04-11-2012
Giải Thoát Trong Lòng Tay

Bài giảng Giải thoát trong lòng tay - Tuần thứ 17 - Ngày 04/11/2012

- những điểm quan trọng của thực hành Thất chi nguyện 

- các thỉnh cầu tiếp theo sau Thất chi nguyện

Giải Thoát Trong Lòng Tay

Tôn sư Khangser Rinpoche chú giải

 ­Tuần thứ 17

Như Thị Thất, ngày 04 tháng 11 năm 2012

 

Hôm nay tôi sẽ nhắc lại đôi chút về Thất chi nguyện. Đây là điểm quan trọng, tất cả mọi thực hành đều bắt đầu từ Thất chi nguyện. Trước hết, tôi muốn hỏi ba chi phần đầu tiên là gì?

Người dịch: Đại chúng trả lời chi phần thứ nhất là lễ lạy, phần thứ hai là cúng dường, phần thứ ba là tịnh hóa, phần thứ tư là hoan hỷ, phần thứ năm là thỉnh Ruộng Phước chuyển Pháp luân, phần thứ sáu là thỉnh Ruộng Phước trụ thế, phần thứ bảy là hồi hướng.

Rinpoche: Tốt! Rất tốt!

Khi đã hiểu Pháp rồi thì quý vị phải thực hành Pháp; nếu không thì Pháp chỉ là kiến thức suông. Khi hiểu được điều gì thì quý vị phải thực hành. Lấy ví dụ, hai cộng hai bằng bốn, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến đời sống hàng ngày của quý vị; quý vị không phải thực hành theo. Khi hiểu hai cộng hai bằng bốn cũng tốt thôi, và quý vị không cần thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, Phật pháp không giống như vậy. Khi hiểu Pháp thì quý vị phải thực hành Pháp. Đây là điều quan trọng nhất.

Bây giờ quý vị đã biết về Thất chi nguyện. Quý vị không cần phải thực hành theo thứ tự. Quý vị có thể thực hành bất cứ chi phần nào khi có thời gian rỗi. Khi muốn thực hành bước thứ năm thì quý vị có thể thực hành bước thứ năm, khi muốn thực hành bước thứ tư thì quý vị có thể tiến hành bước thứ tư. Quý vị không cần làm theo thứ tự. Trong các bước này, hồi hướng rất quan trọng. Mỗi khi quý vị thực hành bất cứ bước nào và từ đó tích tập công đức, quý vị phải hồi hướng. Quý vị cũng phải thực hành hoan hỷ. Quý vị cần gợi nhớ lại những điều tốt mà mình đã làm cho người khác và hoan hỷ. Hoan hỷ có nghĩa là mỗi khi quý vị làm được điều tốt trong cuộc đời mình hay khi đã thực hành Pháp, quý vị cần nhớ lại và cảm thấy vui mừng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những mặt tiêu cực của bản thân, hoặc chúng ta chỉ nghĩ nhiều đến những gì mình đã đánh mất. Khi nghĩ như vậy thì nó khiến chúng ta đau khổ hơn. Hoan hỷ dạy cho chúng ta nhìn vào mặt tích cực hơn của cuộc sống, chú tâm nhiều hơn đến những gì mình đã đạt được; pháp hành hoan hỷ dạy chúng ta cách nhìn nhận như vậy.

Tôi sẽ cho quý vị một ví dụ. Khi đang đi trên đường hoặc trên một ngọn núi, nếu quý vị tìm được được 10 đô-la thì quý vị sẽ vui, có phải không? Nhưng khi đang đi trên đường hoặc trên núi, nếu mất 10 đô-la thì quý vị sẽ buồn phải không? Ở đây có hai câu hỏi. Cảm xúc nào mãnh liệt hơn? Khi có 10 đô-la quý vị sẽ vui và khi mất 10 đô-la quý vị sẽ buồn; niềm vui hay nỗi buồn mãnh liệt hơn? Câu hỏi thứ hai là cảm xúc nào sẽ tồn tại lâu hơn? Niềm vui hay nỗi buồn sẽ kéo dài hơn? Khi đi trên đường và tìm thấy 10 đô-la thì quý vị sẽ vui. Niềm vui đó kéo dài được bao lâu? Khi đi trên đường và mất 10 đô-la thì quý vị sẽ buồn. Nỗi buồn đó kéo dài trong bao lâu? Trạng thái nào tồn tại lâu hơn? Quý vị hiểu câu hỏi của tôi chứ? Đối với hầu hết mọi người, nỗi buồn kéo dài lâu hơn. Điều đó rất vô lý. Số tiền cùng là 10 đô-la, theo lý luận thì chúng phải như nhau. Nhưng thực tế thì chúng không giống nhau, nỗi buồn mất 10 đô-la kéo dài hơn niềm vui có được 10 đô-la. Tôi nói có đúng không? Quý vị có thể nhìn lại chính kinh nghiệm của mình.

Quý vị có biết vì sao lại như vậy không? Bởi vì tâm chúng ta luôn nhìn vào những điểm tiêu cực và những gì chúng ta đã đánh mất; chính vì vậy nỗi buồn tồn tại lâu hơn. Điều này rất đơn giản nhưng chúng ta vẫn không hề biết. Do đó, trong Phật pháp và trong giáo pháp lamrim luôn dạy rằng chúng ta đều đã có được thân người rất quý báu. Phật pháp dạy chúng ta hoan hỷ, và dạy chúng ta nhìn vào những điểm tích cực hơn trong cuộc sống. Khi nhìn nhiều hơn vào những điểm tích cực và những gì chúng ta đã đạt được, hạnh phúc sẽ tồn tại lâu hơn. Điều này rất đơn giản nhưng chúng ta vẫn không biết. Hoan hỷ nghĩa là quý vị phải nhìn vào những thiện hạnh mình đã làm cho người khác. Bây giờ hãy nhìn lại cuộc đời mình và cố gắng nhận ra những điều tốt đẹp mà quý vị đã làm cho người khác, và hoan hỷ chúng. Đó là điều quan trọng nhất. Quý vị cũng phải nhìn lại những điều xấu mình đã làm cho người khác. Khi đó, quý vị phải ăn năn hối lỗi và tịnh hóa ác hạnh. Làm điều xấu cho người khác nghĩa là quý vị cố ý hãm hại người khác; đó là làm điều xấu cho người khác.

Tôi sẽ cho ví dụ về cố ý và vô tình làm tổn hại người khác. Có sự khác biệt lớn. Lấy ví dụ, khi tôi cầm tràng hạt này, khi tôi giảng dạy Phật pháp, tôi đã gián tiếp làm tổn thương nhiều người. Khi tôi giảng dạy Phật pháp, điều đó gián tiếp làm tổn hại đến những người không muốn Phật pháp phồn thịnh. Tôi không cố ý, tôi không muốn làm họ tổn thương, nhưng vô tình điều đó gây tổn thương cho họ. Chúng ta không xem đó là hành vi gây tổn hại đến người khác. Khi tôi hành động đúng đắn và điều đó lại vô tình làm tổn thương người khác thì tôi không thể làm gì khác. Có một câu nói, “Nguyên nhân của thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.” Thậm chí Đức Phật cũng không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người. Trong cuộc sống, quý vị không nên cố ý hãm hại người khác. Khi nhìn lại và thấy mình đã từng cố ý hãm hại người khác, quý vị phải tịnh hóa những ác hạnh đó. Khi thấy mình đã làm điều tốt cho người khác thì hãy hoan hỷ. Hoan hỷ là điểm rất quan trọng. Khi nhìn lại cuộc đời mình, quý vị cần biết phải hoan hỷ những điểm nào và phải tịnh hóa những điểm nào. Hầu hết chúng ta chỉ đếm những lần mình mất mát mà chúng ta không bao giờ chịu đếm đã bao nhiêu lần mình thành đạt; điều đó khiến chúng ta đau khổ và căng thẳng hơn.

Có một người đàn ông đã lớn tuổi. Mỗi khi tôi nói chuyện với ông ta thì ông ta luôn nói về việc mình đã đánh mất trang trại. Không chỉ với tôi mà mỗi khi ông ta gặp ai thì ông cũng luôn nói rằng mình đã bị mất trang trại. Quý vị có biết ông ta mất trang trại lúc nào không? Việc đó đã xảy ra 40 năm trước! Khi người Tây tạng đến Ấn Độ, chính quyền Ấn Độ đã cấp đất cho người Tây Tạng. Tôi không biết vì sao ông ta không nhận được đất của mình. Vì vậy, trong suốt 40 năm ông ấy cứ luôn nhắc đi nhắc lại là mình đã bị mất trang trại. Điều đó khiến ông ta đau khổ hơn, vì ông ta cứ đếm đi đếm lại những gì mình đã đánh mất suốt 40 năm. Nhắc lại như vậy có giúp ông ta lấy lại được mảnh đất không? Không, ông ta sẽ không lấy lại được, nhưng ông vẫn cứ nhắc lại và điều đó khiến ông ta đau khổ. Tất cả chúng ta cũng đang hành xử như vậy. Chúng ta tạo ra nhiều điều phiền phức nho nhỏ, và khiến cho bản thân đau khổ.

Điều quan trọng nhất là thực hành Phật pháp phải mang đến thay đổi trong cuộc sống của quý vị. Nếu không có đường thì ít nhất quý vị phải cố gắng ăn quả chanh mà không phản kháng lại [Rinpoche cười]. Tôi nghĩ quý vị đều nhớ câu chuyện về quả cam và quả chanh mà tôi đã kể lần trước.

Hôm nay tôi nói những điểm quan trọng về thực hành Thất chi nguyện. Chi phần cuối cùng là hồi hướng, nghĩa là hồi hướng công đức quý vị đã tích tập được cho hạnh phúc của hết thảy chúng sinh hữu tình. Bây giờ quý vị đã biết về Thất chi nguyện, bước tiếp theo là thực hành. Khi thực hành thì quý vị sẽ có kinh nghiệm; như vậy sẽ tốt hơn. Tôi sẽ kể một câu chuyện. Có một người đàn ông chết và bị đọa địa ngục. Có rất nhiều ngục: ngục Mỹ, ngục Nga, ngục Pháp,… Tên quản ngục nói, “Ông có thể chọn bất cứ ngục nào. Ông đã bị đọa vào địa ngục và có thể chọn ngục Mỹ, ngục Nga, Pháp hoặc bất cứ ngục nào.” Ông ta đến xem ngục Mỹ trước. Trong ngục Mỹ, tội nhân bị bắt ngồi vào ghế điện và bị chích điện suốt hai giờ. Sau đó, những con quỷ Mỹ sẽ đến đánh đập tội nhân trong bốn giờ. Ông ta thấy những điều đó trong ngục Mỹ. Sau đó, ông ta đến ngục Nga, ngục Pháp và thấy tất cả các ngục đều giống nhau, không có gì khác biệt. Trong ngục Pháp, tội nhân cũng phải ngồi ghế điện và bị chích điện suốt hai giờ. Sau đó, những con quỷ Pháp sẽ đến đánh đập tội nhân trong bốn giờ. Rồi ông ta đến ngục Ấn Độ. Có rất nhiều người đứng trước ngục Ấn. Ai cũng muốn vào ngục Ấn. Ông ta rất đỗi tò mò và ngạc nhiên, tại sao nhiều người chọn ngục Ấn đến như vậy. Tất cả đều như nhau, đâu là điểm khác biệt? Một người nói với ông ta là có một khác biệt nho nhỏ khiến chúng tôi đều chọn ngục Ấn. Ông ta hỏi, “Khác ở chỗ nào?” Người kia nói, “Ngục Ấn rất khác! Ở ngục Ấn, khi ông ngồi vào ghế điện, chúng không thể chích điện ông được vì … cúp điện. Khi mấy con quỷ Ấn đến thì chúng cũng không đánh đập ông mà chỉ tán gẫu và cười đùa với nhau. Chúng chẳng bận tâm.” Quý vị sẽ cảm nhận mẫu chuyện vui này rất khác nếu đã từng đến Ấn Độ. Nếu chưa từng đến Ấn Độ thì mẫu chuyện này không hài hước lắm đối với quý vị. Phật pháp cũng như vậy. Khi thực hành và trải nghiệm, Phật pháp sẽ hoàn toàn khác biệt. Nếu không thực hành và không trải nghiệm thì Phật pháp không có gì đặc biệt lắm. Tương tự đối với Thất chi nguyện, khi quý vị thực hành, trải nghiệm và thấy được kết quả, pháp vị sẽ rất khác. Ở tu viện Sera, mỗi ngày chúng tôi thường phải chịu cảnh mất điện suốt 6-8 tiếng đồng hồ. Vài ngày trước chúng tôi bị mất điện suốt 12 giờ. Trong Thất chi nguyện, hồi hướng là điểm quan trọng nhất. Sau khi tích tập công đức thì quý vị phải hồi hướng công đức cho thành tựu hạnh phúc của hết thảy chúng sinh.

Sau Thất chi nguyện, chúng ta bước sang phần “Những cầu xin tiếp theo phần giáo huấn truyền khẩu cốt để đảm bảo dòng tâm thức của bạn đã thấm nhuần thiền định.” Bởi vì tâm rất xao động, do đó trước khi hành thiền hoặc mỗi khi tâm quý vị bị phiền nhiễu, quý vị cần phải kiểm soát tâm mình bằng cách tập trung vào hơi thở. Trong khi hành thiền, mỗi khi tâm bị xao lãng, hãy thở sâu và tập trung tâm ý vào hơi thở. Tôi nghĩ tôi đã đề cập điều này trước đây, có phải không? Nếu vẫn không thể nào tập trung tâm ý đúng đắn, quý vị cần bắt đầu tiến hành đếm hơi thở: thở vào đếm 1, thở ra đếm 2, tương tự đối với 3, 4… Khi đếm hơi thở thì quý vị sẽ cảm thấy mình tập trung tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế điều đó không có nghĩa là quý vị đã tập trung tốt hơn, mà quý vị chỉ cảm thấy như vậy khi đếm hơi thở mà thôi. Khi đếm hơi thở thì quý vị sẽ thấy dễ hơn và cảm thấy mình tập trung tốt hơn, vì quý vị đang tiến hành hai việc: tập trung vào hơi thở và đếm hơi thở. Khi làm hai việc cùng lúc thì quý vị cảm thấy mình tập trung tốt hơn. Thực tế thì định tâm của quý vị chưa hề được cải thiện; quý vị chỉ cảm nhận sự cải thiện vì đang làm hai việc cùng lúc. Khi quý vị chỉ duy nhất tập trung vào hơi thở thì sẽ cảm thấy khó khăn, bởi vì quý vị chỉ làm một việc. Khi buộc tâm làm hai việc thì tâm lại làm tốt hơn. Điều này rất lạ.

Đối với con người, khi quý vị giao một việc thì họ sẽ làm tốt. Tuy nhiên, nếu quý vị giao hai việc thì họ sẽ cảm thấy khó hơn. Nhưng tâm thì lại rất khác. Khi quý vị cố gắng tập trung vào một đối tượng thì sẽ rất khó. Khi tâm cố gắng nghĩ đến hai hoặc ba thứ khác nhau thì lại dễ dàng hơn. Ví dụ, khi tôi yêu cầu quý vị chỉ tập trung vào tràng hạt này thì quý vị sẽ cảm thấy khó một chút. Nhưng khi tôi yêu cầu quý vị nghĩ đến tràng hạt, rồi căn nhà, rồi tràng hạt, rồi căn nhà… thì quý vị sẽ cảm thấy dễ hơn.

Quý vị gọi “house” là gì? [Người dịch: Nhà.] Nhà. Thì ra là vậy! Quý vị gọi “yellow” là gì? [Người dịch: Vàng.] Vàng. “Yellow house” là “vàng nhà” phải không? Tên tôi là “Vàng Nhà” [Rinpoche cười, người dịch: Đó là nhà vàng. Tên của Thầy là Nhà Vàng ư?] Đúng rồi, tên tôi là Khangser Rinpoche. “Khangser” có nghĩa là “nhà vàng” [Rinpoche cười] Nhưng chớ hỏi vì sao người ta gọi tôi là nhà vàng [Rinpoche cười]. Đó là câu chuyện dài, có thể tôi sẽ phải trở lại 80 hoặc 90 năm trước.

Mỗi khi quý vị cố tập trung vào hơi thở và cảm thấy khó khăn, hãy đếm hơi thở: thở vào 1, thở ra 2… Làm như vậy quý vị sẽ thấy dễ hơn vì quý vị đang làm hai việc cùng lúc. Sau này khi quý vị có thể tập trung thật sự thì không cần làm như vậy nữa, không cần phải tập trung đếm hơi thở nữa. Khi có thể định tâm được thì quý vị bắt đầu thỉnh cầu. Quý vị có thể quán tưởng Đạo Sư ngự trên đĩa hoa sen, đĩa mặt trời và đĩa mặt trăng. Quý vị có thể thấy bài cầu nguyện:

Khẩn cầu Bổn Sư:

Hỡi Bổn Sư tôn quý của con, xin hãy an vị

Trên tòa sen và nguyệt luân ở đỉnh đầu con.

Xin thương xót con vì lòng bi mẫn.

Cho con những thành tựu về thân lời ý.

(Giải thoát trong lòng tay, Quyển 1, trang 356)

Quý vị thấy không? Một điều nữa là quý vị có thể quán tưởng Ruộng Phước trên đỉnh đầu mình mỗi khi hành thiền. Mỗi khi ăn, quý vị quán tưởng Ruộng Phước ngự nơi trung tâm của luân xa tim, và nghĩ rằng quý vị đang cúng dường thực phẩm lên Ruộng Phước. Mỗi khi nằm, quý vị có thể quán tưởng Ruộng Phước phía trên luân xa tim và cầu nguyện. Đây là những điều quý vị cần thực hành. Thậm chí khi làm việc, quý vị cũng có thể quán tưởng Ruộng Phước ngự ở phía trên đầu mình.

Hôm nay tôi dừng ở đây. Tôi sẽ dành 10 phút để cầu nguyện. Quý vị có thể tụng Om Mani Padme Hum hoặc tiến hành theo nghi quỹ tôi hướng dẫn lần trước.

Hẹn gặp lại quý vị!

 

*Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam dịch và hiệu đính lần thứ nhất @ 20/10/2014.