Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 22 - Ngày 10/03/2013
- suy niệm về kiếp người quý báu
- sự khác biệt giữa kiếp người và kiếp người quý báu
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 22
Như Thị Thất, ngày 10 tháng 03 năm 2013
NGÀY THỨ 9
Hôm nay tôi sẽ giảng Pháp và cầu nguyện cho người vợ vừa qua đời của một học viên trong lớp. Sau buổi giảng, chúng ta sẽ cùng cầu nguyện. Sau đó tôi sẽ truyền khẩu Văn Thù Sư Lợi Kinh (Manjushri Buddha Sutra). Tôi sẽ truyền khẩu sau buổi học. Ngày hôm nay sẽ có ba phần: cầu nguyện, truyền khẩu Văn Thù Sư Lợi Kinh và giảng Pháp.
Pháp hành Lamrim thứ hai là suy niệm về sự quý báu của kiếp người. Đây là điểm rất quan trọng khi thực hành bất cứ Pháp nào. Điểm này rất quan trọng. Suy niệm về kiếp người quý báu là điểm bắt đầu của mọi Pháp hành. Đây là một bước rất quan trọng trong việc thực hành Pháp. Khi nghĩ mình là một người thực hành Phật pháp, trước hết chúng ta phải nghĩ rằng chúng ta đã được sinh ra làm người, đã đạt được một điều vô cùng hy hữu. Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều có khó khăn. Có khi chúng ta mất hết hy vọng, có lúc chúng ta mất hết dũng khí, còn lúc khác thì cảm thấy mình chẳng có gì cả. Những điều này là suy nghĩ tiêu cực, chúng luôn nảy sinh trong tâm ta. Người ta thường nói hãy suy nghĩ tích cực, nhưng chúng ta phải biết làm thế nào để suy nghĩ tích cực, làm thế nào để phát triển thiện niệm để chúng ta có thể luôn luôn suy nghĩ tích cực. Ác niệm nảy sinh trong tâm chúng ta hầu như mọi lúc. Chính vì vậy, là một hành giả Phật giáo, trước hết chúng ta phải nghĩ rằng mình đã được kiếp người quý báu. Suy nghĩ như vậy thì chúng ta cảm thấy may mắn với kiếp người quý báu này. Nếu sinh thành loài súc sinh thì chúng ta không thể nói, không thể nghe và thực hành Pháp. Nếu sinh làm loài thú thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Chúng ta đã may mắn được sinh làm người. Không chỉ được sinh ra làm người, chúng ta còn được lắng nghe và thực hành Pháp. Quý vị phải tư duy như vậy. Khi nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ cảm thấy mình may mắn.
Tâm con người rất lạ. Chúng ta chỉ nghĩ đến những gì mình đã đánh mất mà không bao giờ nghĩ đến những gì mình đã đạt được. Như tôi đã nói trước đây, khi đang đi trên đường và tìm thấy 100 đô-la thì quý vị sẽ rất vui. Nếu đi trên đường và bị mất 100 đô-la thì quý vị sẽ rất buồn. Một câu hỏi nảy sinh: Cảm xúc nào tồn tại lâu hơn? Niềm vui tồn tại lâu hơn hay nỗi buồn tồn tại lâu hơn? Khi quý vị tìm được 100 đô-la, niềm vui có thể kéo dài 10 đến 15 phút. Nếu mất 100 đô-la thì nỗi buồn có thể kéo dài đến một hoặc hai giờ. Tôi nói đúng không? Đối với 90% chúng ta thì nỗi buồn sẽ tồn tại lâu hơn, vì sao? Về lý lẽ thì không phải như vậy, vì có 100 đô-la và mất 100 đô-la, số tiền đều như nhau, nhưng tại sao nỗi buồn hiện diện lâu hơn? Về lý lẽ thì chúng phải như nhau, nhưng thực tế thì không như vậy. Số tiền thì có thể như nhau, nhưng nỗi buồn thì lại tồn tại lâu hơn. Về lý lẽ thì niềm vui và nỗi buồn kéo dài như nhau vì số tiền giống nhau, cùng là 100 đô-la. Thực tế mọi chuyện diễn ra như vậy vì tâm con người nghĩ nhiều hơn đến sự mất mát. Người ta luôn nghĩ nhiều hơn đến những điều mình đánh mất. Họ suy nghĩ rất ít về những thứ mình đã đạt được. Có lẽ đó chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho mỗi khi chúng ta đánh mất điều gì đó thì nỗi buồn lại tồn tại lâu hơn. Người ta thường suy nghĩ quá nhiều về những gì họ đã mất, và điều đó khiến họ đau khổ hơn. Khi nghĩ nhiều hơn đến những gì mình đạt được thì quý vị sẽ hạnh phúc hơn. Nếu nhìn lại đời mình thì quý vị sẽ thấy chúng ta đã đạt được rất nhiều thứ, và cũng đánh mất rất nhiều thứ. Thậm chí với riêng tôi, tôi đã đánh mất rất nhiều thứ kề cận với mình, và tôi cũng đã đạt được rất nhiều điều tốt đẹp. Việc của tôi không phải là nhìn vào những gì đã mất, mà là nhìn vào những gì tôi đã đạt được.
Chính vì vậy, kinh văn dạy chúng ta cách suy nghĩ tích cực, đó là suy nghĩ về sự quý báu của kiếp người. Khi nghĩ rằng kiếp người rất quý báu, quý vị sẽ cảm thấy mình đã có được kiếp người hy hữu. Điểm này dạy chúng ta nhìn vào những gì mình đã đạt được. Nếu nhìn lại đời mình thì quý vị sẽ thấy chúng ta đã mất nhiều thứ và cũng đã có được nhiều thứ. Việc của chúng ta là nhìn vào những gì mình đã đạt được, điều đó sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Khi nhìn vào những gì đã mất thì ta sẽ đau khổ hơn. Vì vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta phải ý thức rằng mình đã có được kiếp người quý báu. Đây chính là điểm đầu tiên để làm phát khởi suy nghĩ tích cực. Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, chúng ta cần nghĩ rằng mình đã thật sự nhận được ân phước vì đã không chết vào tối hôm trước, mà vẫn còn có thêm một ngày nữa để sống.
Đến đây, trước hết chúng ta phải suy niệm về sự quý báu của kiếp người. Bây giờ có một câu hỏi nảy sinh. Vì sao chúng ta phải suy niệm về sự quý báu của kiếp người? Trên thế giới này có hàng tỷ người. Điểm quan trọng là có tới hàng tỷ người nhưng nhiều người trong số họ không có được kiếp người quý báu. Có sự khác biệt lớn giữa kiếp người và kiếp người quý báu. Quý vị có thể thấy trong Giải thoát trong lòng tay nói rằng kiếp người quý báu là một kiếp sống thoát khỏi 8 điều bất lợi.
Thứ nhất, chúng ta đã được sinh ra làm người và không mang tà kiến. Mang tà kiến nghĩa là cho rằng Phật không tồn tại, Pháp không tồn tại… hoặc tương tự, đó là tà kiến nặng nề. Chúng ta hiện không mang tà kiến nặng nề. Thậm chí dù được sinh ra làm người nhưng nếu quý vị mang tà kiến nặng nề, cho rằng Tam Bảo không tồn tại, thì Pháp chẳng thể nào giúp được quý vị. Nếu một người bị bệnh nhưng anh ta lại không muốn uống thuốc thì chẳng có cách nào chữa bệnh cho anh ta cả. Tương tự, một người mang tà kiến nặng nề cho rằng Tam Bảo không tồn tại thì Pháp không thể giúp gì cho người đó. Dù được sinh ra làm người nhưng nếu mang tà kiến nặng nề như vậy thì đó là một điều bất lợi. Có rất nhiều người, hàng triệu người được sinh ra làm người nhưng họ không có được kiếp người quý báu. Kiếp người quý báu là kiếp sống thoát khỏi 8 điều bất lợi. Đây là điều bất lợi thứ nhất: mang tà kiến nặng nề.
Thứ hai, chúng ta đã không bị sinh thành loài súc sinh. Nếu sinh ra làm loài súc sinh thì chúng ta hoàn toàn không thể thực hành Pháp. Đây là điều bất lợi thứ hai: sinh ra làm súc sinh. Quý vị gọi “animal” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: Súc sinh.] Trong tiếng Việt, “human” có phải là “súc sinh” không? [Người dịch: Dạ không phải.] Trong tiếng Việt, quý vị không gọi “human” là “súc sinh” có phải không? [Người dịch: Dạ, “human” là “người.” “Animal” là “súc sinh.”] “Người” không phải là “súc sinh” phải không? [Người dịch: Dạ không phải.] Tốt! Tôi nghĩ tiếng Việt khá giống tiếng Tây Tạng về thuật ngữ súc sinh. Tuy nhiên trong tiếng Anh, “human” có phải là “animal” hay không thì lại là một câu hỏi lớn. Nếu nhìn theo quan điểm khoa học thì điểm này khá khó, vì con người tiến hóa từ loài vật, ban đầu là khỉ và vượn người, sau đó tiến hóa thành người. Tôi nghĩ chúng ta gọi đó là thuyết tiến hóa Darwin. Nhiều lúc thuyết tiến hóa Darwin gây khó dễ cho thuyết sáng tạo của Thượng Đế. Thuyết sáng tạo của Thượng Đế cho rằng Thượng Đế tạo ra con người, đôi lúc gây khó cho thuyết tiến hóa Darwin, nghĩa là con người tiến hóa từ khỉ, vượn. Dù gọi cách nào, chúng ta đã không phải sinh ra làm súc sinh. Một khi bị sinh ra làm súc sinh thì sẽ vô cùng khó khăn để thực hành Pháp. Chính vì vậy, đây chính là điểm bất lợi thứ hai. Chúng ta đã thoát khỏi điều bất lợi thứ hai.
Thứ ba, chúng ta không bị sinh ra làm loài quỷ đói.
Thứ tư, chúng ta không bị sinh vào địa ngục.
Thứ năm, chúng ta đã không bị sinh vào một nơi vắng bóng Phật pháp. Tôi sẽ kể một câu chuyện. Tôi có một học trò người Mỹ. Cha của anh ấy là nhân viên chính phủ cấp cao. Anh ta nói với tôi rằng anh đã đi đến rất nhiều nơi khi còn nhỏ. Cha của anh ấy là nhân viên chính phủ, và họ phải di chuyển từ nước này đến nhiều nước khác. Vài năm trước, anh có cơ hội đến Tây Tạng. Anh ta nói với tôi anh đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe nói về lòng bi mẫn, làm lợi lạc cho người khác. Anh ta chưa từng nghe, cũng chưa từng nghĩ đến điều này khi còn đi học. Anh ta chỉ nghĩ đến bản thân, nghĩ đến cách cải thiện bản thân. Anh ta chưa từng nghe đến khái niệm lòng bi mẫn, tư tưởng làm lợi lạc cho người khác, cho toàn thể chúng sinh. Những tư tưởng đó anh ta biết đến lần đầu ở Tây Tạng. Anh đã rất ngỡ ngàng và sửng sốt. Anh ta nói với tôi đó là bước ngoặc đầu tiên đưa anh đến Phật giáo. Đó chính là một điều bất lợi, vì anh ta sinh ra ở một nơi thiếu vắng giáo lý của Đức Phật. Với anh ta, thời thơ ấu anh chưa từng nghe về lòng bi mẫn, làm lợi lạc cho người khác, cho chúng sinh. Anh ta chưa từng nghe bởi vì anh được sinh ra ở một nơi không có Phật pháp. Chúng ta từng nghe về Pháp vì chúng ta được sinh ra những nơi có giáo lý của Đức Phật. Ra đời ở một nơi thiếu vắng Phật pháp là một điều bất lợi. Dù có tới hàng triệu người, nhiều người trong số họ sinh ra ở nơi không có Phật pháp. Hàng triệu người ra đời ở những nơi mà họ không bao giờ nghe đến khái niệm lòng bi mẫn, hay làm lợi lạc cho người khác. Họ bị đưa đẩy đến một môi trường mà ở đó chỉ quan tâm đến bản thân, theo bản năng của mỗi người.
Tôi có một kinh nghiệm với một nhà vật lý. Chúng tôi đã thảo luận về Phật pháp và Khoa học. Ông ấy đã già và không theo tôn giáo nào. Khi bàn về vật lý, tôi nói với ông ta thật thú vị khi ông nói về vật lý, về vi hạt và nguyên tử. Tôi nói với ông rằng điều đó rất thú vị. Ông ta mới nói, “Đúng thế, nó rất thú vị.” Ông ta kể rằng ông đã bỏ 30 năm để nghiên cứu về nguyên tử sau khi lấy bằng tiến sĩ. Ông ta nói rằng đã bỏ 30 năm nghiên cứu, nhưng từ sâu thẳm trong tâm thì vẫn cảm thấy trống rỗng. Ông có cảm giác ông chẳng tìm ra được điều gì cả. Lúc đó, tôi cảm thấy tôi rất may mắn. Tôi gặp ông ta hai hoặc ba năm sau khi tôi hoàn tất học vị tiến sĩ Phật học và Geshe Lharampa. Sau khi hoàn tất bậc học của mình thì tôi không bao giờ thấy trống rỗng. Tôi không bao giờ cảm thấy mình chẳng tìm ra được điều gì. Do đó tôi cảm thấy mình may mắn. Hãy nhìn vào ông ta, ông đã bỏ 30 năm nghiên cứu về vi hạt và nguyên tử, nhưng rồi vẫn cảm thấy không đạt được thứ gì cả. Ông ta là một người có học thức cao, một nhà khoa học thực thụ, có bằng tiến sĩ vật lý, nhưng chủ đề nghiên cứu của ông đôi khi không liên quan đến cuộc sống, chẳng hạn như phải sống ra sao. Chính vì vậy, mỗi khi nói chuyện ở các trường cao đẳng và đại học, tôi luôn nhấn mạnh rằng giáo dục hiện đại và những chỉ dẫn tâm linh phải được kết hợp với nhau để kiến tạo một cuộc sống tốt hơn. Điều đó rất quan trọng. Hàng triệu người đang thụ hưởng nền giáo dục rất tốt, nhưng họ không có được những chỉ dẫn tâm linh vì họ sinh ra ở những nơi không có Phật pháp. Khi nhìn nhận như vậy thì quý vị sẽ cảm thấy, “Ồ, chúng ta đã được sinh ra nơi có Phật pháp!”, quý vị sẽ cảm thấy sung sướng.
Tôi đặc biệt ngưỡng mộ truyền thống phóng sinh của người Việt Nam. Tôi rất ngưỡng mộ. Quý vị có một truyền thống rất tốt. Nepal là một xứ sở lạ thường. Quý vị sẽ thấy vào vài dịp ở Nepal, họ lại sát hại động vật để tiến hành puja. Một số Phật tử cũng làm theo như vậy ở Nepal. Vì vậy, khi nói chuyện với đại chúng, tôi luôn nói với họ rằng nếu muốn trở thành Phật tử thì quý vị không thể nào sát sinh. Khi giết động vật để làm puja thì quý vị không thể trở thành Phật tử. Tùy vào quý vị. Là Phật tử hay không là Phật tử, quý vị có thể quyết định. Tuy nhiên, một khi đã xem mình là Phật tử thì quý vị không thể làm như vậy. Tôi luôn cổ súy tư tưởng này, vì họ không hiểu mục đích của Phật giáo.
Điều bất lợi thứ sáu là bị sinh vào vùng biên địa. Khi bị sinh vào vùng biên địa thì sẽ vô cùng khó khăn để tiến hành Phật sự.
Điều bất lợi thứ bảy là sinh ra bị câm hoặc bị điếc. Đó là điều bất lợi thứ bảy.
Điều bất lợi thứ tám là sinh ra làm chư thiên. Khi quý vị sinh ra là một vị trời thì rất khó để thực hành Phật pháp.
Quý vị hãy nhìn lại mình, quý vị phải chịu bao nhiêu điều bất lợi trong 8 điều này? Tôi nghĩ không có điều nào cả. Trên thế giới này có hàng tỷ người, nhưng quý vị có thể thấy rằng hàng triệu người bị kẹt vào những điều bất lợi, họ không có kiếp người quý báu. Chính vì vậy, trước hết chúng ta phải suy niệm rằng mình đã có được kiếp người quý báu. Khi nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ cảm thấy mình may mắn. Nhiều lúc quý vị quên mình may mắn đến mức nào. Thật sự nhiều lúc quý vị quên rằng mình may mắn như thế nào. Quý vị có may mắn hay không, điều đó tùy thuộc vào quý vị, cách quý vị tư duy. Nếu nhìn vào một người trúng số một triệu đô-la, người đó có may mắn hay không thì tùy vào cách nghĩ của họ. Sau khi thắng một triệu đô-la, nếu họ nghĩ họ vẫn chưa trúng hai triệu đô-la thì họ không may mắn. Do đó, thường thì cách suy nghĩ của quý vị tạo khác biệt lớn. Chính vì vậy, Phật pháp luôn dạy suy nghĩ tích cực. Khi nghĩ mình đã có được kiếp người quý báu theo cách này thì chúng ta sẽ cảm thấy mình thật sự may mắn.
Có một người đàn ông. Ông ta đã quyết định tự sát. Ông ấy đến bờ sông và chuẩn bị nhảy xuống nước. Lúc đó, một vị thầy đến và hỏi ông ta vì sao lại muốn chết. Người đàn ông trả lời, “Trong cuộc đời này tôi chẳng có gì cả nên tôi không muốn sống nữa. Tôi muốn chết. Tôi sẽ nhảy xuống nước.” Vị thầy nói người đàn ông hãy chờ một hoặc hai ngày nữa. “Trước khi ông chết, tôi muốn đi cùng ông tới cung vua, một hoặc hai ngày sau thì ông có thể chết.” Rồi vị thầy hỏi ông, “Ông có chắc là ông không có bất cứ thứ gì quý giá không?” Người đàn ông nói, “Tôi chẳng có gì cả. Tôi chẳng có món gì quý giá trong đời mình.” Vị thầy đưa người đàn ông đến cung vua, và yêu cầu ông ngồi trước đức vua. Vị thầy đến nói thầm vào tai vua vài điều rồi trở lại chỗ người đàn ông. Vị thầy nói, “Nhà vua sẵn lòng mua đôi tai của ông với giá 10 đồng tiền vàng. Ông muốn bán không?” Người đàn ông nói, “Không! Tôi không muốn bán.” Rồi vị thầy lại đến thì thầm vào tai vua, sau đó vị ấy quay trở lại và nói, “Bây giờ nhà vua sẵn lòng mua đôi tay của ông với giá 50 đồng tiền vàng. Ông bán không?” “Không! Cớ gì tôi phải bán đôi tay của mình. Tôi không bán.” người đàn ông đáp. Một lần nữa, vị thầy đến thì thầm vào tai vua, rồi trở lại chỗ người đàn ông và hỏi, “Bây giờ thì nhà vua sẵn lòng mua đôi mắt của ông với giá 100 đồng tiền vàng.” Người đàn ông vô cùng tức giận và hét vào vị thầy, “Ông điên rồi! Ông điên lắm rồi! Tôi không đời nào bán đôi mắt của mình để lấy 100 đồng tiền vàng.” Rồi ông ta rời cung điện. Sau đó, vị thầy đến chỗ ông ta và nói, “Lúc đầu ông nói ông chẳng có gì quý giá. Ông hãy nhìn lại thân thể ông xem nó quý đến chừng nào. Ông không chịu bán đôi tai của mình với giá 10 đồng tiền vàng, ông không bán đôi mắt với giá 100 đồng tiền vàng bởi ông biết chúng đáng giá hơn thế nữa. Ông đã có một thứ rất quý giá, vậy mà ông lại sắp hủy hoại nó, hủy hoại thân người quý giá đó.”
Người Tây Tạng có một câu nói, “Chúng ta không thể nhìn thấy những gì quá gần đôi mắt, chẳng hạn như lông mi.” Khi nó quá gần thì chúng ta không thể nhìn thấy. Tương tự, chúng ta đang sở hữu thân người quý báu nhưng vẫn không nhận ra vì nó quá cận kề với chúng ta. Dịp nọ ở Đài Loan, có một người mẹ đi cùng con trai của bà. Thường thì con của bà rất ngoan, nhưng bà ta lại than phiền với tôi khá nhiều về đứa trẻ. Tôi nói với bà ấy rằng bà không nhìn ra tính tốt của đứa con mà chỉ nhìn thấy khuyết điểm của nó, vì đứa con quá thân cận với bà nên bà không nhận ra. Khi cha mẹ đánh giá con mình thì cũng cần phải cân bằng, phải nhìn vào ưu điểm lẫn khuyết điểm. Nhiều lúc cha mẹ để ý nhiều hơn đến khuyết điểm của con họ. Vì vậy, tôi nghĩ việc cha mẹ nhìn vào ưu điểm của bản thân họ và ưu điểm của con trẻ rất quan trọng. Khi quý vị chung sống trong một gia đình, nhiều lúc quý vị không thấy ưu điểm của nhau mà lại thấy khuyết điểm nhiều hơn. Do đó, việc duy trì nhìn nhận ưu điểm của cha mẹ, của các thành viên trong gia đình rất quan trọng. Nhiều lúc quý vị cũng phải hiểu cho con trẻ. Khi cha mẹ ngày càng lớn tuổi, có thể tính cách sẽ thay đổi ít nhiều và quý vị sẽ thấy đôi chút khó khăn khi ứng xử với cha mẹ, nhưng quý vị cũng phải nhìn vào mặt tốt của họ. Điểm này rất quan trọng. Do đó, chúng ta không chỉ nhận ra mình có được kiếp người quý báu, mà còn phải nhìn vào những mặt tích cực mà mình đã đạt được, và cũng phải nhìn nhận mặt tích cực của người thân trong gia đình. Khi nhìn nhiều hơn vào mặt tốt của người thân thì quý vị sẽ cảm thấy dễ dàng ứng xử với họ. Khi nhìn vào ưu điểm thì quý vị sẽ khởi tâm thương yêu họ nhiều hơn. Nếu quý vị nhìn vào xã hội loài người và bầy đàn loài vật thì sẽ thấy có điểm khác biệt lớn, đó là trong xã hội loài người, chúng ta cảm thấy khó khăn hơn khi ứng xử với người khác. Khi loài thú tạo lập bầy đàn, không khó khăn để chúng ứng phó và gầy dựng quan hệ với nhau. Chính vì vậy, chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến phẩm tính tốt đẹp của những thành viên khác trong gia đình. Điều đó rất quan trọng.
Đây là bài tập về nhà hôm nay của quý vị. Thứ nhất, khi về nhà, quý vị hãy suy nghĩ làm thế nào quý vị có được kiếp người quý báu này, mình may mắn đến mức nào, và hãy nhìn nhiều hơn vào mặt tích cực quý vị đã đạt được. Thứ hai, hãy nhìn vào điểm tốt của những thành viên trong gia đình, cha, mẹ, vợ, chồng, con cái của quý vị.
Bây giờ, điểm thứ hai là chúng ta đã có được kiếp người quý báu, giờ đây chúng ta phải làm gì? Đó là câu hỏi thứ hai. Điều chúng ta cần làm là không được phí phạm cuộc đời mình; chúng ta phải làm cho đời mình trở nên đầy ý nghĩa, chúng ta phải có một đời sống rất tốt đẹp. Đây là điểm thứ hai. Chúng ta đã được sinh ra làm người, đã có được kiếp người quý báu. Chúng ta phải có một đời sống tốt đẹp và đầy ý nghĩa, do đó đừng hoang phí đời này. Đây là điểm quan trọng thứ hai. Quý vị phải luôn tâm niệm về điều này.
Đôi khi, lúc còn trẻ, chúng ta phí phạm kiếp người quý báu này rất nhiều. Không chỉ phí phạm, một vài người trẻ còn hủy hoại nó. Vài năm trước, tôi được mời đến một trung tâm cai nghiện ở Nam Ấn. Bangalore là một thành phố lớn, khoảng 10 hay 11 triệu người đang sống ở đó. Tôi được mời đến nói chuyện tại một trung tâm cai nghiện của thành phố. Một điều rất buồn là khi tôi nói chuyện thì họ không thể tập trung quá năm phút. Họ không thể ngồi ngay ngắn, không thể tập trung vào những gì tôi nói trong năm phút. Không thể giảng Pháp và cũng không thể nói chuyện nhằm cải thiện cuộc sống của họ. Tôi không thể làm gì khác vì khi tôi nói, họ không thể tập trung. Về phần mình, tôi rất buồn. Họ thật sự đang uổng phí kiếp người quý báu, nhưng tôi chẳng thể làm gì được. Tôi không thể làm gì hơn. Tôi buồn về hai điều. Thứ nhất là cách họ làm uổng phí cuộc đời mình. Thứ hai là tôi không thể giúp được gì cho họ. Họ muốn tôi cho lời khuyên nhưng tôi không thể làm gì cả vì họ không thể chú tâm vào những lời tôi nói quá năm phút, dù họ đã cố gắng hết sức. Họ như những người mất trí. Một mặt tôi cảm thấy buồn. Mặt khác tôi thấy mình may mắn, tôi không giống họ, tôi đã không trở nên như vậy.
Tôi còn nhớ một dịp nọ tôi đến thăm trại tù thiếu niên ở Đài Loan. Phần lớn lũ trẻ bị giam vì hai lý do: trộm cắp và nghiện ngập. Ở Đài Loan, tôi giảng dạy ở trại tù vài lần, đặc biệt là ở trại tù thiếu niên. Chúng bị bắt vì hai tội: trộm cắp và nghiện ngập. Bởi chúng không biết kiếp người này quý báu ra sao, nên chúng làm mọi giá để thỏa mãn lạc thú. Chúng thật sự không biết sự quý báu của kiếp người, sự quý báu của thân người này.
Quý vị có thể thấy mình đã được sinh ra làm người, quý vị có một kiếp người quý báu. Tiếp theo, quý vị phải nghĩ rằng mình phải làm những điều thật ý nghĩa, thật tốt. Chúng ta đã được sinh ra làm người nhưng chúng ta làm người không đến được một trăm năm. Thời gian sống làm người thì có giới hạn. Trong khoảng thời gian hạn hẹp này, chúng ta phải làm mọi điều tốt đẹp theo khả năng của bản thân. Nếu quý vị nhìn ra thế giới, hàng triệu người được sinh ra, rồi hàng triệu người chết đi. Trong số hàng triệu người này, chỉ vài người có được đời sống tốt đẹp và hạnh phúc trước khi họ từ giã cõi đời. Chúng ta phải là một trong số ít những người này. Quý vị rõ không?
Một bài tập về nhà nữa cho hôm nay. Hiện tại quý vị đã được sinh ra làm người, quý vị phải nghĩ rằng mình sẽ có một đời sống đầy ý nghĩa và quý vị sẽ làm những điều tốt nhất có thể. Quý vị phải nghĩ đi nghĩ lại như vậy trong tâm để tự nhắc nhở mình. Đó là bài tập thứ hai. Quý vị rõ về bài tập rồi chứ? Quý vị có thể làm bài tập mọi nơi, ở nhà hoặc ở sở làm.
Bây giờ chúng ta sẽ cầu nguyện. Tôi nghĩ còn một câu hỏi của buổi học trước.
Hỏi: Thầy dạy rằng con người chúng ta chỉ tin vào những gì mình không thể thấy được, nhưng chúng ta lại không tin vào những gì chúng ta có thể nhìn thấy. Nhưng trên thực tế thì những gì chúng ta thấy được, chúng ta không thể khẳng định được sự việc có thật sự là như vậy hay không. Khi mọi việc hiện ra trước mắt ta không như nó đang là, chúng ta chấp vào đó và phát sinh những suy nghĩ tiêu cực. Vậy làm cách nào để khẳng định được những gì chúng ta thấy là sự thật?
Rinpoche: Nói chung, để đánh giá những gì chúng ta đang thấy có chính xác hay không, chúng ta phải bàn sâu một chút. Vài triết gia Phật giáo cho rằng những gì chúng ta đang thấy rất chính xác. Tuy nhiên, tất cả triết gia Phật giáo cấp tiến hơn đều cho rằng những gì chúng ta nhìn thấy không chính xác 100%, có thể đến 60% không chính xác. Đôi khi, những gì chúng ta nhìn thấy không hiện diện nơi đó; điều này có thể xảy ra. Có lúc, chúng ta không nhìn thấy những thứ hiện diện nơi đó. Nói chung, lần thứ nhất có thể là lầm, lần thứ hai có thể lầm, nhưng bốn hoặc năm lần thì không còn lầm được nữa. Phần lớn những gì chúng ta thấy là sự thật.
Bây giờ chúng ta sẽ nhận khẩu truyền trước khi cầu nguyện. Việc khẩu truyền sẽ tốn một ít thời gian. Đây là khẩu truyền một bài kinh, chúng ta gọi là Văn Thù Sư Lợi Kinh. Trong Phật giáo chúng ta có Kinh điển và Mật điển. Mọi chủ đề của Kinh điển đều được cô đọng lại trong Bát Nhã Tâm Kinh. Mọi chủ đề của Mật điển được cô đọng lại trong Văn Thù Sư Lợi Kinh, bài kinh mà tôi sắp ban khẩu truyền. Văn Thù Sư Lợi Kinh có bản tiếng Trung Hoa. Tôi không biết bài kinh này đã được dịch ra tiếng Việt hay chưa. Hôm nay là khẩu truyền. Tôi chưa thể giảng bài kinh này cho quý vị. Để nghe giảng kinh này thì quý vị phải nhận quán đảnh Văn Thù Sư Lợi. Có lẽ lần tới chúng ta sẽ tính tiếp. Có lẽ sẽ mất một lúc vì kinh rất dài, tôi phải đọc. Đây không phải là truyền khẩu chú, mà là truyển khẩu kinh. Tôi sẽ ban khẩu truyền; về phần quý vị, quý vị hãy cầu nguyện cho người vừa qua đời. Phần tôi, tôi cũng sẽ cầu nguyện. Không chỉ cầu nguyện cho người vừa qua đời, chúng ta cũng cầu nguyện cho bất cứ người nào hoặc con vật nào vừa qua đời. Hãy cầu nguyện cho những người này và những loài vật đó được tái sinh vào cõi Tịnh Độ của chư Phật. Có sự khác biệt lớn giữa cõi Tịnh Độ và cõi trời. Cõi Tịnh Độ là nơi quý vị có thể nghe Phật pháp. Ở cõi trời quý vị không thể nghe Pháp. Một năm trước, tôi tham dự nhập thất Quan Âm Pháp, dành trọn thời gian cầu nguyện với Đức Quán Thế Âm. Một đệ tử của tôi hỏi tôi làm gì, tôi nói tôi đang xin visa đến cõi Tịnh Độ của Đức Quán Thế Âm. Sau khóa nhập thất, tôi nói với đệ tử là tôi đã nộp tất cả chứng từ cần thiết đến cõi Tịnh Độ của Đức Quán Thế Âm, còn cấp visa hay không là chuyện của Ngài. Cũng như vậy, bây giờ chúng ta cầu nguyện cho những người vừa qua đời, nguyện cho họ tái sinh vào cõi Tịnh Độ của chư Phật hoặc cõi Tịnh Độ của Đức Quán Thế Âm, vì khi được sinh vào những nơi đó thì họ có thể nghe và thực hành Pháp. Nếu sinh vào cõi trời thì chẳng được gì cả, họ không thể nghe Pháp.
Hãy đọc tên những người vừa qua đời, chúng ta sẽ cầu nguyện cho họ. Không chỉ cầu nguyện cho họ mà còn cầu nguyện cho những loài thú nữa. Phần tôi, tôi sẽ cầu nguyện. Khi cầu nguyện thì quý vị cũng đồng thời nhận khẩu truyền Văn Thù Sư Lợi Kinh. Khi cầu nguyện, quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước. Ngài Văn Thù Sư Lợi cũng ngự trên Ruộng Phước. Tôi sẽ bắt đầu.
[Cầu nguyện]
Tôi sẽ dừng ở đây. Hẹn gặp lại quý vị vào Chủ Nhật tới. Cảm ơn quý vị!
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 23/10/2014.