Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 48 - Ngày 08/12/2013
- Nguồn gốc của ác nghiệp
- Phân biệt nghiệp nặng/nhẹ căn cứ vào bản chất
- Tránh phạm ác nghiệp bằng cách thọ giới và luyện tâm
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 48
Như Thị Thất, ngày 08 tháng 12 năm 2013
Về chủ đề nghiệp, lần trước chúng ta đã hoàn tất phần ác nghiệp. Hôm nay, tôi sẽ nói về nguồn gốc của ác nghiệp. Chúng ta nói về ác nghiệp sinh khởi và đến như thế nào. Như tôi đã nói trước đây, có 10 ác nghiệp. Quý vị thường gây ác nghiệp vì nghĩ cho bản thân. Ác nghiệp khởi sinh vì tâm nghĩ cho bản thân. Khi nghĩ cho bản thân quá mức, mọi ác nghiệp bắt đầu sinh khởi. Ác nghiệp rất lạ. Khi một người phạm phải một ác nghiệp nào đó, sát sinh hoặc nói dối…, ác nghiệp là một thứ rất gây nghiện. Thông thường, khi hành thiện nghiệp, thiện nghiệp không gây nghiện bằng ác nghiệp. Điểm tích cực của thiện nghiệp là khi quý vị hành thiện nghiệp, sau đó khi nhìn lại những thiện hạnh mình đã làm, quý vị sẽ cảm thấy vui sướng và rất hạnh phúc về những điều mình đã làm. Thiện nghiệp thì như vậy. Thiện nghiệp không gây nghiện như ác nghiệp; tuy nhiên, khi nhìn lại những thiện hạnh mà mình đã tích lũy, quý vị sẽ cảm thấy hoan hỷ. Mỗi khi quý vị phạm ác nghiệp, ngay thời điểm đó quý vị có thể cảm thấy vui sướng và hạnh phúc, đặc biệt có một số người cảm thấy rất vui khi giết hại động vật, họ vui sướng ngay thời điểm đó. Tuy nhiên, sau đó, khi nhìn lại những ác nghiệp mà mình đã gây ra, quý vị sẽ không thể nào cảm thấy hoan hỷ và hãnh diện được. Đó là điểm khác biệt của ác nghiệp. Khi tích lũy thiện nghiệp, nó không gây nghiện nhưng khi nhìn lại thiện hạnh mình đã tích lũy, quý vị sẽ cảm thấy hoan hỷ và tự hào.
Ở đây, quý vị có thể thấy Giải thoát trong lòng tay nói về việc nghiệp được tăng mạnh và được giảm nhẹ như thế nào. Có 6 yếu tố làm cho nghiệp nặng hơn: nặng bởi bản chất, nặng bởi động cơ, nặng bởi hành vi, nặng bởi nền tảng, nặng bởi tính thường xuyên, nặng bởi không áp dụng biện pháp đối trị. Nói chung, điểm này bàn về ác nghiệp và cách phân biệt giữa nghiệp nặng và nghiệp nhẹ.
Căn cứ vào bản chất, trong mười ác nghiệp, nặng nhất là sát sinh. Sát sinh được nhắc đến đầu tiên bởi đó là ác nghiệp nặng nề nhất. Sát sinh được xem là ác nghiệp nặng nhất vì nó gây khổ đau nặng nề nhất cho chúng sinh khác. Trong hành vi sát sinh, chẳng hạn như giết hại động vật, hành vì nào nặng nhất? Giết con bò hay giết con muỗi? Giết con bò là ác nghiệp nặng hơn giết con muỗi, vì kích cỡ của chúng. Hành vi giết hại gây ra sự rối loạn cảm xúc nặng nề hơn đối với con bò. Chính vì vậy, giết bò hoặc giết chó thì ác nghiệp nặng hơn so với giết hại con trùng như muỗi. Khi có người sát hại con bò hoặc con chó, chúng cảm thấy đau đớn hơn; khi có người đập muỗi thì về mặt cảm xúc chúng sẽ không quá thống khổ. Một điều nữa là khi chúng ta đối xử tốt với loài chó thì phản ứng của chúng đối với ta sẽ khác biệt. Điều này rất đơn giản vì loài chó cũng có cảm xúc. Chính vì vậy, khi giết chó và giết muỗi, nếu so sánh hai ác nghiệp thì ác nghiệp tạo ra bởi hành vi giết chó nặng hơn ác nghiệp do giết muỗi, bởi nó khiến con chó đau khổ hơn nhiều. Có một điều tôi cảm thấy rất bối rối. Khi tôi tiến hành vài nghiên cứu về cận tâm lý học, về não bộ, các nhà cận tâm lý học cho rằng loài rắn và bò sát không có cảm xúc. Chúng sẽ không cảm nhận được dù chúng ta đối xử tốt với chúng. Chúng cũng không có cảm giác khi ta hại chúng. Chúng sẽ không nổi giận vì chúng là loài vô cảm. Điều này thật lạ, ý tôi là vấn đề này thật bất ngờ và rắc rối. Khi vô cảm thì quý vị không thể có những cảm xúc như nóng giận, bởi theo quan điểm cận tâm lý học thì trạng thái nóng giận chính là cảm xúc. Sát hại động vật là ác nghiệp, tuy nhiên khi chúng ta giết con rắn, chúng ta phải tìm hiểu xem chúng có cảm xúc đau khổ hay không. Bởi nếu chúng vô cảm thì dù chúng ta có đối xử tốt hoặc sát hại thì chúng cũng không cảm thấy khác biệt. Đây là một điểm khiến tôi bối rối. Về bản chất, sát sinh là ác nghiệp nặng nhất. Nó được xem là ác nghiệp nặng nhất bởi bản chất của nó. Nguyên nhân chính khiến cho sát sinh là ác nghiệp nặng nhất về bản chất đó là việc giết hại loài vật sẽ khiến chúng đau đớn.
Bây giờ, ác nghiệp nặng do bản chất tiếp theo là trộm cắp. Trộm cắp được nhắc đến thứ hai vì nó là ác nghiệp nặng thứ hai. Trộm cắp là ác nghiệp nặng thứ hai bởi đơn giản là nó khiến cho người bị mất trộm đau khổ rất nhiều. Đó là nguyên nhân trộm cắp là ác nghiệp nặng thứ hai, nó gây nhiều khổ đau nhưng không nhiều bằng sát sinh. Ác nghiệp nặng thứ ba là tà dâm. Đây là ác nghiệp nặng thứ ba bởi nó được nhắc đến ở vị trí thứ ba. Rất đơn giản phải không?
Chúng ta đang nói về vấn đề làm thế nào các ác nghiệp này trở nên nặng nề do bản chất. Như tôi đã từng nói, chúng ta tích tập tất cả những ác nghiệp này vì tâm ái ngã, khi quý vị suy nghĩ quá nhiều cho bản thân. Khi suy nghĩ quá nhiều cho bản thân, quá nhiều tư tưởng sẽ nảy sinh trong tâm quý vị. Khi có quá nhiều tư tưởng nảy sinh trong tâm, mọi cảm xúc sẽ phát sinh cùng với những tư tưởng đó. Những tư tưởng tiêu cực phát khởi sẽ kéo theo những cảm xúc như sợ hãi, căng thẳng…, tất cả những điều này phát sinh khi quý vị suy nghĩ quá nhiều, khi quý vị khởi lên nhiều suy nghĩ không cần thiết. Đơn giản là khi con người suy nghĩ quá nhiều cho bản thân, mọi tư tưởng sẽ đến. Khi có quá nhiều tư tưởng nảy sinh, chúng sẽ khơi dậy căng thẳng, sợ hãi, và tất cả đều sinh khởi. Tôi có kinh nghiệm về việc nhiều người cảm thấy khó khăn để đạt được tâm an lạc vì họ suy nghĩ quá nhiều. Họ cứ nghĩ, “Chuyện gì sẽ xảy đến với tôi? Chuyện gì sẽ xảy đến với tôi?” Có quá nhiều suy nghĩ như vậy thì rất khó đạt được an lạc nội tâm. Đó là nguyên nhân chính. Đôi khi quý vị phạm phải ác nghiệp vì suy nghĩ quá nhiều cho bản thân. Khi suy nghĩ quá nhiều cho bản thân, những tư tưởng không cần thiết sẽ trỗi dậy, và chúng dẫn đến việc tích tập ác nghiệp.
Có một giải pháp sẽ dẫn đến thành công. Khi cần đến một giải pháp triệt để, quý vị phải luyện tâm. Khi có thể kiểm soát tâm mình, quý vị có thể dễ dàng kiểm soát việc từ bỏ ác nghiệp. Nếu có người nhắc “không được sát sinh, không được sát sinh” quá nhiều, mang tính ép buộc, thì quý vị sẽ lại muốn sát sinh. Nếu có người nói quý vị không được ăn táo, không được ăn táo thì quý vị sẽ nghĩ quả táo là một thứ gì đó và khởi tâm càng muốn ăn táo. Khi quý vị thọ giới không sát hại động vật, làm sao để giữ giới? Luyện tâm là điều quan trọng nhất.
Dịp nọ tôi nói chuyện ở một trường học. Thầy hiệu trưởng muốn tôi nói chuyện riêng với 8 học sinh tệ nhất trường. Tôi nghĩ chúng khoảng 16 tuổi. Vấn đề là những học sinh này uống rượu và hút thuốc. Tôi chỉ nói với chúng vài lời. Tôi chỉ nói, “Khi các em uống rượu và hút thuốc, vì sao các em lại uống rượu và hút thuốc, vì sao lại cần làm những điều đó?” Tôi chỉ hỏi các em học sinh như vậy. Tôi đã không nói các em không được uống rượu và hút thuốc. Tôi chỉ hỏi, “Vì sao các em uống rượu và hút thuốc?” Các em không trả lời tôi. Sau đó tôi hỏi câu thứ hai, “Mỗi khi uống rượu hay hút thuốc, các em hãy nghĩ xem mình có thể mang đến bao nhiêu niềm vui cho bản thân và người khác?” Ở Ấn Độ, học sinh 15-16 tuổi không được uống rượu và hút thuốc. Tâm chúng ta rất lạ. Khi quý vị không được phép làm điều gì đó, quý vị lại muốn làm. Khi được phép làm thì quý vị lại không muốn làm. Khi tôi hỏi các em câu thứ hai, “Mỗi khi uống rượu hay hút thuốc, các em hãy nghĩ xem mình có thể mang đến bao nhiêu niềm vui cho bản thân và người khác?”, tôi hỏi thêm một điều, “Gia đình và thầy cô giáo có thật sự quan tâm đến các em không? Họ có thật sự thương yêu các em không?” Tôi nói với các em, “Các em không cần phải trả lời ngay. Tôi cho các em số điện thoại của tôi. Nếu các em có câu trả lời hoặc muốn nói chuyện thêm, cứ việc gọi điện cho tôi. Tôi cho các em số điện thoại.” Vài ngày sau tôi nhận được điện thoại từ một đứa trẻ. Ban đầu tôi không nhận ra, và cậu ấy nói là cậu là một trong 8 đứa trẻ. Cậu ấy nói rằng cậu đã bỏ thuốc lá và rượu, nhưng bạn cậu chưa bỏ và cậu ấy hỏi tôi cậu phải làm gì.
Để có thể điều phục ác nghiệp, giải pháp đầu tiên cũng là giải pháp tạm thời đó là thọ giới không được làm ác nghiệp. Quý vị phải nương tựa vào giới, như tôi đã nói. Một giải pháp mạnh mẽ hơn là luyện tâm. Luyện tâm khó một chút, nhưng chắc chắn quý vị sẽ ổn thỏa. Vài người luyện tâm thất bại, nhiều người từng học Phật pháp nhiều năm cũng thất bại. Có những người không học nhiều Phật pháp nhưng lại luyện tâm thành công. Đây là điều rất lạ trong việc luyện tâm. Nhiều khi quý vị học Phật pháp trong nhiều năm nhưng vẫn luyện tâm thất bại. Đôi khi quý vị chỉ cần học một điều thôi và sẽ luyện tâm thành công. Điều duy nhất là quý vị phải tập trung. Khi tập trung không đúng chỗ thì quý vị không thể thành công trong việc luyện tâm. Điều duy nhất quý vị cần là chú tâm đúng chỗ, đừng cố học nhiều hơn.
Thông thường, con người rất lạ. Họ không thể chú tâm vào những gì họ đang có. Họ thường tập trung vào những gì họ không sở hữu. Đó là bản chất tâm con người. Quý vị không bao giờ nhìn vào những gì mình sở hữu mà chỉ nhìn vào những thứ mình không có. Đó là vấn đề lớn nhất của tâm con người. Tôi thích một câu chuyện, đó là một câu chuyện có thật và rất hay. Câu chuyện xảy ra vào năm 1948. Một vận động viên bắn súng người Hungary đã đạt huy chương vàng Thế Vận Hội. Anh ta giành huy chương vàng với tay trái, anh bắn súng bằng tay trái. Trước khi bắn súng bằng tay trái, anh ta dùng tay phải để bắn súng. Khi còn bắn súng bằng tay phải, anh ta từng đạt huy chương quốc gia. Anh ta cũng phục vụ trong quân đội Hungary. Một ngày nọ, khi đang luyện tập trong quân đôi, anh ta bị mất cánh tay phải. Khi bị mất tay phải, anh cố gắng tập bắn súng bằng tay trái. Sau khi bắn súng bằng tay trái trong nhiều năm, anh ta đã giành huy chương vàng thành công. Tôi nghĩ anh ta cũng nhắm đến huy chương vàng vào năm 1942 hoặc 1943, nhưng Thế Vận Hội bị hủy vì Thế Chiến Thứ Hai. Thông thường, khi người ta mất cánh tay phải, họ chỉ nhìn vào những gì họ mất; họ không nhìn vào những gì họ sở hữu. Chúng ta không chú tâm vào những gì mình sở hữu, chúng ta chỉ tập trung vào những thứ mình không có. Đó là lỗi lầm của tâm con người. Để luyện tâm, quý vị chỉ cần chú tâm đúng chỗ. Khi quý vị chú tâm không đúng chỗ, dù có học rộng hiểu nhiều thì quý vị cũng thất bại. Khi chú tâm đúng chỗ, dù chỉ học một ít nhưng quý vị có thể luyện tâm rất dễ dàng. Điều duy nhất quý vị cần là chú tâm đúng chỗ.
Có lẽ hôm nay chúng ta có buổi học ngắn. Hôm nay, quý vị không nhìn thấy tôi, tôi cũng không nhìn thấy quý vị, do đó buổi học ngắn một chút. Tôi nghĩ nếu không nhìn thấy tôi thì quý vị sẽ mất tập trung. Khi tôi còn nhỏ, nhiều lúc trong lớp tôi cảm thấy chán, tôi trốn sau lưng của bạn khác [Rinpoche cười].
Bây giờ tôi sẽ tụng bài cầu nguyện Tara Trắng. Đây là bài cầu nguyện để tăng thọ mạng cho mọi người. Ai cũng muốn sống lâu. Để trường thọ thì phải cần một số nguyên nhân và điều kiện. Nguyên nhân trước hết là quý vị phải có cuộc sống lành mạnh, nghĩa là quý vị phải bớt ăn thịt, uống rượu và hút thuốc lá. Thứ hai, tâm trạng cũng rất quan trọng. Tôi có một kinh nghiệm rất lạ. Ở Mông Cổ có rất nhiều người dân du cư là những người cao tuổi. Tôi gặp một cụ bà cao tuổi. Bà ấy không đeo kính, đã mất nhiều răng và vẫn còn nghe rất tốt. Tôi hỏi bà ấy bao nhiêu tuổi. Người ta nói với tôi bà ấy đã 92 tuổi, và tôi thật sự kinh ngạc. Sau đó tôi hỏi chế độ ăn uống của bà, họ nói với tôi bà ăn thịt, uống rượu và còn hút thuốc nữa [Rinpoche cười]. Lúc đó tôi nghĩ có lẽ tôi nên ăn thịt [Rinpoche cười]. Tuy nhiên, tôi tìm hiểu được nguyên nhân chủ yếu là tâm trạng của bà rất thoải mái. Họ không phải chạy theo thời gian. Họ không đeo đồng hồ và không phải chạy theo thời gian. Đây là nguyên nhân thứ hai. Khi không căng thẳng, họ có tâm trạng thoải mái và điều này góp phần kéo dài tuổi thọ. Nhìn chung, tôi thấy ở độ tuổi 80 và 90, họ đi bộ và làm mọi việc. Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu là họ không căng thẳng như những người khác. Họ ít căng thẳng hơn và tâm lý thoải mái hơn. Nguyên nhân thứ ba để kéo dài tuổi thọ là cầu nguyện với vị thần như Tara.
Có lẽ tôi sẽ tụng câu chú vài lần và sẽ kết thúc buổi học. Quý vị hãy cầu nguyện để được tăng trưởng thọ mạng.
[Cầu nguyện]
Hẹn gặp lại quý vị!
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 03/01/2015.