Bài giảng Giải thoát trong lòng tay (Ngày 4) - giảng ngày 10/06/2012.
- puja cầu nguyện tiêu trừ chướng ngại
- thực hành phát bồ đề tâm
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 5
Như Thị Thất, ngày 10 tháng 06 năm 2012
[Trong phần đầu của buổi giảng hôm nay, Rinpoche tiến hành puja cầu nguyện tiêu trừ chướng ngại cho tất cả chúng sinh.]
Có lẽ tôi sẽ bắt đầu. Bây giờ quý vị hãy lặp lại những gì tôi đã nói. Hãy quán tưởng Ruộng Phước và tụng bài quy y. Sau đó tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện. Trong khi tôi cầu nguyện, quý vị phải quán tưởng Ruộng Phước phía trước mình, và quán tưởng có hào quang mãnh liệt màu trắng đến từ Ruộng Phước và hòa tan vào cơ thể quý vị, tẩy trừ mọi chướng ngại của quý vị. Điều quan trọng nhất là tiến trình thiền quán của quý vị, việc quán tưởng của quý vị mới là quan trọng nhất. Bài cầu nguyện của tôi không mấy quan trọng, nó chỉ là thứ yếu. Nhân tố chính yếu giúp tiêu trừ chướng ngại chính là quá trình quán tưởng của quý vị.
Tất cả mọi chướng ngại hay cơ hội đều tùy thuộc vào cách suy nghĩ của quý vị. Nếu quý vị có thể thực hành Pháp thì mọi chướng ngại đều trở thành năng lực gia trì. Nếu quý vị không thể thực hành Pháp thì năng lực gia trì lại trở thành chướng ngại. Điều này tùy thuộc vào quý vị. Trong cuộc sống có nhiều trở ngại, nhưng những trở ngại này nhiều khi tùy thuộc vào cách quý vị nhìn nhận chúng. Khi quý vị không nhìn nhận đúng đắn thì quý vị khiến mọi thứ trở nên rắc rối dù bản thân chúng chẳng phải là vấn đề gì cả. Khi quý vị nhìn nhận đúng đắn, thậm chí nếu đó thật sự là vấn đề thì quý vị cũng có thể chuyển hóa chúng thành năng lực gia trì. Điều đó tùy vào quý vị.
Trong tu viện tôi phải đối phó với rất nhiều đệ tử, những đệ tử ương ngạnh và nghịch ngợm. Tôi phải đối phó với rất nhiều đệ tử nhưng tôi nghĩ đó lại là ân phước cho tôi vì tôi có cơ hội học hỏi nhiều thái độ, nhiều lối suy nghĩ khác nhau. Tôi đã nhìn vào khía cạnh tích cực. Nếu tôi nhìn vào mặt tiêu cực thì quả là đau khổ và rắc rối vì tôi phải đương đầu với rất nhiều người [Rinpoche cười]. Vì vậy, trong thực hành Phật pháp cao cấp có pháp hành gọi là “chuyển hóa nghịch cảnh thành năng lực gia trì.” Đó là pháp hành cao cấp. Nghịch cảnh và những hoàn cảnh bất thuận nên được chuyển hóa thành năng lực gia trì. Quý vị có thể chuyển hóa chúng nếu thực hành đúng, thậm chí quý vị có thể chuyển hóa mọi khó khăn thành năng lực gia trì. Điều này tùy thuộc vào quý vị, cách suy nghĩ và thực hành của quý vị. Chính vì vậy, đối với những hành giả cao cấp, họ đều cho rằng tất cả mọi chướng ngại đều là sự gia trì. Khi thực hành Pháp, quý vị cần phải đạt đến giai đoạn có thể xem mọi chướng ngại là lực gia trì. Khi đó, cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Nếu không thể luyện tâm theo cách đó thì quý vị cần đủ mọi loại puja suốt 24 giờ mỗi ngày [Rinpoche cười]. Khi quý vị đạt đến trình độ đó, khi quý vị đã luyện được tâm mình để có thể xem mọi chướng ngại là lực gia trì thì quý vị không cần bất kỳ puja nào nữa.
Bây giờ chúng ta sẽ tiến hành puja. Hãy quán tưởng Ruộng Phước phía trước quý vị và hào quang trắng đến từ Ruộng Phước không chỉ hòa tan vào quý vị mà còn hòa tan vào tất cả chúng sinh, giúp tiêu trừ tất cả chướng ngại của quý vị và chúng sinh. Bây giờ tôi sẽ bắt đầu bài cầu nguyện. Quý vị cần thả một đồng xu hoặc một mảnh vải từ áo quần của mình vào chỗ hình nhân để tiêu trừ chướng ngại. Nếu không có đồng xu thì quý vị có thể quán tưởng mình thả đồng xu vào hình nhân.
Đây là bài cầu nguyện với ngài Đại Uy Đức Kim Cang (Yamantaka) để tiêu trừ chướng ngại. Đại Uy Đức Kim Cang là một vị bổn tôn ngự trên Ruộng Phước. Bây giờ tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện. Quý vị cần quán tưởng Ruộng Phước phía trước mình và cầu nguyện nhằm tiêu trừ chướng ngại của tất cả chúng sinh.
[Cầu nguyện]
Hiện tại đây chỉ là giải pháp tạm thời để tiêu trừ chướng ngại. Nếu muốn vĩnh viễn tiêu trừ mọi chướng ngại thì quý vị phải cải đổi tâm mình. Đó là cách tốt nhất để vĩnh viễn tiêu trừ mọi chướng ngại. Nếu cưu mang quá nhiều ác niệm trong tâm thì quý vị sẽ gặp đầy chướng ngại. Nếu quý vị luyện tâm đúng đắn, như tôi đã nói trước đây, thì tất cả mọi chướng ngại đều là năng lực gia trì. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy hãy kiểm soát bản thân, hãy làm chủ bản thân, làm chủ tâm ý, như vậy thì mọi chướng ngại đều là sự gia trì. Thậm chí khi tiến hành puja, sự tập trung và cách thực hành của quý vị cũng góp phần giúp puja hiệu quả hơn. Nếu quý vị chẳng làm gì cả mà chỉ đến dự puja thì không được hiệu quả lắm. Nếu quý vị thực hành và thiền quán trong lúc tôi tiến hành puja thì sẽ hiệu quả hơn đối với quý vị. Theo kinh nghiệm của tôi, khi tôi tiến hành cùng một puja thì có lúc rất hiệu quả nhưng lúc khác lại không, tùy thuộc vào việc tôi tiến hành puja cho đối tượng nào. Nếu họ thực hành hoặc thiền quán thì puja trở nên hiệu quả hơn. Tôi đang nói dựa vào kinh nghiệm tiến hành puja cho những người khác. Thậm chí trong một puja, cách quý vị thiền quán cũng tạo nên sự khác biệt đối với hiệu quả của puja. Các kiểu thiền quán khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau đến hiệu quả của puja.
Lần trước chúng ta dừng ở đâu?
Người dịch: Lần trước Thầy dừng ở quán tưởng Ruộng Phước, quy y và phát bồ đề tâm.
Rinpoche: Tốt! Phát bồ đề tâm là một trong những điểm rất quan trọng. Nó rất đơn giản. Phát bồ đề tâm là nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh. Rất đơn giản. Chúng ta phải nghĩ đến lợi lạc và hạnh phúc của hết thảy chúng sinh. Trong một puja, khi quý vị khởi tâm nghĩ đến lợi lạc của tất cả chúng sinh, khi quý vị nghĩ đến việc tiêu trừ chướng ngại cho tất cả chúng sinh thì quý vị sẽ tích tập nhiều công đức hơn nữa. Khi tích tập nhiều công đức hơn thì quý vị sẽ nhận được nhiều gia trì hơn.
Khi tiến hành puja hay bất cứ pháp hành nào, quý vị cần kết hợp với bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm nghĩ đến lợi lạc và hạnh phúc của hết thảy chúng sinh. Có một câu chuyện. Thời xa xưa ở Tây Tạng có một hành giả thực hành một vị hộ pháp. Ông ta đã thấy được vị hộ pháp. Vị hộ pháp đã xuất hiện trước mặt ông ta. Vị hộ pháp nói, “Ông muốn gì?” Hành giả đáp, “Tôi muốn của cải. Tôi đã hành trì rất lâu rồi, ông hãy cho tôi vô số của cải.” Sau đó vị hộ pháp nói, “Tôi sẽ cho ông vô số của cải vào chiều ngày mai.” Ở Tây Tạng có một món ăn gọi là thukpa, giống như là mì vậy. Chiều hôm sau, có một người giàu có đang phân phát mì cho tất cả người nghèo. Vị hành giả đến đó để nhận mì do một người giàu có phân phát cho người nghèo. Sau đó ông ta trở về nơi ở của mình. Đêm hôm đó, ông ta cũng chưa có vô lượng của cải. Vị hộ pháp đã hứa sẽ cho ông vào ngày hôm đó, nhưng ông vẫn chưa có thứ gì cả. Tối hôm đó ông ta thỉnh vị hộ pháp xuất hiện trước mặt ông. Khi ông cầu nguyện thì vị hộ pháp hiện lên. Ông ta nói với vị hộ pháp, “Ông đã hứa hôm nay sẽ ban cho tôi vô lượng của cải, nhưng hôm nay tôi chẳng nhận được gì cả.” Vị hộ pháp trả lời, “Tôi đã tặng quà cho ông. Ông có để ý là chiều nay trong bát mì của ông có một miếng thịt to lắm không? Đó là quà của tôi cho ông đó!” [Rinpoche cười] “Tôi đã cố gắng ban cho ông rất nhiều của cải, nhưng ông không đủ công đức để thọ nhận chúng, nên tôi chẳng thể làm gì hơn. Ông chỉ có đủ công đức để nhận miếng thịt đó mà thôi. Tôi đã cố gắng ban cho ông rất nhiều của cải nhưng ông không có công đức để nhận ngần ấy của cải.” Rõ ràng là khi quý vị thỉnh cầu của cải từ các bổn tôn thì quý vị cũng cần phải có công đức rất mãnh liệt. Nếu quý vị không có công đức thì bổn tôn cũng chẳng giúp được gì. Quý vị cần công đức mãnh liệt. Nếu không có đủ công đức thì dù quý vị có trở thành bạn thân của Tài Bảo Vương (Dzambala), ông ấy cũng chẳng thể làm gì. Dù quý vị có trở thành bạn thân của Tài Bảo Vương thì cũng chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì xảy ra.
Cách tốt nhất và dễ nhất để tích tập công đức là thực hành bồ đề tâm. Bất cứ ai thực hành bồ đề tâm cũng đều tích tập được vô lượng công đức. Chỉ cần thực hành trong ba đến bốn phút thì quý vị cũng tích tập vô lượng công đức, rất nhiều công đức. Đây là thực tại, là sự thật trong thực hành Phật pháp nhưng rất nhiều người lại không hề biết. Họ chỉ nghĩ cầu nguyện Tài Bảo Vương thì sẽ nhận gia trì rất nhanh. Đó hoàn toàn là lối hiểu sai lầm.
Trước khi thực hành bất cứ pháp nào, quý vị cần nền tảng công đức vững chắc. Đó là lý do ở điểm này kinh văn đề cập đến thực hành bồ đề tâm. Bồ đề tâm phải là khởi đầu, là chặng giữa, và là kết thúc của mọi pháp hành. Quý vị nên thực hành kết hợp bồ đề tâm vào mọi lúc. Bồ đề tâm là tâm nghĩ đến hoặc cầu nguyện cho lợi lạc và hạnh phúc của hết thảy chúng sinh hữu tình. Đó là bồ đề tâm. Khi đến chùa, quý vị chỉ cầu nguyện tiêu trừ chướng ngại cho bản thân, cầu nguyện thành công cho bản thân. Lần sau, khi đến chùa, quý vị hãy cầu nguyện thành công đến với mọi chúng sinh, bao gồm cả quý vị. Điều này giúp lời cầu nguyện của quý vị hiệu nghiệm hơn và quý vị tích tập nhiều công đức hơn.
Ở đây, hãy quán tưởng Ruộng Phước và cầu nguyện cho hết thảy chúng sinh. Đó là pháp hành bồ đề tâm. Sau đó, cầu nguyện cho hạnh phúc của hết thảy chúng sinh bao gồm quý vị, nguyện cho hết thảy chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Khi cầu nguyện như vậy quý vị cần quán tưởng Ruộng Phước. Tôi nghĩ lần trước tôi đã kể với quý vị về thí nghiệm cùng các khoa học gia Châu Âu đối với việc hành thiền của các tu sĩ trong tu viện. Tôi nghĩ tôi đã kể khi tôi ở Việt Nam. Nhưng không sao, nếu quý vị chưa nghe thì tôi sẽ kể lại. Chúng tôi chọn ra các tu sĩ đã hành thiền hơn ba năm và các tu sĩ chưa từng thực hành thiền để làm thí nghiệm. Nếu quý vị dùng máy tính của hãng Apple thì tôi có thể cho quý vị một chương trình máy tính. Chương trình này chỉ chạy trên máy tính hãng Apple. Chương trình này hiển thị bốn bức hình, và các tu sĩ được yêu cầu dự đoán bức hình nào sẽ được máy tính chọn ra. Giống như một trò chơi vậy. Dự đoán của các tu sĩ đã hành thiền ba năm chính xác hơn rất nhiều so với dự đoán của các tu sĩ chưa thực hành thiền. Trong số các tu sĩ đã có hành thiền, các tu sĩ thực hành Ruộng Phước có dự đoán chính xác hơn phần còn lại. Tôi nghĩ hiện tại quý vị chưa hiểu rõ lắm. Lần tới khi tôi đến Việt Nam tôi sẽ cho quý vị xem chương trình máy tính đó, rồi quý vị sẽ hiểu. Đây là chương trình rất thú vị. Nó chỉ chạy trên máy tính hãng Apple. Do đó, chúng tôi khám phá ra thực hành Ruộng Phước là một pháp hành rất hiệu quả và mạnh mẽ. Nếu có ai dùng máy tính của hãng Apple, tôi có thể cho quý vị chương trình đó.
Sau khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị phải thực hành bồ đề tâm. Rất đơn giản. Trước hết, quý vị quy y, rồi nghĩ rằng “Khi tôi thực hành Phật pháp, nguyện cho tất cả chướng ngại của hết thảy chúng sinh nhờ đó được tiêu trừ, nguyện cho tôi có thể giúp đỡ hết thảy chúng sinh hữu tình.” Quý vị phải tư duy như vậy. Sau đó, khi thở vào, quý vị nghĩ rằng mình đang nhận lấy tất cả khổ đau của hết thảy chúng sinh. Khi thở ra, quý vị nghĩ rằng mình đang cho hết thảy chúng sinh hạnh phúc của mình. Nếu không thể quán tưởng như vậy thì quý vị có thể quán tưởng người thân yêu nhất đang ở phía trước quý vị, sau đó khi thở vào quý vị nghĩ rằng mình đang nhận lấy tất cả khổ đau của người thân yêu đó và khi thở ra quý vị nghĩ rằng mình cho người đó tất cả hạnh phúc của mình; nếu không thể nghĩ đến hết thảy chúng sinh thì quý vị hãy nghĩ theo cách này.
Hãy quán tưởng phía trước quý vị là hết thảy chúng sinh hữu tình. Nếu không thể quán tưởng hết thảy chúng sinh thì quý vị quán tưởng người thân yêu nhất của mình. Khi thở vào quý vị nghĩ rằng mình nhận lấy khổ đau của người thân yêu dưới dạng tia màu đen đi qua lỗ mũi trái của quý vị. Khi thở ra quý vị nghĩ rằng hạnh phúc của quý vị dưới dạng tia màu trắng đến với người thân yêu từ lỗ mũi phải của quý vị. Trước hết quý vị quán tưởng Ruộng Phước, sau đó hành thiền theo cách này được không? Pháp hành này được gọi là Pháp thiền Cho và Nhận, nghĩa là cho người khác hạnh phúc của mình và nhận về từ người khác mọi khổ đau của họ, cho và nhận qua ý chứ không phải qua thân. Sau khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị quy y và bắt đầu pháp hành này. Pháp hành này quý vị có thể thực hành trên đường đi, không cần thiết phải thực hành ở nhà. Quý vị có thể thực hành trên đường đi hoặc bất cứ nơi đâu có thể được.
Nếu nhìn lại bản thân mình thật sự, quý vị sẽ thấy từ trước đến nay chúng ta suy nghĩ quá mức cho riêng mình. Chúng ta rất ích kỷ. Những người thực hành Phật pháp nên ngày càng bớt ích kỷ và biết nghĩ đến lợi lạc của người khác nhiều hơn. Chúng ta phải thay đổi tư duy của mình. Hiện tại, chúng ta chỉ nghĩ đến khổ đau và vấn đề của mình chứ không phải vấn đề của người khác. Từ bây giờ trở đi, chúng ta phải bắt đầu nghĩ đến người khác.
Dịp nọ, có người mời tôi đến nơi ở của họ. Tôi đã ở đó ba đến bốn ngày. Sau đó, vào đêm khuya, họ nói với tôi là khu nhà đó bị ma ám. Họ nói tôi biết khi đêm đã khuya. Tôi đã hành thiền rất đơn giản. Tôi phát bồ đề tâm. Tôi hy sinh thân mình và nguyện cho các loài ma quỷ nơi đó được hạnh phúc. Tôi hy sinh bản thân và nói rằng “Nếu các vị hạnh phúc thì các vị có thể làm gì tôi cũng được. Tôi sẽ hy sinh thân mình.” Tôi đã nghĩ đến lợi lạc của tất cả loài ma quỷ nơi đó. Tôi đã ngủ rất ngon. Không có vấn đề gì cả, cũng chẳng cần puja. Không cần puja, tôi cũng không làm gì khác hơn là thực hành bồ đề tâm. Tôi đã ngủ rất ngon. Nếu tiến hành puja thì ai có thể chắc chắn là tôi sẽ xua tan được nỗi sợ? Nhưng với thực hành bồ đề tâm, suy nghĩ mãnh liệt đến lợi lạc và hạnh phúc của các loài ma quỷ, họ cũng giống chúng ta muốn được hạnh phúc, nó đã thật sự giúp được tôi. Không còn sợ nữa! Tôi đã ở đó thêm vài ngày nữa và chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi thật sự thoải mái nhờ thực hành này.
Thực hành này rất đơn giản. Nếu quý vị đối với hết thảy chúng sinh theo cách này thì chẳng còn vấn đề nào nữa cả. Khi quý vị nhìn nhận theo cách này––Nguyện cho hết thảy chúng sinh hạnh phúc, Nguyện cho hết thảy chúng sinh an lạc, khi quý vị khởi tâm tư duy như vậy thì mọi chướng ngại của chúng ta trở thành lực gia trì. Một dịp nọ, một tù nhân ở Đài Loan hỏi tôi một câu hỏi. Đó là câu hỏi rất sắc bén. Tôi nghĩ đó là một tù nhân trẻ, không phải tù nhân lớn tuổi. Đó không phải là nhà tù mà là trại cải tạo dành cho thiếu niên nam và nữ. Cậu thiếu niên đó hỏi tôi một câu rất sắc bén, không phải về tôn giáo mà về những lời khuyên tôi vừa đưa ra. Cậu bé hỏi tôi, “Nếu có người đấm vào mặt thầy thì thầy sẽ làm gì? Thầy có đánh trả không?” [Rinpoche cười] Tôi trả lời cậu ta là tôi sẽ không đánh trả, nhưng tôi sẽ tìm luật sư giỏi [Rinpoche cười]. Tôi sẽ làm như vậy mà không hề nổi giận. Ở đây, bồ đề tâm––nghĩ đến hết thảy chúng sinh––không có nghĩa là quý vị chấp nhận tất cả những gì người khác nói hay làm. Không phải như vậy. Khi thực hành bồ đề tâm, điều đó không có nghĩa là nếu có ai nói quý vị là kẻ trộm thì quý vị cũng chấp nhận như vậy. Không phải vậy. Bồ đề tâm nghĩa là tâm thức quý vị trở nên rất mạnh mẽ. Nếu đang thực hành bồ đề tâm thì quý vị sẽ có nhiều dũng khí. Khi khởi tâm nghĩ đến lợi lạc của hết thảy chúng sinh, quý vị sẽ có nhiều dũng khí. Khi quý vị có nhiều dũng khí thì mọi vấn đề đều trở nên rất dễ dàng để vượt qua.
Tôi sẽ ngừng ở đây và dành mười phút cho phần hỏi đáp.
Hỏi: Thưa Thầy, có sự khác biệt nào giữa Quy Y Tam Bảo và Tứ Quy Y không?
Rinpoche: Tứ Quy Y đến từ mật điển. Trong mật điển chúng ta có Bốn Ngôi Báu là đối tượng quy y. Trong mật điển, chúng ta quy y Đạo Sư, rồi mới quy y Phật. Quy y Phật sau quy y Đạo Sư. Điều này đến từ mật điển. Trong mật điển, Đạo Sư được nhắc đến trước Phật vì mật điển đề cập rất nhiều đến việc nhận gia trì. Để nhận gia trì của chư Phật thì quý vị phải nhận gia trì thông qua Đạo Sư của mình. Vì vậy trong mật điển, Đạo Sư được nêu trước Phật. Không có khác biệt lớn nữa Quy Y Tam Bảo và Tứ Quy Y. Quý vị thực hành bên nào cũng được.
Hỏi: Thực hành bồ đề tâm có phải là chúng con đang tạo nhân lành để nhận quả lành sau này không?
Rinpoche: Pháp hành bồ đề tâm là để tích lũy nhiều công đức và vận may.
Hỏi: Thầy dạy rằng khi hành thiền chúng con nên nhắm mắt, và khi quy y phải quán tưởng Ruộng Phước. Xin Thầy hãy hướng dẫn chúng con quán tưởng Ruộng Phước!
Rinpoche: Phần Ruộng Phước sẽ đến sau, đề tài tiếp theo sẽ là Ruộng Phước. Chủ đề tiếp theo là cách quán tưởng Ruộng Phước. Tôi nghĩ ở Ngày thứ 5. Có lẽ vào Chủ Nhật tới. Đó là chủ đề của Chủ Nhật tới.
Hỏi: Thầy dạy khi thở vào chúng con quán tưởng nhận hết khổ đau của chúng sinh và khi thở ra cho chúng sinh hạnh phúc của mình. Trước hết, làm sao con có được hạnh phúc để cho hết thảy chúng sinh, và điểm thứ hai là sau khi nhận về khổ đau của chúng sinh thì con làm gì với khổ đau đó trong tâm mình?
Rinpoche: Khi nhận về khổ đau của hết thảy chúng sinh, quý vị nghĩ rằng có luồng tia màu đen đi vào lỗ mũi trái của quý vị và khi luồng tia đen đó đi vào cơ thể quý vị, nó phá tan tất cả ác nghiệp của quý vị. Khi trao tặng hạnh phúc cho chúng sinh, quý vị quán tưởng luồng tia màu trắng thoát ra từ lỗ mũi phải của quý vị và hòa tan vào hết thảy chúng sinh.
Tôi ngừng ở đây. Hẹn gặp lại! [Rinpoche nói “Hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt.]
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 30/08/2014.