11-11-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 18 - Ngày 11/11/2012

- ba loại chướng ngại đối với việc hành trì Phật pháp

- pháp hành sơ khởi thứ sáu: các thỉnh cầu tiếp theo sau Thất chi nguyện

- cách quán hòa tan Ruộng Phước

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải ­

Tuần thứ 18

Như Thị Thất, ngày 11 tháng 11 năm 2012

 

Bây giờ chúng ta tiếp tục phần “Những cầu xin tiếp theo phần giáo huấn khẩu truyền cốt để đảm bảo dòng tâm thức của bạn đã thấm nhuần thiền định.” Ở đây, quý vị có thể thấy thỉnh cầu hoặc cầu nguyện là những điểm quan trọng nhất. Khi quý vị muốn cải thiện việc hành trì Phật pháp thì quan trọng nhất là thông qua cầu nguyện. Đó là một trong những điểm quan trọng nhất để thực hành tiến bộ. Như tôi đã nói, có sáu pháp hành sơ khởi. Hôm nay chúng ta nói về pháp hành thứ sáu.

Mỗi khi tiến hành bất cứ pháp hành Phật giáo nào, quý vị sẽ đều cảm thấy có ba loại chướng ngại. Chúng ta gọi là chướng ngại bên ngoài, chướng ngại bên trong và chướng ngại bí mật. Tôi đã nói về điều này chưa? [Người dịch: Dạ chưa.]

Chướng ngại bên ngoài rất đơn giản. Mỗi khi quý vị bắt đầu thực hành Phật pháp, vài người bạn của quý vị lại nhờ quý vị đi đến nơi này hoặc nơi khác. Những người khác không để quý vị thật sự thực hành Pháp. Chúng ta gọi đó là chướng ngại bên ngoài.

Chướng ngại bên trong là khi quý vị không khỏe, quý vị có vấn đề về sức khỏe. Chúng ta gọi đó là chướng ngại bên trong đối với việc thực hành Pháp.

Một chướng ngại khác là chướng ngại bí mật, đó là khi quý vị không thể kiểm soát tâm mình vì quý vị chưa nỗ lực hết mình để kiểm soát tâm. Khi quý vị không nỗ lực thì rất khó kiểm soát tâm. Chính vì vậy, ba loại chướng ngại này là trở ngại chính đối với việc hành trì Phật pháp.

Một đạo sư dòng Lamrim có một câu nói, “Đâu là Pháp thù thắng?” Ông ấy thường hỏi như vậy. Thông thường, người ta nghĩ Pháp thù thắng, Pháp thâm sâu là Pháp nào sau khi thực hành quý vị sẽ có năng lực siêu nhiên, hoặc thấy được chư Phật; quý vị cho rằng những Pháp đó rất thâm sâu. Thực tế thì không phải như vậy. Pháp thực thụ, thâm sâu và thù thắng là Pháp giúp quý vị điều phục được ác niệm và cảm xúc tiêu cực. Đó là Pháp thù thắng. Khi không thể điều phục ác niệm và cảm xúc tiêu cực thì quý vị sẽ rất đau khổ, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Tôi hỏi quý vị một câu, nếu được chọn thì quý vị sẽ chọn bên nào: một bên là luôn được gặp chư Phật nhưng vẫn đau khổ, còn bên kia là dù không được gặp chư Phật nhưng vẫn hạnh phúc. Tôi nghĩ có lẽ quý vị sẽ chọn dù không được gặp Phật nhưng điều quan trọng hơn là quý vị hạnh phúc. Thậm chí nếu quý vị gặp được hàng ngàn vị Phật nhưng vẫn đau khổ thì gặp Phật để làm gì? Chính vì vậy, Pháp thâm sâu và thù thắng sẽ giúp quý vị điều phục được ác niệm và những cảm xúc tiêu cực như sân giận, ganh tị, ngạo mạn… Pháp nào giúp quý vị điều phục được những cảm xúc tiêu cực này thì nên được xem là Pháp thù thắng. Trước đây, tôi nghĩ Pháp thâm sâu là Pháp giúp tôi gặp được Phật, sau đó thì tôi nghĩ điều đó thật vô ích. Các đạo sư Lamrim thường dạy rằng Pháp thù thắng là Pháp giúp quý vị giảm thiểu sân giận, chấp ngã, ganh tị. Đó được xem là Pháp thâm sâu, thực thụ.

Quý vị phải cầu nguyện với Ruộng Phước để vượt qua được ba loại chướng ngại. Quý vị có thể thấy trong kinh, “Tôi đã nói rằng phương pháp tốt nhất để triển khai dòng tâm thức là khẩn cầu bậc thầy, xem thầy không khác gì vị thần hộ mạng của mình.” (Giải thoát trong lòng tay, Quyển 1, trang 356) Khi quán tưởng và cầu nguyện với Ruộng Phước, quý vị không thể nào tách biệt Đạo Sư và Phật. Quý vị phải nghĩ rằng Đạo Sư và Phật là bất khả phân, như quý vị có thể thấy trong kinh. Có một câu hỏi, khi nào thì chúng ta cần cầu nguyện như vậy? Quan trọng nhất là quý vị phải cầu nguyện ngay lúc phát khởi sân giận. Khi sân giận thì đừng làm gì cả, chỉ quán tưởng Ruộng Phước và cơn giận sẽ được giảm thiểu. Khi quý vị phát khởi và nhận ra bản ngã của mình, đừng làm gì cả, hãy quán tưởng Ruộng Phước, cầu nguyện và cầu xin Ruộng Phước gia trì để quý vị điều phục được bản ngã. Khi thực hành như vậy thì lần nổi giận thứ hai sẽ dễ dàng hơn, rồi sau đó mỗi khi nổi giận thì quý vị sẽ tự nhiên cầu nguyện với Ruộng Phước. Bằng cách đó, trong vòng một tháng quý vị sẽ thấy sân giận được giảm thiểu. Tập trung cầu nguyện vào buổi sáng hay buổi tối, điều đó không quan trọng. Nhưng quý vị chớ quên cầu nguyện ngay lúc mình nổi giận, ganh tị hoặc chấp ngã. Mỗi khi quý vị phát khởi ác niệm, đó là thời điểm quan trọng nhất để thực hành. Trong một ngày, nếu quý vị không nổi giận, không ganh tị, không chấp ngã thì hãy quên Ruộng Phước đi [Rinpoche cười]. Tôi hiểu rằng cuộc sống của quý vị đầy thử thách. Quý vị phải học, làm việc, có quá nhiều áp lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, dưới những áp lực đó, chúng ta lại tự hành hạ bản thân quá mức vì nổi giận, ganh tị, chấp ngã. Từ đó, quá nhiều thứ tiêu cực phát sinh và chúng ta khiến cuộc đời mình khốn khó hơn nữa. Điều quan trọng nhất là có thể có rất nhiều áp lực từ bên ngoài, nhưng chúng ta phải biết cách giải tỏa chúng.

Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ. Một vài người cho rằng cuộc đời này rất cay đắng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ vậy; điều đó tùy thuộc vào cách sống của quý vị. Nếu quý vị không biết cách sống đúng đắn thì cuộc sống có thể rất cay đắng. Điều này tùy thuộc vào cách quý vị sống. Mỗi khi quý vị cảm thấy đau khổ, buồn bã, một lần nữa, hãy quán tưởng Ruộng Phước, cầu nguyện và thỉnh Ruộng Phước gia trì để quý vị vượt qua những khổ đau tinh thần. Không chỉ cầu xin cho riêng mình mà quý vị phải thỉnh cầu cho những chúng sinh giống quý vị cũng đều vượt qua đau khổ. Khi quý vị an lạc, khi không phát khởi bất cứ ác niệm nào thì hãy quên Ruộng Phước đi [Rinpoche cười]. Do đó, Phật pháp cần phải được ứng dụng ngay những lúc tâm quý vị bị phiền nhiễu, đau khổ…; trong tất cả những lúc đó quý vị phải hành trì. Thông thường, người ta nổi giận khi họ đau khổ, rồi họ sẽ làm gì nữa? Họ sẽ làm nhiều điều sai quấy như la hét, đánh nhau, say xỉn… Những hành vi sai quấy này đến bởi vì họ không thể kiểm soát tâm mình mỗi khi nổi giận hay trong lúc đau khổ; và do đó họ bị cuốn vào nhiều hành vi sai quấy. Tôi thường nói một điều ở các trường trung học và cao đẳng: Ở trường học và các trung tâm giáo dục hiện đại, các bạn có rất nhiều môn học như xã hội học, sinh học, tâm lý học… Các bạn đã từng nghe nói về khoa-học-cuộc-sống chưa? Phật pháp chính là khoa-học-cuộc-sống, dạy quý vị cách sống. Sau khi thực hành Phật pháp mà quý vị vẫn không chuyển hóa bản thân thành một người tốt hơn, an lạc hơn thì quý vị đang phí phạm thời gian, hoặc quý vị đã không hiểu đúng Phật pháp.

Tôi nghĩ quý vị đã rõ khi nào cần cầu nguyện với Ruộng Phước, phải không? Khi nghe Pháp, hãy cố gắng thực hành, cố gắng trở thành một người tốt hơn. Thông qua việc thực hành Pháp, quý vị cũng phải giảm thiểu ác niệm của mình như sân giận, ganh tị, chấp ngã…; khi đó quý vị sẽ hạnh phúc hơn. Tôi biết tất cả quý vị đều thích nhận quán đảnh, thậm chí nhận hàng trăm quán đảnh, nhưng rồi điều gì sẽ xảy ra? Mọi thứ vẫn như cũ, chẳng có gì khác biệt. Quý vị hiểu ý của tôi chứ? Khi tôi còn nhỏ, tôi nhận rất nhiều quán đảnh. Sau khi thực hành giáo pháp Kadampa, như pháp Lamrim, thì tâm tôi thật sự thay đổi. Quý vị có thể thấy đó thật sự là những Pháp thù thắng vì các giáo pháp đó nói về việc giảm thiểu ác niệm và các cảm xúc tiêu cực. Đó là những Pháp thanh tịnh.

Sau khi cầu nguyện, quý vị cần quán tưởng Ruộng Phước. Hãy quán tưởng có một Ruộng Phước nữa đến từ Ruộng Phước ban đầu và hòa tan vào cơ thể quý vị thông qua đỉnh đầu. Sau đó từ Ruộng Phước, quý vị quán tưởng có một vị Đạo Sư giống hệt Đạo Sư của mình đến từ Ruộng Phước và ngự trên đỉnh đầu của quý vị. Nếu không có nhiều thời gian thì quý vị chỉ cần quán tưởng có một Ruộng Phước nữa giống hệt và đến từ Ruộng Phước ban đầu hòa tan vào cơ thể quý vị. Khi quán tưởng hòa tan, quý vị cần quán tưởng Ruộng Phước cùng với hào quang và cam lồ, tất cả hòa tan vào cơ thể quý vị. Bây giờ quý vị thấy bài cầu nguyện rồi phải không?

Hỡi Bổn Sư tôn quý của con, xin hãy an vị

Trên tòa sen và nguyệt luân ở đỉnh đầu con.

Xin thương xót con vì lòng bi mẫn.

Cho con những thành tựu về thân lời ý.

Nếu có nhiều thời gian hơn, trước hết quý vị đọc lời cầu nguyện và quán tưởng Đạo Sư đến ngự trên đỉnh đầu mình. Sau đó, cam lồ và hào quang thâm nhập vào cơ thể quý vị thông qua Đạo Sư. Sau đó, quý vị quán tưởng Đạo Sư hòa tan vào cơ thể mình. Nếu không có thời gian, hãy quán tưởng Ruộng Phước, rồi quán tưởng có thêm một Ruộng Phước nữa đến từ Ruộng Phước ban đầu và giống hệt Ruộng Phước ban đầu hòa tan vào cơ thể quý vị qua luân xa đỉnh đầu. Mỗi khi quý vị nổi giận hoặc phát khởi ác niệm trong tâm, mỗi khi đau khổ, hãy bắt đầu cầu nguyện và quán tưởng Ruộng Phước hòa tan vào cơ thể quý vị, giúp quý vị vượt qua khổ đau, sân giận. Quý vị cần tiến hành các bước này. Rõ? [Rinpoche nói hỏi “Rõ?” bằng tiếng Việt và Ngài cười] Quý vị cần thực hành như vậy mỗi khi nổi giận, đau khổ hoặc chấp ngã. Khi thực hành thì sẽ ngày càng dễ hơn, quý vị sẽ không thấy khó nữa. Tâm con người rất lạ; nếu quý vị dụng tâm nhiều hơn nữa thì tâm sẽ tốt hơn. Với đối tượng bên ngoài thì càng sử dụng chúng thì chúng càng tệ hơn. Nếu quý vị nhìn vào tâm con người theo quan điểm khoa học, mỗi khi nổi giận, đau khổ thì những cảm xúc khổ đau và sân giận này chiếm lĩnh tâm trí chúng ta. Để khổ đau và sân giận không chiếm lĩnh tâm mình thì chúng ta phải nghĩ đến những điều mới mẻ khác, phải phát triển những tư tưởng khác. Như tôi đã từng nói, nếu quý vị chạy 2-3 chương trình máy tính cùng lúc thì máy tính sẽ bị treo. Tương tự đối với cơn giận, khi quý vị bắt đầu cầu nguyện với Ruộng Phước thì cũng giống như chạy thêm một chương trình khác để điều phục cơn giận. Pháp hành ngày hôm nay cũng giống như chương trình diệt vi-rút vậy. Tôi hy vọng quý vị cài đúng chương trình. Nhưng đừng nghĩ rằng quý vị đã có chương trình diệt vi-rút rồi thì mình có thể thách thức vi-rút. Không giống như vậy, có rất nhiều loại vi-rút, đây chỉ là một loại chương trình chống vi-rút mà thôi, còn nhiều loại khác nữa [Rinpoche cười].

Bây giờ quý vị có thể nhìn vào bài cầu nguyện. Từ Ruộng Phước ban đầu, quý vị phải quán tưởng có một vị Đạo Sư giống hệt Đạo Sư ngự trên Ruộng Phước tiến đến ngự trên đỉnh đầu của quý vị. Ở đây quý vị có thể thấy kinh văn có rất nhiều bài cầu nguyện, nhưng điều đó không quan trọng lắm. Đoạn đầu tiên mới là quan trọng nhất. Quý vị cũng có thể tìm thấy nhiều bài cầu nguyện khác nữa. Quý vị có nhớ lần trước tôi yêu cầu quý vị tụng một bài cầu nguyện không? Chính là bài cầu nguyện đó. Sẽ rất tốt nếu quý vị tụng bài cầu nguyện đó. Mỗi khi cầu nguyện, quý vị hãy tụng đoạn đầu tiên 3 lần:

Hỡi Bổn Sư tôn quý của con, xin hãy an vị

Trên tòa sen và nguyệt luân ở đỉnh đầu con.

Xin thương xót con vì lòng bi mẫn.

Cho con những thành tựu về thân lời ý,

Đến đây quý vị đã rõ chưa? Nếu đã rõ và quý vị đã hiểu hết rồi thì phần việc của tôi đã xong [Rinpoche cười], thực hành là việc của quý vị, không phải của tôi [Rinpoche cười].

Quý vị có bài cầu nguyện bằng tiếng Việt phải không? Bài tiếng Việt có bao nhiêu đoạn? [Người dịch: Chúng con có 7 đoạn.] Sẽ rất tốt nếu quý vị có thể tụng cả bài sau thời pháp. Điều quan trọng nhất là quý vị phải thỉnh cầu Ruộng Phước gia trì cho thân, khẩu, ý. Sau khi quán tưởng Ruộng Phước thì quý vị phải hòa tan Ruộng Phước. Quý vị quán tưởng hòa tan như thế nào? Bấy giờ quý vị quán tưởng có hào quang đến từ Đạo Sư. Quý vị đều có ảnh Ruộng Phước phải không? [Người dịch: Dạ phải.] Hào quang phải đến từ trung tâm của Đạo Sư. Sau khi quán tưởng hào quang, quý vị quán tưởng các hàng hộ Pháp và bổn tôn phía dưới dần dần hòa tan vào các hàng phía trên, rồi các hàng phía trên hòa tan vào hàng phía trên đó nữa…  Sau khi quán tưởng hào quang xuất phát từ Đạo Sư, quý vị phải quán tưởng tất cả bổn tôn phía dưới chuyển hóa thành hào quang và hòa tan vào hàng phía trên, rồi hàng phía trên chuyển hóa thành hào quang và hòa tan vào hàng phía trên đó nữa… Sau cùng thì tất cả các vị bổn tôn phía dưới đều hòa tan vào trung tâm của Đạo Sư. Nơi trung tâm Đạo Sư thì không chuyển hóa thành hào quang hoặc hòa tan. Sau đó, quý vị khởi tâm hoan hỷ rằng mình đã được diện kiến tất cả các bậc Đạo Sư và tất cả các vị bổn tôn. Vì sao quý vị không được hòa tan Đạo Sư? Bởi vì hòa tan hoặc quán tưởng Đạo Sư chuyển hóa thành hào quang không phải là việc làm đúng đắn. Sau đó, quý vị quán tưởng Đạo Sư của mình và cúng dường mandala. Bấy giờ, toàn bộ Ruộng Phước và các vị bổn tôn đã hòa nhập vào Đạo Sư của quý vị, chỉ còn duy nhất một vị Đạo Sư ở trung tâm. Quý vị dâng cúng một mandala lên Đạo Sư.

Tôi nghĩ đây là bước thứ sáu trong sáu pháp hành sơ khởi phải không? Tôi nghĩ quý vị đều nhớ ba pháp hành sơ khởi đầu tiên. Quý vị có nhớ không? [Người dịch: Đại chúng đã quên rồi.] Tôi nghĩ quý vị có thể đọc lại từ đầu trong kinh.

Tôi nghĩ hôm nay tôi dừng ở đây. Hôm nay quý vị có thể tụng bài cầu nguyện trong quyển kinh. Tôi sẽ dành vài phút cho phần vấn đáp.

 

Hỏi: Đại chúng muốn Thầy giảng lại phần hòa tan Ruộng Phước vào Đạo Sư ở trung tâm?

Rinpoche: Khi quý vị quán Ruộng Phước hòa tan vào Đạo Sư, quý vị phải quán tưởng hòa tan từng hàng bổn tôn và hộ Pháp vào các hàng bên trên. Quý vị quán hòa tan từ dưới lên, hàng dưới hòa tan vào hàng trên. Lần tới khi tôi đến Việt Nam tôi sẽ cho quý vị xem hình và giải thích cặn kẽ mọi thứ. Tôi nghĩ hướng dẫn bằng hình ảnh thì sẽ dễ hơn. Đôi lúc tôi cũng dạy ngoại ngữ thông qua PowerPoint trên máy tính. Đôi lúc lại rất khó. Chư Phật và chư Bồ Tát trên Ruộng Phước ngự trên nhiều hàng. Quý vị cần quán tưởng tất cả chư vị hòa tan vào trung tâm Đạo Sư. Ở trung tâm thì quý vị không quán hòa tan Đạo Sư, phải giữ lại. Sau đó thì quý vị cúng dường mandala.

 

Hỏi: Sau khi cúng dường Mandala thì chúng con làm gì với Đạo Sư ở trung tâm?

Rinpoche: Đạo Sư phải ngự phía trên đỉnh đầu quý vị. Sau đó như thế nào thì tôi sẽ giảng vào buổi học kế tiếp.

 

Hỏi: Về nghi quỹ Guru Puja, nếu chúng con không tụng hoàn tất trong một ngày được thì có thể tiếp tục tụng vào ngày hôm sau được không? Hay là ngày hôm sau phải tụng lại từ đầu?

Rinpoche: Quý vị có thể tiếp tục, hôm nay tụng một nửa và ngày mai tụng một nửa, tùy theo cách nào thuận lợi cho quý vị.

Hôm nay tôi dừng ở đây. Nếu còn câu hỏi thì tôi sẽ trả lời vào buổi học kế tiếp. Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện. Tôi sẽ kể một câu chuyện. Có một người đàn ông đi trong phi trường. Công việc của anh ta là làm vệ sinh các phi cơ. Khi đang lau chùi phi cơ thì anh ta tiến vào buồng lái. Anh ta thấy một quyển sách có tựa đề, “Hướng dẫn điều khiển phi cơ.” Trong quyển sách đó, việc đầu tiên là đóng cửa và khởi động động cơ. Anh ta đọc trang đầu tiên: Đóng tất cả cửa và bấm nút màu xanh. Anh ta làm đúng như hướng dẫn và chiếc phi cơ bắt đầu khởi động. Rồi anh ta đọc trang thứ hai: Nếu muốn phi cơ chạy tới phía trước thì bấm nút màu hồng; thế là chiếc phi cơ chạy tới phía trước. Ở trang thứ ba: Nếu muốn cất cánh bay lên trời thì bấm nút màu đỏ. Anh ta bấm nút đỏ và chiếc phi cơ bắt đầu bay. Anh ta bay khoảng 20-30 phút. Bấy giờ anh ta muốn hạ cánh, anh nhìn trang thứ tư để xem cách hạ cánh. Trang thứ tư ghi: Nếu muốn biết cách hạ cánh thì bạn phải mua tập hai của bộ sách ở tiệm sách gần nhất [đại chúng cười]. Cũng giống như vậy, hôm nay còn vài điều nữa, tôi sẽ hướng dẫn vào buổi kế tiếp. Cảm ơn quý vị.

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 21/10/2014.