06-10-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 41 - Ngày 06/10/2013

-  Lời khuyên sau khi quy y

-  Cúng dường thực phẩm lên Tam Bảo

-  Ngăn cản người khác phạm ác hạnh

-  Thực hành tha thứ lỗi lầm của người khác

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

Như Thị Thất, ngày 06 tháng 10 năm 2013

Rinpoche: Chào quý vị! Lần trước chúng ta dừng ở đâu?

Người dịch: Lần trước Thầy dạy đại chúng cách hành thiền. Thầy cũng nói về việc tôn kính kinh sách, tượng Phật và tăng phục; và nói về giải thoát khỏi ác niệm; và chìa khóa dẫn đến giác ngộ là tín tâm và lòng thành đối với Đức Phật.

Rinpoche: Bây giờ chúng ta ở trang số mấy?

Người dịch: Chúng ta đã hoàn tất những điều nên làm và những điều không nên làm sau khi quy y, trang 384 [sách tiếng Anh].

Rinpoche: Vậy chủ đề của ngày hôm nay là gì? Tôi hiện không có sách [Rinpoche cười].

Người dịch: Lần trước Thầy giảng về việc gợi nhớ lại lòng từ ái của Tam Bảo, và cúng dường Tam Bảo những phần thực phẩm đầu tiên của mình.

Rinpoche: Được rồi!

Ở đây nói về việc cúng dường khi quý vị ăn hoặc uống. Có vài kiểu tư duy về cách chúng ta ăn, uống. Chúng ta phải ăn, uống như thế nào? Trước hết, chúng ta nói về cúng dường thực phẩm. Mỗi khi quý vị ăn, điều quan trọng nhất là trước hết quý vị phải cúng dường phần thực phẩm đó lên Tam Bảo. Bây giờ tôi sẽ không buộc quý vị phải cúng dường, vì tôi không cúng dường [Rinpoche cười]. Bởi phần lớn thời gian khi ăn tôi không cúng dường, nên thật vô lý nếu tôi yêu cầu quý vị phải cúng dường [Rinpoche cười]. Phần lớn thời gian khi tôi ăn, các kế hoạch lại hiện lên trong tâm tôi. Khi có quá nhiều điều nảy sinh trong tâm thì tôi quên luôn việc cúng dường [Rinpoche cười]. Điều quan trọng nhất là mỗi khi quý vị ăn, có hai cách cúng dường: cách thứ nhất là cúng dường qua lời nói, cách thứ hai là cúng dường qua tâm ý. Đức Phật đã dạy rằng thức ăn giống như dược liệu. Tất cả thực phẩm chúng ta ăn là để sống, để kéo dài thọ mạng. Mỗi khi ăn, trước hết quý vị phải cầu nguyện Đức Phật, Tam Bảo và Ruộng Phước gia trì thức ăn của mình; và trong khi ăn quý vị nghĩ rằng mình đang nhận gia trì từ Tam Bảo hoặc Ruộng Phước. Khi ăn, tác dụng của thực phẩm đó có thể được tăng trưởng nhờ vào cách quý vị tư duy về nó. Dù thực phẩm rất tươi tốt, nhưng đôi lúc quý vị nghi ngờ thực phẩm không tươi, không sạch, và thực phẩm có lẽ đã nhiễm khuẩn. Khi quá nghi ngờ về thực phẩm thì sau khi ăn, quý vị sẽ cảm thấy cơ thể mình khó chịu một chút. Điểm này nói khá rõ cách chúng ta tư duy về thực phẩm, và thực phẩm ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta như thế nào. Chính vì vậy, khi ăn quý vị hãy cầu nguyện Tam Bảo gia trì thức ăn. Trong khi ăn, quý vị phải nghĩ rằng mình đang nhận gia trì từ Tam Bảo.

Đôi lúc tôi cảm thấy rất lạ về vấn đề thức ăn, chẳng hạn như quả đào. Khoảng hai tuần trước, thời tiết rất lạnh. Bởi gió rét nên da tay tôi bị nứt. Tôi đến một quầy thuốc để mua kem bôi vào tay. Tôi rất ngạc nhiên vì loại kem đó có chứa đào trong đó. Tôi cảm thấy rất lạ vì trên thế giới này, rất nhiều người không có gì để ăn, nhưng người ta lại cho quả đào vào kem dưỡng da. Điều đó thật lạ! Điều quan trọng nhất là mỗi khi ăn, quý vị phải cảm thấy biết ơn vì chúng ta có thực phẩm để ăn. Trong kinh nói rằng mỗi khi ăn, chúng ta phải cúng dường lên Tam Bảo. Mục đích chính của cúng dường là để thỉnh cầu Tam Bảo gia trì thức ăn, và trong khi ăn quý vị nghĩ rằng mình đang nhận gia trì từ Tam Bảo. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể quý vị trên phương diện tâm lý. Đó là một cách chúng ta dùng thức ăn.

Sau khi quy y, tôi nghĩ một trong những lời khuyên là quý vị phải gợi nhớ lại Tam Bảo mọi lúc. Trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm cần phải nhớ đến Tam Bảo. Bất cứ lúc nào chúng ta thấy căng thẳng, khó khăn, hoặc cảm thấy buồn bã đôi chút, đây là những thời điểm phù hợp nhất để cầu nguyện Ruộng Phước và Tam Bảo. Những lúc đó, người ta đánh mất dũng khí để đối diện thử thách. Nếu con người có dũng khí đương đầu với thử thách thì không còn khó khăn gì nữa. Điều quan trọng nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, quý vị cần dũng lực mạnh mẽ; và khi đó việc cầu nguyện sẽ mang lại dũng khí. Khoảng 3 hoặc 4 năm trước, một dịp nọ tôi di chuyển từ Nam Ấn Độ đến vùng Đông Ấn. Chuyến bay kéo dài khoảng 4 giờ và tôi phải đổi chuyến bay một lần. Tôi đến một thành phố ở Nam Ấn là thành phố Bangalore. Thành phố Bangalore rất xa tu viện, tôi nghĩ khoảng sáu giờ đi đường. Chúng tôi đến Bangalore rất muộn vào ban đêm và phải bay tiếp vào sáng sớm hôm sau. Đêm hôm đó, khi đến Bangalore, một đệ tử của tôi phát hiện đã quên giấy căn cước. Khi tôi biết thì tôi đã rất hốt hoảng và nghĩ làm sao chúng tôi có thể đi tiếp vào ngày mai được. Đó là một tình huống rất khó khăn đối với tôi. Nếu đợi lấy thẻ căn cước cho học trò tôi thì tôi phải hoãn chuyến bay thêm một ngày, nhưng mọi kế hoạch đã được ấn định và người ta đã thông báo rộng rãi; như vậy thì tôi phải hoãn lại tất cả. Ý tôi là rất khó để sắp xếp. Lúc đó đã rất khuya rồi, khoảng 11 hoặc 12 giờ đêm khi chúng tôi đến đó. Tôi không thể chợp mắt trong khoảng 10 hoặc 15 phút. Tôi phải nghĩ nên hủy bỏ hay hoãn chuyến bay hôm sau? Tôi phải nghĩ rất kỹ. Khi suy nghĩ thì tôi nói, “Thôi được, dù chuyện gì xảy ra vào ngày mai thì chúng ta cũng phải nói sự thật rằng chúng ta quên giấy tờ ở sân bay. Hãy xem điều gì xảy ra vào ngày mai.” Một cách khác là nói dối rằng chúng ta bị thất lạc tất cả ở sân bay [Rinpoche cười]. Tôi đã cầu nguyện và nghĩ mình sẽ nói sự thật. Tôi đã không suy nghĩ quá nhiều chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ nghĩ là mình sẽ nói sự thật vào ngày mai. Khi nghĩ như vậy thì tôi ngủ rất ngon [Rinpoche cười]. Sau đó, khi đến sân bay, tôi rất hoang mang về chuyện gì sẽ xảy ra. Nhân viên an ninh sân bay yêu cầu trình giấy tờ, và tôi nói rằng học trò của tôi đã quên không mang giấy tờ. An ninh sân bay nói “Không sao cả” và họ nói tôi hãy xin con dấu từ nhân viên văn phòng an ninh sân bay chứng tỏ học trò tôi quên mang giấy tờ tùy thân. Khi tôi có được con dấu thì họ cho chúng tôi lên máy bay. Ý của tôi là trong tình huống khó khăn vào đêm đó, nếu tôi nghĩ quá nhiều, nếu tôi không cầu nguyện thì đêm đó tôi không thể ngủ. Nếu có quá nhiều tư tưởng đến trong tâm tôi, có nên hủy chuyến đi hay không, có nên hoãn chuyến bay hay không, tôi phải làm gì, v.v…, quá nhiều ý nghĩ đến trong tâm, lúc đó giải pháp duy nhất với tôi là cầu nguyện và xin sự chỉ dẫn từ Ruộng Phước.

Đôi khi, những vấn đề trong cuộc sống rất phức tạp. Nếu suy nghĩ quá nhiều thì chúng ta sẽ khiến chúng phức tạp hơn nữa. Đôi lúc, khi vấn đề phức tạp, nếu tâm ta căng thẳng thì chúng ta không thể giải quyết thỏa đáng. Đối với những vấn đề phức tạp, trước hết tâm ta cần phải được giải phóng khỏi căng thẳng, khi đó chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề tốt hơn. Để làm tâm ta bớt căng thẳng và bình tĩnh hơn, trước hết chúng ta phải cầu nguyện, và rồi chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề tốt hơn nhiều.

Trong cuộc sống, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn và phức tạp, chắc chắn chúng sẽ làm tâm ta phiền nhiễu. Khi chúng phiền nhiễu tâm ta, chúng ta không thể suy nghĩ rõ ràng về vấn đề đó nữa. Chính vì vậy, mỗi khi phải đương đầu với vấn đề phức tạp, trước hết tâm ta phải được giải phóng khỏi phiền nhiễu. Điều này rất quan trọng. Để làm cho tâm an tịnh hơn khi phải đối mặt với những vấn đề phức tạp, hoặc khi quý vị cảm thấy căng thẳng, quý vị hãy cầu nguyện. Khi bắt đầu cầu nguyện thì tâm quý vị sẽ an tịnh hơn, ít bị phiền nhiễu hơn. Bước thứ hai, bấy giờ quý vị có thể suy nghĩ về vấn đề phức tạp hoặc khó khăn đó. Trong tu viện, đôi lúc chúng tôi phải thảo luận và đôi khi vấn đề được thảo luận trở nên rất nan giải và không được trôi chảy. Tôi thường nói các đệ tử hãy thưởng thức trái cây và trà. Lúc đó thì tâm của họ trở nên an tịnh hơn. Tiếp theo, ở bước thứ hai, cuộc thảo luận không như trước nữa. Đôi khi, việc thảo luận diễn ra rất bất thường. “Bất thường” có nghĩa là sự thảo luận trở nên rất gay gắt, vì mỗi người đều có ý kiến riêng của mình và ai cũng cố gắng bài bác ý của người khác thật gay gắt. Những lúc như vậy, tôi thường nói với họ, “Được rồi, chúng ta có thể uống nước trái cây.” Sau đó thì họ trở nên rất bình thản. Tiếp theo đó, việc thảo luận diễn ra tốt hơn nhiều. Một lời khuyên sau khi quy y là hãy cầu nguyện Tam Bảo mọi lúc. Do đó, quý vị hãy cầu nguyện Tam Bảo mỗi khi căng thẳng và phiền muộn. Khi quý vị gặp thách thức, khi những vấn đề phức tạp nảy sinh, trước hết hãy cầu nguyện, và rồi tâm quý vị sẽ trở nên an tịnh. Khi tâm càng ít bị phiền nhiễu thì quý vị có thể suy nghĩ về những vấn đề phức tạp đó tốt hơn rất nhiều, như tôi vừa nói.

Khi chúng ta cầu nguyện, nhiều tư tưởng tích cực sẽ đến. Khi quý vị phát khởi nhiều thiện niệm, chúng sẽ làm tăng trưởng năng lượng tích cực trong cơ thể. Chúng ta cần rất nhiều năng lượng tích cực trong cơ thể. Đôi khi, quý vị có thể thấy nếu có nhiều năng lượng tích cực trong cơ thể thì chúng ta sẽ có cơ hội cao hơn để hồi phục nhanh chóng hơn khỏi bệnh tật. Một số người bị bệnh giống nhau, cách chữa trị cũng giống nhau, nhưng vài người khỏi bệnh nhanh chóng hơn. Họ nhanh chóng khỏi bệnh vì trong cơ thể họ có rất nhiều năng lượng tích cực. Như tôi đã nói, cầu nguyện Ruộng Phước và quán tưởng hào quang trắng đến từ Ruộng Phước hòa nhập vào cơ thể chúng ta là điểm then chốt để làm sinh khởi năng lượng tích cực trong cơ thể.

Những lời khuyên khác là gì?

Người dịch [đọc từ sách]: Hãy hướng dẫn người khác quy y. Bạn nên ngăn người khác tích lũy ác nghiệp. Bạn nên hướng dẫn những người không tin tưởng kính trọng Tam Bảo nhưng có thể dẫn dắt bằng luận lý, làm cho họ quy y bằng cách vô tình nói đến những đức tính của Tam Bảo trong câu chuyện. Bất cứ việc gì bạn làm, hãy đặt tin tưởng vào Tam Bảo.

Rinpoche: Hướng dẫn người khác quy y Tam Bảo nghĩa là cho họ lời khuyên đúng đắn. Trong thế giới này, có rất nhiều người đang phạm ác hạnh. Nhiều người phạm ác hạnh mà không biết; họ không biết rằng mình đang phạm ác hạnh. Chính vì vậy, kinh sách dạy chúng ta phải ngăn cản người khác phạm ác hạnh. Khi bản thân đã quy y thật sự, ít nhất chúng ta có thể hướng dẫn người khác, chỉ cho họ biết đâu là tà hạnh và đâu là thiện hạnh. Điều quan trọng là hướng dẫn cho người khác, những người nghe theo quý vị, đâu là ác hạnh và đâu là thiện hạnh.

Một dịp nọ, có lẽ khoảng một tuần trước, tôi đến một trường cao đẳng y tế. Những gì tôi nói không liên quan đến Phật pháp. Sinh viên trường cao đẳng y tế sẽ trở thành những bác sĩ tương lai, vì vậy tôi chỉ ra cho họ tầm quan trọng của mối liên hệ bệnh nhân–bác sĩ. Thông thường, bác sĩ chỉ cố chữa trị thân bệnh; họ không cố gắng tìm hiểu tâm lý người bệnh với lòng bi mẫn và sự quan tâm nhiều hơn. Liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ đôi khi chỉ dựa trên tiền bạc, họ không được kết nối với nhau qua sự quan tâm và lòng bi mẫn. Tôi đã nói với sinh viên rằng sứ mệnh của người bác sĩ là chữa trị không chỉ với trách nhiệm, mà phải có lòng bi mẫn và sự quan tâm nhiều hơn nữa. Tôi biết rằng trong trường y, họ chỉ tập trung vào cách chữa bệnh. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Chúng ta cần thêm một điều nữa. Tôi cảm thấy tôi phải hướng dẫn họ không chỉ chữa thân bệnh, mà còn phải đối xử với người bệnh bằng lòng bi mẫn và sự quan tâm cẩn thận hơn nữa. Tôi cảm thấy nếu bệnh nhân và bác sĩ thiết lập được mối liên hệ dựa trên lòng bi mẫn và sự quan tâm sâu sắc của bác sĩ đối với người bệnh, thì người bệnh sẽ tin tưởng bác sĩ hơn và việc điều trị sẽ tiến triển tốt hơn.

Kinh nói rằng phải giúp đỡ người khác không phạm vào ác hạnh, phải không? Tốt! Có rất nhiều người không biết rằng mình đang phạm ác hạnh. Họ có thể làm nhiều điều tốt hơn, nhưng họ lại không biết như vậy. Một khi chúng ta chỉ cho họ biết thì có thể làm lợi lạc cho họ rất nhiều. Sau buổi nói chuyện, tôi có cảm giác những gì tôi vừa nói rất mới mẻ đối với các sinh viên trường y. Vài sinh viên thật sự hứng thú với những gì tôi nói. Họ hỏi tôi làm sao để chữa trị bệnh nhân tốt hơn nữa. Bấy giờ thì họ đã suy nghĩ được theo hướng đó. Trước đó, họ chỉ nghĩ theo hướng chuyên môn, như là kê toa, chích thuốc; họ không hề nghĩ về những khía cạnh khác vì họ chưa từng nghe về những điều đó.

Sau khi quy y, chúng ta phải hướng dẫn người khác không phạm ác hạnh bằng cách cho họ lời khuyên. Như quý vị thấy trong phần lời khuyên khi quy y, có nhiều lý do để nói như vậy. Vào dịp nọ, khoảng một năm trước, có một cặp vợ chồng thỉnh cầu tôi cầu nguyện trong nhà họ. Tôi không biết họ là vợ chồng, là người Ấn Độ và không phải là Phật tử. Một người bạn của họ thỉnh tôi cầu nguyện trong nhà họ. Trước khi tôi đến nhà họ, người bạn của họ, là đệ tử của tôi, đã nói rằng họ không phải là Phật tử, và người vợ hiện đang mắc bạo bệnh. Bà ấy có vấn đề về phổi và có thể đột tử bất cứ lúc nào, một chứng bệnh rất nguy hiểm. Tôi đến nhà họ cầu nguyện trong khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó, người vợ hỏi tôi đã cầu nguyện gì. Tôi nói rằng tôi đã tiến hành thiền cho và nhận. Tôi nghĩ quý vị đều biết, nhận về khổ đau của người khác và trao cho họ hạnh phúc của mình. Lúc đó tôi nói với bà ấy, “Nguyện cho khổ đau của bà nảy nở trên tôi! Nguyện cho hạnh phúc của tôi nảy nở trên bà.” Khi tôi nói như vậy, bà ấy vô cùng kinh ngạc. Lúc đó, bà ta nói, “Sao? Làm sao thầy có thể nghĩ như vậy được, nhận lấy khổ đau của tôi về thầy? Làm sao mà thầy có thể nghĩ như thế được?” Bà ấy thật sự kinh ngạc bởi trước đây bà ta chưa từng nghe về pháp hành đó.

Có một điều là thế giới này ngày càng trở thành một thế giới rất rất ích kỷ. Con người ngày càng trở nên ích kỷ hơn nữa. Họ không hiểu những lời khuyên về việc suy nghĩ cho lợi lạc của người khác, vì họ quá ích kỷ. Như tôi đã nói, ở trường y, tôi nói với các sinh viên rằng sau khi tốt nghiệp họ sẽ trở thành bác sĩ, và họ phải trở thành những lương y. Những gì họ cần nghĩ là phải chữa trị bệnh nhân một cách tử tế. Khi thế giới ngày càng ích kỷ, mọi người, chẳng hạn như những sinh viên trường y này, nghĩ rằng họ phải trở thành bác sĩ có danh tiếng. Đó chính là thái độ vị kỷ. Tôi nói với họ rằng khi các bạn trở thành một bác sĩ, các bạn cần nghĩ rằng mình sẽ chữa trị cho bệnh nhân thật tử tế, thật tử tế.

Chính vì vậy, một trong những lời khuyên là phải hướng dẫn người khác không phạm ác hạnh. Điều quan trọng nhất là quý vị phải bắt đầu từ gia đình mình, từ bạn thân của mình. Dần dần, quý vị phải chỉ cho họ đâu là thiện hạnh và đâu là ác hạnh. Tuy nhiên, nhiều lúc quý vị khuyên họ không nên phạm ác hạnh nhưng họ vẫn không nghe lời quý vị. Khi người khác không nghe theo, quý vị cũng đừng buồn. Thế giới này là vậy. Luân hồi là vậy. Bởi thế, có những người chẳng bao giờ nghe theo.

Khi tôi còn nhỏ, khoảng 8-9 tuổi, thầy tôi luôn la mắng tôi vì tôi không chịu nghe lời [Rinpoche cười]. Nhiều khi thầy yêu cầu chúng tôi làm bài tập về nhà, tôi nói tôi không làm bài tập. Tôi cũng không để cho những bạn cùng trang lứa làm bài. Tôi rủ họ đi chơi [Rinpoche cười]. Vì vậy thầy tôi lúc nào cũng la mắng tôi. Mỗi khi quý vị chỉ cho người khác đâu là đúng và đâu là sai, vài người sẽ không nghe quý vị. Tuy nhiên, nếu họ không nghe lời quý vị thì cũng không có lý do gì để buồn bã.

Để hướng dẫn người khác không phạm ác hạnh, trước hết chúng ta phải nhìn lại chính mình. Trước đây chúng ta đã từng phạm bao nhiêu ác hạnh? Mỗi khi nhìn ra bất cứ ác hạnh nào mình đã phạm phải, quý vị phải quán tưởng Ruộng Phước và thỉnh cầu sự tha thứ từ Ruộng Phước. Cầu xin tha thứ từ Ruộng Phước rất dễ dàng. Tuy nhiên, quý vị cũng phải nghĩ đến những người đã làm điều sai trái với quý vị, và trong tâm quý vị phải cố gắng thứ lỗi cho họ. Điều này khá khó. Trong tâm ý, quý vị phải cố gắng tha thứ cho họ. Tha thứ trong tâm có nghĩa là quý vị không cần phải gặp họ và nói rằng mình đã tha thứ. Quý vị không cần gặp và nói với họ. Hãy cố gắng nghĩ đến 2 hoặc 3 người mà quý vị không ưa, và nghĩ đến những điều sai trái mà họ đã gây ra cho quý vị, và tha thứ cho họ từ trong tâm. Đây là bước thực hành thứ hai. Bước thứ nhất là nghĩ đến những ác hạnh quý vị đã làm và thỉnh cầu sự tha thứ từ Ruộng Phước; điều này không khó. Bước thứ hai khó hơn một chút.

Quý vị có thể mở video lên được không? Có bao nhiêu người trong số quý vị duy trì thực hành thiền 10 phút mỗi ngày? Tôi đã yêu cầu quý vị thực hành trong 1 tuần phải không? Những ai đã thực hành 5 phút thì rất tốt. Những ai chưa thực hành 5 phút cũng rất tốt. Cả hai đều rất tốt!

Những ai cảm thấy tiến bộ sau 4-5 ngày thì hãy giơ tay? Quý vị có cảm nhận được sự cải thiện sau khi thực hành thiền định không?

Tâm rất lạ. Chỉ với thực hành nhỏ, quý vị có thể thấy khác biệt lớn. Bài tập về nhà hôm nay, quý vị cần làm 2 điều. Thứ nhất, quý vị hãy nghĩ về những hành vi sai trái mình đã phạm phải, và thỉnh cầu tha thứ từ Ruộng Phước hoặc Tam Bảo. Thứ hai, quý vị phải nghĩ đến 3 người mà mình không ưa, và nghĩ đến những hành động sai trái họ đã gây ra cho quý vị, và sau đó cố gắng tha thứ cho họ từ trong tâm. Tha thứ là một trong những thực hành nhẫn nhục ba-la-mật (paramita). Có sáu ba-la-mật, ba-la-mật thứ ba là nhẫn nhục ba-la-mật.

Hai tuần trước, một người mẹ và người con trai đến gặp tôi. Đó là một câu chuyện rất rất buồn. Người con bị gẫy chân. Tôi nghĩ người con khoảng 30 tuổi. Người mẹ kể rằng con của bà trên đường đi làm về đã bị những người say rượu vô cớ đánh đập. Chúng đánh con bà chấn thương cổ, không những vậy, chúng đá và đấm anh ta dã man và làm hư một quả thận của anh. Họ hỏi tôi, “Tại sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy? Bây giờ chúng con phải làm gì, bởi giờ đây con cảm thấy rất căng thẳng.” Tôi nói họ hãy nghĩ rằng đó chính là hậu quả của ác nghiệp mà họ phải gánh chịu. Tuy nhiên ở mặt khác, hãy cố gắng suy nghĩ tích cực hơn về những người đã gây ra những điều tồi tệ này. Bà hãy cố gắng tha thứ họ từ trong tâm. Mặt khác, họ nói với tôi đã kiện những người kia ra tòa. Tôi nói rằng họ phải theo đuổi vụ kiện những kẻ say rượu, thậm chí nếu phải kiện lên tòa án cấp cao hơn, họ cũng không nên dừng theo đuổi vụ kiện. Họ phải theo đuổi vụ kiện vì họ có chính nghĩa, vì vậy phải kiện đến cùng. Tuy nhiên, trong tâm thì phải tha thứ. Tha thứ quan trọng hơn. Khi quý vị không thể tha thứ thì tâm sẽ càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, tha thứ trong tâm không có nghĩa là quý vị không nên kiện ra tòa. Họ nói với tôi vụ việc đã được đưa ra tòa, và tôi nói rằng họ phải theo đuổi vụ kiện thậm chí phải kiện lên tòa án cấp cao hơn. Họ phải kiện vì họ có quyền và có chính nghĩa. Suy nghĩ trong tâm và hành động ngoài thân có thể không hoàn toàn giống nhau. Tha thứ trong tâm rất quan trọng. Tuy nhiên, quý vị không cần nói “Được rồi, tôi không kiện các anh ra tòa,” hành động đó không đúng.

Dịp nọ, tôi nghĩ là ở trạm tàu hỏa New Delhi, chúng tôi đang di chuyển bằng tàu hỏa. Ở Ấn Độ có nhiều nhân viên xếp dỡ hành lý. Tôi hỏi một nhân viên giờ tàu chạy. Nhân viên đó trả lời tôi một cách rất thô lỗ. Anh ta lớn tiếng với tôi và nói, “Sao ông lại hỏi tôi?” Lúc đó tôi cảm thấy rất thương anh ta và nghĩ rằng có lẽ đã có rất nhiều người hỏi anh ta cùng một câu hỏi đó và anh ta đã mệt mỏi. Tôi cảm thấy rất thương anh ta và dĩ nhiên là tôi có thể tha thứ cho lời nói thô lỗ của anh ta đối với tôi. Khi tôi có thể tha thứ và cảm thấy xót thương anh ta thì lời nói thô lỗ của anh không thể làm tôi tổn thương.

Bây giờ, quý vị hãy chọn 2 hoặc 3 người mà mình không thích. Tiếp theo, quý vị hãy nghĩ về những điều xấu ác mà họ đã gây ra cho quý vị, và cố gắng tha thứ cho họ từ trong tâm. Nếu quý vị cảm thấy khó tha thứ thì hãy bỏ qua người mà quý vị ghét nhất, chỉ nghĩ đến người nào quý vị chỉ ghét một chút. Tha thứ trong tâm và tha thứ qua hành động là hai điều khác nhau. Tha thứ trong tâm rất quan trọng. Về hành động, quý vị phải căn cứ vào tình huống và điều kiện; quý vị phải suy nghĩ rất thấu đáo, giống như trường hợp hai mẹ con tôi vừa kể. Về hành vi, tình huống đó phải được tòa án phân xử, quý vị phải kiện những kẻ say rượu ra tòa và theo đuổi vụ kiện. Đó là hành động qua thân. Trong tâm, quý vị không nên khởi tâm thù hận họ, quý vị phải tha thứ. Khi quý vị thấy khó tha thứ cho người mà quý vị ghét nhất, nguyên nhân chính là quý vị nghĩ quá nhiều cho bản thân, “tôi, tôi.” Anh ta hoặc cô ta đã gây chuyện cho “tôi, tôi, tôi.” Nếu nghĩ quá nhiều cho bản thân thì quý vị sẽ khó tha thứ. Đó là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy, mục đích chính của Pháp là giảm thiểu suy nghĩ quá mức cho bản thân. Khi có thể giảm thiểu suy nghĩ quá mức cho bản thân, quý vị sẽ ít nóng giận, ít chấp ngã và mọi ác niệm đều giảm thiểu. Đó là mục đích chính của Pháp.

Hôm nay quý vị phải làm bài tập về nhà. Sau khi thực hành một ít, quý vị sẽ thấy thay đổi lớn sau một tháng. Học Phật pháp không phải là học những điều mới mẻ. Đó là những thay đổi mới mẻ đến với tâm của quý vị. Đó là điều quan trọng nhất. Học Phật pháp không phải là học những thứ mới mẻ; thay vào đó, những thay đổi mới mẻ đến trong tâm quý vị. Thay đổi mới mẻ sẽ đến trong tâm khi quý vị chỉ thực hành đôi chút.

Cảm ơn tất cả quý vị! [Rinpoche nói “Cảm ơn rất nhiều bằng tiếng Việt và Ngài cười]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 02/01/2015.