Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 37 - Ngày 11/08/2013
- Thực hành quy y
- Lý do phải quy y Đạo sư cùng với Phật, Pháp, Tăng
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 37
Như Thị Thất, ngày 11 tháng 08 năm 2013
Có hai điều quan trọng sau khi quy y. Thứ nhất, quý vị phải hiểu phẩm hạnh của Tam Bảo. Thứ hai, quý vị phải biết cách thực hành quy y. Nói chung, quý vị phải luôn quán tưởng Ruộng Phước mỗi khi thực hành quy y. Khi quán tưởng Ruộng Phước và thực hành quy y, quý vị có thể cầu nguyện bất cứ điều gì mình muốn. Thông thường, quý vị nên cầu nguyện tiêu trừ chướng ngại của hết thảy chúng sinh, trong đó có quý vị. Sau khi cầu nguyện với Ruộng Phước, quý vị nghĩ rằng tất cả chư vị Bổn tôn, Hộ pháp, chư Phật và chư Bồ tát chấp nhận lời thỉnh cầu của quý vị. Sau khi chư vị chấp nhận, quý vị quán hòa tan Ruộng Phước. Khi quán hòa tan Ruộng Phước, quý vị có thể quán tưởng hòa tan vào cơ thể mình; hoặc quý vị có thể quán tưởng chư Phật và chư Bồ tát hòa tan vào trung tâm của Đạo sư gốc, sau đó quán tưởng chính quý vị cũng hòa tan vào trung tâm Đạo sư. Trước đây, tôi hướng dẫn quý vị hòa tan Ruộng Phước vào cơ thể mình; cách thứ hai là trước hết quý vị quán tưởng chư Phật và chư Bồ tát hòa tan vào trung tâm Đạo sư, rồi quán tưởng chính quý vị cũng hòa tan vào trung tâm Đạo sư. Sau khi thực hành quy y, quý vị phải quán tưởng như vậy. Như tôi đã nói, quý vị có thể thực hành quy y mỗi khi cảm thấy căng thẳng; tôi nghĩ đó là thời điểm tốt nhất để quy y. Mỗi khi bắt đầu thực hành, việc nhận được gia trì là điều quan trọng nhất trong mọi pháp hành. Khi quý vị nhận được nhiều gia trì hơn thì mọi thực hành đều suôn sẻ. Điều quan trọng là việc kết hợp pháp hành quy y với Ruộng Phước chính là để nhận được gia trì nhiều hơn. Khi nhận được gia trì thì công đức của quý vị sẽ tăng trưởng. Khi công đức tăng trưởng thì mọi thực hành đều rất suôn sẻ.
Khi thực hành và gặp chướng ngại, quý vị cần dừng việc thực hành, không nên tự ép mình thực hành quá mức. Thực hành phải đi cùng với niềm vui. Hãy làm cho việc hành trì trở nên dễ dàng. Đức Phật có một thầy thị giả tên là A-nan (Ananda). Thầy đã phụng sự Đức Phật hơn 40 năm và lúc nào cũng cận kề bên Phật. Vì vậy, thầy A-nan được nghe và biết tất cả lời Phật dạy. Sau khi Đức Phật nhập diệt, vài biến cố lạ thường xảy ra đối với thầy. Sau hơn 40 năm phụng sự Đức Phật, thầy biết tất cả lời Phật dạy, không sót một điều gì. Điều kỳ lạ là tất cả đệ tử khác của Đức Phật, kể cả những người theo Phật sau thầy A-nan một đến hai năm, đều đã giác ngộ, trừ thầy A-nan. Thầy A-nan vẫn chưa giác ngộ nên thầy đã bỏ lỡ rất nhiều. Một mặt, thầy đã không bỏ sót một điều gì vì thầy biết tất cả lời Phật dạy. Mặt khác, thầy đã bỏ lỡ điều quan trọng nhất, đó là giác ngộ [Rinpoche cười]. Khi biết mình chưa giác ngộ, thầy đã rất nỗ lực. Thầy không chỉ buồn mà còn cảm thấy rất căng thẳng vì chưa giác ngộ. Thầy A-nan cật lực hành thiền nhằm đạt giác ngộ. Khi thầy hành thiền cật lực như vậy, thầy đối mặt với nhiều sự căng thẳng và khó khăn hơn nữa, và càng lúc thầy càng chán nản. Rất khó khăn cho thầy, thầy không thể ngủ và ăn uống. Hành thiền nhưng không thể giác ngộ nên thầy càng ngày càng nản chí. Thầy mất ngủ và ăn không ngon vì thực hành quá mức và ngày càng chán nản. Sau đó, đột nhiên một lời dạy của Đức Phật lóe lên trong tâm của thầy, “Hãy thư giãn trong lúc thực hành. Hãy thư giãn trong lúc hành thiền.” Lời dạy đó của Đức Phật đột nhiên hiện lên trong tâm thầy, đánh thức thầy và ngay lập tức thầy liễu ngộ bản tánh của thực tại. Chính vì vậy, khi thực hành, quý vị không nên tập trung quá sức. Ý của tôi là quý vị không nên cảm thấy căng thẳng. Đôi khi quý vị tập trung cật lực thì sẽ cảm thấy căng thẳng. Khi thực hành, quý vị không nên tự ép mình quá mức. Đôi khi, quý vị cảm thấy căng thẳng và không thể tập trung như ý, lúc đó quý vị nên nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy thực hành trong lúc thư giãn. Mọi thực hành cần phải được kết hợp với sự khôn khéo và trí tuệ. Khi thực hành, quý vị phải khéo léo một chút. Vào buổi sáng, nếu rảnh rỗi quý vị hãy thực hành; nếu rảnh rỗi vào buổi tối, quý vị có thể thực hành. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng, quý vị có thể bắt đầu thực hành. Đôi khi, quý vị cố gắng thực hành nhưng không thể tập trung tốt được, quý vị không nên ép mình quá mức. Quý vị phải khôn khéo một chút trong khi hành trì.
Có một người đàn ông đang lái xe và lốp xe của ông bị nổ khi tới gần một bệnh viện tâm thần. Ông ta cố thay bánh xe, và khi ông tháo rời 4 con ốc của bánh xe ra thì bất ngờ cả 4 con ốc bị rơi xuống rãnh cống. Ông ta vô cùng hốt hoảng và tự hỏi mình phải làm gì. Có một bệnh nhân tâm thần nhìn ra ngoài qua bức tường từ trước khi ông ta lái xe đến gần bệnh viện. Khi thấy ông ta làm rơi ốc xuống cống, anh ta mới cho lời khuyên. Người bệnh tâm thần nói, “Ông đừng lo! Ông chỉ cần mượn 3 con ốc từ 3 bánh xe còn lại, và lắp bánh xe hỏng bằng 3 con ốc đó. Mỗi bánh xe cần 4 con ốc, nhưng ông làm mất hết 4 con, nhưng nếu lấy 3 con từ 3 bánh xe kia thì ông có thể lắp bánh xe hỏng với 3 con ốc đó.” Người đàn ông vô cùng kinh ngạc với ý tưởng rất hay đó, ông ấy hỏi người bệnh tâm thần, “Anh thông minh như vậy thì tại sao lại vào bệnh viện tâm thần?” Người bệnh kia mới trả lời, “Tôi vào bệnh viện tâm thần vì tôi điên chứ không phải vì tôi ngu!” Tương tự, khi thực hành, ít nhất quý vị phải thực hành với trí thông minh của mình, chúng ta phải vận dụng trí óc nhiều hơn nữa, giống anh bệnh nhân tâm thần kia [Rinpoche cười].
Khi thực hành, quý vị không nên ép mình quá mức. Chúng ta thực hành trong lúc thư giãn, hành thiền trong lúc thư giãn, hãy đơn giản hóa mọi thứ. Rồi quý vị hãy tụng bài quy y, “Con quy y Phật; Con quy y Pháp; Con quy y Tăng.” Có hai bài tụng quy y khác nhau. Theo quyển Giải thoát trong lòng tay, có 4 sự quy y. Trước hết, “Con quy y Đạo sư.” Quy y Đạo sư, rồi quy y Phật, Pháp, Tăng, vì Giải thoát trong lòng tay nói rằng quý vị được giới thiệu Phật, Pháp thông qua Đạo sư. Bài tụng quy y gồm 4 câu: “Con quy y Đạo sư; Con quy y Phật; Con quy y Pháp; Con quy y Tăng.” Nếu quý vị không thích như vậy thì có thể tụng bài quy y 3 câu thôi. Khi tụng “Con quy y Đạo sư; Con quy y Phật…”, Đạo sư chính là phương tiện để quý vị nhận gia trì và Đạo sư là người giới thiệu Phật và Pháp đến quý vị. Chính vì vậy, Đạo sư hiện diện trong bài tụng quy y. Khi Đức Phật thuyết Pháp lần đầu tiên, trong một số truyền thống, họ xem ngày đầu tiên Đức Phật giảng Pháp là ngày kỷ niệm Đạo sư. Bài tụng quy y có hai kiểu, 3 câu và 4 câu; quý vị tụng bài nào cũng được. “Guru” là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là người xua tan bóng đêm trong tâm. Khi tụng bài quy y, quý vị có thể nguyện “Con quy y Đạo sư” trước, rồi sau đó tụng phần còn lại, theo quyển Giải thoát trong lòng tay.
Có một câu chuyện có thật về một vị thầy từ Tây Tạng đến Ấn Độ để thỉnh Pháp; tôi nghĩ vào khoảng thế kỷ thứ 11. Tên của ông ấy trong tiếng Tây Tạng là Ralo. Khi ông ấy đến Nepal thì gặp được Đạo sư là Lama Bharo. Vị Đạo sư dạy cho ông mọi giáo lý rồi nói với ông, “Bây giờ ta không còn gì để dạy ông nữa. Ông có thể đi được rồi.” Tuy nhiên, trong tâm ông nảy sinh nghi ngờ, có lẽ còn vài giáo lý bí mật mà Đạo sư chưa tiết lộ với ông. Rồi ông bí mật quán sát vị Đạo sư. Một lần vào nửa đêm, vị Đạo sư rời khỏi nơi đó và ông lặng lẽ đi theo. Vị Đạo sư đang thực hành pháp Đại Uy Đức Kim Cang (Yamantaka), nhưng vị ấy chưa từng dạy ông bất cứ điều gì về thực hành này. Đột nhiên, bổn tôn Đại Uy Đức Kim Cang hiện ra trên đỉnh đầu của vị Đạo sư. Vị thầy Ralo bất ngờ tiến đến trước Đạo sư Bharo và nói, “Thầy chưa nói với con là thầy có pháp hành này.” Rồi ông thỉnh cầu Đạo sư dạy ông giáo lý đó. Vị Đạo sư hỏi ông, “Tôi sẽ dạy ông pháp hành Đại Uy Đức Kim Cang. Nhưng tôi hỏi ông, trước hết ông phải đảnh lễ vị bổn tôn xuất hiện trên đỉnh đầu tôi, hay đảnh lễ vị Đạo sư của ông?” Vị thầy Ralo mới nói với Đạo sư của mình, “Con sẽ đảnh lễ thầy, bậc Đạo sư, vì con thỉnh cầu pháp hành Đại Uy Đức Kim Cang từ thầy, chứ không phải từ vị bổn tôn. Vì vậy trước hết con phải đảnh lễ thầy.” Đạo sư nói với ông, “Ông nói rất đúng. Trước Đạo sư không có vị Phật nào cả. Hàng ngàn vị Phật xuất hiện bởi sự hiện diện của Đạo sư.” Sau đó, Ralo mang pháp hành Đại Uy Đức Kim Cang từ Nepal vào Tây Tạng. Ở Nepal, ngôi chùa của Đạo sư của thầy Ralo vẫn còn tồn tại, và cách thức vị Ralo theo chân Đạo sư của mình vẫn còn được duy trì.
Quý vị có thể thấy trong bài tụng quy y của quyển Giải thoát trong lòng tay, trước hết quý vị phải quy y Đạo sư. Quý vị phải hiểu vì sao Đạo sư được đưa vào bài tụng quy y. Một điều nữa, dù Đức Phật có xuất hiện ở thế kỷ thứ 21 này, Ngài vẫn sẽ dạy những điều giống như Ngài từng dạy 2500 năm trước, chứ không có điều gì khác nữa. Quý vị có thể hiểu biết lời Phật dạy từ 2500 năm trước là nhờ có Đạo sư, vì vậy chúng ta cũng quy y Đạo sư. Tất cả những gì cần nói Đức Phật đã nói hết từ 2500 năm trước; nếu Đức Phật có xuất hiện trong thế kỷ thứ 21 này thì Ngài cũng sẽ dạy những điều tương tự. Có một vị thầy có nhiều học trò nhỏ. Một hôm, khi vị thầy đang thuyết giảng, có một đứa học trò ngủ gật. Vị thầy mắng đứa học trò, “Sao con lại ngủ? Con không được ngủ!” Một lúc khác, trong lúc cầu nguyện, khi vị thầy và những đứa học trò nhỏ đang cầu nguyện, vị thầy ngủ gật và đứa học trò nói, “Thầy cũng ngủ gật trong lúc cầu nguyện kìa!” Vị thầy nói, “Thầy không ngủ. Trông thầy có vẻ giống như đang ngủ, nhưng trong giấc mơ thầy đang đến cõi Tịnh Độ của chư Phật để nhận giáo huấn từ Ngài.” Ngày hôm sau, đứa học trò đó lại ngủ gật, vị thầy lại mắng nó, “Tại sao con lại ngủ nữa?” Lúc đó, đứa học trò trả lời thầy mình y hệt như cách vị thầy trả lời hôm trước. Nó nói, “Con đã hỏi chư Phật rồi, con hỏi thầy có đến đó nghe Pháp không, và chư Phật nói thầy chưa hề đến đó!” [Rinpoche cười]. Cũng giống như vậy, khi quý vị xin Đức Phật dạy một điều gì đó mới mẻ, Ngài sẽ nói rằng không có gì mới để nói nữa, dù Ngài có đến vào thế kỷ này. Bởi Đức Phật đã dạy mọi điều, và chúng ta hiểu biết lời Phật dạy thông qua Đạo sư của mình, nên trong bài tụng quy y chúng ta cũng quy y Đạo sư. Bài tụng quy y 4 câu và bài tụng 3 câu không có khác biệt nhiều, quý vị tụng bài nào cũng được. Khi tụng bài 4 câu, quý vị phải nguyện “Con quy y Đạo sư.”
Bây giờ tôi nghĩ quý vị đã hiểu vì sao chúng ta quy y Đạo sư khi cầu nguyện, vì nhờ có Đạo sư mà ta biết đến Phật và Pháp. Điều quan trọng nhất không phải là tụng bài quy y, mà phải hiểu rõ ý nghĩa. Ở Việt Nam, quý vị rất thích có một cái tên mới sau khi quy y; sau khi quy y quý vị mong muốn có tên mới. Ở Đài Loan, khi họ xin tôi đặt tên mới, tôi thường đặt tên tiếng Anh như là David, John… Tôi nói đặt tên như vậy thì tôi dễ dàng phát âm [Rinpoche cười]. Ở Việt Nam, khi quy y quý vị thường muốn có tên mới, nhất là tên tiếng Tây Tạng, thật khó phát âm [Rinpoche cười]. Điều quan trọng nhất không phải là việc thọ giới quy y, mà quý vị phải hiểu ý nghĩa và cách thực hành quy y. Hiểu ý nghĩa của quy y là điều rất tốt, quý vị không cần thiết phải tiến hành thọ giới quy y nữa. Sáng nay tôi vừa nói với một cô gái là tôi sẽ đặt tên tiếng Anh cho cô ấy, giờ thì tôi phải suy nghĩ mình nên đặt tên gì cho cô ta [Rinpoche cười]. Cái tên không quan trọng, hiểu ý nghĩa và cách thực hành quy y mới là điều quan trọng nhất. Nếu quý vị thọ giới quy y 10 hay 15 lần nhưng lại không hiểu ý nghĩa và cách thực hành thì đâu là lợi ích của 10 đến 15 lần thọ giới đó? Giáo lý Lamrim dạy về quy y, và như tôi từng nói, quy y là cửa ngõ dẫn vào đạo Phật. Thọ giới quy y một lần là tốt rồi, quý vị không cần phải thọ giới đến hai ba lần. Thực hành là điều quan trọng nhất. Khi đã tiến hành nghi thức quy y rồi thì quý vị không cần phải làm đi làm lại nhiều lần. Khi thọ giới quy y, quý vị phải hiểu ý nghĩa và mục đích, tôi nghĩ tôi đã giải thích rồi.
Tôi dừng ở đây và dành 5 đến 10 phút cho phần hỏi đáp.
Hỏi: Con chỉ có buổi sáng để thực hành Pháp, sau thời gian đó con rất bận rộn cả ngày, nếu như con không thể tập trung trong suốt thời gian thực hành vào buổi sáng, con có thể ngừng việc thực hành cho đến ngày hôm sau hay không?
Rinpoche: Như tôi đã từng nói, dù trong lúc làm việc, khi cảm thấy căng thẳng hoặc khi rảnh rỗi, khi quý vị trên đường đến nơi làm việc hoặc từ chỗ làm việc về nhà, quý vị đều có thể thực hành. Đôi khi, tôi thực hành trong lúc ngồi trên xe, nếu không thì thời gian di chuyển bị uổng phí. Tôi không muốn phí thời gian nên tôi thực hành. Chỉ khi nào tôi thấy cảnh đẹp thì tôi ngắm cảnh [Rinpoche cười]. Tuy nhiên, khi đi máy bay thì không có cảnh để ngắm, tôi sẽ cầu nguyện [Rinpoche cười].
Hỏi: Lần trước Ngài giảng khi quán tưởng Ruộng Phước, hào quang từ Ruộng Phước đến hòa tan vào cơ thể chúng con. Hôm nay Ngài giảng chúng con quán tưởng cơ thể mình hòa tan vào Ruộng Phước. Con cảm hơi khó hiểu.
Rinpoche: Tôi nhớ lần trước tôi có hướng dẫn 3 cách quán hòa tan Ruộng Phước. Thứ nhất, là hòa tan Ruộng Phước vào cơ thể quý vị. Quý vị quán tưởng Ruộng Phước chuyển thành hào quang và hòa tan vào cơ thể mình. Thứ hai, quý vị quán tưởng hòa tan chư Phật và chư Bồ tát vào trung tâm của Đạo sư, sau đó chính quý vị cũng hòa tan vào trung tâm của Đạo sư, chứ không phải hòa tan vào Ruộng Phước. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là một câu hỏi tốt, chứng tỏ quý vị nhớ tất cả những gì tôi đã nói. Về phần quán hòa tan, tôi nghĩ quyển Giải thoát trong lòng tay có đề cập đến 3 cách quán hòa tan Ruộng Phước.
Tôi dừng ở đây.
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 27/11/2014.