
Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 32 - Ngày 07/07/2013
- lợi lạc của quy y (tiếp theo)
- tiến trình chết
- quy y đúng thời điểm khi lâm chung
Giải Thoát Trong Lòng Tay
Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải
Tuần thứ 32
Như Thị Thất, ngày 07 tháng 07 năm 2013
Hôm nay, sau buổi học, chúng ta sẽ tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh được xem là một bản kinh rất linh thiêng. Bát Nhã Tâm Kinh không do Đức Phật trực tiếp thuyết giảng, mà Tâm Kinh được các đệ tử của Phật tuyên thuyết và được Đức Phật gia trì.
Lần trước chúng ta đang nói về lợi lạc của quy y. Tôi đã hoàn tất năm điều lợi lạc đầu tiên. Bây giờ, lợi lạc thứ sáu là chúng ta sẽ không bị sinh vào ác đạo. Chúng ta phải hiểu thật chính xác ý nghĩa của “không rơi vào ác đạo nhờ quy y.” Trước hết, một người có tái sinh tốt đẹp hay bất thuận phụ thuộc rất nhiều vào hành động của người đó. Thứ hai, điều đó còn tùy thuộc vào điều gì xảy ra trong suốt tiến trình chết. Ở thời khắc lâm chung, nếu chúng ta có thể khởi tâm quy y thì sẽ rất hữu ích để có một tái sinh tốt hơn. Điều quan trọng nhất là nếu chúng ta có thể thực hành quy y ngay tại thời điểm chết thì chắc chắn nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều để đạt được tái sinh tốt đẹp. Đó chính là lợi lạc mà kinh văn đã nhắc đến, khi quy y thì không bị rơi vào ác đạo.
Có một sự khác biệt giữa cái chết theo quan điểm Phật giáo và cái chết theo quan điểm y học. Đối với y học, để xác nhận cái chết, các bác sĩ thường nhìn vào hoạt động của tim và não bộ, và nhìn xem một người còn thở hay không. Theo quan điểm Phật giáo, khi một người đã hoàn toàn ngưng thở thì người đó vẫn chưa chết hoàn toàn. Đó không phải là cái chết hoàn toàn.
Nếu nhìn vào một tiến trình chết tự nhiên, quý vị sẽ thấy trước hết, cơ thể người hấp hối mất đi yếu tố đất (địa đại). Khi đó họ có cảm giác mình bị rơi xuống từ một ngọn núi rất cao. Vào thời điểm đó, có thể họ sẽ yêu cầu được kê gối cao hơn. Đó chính là thời điểm bắt đầu của tiến trình chết. Khi đó, họ vẫn còn có thể nói chuyện. Tiếp theo, khi cơ thể người hấp hối mất đi yếu tố nước (thủy đại), có thể họ sẽ xin uống nước. Bấy giờ, người hấp hối cần phải nhận ra tiến trình chết đã bắt đầu. Khi yếu tố nước đang tan rã, người hấp hối sẽ rất khát nước và họ sẽ xin uống nước. Sau đó, cơ thể họ mất đi yếu tố lửa (hỏa đại), lúc ấy thân nhiệt sẽ dần mất đi. Khi cơ thể người hấp hối mất đi yếu tố lửa, quý vị có thể thấy thân nhiệt của họ không còn nữa; tuy nhiên, quý vị vẫn có thể cảm nhận hơi ấm ngay tim, là trung tâm cơ thể. Bấy giờ, thức của người hấp hối rất vi tế. Trước đó họ còn có thể thấy và nghe, nhưng bây giờ thì không còn nghe thấy gì nữa. Ở thời điểm này, người hấp hối nên nhận ra tiến trình chết đã bắt đầu và họ phải tiến hành quy y. Quý vị cũng có thể nhắc họ hãy cầu nguyện với Phật, Pháp, Tăng. Tiếp theo, cơ thể người hấp hối mất đi yếu tố gió (phong đại) và họ ngừng thở. Khi một người ngừng thở, y học khẳng định người đó đã chết; nhưng theo quan điểm Phật giáo thì đó chưa phải là cái chết toàn phần. Đó chỉ là chết bán phần [y học gọi là chết lâm sàng], bởi vì thức của người đó vẫn còn lưu lại trong cơ thể. Thời điểm đó y học khẳng định người đó đã chết. Quý vị sẽ không cảm nhận được thân nhiệt của họ nữa; tuy nhiên nếu chạm vào trung tâm cơ thể, ngay tim người chết, thì quý vị sẽ cảm nhận được hơi ấm.
Sau khi người chết đã ngừng thở, thức của người đó sẽ thấy ánh sáng trắng như ánh trăng (moonlight). Sau ánh sáng như ánh trăng là ánh sáng màu đỏ hung (reddish light), và sau đó là màn đen (black light). Khi một người thấy những cảnh tượng như ánh sáng trắng, ánh sáng đỏ hung và màn đen, bấy giờ y học khẳng định người đó đã chết. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo thì người đó vẫn nhìn thấy các cảnh tượng bằng thức chứ không phải bằng mắt. Người chết không còn có thể thấy gì bằng mắt nữa. Họ thấy những cảnh đó bằng thức, giống như một giấc mơ vậy. Trong giấc mơ, chúng ta có thể nghe và thấy, nhưng không phải thấy nghe bằng mắt và bằng tai. Khi thấy những cảnh tượng đó trong mơ, quý vị vẫn còn đang thở; tuy nhiên ở thời điểm chết, khi thấy những cảnh tượng như giấc mơ đó thì quý vị không còn thở nữa. Đó là điểm khác biệt giữa cảnh tượng trong giấc mơ và ở thời điểm chết. Những cảnh tượng này đến với tất cả những ai theo tiến trình chết tự nhiên. Trước hết họ thấy ánh sáng trắng như ánh trăng, sau đó là ánh sáng màu đỏ hung và tiếp theo là màn đen. Sau đó là trạng thái tâm quang minh, là trạng thái tâm rất trong sáng và vi tế. Sau trạng thái đó thì thức sẽ rời thân xác. Theo quan điểm Phật giáo, đó chính là cái chết toàn phần.
Tôi biết một người đàn ông khá lớn tuổi. Ông ta đã kể tôi nghe một câu chuyện. Ông ấy là một chính trị gia lớn tuổi. Có một lần ông trải qua một cơn bạo bệnh và phải nhập viện. Tất cả bác sĩ đều khẳng định ông ta sắp chết. Ông ta kể lại rằng khi tiến trình chết bắt đầu thì có một điều kỳ lạ là ông nhìn thấy một cái tháp Phật rất rõ nét. Lúc đó ông ấy không còn nói được nữa. Sau đó ông có cảm giác mình sẽ không thể chết được. Khi ông ấy nói ông nhìn thấy tháp Phật rất sáng rõ, điều đó giống như những gì chúng ta thấy trong giấc mơ. Dù ông ta không thể nghe những gì người khác nói, nhưng ông ta đã có được những kinh nghiệm về cái chết, giống như chúng ta nằm mơ. Đó là một kinh nghiệm về cái chết. Có ba kinh nghiệm trong suốt tiến trình chết, như tôi đã nói, đó là ánh sáng trắng, ánh sáng đỏ hung và màn đen. Sau màn đen, tâm trở nên rất trong sáng. Sau trạng thái tâm quang minh, thức sẽ rời cơ thể. Bấy giờ, đó là cái chết toàn phần. Tôi đang nói về tiến trình chết tự nhiên, chứ không phải chết đột ngột. Trong một tiến trình chết tự nhiên, đôi khi bỗng nhiên có máu chảy ra từ mũi người chết. Đó là một dấu hiệu cho thấy thức đang rời khỏi thân xác. Vài người được khẳng định là đã chết lâm sàng, nhưng khoảng sáu đến bảy giờ sau thì có máu chảy ra từ mũi; điều đó cho thấy thức đã ở lại trong thân trong suốt sáu, bảy giờ liền. Khi có máu chảy ra khỏi mũi, và nơi trung tâm cơ thể, ngay tim, cũng không còn hơi ấm thì lúc đó là cái chết toàn phần theo quan điểm của Phật giáo. Điều rất lạ xảy ra đối với một số người là sau khi họ được khẳng định là đã chết lâm sàng, 10 ngày sau đó vẫn có máu chảy ra khỏi mũi. Phật giáo gọi đó là trạng thái thiền định về cái chết. Nếu quý vị chạm vào tay chân những người đó thì sẽ thấy lạnh; nhưng nếu thức chưa rời thân xác thì quý vị sẽ cảm nhận được hơi ấm ở trung tâm cơ thể.
Khi một người nhận ra tiến trình chết đã bắt đầu, người đó nên thực hành quy y, quán tưởng Ruộng Phước và quy y. Nếu quý vị nhận ra tiến trình chết bắt đầu với một ai đó, hãy khuyên người đó quán tưởng Ruộng Phước và quy y. Khoảng hai hay ba năm trước, ở một trong những thành phố lớn nhất của Ấn Độ là Chennai, tôi có giảng sơ lược về chết ở một trường đại học. Buổi nói chuyện của tôi diễn ra vào khoảng 2 giờ chiều. Ngày hôm đó, trên báo có đăng tin một người trở về từ cõi chết khoảng 4 đến 5 giờ sau khi đã được khẳng định là đã chết lâm sàng; rồi sau đó ông ấy mới qua đời. Theo quan điểm Phật giáo, chết lâm sàng chưa phải là cái chết toàn phần; người chết lâm sàng có một cơ hội hiếm hoi để sống lại. Cơ hội là khả thi nhưng rất hiếm gặp. Một khi đã chết hoàn toàn thì không còn cơ hội sống lại nữa. Hôm đó chủ đề nói chuyện của tôi hoàn toàn khác, nhưng vì bản tin đó được đăng ngay hôm ấy nên phần lớn câu hỏi đều liên quan đến bản tin [Rinpoche cười].
Tiến trình chết là thời điểm vô cùng quan trọng để thực hành Pháp. Một đệ tử của tôi muốn tôi giới thiệu về cách thức giúp đỡ người hấp hối. Anh ấy muốn tôi giảng về cách giúp đỡ người hấp hối. Tôi nói anh không nên làm như vậy. Có thể quý vị sẽ thắc mắc vì sao tôi nói anh ta không nên làm như thế. Anh ta cũng rất ngạc nhiên khi tôi nói anh đừng làm. Anh ấy hỏi vì sao, và tôi trả lời rằng người hấp hối đang trải qua tiến trình chết, đó là một thời khắc then chốt và vô cùng quan trọng. Do đó, nếu phạm một lỗi nhỏ thì quý vị có thể gây ra hậu quả vô cùng thảm hại. Nếu quý vị không hoàn toàn thông suốt những việc làm đó thì tốt nhất là không nên tiến hành. Như tôi đã nói, điều quan trọng nhất lúc chết là phải quán tưởng Ruộng Phước và quy y Tam Bảo để không phải tái sinh vào ác đạo; bởi nếu quy y vào thời điểm chết thì quý vị có cơ hội rất cao được tái sinh vào một cõi tốt hơn. Chính vì vậy, kinh văn nói rằng một điều lợi lạc của quy y là chúng ta sẽ không bị rơi vào ác đạo. Điều quan trọng nhất là quý vị phải quy y tại thời điểm lâm chung.
Điều quan trọng nhất là quý vị phải biết thời điểm chính xác để tiến hành quy y. Thời điểm chính xác chính là lúc tiến trình chết vừa bắt đầu. Khi đó, tâm thức chúng ta ngày càng vi tế hơn; chúng ta không còn nghe rõ hay nhìn rõ mọi thứ nữa. Tiến trình này chỉ diễn ra ở những người chết tự nhiên. Nếu một người chết đột ngột thì tiến trình này không xảy ra. Điều lợi lạc thứ sáu, không bị rơi vào ác đạo, có nghĩa là nếu quy y vào thời điểm chết thì chúng ta có cơ hội rất cao để tái sinh vào một cõi tốt hơn.
Điều lợi lạc thứ bảy là quý vị sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Nói chung, khi quý vị đề ra mục tiêu nào đó, cần phải có nhiều yếu tố để đạt được mục tiêu. Điều quan trọng nhất là quý vị phải có công đức và sự may mắn. Khi quy y và cầu nguyện với Ruộng Phước, quý vị sẽ tích tập nhiều công đức hơn. Cách tốt nhất để tích tập công đức là cầu nguyện Ruộng Phước. Chúng ta gọi là Ruộng Phước vì quý vị sẽ tích tập được rất nhiều công đức bằng cách cầu nguyện Ruộng Phước. Cầu nguyện Ruộng Phước và cầu nguyện Tam Bảo giống nhau, vì Tam Bảo cũng ngự trên Ruộng Phước. Như tôi đã từng nói, mỗi lúc cảm thấy lo lắng, quý vị chỉ cần cầu nguyện với Ruộng Phước hoặc Tam Bảo. Tôi nghĩ tôi đã nói cách thực hành như vậy ở buổi học trước.
Trong suốt tiến trình chết, nếu quên quy y hoặc cầu nguyện với Ruộng Phước thì sau khi chết, quý vị sẽ đi vào cõi trung ấm trước khi tái sinh. Trong tiếng Tây Tạng, cõi trung ấm được gọi là bardo. Khi một người qua đời, trước khi tái sinh thì người đó trải qua một trạng thái gọi là trung ấm. Thông thường, người chết trải qua trạng thái trung ấm trong khoảng từ 1 đến 49 ngày. Trung ấm không giống cõi người. Chúng sinh trong cõi trung ấm rất sợ hãi, lo lắng và gặp rất nhiều chướng ngại. Khi người chết sinh vào cõi trung ấm, bấy giờ họ vẫn chưa biết mình đã chết. Phải mất một thời gian sau thì họ mới hay mình đã qua đời. Quý vị có thể tưởng tượng khi một người phát hiện mình đã chết thì anh ta sợ hãi và hốt hoảng đến mức nào. Khi lo lắng và sợ hãi, quý vị có thể quán tượng Ruộng Phước và thực hành quy y.
Tôi sẽ dừng bài giảng ở đây và dành thời gian cho 5 câu hỏi.
Hỏi: Ở Việt Nam chúng con thường hộ niệm cho những người mà khi còn sống họ chưa từng thực hành Pháp. Làm như vậy có lợi ích gì không?
Rinpoche: Hiệu quả nhất là người hấp hối tự tiến hành quy y trong lúc chết. Lời cầu nguyện của người khác không hiệu quả bằng. Khi chúng ta cầu nguyện cho người hấp hối thì cũng có lợi ích; tuy nhiên nếu người đó có thể tự thực hành thì sẽ hiệu quả hơn.
Hỏi: Ngài nói rằng trong cõi trung ấm, nếu một người cầu nguyện Ruộng Phước hoặc quy y thì sẽ có cơ hội tái sinh vào cõi tốt hơn. Xin Ngài hướng dẫn tiến trình thực hành?
Rinpoche: Quá trình thực hành phải được bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu bây giờ một người không có khái niệm về quy y, rất khó cho anh ta khi sinh vào cõi trung ấm. Nếu muốn vượt qua kỳ thi đầu vào của một trường đại học tốt, quý vị phải học tốt ở trường trung học. Nếu bắt đầu thực hành ngay từ lúc này thì sẽ dễ dàng hơn cho quý vị khi ở cõi trung ấm. Nếu không bắt đầu thực hành ngay thì khi sinh vào cõi trung ấm sẽ rất khó khăn. Nếu chúng ta bắt đầu thực hành cầu nguyện Ruộng Phước từ bây giờ, pháp hành sẽ tự nhiên đến trong giấc mơ. Nếu pháp hành đến trong giấc mơ thì nó sẽ dễ dàng đến trong tiến trình chết. Khi pháp hành đến trong tiến trình chết thì nó sẽ đến trong cõi trung ấm.
Hỏi: Với những người chết đột ngột vì tai nạn thì tiến trình chết có giống tiến trình chết tự nhiên hay không? Họ có thể quy y không?
Rinpoche: Tiến trình chết sẽ hoàn toàn khác. Khi chết đột ngột thì làm sao họ có thể quy y? Khi một người chết vì tai nạn, họ mất đi năng lượng và các yếu tố cấu thành cơ thể một cách đột ngột, không mất từ từ như trong tiến trình chết tự nhiên. Có một quyển sách của Ian Stevenson với tựa đề Những đứa trẻ nhớ được kiếp trước. Tôi nghĩ quý vị có thể tìm quyển sách trên mạng Internet. Tác giả phát hiện ra khoảng 90% những đứa trẻ có thể nhớ được kiếp trước đều bị chết vì tai nạn trong kiếp trước. Sau khi đọc quyển sách đó, tôi đã tiến hành nghiên cứu vì sao 90% những đứa trẻ chết vì tai nạn trong đời trước lại có thể nhớ được kiếp trước của mình. Điểm này cũng chưa thật sáng tỏ trong Phật giáo. Trong Đạo Phật, quý vị có thể tiến hành nghiên cứu. Vài năm trước, tôi nghĩ rằng phải có lý do nào đó, nhưng tôi vẫn chưa tìm ra lời giải thỏa đáng. Nếu tôi tìm ra được thì tôi sẽ nói với quý vị. Nếu quý vị tìm ra được thì phải nói tôi biết [Rinpoche và đại chúng cười]. Ian Stevenson là một nhà khoa học chứ không phải là một Phật tử. Ông ấy nghiên cứu về sự hiện hữu của kiếp sống quá khứ và tương lai.
Hỏi: Làm sao chúng ta có thể nhận ra được trạng thái tâm quang minh sau khi các yếu tố cơ thể đã tan rã, nhằm tiến đến giác ngộ?
Rinpoche: Tôi sẽ trả lời câu hỏi này vào buổi kế tiếp. Tôi nghĩ chúng ta cần một lời giải rất dài cho vấn đề này.
Hỏi: Khi một người đã chết lâm sàng, nếu chúng ta nhắc nhở họ quy y thì họ có nghe và hiểu chúng ta không?
Rinpoche: Như tôi đã nói, thời điểm chính xác là điều rất quan trọng. Khi người hấp hối mất đi các yếu tố cấu thành cơ thể, như yếu tố đất và yếu tố nước…, khi tiến trình chết vừa bắt đầu, đó chính là thời điểm chính xác để nhắc họ. Tuy nhiên, một khi họ đã ngừng thở hoàn toàn thì mọi việc sẽ khó khăn hơn. Khi cơ thể người hấp hối mất đi yếu tố nước, môi họ khô lại và họ sẽ xin uống nước; đó chính là dấu hiệu cho thấy tiến trình chết đã bắt đầu. Khi đó, quý vị phải nhắc họ thực hành cầu nguyện. Thời điểm chính xác rất quan trọng. Khi những cảnh tượng như ánh sáng trắng, ánh sáng đỏ hung và màn đen bắt đầu diễn ra, tôi nghĩ chỉ có những người đã tiến hành quy y trước đó mới có thể tiếp tục thực hành. Khi đó, họ không nghe chúng ta nói nữa. Tuy nhiên, khi người chết sinh vào cõi trung ấm thì họ lại có thể nghe chúng ta; khi đó chúng ta có thể hướng dẫn họ.
Hôm nay tôi dừng ở đây. Buổi học kế tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho phần vấn đáp.
[Tụng Bát Nhã Tâm Kinh]
*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 18/11/2014.