12-05-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 30 - Ngày 12/05/2013

- khổ đau của kiếp người

- quy y Tam Bảo

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­

Tuần thứ 30

Như Thị Thất, ngày 12 tháng 05 năm 2013

 

Hôm nay chúng ta học phần tiếp theo của buổi trước. Trước tiên, tôi muốn gửi lời chúc mừng tới tất cả các bà mẹ vì hôm nay là Ngày Của Mẹ. Việt Nam có kỷ niệm Ngày Của Mẹ không? [Người dịch: Dạ, đó không phải là truyền thống của Việt Nam. Chúng con có Lễ Vu Lan vào Tháng Bảy âm lịch] Tốt! Buổi trước, chúng ta đang dừng ở Ngày thứ 11 phải không? [Người dịch: Dạ, chúng ta đang nói về khổ đau của sáu cõi.] Được rồi! Vậy hôm nay chúng ta sẽ nói tiếp quan điểm của Phật giáo về sáu cõi luân hồi, ở Ngày thứ 11 trong quyển Giải thoát trong lòng tay.

Trước hết, tôi muốn nói vài lời với những quý vị mới đến nghe Pháp, một đạo tràng mới ở Hà Nội. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi gặp đạo tràng. Tôi nghĩ rằng khi đến với Phật pháp, điều quan trọng đầu tiên là phải hiểu đúng ý nghĩa cốt lõi của Phật pháp. Khi nói về Phật pháp, tôi thường nhấn mạnh một số điểm. Trong cuộc đời tôi, có rất nhiều người thường đặt cho tôi một câu hỏi: “Ý nghĩa của cuộc đời này là gì?” Rất đơn giản! Tôi luôn trả lời rằng ý nghĩa của cuộc đời này là chúng ta phải sống hạnh phúc. Do đó, Phật pháp là một trong những phương thức dạy chúng ta cách sống hạnh phúc và an lạc. Khi học Phật pháp, quý vị phải suy nghĩ rằng mình học Phật pháp với mục đích chính là học phương pháp giúp bản thân sống hạnh phúc; đó là điều quan trọng đầu tiên. Điều quan trọng thứ hai là sau khi học Phật pháp quý vị phải thực hành và bản thân phải tiến bộ. Nếu sau khi học Phật pháp mà bản thân quý vị không tiến bộ thì xem như quý vị đã thất bại. Hiện nay chúng ta đã học đến Ngày thứ 11 trong cuốn Giải thoát trong lòng tay. Những gì tôi đã giảng ở các phần trước quý vị có thể nghe lại từ trang mạng dipkar.com. Quý vị trong đạo tràng có nghe rõ không? Nếu quý vị chưa nghe rõ thì đừng lo lắng gì cả, quý vị có thể tìm nghe lại từ trang dipkar.com. Như vậy, chúng ta đã hoàn tất Ngày thứ 11, do đó quý vị có thể nghe lại từ trang dipkar.com những gì tôi đã nói trước đây.

Bây giờ chúng ta tiếp tục buổi học trước. Lần trước chúng ta nói về sáu cõi luân hồi. Bây giờ chúng ta sẽ nói về khổ đau của sáu cõi này, nhìn chung là khổ đau ở cõi người. Phần này nói về khổ đau của cõi người và chỉ ra cách thức để chúng ta giải quyết và vượt qua các nỗi khổ. Chúng ta cần phải chấp nhận một điều là khổ đau luôn hiện diện, thử thách luôn hiện diện trong cuộc sống của nhân loại; chúng ta cần phải chấp nhận và thấu hiểu điều này. Cuộc đời không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Đối với toán học, khi hỏi hai cộng hai thì lời giải sẽ là bốn, đó là một đáp án hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cuộc sống không như toán học. Trong cuộc sống có rất nhiều điều không trọn vẹn. Có một lỗi lầm mà quý vị thường mắc phải là tự cho rằng chỉ riêng cuộc đời của mình là không trọn vẹn, chỉ có đời mình gặp nhiều sóng gió; một số người hay có lối suy nghĩ sai lầm như vậy. Do đó, chúng ta đang nói về Ngày thứ 11, khổ đau ở cõi người, và chúng ta cần hiểu rằng ai cũng có nỗi khổ chứ không chỉ riêng bản thân mình.

Tôi nghĩ những quý vị mới ở Hà Nội có thể tìm đọc quyển Giải thoát trong lòng tay, đây là quyển sách cốt lõi của lớp học, quý vị có thể nhận bản điện tử trên mạng qua e-mail.

Ngày thứ 11 trong Lamrim nói về khổ đau ở cõi người. Bất cứ khi nào chúng ta gặp phải khổ đau và thử thách trong cuộc sống thì chúng ta cần phải khắc phục. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rồi chấp nhận chúng, chấp nhận và thấu hiểu khổ đau. Ngoài ra, còn một điểm khác là bất cứ lúc nào đối diện vấn đề hay khi đương đầu với thử thách, quý vị phải có một cái nhìn toàn diện và bao quát. Nhìn xa trông rộng nghĩa là chúng ta cần phải hiểu, phải biết rằng khó khăn và khổ đau không chỉ tồn tại trong cuộc đời của riêng mình, mà tất cả mọi người đều gặp thách thức trong cuộc đời. Ai cũng có những nỗi thống khổ và vướng mắc của riêng mình chứ không phải chỉ có quý vị. Do đó, Ngày thứ 11 trong Giải thoát trong lòng tay đề cập đến khổ đau của nhân loại, về một số nỗi khổ lớn của đời người. Có ba nỗi khổ lớn nhất của đời người: khổ vì bệnh, khổ vì chết và khổ vì sự bất định, không chắc chắn; đó là ba nỗi khổ lớn của kiếp nhân sinh. Ba nỗi khổ đó là khổ đau lớn nhất của một đời người. Những nỗi khổ đó không chỉ của riêng ai mà chúng là nỗi khổ chung của nhân loại.

Một điều nữa quý vị cần phải hiểu, như tôi đã từng nói, là mỗi khi không vui thì quý vị phải nhìn xa trông rộng, phải nhìn nhận vấn đề sâu sắc toàn diện hơn. Quý vị không nên nghĩ rằng chỉ có bản thân mình đang gặp khó khăn, chỉ có bản thân mình đang chịu đau khổ. Nhìn chung thì mọi người thường có những suy nghĩ rất lạ lùng, bất cứ khi nào gặp khó khăn thì họ sẽ nghĩ “Tại sao lại là tôi?”, “Tại sao không phải là người khác mà lại là tôi kia chứ?” [Rinpoche hỏi “Why me?” trong tiếng Việt là gì, người dịch nói “Tại sao lại là tôi?” Rinpoche cười: “Ồ, một từ rất dài.”] Tuy nhiên, nếu quý vị trúng số 10 ngàn đô-la thì quý vị sẽ không hỏi “Tại sao lại là tôi mà không phải người khác?” Do đó, nhìn chung mọi người thường như vậy, khi lâm vào nghịch cảnh thì quý vị luôn đặt câu hỏi “Tại sao lại là tôi? Tại sao tôi đau khổ còn người khác thì không?” Tuy nhiên, khi quý vị thành công hay đạt được thứ gì đó tốt đẹp thì quý vị sẽ không tự hỏi như vậy, không hỏi “Tại sao lại là tôi mà không phải là người khác?” Phật giáo hướng dẫn chúng ta phải làm hoàn toàn ngược lại với thói quen hiện tại này: Khi quý vị thành công hay đạt được thứ gì đẹp đẽ thì quý vị hãy tự hỏi “Tại sao lại là tôi mà không phải là người khác?”; còn khi gặp khó khăn thì quý vị không nên đặt câu hỏi như vậy mà hãy nghĩ rằng mọi người đều đau khổ và đều gặp khó khăn trở ngại. Khi thành công hay đạt được những thứ tốt đẹp, nếu quý vị đặt câu hỏi “Tại sao lại là tôi mà không phải là người khác,” thì sau đó quý vị sẽ cảm thấy bản thân mình thật sự rất may mắn.

Khi khó khăn ập đến, nếu tự hỏi “Tại sao lại là tôi mà không phải người khác” thì khi đó chính chúng ta đang khiến cho khó khăn thử thách của mình trở nên trầm trọng hơn, và bản thân cảm thấy bế tắc hơn. Do đó, Ngày thứ 11 nói về nỗi khổ của loài người nhằm hướng dẫn chúng ta nhìn nhận khổ đau một cách toàn diện và bao quát, không bó hẹp và thụ động. Con người ai cũng có nỗi khổ và đó là lý do Đức Phật đã giảng về khổ đế trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên của Ngài. Đức Phật luôn dạy hãy đối diện khó khăn và khổ đau để vượt qua chúng, và bước đầu tiên để vượt qua khổ đau là phải hiểu biết về chúng. Vì vậy, Phật đã dạy về khổ qua Tứ Thánh Đế trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất của Ngài. Ngài chỉ ra rằng hiểu biết về khổ là bước đầu tiên để vượt qua đau khổ. Do vậy, Đức Phật nói rằng vô minh là nỗi thống khổ nặng nề. Nhưng người Anh lại có câu nói hoàn toàn khác, “Vô minh là hạnh phúc.” Người Anh nói vô minh là hạnh phúc, còn Đức Phật dạy vô minh là nỗi khổ nặng nề nhất. Đức Phật dạy rằng hiểu biết về khổ đau là điều vô cùng quan trọng để chiến thắng khổ đau, do đó Ngài đã giảng về khổ trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên.

Bởi ngạn ngữ của Anh cho rằng vô minh là niềm vui, vô minh là thiên đường, do đó chúng ta cũng có thể xem xét vô minh là khổ đau hay hạnh phúc. Một lần tôi đi dạo cùng với một học trò ở miền Nam Ấn Độ. Tôi băng qua một ngõ hẹp mà hai bên là bờ tường thật cao. Đó là một lối đi nhỏ và ngắn giữa hai bức tường rất cao, và tôi đã đi sát bên trái, đi bộ băng qua đó. Người học trò không đi theo tôi mà đứng lại ở rất xa phía sau, do vậy tôi hỏi anh ta tại sao không đi theo sau tôi. Anh ta liền chỉ vào một bên của lối đi nhỏ mà tôi vừa đi qua và nói ở đó có một con rắn. Tôi không hề trông thấy con rắn khi đi ngang qua đó [Rinpoche cười]. Tôi rất sửng sốt và nói rằng tôi đã không hề trông thấy con rắn. Thế là người học trò nói với tôi “Vô minh thật là hạnh phúc.” Tuy nhiên, có một điểm mà quý vị cần phải suy nghĩ, nếu con rắn cắn tôi thì lúc ấy vô minh lại là nỗi khổ tồi tệ nhất. Đó là lý do Đức Phật nói vô minh là khổ đau. Tiếp theo, Ngài dạy về cách thức để vượt qua khổ đau, trong đó điều quan trọng trước hết là phải hiểu về khổ, vì vậy Đức Phật đã dạy Khổ Đế. Khi một người đau yếu muốn chiến thắng bệnh tật, trước hết anh ta phải biết rõ cảm giác của bản thân đang rất đau, rất mệt. Nếu người bệnh khăng khăng mình rất khỏe thì không ai có thể chữa trị cho anh ta. Do đó, điều quan trọng là quý vị cần phải biết có nỗi khổ nào đang hiện diện, và để vượt qua đau khổ thì quan trọng nhất là chúng ta cần biết rõ về chúng và chấp nhận sự thật đó.

Có một người đàn ông lịch lãm nhưng bị lãng tai, do đó ông tìm mua một chiếc máy trợ thính. Người bán hàng cho ông xem rất nhiều loại máy trợ thính khác nhau và người đàn ông hỏi giá tiền của chúng. Giá của những chiếc máy này khoảng từ 100 USD trở lên. Người đàn ông cho rằng chúng quá đắt, bởi ông muốn tìm một chiếc máy giá chỉ 10 USD mà thôi. Người bán hàng trả lời rằng cửa hàng cũng có một loại máy trợ thính giá 10 USD, người dùng chỉ việc bỏ máy vào túi và gài tai nghe vào lỗ tai là có thể nghe được. Người đàn ông rất đỗi vui mừng vì mua được máy trợ thính chỉ với 10 USD, ông ta liền thử bấm nút nhưng chiếc máy không hoạt động. Ông hỏi người bán hàng và phàn nàn làm sao có thể nghe được tốt hơn nếu chiếc máy không hoạt động. Người bán hàng đáp lại lời ông, “Có! Ông có thể nghe rõ hơn mà!” Người đàn ông bực bội hỏi lại, “Máy không hoạt động mà sao anh nói nó sẽ hỗ trợ tôi tốt hơn?” Người bán hàng lại trả lời, “Đúng vậy! Có thể là chiếc máy không chạy được, nhưng khi ông để nó trong túi và đeo cái tai nghe trên lỗ tai thì mọi người xung quanh sẽ nói lớn hơn khi nói chuyện với ông.” Quý vị có hiểu ý câu chuyện này không? Khi người xung quanh nói to hơn thì người đàn ông sẽ nghe rõ hơn. Tương tự như vậy, chấp nhận đau khổ là một phương pháp. Có nhiều phương pháp khác nhau và chúng ta cần phải tìm ra cách tốt nhất, chứ không phải giống như máy trợ thính 10 USD kia.

Nhìn chung, mọi người đều gặp khó khăn và khi gặp khó khăn thì chúng ta đều tự phản ứng tìm cách giải quyết. Về mặt sinh học, nếu cơ thể chúng ta bị bất cứ mầm bệnh nào xâm nhập thì nó sẽ có cơ chế tự ngăn chặn. Tương tự, khi khó khăn ập đến thì chúng ta cũng tìm kiếm nhiều giải pháp, nhưng đôi lúc chúng ta không tìm được cách giải quyết thỏa đáng để vượt qua khó khăn. Khi Đức Phật nói về đau khổ của sáu cõi luân hồi, đó chính là phương pháp đầu tiên giúp chúng ta xem xét, nhìn nhận khó khăn của bản thân. Khi đối diện với khổ đau thì quý vị cần phải hiểu và chấp nhận chúng bởi hiển nhiên thì không riêng gì quý vị đau khổ, mà tất cả mọi người đều có nỗi khổ của riêng mình. Đó là bước đầu tiên.

Điểm thứ hai, Đức Phật nói về vô thường. Ngài nói về tính vô thường của khổ đau, chúng không tồn tại mãi mãi. Đây chính là điểm thứ hai. Điểm thứ ba trong Giải thoát trong lòng tay nói về quy y Phật, quy y Tam Bảo. Trong cuộc sống, khi chúng ta gặp khó khăn và đối diện nghịch cảnh, nếu có ai đó để nương tựa, để nguyện cầu thì chúng ta sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn. Chúng ta sẽ có sức mạnh nội tâm từ bên trong. Do vậy chúng ta nói về quy y. Cầu nguyện quy y có nghĩa là chúng ta quy y Ruộng Phước, vì Tam Bảo cũng ngự trên Ruộng Phước. Nhìn chung, khi có ai đó để nương tựa thì quý vị sẽ cảm thấy mạnh mẽ, vững vàng hơn. Vì lẽ đó, bất cứ khi nào lâm vào hoàn cảnh khó khăn hoặc khi những điều bất thuận ập xuống, trước tiên quý vị hãy cầu nguyện với Ruộng Phước, không chỉ cầu nguyện cho riêng cho bản thân quý vị mà cho hết thảy chúng sinh có thể vượt qua được khổ đau và chướng ngại.

Trong đời mình, tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, đặc biệt là những người bất hạnh. Đối với những người đang tuyệt vọng và phiền muộn, tôi sẽ nói cho quý vị một bí quyết để giúp họ: Cách tốt nhất để giúp đỡ họ là lắng nghe tâm sự của họ, thế thôi [Rinpoche cười]. Hãy kiên trì lắng nghe mọi vướng mắc của họ, bởi đối với những người đang phiền muộn thì vấn đề của họ sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu họ không chia sẻ được với người khác. Không thể nói ra cũng là một nguyên nhân. Hầu hết những người phiền muộn mà tôi từng gặp, trước hết họ đều thổ lộ tất cả những tâm tư mà họ đang trĩu nặng. Họ nói xong rồi khóc, và sau khi khóc một hồi thì họ có vẻ nhẹ lòng hơn, thư giãn hơn một chút. Khi họ có thể ngồi nghe được rồi thì lúc đó tôi mới lên tiếng [Rinpoche cười]. Do đó, cầu nguyện cũng có tác dụng tương tự như thế, quý vị phải thổ lộ những vấn đề của mình ra. Khi gặp chuyện rắc rối hay đối mặt thử thách, quý vị có thể cầu nguyện với Tam Bảo hoặc Ruộng Phước. Khi cầu nguyện, quý vị đang chia sẻ những tâm tư của mình. Quý vị có nhận được hồi đáp hay không, ước nguyện của quý vị có thành sự thật hay không, đó lại là một câu hỏi hoàn toàn khác. Người Tây Tạng có câu nói, “Khi người ta tuyệt vọng, họ sẽ tìm đến thánh thần. Khi thánh thần tuyệt vọng, họ sẽ nói dối.” [Rinpoche cười]

Như vậy quý vị sẽ thấy có hai trường hợp: Một người đang tuyệt vọng nhưng có niềm tin vào Tam Bảo; và một người cũng đang tuyệt vọng nhưng lại không tin vào điều gì. Tình huống chung là tuyệt vọng, nhưng lại có sự khác biệt lớn. Người có niềm tin vào Tam Bảo thì sẽ có đối tượng để cầu nguyện. Người không có niềm tin vào điều gì, như Tam Bảo chẳng hạn, thì không có đối tượng nào để cầu nguyện hay nương tựa. Đó là sự khác biệt lớn giữa người có tín tâm và người không có tín tâm vào Tam Bảo. Chính điều này tạo sự khác biệt lớn khi cả hai người đều đang cùng một tâm trạng tuyệt vọng. Người không tin Tam Bảo thì không có ai để nương tựa, người có niềm tin vào Tam Bảo thì ít nhất cũng có ai đó để khẩn cầu. Khi người ta cầu nguyện thì họ sẽ có hy vọng và khi có hy vọng thì họ sẽ sống sót. Tôi nhớ đã từng nói rằng khi một người có hy vọng thì có tất cả; nếu tuyệt vọng thì sẽ chẳng còn gì. Thế nhưng tâm trí con người rất lạ. Khi ở tình thế tuyệt vọng, khi không thể điều phục tâm mình thì ngay cả một vấn đề rất nhỏ quý vị cũng thấy đó là cả một vấn đề to tát. Do đó, Newton đã từng nói một điều. Newton từng rất giàu có và ông đã đầu tư vào công ty South Sea trên thị trường chứng khoán. Ông đã nói một điều sau khi đã bị mất tiền vì đầu tư chứng khoán. Ông nói, “Tôi có thể tính toán được chuyển động của vũ trụ nhưng không tài nào lường trước được sự điên rồ của con người.” [Rinpoche cười] Nhưng Đức Phật có thể tiên lượng được sự điên rồ của loài người. Do đó, khi một người tuyệt vọng thì ngay cả một sự việc rất nhỏ anh ta cũng xem là vấn đề to tát. Tóm lại, khi tuyệt vọng, nếu quý vị có ai đó để nương tựa thì bản thân quý vị sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Trước đây tôi từng có buổi nói chuyện trong một trại giam ở Đài Loan. Các tù nhân không hỏi tôi trực tiếp mà họ viết câu hỏi ra giấy. Có một tù nhân đã đặt cho tôi một câu hỏi rất buồn. Ông ta hỏi tôi, “Tôi không còn cơ hội nào ra khỏi nhà tù này nữa. Tôi không muốn sống. Tôi muốn chết. Thầy có lời khuyên gì không?” Quý vị có thể thấy khi một người tuyệt vọng thì họ sẽ mất hết hy vọng sống, thật buồn. Ông ta hỏi tôi có lời khuyên nào không, khi ông đã không còn cơ hội được tự do, ông không còn muốn sống và chỉ muốn chết. Đó là một câu hỏi đáng buồn. Tôi vẫn còn giữ lại tất cả những câu hỏi đó. Khi người ta lâm vào tình thế tuyệt vọng, họ mất đi hy vọng sống, họ sẵn sàng tìm đến cái chết. Tuy nhiên, khi người ta còn hy vọng thì họ sẽ muốn sống. Cũng trong nhà tù đó, tôi gặp một vài tù nhân và thật ngạc nhiên khi họ nói với tôi là họ đã đọc rất nhiều sách về thiền và họ có thời gian hành thiền 10 tiếng một ngày trong nhà tù. Tôi nói với họ rằng có thể họ sẽ đắc quả Phật ngay trong nhà tù ở Đài Loan [Rinpoche cười]. Quý vị cũng thấy có sự khác biệt như vậy. Quý vị có thể thấy với cùng một điều kiện sống là trong nhà tù, người có tín tâm vào Tam Bảo sẽ có một đường lối riêng, họ theo một lối sống tích cực. Người không có ai để nương tựa, không có niềm tin thì không còn lựa chọn nào khác. Như vậy, tôi nhắc lại, quý vị có thể nhìn vào hoàn cảnh này: Cùng ở trong tù nhưng có hai tình huống xảy ra. Những người có niềm tin vào Tam Bảo sẽ có một vài giải pháp để tiếp tục sống trong hoàn cảnh đó; còn người không có ai để nương tựa thì không còn con đường nào nữa. Đây là một nội dung rất quan trọng. Những gì quý vị cần phải biết là bất cứ khi nào lâm vào hoàn cảnh khó khăn bất thuận, để giải quyết và vượt qua chúng thì quý vị hãy cầu nguyện với Tam Bảo hoặc Ruộng Phước.

Sau khi bàn về khổ đau của loài người thì Ngày thứ 12 trong quyển Giải thoát trong lòng tay nói về quy y. Những điều quý vị cần làm khi quy y là cầu nguyện với tín tâm hoàn toàn vào Tam Bảo. Tam Bảo bao gồm Phật, Pháp, Tăng; tôi nghĩ quý vị đã nghe về điều này rồi. Phật là người đã đoạn trừ hết mọi tư tưởng phiền não. Do vậy theo quan điểm Phật giáo, tất cả mọi người đều có tiềm năng thành Phật. Tôi nghĩ là tôi đã từng nói với quý vị rằng nếu quý vị đạt Phật quả trước tôi thì quý vị biết là cần phải làm gì rồi đấy [Rinpoche cười]. Quý vị nhớ chứ? Điều này rất quan trọng. Pháp là lời Phật dạy. Hiểu được lời Phật dạy là điều vô cùng quan trọng. Quý vị có thể hiểu rằng lời Phật dạy mà chúng ta đang học chính là những phương pháp chúng ta sống trong cuộc đời. Tôi thường nói rằng Phật pháp là khoa học của đời sống. Quý vị đang học cách sống trong cuộc đời. Chúng ta có rất nhiều ngành khoa học để nghiên cứu như xã hội học, sinh học và tâm lý học…, nhưng chúng ta chưa có khoa học về cuộc đời. Phật pháp chính là khoa học về cuộc đời, Phật pháp dạy chúng ta cách sống.

Hôm nay tôi sẽ dừng tại đây vì ngày hôm nay là buổi học đầu của lớp trong tháng Phật đản. Vì vậy, có thể tốt hơn là chúng ta nên có vài bài cầu nguyện. Quý vị có quyển Cúng Dường Đạo Sư không? Ở Hà Nội quý vị có sách không? Nếu có quý vị hãy cùng nhau đọc. Hôm nay là ngày học đầu tiên của lớp trong tháng Phật đản. Đây là một tháng rất linh thiêng. Và có một điều lạ là bình thường thì lịch Tây Tạng và lịch Ấn Độ có chút chênh lệch về ngày âm lịch, lần này thì lịch cả hai bên lại trùng với nhau. Trong tháng này, bài học tới tôi sẽ giảng về nghi quỹ thực hành Đức Quan Âm, tiếp theo là Lamrim. Tôi sẽ ngừng ở đây, sớm một chút vì quý vị còn đọc kinh Cúng Dường Đạo Sư. Cảm ơn quý vị! [Rinpoche nói “Cảm ơn” bằng Tiếng Việt.]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 14/11/2014.