05-05-2013
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 29 - Ngày 05/05/2013

- khổ đau ở địa ngục và của loài súc sinh

- khổ đau ở cõi người

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­

Tuần thứ 29

Như Thị Thất, ngày 05 tháng 05 năm 2013

 

Hôm nay chúng ta bắt đầu từ Ngày thứ 11 của Giải thoát trong lòng tay. Nói chung, phần này dạy về nỗi khổ của các cõi giới. Vũ trụ này có 6 cõi. Phần này nói về nỗi khổ trong 6 cõi. Chúng ta đang ở cõi người, và có khổ đau ở cõi người, khổ đau ở địa ngục, khổ đau của loài quỷ đói, khổ đau ở cõi trời, khổ đau của loài súc sinh và khổ đau của loài a-tu-la. Ngày thứ 11 nói về khổ đau ở cõi người và pháp thực hành thiền quán khổ đau ở cõi người. Quý vị sẽ nghĩ “Giới thiệu về khổ đau cho mọi người để làm gì?” Có một câu nói, “Nếu không nếm vị đắng thì bạn sẽ không biết vị ngọt.” Chính vì vậy, ở đây kinh văn bàn rất nhiều về khổ đau. Khi biết có rất nhiều nỗi khổ hiện diện trên thế gian này thì quý vị sẽ thấy mình may mắn đến chừng nào. Nói chung, kinh văn nói rất nhiều về khổ đau ở địa ngục và của loài súc sinh. Khi nhìn vào hai loại khổ này, chúng ta sẽ cảm thấy rất may mắn. Trên thế giới có hàng triệu và hàng triệu người không có thực phẩm để ăn. Nếu nghĩ về những điều này thì quý vị sẽ thấy mình may mắn đến chừng nào.

Thế giới này là nơi loài người và loài thú chung sống. Nếu quý vị nhìn vào cõi súc sinh thì sẽ thấy chúng chịu rất nhiều nỗi khổ. Trong cõi người cũng có rất nhiều vấn đề và khổ đau. Khi nhìn vào rắc rối và khổ đau của loài súc sinh và loài người thì quý vị sẽ cảm thấy “Ôi, tôi thật may mắn vì không phải chịu những vấn đề đó.” Tôi còn nhớ nhiều năm trước, Nepal phải đối mặt với tình trạng khan hiếm xăng dầu. Có lúc xăng dầu trở nên rất khan hiếm, các phương tiện phải xếp hàng chờ 4-5 giờ để mua 10 lít xăng. Có lúc tình hình diễn ra như thế, không phải lúc nào cũng vậy. Lúc đó, tôi có hỏi chuyện một vài tài xế đang chờ, “Các ông chờ mua 10 lít xăng thật khổ sở.” Một tài xế nói với tôi, “Không đâu! Đâu có gì khổ sở! Trước đây chúng tôi phải chờ đến 10 tiếng, bây giờ chỉ phải chờ 4 tiếng thôi.” Người đàn ông đó nhìn vào vấn đề và không xem đó là khó khăn; bởi ông ấy so sánh nó với vấn đề trầm trọng hơn nên cho rằng việc đó chẳng đáng gì cả, trước kia ông ta phải chờ đến 10 tiếng đồng hồ. Lúc đó rất may mắn vì họ chỉ phải chờ 4 giờ mà thôi. Thật sự việc chờ đợi để mua 10 lít xăng có phải là vấn đề hay không, điều đó tùy thuộc vào cách nhìn nhận của quý vị. Mọi thứ trong cuộc sống, mọi vấn đề của chúng ta đều tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận chúng. Chính vì vậy, pháp hành lamrim đề cập đến khổ đau của những chúng sinh khác. Nhìn vào họ thì chúng ta sẽ thấy mình may mắn ra sao.

Ngày thứ 11 dạy về khổ đau. Ở cõi người, chúng ta có 4 loại khổ đau. Quý vị phải hiểu một điều: Một khi đã được sinh ra làm người trên thế gian này, chúng ta không nên tìm sự hoàn hảo trong mọi thứ, chúng ta sẽ không có được điều đó. Đối với toán học thì quý vị có thể có được câu trả lời hoàn hảo. Nếu hỏi 2+2 bằng bao nhiêu thì 2+2=4 là câu trả lời hoàn hảo. Cuộc sống thì không như toán học, quý vị sẽ không thể có được sự hoàn hảo trong mọi điều. Nếu quý vị cố gắng làm mọi thứ hoàn hảo thì điều đó bất khả thi, bởi chúng ta được sinh ra ở một cõi có quá nhiều vấn đề rắc rối. Chúng ta phải chấp nhận điểm này. Đó là lý do Đức Phật dùng chữ “luân hồi.” Điều chúng ta cần nghĩ là làm cho mọi thứ tốt hơn, điều đó chúng ta có thể làm được. Khi nhìn vào những vấn đề trong cuộc sống thì chúng ta phải làm cho chúng tốt đẹp hơn. Đó là điều quan trọng nhất. Có thể chúng ta không thể làm cho mọi thứ trở thành hoàn hảo, nhưng ít nhất phải làm chúng trở nên tốt hơn. Chính vì vậy, kinh văn đề cập đến những điều rắc rối ở cõi người và trong cuộc sống con người. Ở Ngày thứ 11, kinh văn nói nhiều đến khổ đau ở cõi người và ở địa ngục. Tôi nghĩ kinh nói về khổ đau ở địa ngục trước. Ở đây có một câu hỏi lớn, “Địa ngục ở đâu?” Khi quý vị hỏi như vậy, địa ngục và những nơi tương tự tồn tại qua các trạng thái tâm. Trong các trạng thái tâm có địa ngục. Thậm chí nếu quý vị nhìn vào thế giới loài người, đôi khi chúng ta khiến cho cuộc sống của mình không khác gì địa ngục. Địa ngục là như vậy, khi một người muốn chết, anh ta sẽ sinh vào địa ngục. Người đó sẽ cảm nhận được trạng thái tâm mình, mọi sự hiện hữu và môi trường xung quanh đều thay đổi, trở nên rất khó chịu và hung tợn.

Khoảng 700-800 năm về trước có một bậc thầy vĩ đại ở Tây Tạng. Ở thời khắc lâm chung, vị thầy nói rằng ước muốn của ông chưa được thỏa mãn. Người ta hỏi ông vì sao lại nói như vậy. Vị thầy nói, “Tôi nguyện được tái sinh vào địa ngục, nhưng bây giờ tôi nghĩ mình sẽ không được sinh vào địa ngục nữa. Tôi chỉ có một ước nguyện đó thôi.” Khi quý vị có lòng bi mẫn mãnh liệt với hết thảy chúng sinh thì việc sinh vào địa ngục không còn khó khăn nữa. Ngày thứ 11 bàn rất nhiều về khổ đau ở địa ngục. Nói chung, địa ngục được chia làm hai loại: ngục nóng và ngục lạnh. Trong ngục nóng, chúng sinh bị thiêu đốt và những điều tương tự. Trong ngục lạnh, họ bị giá rét và run lẩy bẩy. Trong kinh diễn tả như vậy. Tôi nghĩ kinh văn nói về địa ngục đã hàng ngàn năm trước, bây giờ là thế kỷ 21, có thể địa ngục cũng rất phát triển rồi [Rinpoche cười]. Có một người đàn ông chết và bị đọa địa ngục. Ông ta kinh ngạc vì có quá nhiều loại ngục khác nhau. Ông có thể chọn giữa ngục Mỹ, ngục Đức, nhiều ngục khác… Diêm Vương nói với ông, “Ông đã bị đọa địa ngục, bây giờ ông phải chọn ngục ông muốn vào.” Ông ta đến ngục Mỹ và thấy ở đó người ta bị bắt ngồi ghế điện suốt 3 giờ. Họ bị chích điện, rồi sau đó lũ quỷ Mỹ đến đánh đập họ suốt 4-5 giờ. Ở ngục Đức cũng giống như vậy, bị chích điện và đánh đập,… Rồi ông ta đến ngục Ấn Độ. Có rất nhiều người chọn đến ngục Ấn, họ đang xếp hàng rất dài. Ông ta rất ngạc nhiên và hỏi những người trong ngục, “Tại sao ai cũng muốn vào ngục Ấn vậy?” Ông ta hỏi đâu là điểm khác biệt và điểm đặc biệt của ngục Ấn. Họ nói với ông rằng ở ngục Ấn, khi chúng bắt ông ngồi vào ghế điện thì cúp điện. Hơn nữa, khi lũ quỷ Ấn đến thì chúng không đánh đập ông vì chúng chỉ tán gẫu với nhau hàng giờ liền [Rinpoche cười]. Chính vì vậy ai cũng muốn vào ngục Ấn.

Nói chung, trong đạo Phật, khi nói đến địa ngục thì địa ngục hiện hữu qua trạng thái tâm của chúng ta. Thậm chí trong cõi người, một số người thật sự như đang sống trong địa ngục. Chính vì vậy, quý vị có thể thấy kinh văn nói rất nhiều đến khổ đau ở địa ngục trong Ngày thứ 11. Quý vị có thể đọc về những khổ đau ở địa ngục. Khi nghĩ đến những nỗi khổ này, chúng ta phát khởi tâm bi mẫn. Đó là điều quan trọng nhất. Điểm thứ hai là chúng ta phải cảm thấy vui sướng vì mình đã không sinh vào địa ngục, không phải chịu đựng khổ đau nơi địa ngục. Vì vậy mà kinh văn đã nói đến khổ đau ở địa ngục và của loài quỷ đói. Theo quan điểm của Phật giáo thì có nhiều cõi giới khác nhau hiện hữu trong vũ trụ, hiện tại chúng ta có thể thấy cõi thế gian này là nơi chung sống của loài người và loài thú. Có những cõi khác gọi là cõi địa ngục, cõi quỷ đói. Quý vị đã từng nghe đến bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” chưa? Bộ phim nói về nhiều cõi khác nhau trong vũ trụ. Trong bộ phim đó có một cõi tên là Shire, là nơi chung sống của loài người và loài quỷ. Vài năm trước, tôi gặp một cô gái khi đó đang làm luận án tiến sĩ. Cô ấy gọi tôi vài lần và muốn nói chuyện với tôi. Sau đó tôi hẹn gặp một lần, và cô ấy đi khá xa để đến nói chuyện với tôi. Cô ấy người Ấn Độ. Khi tôi nghe đề tài luận án của cô thì tôi rất ngạc nhiên. Cô ấy viết luận án về Harry Potter [Rinpoche cười]. Cô ấy nói cô muốn viết luận án vì cô thấy tác giả của Harry Potter lấy ý tưởng về phép thuật từ văn hóa phương Đông. Cô ta muốn hỏi tôi nét tương đồng giữa Harry Potter và Phật giáo Tây Tạng. Cô ấy nói muốn chứng tỏ tác giả đã lấy ý tưởng từ văn hóa phương Đông [Rinpoche cười].

Theo quan điểm Phật giáo, vũ trụ này là nơi được chia sẻ giữa nhiều cõi. Chúng ta nói về loài người, quỷ đói và súc sinh. Nhưng có một điểm là tất cả họ đều là chúng sinh. Họ khác giống loài, nhưng tất cả đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Đó là điểm cơ bản. Khi Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên ở thành Ba La Nại (Varanasi), Ngài đã dạy về khổ đau. Khi giảng bài pháp đầu tiên thì Ngài đã nói về khổ đau, vì Đức Phật muốn dạy và nhắc nhở chúng ta về khổ đau. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể vượt qua được khổ đau. Bước thứ nhất để vượt qua khổ đau là chúng ta phải hiểu nó. Thậm chí, khi bị nhức đầu hoặc đau dạ dày, nếu muốn hết bệnh thì trước hết chúng ta phải hiểu về căn bệnh khiến mình đau đớn, sau đó mới tìm được cách chữa trị. Trước hết quý vị phải hiểu được bản chất căn bệnh, rồi mới hết bệnh được. Có một chú tiểu nói với tôi là chú vừa đi học về và đến gặp tôi. Tôi hỏi chú ta tại sao lại có thể về giữa buổi học, làm sao xin phép giáo viên được. Chú ấy kể tôi cách chú ấy xin phép giáo viên. Chú ta nói khi muốn xin phép thì chú nói với thầy rằng chú không được khỏe. Chú nói là chú bị ốm. Thầy giáo hỏi chú bị bệnh gì. Chú ta mới nói là chú bị nhức đầu, viêm họng, đau dạ dày… Trước khi chú ta dứt lời thì thầy giáo đã xen ngang, “Thôi được rồi! Được rồi! Con về đi.” [Rinpoche cười] Khi quý vị muốn hết bệnh thì trước hết phải hiểu mình đang bị bệnh gì. Đó là điểm thứ nhất. Chính vì vậy, trước hết Đức Phật dạy về khổ đau, rồi sau đó Ngài dạy về cách vượt qua khổ đau. Ngài dạy về khổ đau, và dạy rằng chúng ta phải hiểu khổ đau. Nếu muốn cảm nhận vị ngọt thì quý vị phải ăn quả chanh đắng. Nếu muốn biết vị cay thì quý vị phải ăn thức ăn Ấn Độ [Rinpoche cười].

Thực hành lamrim đề cập đến việc quán chiếu khổ đau ở cõi người. Tôi không nói chi tiết về khổ đau ở địa ngục và của loài quỷ đói, quý vị có thể đọc thêm trong kinh. Tôi sẽ nói về khổ đau ở cõi người vì chúng có liên quan nhiều hơn đến cuộc sống của chúng ta. Có vài nỗi khổ hiện diện nơi cõi người.

Nỗi khổ thứ nhất là khổ vì sự bất định. Ở cõi người, mọi thứ đều bất định. Đây là một trong những nỗi khổ ở cõi người. Tiếp theo là khổ vì bệnh, già và chết. Có rất nhiều nỗi khổ ở cõi người và chúng ta phải chấp nhận chúng. Đặc biệt là khổ vì bệnh, già, chết và khổ vì sự bất định. Tôi không biết quý vị có xem số 4 là con số đen đủi ở Việt Nam hay không. Ở Trung Hoa, họ xem số 4 là một số rất đen đủi, vì khi phát âm thì “4” nghe giống với “chết.” Vì vậy họ nghĩ số 4 rất đen đủi [Rinpoche cười]. Điều đó cho thấy cái chết là một điều mà mọi người không mong muốn. Chắc chắn chúng ta không thể thoát khỏi cái chết, như tôi đã nói lần trước. Chúng ta phải biết rằng trước khi chết, mình phải sống an lạc, đúng đắn và hạnh phúc. Đó là điều quan trọng nhất. Phật pháp luôn khuyến khích mọi người hiểu biết cách sống đúng đắn. Có một điều quý vị cần hiểu là khi Đức Phật dạy về khổ đau, những nỗi khổ đó không phải của riêng quý vị mà là của toàn nhân loại. Khi quý vị nghĩ như vậy thì có thể giảm bớt nỗi khổ. Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một người mẹ ôm xác đứa con của bà đến gặp Phật. Bà ấy khẩn cầu Đức Phật hãy mang con của bà trở lại từ cõi chết, hãy làm nó sống lại. Đức Phật nói bà có thể làm được chuyện đó, làm cho con bà sống lại. Ngài nói, “Ta có thể làm được, nhưng bà phải mang cho ta tro từ nhà nào chưa hề có người chết, ta sẽ làm cho con bà sống lại.” Thời đó, khi người ta nấu ăn thì họ đốt cây và còn lại tro trong nhà bếp. Bà ta đi khắp làng để tìm tro từ nhà chưa từng có người chết. Bà tìm kiếm suốt ngày, nhưng đã không thể tìm được dù chỉ một nhà nói rằng ở đó chưa từng có người chết. Bà ta trở lại gặp Phật và thưa rằng bà không thể tìm ra nhà nào chưa từng có ai chết. Phật dạy, “Đúng như vậy! Tất cả mọi người đều phải chết chứ chẳng phải riêng gì con bà. Tất cả mọi người đều có cùng nỗi khổ đó.” Tương tự, Đức Phật muốn chuyển tải thông điệp đó đến chúng ta và Ngài đã dạy chúng ta quán chiếu về khổ đau. Bởi đây là nỗi khổ chung của nhân loại, người nào cũng khổ.

Khi người ta đau khổ về vấn đề nào đó, họ sẽ nghĩ vấn đề đó xảy đến với riêng họ mà thôi. Họ sẽ cảm thấy, “Tại sao lại là tôi?” Mỗi khi quý vị bị khổ đau hoặc nghịch cảnh thử thách, trước hết quý vị phải biết rằng không chỉ riêng bản thân mình mà tất cả mọi người đều có vấn đề của họ, có thể giống nhau hoặc khác nhau.  Ai cũng phải đối mặt với nghịch cảnh và trải qua thời gian khốn khó, chứ không riêng gì quý vị. Bởi chúng ta sinh ra trong cõi luân hồi nên ai cũng có nỗi khổ, chúng ta phải chấp nhận điều đó. Nếu không thể chấp nhận điều đó thì chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng hơn. Khi gặp một vấn đề nhỏ, họ nghĩ chỉ riêng mình gặp vấn đề và họ đang khiến cho vấn đề nhỏ trở thành khó khăn lớn.

Khi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên ở thành Ba La Nại, Ngài đã dạy về khổ đau. Vì vậy, lamrim nói về việc thực hành quán chiếu khổ đau. Một điểm khác là quý vị không chỉ nghĩ về khổ đau của bản thân mà phải nghĩ đến khổ đau của mọi người, và của loài thú. Loài thú chịu rất nhiều nỗi khổ, chúng ta phải cố gắng hiểu chúng, đồng thời phải cảm thấy may mắn vì ta đã không sinh ra làm thú. Nhìn vào loài thú, chúng không thể nói chuyện, không thể bày tỏ cảm xúc, tuy nhiên cũng như chúng ta, mọi loài thú đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Như tôi đã nói, nếu quý vị khởi tâm bi mẫn đối với những con chim thì quý vị có thể đến gần mà chúng vẫn không bay đi. Khi quý vị nổi giận và cố đến gần chúng thì chúng sẽ cảm nhận được. Quý vị không làm gì nhưng chúng vẫn có thể cảm nhận được. Theo kinh nghiệm của tôi là như vậy. Quý vị cũng có thể làm thử. Có lần tôi khởi tâm từ bi đối với những con chim và cố đến gần chúng. Lần khác tôi nổi giận và thử đến gần chúng, quý vị có thể thấy sự khác biệt. Theo kinh nghiệm của tôi thì loài chim có thể nhận ra khi chúng ta khởi tâm từ bi; còn khi chúng ta nổi giận thì thậm chí chúng ta không làm gì cả, khi ta cố đến gần chúng thì chúng sẽ bay đi. Khi quý vị khởi tâm từ bi với loài chim thì có một vấn đề nhỏ đó là chúng sẽ làm tổ gần nhà quý vị [Rinpoche cười]. Lũ chim đến gần cửa sổ nhà tôi và làm tổ. Sau đó tôi phải đuổi chúng đi [Rinpoche cười]. Có thể quý vị sẽ thắc mắc vì sao tôi phải đuổi chúng. Một lần nọ, tôi không biết tên loài chim, chúng rất đẹp. Tôi nghĩ đó là loài chim hiếm ở Nam Ấn. Chúng làm tổ gần cửa sổ nhà tôi, ngay lúc đó thì tôi rất thích. Nhưng rất buồn là khi chim mẹ đẻ 3 trứng thì lũ quạ đến ăn hết trứng trong tổ. Lúc trông thấy cảnh đó thì tôi rất buồn. Gần cửa sổ nhà tôi cũng không an toàn lắm. Tôi nghĩ chúng nên chọn một chỗ khác sẽ tốt hơn.

Chính vì vậy, lamrim nói về khổ đau của loài súc sinh. Khi nghĩ về loài súc sinh thì chúng ta sẽ cảm thấy mình may mắn vì đã không sinh ra làm thú. Rồi khi nghĩ đến khổ đau của chúng sinh khác thì chúng ta sẽ cảm thấy may mắn vì mình không phải chịu những nỗi khổ đó. Tôi nghĩ tôi luôn nói với quý vị rằng đôi lúc chúng ta quên mình may mắn đến thế nào. May mắn hay đen đủi tùy thuộc vào quý vị, cách quý vị nghĩ về bản thân mình. Khi quý vị thay đổi suy nghĩ về thế giới, chắc chắn quý vị sẽ thấy mình thật sự may mắn. Khi cảm thấy mình may mắn thì quý vị sẽ cảm nhận được niềm vui của cuộc sống. Tôi nghĩ lần trước tôi kể một câu chuyện, có lẽ quý vị đều nhớ. Có ba đứa trẻ xin mẹ chúng cho ăn cam, nhưng người mẹ đưa chúng ba quả chanh. Đứa trẻ thứ nhất hét lên, “Con xin cam sao mẹ lại đưa con chanh?” Đứa thứ hai cố gắng ăn quả chanh. Tôi nghĩ Phong cũng làm y hệt vậy [Rinpoche cười]. Đứa thứ ba thêm nước và đường để pha nước chanh. Ba đứa trẻ xin mẹ chúng cam nhưng người mẹ lại cho chanh, một đứa trách móc, một đứa cố ăn chanh, còn đứa kia pha nước chanh. Đôi lúc trong cuộc sống, những gì chúng ta mong muốn sẽ không đến. Chúng ta có thể mong quả cam nhưng không thể có được, mà chỉ được quả chanh. Tuy nhiên, khi có quả chanh thì đừng làm theo hai đứa trẻ đầu, mà hãy làm theo đứa thứ ba, cố gắng tìm nước và đường để pha nước chanh. Tương tự, trong cuộc sống, đôi khi chúng ta không thể có được những gì mình mong muốn, chúng ta phải biết cách thích ứng. Loại đường tốt nhất để thêm vào nước chanh đó chính là quán chiếu về khổ đau của chúng sinh. Khi suy nghĩ về khổ đau của chúng sinh thì thậm chí nếu có người gây nhiều khó khăn cho quý vị thì quý vị cũng sẽ khởi tâm bi mẫn với họ thay vì nổi giận.

Dịp nọ khi tôi du hành bằng tàu hỏa, tôi hỏi một người đàn ông giờ tàu đến bến. Người đó đã trả lời tôi rất thô lỗ. Khi ông ta trả lời thô lỗ thì tôi nghĩ, có lẽ ông ấy đang gặp khó khăn vì phải lên và xuống tàu nhiều lần để bán trà, có lẽ ông ta trải qua một ngày rất vất vả. Tôi cảm nhận được khổ đau nơi ông nên thay vì nổi giận vì câu trả lời thô lỗ, tôi khởi tâm bi mẫn với ông ấy. Đây là một trong những điểm rất quan trọng, nghĩ về khổ đau của chúng sinh. Thậm chí khi quý vị trải qua giai đoạn khốn khó, nếu nghĩ về khổ đau của người khác thì quý vị sẽ cảm thấy thoải mái. Tâm con người rất lạ. Khi khó khăn và nghịch cảnh đến, quý vị sẽ cảm thấy “Tại sao tôi gặp những vấn đề này, còn người khác thì không?” Tuy nhiên, khi chúng ta thành công thì lại không nghĩ “Tại sao tôi đạt được điều này mà không phải là người khác?” Chúng ta không nghĩ như vậy. Trong trường hợp trúng số thì quý vị sẽ không nghĩ tại sao mình trúng số mà không phải là người khác, có hàng ngàn người khác cũng chơi nhưng tại sao không phải là họ. Quý vị sẽ không nghĩ như vậy. Khi mất món gì đó như 10 đô-la hoặc 100 đô-la, quý vị lại nghĩ “Tại sao tôi lại bị mất tiền mà không phải là người khác?”, bởi cách chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực và lầm lạc. Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta quán chiếu về nỗi khổ của chúng sinh, và cũng vì vậy mà kinh văn đề cập đến khổ đau ở các cõi, như quý vị thấy trong Ngày thứ 11.

Hôm nay tôi dừng ở đây. Quý vị hãy cầu nguyện cho chúng sinh thoát khỏi mọi nỗi khổ của họ, không chỉ cho riêng bản thân. Tôi phải dừng vì tôi có chuyện khác phải làm. Quý vị hãy cầu nguyện cho người vừa qua đời, tôi nghĩ tên của những người đó sẽ được viết ra. Cảm ơn quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 05/11/2014.