất trên thế gian này và những tình bạn thân thiết nhất đều không có sự trùng hợp về tính cách của các thành viên, mà đơn giản là họ am hiểu về sự khác biệt giữa mỗi người.” Do đó, khi quá ích kỷ và nghĩ về bản thân mình quá nhiều thì quý vị sẽ không thể hiểu được người khác và không thể chấp nhận tư tưởng của họ.

Hôm nay chúng ta dừng ở đây.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 23/08/2014.