05-08-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 11 - Ngày 05/08/2012.

- lễ lạy và cầu nguyện Ruộng Phước

- các bước thực hành cầu nguyện đúng đắn

- mục đích của cúng dường

- đối trị sân hận, bám chấp và tham vọng

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­

Tuần thứ 11

Như Thị Thất, ngày 05 tháng 08 năm 2012

 

Chào quý vị! Trước hết là bản tin tiếng Việt! [Rinpoche cười]

Hôm nay chúng ta sẽ có một bài cầu nguyện nhỏ trước buổi học. Tôi nghĩ quý vị đã có bài cầu nguyện Guru Puja. Trong lúc quý vị tìm bài cầu nguyện, tôi sẽ bắt đầu buổi học.

Lần trước chúng ta dừng ở đâu? Ngày thứ 4 hay Ngày thứ 5? [Người dịch: Lần trước chúng ta dừng ở Ngày thứ 5] Tôi nghĩ lần trước tôi nói về quán tưởng Ruộng Phước phải không? [Người dịch: Dạ phải] Thỉnh cầu Ruộng Phước có nghĩa là quán tưởng Ruộng Phước. Tôi nghĩ lần trước tôi nói về Ruộng Phước. Sau khi thỉnh cầu Ruộng Phước, quý vị bắt đầu Thất chi nguyện. Tôi nghĩ lần trước tôi đã nói một ít về lễ lạy. Sau khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị phải lễ lạy. Có hai cách lễ lạy: lễ lạy bán thân và lễ lạy toàn thân. Cách nào thuận tiện cho quý vị thì quý vị thực hành cách đó. Nếu quý vị không thể lễ lạy bằng thân thì có thể lễ lạy qua ý. Quý vị phải hiểu ý nghĩa của lễ lạy. Tôi nghĩ lần trước tôi đã nói ý nghĩa của lễ lạy, có phải không? Tôi nghĩ tôi đã giảng xong cách lễ lạy vào buổi trước. Điều quan trọng khi lễ lạy là túc số không quan trọng. Dù quý vị lễ lạy một lần hay hai lần, số lượng cũng không quan trọng. Điều quan trong duy nhất là quý vị phải lễ lạy đúng đắn. Đó là điều quan trọng nhất.

Sau khi lễ lạy, quý vị phải cúng dường. Nếu không có thời gian rỗi thì quý vị có thể quán tưởng Ruộng Phước, sau đó lễ lạy và cúng dường qua ý. Cúng dường qua ý rất đơn giản. Bằng tâm ý quý vị có thể cúng dường bất cứ điều gì mình thích lên Ruộng Phước. Cúng dường qua ý là cách dễ nhất để tích tập công đức. Ai cũng có thể cúng dường qua ý, không khó để tiến hành cúng dường qua ý. Thời xa xưa, người ta thường cúng dường hoa, nước… bằng tâm ý. Theo quan điểm mật điển thì có bảy món cúng dường. Quý vị có nhớ lần trước chúng ta đã bàn qua một chút về cúng dường trong mật điển không? Trong mật điển, chúng ta có bảy món cúng dường khác nhau. Sau khi quán tưởng Ruộng Phước, quý vị phải lễ lạy qua ý, sau đó đến cúng dường.

Có hai cách cúng dường. Thông thường, khi nhìn thấy một món đồ tốt ở chợ hoặc bất cứ đối tượng tốt đẹp nào, quý vị có thể cúng dường lên Ruộng Phước bằng tâm ý. Quý vị cũng có thể cúng dường người mà mình không ưa lên Ruộng Phước. Cúng dường người mà quý vị không ưa lên Ruộng Phước sẽ giúp quý vị giảm thiểu sân giận đối với người đó. Khi gặp người mình không ưa thì quý vị thường nổi giận. Vì vậy, mỗi khi gặp người mình không ưa, quý vị hãy cúng dường người đó lên Ruộng Phước.

Trước mỗi lần cầu nguyện với Ruộng Phước, quý vị phải lễ lạy và cúng dường qua ý. Lễ lạy và cúng dường phải được tiến hành trước khi cầu nguyện. Điều này cũng giống như khi quý vị nhờ người khác giúp đỡ, trước hết quý vị phải hứa hẹn với họ một điều gì đó. Tương tự, trước khi cầu nguyện với Ruộng Phước, quý vị phải cúng dường, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là khi cúng dường lên Ruộng Phước, quý vị sẽ tích tập được công đức. Khi chúng ta có công đức mãnh liệt thì sẽ dễ dàng nhận được gia trì từ Ruộng Phước.

Có một người luôn cầu nguyện với Phật và chư thiên. Tuy nhiên, anh ta luôn thất bại. Anh ta không mấy thành công và đối mặt với nhiều vấn đề. Anh ta có một người láng giềng. Người láng giềng của anh ta không hề tin vào Phật hay chư thiên nhưng lại rất thành công trong cuộc sống. Do đó, một ngày kia anh ta khấn, “Tôi luôn cầu nguyện với các ngài nhưng cuộc đời tôi không thành công và tôi gặp rất nhiều vấn đề. Hàng xóm của tôi chẳng bao giờ tin vào các ngài nhưng lại rất thành công. Tại sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy?” Khi đó chư thiên trả lời, “Ông luôn than phiền với tôi, còn hàng xóm của ông không bao giờ than phiền cả.” Vì vậy, mỗi khi cầu nguyện thì chúng ta hay than thở. Chúng ta không biết cách cầu nguyện. Chúng ta luôn than thở. Khi cầu nguyện, nếu quý vị biết cách cầu nguyện thì bài cầu nguyện sẽ hiệu quả hơn. Như tôi đã nói, có bảy bước thực hành [Thất chi nguyện], và pháp hành thứ sáu là cầu nguyện. Hiện tại chúng ta đang nói về bước thứ nhất và thứ hai [lễ lạy và cúng dường]. Trước khi cầu nguyện, quý vị phải cúng dường lên Ruộng Phước trong tâm ý.

Quý vị cũng cần phải hiểu mục đích của cúng dường. Cúng dường có vài mục đích. Trước hết, mục đích của cúng dường là để tích tập công đức. Mục đích thứ hai là để giảm thiểu bám chấp và sân hận của quý vị. Thông thường, khi người ta thấy những đối tượng đẹp đẽ thì họ sẽ sinh khởi sự bám chấp vào những đối tượng đó. Bây giờ, mỗi khi thấy những đối tượng đẹp đẽ, quý vị hãy cúng dường lên Ruộng Phước. Bằng cách này quý vị có thể giảm thiểu bám chấp vào những đối tượng đó. Mỗi khi gặp người mà quý vị không ưa, quý vị có thể cúng dường người đó lên Ruộng Phước bằng tâm ý; điều này giúp quý vị giảm thiểu sân hận. Mỗi khi gặp người mình không ưa và quý vị phát khởi sân hận, nó sẽ trở thành thói quen. Bây giờ chúng ta phải thay đổi thói quen của mình. Nếu nổi giận một lần, quý vị sẽ nổi giận lần thứ hai, và nó sẽ trở thành thói quen. Một khi nó đã trở thành thói quen thì bất cứ khi nào gặp người mình không ưa, quý vị sẽ tự nhiên nổi giận. Một khi nó đã trở thành thói quen thì rất khó từ bỏ. Để từ bỏ thói quen thì quý vị phải làm gì? Quý vị phải huân tập thói quen mới. Thói quen mới chính là mỗi khi gặp người mình không ưa, quý vị chỉ cần cúng dường anh ta lên Ruộng Phước bằng tâm ý. Lần thứ nhất hay lần thứ hai sẽ rất khó thực thiện, có thể quý vị sẽ không thể thực hiện đúng được. Tuy nhiên, nếu quý vị thực hành thì nó sẽ dễ dàng hơn. Nó sẽ trở thành thói quen mới của quý vị. Khi đã trở thành thói quen thì nó sẽ giúp quý vị giảm thiểu nóng giận rất dễ dàng. Đây là một pháp hành thực tế.

Thông thường, người ta chỉ thực hành Pháp vào buổi sáng sớm và họ quên Pháp trong suốt thời gian còn lại trong ngày. Quý vị không nên như vậy. Đó là Phật tử buổi sáng. Đừng trở thành Phật tử buổi sáng, nghĩa là quý vị chỉ thực hành Pháp vào buổi sáng và trong toàn bộ thời gian còn lại của cuộc đời, quý vị lại nổi giận, bám chấp, và khởi lên nhiều ác niệm… Đừng trở thành Phật tử buổi sáng! Việc thực hành Pháp phải đi vào đời sống hàng ngày của quý vị. Nếu việc thực hành Pháp không thể đi vào đời sống hàng ngày của quý vị thì quý vị không phải là một hành giả tốt. Khi mỗi ngày quý vị nổi giận nhiều hơn thì quý vị sẽ đau khổ hơn. Khi quý vị bám chấp và tham vọng nhiều hơn thì quý vị sẽ đau khổ hơn. Người có ít bám chấp và tham vọng sẽ hạnh phúc hơn người có nhiều bám chấp và tham vọng. Điều này rất đơn giản, vì khi quý vị tham vọng quá nhiều thì sẽ rất khó để thỏa mãn tất cả tham vọng đó. Khi tất cả tham vọng của quý vị không được thỏa mãn thì quý vị sẽ đau khổ. Bám chấp là nguyên nhân của tham vọng. Nếu quý vị khởi tâm bám chấp thì tham vọng sẽ đến.

Một điều quan trọng nữa, quý vị gọi “attachment” trong tiếng Việt là gì? [Người dịch: bám chấp] Còn “desire”? [Người dịch: tham vọng] Chúng có phải là hai từ khác nhau trong tiếng Việt không? [Người dịch: Dạ phải] Tốt! Trong vài ngôn ngữ thì rất khó để phân biệt hai từ này. Đức Phật luôn có rất ít bám chấp. Có một câu nói của ông Warren Buffett, “Khi bạn mua những thứ không cần thiết thì bạn phải bán những thứ cần thiết.” Ở đây, ông ta không biết cách kiểm soát để không mua những thứ không cần thiết. Ông ta không biết. Chúng ta phải kiểm soát bám chấp của mình, từ đó chúng ta sẽ không mua những thứ không cần thiết nữa. Khi chúng ta mua những thứ không cần thiết thì chúng ta phải bán những thứ cần thiết; điều này rất đúng. Vì sao chúng ta lại mua những thứ không cần thiết, ngay cả khi chúng ta biết chúng không cần thiết? Chúng ta mua vì bám chấp và tham vọng. Nếu quý vị có thể kiểm soát bám chấp, không cần kiểm soát 100% mà chỉ cần một phần nhỏ, thì quý vị có thể tiết kiệm nhiều tiền. Quý vị cũng sẽ chi tiêu ít hơn [Rinpoche cười] Với tôi, mỗi khi muốn mua món gì đó, tôi sẽ liệt kê những thứ mình cần, ví dụ tôi cần năm món. Sau đó tôi chỉ mua ba trong số năm món đó và tôi không mua hai món còn lại dù tôi cần chúng. Đức Phật đã dạy một điều, “Người hoàn toàn vượt qua bám chấp là người hạnh phúc nhất.” Do đó, bám chấp kéo theo tham vọng. Khi bám chấp quá mãnh liệt thì quý vị có rất nhiều tham vọng. Khi có quá nhiều tham vọng nhưng không thể làm thỏa mãn tất cả thì quý vị sẽ đau khổ. Vì vậy, mỗi khi thấy một vật dụng đẹp đẽ ở chợ, quý vị hãy cúng dường lên Ruộng Phước; điều đó giúp quý vị giảm thiểu bám chấp. Tôi có một đệ tử nhỏ tuổi khoảng 9 hay 10 tuổi. Tôi hỏi cậu ấy, “Khi rảnh rỗi con thường làm gì?” Cậu ấy trả lời tôi khi rảnh cậu ta thường nghĩa đến những món ăn ngon như mì xào [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ “chow mein” khá giống với “mì xào” ở Việt Nam, có phải không? Thức ăn Tây Tạng và thức ăn Trung Hoa rất giống nhau. Thậm chí với một chú tiểu nhỏ tuổi, bởi bám chấp mà chú ta luôn nghĩ đến việc ăn những món ngon.

Tôi sẽ nghỉ giải lao năm phút. Hãy gọi tôi sau năm phút, được chứ? Sau năm phút nghỉ tôi sẽ cầu nguyện.

Bây giờ chúng ta bắt đầu cầu nguyện. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho một số người. Chúng ta hãy quán tưởng Ruộng Phước tiến hành lễ lạy, cúng dường như tôi đã hướng dẫn. Sau đó, quý vị nghĩ rằng có ánh sáng trắng đến từ Ruộng Phước không chỉ hòa tan vào những người cần cầu nguyện hôm nay, mà còn hòa tan vào tất cả chúng sinh. Sau đó, hãy nghĩ rằng họ đều vượt qua khổ đau của mình.

Quý vị có thể cầu nguyện bằng tiếng Việt. Tôi sẽ đọc bằng tiếng Tây Tạng. Trước thời cầu nguyện chúng ta đã học lý thuyết. Bây giờ chúng ta sang phần thực hành. Bây giờ quý vị hãy thực hành quán tưởng trong khi cầu nguyện. Chúng ta đã học lý thuyết và bây giờ quý vị đã biết mình phải làm gì.

Hôm nay quý vị có món cúng dường nào trên bàn thờ không? Hãy cho tôi xem bàn thờ. Khi tụng bài cầu nguyện này, quý vị có thể bày biện bàn thờ. Bài cầu nguyện này có thể gia trì bản thân chúng ta, gia trì thực phẩm và gia trì cõi giới. Khi cầu nguyện quý vị hãy quán tưởng như tôi đã hướng dẫn. Tôi sẽ đọc tiếng Tây Tạng, quý vị có thể đọc tiếng Việt. Ở Tây Tạng có một câu nói rằng bài cầu nguyện của số đông sẽ mãnh liệt hơn. Khi có nhiều người cùng nhau cầu nguyện thì bài cầu nguyện sẽ hiệu quả hơn. Bây giờ chúng ta cùng nhau cầu nguyện, do đó đây là bài cầu nguyện của số đông, rất nhiều người. Tôi nghĩ tôi đã nói với quý vị phải làm gì trong thời cầu nguyện. Bây giờ chúng ta bắt đầu. Người khởi xướng cầu nguyện bằng tiếng Việt có thể bắt đầu.

Trong suốt thời cầu nguyện quý vị phải thực hiện một vài tay ấn. Tôi sẽ hướng dẫn sau. Nếu quý vị chưa hoàn thành bài cầu nguyện thì có thể tiếp tục sau thời giảng. Sau khi hoàn tất cầu nguyện, quý vị phải nghĩ rằng với công đức tích tập được qua thời cầu nguyện này, nguyện cho thành tựu của công đức làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh và làm lợi lạc cho những người quý vị đang cầu nguyện cho họ. Mỗi khi tiến hành cầu nguyện, trước khi cầu nguyện quý vị phải thực hiện các bước như tôi đã hướng dẫn. Hôm nay tôi đã nói hai bước: lễ lạy và cúng dường. Điều quan trọng là trước khi cầu nguyện, quý vị phải tích tập công đức và tịnh hóa ác hạnh. Hai việc này rất quan trọng. Bản thân bài cầu nguyện sẽ không hiệu quả nếu thiếu việc tích tập công đức và tịnh hóa ác hạnh.

Điều quan trọng nhất là quý vị phải thực hành mỗi ngày. Khi đã là một Phật tử và học Phật pháp, quý vị nên biết cách kiểm soát bản thân. Đó là điều quan trọng nhất. Kiểm soát bản thân nghĩa là kiểm soát tâm ý. Kiểm soát tâm ý nghĩa là ngày càng trở nên hạnh phúc hơn. Hạnh phúc hơn và bớt khổ đau; đó là kiểm soát tâm ý. Tôi nghĩ tôi đã nói với quý vị vài lần. Trong truyền thống Tây Tạng xa xưa, có một câu mà tất cả các vị đạo sư đều nói, “Bất cứ điều gì bạn học được từ Phật pháp đều phải được đưa vào thực hành.” Tương tự, bất cứ điều gì tôi đã nói với quý vị, quý vị cần phải đưa vào hành trì. Đừng nghĩ rằng để thực hành Pháp thì quý vị phải đến chùa hoặc một nơi tĩnh lặng nào đó. Quý vị có thể thực hành Pháp mọi lúc và mọi nơi. Thực hành Pháp chỉ là thay đổi đường lối tư duy của quý vị. Đó là thực hành Pháp. Tôi nghĩ đã vài lần tôi nói với quý vị rằng nếu quý vị có thời gian suy nghĩ thì quý vị sẽ có thời gian thực hành Pháp. Nếu quý vị nói rằng mình không có thời gian dùng thân lễ lạy, không sao cả. Nếu quý vị nói rằng mình không có thời gian tụng chú, không sao cả. Quý vị vẫn còn thời gian để thực hành Pháp. Tuy nhiên, nếu quý vị nói rằng mình không có thời gian suy nghĩ thì quý vị không còn thời gian để thực hành Pháp.

Cảm ơn tất cả quý vị! Hẹn gặp lại! [Rinpoche nói “Hẹn gặp lại!” bằng tiếng Việt]

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 25/09/2014.