07-04-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 26 - Ngày 07/04/2013

- 10 ác nghiệp (tiếp theo): nói lời phù phiếm, khởi tâm muốn hãm hại người khác, bám chấp, tà kiến

- 5 bước tiến hành pháp hành Kim Cang Tát Đỏa để tịnh hóa ác nghiệp

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải ­

Tuần thứ 26

Như Thị Thất, ngày 07 tháng 04 năm 2013

 

Bây giờ tôi sẽ nói về 10 ác nghiệp. Sau khi hoàn tất 10 ác nghiệp, tôi sẽ hướng dẫn phương pháp tịnh hóa tất cả hạt giống bất thiện. Nói chung, mặt tốt của hạt giống bất thiện là chúng ta có thể tịnh hóa chúng. Đó là điểm tốt của ác nghiệp. Tuy nhiên, quý vị không nên hiểu sai. Quý vị không nên nghĩ rằng mình có thể phạm ác nghiệp bởi vì chúng có thể được tịnh hóa. Do đó, quý vị không nên phạm ác hạnh, được chứ? Dù chúng có thể được tịnh hóa nhưng tránh không phạm vào ác hạnh vẫn tốt hơn rất nhiều. Lần trước chúng ta đã nói về bao nhiêu ác hạnh rồi? [Người dịch: Chúng ta đã hoàn tất nói về 6 ác hạnh.]

Như tôi đã nói, có 4 ác nghiệp thuộc về khẩu. Tôi đã giảng về nói dối, nói lời thô ác và nói lời chia rẽ. Bây giờ ác nghiệp thứ bảy là nói lời phù phiếm. Tôi nghĩ nói lời phù phiếm là nói về khuyết điểm của người khác một cách không cần thiết, không vì lý do nào cả. Hầu hết mọi người, khi bắt đầu nói chuyện thì họ lại nói về khuyết điểm của người khác một cách không cần thiết. Quý vị phải giảm thiểu điều này, nếu không thì quý vị lại thấy vui khi nói về khuyết điểm của người khác, không cần thiết và không cần lý do nào cả. Quý vị có thể nhìn lại mình, mỗi lúc có thời gian tán gẫu thì quý vị nói về chuyện gì? Phần lớn chủ đề quý vị chọn đều là nói về khuyết điểm của người khác, phê phán người khác. Đó là chủ đề trong phần lớn thời gian. Chúng ta gọi đó là ngồi lê đôi mách. Mỗi lần nói chuyện thì trong phần lớn thời gian chúng ta nói về những điều không cần thiết. Chúng ta bàn quá nhiều về những thứ không cần thiết nên chúng ta khởi rất nhiều ác niệm. Đó chính là nói lời phù phiếm. Khi có việc cần thiết thì chúng ta mới nên nói. Nói chung, trong lúc trò chuyện, quý vị chớ nên phê phán người khác một cách không cần thiết. Khi quý vị phê phán người khác, nếu người kia nghe được thì họ sẽ bị tổn thương. Do đó, điều quan trọng là quý vị phải cẩn trọng lời nói của mình. Nói lời phù phiếm là một trong những ác hạnh, đây là ác hạnh thứ bảy. Mỗi lúc có thời gian rỗi thì phần lớn quý vị đều nghĩ về những chuyện tiêu cực. Mỗi khi rảnh rỗi nói chuyện với nhau thì quý vị lại nói xấu người khác, phê phán người khác. Chúng ta rất hiếm khi nói về ưu điểm của người khác. Đây là một điểm rất quan trọng, chúng ta phải nghĩ về điều này thấu đáo. Trong một vài trường hợp, chúng ta phải phê phán người khác. Tuy nhiên, chúng ta lại hay phê phán quá mức cần thiết. Như vậy không đúng, đó là nói nói lời phù phiếm.

Đặc biệt, trong một gia đình, việc thảo luận cùng nhau, trò chuyện với nhau rất quan trọng. Nói chung, quý vị nên nói về ưu điểm của nhau khi trò chuyện với gia đình mình. Khi nhìn vào người thân trong gia đình, hãy cố gắng nhận ra họ thật sự có nhiều ưu điểm. Khi quý vị nói về ưu điểm của người thân trong gia đình thì gia đình sẽ ngày càng gần gũi nhau hơn. Điều tôi nhận thấy trong thế kỷ 21 này là trong hầu hết gia đình và trong tình bạn, đặc biệt là gia đình, việc trò chuyện với nhau rất ít. Các thành viên gia đình thường xem ti-vi và dùng máy tính nhiều hơn. Họ có rất ít thời gian để chia sẻ, trò chuyện với nhau. Đó chính là những gì thường hay xảy ra ở thế kỷ 21 này. Chính vì vậy, theo giới luật, Đức Phật buộc các tu sĩ mới xuất gia phải thân cận thầy của mình trong ít nhất 10 năm. Sa di và sa di ni phải thân cận thầy của mình trong ít nhất 10 năm. Đức Phật muốn họ chia sẻ thời gian của mình nhiều hơn với vị thầy, điều đó giúp thầy trò gần gũi nhau hơn và họ sẽ học được nhiều điều hay đẹp hơn từ vị thầy. Khi trò chuyện cùng nhau trong một gia đình, chủ đề nói chuyện cũng rất quan trọng. Quý vị phải cẩn trọng về chủ đề mình nói. Sẽ tốt hơn nếu quý vị chọn nói về những điểm tích cực. Quý vị hãy nói về ưu điểm của người thân, hãy nói với họ là quý vị cảm kích những điểm tốt nơi họ. Nhiều lúc, khi cảm thấy khó xử với người thân trong gia đình hay bạn bè, trước hết quý vị phải nghĩ về ưu điểm của họ và nói với họ rằng quý vị cảm kích những ưu điểm đó. Bằng cách đó, quý vị có thể gia tăng sự gần gũi trong gia đình mình. Khi mọi người gần gũi nhau hơn thì gia đình sẽ an lạc hơn và hòa thuận hơn. Càng an lạc và hòa thuận thì gia đình sẽ hạnh phúc hơn nữa. Đây là điểm rất quan trọng. Khi quý vị nói chuyện phiếm quá nhiều, khi phê phán người khác quá mức thì sau đó, một khi quý vị cảm thấy vui với việc phê phán người khác thì quý vị sẽ tiến đến phê phán luôn bạn thân của mình và gia đình mình. Khi quý vị phê phán bạn thân và gia đình của mình một cách không cần thiết thì nó sẽ khiến bạn bè xa lánh quý vị, tạo ra khoảng cách giữa bạn bè và bản thân quý vị.

Một dịp nọ, tôi nghĩ ở Bắc Ấn, có một người đàn ông người Tây Tạng đến gặp tôi. Tôi không biết ông ấy là ai. Bất chợt đệ tử của tôi nói rằng có người muốn gặp tôi. Ông ta đến gặp tôi và trò chuyện. Tôi chỉ lắng nghe. Lúc nói chuyện, ông ta bắt đầu chê bai những người xung quanh ông: người làm chung văn phòng, trưởng phòng, đồng nghiệp. Có lẽ trong suốt 20 phút ông ta chỉ phê phán người khác. Tôi chỉ gật gù và cười trong lúc nghe ông nói. Rồi ông ta ra về. Sau khi ông đi khỏi thì đệ tử của tôi nói, “Có lẽ ông ấy đến nơi khác và sẽ phê phán luôn ngài nữa, Rinpoche.” [Rinpoche cười] Nhiều khi quý vị nói xấu người khác nhiều quá thì nó sẽ thành thói quen. Nói chung, có những lúc quý vị cần phải nói về khuyết điểm của người khác. Đặc biệt là khi nói chuyện với đệ tử của tôi, tôi phải nói về khuyết điểm của họ. Tuy nhiên, những lúc đó tôi nói về khuyết điểm lẫn ưu điểm. Tôi thường nói với đệ tử, “Con có những ưu điểm này, nhưng cũng còn những khuyết điểm này, con cần phải sửa đổi hoặc từ bỏ những khuyết điểm đó.” Đây chính là ác nghiệp thứ bảy: nói lời phù phiếm; quý vị phải giảm bớt nói chuyện phiếm.

Bây giờ đến 3 ác nghiệp của ý. Ác nghiệp thứ nhất thuộc về ý đó là khởi ý định làm hại người khác, suy nghĩ quá nhiều đến việc làm hại người khác. Đó chính là ác nghiệp thứ tám. Khi chúng ta khởi tâm suy nghĩ mãnh liệt đến việc làm hại người khác thì đó chính là một ác nghiệp. Đó là ác nghiệp của ý. Khi khởi tâm nghĩ đến chuyện làm hại người khác thì sau đó quý vị sẽ có mong muốn mãnh liệt làm hại người đó. Khi có mong muốn mãnh liệt thì sau đó quý vị sẽ hành động hãm hại người khác. Nhiều lúc mọi chuyện rất đơn giản nhưng chúng ta lại không hiểu. Khi không hiểu thì quý vị sẽ tạo ra phiền phức. Có những lúc chúng ta không hiểu những chuyện rất nhỏ, vì thiếu hiểu biết mà chúng ta hủy hoại cuộc đời mình, hủy hoại gia đình mình. Ác nghiệp thứ tám là mong muốn làm hại người khác. Ban đầu, chúng ta không có ước muốn trực tiếp làm hại người khác, chúng ta chỉ khởi tâm muốn sát hại động vật, rồi chúng ta bắt đầu hãm hại bò, trâu… Sau đó, chúng ta bắt đầu có ý muốn hãm hại con người. Chắc quý vị cũng biết trò câu cá. Tôi cảm thấy rất buồn vì nhiều người lại lấy đó làm thú vui. Họ xem đó là trò chơi, trò câu cá. Bây giờ thì nó đã trở thành một trò chơi, nhưng tôi không thấy có gì vui khi giết cá như vậy. Nếu nhìn lại thời La Mã cổ đại, họ có trò tiêu khiển giết nô lệ. Họ nhốt tất cả nô lệ vào một đấu trường và để cho những người đó giết nhau. Nó trở thành một trò tiêu khiển, nhưng nếu nhìn kỹ thì quý vị sẽ thấy nó rất man rợ. Chúng ta có thể thấy vài hành vi giết hại thú vật, như câu cá, lại trở thành trò chơi. Nếu suy xét cẩn thận thì những hành động đó thật dã man.

Bây giờ, ác nghiệp thứ chín là bám chấp vào vật dụng, tài sản của người khác. Bám chấp vào vật dụng của người khác là ác nghiệp thứ chín. Đây là một trong những  nguyên nhân chủ yếu khiến người ta trộm cắp.

Ác nghiệp thứ mười là mang tà kiến. Mang tà kiến là khi quý vị nghĩ “không có Tam Bảo, không có nghiệp, không có nhân quả.” Khi nghĩ như vậy thì quý vị mang tà kiến. Khi mang tà kiến thì quý vị sẽ càng rơi vào ác hạnh nhiều hơn nữa. Do đó, để điều phục tất cả ác hạnh thì quý vị không nên có tà kiến. Nói chung, có rất nhiều loại tà kiến, và hai loại tà kiến chủ yếu là nghĩ rằng nghiệp và nhân quả không tồn tại, và cho rằng Tam Bảo không tồn tại. Suy nghĩ như thế nào đều tùy thuộc vào quý vị. Tin tưởng vào điều gì cũng tùy vào quý vị. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là quý vị phải cố gắng tìm xem những gì quý vị tin tưởng có ích hay có hại cho quý vị. Đó là điều quý vị phải suy nghĩ cẩn thận.

Trên đây là 10 ác nghiệp. Quý vị phải cố gắng giảm thiểu ác hạnh, giảm thiểu 10 ác nghiệp này. Khi từ bỏ 10 ác nghiệp thì quý vị có nhiều cơ hội hơn để tái sinh làm người, hoặc sinh vào một cõi cao hơn. Trong 10 ác nghiệp này thì ác nghiệp của thân và của khẩu là tồi tệ nhất. Giữa ác nghiệp của thân và của khẩu, ác nghiệp của thân tệ hại hơn. Do đó, quý vị phải cố gắng giảm thiểu càng nhiều càng tốt. Từ bỏ 100% có thể khó, nhưng ít nhất quý vị phải cố gắng giảm được 50-60%. Nhìn chung thì tôi cảm thấy không có gì khó khăn, nhưng nếu quý vị cảm thấy khó thì có thể cố gắng giảm thiểu 50-60%. Khi có thể từ bỏ 10 ác nghiệp thì quý vị sẽ tích tập nhiều thiện nghiệp hơn để tái sinh làm người. Nếu nhìn vào 10 ác nghiệp, nó cũng như lực đẩy. Khi quý vị giết thú vật thì việc đó giống như một lực đẩy. Mọi lực đẩy đều có phản lực ngược lại, và mọi hành động đều có phản ứng trở lại. Tôi nghĩ tôi đã nói với quý vị lần trước, theo quan điểm khoa học thì mọi hành vi đều có phản ứng cùng loại. Làm ác hạnh thì sẽ nhận lại phản ứng tiêu cực. Điều này rất khoa học. Như tôi đã nói, có rất nhiều người tin tưởng ác hạnh không dẫn đến phản ứng tiêu cực. Có hai loại niềm tin. Có một điều rõ ràng là những gì quý vị tin tưởng không có nghĩa nó là sự thật. Mọi ác hạnh đều dẫn đến hệ quả tiêu cực. Một số người tin như vậy, một số khác thì không. Cứ cho rằng có người tin và có người không tin, nhưng điều đó không có nghĩa những gì họ tin là sự thật. Chúng ta không thể nói những gì mình tin tưởng là sự thật. Do đó, tốt nhất chúng ta phải rất cẩn trọng. Ác hạnh có mang lại hậu quả tiêu cực hay không, tỷ lệ là 50–50. Nếu muốn biết bao nhiêu phần trăm, quý vị hãy hỏi hai bên, có lẽ sẽ là 50–50. Khi tỷ lệ là 50–50 thì quý vị phải làm gì? Quý vị phải vô cùng cẩn thận. Điều đó rất quan trọng. Nếu nhìn vào việc hút thuốc, sẽ tốt hơn nếu quý vị không hút thuốc vì người ta thường nói rằng hút thuốc sẽ dẫn đến ung thư phổi. Điều đó có đúng 100% không? Không chắc 100%. Có rất nhiều người hút thuốc vẫn sống mà không bị ung thư phổi. Tỷ lệ là 50–50. Chính vì vậy chúng ta được khuyên không nên hút thuốc. Ác hạnh sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực, tỷ lệ là 50–50. Có hai loại niềm tin. Vì vậy, tốt nhất là không phạm ác hạnh. Nếu nó dẫn đến hậu quả tiêu cực thì chúng ta sẽ gặp phiền phức lớn nếu phạm ác hạnh. Nếu chúng ta không phạm ác hạnh thì trong trường hợp nó thật sự dẫn đến hậu quả tiêu cực, chúng ta cũng không phải lo lắng.

Bây giờ chúng ta nói đến phần tịnh hóa tất cả ác nghiệp. Như tôi đã nói, quý vị chớ nghĩ rằng, “Ồ, phạm ác hạnh cũng chẳng phải là vấn đề to tát.” Không được nghĩ như vậy, không được nghĩ “Ồ, phạm ác hạnh cũng chẳng phải là vấn đề to tát vì mình có thể tịnh hóa chúng.” Đừng nghĩ như vậy. Khi làm vỡ cái ly thì quý vị có thể hàn nó lại, nhưng nó sẽ không thể giống cái ly trước khi vỡ.

Để tịnh hóa ác nghiệp, chúng ta phải hành trì pháp tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva). Đó là cách tốt nhất. Pháp tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa rất đơn giản. Trước hết, quý vị quán tưởng Đức Phật Kim Cang Tát Đỏa. Tôi nghĩ quý vị đã có ảnh Phật Kim Cang Tát Đỏa phải không? Tuy nhiên, quý vị có thể tịnh hóa không chỉ với pháp hành Kim Cang Tát Đỏa, mà còn có thể thông qua thực hành Ruộng Phước nữa. Quý vị có thể tiến hành quán tưởng Ruộng Phước. Tôi đang nói về phương pháp tịnh hóa ác nghiệp, có 4 bước quý vị phải tiến hành. Có lẽ bước đầu quý vị quán tưởng Ruộng Phước sẽ dễ hơn. Quý vị hãy quán tưởng Ruộng Phước, và “nguyện rằng mọi ác nghiệp của con và của hết thảy chúng sinh sẽ được tịnh hóa.” Sau đó quý vị tiếp tục quán tưởng và tụng chú Om Vajrasattva Hum. Tôi sẽ truyền khẩu câu chú sau. Quý vị tụng chú 3 hoặc 5 lần. Sau khi tụng chú, quý vị quán tưởng Ruộng Phước hoặc Đức Phật Kim Cang Tát Đỏa và quán tưởng có dòng cam lồ trắng tuôn chảy từ Đức Kim Cang Tát Đỏa, hòa tan vào đỉnh đầu của quý vị và lan tỏa khắp thân thể. Sau đó, quán tưởng mọi ác nghiệp của quý vị chảy ra khỏi cơ thể qua bàn chân dưới dạng chất lỏng màu đen. Tiếp theo, quý vị quán tưởng thân thể mình trở nên rất trong sáng, giống như thân pha lê vậy. Sau đó, quý vị nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ tái phạm bất cứ ác hạnh nào nữa, quý vị sẽ cố gắng kiểm soát các ác hạnh tốt nhất có thể. Quý vị phải cố gắng, phải hứa rằng mình sẽ cố gắng hết sức từ bỏ ác hạnh trong tương lai. Quý vị rõ không? Quý vị đã hiểu cách tịnh hóa ác hạnh chưa? Được rồi, tôi sẽ giảng từng bước, như vậy sẽ dễ hơn.

Bước thứ nhất: Quán tưởng Ruộng Phước hoặc Đức Kim Cang Tát Đỏa, và nghĩ rằng quý vị sắp sửa tiến hành tịnh hóa ác nghiệp cho bản thân và tất cả chúng sinh hữu tình. Với động cơ đó, quý vị cầu nguyện với Ruộng Phước hoặc Đức Kim Cang Tát Đỏa. Đó là bước thứ nhất.

Bước thứ hai: Tụng chú Om Vajrasattva Hum, Om Vajrasattva Hum…, 3 hoặc 5 lần.

Bước thứ ba: Quý vị quán tưởng có dòng cam lồ trắng tuôn chảy từ Ruộng Phước hoặc từ Đức Kim Cang Tát Đỏa, đến hòa tan vào đỉnh đầu của quý vị, và dòng cam lồ trắng lan tỏa khắp thân thể quý vị. Sau khi dòng cam lồ chảy vào luân xa đỉnh đầu, quý vị quán tưởng mọi ác nghiệp của mình chảy ra khỏi cơ thể qua bàn chân dưới dạng chất lỏng màu đen.

Bước thứ tư: Quý vị phải hứa rằng mình sẽ cố gắng hết sức không phạm ác hạnh nữa.

Sau đó, bước thứ năm, quý vị có thể tụng bất cứ bài cầu nguyện nào. Quý vị có thể nguyện: “nguyện cho hết thảy chúng sinh sống hạnh phúc mà không phạm phải bất cứ ác hạnh nào.”

Đây là 5 bước tịnh hóa ác nghiệp. Quý vị có thể thấy rõ là khi bắt đầu tịnh hóa ác hạnh thì sẽ có một vài dấu hiệu để quý vị biết ác nghiệp đã bắt đầu được tịnh hóa. Nếu ác nghiệp của quý vị đã bắt đầu được tịnh hóa thì sẽ có một vài dấu hiệu. Sẽ có một vài giấc mơ cho quý vị biết ác nghiệp đã được giảm bớt. Dấu hiệu thứ nhất là quý vị mơ thấy mình ói mửa, đây là một trong những dấu hiệu cho thấy ác nghiệp đã giảm thiểu. Sau đó là mơ thấy mình bay trên bầu trời, và quý vị cũng có thể mơ thấy mình tắm dưới nước màu trắng. Có một vài dấu hiệu cho thấy ác nghiệp của quý vị đã bắt đầu thuyên giảm. Như tôi vừa nói, có 3 dấu hiệu chính: ói mửa, bay trên bầu trời và đang tắm. Những dấu hiệu này cho thấy ác nghiệp của quý vị đã bắt đầu thuyên giảm. Có vài người nhận được dấu hiệu rất nhanh, vài người khác thì lâu hơn. Khi thực hành tịnh hóa thì mọi người sẽ không nhận được các dấu hiệu cùng thời điểm. Đối với vài người thì phải rất lâu mới nhận được các dấu hiệu. Một số khác thì có dấu hiệu rất nhanh. Tuy nhiên, không nhận được dấu hiệu không có nghĩa là ác nghiệp không được tịnh hóa. Tôi nghĩ điều này tùy thuộc vào từng người, tùy vào xuất phát điểm của mỗi người. Vài người cảm thấy rất khó để đạt được những dấu hiệu này. Tôi thì chưa bao giờ thấy dấu hiệu nào cả, tôi chưa từng mơ thấy gì cả [Rinpoche cười]. Vài đệ tử của tôi có được những dấu hiệu này rất nhanh. Không chỉ những dấu hiệu này, họ còn thấy hào quang trắng và cam lồ bằng mắt khi hành thiền. Tuy nhiên, quý vị có thấy những dấu hiệu đó hay không thì không quan trọng. Điều quan trọng nhất là cố gắng trở thành một người tốt hơn, cố gắng thay đổi bản thân. Đó là điều quan trọng nhất. Nếu quý vị nói năng thô lỗ 10 lần trong ngày, ít nhất quý vị cũng phải kiểm soát việc nói nặng lời 50%, đó cũng là thành công lớn rồi. Nếu quý vị nói năng thô lỗ 10 lần trong ngày và giảm được 50%, hay thậm chí 10 hay 20% thôi cũng đã là thành công lớn rồi. Đó mới là điều quan trọng nhất. Quý vị có thấy những dấu hiệu hay không, có những giấc mơ đặc biệt hay không, điều đó không phải là vấn đề lớn. Khi quý vị nhận được, tôi sẽ nói “Chúc mừng!” Nếu quý vị không nhận được, tôi cũng sẽ nói “Chúc mừng quý vị không nhận được!”

Bây giờ tôi sẽ truyền khẩu chú Kim Cang Tát Đỏa. Bây giờ hãy xem lời của tôi quan trọng hơn, không phải lời của người phiên dịch [Rinpoche cười]. Quý vị hãy lắng nghe tiếng tôi, không nghe tiếng của người dịch nữa. Trong lúc giảng thì lời người dịch quan trọng hơn lời tôi.

Có hai bài chú Kim Cang Tát Đỏa, một bài ngắn và một bài dài. Tôi sẽ truyền khẩu cả hai. Khi thực hành tịnh hóa ác nghiệp, quý vị chỉ cần tụng bản ngắn là được rồi. Mỗi khi nhận khẩu truyền và tụng chú, quý vị sẽ tích tập nhiều công đức hơn. Quý vị cũng có thể tụng chú mà không nhận khẩu truyền, nhưng như vậy thì quý vị tích tập ít công đức hơn. Khi thực hành tịnh hóa ác nghiệp, quý vị chỉ cần tụng bài chú ngắn Om Vajrasattva Hum. Quý vị cần tiến hành theo 5 bước tôi đã giảng. Nếu quý vị chưa rõ lắm thì tôi sẽ nói một điều: vào trang dipkar.com để nghe lại [Rinpoche cười]. Nói chung thì 5 bước này rất dễ. Quý vị có thể thực hành mỗi khi rảnh rỗi. Đặc biệt, khi quý vị di chuyển từ nơi này đến nơi khác ở Việt Nam khá lâu, nên quý vị có thể thực hành trong lúc du lịch. Tuy nhiên, đừng thực hành trong lúc lái xe [Rinpoche cười]. Quý vị có thể thực hành trong khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác, như vậy tôi nghĩ quý vị sẽ có nhiều thời gian thực hành. Thường thì tôi tiến hành các bài cầu nguyện hàng ngày khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Theo kinh nghiệm của tôi thì có một điều rất lạ. Khi tôi di chuyển ở ngoại thành và trong nội thành, tôi nghĩ trong nội thành có nhiều thứ làm mình phân tâm hơn. Nhiều lúc tôi không thể thực hành được khi di chuyển trong nội thành. Trong nội thành có quá nhiều người và xe cộ trên đường. Thỉnh thoảng tôi tụng chú trong lúc di chuyển. Nhiều khi tôi thực hành và tụng chú tốt hơn khi tôi di chuyển. Quý vị đã rõ hết chưa? Điều quan trọng nhất là dù quý vị làm gì, hãy nhìn lại 10 ác nghiệp và cố gắng giảm thiểu càng nhiều càng tốt. Khi thức dậy vào buổi sáng, hãy nghĩ “Trong ngày hôm nay, chỉ trong ngày hôm nay thôi, tôi sẽ không phạm vào bất cứ ác nghiệp nào. Tôi sẽ không nói năng thô lỗ trong ngày hôm nay, trong một ngày hôm nay.” Quý vị phải nghĩ như vậy mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. Quý vị thức dậy và hứa thực hành trong một ngày. Vào hôm sau thì một lần nữa quý vị hứa thực hành trong một ngày. Nếu quý vị nghĩ sẽ không phạm ác hạnh trong cả cuộc đời thì sẽ rất khó làm theo. Vào mỗi buổi sáng quý vị chỉ nghĩ cho ngày hôm đó thôi. Rồi ngày hôm sau, khi thức dậy, quý vị nghĩ rằng hôm nay, chỉ trong một ngày hôm nay, tôi sẽ không nổi giận, trong một ngày hôm nay tôi sẽ sống hạnh phúc, trong một ngày hôm nay tôi sẽ sống an lạc. Hãy nghĩ như vậy mỗi khi quý vị thức dậy vào buổi sáng. Khi quý vị nghĩ cho một ngày thì sẽ dễ dàng hơn để làm theo.

Hôm nay chúng ta dừng ở đây. Cảm ơn quý vị! [Rinpoche nói “Hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt.]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 01/11/2014.